Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đặc biệt, Sứ thần Tòa Thánh tại Australia là Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana và Đức Cha Terry Brady , Giám Mục Phụ Tá Sydney có dành cho các ký giả VietCatholic là Phương Thảo - Melbourne và Thúy Nga - Perth 2 cuộc phỏng vấn.
Trong bối cảnh của Đại Hội Thánh Mẫu, chúng tôi đã tập trung vào những đề tài liên quan đến lòng mộ mến Đức Mẹ và Đức Sứ Thần đã trình bày về đề tài này rất hùng hồn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã hỏi ngài về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, tuổi trẻ tại Úc và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Australia.
Mở đầu, các ký giả đã giới thiệu với Đức Sứ Thần về VietCatholic. Phương Thảo của VietCatholic Studio Melbourne nói:
Trọng kính Đức Sứ Thần Tòa Thánh,
VietCatholic News Agency, được thành lập từ năm 1996, là một cơ quan truyền thông cho Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng con loan truyền tin tức Công Giáo, các bài bình luận, các tài nguyên tinh thần bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đầu tiên, chúng con muốn nói với Đức Tổng Giám Mục là chúng con rất hạnh phúc khi được gặp ngài ở đây hôm nay để cử mừng với chúng con lễ hội đặc biệt kính Đức Mẹ này. Xin cho phép chúng con nêu ra với ngài một vài câu hỏi sau:
1. Một năm trước, VietCatholic đã đăng một câu chuyện thú vị về Flores de Mayo tức là việc kính Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi và Chầu Thánh Thể, và hát kinh Lạy Nữ Vương, vào mỗi buổi chiều trong suốt tháng Năm ở Phi Luật Tân. Khán giả của chúng con sẽ rất biết ơn nếu Đức Sứ Thần chia sẻ với chúng con lòng mộ mến Đức Mẹ ở quê hương Phi Luật Tân của ngài.
Vâng, như anh chị em biết, tôi đến từ Phi Luật Tân, tôi là người Phi Luật Tân, nhưng như anh chị em biết rất rõ tôi đến đây không phải trong tư cách là người Phi Luật Tân mà là người đại diện cho Đức Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng nếu anh chị em muốn biết về lịch sử của quê hương tôi thì như thế này: Trên khắp Phi Luật Tân, không có chỗ nào mà Đức Mẹ không được tôn kính. Những lễ hội đặc biệt nhất xảy ra vào tháng Năm, nhưng chúng tôi cũng có lễ kỷ niệm quốc gia kính Đức Mẹ Peñafrancia, đó là vào tháng Chín cũng giống như Đức Mẹ La Vang của anh chị em. Anh chị em gọi là Đức Mẹ Lavang, vì Mẹ hiện ra trên vùng núi đó. Chúng tôi cũng có Đức Mẹ Peñafrancia. Mẹ đã hiện ra từ nhiều thế kỷ trước ở Tây Ban Nha. Và người Tây Ban Nha đã mang lòng sùng kính này đến Phi Luật Tân. Và điều đó được lan truyền. Và như tôi đã nói ở mọi nơi, mọi tỉnh, mọi vùng, anh chị em sẽ luôn chứng kiến lòng sùng kính đối với Đức Mẹ chính vì đức tin sống động trong chúng ta, là điều chúng ta tin rằng Chúa Kitô đã ban cho chúng ta mẹ Người; và không chỉ chúng ta tiếp nhận Mẹ mà thôi, nhưng chúng ta cũng muốn Mẹ hiểu rằng thực sự chúng ta là con của Đức Mẹ. Đó là lý do tại sao người Việt Nam trong nước và những người Việt Nam sống tại Úc đều có lòng sùng kính Đức Mẹ. Họ thực sự thể hiện lòng sùng mộ sâu đậm này đối với Đức Mẹ và tôi khi tôi nói đến chủ đề Đức Mẹ, tôi thấy đó là điều mà chúng ta không nên giữ kín trong lòng, chúng ta không nên sợ, chúng ta không nên xấu hổ bởi vì Đức Mẹ chẳng hề xấu hổ đón nhận chúng ta là con Mẹ và cho chúng ta những ân sủng của con Mẹ. Có thể có lời cầu xin của chúng ta không được đáp lại bởi vì có lẽ điều đó không thực sự tốt cho chúng ta trong tương lai nhưng Mẹ sẽ luôn luôn ban cho chúng ta những gì là tốt nhất. Không người mẹ nào lại cho con cái mình cái gì đó không tốt và người mẹ luôn biết những gì là tốt nhất để trao cho con mình. Nhiều lần chúng ta nói rằng 'mẹ hãy cho con cái này' và các bà mẹ nói 'không' bởi vì họ biết rõ hơn, không phải vì họ không yêu chúng ta, nhưng chính vì các ngài yêu chúng ta đến mức những gì người mẹ muốn là những điều tốt nhất dành cho chúng ta. Và đây là ý tưởng những tín hữu đơn sơ có khi cầu kinh Mân Côi, khi rước kiệu như những gì đang xảy ra chung quanh chúng ta. Đó thực sự là một biểu hiện của đức tin, không chỉ là lòng sùng mộ của chúng ta mà thôi nhưng còn là một đức tin sâu sắc nơi Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta sẽ không nói ah đây là lòng tin của người Công Giáo Việt Nam hay, đây là của người Công Giáo Phi Luật Tân, hoặc đây là của người Nam Mỹ. Không, đức tin Công Giáo sâu sắc nhận ra nơi Đức Maria điều Chúa Kitô đã nói với chúng ta ‘Đây là mẹ của anh’ và chúng ta được chúc phúc và hân hoan vì có Mẹ, là Đấng mà chúng ta gọi là Đức Maria, Đức Mẹ Lavang, Đức Mẹ Peñafrancia, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Loretto, cùng một người Mẹ mà Thiên Chúa đã cho tất cả chúng ta.
2. Thưa Đức Sứ Thần, tước hiệu phổ biến nhất của Đức Mẹ được sùng kính ở Việt Nam là tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp”, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh Việt Nam khi người dân phải trải qua những khó khăn khủng khiếp. Con ngạc nhiên và vui mừng khi biết rằng danh hiệu này cũng là một tước hiệu phổ biến nhất của Đức Mẹ đối với người Công Giáo ở Phi Luật Tân. Con đoán rằng còn nhiều điểm tương đồng khác nữa trong lòng sùng mộ của chúng ta đối với Đức Mẹ. Con hiếu kỳ nên muốn hỏi Đức Sứ Thần về một số danh hiệu phổ biến khác của Đức Mẹ ở Phi Luật Tân.
Vâng, có rất nhiều tước hiệu phụ thuộc vào những gì Đức Mẹ biểu lộ cho chúng ta, nhưng anh chị em đang nói về Hằng Cứu Giúp, Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trong nhà của mẹ tôi luôn có bức ảnh lớn về Mẹ Hằng Cứu Giúp, và Đức Mẹ thực là Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nếu anh chị em nhìn lại, chúng ta hãy đến với Phúc âm. Đức Mẹ của chúng ta đã nhanh chóng giúp đôi vợ chồng để họ khỏi phải xấu hổ tại tiệc cưới ở Cana. Cả trên đồi Canvê với tất cả những lời lăng mạ tồi tệ nhất, trước điều tồi tệ nhất đang xảy ra với con Mẹ là bị lên án tử hình, Mẹ có mặt ở đó [dưới chân thánh giá]. Sự giúp đỡ của Đức Maria không bao giờ kết thúc, trong hân hoan cũng như trong gian truân, trong mọi sự. Vì vậy, anh chị em thấy ở Phi Luật Tân như anh chị em biết, trong nhiều nhà thờ luôn luôn có làm việc kính Đức Mẹ sau thánh lễ mỗi ngày thứ Tư hàng tuần để cầu cùng Mẹ Hằng Cứu Giúp . Ở Manila, nếu anh chị em đến đó, hãy tránh di chuyển vào ngày thứ Tư vì rất nhiều người đến một ngôi nhà thờ dân chúng gọi là McLaren là nơi họ đến cầu nguyện, thể hiện lòng sùng mộ và đức tin nơi Thiên Chúa và cầu xin ơn lành, xin Đức Mẹ cầu bầu và rất chuyên chăm như thế mỗi ngày thứ Tư. Cho nên, cũng như tại đây giao thông ách tắc không thể giải thích được bởi vì có rất nhiều người như anh chị em thấy đó. Thành ra, bất cứ nơi nào anh chị em đến sẽ luôn luôn có một danh hiệu của Đức Mẹ được tôn kính như Đức Mẹ là nơi nương náu của kẻ tội lỗi, hay Đức Mẹ như hoa hồng mầu nhiệm, Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, Đức Mẹ nâng đỡ kẻ có tội. Những danh hiệu này thực sự là những điều mà Đức Maria tỏ ra cho chúng ta để chúng ta có thể thấy Đức Maria không chỉ là một khái niệm nào đó trong đầu chúng ta, chứ không có trong lịch sử chúng ta. Đó là một thực tại không chỉ ở Úc, không chỉ ở Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam, không chỉ ở Ý, không chỉ ở Bồ Đào Nha, không chỉ ở Pháp, như anh chị em thấy đấy. Nhưng tất nhiên nhiều người bây giờ nghĩ rằng những thể hiện đức tin của chúng ta là điều gì đó thuộc về quá khứ. Không đúng, bởi vì đức tin của chúng ta sống động và chúng ta biết rằng chúng ta cảm nhận được rằng Đức Mẹ đang ở với chúng ta vì Con Mẹ đã ban Mẹ cho chúng ta. Vì thế, tôi muốn nói với những người đang lắng nghe tôi nói đây hãy bền đỗ và giữ vững đức tin của anh chị em nơi Chúa Kitô và nơi Mẹ Người và cũng là Mẹ của chúng ta, là Mẹ Đầy Ơn Phúc. Một số người có thể lắc đầu, một số người có thể không hiểu nhưng chúng ta cứ tiếp tục và cầu nguyện cho họ, cho những người khác và cũng cho chúng ta. Chúng ta cần đến Mẹ và hãy nhớ rằng đây là người Mẹ không bao giờ từ chối con của mình những gì là tốt nhất cho đứa trẻ.
3. Thưa Đức Sứ Thần, trong khi chúng ta đang tổ chức lễ hội Đức Mẹ ở đây, tại một góc của Sydney này, Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, Đức tin và sự phân định ơn gọi đang được tổ chức tại Rôma. Chúng con muốn hỏi Đức Cha rằng theo quan điểm của ngài, những vấn đề chính mà những người trẻ tuổi ở Úc đang phải đối mặt ngày nay là gì?
Lúc này đây, Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma được Đức Thánh Cha triệu tập cách riêng để Giáo Hội hiểu được những người trẻ và những gì những người trẻ mong muốn không chỉ cho họ, nhưng còn cho Giáo Hội mà họ thuộc về, là chính họ, bởi vì những người trẻ không chỉ thuộc về Giáo Hội mà còn là Giáo Hội. Giáo Hội mong muốn tìm ra cách thế để thực sự mỗi cộng đồng, mỗi nhóm trong Giáo Hội có thể đóng góp cho những người già, những người sống đời thánh hiến, cho những người đã lập gia đình, cho giới trẻ và đặc biệt là cho giới trẻ vì họ là những người mang đến năng lượng cho Giáo Hội, họ là những người đã chỉ cho chúng ta thấy những điều sáng sủa mà chúng ta có thể làm và đây là những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn.
Các bạn trẻ trình bày với chúng ta để cùng nhau chúng ta có thể tiến lên phía trước. Đó không phải là vấn đề duy chính trị như à vâng chúng ta phải vô địch. Nhiều người có chương trình nghị sự riêng của họ. Đó không phải là Giáo Hội. Chương trình nghị sự của Giáo Hội là điều Chúa Kitô muốn cho Giáo Hội và đây là điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn: đó là chúng ta cảm nhận Chúa Kitô đang nói với chúng ta để chúng ta trình bày Ngài với thế giới như một hiện thực trong xã hội hôm nay.
Vì vậy, đây là cách chúng ta phải hiểu và thực sự nó hiện diện ở đây. Trong khi chúng ta đang nói về tuổi trẻ, có rất nhiều bạn trẻ ở đây, rất nhiều người trẻ. Và như tôi đã nói với một nhóm ở đây: những người khác thích nói, những người khác muốn hét lên, nhưng người Úc gốc Việt họ không nói nhưng họ thực hành những gì họ tin. Chúng ta hội thảo về gia đình, chúng ta bàn về rất nhiều thứ. Người Việt hoặc người Úc gốc Việt nhẹ nhàng, họ thực hành đức tin, thể hiện tình yêu dịu dàng nhưng rất trung thực và đây là cách chúng ta có thể sống đời sống Kitô hữu. Vấn đề không phải ai là những người hét to nhất hoặc những người được lắng nghe nhất nhưng ai là người sống trung thực và đưa ra các chứng tá ngay cả ở nơi công cộng. Và tôi rất tự hào và hạnh phúc và thấy mình may mắn được đến đây trong lễ hội Đức Mẹ này ngày hôm nay. Bởi vì tôi đã nhìn thấy những người thực sự không phải chỉ có lòng sùng mộ, nhưng còn có một đức tin sâu sắc, đó là một đức tin sâu sắc nơi Thiên Chúa, và họ cũng cho thấy sự gắn bó với Đức Maria. Đó là một đức tin sâu sắc mà bạn không thể giải thích nếu bạn không sống đức tin đó. Rất khó để giải thích cách mọi người sống đức tin nếu bạn không sống với họ. Và nếu bạn muốn trải nghiệm cách sống đức tin hãy sống giữa mọi người để thực hành đức tin với sự trang trọng, trong im lặng và yêu mến và đây là điều tôi thấy ở đây.
4. Thưa Đức Sứ Thần, xin Đức Cha cho chúng con biết ấn tượng đầu tiên của Đức Cha khi đến tham dự và cử hành thánh lễ trong lễ hội Đức Mẹ với người Công Giáo Việt Nam chúng con?
Tôi xin nói tiếp về ấn tượng của tôi. Như những gì tôi vừa nói, những gì xảy ra ở đây thực sự linh hứng. Những người đến đây và chỉ nhìn xem thôi đã có thể bị cuốn hút khi nhìn xung quanh vì đây không phải là một chương trình biểu diễn. Đây thực sự là một biểu hiện thực sự của một cộng đồng thực hành đức tin sâu sắc của những người Úc gốc Việt. Họ thực sự tuyên xưng và họ đưa ra một gương sáng và bản thân tôi là một giám mục, là linh mục, là người đại diện cho Đức Giáo Hoàng nhưng tôi vô cùng xúc động vì tôi đã được linh hứng bởi những gì tôi thấy. Có thể họ không nói ra, nhưng anh chị em có thể thấy không khí đức tin ở đây. Họ không cần nói nhiều lời với anh chị em, nhưng anh chị em có thấy được họ chú tâm, họ sống rất huynh đệ. Không cần nhiều lời nhưng nó làm ta xúc động, vì thế tôi thực sự hạnh phúc. Cha Văn Chi bảo tôi hãy đến, vì đây là một niềm vui và tôi vui vì đã nhận lời ngài và vì đây là điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta làm.
5. Theo quan điểm mục vụ của Đức Cha, Đức Cha nghĩ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nên tập trung vào những vấn đề gì để xây dựng cộng đoàn và gia đình của chúng con trên các giá trị Tin Mừng?
Thứ nhất, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, hãy củng cố gia đình anh chị em, hãy sống như một gia đình. Thứ nữa, khi có con cái, anh chị em hãy mang chúng theo đến nhà thờ. Anh chị em không cần phải nói nhiều lời, nhưng hãy mang chúng đến thánh đường. Chúng có thể chơi, chúng có thể khóc, nhưng chúng sẽ phát triển. Đừng sợ người ta nhìn bạn ngạc nhiên trước can đảm đó. Chúng cũng là con người, vì vậy nếu anh chị em có thể ở trong nhà thờ, chúng cũng có thể ở trong nhà thờ và theo cách đó chúng phát triển. Đó là lý do tại sao anh chị em và tôi lớn lên. Bởi vì khi còn là một đứa trẻ nhỏ chúng ta được dạy mà không cần ai phải nhiều lời. Chúng ta đọc kinh Mân Côi như các trẻ nhỏ và nó trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế lời khuyên của tôi là hãy củng cố gia đình anh chị em và đây là món quà tốt nhất bạn có thể trao cho Giáo Hội Công Giáo ở Úc
Thứ hai, hãy chuyên chăm gần gũi với con cái của anh chị em khi chúng lớn lên để trẻ có thể trưởng thành trong đức tin và theo gương anh chị em là người chồng người vợ chúng sẽ hiểu bởi vì con người thông minh. Con cái chúng ta là những người trẻ thông minh. Qua chứng tá của chúng ta, chúng sẽ học hỏi. Vì vậy, đó là hai điều cốt yếu, bạn yên tâm bởi thực tế là Giáo Hội vẫn sống động bởi vì bạn thấy ở đây tại Úc người Úc gốc Việt thực sự sống trong hân hoan, công khai tuyên xưng đức tin với sự trang trọng, với tình yêu và thậm chí đôi khi với sự im lặng.
6. Tính đến những khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ, Đức Cha nghĩ cộng đoàn Việt Nam có thể đóng góp những gì cho Giáo Hội tại Úc?
Vâng để đóng góp cho Giáo Hội trong cộng đồng, hãy gắn bó với nó, như thế anh chị em đã đóng góp rất nhiều. Nhưng như tôi đã nói, sự đóng góp anh chị em có thể xa hơn nữa bằng cách tham gia nhiều hơn trong Giáo Hội với tư cách cá nhân vì anh chị em thủ đắc nhiều điều có thể chia sẻ; và anh chị em có một truyền thống và giá trị rất phong phú được xây dựng trên niềm tin. Anh chị em có thể trao ban nhiều hơn không chỉ vấn đề tài chính nhưng bất cứ điều gì tốt nhất mà anh chị em thực sự có thể tham gia tích cực khi cộng đồng, giáo xứ, giáo phận cần đến. Có nhiều người tài năng. Vâng, tôi đây, tôi có thể làm gì để phục vụ? Xin cho chúng ta hãy luôn luôn quay trở lại Tin Mừng, luôn luôn trở lại với Tin Mừng mà nhiều lần anh chị em quên. Chúng ta loan báo rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng những điều thiết yếu chúng ta lại quên. Hôm nay kỷ niệm ngày lễ Đức Mẹ, điều đầu tiên mở ra cho chúng ta cánh cửa khiến chúng ta trở thành một gia đình con cái Chúa là những gì Đức Mẹ nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đây là những gì chúng ta nên làm. Tôi ở đây để phục vụ, xin cho biết những gì tôi có thể làm để phục vụ Giáo Hội? Anh chị em đã phục vụ Giáo Hội qua đời sống của mình như một Kitô hữu, như một người Công Giáo. Nhưng anh chị em có thể đóng góp nhiều hơn một chút theo cách này: tôi đây, xin cho biết bất cứ điều gì mà tôi có thể đóng góp để làm cho Giáo Hội sống động hơn, với nhiều chứng tá hơn, và trung thực hơn với thông điệp của Chúa Kitô.