Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đang băn khoăn liệu có các giới hạn cho lòng từ bi của Chúa chúng ta đối với các đại xá không. Con đang đề cập đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, vốn ảnh hưởng đến Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia khác. Liệu có thể một kẻ lạm dụng tình dục thanh thiếu niên và chủng sinh trong nhiều năm trước đây, và sau đó chỉ đi xưng tội và được hưởng một đại xá, và một khi đã hoàn thành, liệu người ấy sẽ lên thiên đàng ngay, nếu người ấy qua đời một thời gian ngắn sau đó không? Cách nào đó việc này dường như là không đúng, phải không cha?. - T. B., Courtenay, British Columbia, Canada.


Đáp: Có lẽ câu hỏi này có thể giúp chúng ta đi sâu hơn vào mục đích của các ân xá trong đời sống của Hội Thánh và cá nhân Kitô hữu.

Trong các năm qua, chúng tôi đã giải thích một số khía cạnh liên quan đến ân xá, đặc biệt là các bài trả lời ngày 15-2 và ngày 1-3-2005.

Trong bài viết đó, chúng tôi đã trình bày giáo lý chung và các điều kiện hưởng ân xá:

"Số 1471 của Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo giải thích: “Ân xá là tha những hình phạt tạm do tội gây nên, dù tội đã được tha. Muốn hưởng nhờ ân xá, Kitô hữu phải hội đủ điều kiện và thi hành những điều Hội Thánh qui định. Với tư cách là trung gian phân phát ơn cứu chuộc, Hội Thánh dùng quyền để ban phát và áp dụng kho tàng công phúc của Ðức Kitô và các thánh".

"Số 1479 nói thêm: “Vì các tín hữu đã qua đời đang chịu thanh luyện cũng là thành phần của cộng đoàn Dân Thánh, một trong những cách chúng ta có thể giúp họ là nhờ các ân xá để họ được tha các hình phạt tạm thời trong luyện ngục” (Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý Tổng Giáo Phận Sài Gòn).

“Tài liệu nhắc nhở các tín hữu rằng để hưởng được một đại xá, họ cần tuân giữ ‘các điều kiện thông thường’ như sau:

“1.Với một lần xưng tội, đương sự có thể lãnh nhận nhiều ơn toàn xá; nhưng với một lần rước lễ và một lần cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, đương sự chỉ có thể lãnh nhận một ơn toàn xá mà thôi.

“2.Ba điều kiện (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) có thể được chu toàn nhiều ngày trước hay sau khi hoàn thành việc được hưởng ân xá; tuy nhiên, nên rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng vào chính ngày mà đương sự hoàn thành việc được hưởng ân xá.

“3.Việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng được chu toàn khi đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng theo ý của Ngài; tuy nhiên các tín hữu được tự do đọc tất cả các kinh khác theo lòng đạo đức và sùng mộ của mỗi người.

"4. Có linh hồn hoàn toàn dứt bỏ dính bén tới mọi hình thức tội. Đây là điều kiện khó khăn nhất, vì ngay cả việc dính bén tới tội nhẹ cũng ngăn cản khả năng hưởng ân xá. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng điều kiện là không phải không có tội nhẹ, nhưng là sự dính bén tới tội; nghĩa là, không có tội nào mà linh hồn không muốn từ bỏ”.

Trong khi lòng thương xót của Chúa là vô hạn, và không tội lỗi nào nằm ngoài sự tha thứ của Chúa, ngoại trừ những người cứng đầu không chịu ăn năn, có sự khác biệt rõ ràng giữa các điều kiện cần thiết để nhận được sự xá giải và các điều kiện để hưởng ân xá.

Từ những gì chúng ta đã thấy ở trên, sự không dính bén tới tội nhẹ cũng là điều kiện để hưởng một ân xá. Vì vậy, đó là lý do để thấy rằng một người vẫn còn dình bén tới tội rất nặng sẽ không thể hưởng ân xá.

Do đó, một kẻ lạm dụng tình dục người khác, hoặc bất cứ ai, thường phạm tội trọng, có thể đạt đến mức ăn năn cần thiết cho việc xá giải. Điều này đòi hỏi sự sám hối thực sự cho tội lỗi đã phạm, và sự dốc lòng chừa chân thành là không phạm tội nữa. Như vậy, việc xưng tội tạo cơ hội cho người ấy sám hối và bắt đầu lại. Nó không biến người ấy thành thánh nhân.

Người ấy vẫn có thể có các vết thương sâu thẳm và các tật xấu nguy hiểm, và vẫn dính bén tới tội mặc dù không muốn cam kết. Việc hoán cải của một người như vậy, ngay cả khi chân thành, thường sẽ đòi hỏi nhiều hơn là làm một hành vi để hưởng một đại xá. Một sự hoán cải như thế thường đòi hỏi nhiều năm cầu nguyện, hy sinh, và thật sự sầu buồn về sự thiệt hại nặng nề và thậm chí không thể khắc phục được đã gây ra cho người khác.

Qua nhiều thế kỷ, Hội Thánh chắc chắn đã thấy nhiều cuộc hoán cải bất ngờ và tận căn, và trong ánh sáng này, kịch bản được mô tả bởi người đọc của chúng ta trên đây là có thể diễn ra trên lý thuyết, nhờ ơn đặc biệt của Thiên Chúa.

Các cuộc hoán cải triệt để và hoàn toàn như thế chỉ là ngoại lệ, và hầu hết các người đã từ bỏ cuộc sống nhiều tội lỗi, đã tiếp tục đấu tranh trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi dấn thân vào cuộc đấu tranh này, đúng là việc thực hiện các hành vi tâm linh kết hợp với các ân sủng, và tìm kiếm bất cứ ân sủng nào mà họ có thể hưởng, có thể giúp các linh hồn ấy vượt qua sự nản lòng nản chí, chữa lành vết thương và vượt qua sự dính bén tới tội của họ. Bằng cách này, sự cố gắng để hưởng ân xá không phải là một thông hành miễn phí, nhưng là một phần của quá trình hoán cải thật sự.

Ngoài ra, việc xưng rội không tạo ra sự khác biệt cho hậu quả vật chất của tội trọng, đặc biệt nếu tội cũng là một hành vi hình sự, vốn đòi hỏi sự mất địa vị, danh tiếng và thậm chí sự tự do nữa. Tuy nhiên, có thể rằng một người chấp nhận hình phạt do tội ác chỉ như là sự chuộc tội cho các hành vi tội lỗi của mình, có thể biến nó thành một cách thức thanh lọc và đổi mới tâm linh cho người ấy.

Một cách khác để nhìn vào vấn đề là từ viễn tượng của một đời sống Kitô hữu. Chúa Kitô đã đặt ra mức khá cao cho đời sống Kitô hữu, và nhờ đó để đạt được nước thiên đàng. Chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng hết linh hồn, và yêu tha nhân như chính mình ta, để trở nên hoàn hảo như Cha trên trên trời của chúng ta là Đấng hoàn hảo. Và chúng ta được lệnh yêu thương lẫn nhau như cách Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta.

Điều này có nghĩa rằng là Kitô hữu, chúng ta phải sống cuộc đời của mình như là một quá trình liên tục của việc tự hiến cho yêu thương, từ bỏ hẳn cái tôi của mình, sống bác ái trong rất nhiều sự kiện bình thường trong cuộc sống của chúng ta, cho đến khi chúng ta hoàn toàn kết hiệp với Chúa Ba Ngôi trên thiên đàng. Trong tiến trình này, tội lỗi của chúng ta làm cho chúng ta xa rời mục tiêu của mình.

Một cách thức để xem xét giáo lý về luyện ngục là rằng, bởi vì hầu hết chúng ta không đạt được sự trọn lành Kitô giáo hoàn toàn trong cuộc đời này, và chúng ta thậm chí sẽ tạo ra các trở ngại cho tình yêu này qua tội của mình, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta cơ hội để đạt được nó sau khi chết .

Do đó, một ân xá là trước hết một hành vi thương xót đối với người đã chết, trong việc giúp họ đạt được sự hoàn thiện chung cuộc trong tình yêu.

Trong trường hợp của người đang sống, Hội Thánh ban ân xá trước tiên để khuyến khích các người Công Giáo, khi đang phấn đấu sống một cuộc sống Kitô giáo đầy đủ, tiếp tục thực hiện các hành vi tinh thần và vật chất ấy, nhằm giúp họ tăng trưởng trong tình thương một cách nào đó. Trong một số tình hình, như đã đề cập ở trên, ân xá cũng có thể giúp một số linh hồn đang trên đường phục hồi tâm linh của họ. (Zenit.org 9-10-2018)

Nguyễn Trọng Đa