Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g30 sáng thứ Bẩy 22 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Vilnius /vɪl -nɪʊs/, thủ đô của Lithuania / lɪ-θjuˈ-eɪ-niə /.
Lúc 12g40, tại dinh tổng thống Đức Thánh Cha đã có một diễn từ trước tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn.
Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc 16g30, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa và có cuộc gặp gỡ với giới trẻ ở quảng trường phía trước đền thờ.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra tại đền thánh Đức Mẹ tại Vilnius. Trong ngày thứ Bẩy 22/9, ngày đầu tiên của ngài tại Lithuania, Đức Thánh Cha Phanxicô, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm, đã cầu nguyện trước bức ảnh Đức Mẹ Cửa Thành Bình Minh, được tôn vinh là Đức Mẹ Giàu Lòng Thương Xót vào năm 1927.
Đền thánh Đức Mẹ thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm là tại Agnola, Latvia. Đó là đền thánh Đức Mẹ Lên Trời được xây dựng từ thế kỷ 18. Đây cũng là đền thánh Đức Mẹ mà Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm vào năm 1993.
Bức tranh kỳ diệu của Đức Mẹ, được tôn kính khắp vùng Baltic. Vào thế kỷ 17 các quan chức thành phố Vilnius đã có ý muốn vẽ một bức tranh Đức Mẹ thật lớn đặt phía trên cổng thành ra vào thành phố này để bảo vệ thành phố khỏi các cuộc chiến tranh và phù hộ cho khách đi đường được bình an.
Trong số các can thiệp của Đức Mẹ, người dân Lithuania tin là Mẹ đã giúp họ đánh bại những kẻ xâm lược Thụy Điển, trong một cuộc phản công của liên minh Ba Lan-Lithuania vào năm 1701.
Từ đó bức ảnh Đức Mẹ Cửa Thành Bình Minh được sùng bái rất rộng rãi trong vùng Baltic.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Theo thống kê năm 2011, trong tổng số 2.8 triệu dân các tín hữu Công Giáo chiếm 77.2% dân số rồi đến Chính Thống giáo Nga 4.1%, Tin Lành Lutheran 0.6%.
Theo Niên Giám 2016 của Tòa Thánh, trong tổng số 2,824,000 dân, người Công Giáo chiếm 77.2%, sinh hoạt trong 8 giáo phận trong đó có 2 tổng giáo phận và một giáo phận quân đội. Giáo Hội tại Lithuania có 779 linh mục trong đó có 681 linh mục triều và 79 linh mục dòng; 4 phó tế vĩnh viễn, 145 nam tu sĩ, và 773 nữ tu.
Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Pedro López Quintana, người Tây Ban Nha. Ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại cả ba quốc gia vùng Baltic.
Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:
Chào tất cả các con!
Cảm ơn các con, Monica và Jonas, vì các chứng tá của các con. Cha lắng nghe như một người bạn, như thể chúng ta đang ngồi bên nhau trong một quán bar nào đó, kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình trong khi uống một ly bia hoặc một ly trà girá sau khi đi vừa đến xem một vở kịch ở nhà hát.
Nhưng cuộc sống của các con không phải là một phần của nhà hát; chúng thật sự và cụ thể, giống như những người khác tụ tập ở đây ngày hôm nay trong quảng trường xinh đẹp này, tọa lạc giữa hai con sông. Có lẽ tất cả điều này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ lại về những câu chuyện của các con và tìm thấy trong những câu chuyện ấy dấu chân của Thiên Chúa ... vì Thiên Chúa luôn luôn đi ngang qua cuộc đời của chúng ta. Ngài luôn đi ngang qua. Một nhà triết học tên tuổi đã nói: “Tôi sợ khi Chúa đi ngang qua! Sợ rằng tôi không nhận ra Ngài!”
Giống như nhà thờ chính tòa này, có những lúc chúng con con nghĩ rằng chúng con đang sụp đổ, hay nghĩ đến những đám cháy thiêu hủy những gì chúng con nghĩ rằng không bao giờ có thể xây dựng lại. Hãy suy nghĩ đến tất cả các lần ngôi nhà thờ này đã bùng lên trong những ngọn lửa và sụp đổ. Tuy nhiên, luôn có những người sẵn sàng bắt đầu xây dựng lại; họ từ chối để cho mình bị đè bẹp bởi những khó khăn: họ không bao giờ bỏ cuộc. Có một bài hát ở vùng núi Alpine đáng yêu như thế này: “Trong nghệ thuật leo núi, bí mật không hệ tại quá nhiều nơi việc đừng để mình rơi xuống, nhưng ở chỗ đừng để mình cứ nằm úp mặt xuống”. Luôn luôn bắt đầu lại, luôn luôn, và đó là cách chúng con sẽ leo lên. Cũng giống như ngôi nhà thờ này. Sự tự do của quốc gia các con cũng vậy, nó đã được giành giật bởi những người nam nữ không hề nao núng trước khủng bố và bất hạnh. Monica, cuộc sống của cha con, tình trạng của ông và cái chết của ông, và bệnh tật của con, Jonas, có thể đã và đang tàn phá con. Tuy nhiên, ở đây chúng con, khi chia sẻ kinh nghiệm của mình, đã nhìn thấy những điều ấy với đôi mắt đức tin, và giúp chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để kiên cường, nâng mình lên và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống.
Cha tự hỏi: ân sủng của Thiên Chúa đã tuôn đổ trên chúng con như thế nào? Không phải từ không khí, không phải một cách kỳ diệu; không có cây đũa thần nào cho cuộc sống. Điều này xảy ra thông qua những người băng ngang qua trong cuộc đời của chúng con, những người lành thánh đã nuôi dưỡng chúng con bằng kinh nghiệm đức tin của họ. Luôn có những người trong cuộc sống cho chúng ta một bàn tay để giúp chúng ta tự mình đứng lên. Đối với con, Monica, bà và mẹ của con, và giáo xứ Phanxicô, giống như nơi hợp lưu của hai con sông này; giống như con sông Vilnia chảy vào sông Neris, con đã để bản thân mình được trôi theo dòng ân sủng đó. Vì Chúa cứu chúng ta bằng cách biến chúng ta thành một phần của một dân tộc. Đúng thế, Chúa cứu chúng ta bằng cách khiến chúng ta trở thành một phần của một dân tộc. Ngài đặt để chúng ta vào trong một dân tộc, và căn tính của chúng ta, chung cuộc, có được thông qua sự thuộc về một dân tộc. Không ai có thể nói, “Tôi tự mình được cứu”. Chúng ta đều kết nối với nhau, tất cả chúng ta đều được “nối mạng”. Thiên Chúa muốn thâm nhập vào mạng lưới các mối quan hệ này và Ngài lôi kéo chúng ta về phía Ngài trong cộng đồng; Ngài ban cho cuộc sống của chúng ta cảm thức sâu sắc nhất về bản sắc và sự thuộc về (xem Tông huấn Mừng rỡ hân hoan, 6). Jonas, con cũng tìm thấy ở những người khác, nơi vợ của con và trong lời hứa con đã đưa ra trong ngày cưới của mình, lý do để tiếp tục, để chiến đấu, để sống.
Vì vậy, đừng để thế giới này làm cho chúng con tin tuởng sai lầm rằng tốt hơn là tự mình làm hết mọi thứ. Tự mình các con, các con không bao giờ đạt được điều gì. Cố nhiên các con có thể có được những thành công nhất định trong cuộc sống của mình, nhưng không có tình yêu, không có người đồng hành, không thuộc về một dân tộc, không có kinh nghiệm tuyệt vời của việc chấp nhận rủi ro cùng với nhau. Các con không thể tự mình tiến lên. Đừng chiều theo cám dỗ co lại trong chính bản thân các con, trong việc quan sát cái bụng của mình, trong cám dỗ sống ích kỷ hay hời hợt khi đối mặt với những nỗi buồn, các khó khăn hay những thành công tạm bợ. Hãy để chúng ta lặp một lần nữa, “Bất cứ điều gì xảy ra với những người khác cũng sẽ xảy ra với tôi”. Chúng ta hãy bơi ngược lại dòng triều của chủ nghĩa cá nhân đang cô lập chúng ta, làm cho chúng ta trở nên vô nghĩa và làm cho chúng ta trở nên vô ích, chỉ quan tâm đến hình ảnh của chúng ta và hạnh phúc của chính chúng ta mà thôi. Chỉ quan tâm đến hình ảnh của chúng ta, với diện mạo chúng ta trước chiếc gương là không tốt, nó không tốt đâu. Trái lại, cuộc sống thật đẹp với những người khác, trong gia đình của chúng ta, với bạn bè, với những cuộc đấu tranh của dân tộc ta ... Cuộc sống như thế mới thật đẹp!
Chúng ta là các Kitô hữu và chúng ta muốn hướng đến sự thánh thiện. Hãy hướng đến sự thánh thiện qua những cuộc gặp gỡ của các con và tình đồng bào với những người khác; chú ý đến nhu cầu của họ (thượng dẫn., 146), là những người thực sự hình thành nên một dân tộc mà chúng ta thuộc về. Bản sắc không phải là sản phẩm của phòng thí nghiệm; điều đó không tồn tại; nó không được pha trộn trong một ống nghiệm; một bản sắc “thuần khiết” không tồn tại. Nhưng bản sắc tồn tại khi đồng hành cùng nhau, đấu tranh với nhau, yêu thương nhau. Bản sắc tồn tại khi thuộc về một gia đình, một dân tộc. Bản sắc mang lại cho các con sức mạnh để phấn đấu và đồng thời sự dịu dàng để biết lo lắng quan tâm đến người khác. Mỗi người trong chúng ta đều biết rằng nó đẹp đến mức nào khi thuộc về một đền thờ, nhưng cũng mệt mỏi như thế nào. Thật tuyệt vời khi những người trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi; đó là một dấu chỉ cho thấy họ đang làm việc - và thậm chí, đôi khi, đau đớn; các con biết rõ điều này. Nhưng đó là cơ sở cho bản sắc của chúng ta; chúng ta không phải là những kẻ không cội nguồn. Chúng ta không phải là một dân tộc không gốc rễ!
Hai con cũng nói về kinh nghiệm của mình trong một ca đoàn, trong việc cầu nguyện cùng gia đình, Thánh Lễ và giáo lý, và trong việc giúp đỡ những người có nhu cầu. Đây là những vũ khí mạnh mẽ mà Chúa ban cho chúng ta. Lời cầu nguyện và các bài hát giữ cho chúng ta khỏi bị cuốn vào thế giới của chính mình: trong mong muốn của các con được biết Chúa, các con đã thoát ra khỏi chính mình và có thể thấy điều gì đang xảy ra trong trái tim chúng con qua đôi mắt của Thiên Chúa (xem thượng dẫn., 147). Khi lắng nghe tiếng nhạc, các con trở nên cởi mở đối với sự lắng nghe và cuộc sống nội tâm; như thế, chúng con phát triển sự nhạy cảm, và luôn luôn mở lòng ra cho sự phân định (xem Tài liệu làm việc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, 162). Cầu nguyện chắc chắn có thể là một kinh nghiệm của một “cuộc chiến tinh thần”, nhưng trong lời cầu nguyện chúng ta học cách lắng nghe Thánh Linh, để phân biệt các dấu chỉ của thời đại và tìm kiếm sức mạnh mới để loan báo Tin Mừng mỗi ngày. Làm thế nào chúng ta có thể chống lại được cám dỗ trở nên chán nản bởi sự yếu đuối của chúng ta và những khó khăn của chúng ta, và của những người khác, và bởi tất cả những điều khủng khiếp đã và đang xảy ra trong thế giới của chúng ta? Chúng ta sẽ làm gì nếu cầu nguyện không dạy chúng ta tin rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta, khi chúng ta một mình vật lộn với nghịch cảnh? Như Thánh Alberto Hurtado thường nói, “Chúa Giêsu và tôi là đa số tuyệt đối!” Đừng quên điều này; một vị thánh thường nói điều đó! Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, với lời Ngài, với Thánh Thể, nhắc nhở chúng ta rằng đối phương có mạnh đến đâu cũng không thành vấn đề. Đội Žalgiris Kaunas hay đội Vilnius Rytas về nhất không thành vấn đề [vỗ tay, cười] … Nhân tiện, cha hỏi các con: đội nào về nhất đây? [cười nhiều hơn]. Nó không quan trọng ai là người về nhất. Những gì quan trọng không phải là kết quả, nhưng điều thực sự quan trọng là Chúa là ở phía chúng ta.
Cả hai con đều tìm thấy sự hỗ trợ trong cuộc sống thông qua kinh nghiệm của việc giúp đỡ người khác. Các con nhận ra rằng tất cả xung quanh chúng ta có những người gặp rắc rối thậm chí còn tệ hại hơn chúng ta. Monica, con đã nói với chúng tôi về công việc của con với các trẻ khuyết tật. Nhìn thấy sự yếu đuối của người khác đem đến cho chúng ta một tầm nhìn; nó giúp chúng ta không trải qua cuộc sống bằng cách liếm các vết thương của mình. Thật không tốt khi sống với những lời than phiền sầu não, điều đó không tốt. Thật không tốt khi sống bằng cách liếm các vết thương của chúng ta. Có bao nhiêu thanh niên rời khỏi nhà vì thiếu cơ hội, và bao nhiêu các nạn nhân của trầm cảm, rượu chè và ma túy! Các con biết rõ điều này. Có bao nhiêu người già cô đơn, không có ai để chia sẻ hiện tại, và sợ rằng quá khứ sẽ quay trở lại! Các con, những người trẻ, có thể đáp trả những thách thức này qua sự hiện diện của các con, qua sự gặp gỡ với những người khác. Chúa Giêsu mời chúng ta bước ra khỏi chính mình và mạo hiểm trong những cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với những người khác. Đúng là tin vào Chúa Giêsu thường đòi hỏi một bước nhảy mù quáng trong đức tin, và điều này có thể đáng sợ. Lúc này lúc khác, nó có thể khiến chúng ta tự hỏi mình, và buộc chúng ta từ bỏ các định kiến. Điều đó có thể khiến chúng ta đau khổ và chúng ta có thể bị cám dỗ để nản lòng. Nhưng hãy đứng vững! Theo Chúa Giêsu là một cuộc phiêu lưu đam mê mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình là một phần của một cộng đồng đang khuyến khích chúng ta, một cộng đồng đang đồng hành cùng chúng ta, và khích lệ chúng ta phục vụ người khác.
Các con, những bạn trẻ thân mến,
Theo Chúa Kitô là một điều đáng giá, nó thật đáng giá! Đừng ngại tham gia vào cuộc cách mạng mà Ngài đang mời gọi chúng ta: cuộc cách mạng của sự dịu dàng (xem Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 88). Nếu cuộc sống chỉ là một vở kịch hay một trò chơi điện tử, nó sẽ bị giới hạn trong một thời gian chính xác, và có một sự khởi đầu cũng như một kết cục khi bức màn buông xuống hoặc khi một đội chiến thắng trò chơi. Nhưng cuộc sống đong đo thời gian một cách khác, không phải thời gian của một vở tuồng hay một trò chơi điện tử; nó theo nhịp tim của Thiên Chúa. Đôi khi nó trôi qua một cách nhanh chóng, có khi lại chậm lại. Chúng ta bị thách đố để chọn những con đường mới; nhiều thứ thay đổi. Chúng ta trở nên thiếu quyết đoán chủ yếu vì sợ rằng bức màn sẽ rơi xuống, hoặc đồng hồ bấm giờ sẽ loại bỏ chúng ta khỏi trò chơi hoặc ngăn chúng ta tiến lên. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng liên quan đến việc tiến lên phía trước, cuộc sống luôn di chuyển về phía trước, nó không đứng yên; cuộc sống bao giờ cũng liên quan đến việc tiến lên phía trước, tìm kiếm đúng lối đi mà không sợ phải lặp lại các bước của chúng ta nếu chúng ta phạm sai lầm. Điều nguy hiểm nhất là làm xáo trộn đường chúng ta đi với một mê cung khiến chúng ta lang thang trong một vòng tròn lẩn quẩn mà không bao giờ tiến bộ thực sự. Các con ơi, làm ơn đi, khi còn trẻ, đừng để mình bị mắc kẹt trong mê cung, nhưng hãy đi theo con đường dẫn đến tương lai. Đừng lạc vào mê cung; nhưng hãy tiến lên phiá trước.
Đừng bao giờ ngại đặt niềm tin của chúng con vào Chúa Giêsu, đừng ngại ngùng đón nhận chí hướng của ngài, chí hướng của Tin Mừng, chí hướng của nhân loại, của con người. Bởi vì Ngài không bao giờ nhảy ra khỏi con tàu cuộc đời chúng ta; Ngài luôn có mặt ở những giao lộ của cuộc sống. Ngay cả khi cuộc sống của chúng ta đang bùng lên trong ngọn lửa, Ngài luôn ở đó để tái xây dựng chúng. Chúa Giêsu ban cho chúng ta rất nhiều thời gian, rất nhiều chỗ cho thất bại. Không ai phải di cư khỏi Người; Ngài có chỗ cho mọi người. Có rất nhiều người ở ngoài kia, là những kẻ muốn nắm bắt trái tim của con. Họ muốn gieo cỏ dại trong cánh đồng của chúng con, nhưng nếu, cuối cùng, chúng ta giao phó cuộc sống của chúng ta cho Chúa, thì lúa tốt sẽ luôn thắng thế. Trong chứng từ của các con, Monica và Jonas, các con đã nói về những người bà của các con, những người mẹ của các con ... Cha muốn nói với các con - và tới đây, đừng lo, cha sẽ dừng lại! - Cha muốn nói với con: đừng quên gốc rễ của dân tộc các con. Hãy suy nghĩ về quá khứ, nói chuyện với người cao tuổi: nói chuyện với người già không nhàm chán đâu. Hãy đi tìm những người già và để họ kể cho các con nghe về nguồn gốc của dân tộc các con, niềm vui của họ, đau khổ của họ, giá trị của họ. Bằng cách này, bằng cách kín múc từ cội rễ của các con, các con sẽ đưa dân tộc các con tiến về phía trước, các con sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ lịch sử của dân tộc các con.
Thưa các con trẻ, nếu các con muốn có một dân tộc tuyệt vời và tự do, hãy tìm lại nguồn gốc của quá khứ các con và mang những quá khứ ấy tiến về phía trước. Cảm ơn rất nhiều!