Cuộc khủng hoảng tín nhiệm hiện Đức Phanxicô đang trải qua dường như mỗi ngày một tệ hại thêm. Nội dung cuộc khủng hoảng liên quan đến các tố cáo của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Chile hẳn mọi người đã biết.

Chỉ xin nhấn mạnh một điểm: ở Chile và trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma sau đó, Đức Phanxicô dứt khoát cho rằng chưa có nạn nhân nào cung cấp bất cứ bằng chứng nào cả. Liền ngay sau đó, hãng Associated Press cho đăng tải nội dung lá thư năm 2015 của nạn nhân Juan Carlos Cruz gửi Đức Phanxicô thông qua Marie Collins, cựu thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên. Thành viên này đích thân trao lá thư cho vị chủ tịch Ủy Ban là Đức Hồng Y Sean O’Malley. Đức Hồng Y O’Malley xác nhận với cả Collins lẫn Cruz rằng ngài đã đích thân trao lá thư tận tay Đức Phanxicô, trước khi Đức Giáo Hoàng tông du Chile khá lâu.

Đa số các báo chí đồng ý với Cruz rằng như thế, Đức Phanxicô đã “nói láo”, vì rõ ràng, có nạn nhân đã cung cấp bằng chứng cho ngài từ lâu.

John Allen Jr. của tạp chí Crux, tuy không kết luận như thế, nhưng cho rằng việc này chẳng qua là do thói quen ưa “ứng khẩu” của Đức Phanxicô, và ngạc nhiên không hiểu tại sao thứ ứng khẩu này chưa gây phiền phức bao nhiêu cho ngài trước đây.

Thực vậy, đã có nhiều phản ứng tiêu cực đối với lối ứng khẩu ấy rồi, như người ta không hiểu qua câu nói người Công Giáo “không đẻ như thỏ” có nghĩa gì; đây là câu phát biểu của ngài trong cuộc họp báo trên máy bay từ Phi Luật Tân trở về Rôma năm 2015. Nhưng hồi ấy, “mối tình lãng mạn” giữa ngài và truyền thông nói chung còn rất mặn mà, nên những câu nói ấy tỏ ra vô thưởng vô phạt.

Bây giờ thì “mối tình lãng mạn” ấy đang phai nhạt dần, nhất là sau chuyến viếng thăm Chile gần đây của ngài. Nên mới có chuyện.

Nhưng thực ra, Đức Phanxicô nói ghì về việc chưa có bằng chứng? Theo Allen, câu nói tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng là “Non sono venuti, non hanno dato le evidenze per il giudizio,” hàm ý muốn nói rằng “họ không đến” với ngài, để đặt bằng chứng trong tay ngài.

Chứ còn bằng chứng thì ai cũng biết là đã có từ lâu và đã được đặt trong tay Đức Phanxicô. Ấy thế nhưng, theo Allen, sự kiện một ai đó đặt vào tay Đức Giáo Hoàng 1 lá thư, 1 việc mà ngày nào cũng diễn ra cả hàng trăm lần, thì có chi bảo đảm là ngài đọc lá thư này?

Nhưng nếu ngài không đọc ngay, thì nhân chuyến đi Chile, các phụ tá của ngài phải đọc nó và trình nội dung để ngài nắm trước khi “lao đầu vào sói rừng” chứ? Đâu có cảnh ngài nói với 1 giọng quả quyết như đinh đóng cột rằng chưa có bằng chứng, chưa có nạn nhân nào đưa bằng chứng cho ngài?

Tuy nhiên, vấn đề còn nhiều khúc mắc, không thể một sớm một chiều kết luận rằng Đức Phanxicô thiếu trung thực, như Marie Collins. Theo Charles Collins, chủ bút tạp chí Crux, bà này ngã lòng quyết đóan rằng tình tiết này “dứt khoát xâm hại tới tính khả tín, tới niềm tin tưởng và hy vọng” nơi Đức Phanxicô. Hay như một ký giả của tờ Catholic Herald cho rằng: chìa khóa hiện nay nằm trong tay Đức Hồng Y Sean O’Malley. Vị này mà quả quyết thực sự đã trao lá thư của Cruz vào tận tay Đức Phanxicô, thì uy tín của Đức Phanxicô sẽ mất hết đến phải từ chức, và người thay thế rất có thể là Đức Hồng Y O’Malley.

Dù Đức Hồng Y O’Malley có quả quyết đã trao tận tay Đức Phanxicô, thì như trên đã nói, rất có thể ngài chưa đọc nó, vì các phụ tá có nhiệm vụ đọc nó không đọc nó hay đọc nó rồi mà không trình nội dung cho ngài vì bất cứ lý do nào đó. Bây giờ biết thì ngài lập tức phái chuyên viên thượng thặng của Tòa Thánh đi điều tra thực hư. Sao lại bảo là khả tin tính của ngài không còn, để mà “khích” Hồng Y O’Malley “đảo chánh”!

Một tác giả hình như của tờ America còn lưu ý một điều: trên chuyến bay từ Lima trở về, sau khi quả quyết chưa có bằng chứng, Đức Phanxicô có nói thêm mà ít ai để ý rằng: nếu có bằng chứng, ngài là người đầu tiên sẽ xem xét. Liền sau đó, rất có thể khi về đến Vatican, ngài mới đọc được bằng chứng, bèn phái Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna đi Chile. Đây là một thiện chí vượt bực, chứ sao lại khăng khăng cho là ngài mất hết khả tín tính.

Người ta phải đợi mãi tới nay mới có người chịu lưu ý tới một nhân tố mà đáng lẽ ra mọi người đã phải lưu ý từ lâu để tránh tất cả các nhận định vội vàng, trút mọi trách nhiệm lên Đức Phanxicô. Người đó chính là Associated Press với hàng tít “Pope’s briefing system under scrutiny after Chile gaffe” (Hệ thống thuyết trình của Đức Giáo Hoàng cần được soi mói sau vụ lầm lỡ Chile). Briefing đúng ra có nghĩa “Một buổi họp trong đó thông tin hay huấn thị được cung ứng cho người ta, nhất là trước khi họ làm một việc gì”.

Về phương diện trên, Associated Press đặt câu hỏi: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được thông tri ra sao về những gì đang diễn ra trong Giáo Hội Công Giáo với 1.2 tỷ tín hữu?

Câu hỏi trên cần được đặt ra sau khi Đức Giáo Hoàng có vẻ như hoàn toàn không hay biết gì về các chi tiết của một vụ tai tiếng lạm dụng tình dục ở Chile, khiến chuyến tông du ở đấy có mùi chua cay. Một sự kiện khác là việc ngài đột ngột và không một giải thích sa thải 1 nhà quản trị Ngân Hàng Vatican đáng kính. Và gần đây nhất là vụ Đức Hồng Y Zen tố cáo ngài không hiểu ra rằng các nhà ngoại giao của ngài “đang bán đứng” Giáo Hội Hầm Trú ở Trung Hoa vì các lý do chính trị.

Theo A.P., một số quan sát viên Vatican hiện đang tự hỏi có phải Đức Phanxicô không nhận được đủ những cuộc thuyết trình thông tin có giá trị cao xứng hợp với một nhà lãnh đạo thế giới hay có phải ngài phải dựa nhiều vào bản năng và mạng lưới các người đưa tin (informant) riêng, những người dấm dúi tin tức bên lề?

Trong 5 năm làm giáo hoàng, cũng theo A.P., Đức Phanxicô đã tạo ra một cơ cấu thông tin không chính thức, song hành, đôi khi cọ xát với các kênh chính thức của Vatican. Hiện tượng này bao gồm một hội đồng 9 Hồng Y mà có người gọi là “nội các nhà bếp” (kitchen cabinet), ba tháng họp một lần, và những buổi thuyết trình thường xuyên của các cố vấn thân cận.

Tuần vừa qua, Vatican đưa ra lời bào chữa rất đáng chú ý về dòng lưu chuyển tín liệu tới lui Đức Phanxicô và việc ngài “nắm vững” tình hình Công Giáo Trung Hoa. Lời bào chữa này quả quyết ngài theo dõi sát nút các cuộc thương thảo với Trung Hoa, được các cố vấn “trung thành” thuyết trình tin tức và hoàn toàn nhất trí với quốc vụ khanh của ngài.

Có người như ký giả Massimo Franco, người giữ một mục trên tờ Corriere della Sera, tin vào lời bào chữa ấy và đổ lỗi cho điều ông gọi là “hội chứng Santa Marta” tức sự kiện Đức Phanxicô, thay vì ở trong Tông Điện, được bao vây chỉ bởi các cố vấn thân cận mà thôi, thì ngài lại sống ờ Nhà Khách Santa Marta, nơi ngài gặp đủ hạng người và do đó, đủ mọi nguồn thông tin khác nhau.

Không thể gọi đó là “hội chứng” mà phải tỏ ý tiếc vì mặc dù có những nguồn tín liệu đa dạng như thế, nhưng trong vụ Trung Hoa thì ngài hoàn toàn theo tín liệu do phủ quốc vụ khanh tâu lên, một tín liệu được nhiều người coi là bị gạn lọc bằng con mắt chính trị.

Nhân dịp này, A.P. cho hay: một số tín liệu được người đưa tin đích thân chuyển giao, một số đến bằng thư từ, nhưng tất cả được trình lên ngài trong một tập hồ sơ bằng da mầu đỏ để ở bàn giấy ở cửa chính Nhà Santa Marta và sau đó được một Vệ Binh Thụy Sĩ đưa lên lầu và trao cho một trong hai thư ký riêng của ngài.

Đức Phanxicô có hai người “giữ cửa” chính là Đức Ông Yoannis Lahzi Gaid, một giáo sĩ Ai Cập vốn phục vụ tại Phủ Quốc Vụ Khanh, và Đức Ông Fabian Pedacchio, một giáo sĩ người Á Căn Đình, người mà hồi còn ở Buenos Aires, chính ngài đã phái qua Rôma năm 2007.

Ngài còn có vị chủ tịch phủ giáo hoàng là Đức Tổng Giám Georg Gaenswein, người sắp xếp các buổi yết kiến chính thức và quyết định ai được chào hỏi Đức Giáo Hoàng vào cuối các buổi yết kiến chung hôm thứ Tư.

Để chứng minh tầm quan trọng của các vị cố vấn thân cận này, A.P. thuật lại câu truyện Đức Bênêđíctô XVI rút lại án tuyệt thông cho vị giám mục bác bỏ việc người Do Thái bị thảm sát trong Thế Chiến II, mà không hề hay biết gì về quan điểm chống Do Thái cố hữu của vị này. Chỉ cần các thư ký của ngài vào Google 1 phút thôi, họ sẽ khám phá ra điều ấy, một việc họ “quên” làm! Một cái quên thật tai hại biết bao cho danh thơm của vị giáo hoàng thuộc loại hiểu biết nhất xưa nay của Giáo Hội.

Người ta sợ vụ lầm lỡ Chile lần này cũng giống như thế. Nó nằm ở một khâu nào đó hết sức đơn giản nhưng hệ lụy thì vô cùng lớn lao!

A.P. cũng thêm một nhận xét, hơn cả vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô hiện tùy thuộc rất nặng ở nhóm thân hữu xưa từ những ngày còn ở Á Căn Đình như Sorondo (ca ngợi Trung Hoa như gương mẫu tuân hành giáo huấn giáo hoàng!) và phải thêm, cả một số người cùng Dòng thuộc loại “hãnh tiến” như Sparado (Ý, khinh thường cả hàng Hồng Y), Martin (Mỹ, ca tụng đồng tính luyến ái). Chính những người này đang là nguồn cung cấp cho ngài “nhịp đập” của những gì đang diễn ra tại quê hương, tại Vatican và cá cnơi khá ctrên thế giới.

Đáng lo hơn cả, theo A.P., là “ngài cực kỳ cương quyết (stubborn) một khi đã quyết định dựa theo nguồn tin tới với ngài như vụ sa thải người số 2 đáng kính tại Ngân Hàng Vatican, Ông Giulio Mattietti, người bị đuổi không hề được giải thích lý do.

Trong diễn văn cuối năm với Giáo Triều Rôma sau đó, Đức Phanxicô chỉ trích các nhân viên Vatican vừa bị sa thải, tự coi mình là tử đạo, “bị giáo hoàng dìm vào bóng tối”.

A.P. cho rằng vụ Chile cho thấy dường như người bị dìm trong bóng tối lần này là chính Đức Phanxicô. Vì rõ ràng, các tin tức liên quan đến vụ tai tiếng ở Chile đã được báo chí phanh phui cả hơn 2 năm trước chứ đâu có mới mẻ chi. Vậy mà ngài bảo ngài không biết, tin tức ấy không đến với ngài.

Phải tin là ngài thành thật. Một nhà lãnh đạo Dòng Tên có thể có rất nhiều khuyết điểm, nhưng tinh thần trách nhiệm thì họ không bao giờ thiếu. Họ không thể biến có thành không, biến không thành có.

Vậy thì trách nhiệm chỉ có thể là ở một khâu nào đó y hệt như vụ Đức Bênêđíctô tha vạ tuyệt thông cho vị giám mục bác bỏ việc thảm sát người Do Thái trước đây.

Tất cả những đồ đoán, lên án, xỏ xiên hiện nay nên dừng lại, chờ kết quả điều tra chính thức của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna. Vì quả tình có nhiều uẩn khúc trong vụ tai tiếng này mà chỉ có cuộc điều tra chính thức do một vị giáo phẩm cao cấp với nhiều thành tích sáng chói thực hiện mới có thể giải tỏa được.