Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo
Cha Bernardo Cervellera
Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo, người Á Căn Đình, hiện là Hiệu Trưởng Đại Học Giáo Hoàng về Khoa Học và đồng thời cũng là Hiệu Trưởng Đại Học Giáo Hoàng về Khoa Học Xã Hội tại Vatican vừa đi thăm Trung Quốc về. Trong bài phỏng vấn đăng ngày 2 tháng 2, 2018 trên tờ Vatican Insider có tựa đề “Chinos, quienes mejor realizan la doctrina social de la Iglesia”, ngài không tiếc lời ca ngợi Trung Quốc là nước thực hiện “tốt nhất” các học thuyết xã hội Công Giáo, như chính tựa đề của bài phỏng vấn.

Nhận định này gây ngỡ ngàng, hoang mang, và thậm chí là đau đớn cho nhiều người, nhất là trong bối cảnh có những nhượng bộ quá phi lý với Trung Quốc.

Dưới đây là ý kiến của cha Bernardo Cervellera, Giám Đốc thông tấn xã Công Giáo Asia News của Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nguyên là Giám Đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và nguyên là giáo sư Đại Học tại Bắc Kinh.

Đây là bản dịch Việt Ngữ toàn văn bài xã luận của ngài đăng trên Asia-News ngày 7 tháng 2, 2018. Nguyên bản bằng tiếng Anh có thể xem tại đây: Msgr. Sanchez Sorondo in Wonderland

Đức Cha Sanchez Sorondo nơi Miền Đất Thần Tiên

Bernardo Cervellera

Hiệu Trưởng Đại Học Giáo Hoàng về Khoa Học vừa tôn vinh Trung Quốc như là nước thực hiện tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo hội. Đức Giám Mục dường như không biết đến các khu ổ chuột ở Bắc Kinh và Thượng Hải, việc trục xuất người di cư, và áp bức tự do tôn giáo. Khen Trung Quốc ở lại trong Hiệp định Khí hậu Paris là điều hợp lý nhưng đừng im lặng về hiện trạng giàu có bất chính, tham nhũng và ô nhiễm. Ca ngợi ý thức hệ Trung Quốc khiến người ta cười vào mặt Giáo Hội.

Rome (AsiaNews) - Khi những người bạn của tôi nói với tôi rằng họ sắp đến thăm Trung Quốc, tôi khuyên họ đừng chỉ dừng lại ở các siêu thị mua sắm, các khách sạn siêu cao cấp và những tòa nhà chọc trời, nhưng hãy đi đến các khu ngoại vi để có một hình ảnh trung thực về Trung Quốc. Nền kinh tế nước này đã từng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế cho đến khi Mao qua đời. Trong những năm gần đây, quốc gia này chắc chắn đã có những bước tiến lớn, vực được hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, các ngành công nghiệp được hiện đại hóa và nó đã trở thành một siêu cường kinh tế cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Nhưng chỉ mới có thế mà tán tụng Trung Quốc như “Miền Đất Đầy Những Diệu Kỳ” thì đi quá xa. Trong cuộc phỏng vấn sau chuyến đi gần đây của ngài tới Bắc Kinh, Đức Cha Sanchez Sorondo đã mô tả một Trung Quốc không hề tồn tại hay một Trung Quốc mà những người dẫn đường đã không hề chỉ cho ngài thấy.

“Không có khu ổ chuột”, Đức Cha Sanchez Sorondo tuyên bố. Không biết Đức Giám Mục của chúng ta có đi về phía nam thủ đô, nơi trong nhiều tháng qua bọn quan chức thành phố đang phá hủy các cao ốc và nhà cửa để đuổi đi hàng chục ngàn công nhân nhập cư? Đó là chưa kể đến các vùng ngoại ô của Thượng Hải hoặc các thành thị khổng lồ khác của Trung Quốc, nơi một chiến dịch làm “sạch” đang được tiến hành và một lệnh cấm “dân đen” và những người vô phương thế tự vệ không được cư ngụ?

Đức Giám Mục, Hiệu Trưởng Đại Học Giáo Hoàng về Khoa Học, thậm chí còn nói rằng người Trung Quốc là “những người thực hiện tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo hội”. Nhưng có lẽ ông không đề cập đến những vụ trục xuất hàng loạt, rất giống với hoa trái của một thứ “văn hóa vứt bỏ” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng lên án rất mạnh.

Đức Giám Mục nói: “Không có ma túy”, nhưng ngài đã vào những nhà tù Trung Quốc, gặp gỡ những đại ca buôn bán ma túy, và cả những con nghiện đang phải đối mặt với án tử hình về tội này chưa? Ngài có đi thăm Thâm Quyến, nơi là trung tâm cung cấp ma túy cho Hồng Kông không?

Đó là chưa nói đến tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Tự do tôn giáo phải là một trụ cột trong học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Có lẽ chúng ta nên đề nghị Đức Giám Mục chịu khó đọc tin tức hàng ngày theo dõi các vụ đánh đấm bạo lực, bắt giữ các Kitô hữu, các tín hữu Hồi giáo, Phật giáo, những tấn kích vào nhà thờ tại gia, chính sách khống chế các giáo hội chính thức. Con đường đối thoại chông gai giữa Trung Quốc và Vatican cho thấy Bắc Kinh miễn cưỡng như thế nào mới chịu nhỏ ra ít giọt tự do tôn giáo cho người Công Giáo.

Có lẽ ai đó nên nói với Đức Cha Sanchez Sorondo rằng kể từ ngày 1 tháng 2, là ngày Trung Quốc triển khai thực hiện các quy định tôn giáo mới, tất cả các nhà thờ thầm lặng phải đóng cửa và ít nhất 6 triệu người Công Giáo không có nơi tụ họp: mối đe dọa của cái nhà cầm quyền “thực hiện tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo Hội” là bắt giữ, phạt tiền đến mức chóng mặt và chiếm đoạt nhà cửa nơi các tín hữu tụ tập. Hơn nữa, chính quyền địa phương còn cấm những “trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi” không được bước chân vào nhà thờ, kể cả những nhà thờ chính thức. Một linh mục chua chát nói, “Trung Quốc đã biến nhà thờ thành một hộp đêm, chỉ dành cho người lớn”.

Đó là chưa kể sự ngây thơ khi Đức Cha Sanchez Sorondo nói về quốc gia Trung Cổ này như là một nơi mọi người ai ai cũng tôn trọng “thiện ích chung”, nơi nền kinh tế không chiếm lĩnh chính trị. Điều mà chúng ta cần nói thẳng ra rằng ở Trung Quốc, kinh tế và chính trị chỉ là một; rằng các tay tỷ phú giàu nứt khố đổ vách chính là những kẻ đang ung dung ngồi trong Quốc hội Trung Quốc và xác định chính trị theo lợi ích của họ, chứ không phải theo lợi ích của phần còn lại của dân số. Theo các học giả, ít nhất một phần ba dân Trung Quốc không được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc: nông dân và người di cư giờ đây không còn giữ được đất đai đã được cấp cho họ trong thời Mao; quyền của người lao động và ngay cả tiền lương của họ cũng không được bảo đảm như tờ Lao động Thời báo của Trung Quốc đã chỉ ra.

Tất nhiên, Đức Giám Mục nói đúng rằng Trung Quốc, không giống như Trump và Hoa Kỳ, đã quyết định ở lại trong Hiệp định Paris về khí hậu. Nhưng đến bây giờ, bất chấp những lời hứa “ngăn chặn ô nhiễm,” đất nước này là một môi trường bị phá hủy và đầu độc nặng nhất trên thế giới. Người ta không nghi ngờ rằng điều này cũng là lỗi của nhiều nhà đầu tư phương Tây, là những người khai thác sự phát triển luật pháp chậm chạp của Trung Quốc, nhưng cần phải khẳng định rằng đó cũng là lỗi của bọn đảng viên tham lam và nhũng lạm, là những kẻ giống như nhiều người có quyền có súng trên thế giới, chỉ thấy những lợi nhuận trước mắt bất kể cái giá mà người dân phải gánh chịu.

Chúng ta có thể hiểu rằng với nhiệt tình muốn đạt được một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, văn hoá Trung Quốc, người Trung Quốc và tâm lý Trung Quốc đang được phóng đại và ca tụng như …. [bỏ mấy chữ chỗ này không dám dịch vì sợ đụng chạm] đã làm, nhưng mà trình bày Trung Quốc như là một mô hình thì thật là... Chúng ta nên lắng nghe các Giám Mục người châu Phi, những người nhìn thấy nền kinh tế của quốc gia mình bị phá tan hoang bởi những cuộc xâm lăng của các dự án đầu tư và lao động Trung Quốc và những Giám Mục các nước đang phải chứng kiến tài nguyên đất nước của họ bị người Tầu đánh cắp, giống như đã từng xảy ra dưới thời thực dân phương Tây.

Trên thực tế tất cả mọi người đều bị ép phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản nhà nước, nhưng sự thần tượng hóa Trung Quốc như là một ý thức hệ đáng noi theo khiến người ta cười vào mặt Giáo hội và gây hại cho thế giới chúng ta.