Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Gần một phần ba dân số Đức, tức là khoảng 23 triệu, người Đức là các tín hữu Công Giáo. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần. Những số liệu thống kê vừa được Hội Đồng Giám Mục Đức công bố cho thấy có khoảng 160,000 người Công Giáo đã bỏ đạo chỉ riêng trong năm ngoái, 2016.
Đức Hồng Y Gerhard Müller, người vừa bị bãi nhiệm khỏi chức vụ Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin nhận xét rằng biến cố này thật là “bi thảm”. Là một người Đức, Đức Hồng Y Müller, bày tỏ âu lo của ngài về tình trạng Giáo Hội tại quê hương mình, và toàn bộ châu Âu.
“Sự tham gia tích cực vào các hoạt động của Giáo Hội bị giảm sút rất nhiều, việc truyền lại đức tin cho con cái không phải như là một lý thuyết nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô đã phai nhạt. Ơn gọi tu sĩ cũng xuống dốc.”
Bên cạnh sự bành trướng không kềm lại được của chủ nghĩa thế tục, Đức Hồng Y nhận định rằng có một xu hướng thậm chí còn nguy hiểm hơn. Châu Âu, đã và đang trải qua một tiến trình “de-Christianisation”, trong đó người ta cố gắng loại bỏ Kitô Giáo.
“Đây là việc loại bỏ Kitô Giáo trên toàn bộ nhân học, trong đó con người được định nghĩa như một hữu thể không cần Thiên Chúa và hoàn toàn không có tính siêu việt. Tôn giáo được người ta cảm nghiệm như một thứ tình cảm, chứ không phải là việc tôn thờ Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Il Foglio Đức Hồng Y Gerhard Müller cũng lên tiếng kêu gọi một cuộc thảo luận “thanh thản” về 5 điểm hồ nghi liên quan đến Tông Huấn Amoris Laetitia do bốn vị Hồng Y đưa ra. Ngài than thở rằng đã phải nghe quá nhiều những lời lăng mạ đối với bốn vị Hồng Y đưa ra 5 điểm hồ nghi.
Đức Hồng Y nói:
“Tôi không hiểu tại sao một cuộc thảo luận bình tĩnh và thanh thản không được bắt đầu. Tôi không hiểu đâu là những trở ngại. Tại sao không thể tổ chức một cuộc họp để nói chuyện cởi mở về những chủ đề rất căn bản này?”
“Cho đến nay tôi chỉ nghe thấy những vu khống và lăng mạ chống lại các vị Hồng Y. Nhưng đây không phải là cách để chúng ta tiến về phía trước”.
Chúng ta có khả năng đối thoại với các tôn giáo khác, kể cả Hồi Giáo, nhưng không thể đối thoại trong nội bộ với nhau thì thật là một điều chua chát.
2. Cha mẹ của bé Charlie Gard quyết định chấm dứt cuộc chiến pháp lý để cứu mạng con mình.
Cuộc chiến nhằm cứu mạng cháu bé Charlie Gard đã kết thúc một cách bi thảm. Những giằng co pháp lý dai dẳng tại tòa án đã khiến cho cơ hội cứu mạng cháu bé trôi qua. Tiến sĩ Michio Hirano, một nhà thần kinh học của Mỹ, cho biết đã quá muộn để có thể điều trị cho em bé.
Luật sư Grant Armstrong, đại diện của cha mẹ cháu bé là hai anh chị Chris Gard và Connie Yates nói với quan tòa Francis rằng “thời gian đã hết” sau các báo cáo y tế mới nhất. Ông Armstrong nói rằng “cơn ác mộng của cha mẹ cháu bé đã được xác nhận” vì thế họ chấm dứt các tranh cãi pháp lý để cứu mạng con mình.
Chris Gard và Connie Yates ràn rụa nước mắt nói với các ủng hộ viên của họ là nếu ngay từ đầu con họ được đưa sang Mỹ điều trị cháu bé đã được cứu.
Tại Vatican, trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 25 tháng 7, Giám đốc bệnh viện Bambino Gesu là Mariella Enoc cũng chia sẻ quan điểm này. Bà nói:
“Tôi không chắc Charlie có thể được cứu hay không, nhưng chắc chắn rằng rất nhiều thời gian đã bị mất trong những cuộc tranh luận pháp lý vô bổ.”
Trong khi đó, tại London, Giám đốc bệnh viện Great Ormond Street là bà Mary MacLeod cũng tổ chức một cuộc họp báo than phiền rằng dân chúng tụ tập trước cửa bệnh viện la hét chửi bới, các bác sĩ và y tá của bệnh viện bị sỉ nhục trên đường phố và bệnh viện của bà nhận được hàng ngàn những tin nhắn đe dọa.
3. Tuyên bố của Tòa Thánh về trường hợp cháu bé Charlie Gard
Ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra một tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng “đang cầu nguyện cho bé Charlie Gard và cha mẹ của em và cảm thấy đặc biệt gần gũi với họ vào thời điểm đau khổ bất tận này.”
Ông Greg Burke nói thêm:
“Đức Thánh Cha cũng xin chúng ta tham gia trong lời cầu nguyện để họ có thể tìm thấy ơn an ủi và tình yêu của Thiên Chúa”.
Charlie Gard đã là trung tâm của một cuộc tranh cãi trên thế giới với một bên là cha mẹ của cháu bé, và những người ủng hộ họ trong đó có Đức Giáo Hoàng, tổng thống Donald Trump, nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác và nhiều người khác nữa; và bên kia là các bác sĩ ở bệnh viện Great Ormond Street và các quan toà ở London. Những điểm chính trong cuộc tranh cãi này là đạo đức y khoa, lời thề Hippocrates của các lương y, ai là người có quyền quyết định sự sống chết của một người khác, và xa hơn thế nào là ‘đáng sống’, thế nào là ‘gánh nặng của xã hội’.
Charlie Gard sinh ngày 04 tháng 8 năm 2016. Em chào đời “hoàn toàn khỏe mạnh”, đủ tháng với một “trọng lượng khỏe mạnh”.
Tuy nhiên, từ tháng Chín, cha mẹ em nhận thấy em khó ngẩng đầu lên như các em khác. Em được chuyển vào bệnh viện Great Ormond Street cho trẻ em tại London vào ngày 11 Tháng Mười. Các bác sĩ nói bé Charlie bị một dạng bệnh Mitochondrial rất hiếm dẫn đến sự suy giảm cơ bắp và tổn thương não.
Một số trường hợp tương tự đã được chữa khỏi tại Hoa Kỳ. Vì thế, cha mẹ em muốn đưa em sang Mỹ điều trị thử nghiệm. Tuy nhiên, các bác sĩ tại bệnh viện Great Ormond Street quyết liệt cho rằng bệnh tình của em là vô phương cứu chữa và đòi rút các dây truyền sinh để em được “chết êm dịu”. Cha mẹ em xin được đưa con sang Mỹ điều trị nhưng các bác sĩ nói họ không có quyền “kéo dài sự đau đớn của con họ”.
Vì cha mẹ em cương quyết không chịu nên ngày 24 tháng 2 các bác sĩ kiện họ ra tòa nhằm xin án lệnh của tòa án chấm dứt các điều trị hỗ trợ sự sống.
Ngày 11 tháng 4, tòa án đồng ý cho các bác sĩ rút các dây truyền sinh. Cha mẹ cậu bé kiện tiếp lên tòa trên. Ngày 3 tháng 5, tòa trên lại chuẩn y phán quyết của tòa dưới. Hai anh chị hai anh chị Chris Gard và Connie Yates lại kiện lên Tòa Án Tối Cao. Ngày 08 tháng 6, Tòa án Tối cao cũng quyết liệt đòi chấm dứt các điều trị hỗ trợ sự sống cho bé Charlie.
Cha mẹ cậu bé kiện tiếp lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào ngày 20 tháng 6 nhưng cũng thất bại.
Câu chuyện đến tai các nhà lãnh đạo thế giới. Ngày 2 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp và đề nghị cấp hộ chiếu Vatican cho cháu bé được đưa sang bệnh viện Bambino Gesu của Tòa Thánh để điều trị miễn phí. Chính phủ Anh bác bỏ đề nghị này.
Ngày 3 tháng 7 tổng thống Mỹ, Donald Trump, can thiệp kêu gọi chính phủ Anh cho phép đưa Charlie sang Hoa Kỳ điều trị miễn phí; cũng thất bại. Ngày 19 tháng 7, trong một hành động vô tiền khoáng hậu, Quốc Hội Mỹ thông qua quyết định ban cấp tư cách thường trú nhân vĩnh viễn cho bé Charlie và cha mẹ cậu nhằm gạt chính phủ Anh và Tòa án Nhân Quyền Châu Âu sang một bên, và đưa họ sang Mỹ.
Trước đó, ngày 14 tháng 7, một thẩm phán Tòa án Tối cao ở Anh đã phán quyết rằng một chuyên gia người Mỹ được phép khám cho bé Charlie, và đưa ra ý kiến xem liệu đứa trẻ có nên được đưa sang Mỹ điều trị hay không.
Hôm Chúa Nhật 16 tháng 7, tiến sĩ Michio Hirano của Trung tâm Y tế Đại học Columbia, Hoa Kỳ đã bay suốt đêm sang Luân Đôn để cùng với một bác sĩ Italia do Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định kiểm tra Charlie Gard ngay tại Bệnh viện Greater Ormond Street vào sáng thứ Hai 17 tháng 7.
Tuy nhiên, đã quá trễ để cứu cháu bé.
4. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales về trường hợp của cháu bé Charlie Gard
Hôm thứ Ba 25 tháng 7, Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales đã ra một tuyên bố về trường hợp của cháu bé Charlie Gard sau khi cha mẹ của Charlie Gard quyết định chấm dứt cuộc chiến pháp lý nhằm cứu mạng con họ.
Các Giám Mục “bày tỏ sự thông cảm và lòng trắc ẩn sâu xa nhất” của các ngài đối với kết cục bi thảm này. Các ngài cho biết:
“Nhiều tuần nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo dõi với tình cảm và sự xúc động của ngài đối với trường hợp của cháu bé Charlie Gard và bày tỏ sự gần gũi của ngài với cha mẹ cháu. Ngài cầu nguyện cho họ, hy vọng rằng mong muốn của họ được tháp tùng và chăm sóc cho con mình cuối cùng không bị vùi dập”.
“Trên thực tế, chúng ta cũng cầu nguyện cho Charlie, cha mẹ và gia đình của bé, hy vọng rằng, như một gia đình, họ có thể nhận được sự ủng hộ và không gian để tìm lại sự bình an trong những ngày sắp tới. Sự chia tay của họ với cháu bé mà họ trân quý làm xúc động trái tim của tất cả những ai, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã theo dõi câu chuyện buồn và phức tạp này.”
Trường hợp của cháu bé Charlie Gard đã gây ra một làn sóng phản đối rất mạnh tại Luân Đôn. Họ tin rằng các bác sĩ tại bệnh viện Great Ormond Street vì muốn giữ thể diện nên đã quyết liệt không cho cháu bé được đưa sang Mỹ điều trị. Hàng ngày, dân chúng tụ tập tại cửa bệnh viện Great Ormond Street la ó chửi bới các bác sĩ và y tá; và email hăm dọa bệnh viện. Điều này có thể gây những ảnh hưởng bất lợi cho việc điều trị các trẻ em khác. Vì thế, các Giám Mục đã kết luận như sau:
“Chúng tôi tin rằng tất cả những ai tham gia vào các quyết định đau đớn này đã tìm cách hành động trong sự liêm chính vì lợi ích của Charlie. Tính chuyên nghiệp, tình yêu và sự chăm sóc cho trẻ em bị bệnh nặng liên tục được thể hiển ở bệnh viện Great Ormond Street trong những năm qua cũng đáng được công nhận và hoan nghênh.”
5. Bề trên các hiệp sĩ Thánh Mộ nói tình hình ở Jerusalem là “rất nguy hiểm.”
Vị đứng đầu các hiệp sĩ Thánh Mộ nói với một hãng thông tấn Ý rằng tình hình ở Jerusalem là “rất nguy hiểm.”
Bạo lực đã nổ ra sau khi Do Thái cài đặt máy dò kim loại tại đền thờ Hồi Giáo Al-Aqsa trên Núi Đền. Các máy dò kim loại đã được cài đặt theo sau một vụ nổ súng giết chết hai cảnh sát viên Israel.
Cha Francesco Patton, bề trên các hiệp sĩ Thánh Mộ, đã kêu gọi hai bên “tự chế để tránh một sự leo thang hơn nữa những căng thẳng và bạo lực; đồng thời cần đối thoại với nhau vì đó là một công cụ ngoại giao hòa bình giúp tìm ra những điểm đồng thuận và thỏa hiệp, cho phép hai bên tìm ra một giải pháp danh dự nhằm thoát khỏi những tình huống rất nguy hiểm hiện nay”
6. Tuyên bố của các Giám Mục Pháp nhân tưởng niệm một năm cha Jacques Hamel bị quân khủng bố Hồi Giáo giết chết
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã ra một tuyên bố nhân dịp tưởng niệm một năm cha Jacques Hamel bị quân khủng bố Hồi Giáo giết chết.
Hai tên khủng bố Hồi Giáo IS đã cắt cổ vị linh mục 85 tuổi vào ngày 26 Tháng Bảy 2016, trong khi ngài đang cử hành Thánh Lễ tại Saint-Etienne-du-Rouvray. Tháng Tư vừa qua, Tổng Giáo Phận Rouen đã khởi sự án phong chân phước tử đạo cho ngài sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô miễn thủ tục chờ đợi năm năm theo quy định chung.
Nhắc lại những “sự kiện không thể tưởng tượng khiến người ta không nói nên lời,” Đức Tổng Giám Mục Georges Pontier, Chủ tịch hội đồng giám mục, nói rằng Cha Hamel là “một biểu tượng cho một cuộc sống chung với nhau, và sống cho nhau; một cuộc sống trung thực hàng ngày bắt nguồn từ tình yêu của Chúa Kitô.”
Đức Tổng Giám Mục cũng kêu gọi cầu nguyện cho nước Pháp vào ngày 15 tháng 8 tới đây, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, xin Chúa “nâng đỡ những ai trong đời sống bình thường của mình biết dấn thân cho người khác và với người khác.”
7. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Ấn về tình trạng bạo lực tôn giáo trong xã hội
“Bầu không khí chung trong xã hội chúng ta hiện nay là một sự sợ hãi bao trùm”. Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ đã nhận định như trên hôm thứ Hai sau một cuộc họp quy tụ 40 nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm lên án một làn sóng đánh đập những người Hồi giáo công khai trên đường phố gây ra bởi các thành phần cực đoan Ấn Giáo.
Các Giám Mục cho biết những người tham dự hội nghị đồng ý rằng “tư tưởng thù hận là một thực tế và cần phải có các hành động cụ thể và có phối hợp của chính phủ, các đảng chính trị, các nhà hoạt động xã hội dân sự, hệ thống tư pháp hình sự và các cộng đồng tôn giáo”.
Thủ tướng Narendra Modi, là một lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan, đã được bầu làm thủ tướng từ tháng 5 năm 2014 đến nay. Giáo Hội tại quốc gia này đã và đang trải qua một thời kỳ rất khó khăn dưới thời của Modi.
8. Đức Thánh Cha viết thư trả lời cho từng linh mục ở giáo phận Ahiara đã viết thư cho ngài
Sau khi yêu cầu các linh mục của giáo phận Ahiara, Nigeria, phải viết thư cho ngài bày tỏ sự tuân phục, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu viết thư cho từng linh mục đã tuân theo chỉ thị của Ngài.
Giáo phận Ahiara đã lâm vào tình trạng hỗn loạn kể từ tháng 12 năm 2012, khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Okpaleke làm Giám Mục giáo phận. Một số lớn các giáo sĩ và giáo dân đã phản đối việc bổ nhiệm này, khiến vị tân Giám Mục không thể thi hành sứ vụ của ngài. Tháng Bảy năm 2013, Đức Thánh Cha đã cử Đức Hồng Y John Onaiyekan Tổng Giám Mục của thủ đô Abuja, làm giám quản tông tòa.
Vào đầu tháng Sáu năm nay, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các linh mục Ahiara phải viết thư cho ngài, từng người một, để bày tỏ sự tuân phục quyền bính Giáo Hoàng và chấp nhận thẩm quyền Giám Mục của Đức Cha Okpaleke.
Trang web do các linh mục ủng hộ Đức Cha Okpaleke điều hành, đặt trụ sở ngay tại Ahiara, có một danh sách gồm 201 linh mục của giáo phận. Trong 201 vị này, ít nhất đã có 157 vị tuân thủ chỉ thị của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha cũng vừa bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Antonio Guido Filipazzi làm tân sứ thần Tòa Thánh tại Nigeria. Ngài đến thủ đô Abuja cùng với một số thư của Đức Thánh Cha viết riêng cho từng linh mục đã viết thư cho ngài.
Những vị nào bất tuân không viết thư cho Đức Thánh Cha thì nhận được một lá thư của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, có cả chữ ký của Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Lá thư cho biết họ đã bị treo chén.
Đến nay vẫn chưa có tin tức nào về phản ứng của Tòa Thánh đối với các vị viết vào một lá thư được soạn thảo sẵn theo lối “điền vào chỗ trống”. Nội dung lá thư này cũng thể hiện sự trung thành của họ đối với Đức Thánh Cha và Giáo Hội, xin lỗi vì từ chối việc bổ nhiệm giám mục, và hứa hẹn sẽ chấp nhận bất cứ ai mà Đức Giáo Hoàng quyết định là giám mục của Ahiara.
Tuy nhiên, lá thư làm sẵn này cũng gửi một lời cảnh báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô: “Với lòng hiếu thảo và với một lương tâm ngay thẳng, con phải nói trước rằng có thể con không thể làm việc tốt với ngài [tức là Đức Cha Peter Ebere Okpaleke] như giám mục giáo phận của con. Dẫu sao, trong giáo phận này an toàn cá nhân của ngài có thể bị đe dọa.”