Hiếm có ai, dù là nhà văn, có đủ tài lực để viết về một cây đại thụ với đầy đủ chi tiết và bóng cả của cây. Tôi chẳng là gì để có thể viết về một cây đại thụ trong Giáo Hội Việt Nam và trong lòng rất nhiều giáo dân là Cha Phêrô Nguyễn Châu Hải, Dòng Thánh Thể. Nhưng với tư cách là một kẻ hậu sinh có chút duyên may được tiếp xúc và được nghe nhiều về ngài, tôi thấy mình có bổn phận phải ghi lại đôi điều về vị linh mục khả kính.

Cha Cố Phêrô vừa được Chúa gọi về ở tuổi đại thọ 102, với 72 năm linh mục. Thật là trường hợp hiếm hoi đáng quý trong Giáo Hội. Cách đây hơn hai năm, vào ngày 16 tháng 1 năm 2016, Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam và linh tông, huyết tộc Cha Cố Phêrô Nguyễn Châu Hải đã dâng Thánh Lễ tạ ơn, mừng Cha Cố dịp Kim Cương Linh Mục (70 năm Linh Mục, 1946-2016), và Bách Niên Thượng Thọ 100 tuổi của ngài (1916 – 2016).

Từ ngày còn bé, tôi đã được đọc cuốn Thánh Juliano Eymard, Tông Đồ Thánh Thể của Cha Cố Phêrô. Cuốn này khi được tái bản nhân bách niên thượng thọ và 70 năm Linh Mục của tác giả, đã được đổi thành Thánh Phêrô Giulianô Eymard (Giulianô viết theo phiên âm Việt). Ở phần đầu chương I, tác giả trích lời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII: “Trong các vị tôn sùng phép Thánh Thể, chân phúc (sau đó là Thánh) Eymard đứng hàng đầu”. Nhìn vào cuộc đời của Cha Cố Phêrô, ai trong chúng ta cũng thấy Cha Cố đã noi theo tấm gương mà chính ngài đã viết thành sách từ rất lâu.

Ngày xưa có lần Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi kể cho tôi nghe một câu chuyện nhỏ mà chắc ít ai biết. Một lần người ta mời Đức Cha Phêrô đến gặp, họ đưa cho Đức Cha tấm ảnh cũ của một linh mục trẻ, đội mũ kiểu tự vệ Bùi Chu và hỏi “Ông biết đây là ai không?” Đức Cha bảo ngài là linh mục giáo phận tôi ở Bùi Chu và nay ở Đà nẵng sao tôi lại không biết. Nghe chuyện này, tôi càng thêm quý mến Cha Phêrô Nguyễn Châu Hải. Quý mến vì lý do gì thì không nói ra, mọi người vẫn có thể đoán được.

Duyên may tôi được ở gần ngài một thời gian. Dạo ấy đang gặp đủ thứ khó khăn, tôi đến ở với gia đình một người bạn thân. Anh ấy là chủng sinh lúc đó không được đi học nên phải về ở với gia đình ông bà cố, đồng thời làm thầy giúp cho Cha xứ là Cha Cố Phêrô. Lúc đó tôi cũng hay ra vào thăm Cha xứ và giúp ngài một chút xíu mỗi khi ngài nhờ. Sau này anh bạn thân của tôi làm linh mục, khi nào có dịp vào Sàigòn cha ấy và tôi cũng hẹn gặp nhau, chúng tôi cũng nhắc về thời ấy có Cha Cố Phêrô.

Có lần rảnh rỗi Cha Cố Phêrô kể cho tôi nghe một số chuyện vừa bi vừa hài. Những mẩu chuyện ấy cứ theo tôi mãi về sau này, và hễ có dịp là nhớ lại ngay. Chẳng hạn ngài kể tôi nghe rằng họ mời ngài ra hỏi chuyện. Một tay công an trẻ “phỏng vấn” ngài. Ngài vừa nghe vừa nhắm mắt. Thế là anh kia đập bàn quát to: “Ông Hải, tôi đang nói mà ông ngủ à?” Ngài từ tốn bào anh ta: “Này anh, thứ nhất là tôi nhắm mắt mà vẫn nghe rõ, thứ hai, anh chỉ đáng tuổi cháu nội tôi, sao anh lại đập bàn quát tháo với tôi?”. Và anh ta im lặng.

Ngài cũng kể chuyện này. Năm đó ủy ban đoàn kết yêu nước cả nước có cuộc họp và họ yêu cầu ngài cho treo cờ đỏ trước cổng nhà thờ. Ngài không treo. Họ hỏi tại sao thì ngài bảo họ: “Cờ ấy là cờ của nước, mấy ông đó chỉ là một nhóm người thôi, họp hành trong nhóm thì tại sao chúng ta lại phải treo cờ của nước?”.

Còn một số những mẩu chuyện nho nhỏ như thế ngài kể cách từ tốn, như tâm sự với một đứa cháu. Tôi lắng nghe ngài lúc ấy với sự thích thú của cậu trai mới lớn nghe những chuyện thần kỳ của một người cha, người ông can đảm. Nhưng bây giờ kể lại, tôi nhận ra rằng Cha Cố Phêrô hẳn phải có một đời sống nội tâm thật sâu xa, một lòng yêu mến Chúa kiên trung và một niềm hy vọng lớn lao thì ngài mới can đảm, bình tĩnh và ung dung tự tại như thế.

Dĩ nhiên những chuyện đó chưa là gì so với đời sống nội tâm sâu sắc và đời sống đạo đức rất rõ ràng của ngài.

Vâng, đúng như thế. Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam làm chứng về Cha Bác Phêrô của ngài như sau: “Say mê bí tích Thánh Thể, ngài gia nhập Dòng Thánh Thể và sống ơn gọi Thánh Thể suốt cả cuộc đời. Cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể, Cha Cố luôn sống trung tín ơn gọi trong mọi tình huống và với mọi người. Lòng mến luôn là nguyên tắc căn bản ngài sử dụng trong các cuộc phân định lương tâm”.

Cha Cố Phêrô trong 102 năm làm con Chúa ở trần gian và 72 năm Linh Mục đã đóng góp rất nhiều và rất ý nghĩa cho Giáo Hội tại Việt Nam qua rất nhiều vai trò quan trọng mà ngài đã đảm nhận: Linh giám trường Thầy Giảng Bùi Chu, cha phó và chánh xứ nhiều giáo xứ khác nhau, tuyên úy Lưu động Khu chiến Bùi Chu, tuyên úy các Hội đoàn, trại giam, bệnh viện, giáo sư và linh hướng các Tiểu chủng viện và Đại chủng viện tại Sàigòn, Qui nhơn, Đà nẵng…

Một cuộc đời đi qua để lại quá nhiều dấu ấn trên đất nước này từ Bắc chí Nam, trong Giáo Hội Việt nam qua rất nhiều thời kỳ lịch sử và trong lòng con cái, học trò và thậm chí trong lòng những ai ghét Giáo Hội. Tôi tự hỏi điều gì đã làm nên một cây đại thụ vững vàng qua giông bão như thế?

Trước đây, khi tôi xin phỏng vấn Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành cho Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic, Cha Vinh sơn nói:

“Tôi xin đưa ra một số vụ việc để minh chứng nhận định: Ai gần Cha Cố đều thấy, Cha Cố trung thành và miệt mài với Bí tích Thánh Thể, ngay bây giờ, tuổi già sức yếu, Cha Cố vẫn đắm chìm trong các giờ kính Thánh Thể.

Năm 75, khi Đà Nẵng đang tao loạn, chúng tôi rất lo ngại cho Cha Cố, chúng tôi liên lạc xin Cha Cố vào Nam, thời gian sau nhận được thư của Cha Cố, một lá thư rất dài, viết tay, kể lại những sự việc đang xảy ra ở Đà nẵng, đặc biệt là những đau thương mà mọi người đang gánh chịu, cuối thư Cha Cố viết. “Bác không vào Nam đâu, bác phải ở lại với người dân ngoài này, sợ rằng khi vào Nam sống nhờ anh em linh mục khác, con vi trùng nhàn rỗi sẽ đục khoét tim phổi bác”. Chúng tôi biết Cha Cố chọn đàn chiên và sống chết với đàn chiên. Mọi người khi ấy chỉ biết bùi ngùi cầu nguyện cho Cha Cố.

Câu nói cửa miệng của Cha Cố như là một xác tín cuộc đời “Mục đích của Chúa là hạnh phúc của chúng ta”.

Có lẽ nhờ những đức tính trên, đó là cách cộng tác với ơn Chúa, Cha Cố đã đi qua bao gian nan vất vả của cuộc đời và sứ vụ cho đến ngày hôm nay”.

Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, con linh hướng của Cha Cố, đã nói về ngài trong bài giảng Lễ mừng Cha Cố 70 năm Linh mục như sau:

“Ngài đã đáp lại ơn huệ và tình thương Chúa bằng việc sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Ngài là một tu sĩ dòng Thánh Thể, nên rất gắn bó với việc tôn sùng Bí tích này. Tôi còn nhớ thời ngài làm tuyên úy cho dòng Thánh Phaolô Đà nẵng, mỗi lần đi thăm cha, tôi thường thấy ngài ngồi một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, với cung cách tôn thờ trầm lặng, đầu gục xuống, lãng quên thời gian. Gặp ngài, tôi thấy như ngài từ một thế giới khác trở về trần thế. Tôi tin rằng ngài đã kín múc sức mạnh nội tâm, ơn thánh nhờ những giờ phút kết hiệp với Chúa để vượt qua những khó khăn và giúp lại cho người khác. Cầu nguyện là lương thực của ngài, như cha Phạm Trung Thành cho biết Cha Cố dạy đừng đưa ra giải pháp cho một vấn đề khó khăn nếu tiên vàn chưa cầu nguyện và suy nghĩ”.

Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long cũng kể lại một chuyện riêng tư mà tôi thấy rất ý nghĩa. Vì là chuyện riêng của ngài với Cha Linh hướng là Cha cố Phêrô nên tôi e dè chưa dám kể, và vì thế tôi gọi điện thoại đề xin ý kiến Đức Cha Anphong khi viết đến đoạn này. Đức Cha bảo là cứ kể ra đề cho mọi người thấy vai trò quan trọng của Cha Linh hướng trong việc phân định ơn gọi.

Đức Cha Anphong đã nói: “Tôi không ngại kể một câu chuyện cá nhân rằng trong thời chủng sinh, tôi gặp một khủng hoảng về ơn gọi, những tưởng sẽ chuyển hướng. Khi tôi trình bày sự việc với ngài, ngài dạy tôi không được quyết định gì ngay, vì tôi như đang đi trong cơn bão tố mịt mù, không biết phương hướng đâu, và phải cầu nguyện nhiều. Thế rồi với thời gian, giông tố tan, tôi tìm lại an bình và tiếp tục đi. Hôm tôi dâng lễ tạ ơn sau khi chịu chức giám mục, ngài đến dự và còn dí dỏm bảo tôi: “Nếu hồi ấy mà cha không cương quyết thì đã không có cha Long, và hôm nay giám mục Long rồi!”

Đức Cha Anphong kết luận: “Ôi tôi rất biết ơn cha đã khôn ngoan linh hướng cho tôi”. Rõ ràng một vị linh hướng khôn ngoan và nhân đức có ảnh hưởng sâu xa đến con thiêng liêng của mình như thế nào.

Cha Cố Phêrô còn để lại một kho sách đồ sộ do chính ngài là tác giả, trong đó phải kể đến loại sách tu đức bình dân, giúp ích cho rất nhiều tâm hồn, như Suy niệm Lời Chúa trước Thánh Thể, Dẫn vào Tu đức, Sơ lược truyện Đấng Cứu Thế, Sống Tuần Thánh, Tháng Thánh Tâm, Tháng Đức Mẹ, Tháng Thánh Giuse v.v… Ngoài ra, ngài còn viết những câu chuyện có thật trong đời thường, giúp người ta sống đạo có ý nghĩa, như chuyện về Thánh Juliano Eymard, truyện cô Eve Lavallière, Tiểu Mai, Khăn liệm thành Turin. Ngài cũng viết về nguồn gốc gia đình, những chứng từ về ơn gọi bản thân và cả những câu chuyện riêng tư của gia tộc để lại cho con cháu.

Người xưa có câu “Nhân di tử kim mãn doanh, bất nhược ngã di tử nhất kinh” (Người ta để lại cho con cái một rương đầy vàng, không bằng ta để lại cho con một cuốn sách). Vậy phải nói gì đây khi Cha Cố Phêrô để lại cho con cái ngài một kho tàng sách do chính ngài viết?

Cha Vinh sơn Phạm Trung Thành cũng đã từng nói về Cha Cố Phêrô:

“Không phải tôi nói nhưng rất nhiều linh mục và cả giám mục là học trò, là con cái của Cha Cố nói. Cha Cố đã thành công trong cuộc đời linh mục của Cha Cố, không phải vì xây được nhà thờ to, làm ra những công trình vĩ đại hay tung hoành ngang dọc cho sứ vụ, nhưng Cha Cố đã thành công vì có cả một cuộc đời sống khiêm tốn, trung tín và gương mẫu. Cả một đời hy sinh tận tụy cho các linh hồn”.

Một nét khác mà Cha Cố đã sống nổi bật trong đời ngài, đó là sống tình nghĩa gia đình. Trên mạng xã hội, người ta có thể xem clip Cha Cố về thăm người em gái là Bà Cố Anna. Hai anh em đã cao niên ngồi bên nhau, cùng hát lời chúc tụng Chúa. Một gia đình cùng quây quần ca ngợi Thiên Chúa là gia đình tuyệt vời nhất, không tình nghĩa nào, hạnh phúc nào sánh ví được.

Xin được kết thúc bài viết này bằng lời Đức Cha Anphong trong bài giảng hai năm trước:

“Bây giờ hướng về tương lai, chúng ta đều biết nay Cha Cố đã già, mà theo qui luật tự nhiên, mọi người rồi sẽ phải có lúc kết thúc cuộc sống dương gian để về với Chúa. Không biết lúc nào giây phút này sẽ đến với Cha Cố, cũng như với mỗi người chúng ta. Chúng ta không nhìn biến cố này với sự bi quan chán nản như người không có niềm tin, vì biết rằng đó là điều kiện để được kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Chúng ta đón nhận biến cố này với niềm vui, lòng tin tưởng và phó thác, như tâm tình mà thánh Phaolô đã gửi gắm cho môn đệ Timôthê trong bài đọc II: “Sắp đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”.

Gioan Lê Quang Vinh