Chính quyền Thừa Thiên Huế sẽ đối thoại với Đan viện Thiên An

12/07/2017 - Theo hãng tin Reuters, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ gặp gỡ các tu sĩ của Đan viện Thiên An và giới chức Giáo Hội Công Giáo của tỉnh. Trong một thông báo được phát đi vào cuối ngày thứ Hai ngày 10/7, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nói họ sẽ “xem xét nguyện vọng chính đáng của đan viện trong khuôn khổ pháp luật” nhưng không nói rõ ngày nào sẽ tiến hành đối thoại.

Trước đó, hôm 28/6, các đan sĩ tại Đan viện nói rằng hàng chục người mà họ cho là công an mặc thường phục đã đập phá cây thánh giá trên một ngọn đồi mà Đan viện Thiên An nói thuộc quyền sở hữu của họ.

Chính quyền tỉnh cáo buộc rằng cây thánh giá này đã được dựng trái phép và các đan sĩ đã đốn hạ và san ủi đất một cách bất hợp pháp. Nhà chức trách còn cáo buộc các đan sĩ là đã phá hỏng một con đường dùng để cứu hỏa trong trường hợp xảy ra cháy rừng, và cản trở cơ quan chức năng làm lại đường.

Đan sĩ Giuse Maria Chữ Mạnh Cường nói với Reuters rằng các đan sĩ ở Thiên An phản đối việc xây dựng con đường để nối từ hồ nước đến một khu vui chơi mà không được sự cho phép của đan viện.

Trong vụ xô xát hồi cuối tháng trước, chính quyền cáo buộc đan viện đã có hành động đe dọa và làm bị thương hai người. Tuy nhiên, đan sĩ Cường nói rằng cảnh sát mặc thường phục đã dùng gậy gộc, cưa và ống nước dánh đập các đan sĩ khiến cho nhiều người bị thương.

Reuters nhắc lại năm 2008, trên 1.000 tín đồ Công Giáo đã biểu tình ở Hà Nội để phản đối phiên tòa xử 8 giáo dân vì tranh chấp đất. Cuộc biểu tình quy mô này là sự kiện hiếm hoi tại Việt Nam. (Nguồn: Reuters)

Tỉnh Thừa Thiên Huế Viết Giấy Mời Đan Viện Thiên An.

1- Giấy mời viết khá rõ là lên làm việc liên quan tới việc Đan viện kiến nghị của Đan Viện.

Không bàn nhiều: trả lại đất và trả lại sự bình yên cho một nhà dòng kín. Một nơi tu hành kín giờ chính quyền đã vào phá rối làm mất đi sự yên tĩnh của đời tu

2- Quý Cha, quý thầy đan Viện Thiên An làm việc với chính quyền Huế chiều nay. Trong phòng họp, trước mặt lẵnh đạo tỉnh, quý cha, quy thầy đã đọc kinh cầu nguyện trước khi làm việc.


Chính quyền Huế quyết tâm lấy đất Đan viện Thiên An
(Hòa Ái, phóng viên RFA, 2017-07-12)

Buổi làm việc chính thức lần đầu tiên giữa chính quyền Thừa Thiên-Huế với đại diện của Đan viện Thiên An liên quan khiếu nại, khiếu kiện đất của Nhà dòng này kéo dài gần 20 năm được cho biết không có kết quả và rơi vào bế tắc.

Đất của Đan viện vẫn bị trưng thu

Cuộc họp hôm nay không có kết quả gì sáng sủa hết, bởi vì đã 20 năm rồi mà họ vẫn dựa vào những văn bản rất lập lờ, dựa vào các tin tức cũng như những chính sách rất mờ ám. 20 năm trước họ nói như thế nào thì hôm nay họ vẫn dùng nhưng lời lẽ như vậy.”

Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi, một trong những đại diện của Đan viện Thiên An cho biết như vừa nêu về buổi gặp gỡ do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế mời và do Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ chủ trì vào sáng ngày 12/07/2017.

Lần gặp gỡ này được xem là buổi làm việc chính thức giữa chính quyền tỉnh với Đan viện Thiên An cùng đại diện của Hội đồng Giáo xứ và đại diện Tòa Giám Mục Huế, sau suốt gần 20 năm dài Đan viện khiếu kiện liên quan 49 héc-ta đất (rừng thông) bị trưng thu hồi năm 1988.

Cuộc họp hôm nay không có kết quả gì sáng sủa hết, bởi vì đã 20 năm rồi mà họ vẫn dựa vào những văn bản rất lập lờ, dựa vào các tin tức cũng như những chính sách rất mờ ám. 20 năm trước họ nói như thế nào thì hôm nay họ vẫn dùng nhưng lời lẽ như vậy -LM.Phêrô Khoa Cao Đức Lợi

Cuộc họp kéo dài 3, 5 tiếng đồng hồ nhưng Chính quyền Thừa Thiên-Huế và Đan viện Thiên An không đạt được sự đồng thuận nào do mấu chốt khác biệt là chính quyền địa phương vẫn căn cứ vào hai Quyết định số 1230 và 577, do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Quốc Vượng ký.

Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi tường trình lại diễn tiến của cuộc họp sáng nay: “Họ nói quyết định 1230 và quyết định 577 của Chính phủ là hoàn hảo và họ cứ vậy mà làm việc. Cho nên chúng tôi thấy bế tắc và Đan viện đã ra về và không ký một chữ ký nào hết. Họ nói ‘nếu được thì sau này có thể tổ chức một cuộc họp khác’. Nhưng tôi nghĩ Đan viện sẽ không đi họp với kiểu làm việc vô trách nhiệm như vậy.”

Đan viện Thiên An cho rằng Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã đánh lận con đen trong việc lấy 49 héc-ta đất (rừng thông) của Đan viện trong khi Quyết định 577 ghi là “thu hồi đất hoang trên đồi thông Thiên An”. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi còn cho biết tại buổi làm việc, Chính quyền không chỉ không giải quyết khiếu nại, khiếu kiện 49 héc-ta đất (rừng thông) đã bị trưng thu gần 20 năm trước mà họ sẽ tiếp tục lấy thêm phần diện tích còn lại trong tổng số 107 héc-ta của Đan viện.

Đan viện tiếp tục đấu tranh giữ đất

Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi nói Chính phủ đã nhận thấy trong Quyết định 577 có sai sót và đã ra thêm một quyết định khác, Quyết định số 62 để giải quyết vấn đề thu hồi đất của Đan viện Thiên An. Tuy nhiên Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã không thực thi Quyết định 62 của Trung ương. Đan viện Thiên An vào ngày 13/07, sẽ liên lạc với Trưởng ban Tôn giáo Thừa Thiên-Huế thông báo lý do Đan viện không ký vào biên bản họp sáng ngày 12/07 là vì Ủy ban Nhân dân tỉnh không có thiện chí giải quyết vụ việc, chứ không phải Đan viện Thiên An không hợp tác.

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do, xoay quanh vụ việc khoảng 100 công an, an ninh và côn đồ đến Đan viện Thiên An đập phá Thập Tự giá và hành hung các tu sĩ đến đổ máu trong hai ngày 28 và 29 tháng Sáu có được đề cập tại buổi họp, Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi lập lại lời nói của Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Phan Ngọc Thọ: “Ông nói rằng vấn đề đập, đánh này nọ thì Đan viện đã gửi đơn đến cho Viện Kiểm sát, Công an thị xã và Công an tỉnh thì chính các đơn vị đó sẽ có trách nhiệm làm việc với Đan viện. Còn ông thuộc về đại diện phía Nhà nước nên ông chỉ giải quyết về chuyện đất đai mà thôi.”

Liên quan đến dự định trong thời gian tới của Đan viện viện Thiên An, Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi cho biết: “Đan viện chúng tôi đang cố gắng hết sức sẽ làm tiếp tục. Nhưng bây giờ chúng tôi làm trong cách thức để tránh đổ máu xảy ra. Chúng tôi cũng nói với tỉnh rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm vì chúng tôi vẫn luôn luôn bảo vệ phần đất của mình. Chúng tôi sẽ báo cho tỉnh biết đợt tới sẽ làm việc này, việc kia…Còn chính quyền đồng ý cho làm hay không thì không quan trọng.”

Sau cuộc họp chính thức giữa Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế và Đan viện Thiên An vào sáng 12/07/2017, Đan viện khẳng định với RFA sẽ kiên trì đấu tranh không để mất thêm tấc đất nào nữa về tay của chính quyền địa phương: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh. Nay mai chúng tôi sẽ kéo nhau ra Hà Nội, trực tiếp xin gặp Thủ tướng để chỉ đạo cho tỉnh giải quyết, chứ như thế này là bế tắc.”

Xin được nhắc lại, trong một lần trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về những hệ lụy của việc Hà Nội trưng thu đất đai cùng cơ sở vật chất và thờ phượng của các tôn giáo, nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã và đang hành xử một cách thiếu khôn ngoan và nếu vấn đề đất đai của Đan viện Thiên An không được giải quyết triệt để thì hậu quả sẽ khôn lường do mối xung khắc giữa Công Giáo và nhà cầm quyền Việt Nam trong nhiều thập niên qua sẽ bùng phát.

Cuộc họp giữa Đan viện Thiên An với tỉnh Thừa Thiên Huế sáng ngày 12.07.2017

GNsP (12.07.2017) – Trong cuộc họp với tỉnh Thừa Thiên Huế vào sáng ngày 12.07.2017, đan viện Thiên An đã lên án mạnh mẽ những hành vi thô bạo, xâm hại thân thể các Đan sĩ, những lời nói tục tĩu chà đạp danh dự, nhân phẩm người tu hành… của các cán bộ, nhóm côn đồ, đám phụ nữ được công an bảo kê và kích động; lên án mạnh mẽ hành vi xúc phạm sự thánh thiêng của Tôn giáo qua việc phá hủy Thánh giá ngay trong khuôn viên Đan viện… xảy ra vào ngày 28-29.06.2017.

Trong buổi đối thoại, ĐVTA luôn khẳng định quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp đối với toàn bộ hơn 107 hécta nhà-đất- rừng thông tọa lạc tại đồi Thiên An lẫn hồ Thủy Tiên và kiên quyết bảo vệ công lý, tài sản hợp pháp của Giáo Hội cho đến cùng.

ĐVTA luôn quả quyết, ĐVTA có đầy đủ chứng cứ hợp pháp chứng minh 107 hécta đất-nhà-rừng thông mà nhà cầm quyền đang lăm le tước đoạt thuộc quyền sở hữu và quản lý của Đan viện, do các vị tiền bối khổ công mua tậu, xây dựng, bảo vệ từ những năm 1940 cho đến lúc này. Đan viện chưa bao giờ chuyển giao quyền quản lý, quyền sở hữu rừng thông thuộc tài sản ĐVTA cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

Cũng trong cuộc đối chất, ĐVTA nhận định quyết định số 1230/QĐ-TTg và Quyết định số 577/QĐ-XKT có nội dung trái pháp luật được ban hành không đúng thẩm quyền và cố tình dùng “quyết định hành chính” để “tước đoạt” quyền sở hữu và quyền sử dụng phần đất-nhà-rừng thông của ĐVTA.

Tuy nhiên, giới cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cố tình phớt lờ ý kiến, nguyện vọng của ĐVTA và cướp diễn đàn “đối thoại”.

Các cán bộ cấm cản phái đoàn ĐVTA không được quay phim, chụp hình… tuy nhiên phía Đan viện đã phản đối.

Kết thúc cuộc họp, bên phía Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ĐVTA ký vào biên bản dài 11 trang A4 đã được soạn thảo trước đó, các Đan sỹ đã từ chối ký biên bản này. (Nguồn GNsP)