Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một ngày cầu nguyện đặc biệt cho Hòa bình và chấm dứt bạo lực tại các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, những nước đã bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm qua và Ngài mời gọi tất cả không phân biệt nam nữ, bất luận tôn giáo hãy tham dự.
Phát biểu trước khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói “Đối diện với những bi kịch kéo dài tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, tôi mời tất cả anh chị em tín hữu hãy tham gia Ngày Đặc biệt cầu nguyện cho Hòa bình vào ngày thứ Sáu 23 tháng 2 trong Mùa Chay sắp tới”.
Đức Thánh Cha nói những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ đặc biệt hướng về những anh chị em đang bị bạo lực tại Cộng Hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, và Đức Thánh Cha tiếp tục mời gọi cũng như trong nhiều dịp tương tự khác “Tôi cũng mời anh chị em không cùng tín ngưỡng với chúng tôi, hãy cùng tham gia với chúng tôi trong những cách thế thích hợp nhất”
Đức Thánh Cha cũng mời gọi cầu nguyện cho những khủng khoảng tại Madagascar
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ những tâm tình gần gũi với dân chúng Madagascar, “gần đây bị một trận bão lớn gây nhiều chết chóc và thương vong, và làm cho nhiều người phải di tản và gây nhiều thiệt hại to lớn” Xin Thiên Chúa an ủi và đỡ nâng họ.
Hạt giống hy vọng mới cho tình huynh đệ nơi giới trẻ
Trong bài diễnvăn, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến bài Tin mừng Phúc Âm và Ngài nêu lên một mẫu gương, một thanh thiếu niên tên là Teresio Olivelli, người đã bị giết vì đức tin Kitô giáo vào năm 1945 ở trại tập trung Hersbruck.
“Teresio đã làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô dành cho những người yếu đuối, nên chàng đã được thông dự vào danh sách những vị tử đạo của thế kỷ vừa qua. Sự hy sinh anh hùng của chàng là một hạt giống cho niềm hy vọng và tình huynh đệ, đặc biệt cho giới trẻ”.
Một Ngày sống tại Ý Đại Lợi
Đức Thánh Cha đề cập đến việc làm hàng ngày của Ngài tại Ý này được ghi dấu “Tin mừng Phúc âm hầu làm cho niềm vui được tỏa lan ra khắp nơi trên thế giới”; Ngài hiệp thông với các Giám mục Ý trong việc bày tỏ lòng biết ơn và động viên các giáo hội khắp năm châu phát huy và làm thăng tiến cuộc sống.
Cuối cùng, trong số những người mà Đức Thánh Cha chào đón cách đặc biệt là phái đoàn đến từ thành phố Agrigento của Sicilia, những người mà Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn trước những lời cam kết tiếp nhận và giúp hòa nhập những người nhập cư di dân.
2. Trước thềm cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican Web site lên án việc “phanh thây” một nữ chiến binh người Kurds
Trong một diễn biến khủng khiếp nhất của xung đột tại Trung Đông, người Kurd ở Syria đã cáo buộc các phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đã “phanh thây” một nữ chiến binh người Kurd, quay lại toàn bộ vụ hành hình và sau đó tung lên Internet.
Nạn nhân, một nữ quân nhân trong đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd – gọi tắt là YPG - được xác định là cô Barin Kobani, 23 tuổi. Cô đã tham gia vào một cuộc hành quân gần đây để đánh đuổi bọn khủng bố Hồi Giáo IS khỏi các khu vực ở miền bắc Syria.
Cho đến nay, Ankara đã từ chối không bình luận gì về video, và những người có trách nhiệm trong vụ giết người dã man này vẫn chưa được xác định.
Tháng trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Quân đội Giải phóng Syria, là phiến quân chống chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad đã mở chiến dịch “Hành quân nhành Ôliu” tại tỉnh Afrin nhắm vào các đơn vị YPG, mà Ankara xem là một nhánh của Đảng Lao động Kurdistan – gọi tắt là PKK. Cần nói ngay rằng Afrin là một tỉnh của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền trước sự nhắm mắt của Hoa Kỳ và khối Nato.
Hoạt động xuyên biên giới khổng lồ này bao gồm các cuộc không kích và các lực lượng bộ binh và thiết giáp đã tỏ ra rất tốn kém.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng 790 thành viên của YPG, một số đảng viên Đảng Dân chủ Kurds và quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bị giết trong cuộc hành quân tại Afrin.
Đáp lại, quân YPG đã bắn vô số tên lửa vào các tỉnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là Hatay và Kilis trong vài tuần qua, giết chết 5 thường dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng Thống Recep Tayyip Erdoğan vào ngày thứ Hai 5 tháng 2. Đây là lần đầu tiên một Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ gặp Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thánh Vatican sau 59 năm. Chủ ý cuộc gặp gỡ này theo báo chí lề phải của Thổ Nhĩ Kỳ là vì Thổ Nhĩ Kỳ và Vatican đều quan tâm đến lời tuyên bố của Hoa Kỳ về tình trạng thành Giêrusalem. Tuy nhiên, bài báo trên cho thấy Tòa Thánh đủ tỉnh táo để thấy những hậu ý chính trị sâu xa của Erdoğan.
3. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kéo dài 50 phút, dài hơn dự kiến. Erdogan đã đến Rome để nói chuyện với Đức Thánh Cha về Jerusalem sau quyết định của Tổng thống Donald Trump di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem, một động thái bị Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như Erdogan và các nhà lãnh đạo Trung Đông chỉ trích mạnh mẽ.
Đức Thánh Cha đã trao cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một huy chương. Ngài giải thích bằng tiếng Ý với sự giúp đỡ của người phiên dịch rằng huy chương này miêu tả “một thiên thần hòa bình tóm cổ con quỷ chiến tranh, biểu tượng của một thế giới dựa trên hòa bình và công lý”.
Tổng thống Erdogan cùng đi với vợ là Emine Erdogan; con gái của ông là Esra; con rể là Berat Albayrak, người cũng là Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên; Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu; Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybekci; Bộ trưởng Quốc phòng Nurettin Canikli; và Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybekci.
Cuộc đối thoại đằng sau cánh cửa đóng kín giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 50 phút. Theo báo cáo của Vatican, trong “những cuộc thảo luận chân thành” với Đức Giáo Hoàng và sau đó với Đức Hồng Y Parolin và Đức Tổng Giám Mục Gallagher - Erdogan đã nói về “quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình của quốc gia này, điều kiện sống của cộng đồng Công Giáo, những nỗ lực tiếp nhận người tị nạn và những thách thức liên quan đến vấn đề này. Tình hình tại Trung Đông, đặc biệt là tình trạng của Jerusalem là chủ đề chính. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua đối thoại và đàm phán, tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế”.
Theo thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Đức Giáo Hoàng và Erdogan đã nói về “tầm quan trọng của việc nhấn mạnh những nguy hiểm gây ra bởi quyết định của tổng thống Trump đối với Jerusalem và chỉ ra rằng quyết định của ông ta không nên được áp dụng”. Cũng theo Anadolu, trong các cuộc đàm phán, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Đức Giáo Hoàng cũng thảo luận về “những nỗ lực chung chống lại chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa Hồi giáo” và nhu cầu tránh “những lời tuyên bố khiêu khích liên kết Hồi giáo với khủng bố”.
4. Các kỷ lục trễ nãi của các nguyên thủ quốc gia được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã được dự trù vào lúc 9h30 sáng thứ Hai 5 tháng Hai. Tuy nhiên, tổng thống Erdogan đến Vatican trễ với một đoàn xe “hoàng tráng” hơn hai mươi chiếc xe hơi một vài phút sau 9h30, hơi chậm so với kế hoạch.
Bên ngoài, tại lâu đài các Thiên Thần sát bên Vatican, đông đảo người Kurds biểu tình chống Erdogan. 3,500 cảnh sát Ý đã được điều động để bảo đảm an ninh cho Erdogan. Có lẽ vì thế nên có sự trễ mãi.
Nữ hoàng Elizabeth của Anh, vào năm 2014, đã trễ hai mươi phút. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến trễ 70 phút vào năm 2015. Chính ông này đã từng đến trễ 50 phút trong cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđictô XVI vào năm 2013.
Vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng viếng thăm Vatican là ông Celal Bayar. Năm 1959, ông đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tiếp. Ngài đã từng là khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1934 đến 1943. Quan hệ ngoại giao song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Tòa Thánh được thiết lập chính thức vào năm 1960.
Erdogan đã tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Ankara vào tháng 11 năm 2014. Sau quyết định của tổng thống Trump về Jerusalem, Erdogan và Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện điện thoại hai lần.
5. Người Công Giáo phương Tây phải giữ chay và kiêng thịt trong ngày Valentine này vì đó là ngày Thứ Tư Lễ Tro
Ngày Thứ Tư Lễ Tro năm nay rơi vào ngày 14 tháng 2, là Ngày Valentine, hay còn gọi là lễ tình nhân.
Hai ngày lễ này đều có truyền thống Kitô Giáo sâu xa, nhưng bầu khí cử hành hoàn toàn khác biệt. Ngày Lễ Tình Nhân, được đặt theo tên của Thánh Valentine, một vị tử đạo ở thế kỷ thứ ba, liên quan đến sự lãng mạn với thiệp, kẹo, hoa và các bữa ăn tối ngon miệng. Trong khi đó, ngày Thứ Tư Lễ Tro có giai điệu trầm buồn hơn khi bắt đầu 40 ngày Mùa Chay trong sám hối, và cầu nguyện.
Ngày thứ Tư Lễ Tro, cùng với Thứ Sáu Tuần Thánh, là những ngày bắt buộc giữ chay và kiêng thịt, nghĩa là không ăn thịt và chỉ ăn một bữa chính thức và hai bữa ăn nhỏ. Nói cách khác, không phải là một ngày để tiêu thụ kẹo, bánh sô cô la hay một bữa tối với những món thịt nướng ưa thích.
Nhiều người tự hỏi liệu các giám mục Công Giáo có thể chuẩn chước cho việc giữ chay và kiêng thịt trong ngày thứ Tư Lễ Tro này và dời vào một ngày khác, như đôi khi các ngài vẫn chuẩn chước cho việc kiêng thịt khi lễ Thánh Patrick rơi vào một ngày Thứ Sáu nào đó trong Mùa Chay.
Đức Giám Mục Robert Baker của giáo phận Birmingham, Alabama, cho biết câu trả lời là KHÔNG. Trong thư mục vụ đầu tháng Hai, 2018, Đức Cha Robert Baker viết:
“Một số người đã hỏi liệu tôi chuẩn chước cho việc giữ chay và kiêng thịt trong ngày 14 tháng Hai này không?”
“Câu trả lời của tôi là không, vì sự tôn trọng tầm quan trọng của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong cuộc đời của rất nhiều người, kể cả những anh em không phải Công Giáo của chúng ta - và qua việc này tôi muốn nhấn mạnh rằng mùa Mùa Chay đã bắt đầu.”
Ngài đề nghị người Công Giáo mừng ngày Valentine vào một ngày khác, có thể là ngày 13 tháng 2, chẳng hạn.
“Thiên Chúa tốt lành, Đấng đã chịu khổ nhiều vì tình yêu dành chúng ta, chắc chắn sẽ ban thưởng cho lòng trung thành và hy sinh của chúng ta”, ngài nói thêm.
Tổng Giáo phận Chicago đề nghị những ai muốn mừng ngày Valentine nên mừng vào một ngày trước đó, ngày Mardi Gras vì đó là “một thời gian lễ hội theo truyền thống trước khi bắt đầu Mùa Chay.”
Đức Hồng Y Blase J. Cupich, Tổng Giám Mục Chicago, nói, “Người Công Giáo trên khắp thế giới công nhận ngày Thứ Tư Lễ Tro là sự bắt đầu trang trọng của một khoảng thời gian suy tư và sám hối, như được thấy rõ nơi số lượng lớn những người đi nhà thờ trong ngày này. Điều đó nhấn mạnh rằng nghĩa vụ giữ chay và kiêng thịt phải là ưu tiên trong cộng đồng Công Giáo.”
Tổng Giáo phận New York và Tổng Giáo Phận Detroit cũng minh nhiên khẳng định không chuẩn chước cho việc giữ chay và kiêng thịt trong ngày thứ Tư Lễ Tro này.
Lần cuối cùng ngày thứ Tư Lễ Tro và Ngày Valentine trùng vào một ngày là ngày 14 tháng 2 năm 1945.
Các nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động tông đồ tại Đại học Georgetown, gọi tắt là CARA, chỉ ra rằng hai ngày này sẽ trùng lại vào những năm 2024, và 2029. Đặc biệt, vào năm 2096, ngày thứ Tư Lễ Tro sẽ xảy ra vào ngày 29 tháng 2 lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội.
6. Đức Hồng Y Charles Bo chia sẻ rằng Giáo hội Miến Điện bị bách hại nhưng vẫn phát triển.
“Giáo Hội Công Giáo tại Miến Điện sống kinh nghiệm của ông Job - không tiền bac, không quyền lực và không tài sản... Giáo hội tại Miến Điện bị bách hại nhưng vẫn phát triển.” Ðó là những lời chia sẻ của Ðức Hồng Y Charles Bo, trong đại hội các Giám mục toàn Ấn độ đang diễn ra tại Bangalore.
Ðức Hồng Y Bo được các Giám mục Ấn độ mời chia sẻ về Giáo hội tại Miến Điện. Miến Điện, cũng được gọi là Burma, do chính quyền Anh điều hành, từ năm 1885-1937, như một phần của đế quốc Ấn độ và được hoàn toàn độc lập vào năm 1948. Với 700 ngàn tín hữu, Giáo Hội Công Giáo chiếm chỉ 2% dân số. Tuy là con số ít nhỏ, nhưng Giáo hội Miến Điện rất đa dạng và nổi tiếng nhất trong số các nhóm thiểu số. Chính điều này đã gây nên sự phân biệt đối xử và nghi kỵ từ đại đa số người Miến Điện, là những người gắn bó với niềm tin Phật giáo.
Ðức Hồng Y Bo chia sẻ với các Giám mục Ấn độ: “Cho đến gần đây, Giáo hội Miến điện là một giáo hội bị bách hại. Vào ngày 01 tháng 04 năm 1965, các trường học của Giáo hội bị quốc hữu hóa, các tài sản của Giáo hội bị tịch thu, các thừa sai bị trục xuất. Chỉ trong một đêm, Giáo hội bị tước hết quyền lực. Những kẻ xấu đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có thể sống sót.”
Ðức Hồng Y Bo cho biết thêm rằng chính quyền đầu tiên được bầu chọn và cả chính quyền quân sự sau đó đã cổ võ một chính sách độc tài về “một chủng tộc, một tôn giáo và một ngôn ngữ”. Trong khi tôn giáo chiếm đa số được hưởng sự bảo vệ của quốc gia thì các tôn giáo thiểu số bị đối xử phân biệt trong giáo dục và các công việc của chính quyền. Các Kitô hữu thường cảm thấy mình là công dân hạng hai tại quê hương của họ.
Các thành phần của Giáo hội chịu đau khổ nhưng họ đã đoàn kết cùng nhau; trước hết họ học cách sống sót rồi kháng cự. Họ không chỉ sống sót nhưng phát triển. Theo Ðức Hồng Y, các liên kết với Giáo Hội Công Giáo các nơi và việc trao quyền cho người giáo dân là điều có ý nghĩa trong tiến trình này. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo là gương mẫu cho toàn quốc gia.
Ðức Hồng Y Bo cũng nói đến việc Giáo hội vượt qua sự khác biệt để hình thành căn tính Công Giáo. Giáo hội Miến Điện có 16 giáo phận: 4 thuộc sắc tộc Karen, 3 thuộc Kachins, 4 thuộc Chins, 3 thuộ Kayahs và 2 các chủng tộc hỗn hợp. Sự thành công và phấn đấu của Giáo hội, khi vượt qua căn tính sắc tộc để tiến tới những vấn đề chung, đã đưa họ lại với nhau và giúp đỡ họ. Ngài nói: “Việc thiếu các cơ hội cho người Công Giáo thúc đẩy chúng tôi thành lập các ủy ban giáo duc và giúp người nghèo thành một dân số được giáo dục và có quyền.”
Tuy nhiên Giáo hội Miến Điện vẫn đối diện những vấn đề, trong đó có bầu khí lo sợ do các nhóm cực đoan gây nên. Ðức Hồng Y cho biết ngay cả một số tu sĩ Phật giáo cũng có những lời nói hận thù và bạo lực. Có những thành phần cực đoan xen lẫn trong các cộng đồng và họ buộc chính quyền ban hành các luât chống các nhóm thiểu số. Giáo hội Miến Điện đã đáp lại bạo lực thù oán bằng cách phát triển các mối quan hệ tốt đẹp với các lãnh đạo tôn giáo ôn hòa, với các nhà ngoại giao và với cộng đồng quốc tế. ÐHY nói: “Bằng việc tương tác với các thành phần ôn hòa trong tôn giáo chiếm đại đa số tại quốc gia này chúng tôi làm cho thiểu số bạo lực này nằm ở ngoài lề.”
Tuy vậy, theo Ðức Hồng Y, khủng bố lớn nhất chính là đói nghèo và ngài gọi nó là sự dữ mà Giáo hội cần chiến đấu chống lại. Ngài kết án nền kinh tế tự do mới tạo ra sự bất bình đẳng và lưu ý rằng từ 30 năm nay, “một nền kinh tế bằng hữu” đã cướp bóc các nguồn tài nguyên phong phú ở Miến Điện. Hậu quả nghèo đói này đã đưa đến việc buôn người với số đông người trẻ Miến Điện bị rơi vào các hình thức nô lệ hiện đại khắp Ðông nam á.
Ðức Hồng Y Bo kêu gọi một cuộc chiến trên toàn thế giới chống lại nạn nghèo đói và bất bình đẳng. Ngài nói: “Các đất nước chúng ta vô cùng nghèo. Như các Linh mục chúng ta nói những điều vĩ đại hàng ngày: 'Hãy nhận lấy mà ăn.' Chúng ta ý thức cách đau đớn rằng gần một triệu người đi ngủ với bao tử trống rỗng.”
7. Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm Trung Tâm Loppiano của Phong trào Tổ Ấm.
Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm trung tâm Loppiano của Phong trào Focolari, Tổ Ấm, vào ngày 10 tháng 5 năm 2018.
Loppiano thuộc giáo phận Fiesole, gần thành phố Firenze, cách Roma khoảng 300 cây số về hướng bắc và là “thị trấn” đầu tiên của Phong trào Tổ Ấm, được thành lập cách đây 54 năm (1964), và hiện có 850 người cư ngụ, gồm các gia đình, người nam người nữ, người trẻ, Linh Mục và tu sĩ, thuộc 65 quốc gia năm châu, trong đó hơn nửa thường trú trong khi những người khác tham gia 1 trong 12 trường quốc tế trong khoảng thời gian từ 6 đến 18 tháng. Nhiều người Việt Nam cũng đã từng cư ngụ và được huấn luyện tại trung tâm này.
Sự kiện những người sống tại Loppiano thuộc nhiều quốc tịch, chủng tộc và văn hóa biến trung tâm này thành một “phòng thí nghiệm” về sự sống chung giữa những người thuộc tuổi tác, giai tầng xã hội, truyền thống, văn hóa và tín ngưỡng khác nhau.
Hôm 2 tháng 2 năm 2018, Chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm, nói rằng “tin Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm Loppiano làm cho tôi ngạc nhiên và rất vui mừng. Thật là một vinh dự lớn cho Phong trào Tổ Ấm được đón tiếp Ðức Thánh Cha tại “thị trấn” của chúng ta, nhưng nhất là cuộc viếng thăm của Ngài là một sự khích lệ tăng cường cuộc sống thân sống yêu thương và hiệp nhất bắt nguồn từ Tin Mừng. Ðây là luồng gió Tin Mừng được sống thực mà chúng ta mong muốn Ðức Thánh Cha Phanxicô có thể thấy khi đến Loppiano. Giờ đây tin này được loan truyền tới toàn thể các cộng đoàn của Phong trào, niềm vui và sự dấn thân ày được chia sẻ trên toàn thế giới”.
Phong trào Tổ Ấm do chị Chiara Lubich sáng lập vào tháng 12 năm 1943, theo linh đạo hiệp thông, và hiện có khoảng 120 ngàn thành viên tại 194 nước trên thế giới và 1 triệu 500 ngàn người thiện cảm, tham gia các sinh hoạt của Phong trào.
8. Trung quốc áp dụng luật mới hạn chế các hoạt động tôn giáo.
Từ ngày 01 tháng 02 năm 2018, những quy định mới của nhà cầm quyền Trung quốc về các hoạt động tôn giáo được ban hành hồi tháng 10 năm 2017 đã bắt đầu được áp dụng.
Các quy luật này giám sát chặt chẽ tất cả các cộng đoàn chính thức và nộp phạt, bắt bớ và tước quyến sở hữu đối với các thành viên của các cộng đồng không chính thức. Những người trẻ là những nạn nhân đầu tiên của chính sách siết chặt này.
Các nguồn tin của hãng tin Á châu xác định rằng từ ngày 01 tháng 02 năm 2018, Văn phòng Tôn giáo vụ và Mặt trận tổ quốc đã bắt đầu thông báo cho tất cả các giáo xứ Công Giáo biết rõ là từ nay trở đi không được tổ chức các kỳ trại (mùa đông hay mùa hè), nơi giới trẻ họp nhau vài ngày nghỉ hè hoặc tĩnh tâm.
Trên thực tế, các quy định mới yêu cầu rằng “các lớp học tôn giáo” chỉ có thể được thực hiện ở nơi đăng ký và dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Tụ họp trong lều, ngoài trời hoặc trong một số khách sạn giá rẻ, tổ chức các cuộc hội họp và thậm chí ở cùng với những người trẻ sẽ bị coi là “hoạt động tôn giáo bất hợp pháp.” Lệnh này được ban hành khẩn cấp cũng vì sắp đến kỳ nghỉ dài vào dịp Tết Nguyên đán, bắt đầu vào ngày 16 tháng 2 năm 2018.
Một số Linh mục ở Sơn Tây, Nội Mông và các miền khác nhau của Trung quốc đã nhận được cảnh báo này. Một số giáo xứ nhận được thư từ Văn phòng Tôn giáo vụ.
Các quy định mới cũng yêu cầu các nhóm không tôn giáo, các trường không theo hệ phái nào, các địa điểm không phải là nơi hoạt động tôn giáo không nên thực hiện việc đào tạo tôn giáo, cũng như các học viện đời không được có các hoạt động tôn giáo (điều 41). Ðể thực hiện các chỉ thị này, mà không chỉ từ khi có các quy định mới, từ vài năm nay, các đại học và trường học bị cấm cử hành lễ Giáng sinh, ngay cả tiệc Giáng sinh, bị cấm các trang trí và chúc mừng, nhân danh “căn tính văn hóa Trung hoa”, nhưng lại cho phép phát các trận đá banh.
Một sự kiện đã được chính quyền áp dụng với các tín đồ Hồi giáo Trung quốc, đó là cấm các người trẻ dưới 18 tuổi tham dự các buổi cầu nguyện ở đền thờ. Việc cấm đoán này ít hơi đối với các Kitô hữu. Nhưng tháng 8 năm 2017, ít nhất 100 cộng đoàn Tin lành đã nhận được lệnh không cho phép con em của họ tham dự các nghi lễ tôn giáo và học giáo lý.
Ðảng cộng sản Trung quốc dường như đang khẩn trương tìm cách ngăn chặn sự phát triển đức tin nơi người trẻ. Theo một số liệu thống kê cách đây vài năm, hơn 60% sinh viên đại học Trung quốc và Thượng hải mong muốn tìm hiểu về Kitô giáo. Hiện nay, sự tỉnh thức tôn giáo ở Trung quốc dường như không thể kiểm soát được.