Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Thiên Chúa đã trở thành “cụ thể, sinh bởi một người phụ nữ cụ thể, sống một cuộc đời cụ thể, chết một cái chết cụ thể và Ngài yêu cầu chúng ta yêu anh chị em cụ thể”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, mùng 7 tháng Giêng, tại nhà nguyện Santa Marta.
Các lệnh truyền của Thiên Chúa là “cụ thể”, do đó, sự cụ thể là “tiêu chí” của Kitô Giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên quan điểm trên trong Thánh lễ sáng thứ Hai, là thánh lễ đầu tiên tại Casa Santa Marta sau ngày lễ Giáng sinh.
Mô tả các vị thánh là “những người điên cuồng về tính cụ thể”, Đức Thánh Cha nói rằng các vị thánh sẽ giúp chúng ta đi trên con đường này và nhận ra những điều cụ thể theo thánh ý Chúa, trái với những hoang tưởng và ảo tưởng của các tiên tri giả mà Thánh Gioan đề cập đến trong Lá thư thứ Nhất.
Đức Thánh Cha giải thích rằng những gì chúng ta mong muốn nhận được từ Chúa tùy thuộc vào kết ước của chúng ta với Ngài – tức là chúng ta phải tuân thủ các lệnh truyền của Ngài và làm những gì hài lòng Ngài.
Điều đầu tiên cần có ở đây, theo Đức Thánh Cha, là niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một phàm nhân giữa chúng ta bằng xương bằng thịt - Chúa Giêsu, một Thiên Chúa cụ thể, Đấng đã được thụ thai trong lòng Đức Maria, Đấng được sinh ra ở Bêlem, Đấng lớn lên như một đứa trẻ thơ, trốn sang Ai Cập, trở về Nazareth, lớn lên và rao giảng.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Chúa Giêsu là một con người cụ thể, với bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người; chứ không phải là Thiên Chúa ngụy trang như một con người. Điều này, theo Đức Cha, là sự cụ thể trong điều răn thứ nhất.
Điều kiện thứ hai trong kết ước của chúng ta với Thiên Chúa cũng là một điều cụ thể - đó là yêu mến nhau, bằng một tình yêu cụ thể, chứ không phải với một tình yêu tưởng tượng. Không phải là “Ồ, tôi yêu bạn biết chừng nào” để rồi sau đó tiêu diệt người ta bằng miệng lưỡi và những lời vu khống.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tình yêu cụ thể, và nói rằng các giới răn của Thiên Chúa là cụ thể, và do đó, tiêu chí của Kitô giáo là sự cụ thể của nó. Kitô Giáo không phải là tập hợp những ý tưởng và những lời hay ý đẹp nhưng chính là sự cụ thể, đó là một thách đố. Chỉ như thế, chúng ta mới dám xin những gì chúng ta mong muốn nơi Chúa, với “lòng can đảm” và “mạnh dạn”.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng bên cạnh niềm tin cụ thể vào Chúa Giêsu và sự cụ thể trong đức ái, cuộc sống của một Kitô hữu cũng đòi hỏi sự cảnh giác tâm linh. Về điều này, Thánh Gioan đã nói về những cuộc đấu tranh chống lại những ý tưởng phù phiếm và những tiên tri giả, là những người đề nghị một Chúa Kitô “mềm dẻo”, ít cụ thể hơn, và tình yêu dành cho người lân cận tương đối hơn. Vì thế, chúng ta cần phân định xem một nguồn cảm hứng có thực sự đến từ Thiên Chúa hay không, bởi vì có quá nhiều tiên tri giả trong thế giới này và ma quỷ luôn cố gắng làm chúng ta xa cách Chúa Giêsu, và làm mọi cách ngăn không cho chúng ta ở lại trong Ngài.
Đức Thánh Cha nói rằng ngoài việc xét mình về những tội lỗi vào cuối ngày, một Kitô hữu cũng phải tìm hiểu xem những gì đang xảy ra trong trái tim, một nguồn cảm hứng hay sự điên rồ mà đôi khi Thánh Linh đưa đẩy chúng ta đến. Một trường hợp về sự điên rồ của Thiên Chúa cũng có mặt trong Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, đó là một người đàn ông rời Ý hơn 40 năm trước để trở thành một nhà truyền giáo cho những người phong cùi ở Ba Tây. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến Thánh Frances Cabrini là người luôn đi tiên phong trong việc chăm sóc cho người di cư, và nói thêm rằng ta không nên sợ hãi nhưng phải phân định để biết đâu là thánh ý Chúa.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng trong việc phân định này, sẽ rất hữu ích khi có các cuộc trò chuyện tâm linh với những người có thẩm quyền về tinh thần, những người có đặc sủng để giúp chúng ta nhìn rõ mọi sự. Họ có thể là linh mục, tu sĩ, giáo dân và những người khác có khả năng giúp chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra trong trái tim để không phạm sai lầm.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả Chúa Giêsu cũng phải làm điều này khi bắt đầu cuộc sống công khai. Trong sa mạc, ma quỷ đã đề nghị với Ngài ba điều trái với Thần Khí của Thiên Chúa; và Ngài đã thẳng thừng dùng Lời Chúa để bác bỏ chước cám dỗ của ma quỷ. Vì thế, chúng ta cũng không thể là trường hợp ngoại lệ.
Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng ngay cả vào thời Chúa Giêsu, có những người có thiện chí đã nghĩ rằng có một đường lối khác của Thiên Chúa. Những người Pharisêu, Sađốc, Essenes và Zealots, không phải lúc nào cũng chọn con đường tốt nhất. Do đó, chúng ta được mời gọi “hiền lành vâng phục”. dân Chúa phải luôn tiến bước trong đức ái và đức tin cụ thể, đó là một kỷ luật giúp Giáo hội phát triển, tránh xa các thứ triết lý phù phiếm sai lầm như những thứ triết lý của người Pharisêu và người Sađốc.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng chính Thiên Chúa đã trở nên cụ thể, sinh bởi một người phụ nữ cụ thể, sống một cuộc đời cụ thể, chết một cái chết cụ thể và Ngài yêu cầu chúng ta yêu anh chị em cụ thể, ngay cả khi một số người trong họ có thể rất khó mà yêu.
2. Câu Chuyện hàng triệu người rước tượng Chúa chịu nạn tại Phi Luật Tân
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Các tín hữu Công Giáo Phi Luật Tân có một lòng sùng kính đặc biệt đối với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Hàng năm, hàng mấy triệu người tham gia vào một cuộc rước khổng lồ một bức tượng Chúa Giêsu đang vác thánh giá gọi là tượng Black Nazarene. Tượng Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.
Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.
Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.
Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.
Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm nay cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 5 triệu người. Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo. Sau đó, bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.
Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.
Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.
Năm nay cuộc rước tượng Black Nazarene đen đã được khởi động tại thủ đô Manila với thánh lễ nửa đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 do Đức Ông Hernando Coronel, cha sở Tiểu Vương Cung Thánh Đường chủ tế, và Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, thuyết giảng.
Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y kêu gọi anh chị em giáo dân hãy phân biệt giữa lòng sùng đạo và sự cuồng tín.
Đức Hồng Y Tagle cho biết chỉ những ai có lòng sùng kính thực sự mới có thể hiểu được ý nghĩa của ngày lễ này. Ngài nói rằng không giống như những kẻ cuồng tín, những người sùng mộ yêu mến Chúa “vô điều kiện”.
“Kẻ cuồng tín không yêu. Kẻ cuồng tín chỉ bám vào những ai là quan trọng đối với họ”, vị Hồng Y nói. “Nhưng một người sùng mộ thì mộ đạo vì tình yêu, và đó là những gì Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy”.
Theo Đức Hồng Y, người sùng đạo sẽ luôn trung thành vì tình yêu. Những người sùng mộ hiệp nhất với Đấng họ yêu mến, bất kể là trong đau khổ, gian truân, hạnh phúc, hay bệnh tật.
Ngài nhắc nhở người Công Giáo rằng là người tôn sùng tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene không chỉ là một việc chỉ diễn trong một ngày hay chỉ trong buổi lễ này.
“Lòng mộ mến là một hành động hàng ngày. .. Mọi loại hình thái yêu mến, trung thành và hiệp nhất phải diễn ra hàng ngày”, Đức Hồng Y Tagle nói.
3. Sự thờ ơ trái ngược với tình yêu Thiên Chúa
Thiên Chúa bước về phía chúng ta trước và yêu thương chúng ta vì Ngài từ bi và hay thương xót, bất chấp sự thờ ơ của chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, mùng 8 tháng Giêng, tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ hôm Thứ Ba để cầu nguyện cho linh hồn Đức Tổng Giám Mục Giorgio Zur, người vừa qua đời vào tối thứ Hai. Vị Tổng Giám Mục quá cố đã sống ở nhà trọ Santa Marta cùng với Đức Thánh Cha và từng phục vụ trong tư cách là Sứ thần Tòa thánh tại Áo.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Phúc âm trong ngày (Mc 6: 34-44) nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, và Bài đọc thứ nhất, trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan (4: 7-10).
Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Gioan Tông Đồ giải thích về “cách thức Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài nơi chúng ta”. “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7).
Đức Thánh Cha gọi đây là mầu nhiệm tình yêu: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Ngài đã đi bước đầu tiên”. Chúa yêu chúng ta, dù cho chúng ta không biết cách yêu, và “cần sự vuốt ve của Chúa để yêu thương.”
“Bước đầu tiên Chúa chọn là gởi Con của Ngài đến trong thế gian. Ngài sai Con Duy Nhất của Ngài đến để cứu chúng ta và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, để làm mới và tái tạo chúng ta.”
Trình bày các suy tư của ngài về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Đức Thánh Cha nói rằng vì lòng từ bi, Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng đám đông.
“Trái tim của Thiên Chúa, trái tim của Chúa Giêsu, đã bồi hồi xúc động khi nhìn thấy những người này, và Ngài không thể thờ ơ. Tình yêu làm tim ta bồn chồn không yên. Tình yêu không có chỗ cho sự thờ ơ; yêu là từ bi. Nhưng tình yêu có nghĩa là liều trao con tim mình cho người khác; nó có nghĩa là thể hiện ra lòng thương xót.”
Đức Thánh Cha đã mô tả cảnh tượng khi các môn đệ đi tìm thức ăn. Ngài nói rằng Chúa Giêsu đã dạy họ và mọi người nhiều điều, nhưng họ trở nên buồn chán, vì Chúa luôn nói những điều tương tự.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi Chúa Giêsu giảng dạy họ “với tình yêu và lòng trắc ẩn”, có lẽ họ đã bắt đầu nói chuyện với nhau. Họ bắt đầu xem đồng hồ, và nói rằng đã quá muộn.
Trích dẫn lời của Thánh Sử Máccô “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”, Đức Thánh Cha nhận định rằng về cơ bản các môn đệ muốn người dân tự tìm lương thực cho họ. “Chúng ta có thể chắc chắn là, họ đã nói với Chúa rằng chắc chắn mấy người này có đủ bánh cho họ và họ muốn giữ riêng cho mình không trao ra thôi.” Đây là sự thờ ơ, Đức Thánh Cha nhận xét.
Các môn đệ không quan tâm đến dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu thì quan tâm đến họ, bởi vì ngài lo lắng cho họ. Các môn đệ không phải là những người ác, họ chỉ thờ ơ. Họ đã không biết ý nghĩa của tình yêu. Họ đã không biết cách thể hiện lòng trắc ẩn. Họ đã không biết sự thờ ơ là gì. Họ đã phải phạm tội, phản bội Thầy và bỏ rơi Ngài để hiểu được cốt lõi của lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Và phản ứng của Chúa Giêsu rất thẳng thừng và sâu sắc: ‘chính anh em hãy cho họ ăn đi!’ Đây là cuộc đấu tranh giữa lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu và sự thờ ơ, là điều luôn được lặp lại trong suốt lịch sử. Rất nhiều người là những người tốt lành, nhưng không hiểu được nhu cầu của người khác, không có khả năng từ bi. Họ là những người tốt, có thể vì tình yêu của Thiên Chúa chưa đi vào trái tim họ hay họ không để tình yêu Chúa len lỏi vào tim mình”
Kế đó, Đức Thánh Cha mô tả một bức ảnh treo trên tường của Văn phòng Bác ái Giáo hoàng. Ngài nói rằng đó là một bức ảnh do một người đàn ông địa phương chụp. Người này đã trao bức ảnh ấy cho Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng. Ông Daniel Garofani, hiện là nhiếp ảnh gia của tờ Quan Sát Viên Rôma, đã chụp bức ảnh này khi phân phát thức ăn cho những người vô gia cư cùng với Đức Hồng Y Krajewski. Bức ảnh cho thấy những người ăn mặc bảnh bao đang rời khỏi một nhà hàng ở Rôma khi người phụ nữ vô gia cư này giơ tay cầu xin bố thí. Bức ảnh đã được chụp ngay khi mọi người nhìn đi chỗ khác, để ánh mắt của họ không chạm trán với ánh mắt của người phụ nữ vô gia cư. Điều này, theo Đức Thánh Cha, là văn hóa của sự thờ ơ. Đó là những gì các môn đệ đã làm.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tình yêu Thiên Chúa luôn đi bước trước, luôn từ bi và nhân hậu. Theo Đức Thánh Cha, đúng là phản nghĩa với tình yêu là sự thù ghét, nhưng nhiều người trong chúng ta không nhận thức được “sự thù ghét vô thức”.
“Sự đối nghịch phổ biến hơn đối với tình yêu của Thiên Chúa, đối với lòng từ bi của Ngài, là sự thờ ơ. ‘Tôi thấy thỏa mãn; Tôi không thiếu gì. Tôi có tất cả mọi thứ. Vị trí của tôi trong cuộc sống này và cả đời sau được bảo đảm rồi, vì tôi đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi là một Kitô hữu tốt lành.’ Nhưng khi rời khỏi nhà hàng, tôi lại nhìn theo một hướng khác. Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa xin Ngài chữa lành nhân loại, bắt đầu từ chúng ta. Mong cho trái tim tôi được chữa lành khỏi bệnh tật của thứ văn hóa thờ ơ.”
Vào cuối thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến ông Kiko Argüello, đồng sáng lập viên của Con Đường Tân Dự Tòng, nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông vào ngày 9 tháng Giêng. Đức Thánh Cha cũng cảm ơn ông về lòng nhiệt thành tông đồ và tất cả các công việc ông đã làm cho Giáo hội.
4. Ai yêu mến Chúa cũng phải yêu mến anh em mình
Ai không yêu mến anh em mình, không thể nào yêu mến Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, mùng 10 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta
Trình bày các suy tư liên quan đến các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha nói để yêu mến Chúa một cách cụ thể, người ta cũng phải yêu mến anh chị em của mình - tất cả họ: cả những người chúng ta thích lẫn những người chúng ta không thích.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu tốt lành không được lơ là việc cầu nguyện ngay cả cho những kẻ thù của mình, cũng không được chiều theo lòng ganh ghét hay tham gia vào những tin đồn làm hại thanh danh người khác.
Trọng tâm trong thông điệp của Đức Thánh Cha là sự khích lệ để vượt thắng bằng sức mạnh của đức tin tinh thần thế gian đầy gian dối và gây chia rẽ.
Lấy ý từ Bài đọc thứ Nhất trong ngày, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Thánh Gioan Tông đồ đề cập đến tinh thần thế gian khi Thánh Nhân nói rằng “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa,” và chinh phục được thế gian.
Ngài giải thích rằng điều này đề cập đến cuộc đấu tranh hàng ngày của chúng ta chống lại tinh thần thế gian đầy gian dối và thiếu nhất quán, trái với “thần khí của Chúa là sự thật”.
“Tinh thần thế gian là một tinh thần phù phiếm, tinh thần của những thứ không có sức mạnh, không có nền tảng và vận mệnh của nó là sự hủy diệt.”
Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Tông đồ chỉ cho chúng ta thấy đâu là chính lộ bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta đi theo Thần khí của Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm những điều tốt lành.
Một cách cụ thể, ngài nói rằng, “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà họ không trông thấy.”
Đức Thánh Cha giải thích thêm “Nếu anh chị em không thể yêu điều gì đó mà anh chị em thấy được, thì tại sao anh chị em lại có thể yêu mến những gì mà anh chị em không nhìn thấy?” Mô tả điều này như một chuyện hoang đường, Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta yêu mến những gì chúng ta nhìn thấy, những gì có thể chạm đến, những gì là thực, chứ không phải những hoang tưởng tượng mà chúng ta không nhìn thấy.
Đức Phanxicô cũng nói rằng nếu ta không thể bộc lộ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách cụ thể, thì đó không phải là một tình yêu đích thực.
Đối ngược với tình yêu là tinh thần thế gian mà Đức Thánh Cha cảnh báo nó có thể gây ra những hố sâu ngăn cách và tạo ra sự chia rẽ trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
“Khi những chia rẽ này được nhân lên, chúng mang đến sự thù hận và chiến tranh”.
Tiếp tục những suy tư của mình, Đức Thánh Cha đề cập đến ba dấu chỉ cho thấy ta không yêu mến anh em mình.
Dấu chỉ thứ nhất, thực sự là một câu hỏi mà tất cả chúng ta phải tự hỏi chính mình: Tôi có cầu nguyện cho người khác không? Cho những người tôi thích và cho cả những người tôi không thích?
Dấu chỉ thứ hai liên quan đến cảm giác ghen tị và đố kị, và lòng mong muốn một người nào đó gặp chuyện chẳng lành. Ngài cảnh giác: “Anh chị em đừng để những thứ cảm xúc này lớn lên trong lòng mình. Chúng rất là nguy hiểm.”
Dấu chỉ thứ ba, liên quan đến việc tham gia vào những trò ngồi lê đôi mách có hại cho người khác: “Nếu tôi làm điều này tôi không yêu mến Chúa vì qua lời nói của mình, tôi đang hủy hoại một người khác.”
Đức Thánh Cha kết luận rằng tinh thần thế gian chỉ có thể bị chinh phục bằng tinh thần đức tin, bằng niềm tin rằng Thiên Chúa thực sự ở trong những anh chị em gần gũi với tôi.
Chỉ có niềm tin mới đem đến cho chúng ta sức mạnh để bước đi trên con đường của tình yêu đích thực.