Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hội đồng Giám mục Công Giáo của Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh bản tuyên bố được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh về hoà bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu 27 tháng Tư. Các giám mục nói rằng đó là “một cơ hội quý giá” mà Thiên Chúa đã ban cho người dân Hàn Quốc để đáp lại những lời cầu nguyện của họ. Trong nhiều tháng qua, Giáo hội tại Hàn Quốc đã cầu nguyện mỗi tối cho hòa bình. Do đó, các giám mục nói, “có những điều kỳ diệu đang xảy ra ở vùng đất này.”
Mới năm ngoái, một hội nghị thượng đỉnh như thế dường như hoàn toàn là không thể được, vì Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn liên tục chế nhạo lẫn nhau, cả với các đe dọa tấn công hạt nhân. Sau đó, vào tháng Giêng, Kim Jong Un cho biết ông muốn mở rộng cửa cho các cuộc đàm phán. Trong vòng vài tuần sau đó, các vận động viên Hàn Quốc đã diễn hành cùng nhau dưới một lá cờ tại Thế vận hội Mùa đông.
Hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu được thế giới theo dõi chặt chẽ một phần vì Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ gặp Kim Jong Un vào đầu mùa hè tới đây nếu thấy rằng Bắc Hàn có chút thiện chí hòa bình nào đó. Nếu điều đó xảy ra, các nhà quan sát nói rằng nó sẽ đánh dấu một sự trở lại với cộng đồng quốc tế của Bắc Triều Tiên.
Đức Hồng Y Andrea Yeom, Tổng giám mục Hán Thành và đồng thời là Giám Quản Tông Tòa Bình Nhưỡng đã lên tiếng cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô là người đã nhiều lần khích lệ các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho sự thành công của tiến trình hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn tất cả các tín hữu trên thế giới đã và đang cầu nguyện cho tiến trình hòa bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Trước đó một ngày Đức Hồng Y cùng với 3 vị Giám Mục Phụ Tá đã dâng lễ cầu nguyện cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Hán Thành.
2. Diễn tiến cuộc họp
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lúc 9:30 sáng thứ Sáu 27 tháng Tư, Tổng thống Moon Jae-in đã đón Chủ tịch Kim Jong-un tại ranh giới quân sự hai miền trước cửa phòng họp của Ủy ban đình chiến quân sự tại Bàn Môn Điếm.
Sau khi ông Kim bước qua ranh giới Nam Hàn, ông Kim lại mời tổng thống Nam Hàn, bước qua lằn ranh để vào Bắc Hàn.
Sau cử chỉ biểu tượng đó, hai người quay lại phía Nam Hàn,, nắm tay, và bắt đầu cuộc họp.
Cuộc họp buổi sáng xong, hai nhà lãnh đạo tách ra dùng bữa trưa riêng biệt. Ông Kim quay lại phía miền Bắc để dùng bữa trưa.
Khi ông Kim quay lại buổi chiều, hai lãnh đạo đã tham gia lễ trồng cây thông biểu tượng cho hòa bình và đi dạo trước khi tiếp tục họp.
Buổi tối, hai ông đã dự tiệc khoản đãi ở Ngôi nhà Hòa bình cùng các thành viên tháp tùng.
Tháp tùng Kim Jong-un có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim.
3. Tuyên bố chung
Tuyên bố chung ngày 27/4 có tựa đề là “vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất” gồm các điểm chính sau:
Hai bên nhấn mạnh vận mệnh của dân tộc sẽ được chính hai miền Nam-Bắc quyết định
Hai bên sẽ ngừng mọi “hành vi thù nghịch”
Khu phi quân sự sẽ được biến thành “vùng hòa bình” với việc ngừng các loa phóng thanh tuyên truyền bắt đầu từ 1/5
Hai bên sẽ nỗ lực xúc tiến cuộc gặp ba bên gồm hai miền Nam Bắc và Hoa Kỳ hoặc cuộc gặp bốn bên bao gồm cả sự góp mặt của Trung Quốc
Tổ chức đoàn tụ cho các gia đình
Kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ, đường sắt dọc biên giới
Tiếp tục cùng tham dự các sự kiện thể thao như Asian Games 2018
Hứa hẹn vùng biển phía Tây sẽ trở thành hải phận hòa bình, ngăn ngừa xung đột quân sự ngẫu nhiên, đảm bảo hoạt động đánh bắt cá an toàn cho ngư dân
4. Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị bách hại
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Tư 25 tháng Tư, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết vào ngày 7 tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ đến Bari, “cửa sổ hướng về phương Đông”, nơi các di tích của Thánh Nicholas được bảo tồn, trong một ngày suy tư và cầu nguyện về tình hình đầy bi kịch ở Trung Đông đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều anh chị em trong đức tin của chúng ta.
Ngài dự định mời những người đứng đầu các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo từ vùng này tham dự một cuộc gặp gỡ đại kết cầu nguyện cho hòa bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới hiệp thông cho sự kiện này qua lời cầu nguyện.
5. Cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng Hồng Y với Đức Thánh Cha Phanxicô
Hôm thứ Năm 26 tháng Tư, ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã trình bày với các phóng viên về cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng Hồng Y Cố vấn.
Theo ông Greg Burke, Hội đồng Hồng Y cố vấn đã họp với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma từ hôm thứ Hai 23 tháng Tư. Ngày thứ Tư 25 tháng Tư là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối trong phiên họp lần thứ 24.
Một phần lớn công việc của các ngài đã được dành riêng cho bản dự thảo Tông Hiến mới dành cho giáo triều Rôma, sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha để phê chuẩn lần cuối cùng. Các chủ đề trong Tông Hiến mới bao gồm việc phục vụ của Curia dành cho Đức Thánh Cha và các Giáo hội địa phương, đặc tính mục vụ trong các hoạt động của họ, việc thiết lập và các nhiệm vụ của Phân Bộ thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và làm sao để việc công bố Tin Mừng và tinh thần truyền giáo trở nên nguyên tắc chủ đạo hướng dẫn toàn bộ các hoạt động của Curia.
Đức Hồng Y Sean O’Malley trình bày cho các vị Hồng Y những nỗ lực đã được thực hiện nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương trong Giáo Hội. Ngài cũng liên hệ đến cuộc họp gần đây giữa Ban cố vấn dành cho những người bị lạm dụng và Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe những kinh nghiệm của các nạn nhân bị lạm dụng và xem câu chuyện của họ như là một điểm khởi đầu.
Trong những ngày cuối cùng, các buổi họp đã diễn ra cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Cuộc họp tiếp theo của Hội đồng sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Sáu.
6. Ba linh mục Mễ Tây Cơ bị thiệt mạng trong vòng một tuần
Hôm thứ Năm 26 tháng Tư, người ta đã tìm thấy thi hài của một linh mục bị bắt cóc ở trung tâm Mễ Tây Cơ. Ngài là linh mục thứ ba chết thảm trong bối cảnh bạo lực trong vòng một tuần qua.
Các công tố viên ở bang Morelos cho biết một thân nhân đã xác định thân thể được tìm thấy là của cha Moises Fabila Reyes, 83 tuổi.
Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, tổng giám mục tổng giáo phận Mexico City, đã ra một tuyên bố, xin “Đức Mẹ Guadalupe cầu bầu cho người quá cố trước con Mẹ.”
Đức Hồng Y Aguiar Retes viết: “Chúng tôi hiệp thông trong nỗi đau chụp xuống gia đình và bạn bè của Cha Moisés Fabila, chúng tôi cầu nguyện xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn ngài, và xin Đức Mẹ Guadalupe an ủi các thân bằng quyến thuộc”.
Cha Fabila Reyes làm việc tại đền thờ Đức Mẹ Guadalupe của Thành phố Mexico, là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất trên thế giới. Số lượng tín hữu đến thăm đền thánh này vào mỗi ngày 12 tháng Mười Hai hàng năm, lễ Đức Mẹ Guadalupe, có thể lên tới 5 triệu người.
Trong thông báo được đưa ra hôm thứ Năm, Văn phòng công tố Mễ Tây Cơ cho biết người thân của cha đã báo cáo với cục chống bắt cóc liên bang ở Mexico City rằng cha Fabila Reyes đã bị mất tích sau khi đi nghỉ vào đầu tháng Tư. Ngài bị bắt ở Cuernavaca, bang Morelos, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hình thức tội phạm có tổ chức.
Trung tâm đa phương tiện Công Giáo cho biết ngài bị bắt cóc ngày 3 tháng 4 tại Morelos. Gia đình ngài đã phải trả một khoản tiền chuộc lên đến hơn 100,000 đô la. Theo Heraldo de Mexico, các khám nghiệm sơ bộ cho thấy vị linh mục 83 tuổi dường như đã chết vì đau tim, trong điều kiện thiếu thuốc men khi bị giam giữ.
Trước đó, vào ngày 20 tháng 4, Cha Juan Miguel Contreras bị bắn chết trong một nhà thờ ở ngoại ô Guadalajara, khi ngài đang ngồi tòa giải tội. Hai ngày trước đó, Cha Rubén Alcántara, là Cha Tổng Đại Diện của Giáo phận Cautitlan Izalli, bên ngoài Thành phố Mexico, đã bị đâm chết.
Như thế, có đến 5 linh mục đã bị giết kể từ đầu năm 2018 đến nay, đưa số linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ lên đến 24 vị từ ngày 24 tháng 12 năm 2012, khi chính quyền nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Enrique Pena Nieto bắt đầu.
Thật là chua chát vì Mễ Tây Cơ, quốc gia có dân số Công Giáo lớn thứ hai trên thế giới, đối với các linh mục, còn nguy hiểm hơn cả Syria hay Iraq, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang ra sức diệt chủng các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác.
7. Đức Thánh Cha khai mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ.
Chiều ngày 1 tháng 5 là ngày lễ thánh Giuse Thợ và cũng là ngày khởi đầu tháng Hoa kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã kính viếng Đền Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa, một ngôi đền nổi tiếng ở Roma.
Đón tiếp Đức Giáo Hoàng tại đền thánh là Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám quản Giáo Phận Roma, Đức Giám Mục Paolo Lujudice là phụ tá giám mục phía nam, cùng với giám đốc đền thánh và linh mục sở tại. Phái đoàn ra đón Đức Giáo Hoàng còn có nhiều đại diện của phong trào Con Cái Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa có trụ sở đặt tại đây.
Trên Twitter, Đức Thánh Cha viết như sau: “Khi cử hành lễ thánh Giuse thợ, chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng công việc làm là một yếu tố nền tảng đối với phẩm giá con người.
Hôm nay, tại Đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ lần Hạt Mân Côi đặc biệt cầu cho hòa bình tại Syria và trên toàn thế giới. Tôi mời gọi kéo dài lời cầu Mân Côi cho hòa bình trong suốt tháng 5 này.”
Sau khi lần hạt Mân Côi trước ảnh Đức Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng, Đức Giáo Hoàng làm phép ngôi mộ của vị Tôi Tớ Chúa là cha Uberto Terenzi, cha sở đầu tiên của giáo xứ Divino Amore và là đấng sáng lập của hai nhà dòng. Sau đó Đức Giáo Hoàng đã gặp các bậc cao niên trong giáo xứ, những cụ đã được rửa tội bởi chính cha Terenzi, người đã lập ra giáo xứ tại đền thánh, chạy dọc theo con đường Via Ardeatina, cách Roma 12 km về phía nam.
Đức Giáo Hoàng cũng được các cụ về hưu tại Viện Hưu Dưỡng Divino Amore và Ngôi Nhà Gia Đình Master Divini Amori là chỗ trú thân của các trẻ em lang thang và trẻ sơ sinh được điều hành bởi hội dòng Nam Tình Yêu Thiên Chúa.
8. Hồi Giáo cực đoan thảm sát một nhà thờ tại Nigeria, hai linh mục bị giết khi đang đồng tế
Các quan chức Giáo hội và chính phủ ở Nigeria đã xác nhận hai linh mục nằm trong số ít nhất 19 người bị thiệt mạng hôm thứ Ba 24 tháng Tư khi các thành phần Hồi Giáo cực đoan tấn công một nhà thờ Công Giáo ở Ayar-Mbalom, bang Benue.
Khu vực này nằm ở “vành đai trung tâm” của Nigeria, nơi người Hồi giáo ở phía bắc gặp người Kitô hữu miền Nam. Trong vài năm qua, nhóm Hồi giáo cực đoan Fulani đã tấn công những người nông dân Kitô hữu trong khu vực này.
Dân Fulani là một nhóm du mục, hầu như tất cả theo Hồi Giáo. Họ đấu tranh để hình thành một quốc gia Hồi Giáo độc lập. Tuy đa số sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và canh nông, một số người Fulani cũng hội nhập vào đời sống xã hội của các quốc gia Phi Châu, đặc biệt là tại các quốc gia Tây Phi như Cameroon và Nigeria. Dân Fulani đã từng xung đột liên miên với nông dân ở trong khu vực.
Những người Fulani chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên cũng có nhiều người có học thức. Họ đang nắm nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền về hải quan, xuất nhập cảnh và Bộ Nội vụ tại Nigeria ngày hôm nay. Vì vậy, thật rất là dễ dàng để mang những thứ vũ khí nguy hiểm qua biên giới Nigeria mà không ai có thể ngăn chặn điều này.
Cha Moses Iorapuu, Giám đốc Truyền thông của Giáo phận Makurdi, đã xác nhận hai linh mục bị giết là Cha Joseph Gor và Cha Felix Tyolaha của giáo xứ Thánh Y Nhã. Cuộc tấn công xảy ra vào sáng sớm.
Cha Gor trước đó đã viết trên Facebook: “Chúng tôi đang sống trong sợ hãi. Những người Fulani vẫn còn lảng vảng xung quanh chúng tôi tại Mbalom. Họ từ chối không đi nơi khác. Họ vẫn thả súc vật quanh làng chúng tôi. Chúng tôi không có phương tiện để tự vệ”.
Cha Iorapuu nói rằng những người chăn gia súc Fulani tấn công “theo phong cách cổ điển của họ”: đốt nhà cửa, phá hủy thức ăn và giết người.
Hơn 100 người đã bị giết bởi những người chăn gia súc Fulani kể từ đầu năm 2018.
Một quan chức nhà nước Benue cho biết 50 ngôi nhà đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công mới nhất hồi đầu tháng Tư.
9. Các Giám mục Nigeria đang dự ad limina nói những kẻ khủng bố và lính đánh thuê đã xâm nhập vào quốc gia này
Các Giám mục Nigeria đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo vào hôm thứ Ba 24 tháng Tư và các cuộc tấn công tiếp theo vào các cộng đồng Kitô hữu gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani. Các ngài mô tả các cuộc tấn công là “khủng khiếp, dã man và ma quỷ.”
Ít nhất 19 người trong đó có hai linh mục đã bị giết khi nhóm cực đoan Hồi Giáo Fulani xả súng vào một nhà thờ tại Ayar Mbalom trong bang Benue, Nigeria.
Phát biểu với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn, bốn vị Giám mục thuộc khu vực Vành đai Trung Tâm của Nigeria đã mô tả các cuộc tấn công là “khủng khiếp, dã man và ma quỷ”.
Nói chuyện với Cha Paul Samasumo của Vatican News, với sự có mặt của vị tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria, là Đức Tổng Giám Mục Augustine Akubeze, bốn vị Giám Mục nói rằng các cuộc tấn công vô cớ vào đàn chiên của các ngài, đã khiến các ngài vô cùng lo buồn. Bốn Giám mục thuộc khu vực vành đai trung tâm của Nigeria là các Đức Cha Wilfred Anagbe, của giáo phận Makurdi; Đức Cha Peter Adoboh của giáo phận Katsina-Ala; Đức Cha William Avenya của giáo phận Gboko; và Đức Cha Michael Ekwoy Apochicủa giáo phận Otukpo. Các vị giám mục nhận xét rằng đây là cuộc tấn công lớn thứ hai sau vụ tấn công vào đêm giao thừa khi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani giết 72 người.
Các Giám mục Nigeria tin rằng những kẻ khủng bố và lính đánh thuê quốc tế đã thâm nhập vào nhóm khủng bố Fulani. Các ngài nêu câu hỏi làm thế nào các cuộc tấn công này có thể tiếp tục xảy ra dưới ánh sáng ban ngày mà các thủ phạm hầu như không bao giờ bị trừng phạt vì các hành động tàn ác của họ.
“Bộ máy chính phủ hoàn toàn bất lực, hành động bất thường hoặc cố ý bất lực và cố tình làm cho tình hình trở nên rối loạn,” Đức Giám Mục Avenya nói thay mặt cho các Giám mục khác hiện diện.
Các Giám mục nói rằng thế giới cần phải chú ý đến những gì đang xảy ra ở vành đai giữa của Nigeria, nơi những người bị tấn công chủ yếu là các Kitô hữu thiểu số.
“Thế giới không lắng nghe tiếng kêu của chúng tôi. Mọi chuyện đã bắt đầu như đã từng xảy ra ở Rwanda; thế giới giả điếc không nghe thấy gì cả. Như đã từng xảy ra nhiều thập kỷ trước ở Đức, thế giới bị điếc lác. Và đây là những gì đã và đang xảy ra với chúng tôi, và thế giới cần phải biết rằng chúng tôi đang gặp những rắc rối to!” Đức Cha Avenya nói.
Theo Đức Cha Peter Adoboh và Đức Cha Wilfred Anagbe, Ngigeria đang có nhu cầu khẩn cấp về nước sạch và viện trợ nhân đạo cho các trại dành cho những người di cư trong nội bộ. Nhiều người đã phải bỏ chạy trước các cuộc tấn công của nhón Fulani, một số trại đã được dựng lên trong khu vành đai trung tâm Nigeriaa.
“Khu vực này chủ yếu là nông thôn, và gồm toàn những người không có tiếng nói ở bất cứ nơi đâu. Nếu Giáo Hội không thể gióng lên một tiếng nói cho họ, thì họ gặp rắc rối to. Giáo hội đang nỗ lực kêu lên thay cho họ ... tình trạng thảm hại này cần phải được lắng nghe. Thế giới nên biết rằng nạn diệt chủng đã bắt đầu xảy ra đối với các bộ tộc chủ yếu là các nhóm dân thiểu số ở vành đai trung tâm và… ở phía bắc” nơi đa số dân theo Hồi Giáo.
Cuối cùng, các Giám mục nói trong tư cách là các vị mục tử họ muốn khuyến khích người dân, linh mục và nam nữ tu sĩ đừng để mất hy vọng. “Chúng ta là những người sống mầu nhiệm Phục sinh, và vì thế chúng ta có hy vọng.”
Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm ad limina, vào sáng thứ Năm 26 tháng Tư, các Giám mục Nigeria đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và báo cáo trực tiếp với ngài về tình trạng của Giáo hội ở Nigeria.
10. Nhận định của Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về cuộc đối thoại với Trung Quốc và cuộc chiến tại Syria
Sau một bài thuyết trình được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Chioggia về “Ba vị Giáo Hoàng trong năm 1978”, là đề tài đầu tiên trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi phong trào Fondaco về tình phụ tử, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã trả lời các câu hỏi về các chủ đề thời sự trên thế giới.
Giải thích lý do tại sao Tòa Thánh lại đi đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y nói:
“Nếu chính phủ đó không phải là cộng sản và tự do tôn giáo đã được tôn trọng, thì sẽ không cần phải đàm phán. Bởi vì chúng ta đã có những gì chúng ta mong muốn.”
Về tình trạng hiện nay của cuộc đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y cho biết:
“Cuộc đối thoại này đã diễn ra trong một thời gian dài, với rất nhiều kiên nhẫn và với những thành công và thất bại. Có người nói: nó giống như ‘điệu nhảy của Thánh Vito’, hai bước tiến về phía trước thì lại có một bước lùi lại phía sau. Dù sao, chúng ta vẫn còn đang tiến hành, và điều này là quan trọng.”
Về mục tiêu của cuộc đối thoại này, Đức Hồng Y giải thích:
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là một mục tiêu chính trị. Chúng tôi đã bị buộc tội chỉ muốn có quan hệ ngoại giao, chỉ muốn có thành công bằng mọi giá. Nhưng Tòa Thánh, như Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần, không quan tâm đến bất kỳ thành công ngoại giao nào. Chúng tôi chỉ quan tâm đến không gian tự do cho Giáo Hội, để Giáo Hội có thể sống một cuộc sống bình thường trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Sự hiệp thông này là nền tảng cho đức tin của chúng ta”.
“Điều cơ bản là Giáo hội phải được thống nhất. Cộng đồng chính thức, chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền, và cộng đồng hầm trú - ngày nay mỗi người đi theo con đường riêng của họ - cần phải được thống nhất. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc đã nói rằng mục đích của tất cả công việc ở Trung Quốc phải là sự hiệp thông giữa hai cộng đồng, và sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội Trung Hoa với Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi hy vọng rằng một thỏa thuận có thể đạt được đặc biệt là trong việc đề cử các giám mục. Và chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận đó sẽ được tôn trọng. Chúng tôi có ý chí làm như vậy và chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc cũng có ý chí như vậy”.
Khi được hỏi về quan điểm của Vatican trước cuộc không kích của Hoa Kỳ, Anh và Pháp vào Syria, Đức Hồng Y cho biết:
“Tòa Thánh quan sát diễn biến này với sự quan tâm rất lớn. Trong cuộc chiến đã kéo dài hơn sáu năm này, nhiều lần Đức Giáo Hoàng đã thỉnh cầu cộng đồng quốc tế và tất cả các nhân vật chính. Đó là một chuyện bi thảm và phức tạp. Ở cấp độ địa phương, có sự xung khắc giữa chế độ của tổng thống Assad và phe đối lập. Bên cạnh đó, còn có một cuộc đụng độ ở cấp khu vực, đặc biệt là giữa người Hồi Giáo Shiite và người Hồi giáo Sunni. Và sau đó có những thế lực lớn, đã lần lượt can thiệp vào, ban đầu là trong mặt trận thống nhất chống lại ISIS, chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã chiếm đóng nhiều lãnh thổ. Sau đó, Khi đã đánh bại được ISIS – trên những lãnh thổ nó từng chiếm đóng, nhưng tôi không nghĩ nó đã bị đánh bại hoàn toàn ở cấp độ ý thức hệ - thì các thế lực to lớn bắt đầu tách ra và đánh lẫn nhau”
“Chúng ta đã chứng kiến một sự khinh miệt nhân quyền hoàn toàn, với hàng ngàn và hàng ngàn thường dân bị cuốn vào cuộc chiến, bị sử dụng làm những con tin hoặc các lá chắn người. Một sự hủy diệt hoàn toàn về nhân quyền. Và ngay cả các quyền trong chiến tranh, bởi vì trong chiến tranh không phải mọi thứ đều được cho phép”.
Bàn về cách giải quyết cuộc xung đột tại Syria, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói:
“Chúng tôi đã luôn nói rằng một giải pháp quân sự chẳng giải quyết được vấn đề. Các nước Châu Âu gần đây đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về Syria, và bà Federica Mogherini Tổng Đại diện Đối ngoại của Liên minh, đã truyền tải thông điệp này. Tuy nhiên, cần phải đấu tranh để các giải pháp này có thể cất cánh. Chế độ của tổng thống Assad tin rằng họ có thể giành chiến thắng quân sự, đặc biệt là với sự trợ giúp của người Nga, là nước đã giúp Assad giành lại được nhiều vùng lãnh thổ. Suy nghĩ này làm suy yếu các cuộc đàm phán ở Geneva. Và sau đó lại có vấn đề là các cuộc đàm phán lại diễn ra trên các bàn hội nghị khác nhau: Geneva là chính, nhưng sau đó đã có thêm những sáng kiến khác, ở Astana, ở Sochi ...
Tôi không biết liệu những sáng kiến này có giúp thúc đẩy giải pháp ngoại giao và hòa bình hay là chỉ gây ra nguy cơ khiến cơ may thành công còn xa diệu vợi hơn nữa. Tôi tin rằng, như chúng tôi đã nói với các nhân vật chính rất nhiều lần, ngay cả khi họ chiến thắng trong một cuộc chiến quân sự, hòa bình sẽ không tự động được lập lại, bởi vì đất nước đó vẫn còn rất nhiều thù hận, rất nhiều sự tương phản, và quá nhiều những chia rẽ”
11. Chính quyền miền Bavaria quyết định treo thánh giá tại tất cả các tòa nhà chính phủ
Chính quyền miền Bavaria của Đức đã ra lệnh đặt các thánh giá tại lối vào của tất cả các tòa nhà hành chính của chính phủ. Chính quyền tiểu bang nói rằng quyết định treo thánh giá này phản ánh “bản sắc văn hóa của Bavaria và ảnh hưởng của phương Tây Kitô Giáo”. Nghị định này đã được thông qua vào hôm thứ Ba 24 tháng Tư và sẽ được áp dụng cho các tòa nhà chính phủ của tiểu bang. Các tòa nhà chính phủ liên bang ở Bavaria không được nêu trong nghị định này.
Các trường công lập và các phòng xử án của tiểu bang có tỷ lệ người Công Giáo cao nhất ở Đức đã có nghĩa vụ treo thánh giá tại lối vào. Bang Bavaria được cai trị bởi Liên minh Xã hội Kitô Giáo, là đối tác trong miền Bavarian của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel, có khuynh hướng bảo thủ hơn về các vấn đề xã hội. Quyết định này được đưa ra sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng Chín năm ngoái. Vào thời điểm đó người ta đã chứng kiến sự gia tăng các phong trào chống nhập cư và phong trào mị dân Alternativ für Deutschland.
12. Phát biểu của Đức Hồng Y Parolin với các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh Papua New Guinea và quần đảo Solomon
“Nhiệm vụ đầu tiên của linh mục và các tu sĩ là cầu nguyện thường xuyên cho những người được giao phó cho sự chăm sóc của họ”. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nói như trên trong một bài diễn văn trước các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh của Papua New Guinea và quần đảo Solomon trong nhà thờ Thánh Giuse ở Boroko, Port Moresby.
“Cầu nguyện phát sinh từ tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu và củng cố tình bạn ấy; đó là nơi mà 'trái tim nói với trái tim'“.
Đức Hồng Y Parolin nói trước hơn hai trăm linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh tham dự thánh lễ và sau đó tham dự hội nghị về Thánh Thể.
Trong một báo cáo gởi cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc về sự kiện này, Cha Joseph Vnuk, Hiệu trưởng Viện Thần học Công Giáo ở Bomana, Port Moresby, nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nhắc nhớ lại sự liên lỉ cầu nguyện, lòng trung thành và niềm vui cũng như những cống hiến của những nhà truyền giáo trước đây và cái chết của hàng trăm người Công Giáo trong chiến tranh, đặc biệt là Chân Phước Peter ToRot, vị Chân Phước đầu tiên của Papua New Guinea.
Đức Hồng Y Parolin đã đến Papua New Guinea để tham dự cuộc họp khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á. Ngài khuyến khích các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh trở thành các chứng nhân can đảm cho Chúa Kitô. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “Trung tín với Chúa Kitô, trung tín với sứ vụ của mình sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi não trạng muốn sống yên thân ở những nơi thoải mái bỏ mặc những người được trao phó cho chúng ta chăm sóc”.
Cha Joseph Vnuk nói với Fides rằng niềm vui là chủ đề thứ ba và cuối cùng trong bài nói chuyện của Đức Hồng Y Parolin. Ngài lưu ý rằng cả Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô - Evangelii Gaudium- Niềm vui Phúc Âm - và gần đây nhất là Tông huấn Gaudete et Exsultate- Hãy Mừng rỡ hân hoan - đều chọn niềm vui làm chủ đề. “Chỉ có một nỗi buồn trên thế giới – đó là không nên thánh”. Đức Hồng Y nói như trên khi ngài trích dẫn một tác giả người Pháp.
Trong một phiên hỏi đáp dài sau đó, Đức Hồng Y Parolin khuyến khích các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh đừng đánh mất nhiệt tình trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. “Không có thời gian nào là không thích hợp để sống trong ơn gọi của một người đã chịu phép Rửa Tội. Không có thời gian là không thuận lợi để trở thành các linh mục và nam nữ tu sĩ.”
Đức Hồng Y nhân dịp này cũng nói về phong cách giáo hoàng mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cách thức này ảnh hưởng đến giáo triều Rôma như thế nào. Cuối cùng, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khuyến khích các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh tham gia vào công việc hoà giải và kiến tạo hòa bình.
13. Phản ứng tại Pháp về lời kêu gọi của tổng thống Macron hàn gắn các quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một cuộc họp của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) tại trường đại học Bernardins ở Paris, vào ngày 9 tháng 4 năm 2018. Diễn biến này gây ngạc nhiên cho nhiều người. Đó là một vấn đề nhạy cảm trong một xứ sở nơi tôn giáo và nhà nước đã bị luật pháp tách biệt vào năm 1905. Bên cạnh đó, giờ đây Pháp cũng là nơi sinh sống của cộng đồng Hồi giáo và Do Thái lớn nhất châu Âu.
Ông Macron còn đi xa hơn thế khi kêu gọi có các mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo.
Tổng thống nhận xét rằng việc ông có mặt giữa các Giám Mục tự nó đã là một thành tựu quan trọng vì “chúng ta chia sẻ cảm giác rằng mối liên hệ giữa Giáo hội và Nhà nước đã bị hư hại, rằng đã đến lúc chúng ta, cả các vị và tôi, đều muốn sửa chữa điều đó”.
Lớn lên trong một gia đình chẳng theo tôn giáo nào, Macron đã tự mình xin được chịu phép Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo khi lên 12 tuổi.
Lời kêu gọi của tổng thống đã được các đối thủ chính trị đón nhận một cách hằn học. Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên tổng thống thất cử trong cuộc đua vào tháng Năm 2017 nói:
“Chúng ta mất ba thế kỷ nội chiến và đấu tranh để có được như ngày hôm nay, hoàn toàn không có lý do gì để vặn ngược đồng hồ quay trở lại... vì một ý tưởng bất chợt như thế của tổng thống”
Cựu Thủ tướng Manuel Valls và lãnh đạo Đảng Xã hội Olivier Faure nói rằng việc tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước phải là một trụ cột chính trị, ở một đất nước mà các công chức bị cấm không được đeo mạng che mặt Hồi giáo và những trang phục khác có ý nghĩa tôn giáo.
Chính phủ của tổng thống Macron hiện đang vất vả tìm cách xác định lại các quy chế và vai trò của Hồi Giáo là tôn giáo lớn thứ hai tại Pháp, sau một loạt các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo giết chết khoảng 240 người kể từ đầu năm 2015.
Các nhà lãnh đạo Công Giáo không coi nặng và chẳng kỳ vọng gì nhiều nơi các phát biểu của tổng thống Macron. Các ngài không nghĩ rằng một sớm một chiều các ngài có thể gây ảnh hưởng lên các quyết định của chính phủ.
Đức Hồng Y Georges Pontier, người đã gặp tổng thống vào tối thứ Hai, nói với đài truyền hình CNews rằng ông hiểu những nhận xét của tổng thống không có gì khác hơn là một lời mời gọi tham dự vào các cuộc đối thoại cởi mở hơn.
Ngài nói: “Một số người tưởng tượng Giáo Hội Công Giáo muốn áp đặt quyền hạn của mình trên tư duy của mọi người, và hơn thế nữa, nhưng điều đó không đúng”.
14. Các Giám Mục Ba Lan kêu gọi các tín hữu hải ngoại hội nhập nhiều hơn vào Giáo Hội địa phương
Kết thúc phiên họp nhân kỷ niệm 100 năm độc lập của Ba Lan, các Giám Mục nhận định các ngài không còn đủ giáo sĩ để làm mục vụ cho người Ba Lan sống ở nước ngoài và kêu gọi người Công Giáo di cư hòa nhập nhiều hơn với Giáo hội địa phương.
Trong một bức thư mục vụ được đọc tại các Thánh Lễ Ba Lan ở nước ngoài vào ngày 29 tháng Tư, các giám mục cảm ơn hơn 2,000 linh mục và nữ tu Ba Lan hiện đang phục vụ người Ba Lan trên toàn thế giới, và những người thiện nguyện giúp đỡ các linh mục và nữ tu trong các hoạt động phụng vụ, giáo dục, văn hóa và bác ái.
Do số ơn gọi ngay tại Ba Lan có khuynh hướng giảm sút, các ngài khích lệ ơn gọi ngay trong các cộng đoàn Ba Lan trên thế giới. Theo đánh giá của các ngài “Cho dù đã có một nhóm rất đông các linh mục Ba Lan ở hải ngoại, chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu sót không thể phục vụ một cách kịp thời mọi nơi có người Ba Lan sinh sống.”
Các Giám Mục cũng khuyến khích người Ba Lan hội nhập nhiều hơn vào Giáo Hội địa phương: “Chứng tá đức tin của anh chị em sẽ ảnh hưởng tích cực đến các tín hữu từ các nhóm quốc gia khác, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng Giáo hội địa phương. Các giám mục ở các nước khác trông cậy vào sự trợ giúp như vậy từ người Công Giáo Ba Lan.”
Các ngài cám ơn các giám mục địa phương đã thể hiện “sự cởi mở và hiểu biết” bằng cách ban cấp những nơi thờ phượng và các điều kiện cần thiết cho công việc mục vụ bằng tiếng Ba Lan. Tuy nhiên, các ngài cũng khích lệ các tín hữu Ba Lan nên tham dự Thánh Lễ bằng ngôn ngữ địa phương họ cư trú.
Đức Ông Stefan Wylezek, giám đốc mục vụ cho người Ba Lan ở Anh và xứ Wales nói việc khích lệ người tham dự Thánh Lễ bằng ngôn ngữ địa phương có nhiều khó khăn. Họ không có trở ngại về Anh ngữ nhưng nhiều người Ba Lan cảm thấy các lời nguyện bằng tiếng Anh lạnh lùng, chứ không “diễn cảm và sốt mến” như ngôn ngữ của chính họ.
Đức Ông Wylezek cho biết tại Luân Đôn có các thánh lễ tiếng Ba Lan tại 217 giáo xứ và trung tâm mục vụ do 120 linh mục Ba Lan cử hành.
Giáo hội Ba Lan điều hành một mạng lưới mục vụ ở 25 quốc gia, theo thỏa thuận với các hội đồng giám mục địa phương, phục vụ khoảng 15 triệu người Ba Lan mà gia đình họ rời khỏi quê hương trong ba đợt chính. Đợt thứ nhất là sau Thế chiến II. Đợt thứ hai là vào những ngày đầu thập niên 1980 khi cộng sản đàn áp phong trào Đoàn kết tại Ba Lan. Đợt thứ ba là vào năm 2004 khi quốc gia này hội nhập vào Liên hiệp châu Âu.
Tại Pháp và Đức, nơi đã có các cộng đoàn Ba Lan hoạt động từ những năm 1830, 236 linh mục Ba Lan hiện đang làm mục vụ cho ba triệu người Ba Lan, trong khi ở Mỹ, các giáo sĩ Ba Lan làm việc tại hơn 300 giáo xứ.
15. Các Giám mục Nigeria kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức
Các Giám mục Nigeria đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức. Diễn biến này xảy ra sau vụ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo vào hôm thứ Ba 24 tháng Tư và các cuộc tấn công tiếp theo vào các cộng đồng Kitô hữu gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani.
Ít nhất 19 người trong đó có hai linh mục đã bị giết khi nhóm cực đoan Hồi Giáo Fulani xả súng vào một nhà thờ tại Ayar Mbalom trong bang Benue, Nigeria.
Các Giám Mục Nigeria đang ở Rôma tham dự ad limina đã ra một thông cáo kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức. Ông Muhammadu Buhari, một người Hồi Giáo, đã nhậm chức tổng thống từ ngày 29 tháng 5 năm 2015. Sau một thời gian chiến tranh dai dẳng với bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, với khát vọng hòa bình, dân chúng đã chọn ông làm tổng thống vì ông từng là một vị tướng trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, lựa chọn này có lẽ là một sai lầm tai hại. Tổng thống Muhammadu Buhari tỏ ra bất lực không thể dẹp tan được Boko Haram. Đồng thời, quốc gia này lại còn gánh chịu thêm nhiều tang tóc gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani. Tình hình tại Nigeria xấu đi một cách nhanh chóng.
Ông Muhammadu Buhari còn đưa ra nhiều chính sách sai lầm trong đó có việc giải giới các đơn vị tự vệ do dân chúng hình thành nên để bảo vệ họ. Về điểm này các Giám Mục viết:
“Chính phủ liên bang, có trách nhiệm chính là bảo vệ cuộc sống của dân chúng, đã cáo buộc rằng những người dân nào yêu cầu được tự vũ trang để tự bảo vệ mình là những kẻ kích động việc hành xử luật pháp trong tay họ. Tuy nhiên, chính phủ liên bang lại không làm gì để trừng phạt các cơ quan an ninh cố tình làm ngơ trước tiếng kêu và tiếng khóc của những công dân bất lực và vô phương thế tự vệ, những người bị giết khi đang ngồi trong nhà, nông trại, xa lộ, và ngay cả trong những nơi thờ phượng thiêng liêng của họ?”
“Là các nhà lãnh đạo tinh thần, chúng tôi đã liên tục yêu cầu người dân của mình giữ gìn hòa bình và tuân thủ pháp luật, ngay cả khi phải đối mặt với những hình thức khiêu khích tồi tệ nhất. Nhưng ngày nay, các Kitô hữu cảm thấy bị bỏ rơi và phản bội trong một quốc gia mà tất cả chúng tôi vẫn tiếp tục hy sinh và cầu nguyện. Chính chúng tôi cũng cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội.”
“Chính phủ nên khuyến khích và trao quyền cho công dân để tự bảo vệ bản thân và môi trường của họ. Đây không phải là lúc để giải giáp mọi người”