Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 11g30, ngài đã đến nơi.
Lúc 12g10, sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 12g40.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lithuania là thành viên của Liên minh châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Hiệp định Schengen, OECD và NATO. Lithuania cũng là một thành viên của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, và là một thành viên trong Liên minh hợp tác Bắc Âu-Baltic của các nước Bắc Âu. Liên Hợp Quốc liệt kê Lithuania là một trong những quốc gia “phát triển nhân bản rất cao”.
Lithuania có cơ sở hạ tầng về truyền thông phát triển rất mạnh. Công ty LTE, là công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ mạng phủ sóng 97% lãnh thổ của Lithuania, cho biết cả nước có 2.8 triệu công dân nhưng có đến 5 triệu SIM card đang được sử dụng.
Lithuania theo tổng thống chế, quyền hành tập trung trong tay tổng thống. Tổng thống hiện này là bà Dalia Grybauskaitė / da-lɛ grɪ-bɑʊ̈z-kɑɪ-tʃe /. Bà sinh ngày 1 tháng 3 năm 1956, không có chồng con. Bà nhậm chức tổng thống Lithuania vào ngày 12 tháng 7 năm 2009 và tái đắc cử vào tháng 5 năm 2014. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của đất nước và Tổng thống đầu tiên của Lithuania được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.
Trước đó, bà là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng là Ủy viên Châu Âu về Lập trình Tài chính và Ngân sách từ năm 2004 đến năm 2009.
Từ năm 1983 đến tháng 12 năm 1989, bà là thành viên của Đảng Cộng sản Liên Sô (CPSU) cho đến khi Đảng Cộng sản Lithuania (CPL) tách khỏi CPSU vào tháng 12 năm 1989, bà là thành viên của CPL cho đến tháng 6 năm 1990, khi CPL bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Gia đình Kitô của Ái Nhĩ Lan vào ngày 07 tháng 5, 2013, bà Grybauskaitė cho biết bà là người Công Giáo thực hành đạo. Cũng như các trẻ em trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô, bà được rửa tội bí mật. Việc gia nhập đảng cộng sản là một việc bất khả kháng.
Grybauskaitė chưa kết hôn và không có con. Ngoài tiếng Lithuania bản địa, bà thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Ba Lan, và cũng nói tiếng Pháp.
Năm 1988, Grybauskaitė bảo vệ luận án tiến sĩ về Khoa học xã hội tại Mạc Tư Khoa. Hai năm sau đó bà theo học tại Đại Học Công Giáo Georgetown ở Washington DC.
Là một người say mê võ thuật, bà Grybauskaitė có đai đen Karate.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau buổi lễ đón tiếp tại phi trường quốc tế Vilnius, Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng của ngài đã đi xe hơi đến dinh tổng thống.
Tại đây, Đức Thánh Cha đã ký vào sổ lưu niệm.
Trong phần trao quà lưu niệm, tổng thống đã trao tặng Đức Thánh Cha một quả chuông.
Tổng thống giải thích với Đức Thánh Cha về ý nghĩa của quả chuông như một lời cảnh tỉnh về những đau khổ mà đồng bào của bà phải chịu. Thật vậy, những chữ được khắc trên quả chuông có ý nghĩa tưởng nhớ 780,000 người Lithuania đã phải chết dưới tay Đức Quốc Xã và cộng sản Liên Sô trong thập niên 1940. Trong thời kỳ nửa thế kỷ chiếm đóng của Liên Sô, một còn số còn đông hơn nữa những người đã chết vì bị xử bắn, bị đày sang Siberia, chết trong các trại cải tạo lao động.
Đức Thánh Cha đã bày tỏ lời chia buồn của ngài với nữ tổng thống.
Đức Ông Mauricio Rueda Beltz, người Colombia là người thay thế ông Alberto Gasbarri lo về phần nghi lễ trong các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đang giải thích với nữ tổng thống Dalia Grybauskaitė / da-lɛ grɪ-bɑʊ̈z-kɑɪ-tʃe / về ý nghĩa của món qùa Đức Thánh Cha tặng cho bà. Đó là một bức trang Chúa Giêsu vẽ theo kiểu Đông phương.
Đức Thánh Cha cũng ưu ái tặng cho nữ tổng thống một huy hiệu Giáo Hoàng của ngài và hai bản sao thông điệp Laudato Sí và Tông huấn Gaudete et exsultate vừa mới được công bố hôm 19 tháng Ba vừa qua.
Sau khi đàm đạo với tổng thống, Đức Thánh Cha và tổng thống đã ra trước vườn Hồng của phủ tổng thống nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn. Sau lời chào mừng của tổng thống, Đức Thánh Cha nói:
Thưa bà Tổng thống,
Các thành viên của Chính phủ và Ngoại giao Đoàn,
Các vị Đại diện xã hội dân sự,
Các nhà chức trách,
Thưa quý vị,
Thật là một nguồn mạch của vui mừng và hy vọng khi tôi được bắt đầu cuộc hành hương đến các nước Baltic tại Lithuania này, nơi mà, như Thánh Gioan Phaolô II thích nói, là “một chứng nhân thầm lặng cho một tình yêu nồng nàn đối với tự do tôn giáo” (Diễn từ trong buổi lễ chào đón tại Vilnius, ngày 4 tháng 9 năm 1993).
Xin cảm ơn, bà Tổng thống, vì những lời chào thân ái mà bà đã gửi đến tôi nhân danh bản thân và những người dân của quốc gia này. Trong diễn từ gởi đến các bạn, trước hết tôi muốn chào đón tất cả dân tộc Lithuania ngày nay đang mở rộng cửa nhà và quê hương của mình để chào đón tôi. Với tất cả các bạn, tôi xin bày tỏ tình yêu của tôi và lòng biết ơn chân thành của mình.
Chuyến viếng thăm này diễn ra tại một thời điểm đặc biệt quan trọng trong đời sống đất nước các bạn, vì đó là dịp kỷ niệm 100 năm tuyên bố độc lập.
Một thế kỷ trôi qua đã được đánh dấu bởi quá nhiều những thử thách và đau khổ mà các bạn phải chịu đựng: tù đầy, trục xuất, thậm chí là tử đạo. Kỷ niệm 100 năm độc lập có nghĩa là dừng lại một chút thời gian, để làm sống lại ký ức về tất cả những kinh nghiệm này. Như thế các bạn giữ được liên lạc với tất cả những gì đã định hình các bạn như là một quốc gia; và tìm ra mấu chốt cho phép các bạn nhìn vào những thách thức của hiện tại, và hướng đến tương lai trong bầu khí đối thoại và đoàn kết giữa tất cả các cư dân, để không một ai bị loại trừ. Mỗi thế hệ được kêu gọi để trong thời đại của chính mình thực thi những cố gắng và đạt đến những thành tựu như người xưa đã từng làm trong quá khứ, và để tôn vinh trong ký ức những người đã đi trước chúng ta. Chúng ta không biết ngày mai sẽ như thế nào; nhưng chúng ta biết rằng mỗi thời đại đều có nghĩa vụ chăm sóc “linh hồn” đã tạo ra mình và giúp nó biến đổi mọi tình huống đau đớn và bất công thành cơ hội, và giữ cho sống động và lành mạnh căn côi tạo ra hoa trái mà chúng ta được hưởng ngày nay. Thật thế, dân tộc này có một “linh hồn” mạnh mẽ cho phép họ kiên cường và tiếp tục xây dựng! Đây là lời cầu nguyện vang lên trong quốc ca của các bạn: “Xin cho những con dân của quốc gia này kín múc được sức mạnh và năng lực từ quá khứ”, để nhìn vào hiện tại với lòng dũng cảm.
“Xin cho những con dân của quốc gia này kín múc được sức mạnh và năng lực từ quá khứ.”
Trong suốt lịch sử của nó, Lithuania đã có khả năng làm chủ nhà, chào đón và tiếp nhận người của các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Mọi người đều tìm được một nơi để sống trên các lãnh thổ này: người Lithuania, người Tartars, người Ba Lan, người Nga, người Bạch Nga, người Ukraine, người Armenia, người Đức ...; người Công Giáo, người Chính Thống, người Thệ Phản, người Công Giáo Cổ, người Hồi Giáo, người Do Thái giáo...; họ sống với nhau và sống trong hòa bình cho đến khi xuất hiện các ý thức hệ toàn trị, các ý thức hệ đã phá vỡ khả năng tiếp rước và hòa hợp các dị biệt bằng cách gieo rắc bạo lực và ngờ vực. Rút tỉa sức mạnh từ quá khứ có nghĩa là phục hồi gốc rễ và giữ cho sống động lối sống chân chính và độc đáo nhất trong quí vị và những điều vốn giúp quí vị phát triển chứ không đầu hàng như một quốc gia: khoan dung, hiếu khách, tôn trọng và liên đới.
Nhìn vào khung cảnh thế giới chúng ta đang sống, nơi các tiếng nói gieo rắc chia rẽ và mâu thuẫn ngày càng gia tăng – cấp phương tiện cho bất an và xung đột nhiều lần - hoặc tuyên bố rằng cách duy nhất có thể có để đảm bảo an ninh và sự tồn tại của văn hóa hệ ở cố gắng xóa bỏ, dẹp bỏ hoặc trục xuất người khác, người Lithuania qúi vị có một hạn từ độc đáo để đưa ra “điều chỉnh các dị biệt cho ăn khớp với nhau”. Qua đối thoại, cởi mở và hiểu biết họ có thể trở thành một cây cầu kết hợp giữa Đông và Tây Âu. Đây có thể là thành quả của một lịch sử trưởng thành, một thành quả mà qúi vị, trong tư cách một dân tộc, đã cung cấp cho cộng đồng quốc tế và cách riêng cho Liên Hiệp Châu Âu. Quí vị đã phải chịu đựng “bằng da thịt của qúi vị” các mưu toan nhằm áp đặt một mô hình duy nhất, một mô hình sẽ làm mất đi các dị biệt với kỳ vọng tin rằng các đặc quyền của một ít người nằm trên phẩm giá người khác hoặc lợi ích chung. Đức Bênêđictô XVI đã khéo léo chỉ ra điều này: “Ước muốn lợi ích chung và làm việc cho nó là một yêu sách của công lý và bác ái [...]. Chúng ta càng yêu thương nhau hữu hiệu hơn nếu chúng ta càng phấn đấu nhiều hơn cho ích chung, đáp ứng các nhu cầu thực sự của nó”(Thông điệp Caritas in Veritate, 7). Tất cả các xung đột đang phát sinh sẽ tìm được các giải pháp lâu dài với điều kiện chúng bắt nguồn từ sự chú ý cụ thể tới người ta, đặc biệt là những người yếu nhất và bắt nguồn từ cảm quan được mời gọi “mở rộng cái nhìn của họ để nhận ra một lợi ích lớn hơn mang lại lợi ích cho mọi” (Tông huấn Evangelii gaudium, 235).
Theo nghĩa này, rút tỉa sức mạnh từ quá khứ có nghĩa là lưu ý đến những người trẻ hơn, những người không những là tương lai, mà còn là hiện tại của quốc gia này, nếu họ mãi hợp nhất với nguồn gốc của dân tộc. Một dân tộc trong đó người trẻ tìm được chỗ để lớn lên và làm việc sẽ giúp họ cảm thấy họ là những người chủ động trong việc xây dựng cơ cấu xã hội và cộng đồng. Điều này sẽ làm mọi người có khả năng ngẩng đầu nhìn ngày mai một cách đầy hy vọng. Người Lithuania họ mơ ước thủ vai trong cuộc tìm kiếm liên tục nhằm cổ vũ các chính sách có thể khuyến khích việc tham gia tích cực của những người trẻ nhất trong xã hội. Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là hạt giống hy vọng, vì nó sẽ dẫn đến một tính năng động trong đó “linh hồn” của dân tộc này sẽ tiếp tục tạo ra tính hiếu khách: hiếu khách đối với khách lạ, hiếu khách đối với giới trẻ, đối với giới già, những người vốn là ký ức sống động, đối với người nghèo, và nhất định hiếu khách đối với tương lai. Thưa bà tổng thống, tôi cam đoan với bà rằng, cho đến nay, bà có thể tin cậy vào cam kết và việc làm đồng bộ của Giáo Hội Công Giáo, để lãnh thổ này có thể hoàn thành ơn gọi của nó là làm cây cầu hiệp thông và hy vọng.