Thật là khó mà tổng kết trong vài lời về những gì mà tôi đã quan sát được, nhưng đức tin Công Giáo được gieo trồng bởi các thừa sai Âu Châu, chủ yếu là người Pháp, thật là mãnh liệt và đầy sinh lực. Họ cử mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hàng năm vào tháng Mười Một, để nhớ đến những vị đã thí mạng sống mình vì đức tin trong thế kỷ 17 dưới thời các vua chúa Việt Nam. Khi lịch sử Thế Kỷ 20 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được viết, nhiều vị tử đạo sẽ được thêm vào danh sách. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã bị bách hại không chút xót thương sau khi chính quyền cũ bị lật đổ. Nhiều linh mục và tu sĩ đã bị giết hay chết trong ngục tù cộng sản. (The Record, 17/2/2005).Với con số hơn 3000 và đang tăng trưởng nhanh chóng cùng với sự ra đời của những trẻ em người Úc gốc Việt, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam đã là một gương sáng về đức tin kiên vững và năng lực kiên cường trong cố gắng định cư nơi quê hương mới.

ĐTGM Barry James Hickey
Thật là điều vui mừng lớn lao cho tôi khi được chào đón mười hai linh mục mà các gia đình Việt Nam đã cống hiến cho Tổng Giáo Phận này. Vị đầu tiên là phó tế Francis Lý Văn Ca đã đến đây trong tư cách một thuyền nhân tỵ nạn vào Tháng Tư năm 1982. Sau một thời gian hội nhập, ngài đã hoàn thành việc học của mình và đã được Đức Cố Tổng Giám Mục William Foley tấn phong vào Tháng Mười Hai năm 1984.

Từ đó trở đi, tôi đã được hân hạnh tấn phong cho 11 vị nữa đến từ cộng đồng Công Giáo Việt Nam. Vị cuối cùng là cha Vũ Trương Hồng Thái đã được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 11 năm 2004. Họ là 12 vị tông đồ Việt Nam của chúng ta. Những ai đã đến các giáo xứ do các linh mục Việt Nam coi sóc đều thấy được sự tận tụy và dấn thân của các ngài đối với công việc mục vụ và lý tưởng cao cả về thiên chức linh mục của các ngài. Các vị hiện phục vụ tại các thành phố cũng như những nơi xa xôi hẻo lánh. Một vị vừa được thuyên chuyển về coi sóc Kalgoolie gần đây. Tất cả 11 vị đề cập sau này đều đã từng theo học tại chủng viện St. Charles và một số tại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê tại Adelaide.

Tôi vừa mới trở về sau chuyến đi Việt Nam 8 ngày. Có ba lý do đã khiến tôi thực hiện chuyến đi này. Một là để đồng hành cùng cha Francis Lý Văn Ca đến ngôi làng nhỏ bé của ngài trong lưu vực sông Cửu Long và hiện diện trong thánh lễ đầu tiên của ngài tại Việt Nam sau 23 năm xa quê. Thật là một dịp cảm động trước sự hiện diện đầy hân hoan của một cộng đoàn địa phương những người đã từng quen biết cha Ca trước cuộc đại biến dẫn đến cảnh phải gạt nước mắt ra đi của nhiều người. Tôi cũng đã được xem xét ngôi nhà thờ mới đã được xây nên nhờ sự trợ giúp tài chính từ Úc Đại Lợi.

Trong thời gian lưu lại Việt Nam, tôi cũng đã có dịp gặp gỡ nhiều người địa phương và các Đức Giám Mục của một số giáo phận để nói lên lời cảm ơn về sự phong phú tinh thần anh chị em giáo dân của họ đã mang đến cho Úc Châu.

Tôi đã gặp Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn của tổng giáo phận Hồ chí Minh (tên cũ là Sàigòn), các Đức Giám Mục Huế, Phát Diệm và Hà nội. Tổng giáo phận Hà nội ở miền Bắc đang mong mỏi việc công bố tân Tổng Giám Mục sau nhiều năm dài chờ đợi. Đức Hồng Y hồi hưu của Hà nội năm nay đã 86 tuổi và Đức Cha Phụ tá đã 87 tuổi. Chính quyền Việt Nam luôn đòi hỏi phải có sự đồng ý của họ trong việc bổ nhiệm Hàng Giám Mục và điều này thường phải chờ đợi nhiều năm. Con số các linh mục được thụ phong hàng năm cũng phải do họ quyết định. Các chủng sinh, với con số hiện nay lên đến hàng ngàn, phải chờ đợi nhiều năm trước khi được nhà nước cấp giấy chứng nhận không bị ngăn trở.

Mặc dù những cấm cách vẫn còn nhưng chúng càng ngày càng có vẻ linh động hơn cùng với việc cải thiện quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước. Vấn đề này rất tế nhị.

Tôi phải nói với anh chị em về cha Giuse Đinh Huy Hưởng. Cha Hưởng là cha xứ của một họ đạo khá nhỏ tại Sàigòn và phụ trách ủy ban bác ái xã hội của tổng giáo phận. Trong khi đi đường, ngài đề cập đến việc đang giúp những thiếu phụ đang mang thai mà nếu không được trợ giúp sẽ phá thai. Tôi muốn biết thêm về vấn đề này. Ngài đã đưa tôi đến một trong hai căn nhà của ngài nơi các phụ nữ và trẻ em được hai nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa coi sóc. Trong căn nhà đó có chừng 10 phụ nữ trẻ với các hài nhi và chừng 20 trẻ em đang lưu trú trong khi một số khác đang chờ được thu xếp.

Thật là một nơi hạnh phúc lạ lùng. Cha Hưởng cho biết trong hai năm qua hai căn nhà của ngài đã cứu mạng sống của hàng trăm thai nhi. Trong lúc tôi đang ở đó thì có một thiếu phụ đang mang thai hớt hải chạy đến với gương mặt đầy lo lắng. Chị đã được chào đón thân tình. Tôi thật thán phục cha Hưởng, người đã bắt đầu công việc này hoàn toàn với sáng kiến riêng của mình và chẳng được ai tài trợ. Chúa quan phòng và sẽ tiếp tục quan phòng. Một chi phiếu từ Quỹ Phò Sự Sống của chúng ta sẽ mau chóng trên đường gởi đến cho ngài.

Lý do thứ hai của chuyến đi này là để gặp gỡ những bạn học cũ của tôi tại trường Truyền Giáo tại Rôma. Tôi đã tìm được một số vị và có một bữa ăn vui vẻ với các ngài. Tuy nhiên nhiều vị đau yếu quá và xa xôi quá không đến được. Đa số họ đã phải trải qua một thời gian đầy khó khăn sau cái ở đây người ta gọi là “Chiến tranh với Mỹ”. Các ngài đã bị coi là ủng hộ cho chế độ cũ và bị quản thúc tại gia. Nhiều người đến nay vẫn không được nhà nước cấp chiếu khán ra nước ngoài.

Lý do thứ ba của chuyến đi này là nhằm hiểu rõ hơn về văn hóa và việc thực hành đức tin của dân tộc mà cộng đoàn Công Giáo Việt Nam của chúng ta ở đây đã xuất thân từ đó.

Thật là khó mà tổng kết trong vài lời về những gì mà tôi đã quan sát được, nhưng đức tin Công Giáo được gieo trồng bởi các thừa sai Âu Châu, chủ yếu là người Pháp, thật là mãnh liệt và đầy sinh lực. Họ cử mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hàng năm vào tháng Mười Một, để nhớ đến những vị đã thí mạng sống mình vì đức tin trong thế kỷ 17 dưới thời các vua chúa Việt Nam.

Khi lịch sử Thế Kỷ 20 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được viết, nhiều vị tử đạo sẽ được thêm vào danh sách. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã bị bách hại không chút xót thương sau khi chính quyền cũ bị lật đổ. Nhiều linh mục và tu sĩ đã bị giết hay chết trong ngục tù cộng sản.

Một linh mục tháp tùng với tôi trong thời gian lưu lại Việt Nam cho biết cha đã bị tù đày và “cải tạo” trong 10 năm vì đã từng là tuyên úy trong quân đội cũ, bị gọi là “ngụy”. Tất cả các cha tuyên úy đều bị bỏ tù sau ngày Sàigòn sụp đổ.

Như một dấu chỉ cho thấy đức tin của người Công Giáo Việt Nam đã thắm đượm máu đào của các vị tử đạo như thế nào là số người tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Với bao nhiêu là đau khổ đã phải trải qua để giữ lấy đức tin, làm sao mà một gia đình Công Giáo Việt Nam lại có thể nghĩ đến việc bỏ lễ ngày Chúa Nhật được.

So sánh đức tin của người Việt Nam với chúng ta tại Úc Châu này với đầy đủ quyền tự do hành đạo thì thật là có nhiều điều phải nói. Tuy nhiên, tôi sẽ đề cập trong dịp khác.

Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra sự nhìn nhận nơi cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu của chúng ta một di sản đức tin mạnh mẽ - được hình thành từ những bách hại thường xuyên họ đã phải chịu, cũng như những hoa trái đã nảy sinh nơi ơn thiên triệu tại Úc Châu.

+ ĐTGM Barry James Hickey

Tổng Giám Mục Perth


Bản dịch của Nguyễn Việt Nam