Theo tin chính thức của Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng giám mục thế giới về chủ đề “Giới Trẻ, Đức Tin, và Biện Phân ơn Gọi” vào sáng Thứ Tư, ngày 3 tháng 10 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Trong khi ấy, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng đã thuyết trình với giới truyền thông về diễn tiến và mục tiêu của Thượng Hội Đồng trong cuộc họp báo vào Thứ Hai, hôm qua.

Theo tường trình của Linda Bordoni, trong cuộc họp báo trên tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y Baldisseri đã thận trọng giải thích các thủ tục của Thượng Hội Đồng dựa vào Tông Hiến được Đức Phanxicô ký 2 tuần trước đây nhằm tăng cường sự can dự của “dân Chúa” và cổ vũ hơn nữa đối thoại và hợp tác giữa các giám mục và giữa các ngài và Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh đến tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng, một tài liệu được đúc kết sau khi đã lắng nghe các đóng góp của chính các nghị phụ và của 49 dự thính viên trong đó có 36 người trẻ đại diện cho các bạn cùng trang lứa thuộc 5 châu lục.

Điều đặc biệt là trong số khoảng 300 Hồng Y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự, có 2 giám mục từ Trung Hoa Lục Địa. Đây là lần đầu tiên có sự hiện diện này kể từ năm 1965, năm Đức Phaolô VI thiết lập định chế Thượng Hội Đồng để cộng tác với Đức Giáo Hoàng, thảo luận các chủ đề và đưa ra các đề nghị giúp ngài cai quản Giáo Hội. Bordoni cho rằng sự hiện diện này sở dĩ khả hữu là nhờ Thỏa Thuận tạm thời giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mới đây.

Vấn đề truyền thông sẽ được nhấn mạnh. Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh sẽ cung cấp các phúc trình, video, các tông báo tin tức hàng ngày bằng nhiều ngôn ngữ và rất nhiều các hoạt động truyền thông xã hội, trong đó có #synod2018 đặc biệt trên twitter.

Trả lời một câu hỏi, Đức Hồng Y Baldisseri cho biết ngài không sợ các tiết lộ gần đây về lạm dụng tình dục và che đậy nó sẽ khiến giới trẻ ngưng nói với Giáo Hội. Ngài tin rằng Thượng Hội Đồng là dịp bằng vàng để trao đổi với họ về vấn đề chủ yếu này.

Về phần Đức Phanxicô, người ta chờ mong ngài sẽ hiện diện trong nhiều phiên họp của Thượng Hội Đồng. Điều quan trọng nhất là ngài mong muốn Thượng Hội Đồng không bị coi như một biến cố kín cổng cao tường, dành cho một số người được mời. Do đó, ngài đã mời hàng trăm người trẻ cùng ngài và các thành viên khác của Thượng Hội Đồng tham dự một đêm âm nhạc và trao đổi sống động tại đại sảnh Phaolô VI vào Thứ Bẩy này.

Tóm lại, theo Đức Hồng Y Baldisseri, Giáo Hội muốn sánh bước cùng Dân của mình “với đôi mắt và đôi tai rộng mở và cả tâm lẫn trí rộng mở nữa”.

Thánh lễ khai mạc, không tả không hữu, nhưng cai quản

Có một khía cạnh không được Đức Hồng Y Baldisseri nhắc đến đó là ý hướng Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng của Đức Phanxicô vào hôm thứ Tư. Cách nay mấy hôm, Tòa Thánh đã chính thức công bố nội dung các bài đọc và lời nguyện trong Thánh Lễ này.

Tuy trong lời nguyện giáo dân, có nhắc đến giới trẻ và những người có nhiệm vụ giáo dục họ, nhưng trong các phần khác của Thánh Lễ, ý hướng cai quản Giáo Hội là sợi chỉ xuyên suốt của Thánh Lễ. Điều này khiến ta nhớ đến bài báo của Ký Giả John L. Allen phổ biến ngày 30 tháng 9, gần như cùng một ngày với bản văn Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng về giới trẻ, tựa là “After decades of left v. right, is it now bishops v. everybody else?” (Sau nhiều thập niên tả đối với hữu, nay phải chăng là các giám mục đối với mọi người khác?).

Theo ký giả này, từ trước đến nay, khi nói đến Đức Giáo Hoàng và giám mục đoàn, khía cạnh tín lý hay nhiệm vụ giảng dậy được đặt lên hàng đầu, và do đó, nhị phân tả hữu được đề cập nhiều trong Giáo Hội. Với sự xuất hiện của tai tiếng lạm dụng và che đậy nó, đường phân tả hữu dường như đã biến mất vì cả tả lẫn hữu tay đều nhúng chàm! Anh chỉ nói phét, tả hữu đều như nhau, đều lạm dụng và che đậy lạm dụng cả.

Allen trích dẫn trường hợp Chile: nơi hai linh mục nổi danh, một là anh hùng thời chống Pinochet, một phục vụ giai cấp ưu tú bảo thủ giầu có của đất nước, cả hai vừa bị Đức Phanxicô cho hồi tục vì tội lạm dụng tình dục hàng loạt.

Đường ranh bây giờ, theo Allen, bi đát hơn cho các giám mục. Vì ở đường ranh cũ, các ngài, ít nhất, còn được 1 nửa (thường là bảo thủ) ủng hộ. Cái phân nửa này, nay không còn nữa, mà chỉ còn là giữa các giám mục và mọi người khác về vấn đề cai quản.

Chính vì thế, lời nguyện trong Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ đọc như sau: “Lạy Thiên Chúa, Đấng hằng săn sóc dân Chúa một cách nhân từ và cai trị họ một cách yêu thương, xin phú ban tinh thần khôn ngoan cho những vị Chúa đã giao phó thẩm quyền cai quản [tiếng Anh: authority to govern; tiếng Latinh: regimen disciplinae], để dân Chúa được hướng dẫn mà biết được sự thật một cách trọn vẹn hơn và lớn lên trong sự thánh thiện hợp với thánh ý Chúa. Nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Đấng hằng sống hằng trị với Chúa trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen"

Bài Đọc một hôm nay là trích thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê (2:1-4) tuy không nhắc đến chữ cai quản, nhưng rõ ràng nhắc đến mục tiêu và điều kiện của việc này: “hợp nhất trong các xác tín và hợp nhất trong yêu thương, với mục đích chung và cùng một tâm trí... không cạnh tranh giữa anh em, không ganh tị hay hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”.

Thánh Vịnh đáp ca (TV 18) nhấn mạnh đến lề luật, giới răn, rường cột của quyền hành, của cai quản; chúng quí giá hơn vàng ròng, thơm ngon hơn mật ong.

Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Gioan (14:23-29) với những câu đầu tiên: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy... Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy”. Trong ngữ cảnh này, lời Thầy cũng là luật Thầy.

Lời nguyện trên của lễ: “Xin Chúa đoái nhìn lễ dâng của các tôi tớ Chúa, Lạy Thiên Chúa đầy lòng cảm thương, và ban cho họ ơn soi sáng của Chúa để họ có được sự hiểu biết chân thực về điều đúng dưới mắt Chúa và mạnh dạn thi hành điều này. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con”.

Kinh Tiền Tụng minh nhiên nhắc đến việc “cai quản” Giáo Hội: “Vì Chúa đã ban các ơn phúc thích hợp cho mọi mùa và hướng dẫn việc cai quản Giáo Hội Chúa nhiều cách diệu kỳ. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa luôn đến trợ giúp Giáo Hội, để với một tấm lòng luôn tùng phục Chúa, Giáo Hội luôn tìm sự giúp đỡ của Chúa lúc gặp bối rối và không ngừng tạ ơn Chúa lúc được hân hoan, nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con”.