Lược trích bài phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Dolan của Tổng Giáo Phận Milwaukee về sự kiểm điểm lại lương tâm đối với các Vị Giám Mục

MILWAUKEE, Wisconsin, DEC. 7, 2004.- Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan đã rút ra được các bài học từ những bài viết mới nhất của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị về vai trò của các vị Giám Mục qua việc kiểm điểm lại lương tâm, đối với những ai được trao phó cho nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan đã chia sẽ với hãng tin Zenit làm thế nào mà cuốn sách của Đức Giáo Hoàng có nhan đề là “Hãy Trỗi Dậy, Nào Chúng Ta Hãy Ra Đi,” được xuất bản bởi nhà sách Warner Books của Hoa Kỳ và lời hô hào hậu kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (postsynodal) “Pastores Gregis” đã giúp Ngài đánh giá lại việc Ngài đang chăn dắt các đàn chiên của Ngài và thách đố Ngài hãy bắt chước theo gương chứng nhân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị trong vai trò của một vị Giám Mục.

Hỏi (H): Thưa Đức Tổng Giám Mục, điều gì đã làm cho Ngài ngạc nhiên nhất về những câu chuyện cá nhân của Đức Thánh Cha trong cuốn sách?

Đức Tổng Giám Mục Dolan (T): Thưa, đối với tôi, có hai điều rất khác thường.

Điều thứ nhất là, ảnh hưởng sâu sắc của đất nước Ba Lan trong Ngài qua những lần Ngài về thăm viếng lại quê hương. Theo như nhiều người nói lại rằng, Ba Lan là một đất nước mà Đạo Công Giáo đã gặp không ít nhiều trắc trở, và chắc như đá tảng. Nền văn hóa, xã hội, lịch sử, nghệ thuật và văn chương đều mang đậm tính chất Công Giáo. Điều này đã thể hiện rõ qua mỗi tế bào trong thân thể của Karol Jozef Wojtyla. Ngài đã tỏ lộ ra tính giàu đẹp, lòng sùng kính mộ đạo, và sự hiện thân của đạo Công Giáo Ba Lan, và chính những điều đó đã làm say đắm cả thế giới. Chính vì thế, điều đầu tiên nổi trội ra chính là làm thế nào mà một người con của đất nước Ba Lan này, lại có lòng yêu mến quê hương đất nước và nền văn hóa một cách rất sâu đậm đến vậy.

Điều thứ hai nảy sinh ra trong tôi ngay sau khi đọc xong cuốn sách của Ngài chính là việc Ngài cảm thấy rất thoải mái với giáo dân, Ngài đã có rất nhiều người bạn là giáo dân, đặc biệt là các gia đình và những người bạn trẻ. Ngài vẫn thường hay nói về những người bạn làm linh mục của Ngài, nhưng điều nổi bật ra chính là những người bạn đã giúp và ủng hộ Ngài, mà đa phần họ là những người giáo dân. Ngài rất yêu thích thực hiện những cuộc cắm trại với những người bạn trẻ, những buổi chuyện trò của Ngài với các sinh viên, sự thân mật của Ngài đối với các đôi vợ chồng và các gia đình của họ. Ngài đã cảm thấy rất ư là thoải mái, như là ở ngay tại nhà riêng của mình vậy, với tất cả những người trên.

Qua sự làm gương của Ngài, Ngài đã biểu hiện và cổ võ những giảng dạy của Công Đồng Chung Vaticăn II, vốn là nhiệm vụ chính của một linh mục, và chính vì thế, trong tư cách là một Giám Mục, thì chính là việc phục vụ tất cả mọi người, tín hữu giáo dân, để biết rõ về họ để rồi yêu mến họ, để họ có thể chu toàn sứ vụ rao giảng của họ cho toàn thể thế giới.

(H): Thưa Đức Tổng Giám Mục, đâu là những suy nghĩ của Đức Thánh Cha về những vấn đề mang tính hiện đại vốn có ý nghĩa nhất đối với Ngài?

(T): Thưa, một lần nữa, tôi cho rằng những suy nghĩ của Ngài về vai trò của giáo dân. Thêm vào đó, là những cảm tưởng của Ngài về nổi kinh hoàng của chiến tranh, sự lo lắng của Ngài về tình trạng xuống dốc trong việc thực hành đức tin tại Châu Âu; sự suy gẫm sâu sắc của Ngài về vùng Đất Thánh; những quan điểm của Ngài về sự liên đới và hợp tác trong Giáo Hội; và những suy nghĩ của Ngài về Châu Phi và Mỹ Châu La Tinh.

Thì đó chính là những lãnh vực về tầm hiểu biết sâu rộng tiềm ẩn mà Ngài đã quan tâm, đối với những vấn đề mang tính thách đố trong thế giới hiện đại, vốn thật sự lôi kéo được sự chú ý của tôi.

(H): Thưa Đức Tổng Giám Mục, Ngài đã rút ra được bài học nào từ kinh nghiệm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị với tư cách là một Giám Mục để công bố về sứ vụ của riêng Ngài đối với Hội Thánh?

(T): Thưa, có đôi điều mà tôi đã rút ra được. Trước tiên là tôi phải trở nên một người với một tình yêu bỏng cháy dành cho Chúa Giêsu Kitô. Tôi phải là người luôn lúc nào cũng được bình an với chính bản thân mình cùng với sứ vụ và ơn gọi với tư cách là một vị Giám Mục. Tôi phải trở thành người có những mục tiêu về mục vụ một cách thực tiển trong tâm trí để đừng bao giờ bỏ mặc, hay làm ngơ. Tôi phải là người biết can đảm, không phải sợ hãi, hay ái ngại gì cả, để vững tin vào Chúa Giêsu, chính là Người cai quản cuộc đời tôi và ân huệ của Ngài là thích đáng.

Tôi không phải sợ hãi, ái ngại khi phải “thả lưới sâu” và gọi mời những người tín hữu của tôi để họ được thánh hóa, để có những gương đức anh dũng và sự trọn hảo. Đức Thánh Cha đã nói với chúng ta rằng đây chính là điều mà Ngài đã làm tại Krakow; và đó cũng chính là những gì mà Ngài đã thực hiện với tư cách là Giám Mục của Rôma và Giám Mục của cả Giáo Hội hoàn vũ. Tôi, cũng vậy, tôi phải cần học biết về những điều đó.

Điều thứ hai chính là kinh nghiệm của Ngài với tư cách là một vị Giám Mục đã dạy cho tôi biết rằng, tôi phải trở nên rất gần gủi với các linh mục của tôi. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị rất yêu mến các linh mục của Ngài. Ngài yêu mến các linh mục khi Ngài còn là Tổng Giám Mục của Krakow, và bây giờ, với tư cách là người kế vị Thánh Phaolô, Ngài vẫn yêu mến các linh mục của Ngài. Tôi cần phải làm tốt hơn việc này, bằng cách đến với tất cả các linh mục của tôi, biết lắng nghe họ, hiện diện cùng với họ, cầu nguyện cùng với họ, và dĩ nhiên là thách đố họ cũng như sữa chữa họ những khi cần thiết. Một vị Giám Mục gương mẫu mà tôi nghĩ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đã làm gương chính là một vị Giám Mục của các linh mục, giống y hệt như một vị cha sở của toàn thể giáo dân của Ngài vậy.

Chúng ta phải là vị linh mục của những vị linh mục, tức chúng ta phải là một vị cha sở của các vị linh mục, và đó chính là bài học thứ hai mà tôi đã rút ra được qua cuốn sách của Ngài, và qua lời kêu gọi của Ngài trong “Pastores Gregis” và từ gương chứng nhân của Ngài.

Điều thứ ba, chính là tầm quan trọng của Phép Thánh Thể, tôi cần phải có một nhận thức, sâu sắc và đúng đắn hơn về Phép Thánh Thể trong Năm Thánh Thể này. Phần việc quan trọng nhất của Đức Thánh Cha trong ngày chính là việc cử hành Phép Thánh Thể. Tất cả mọi thứ đều được bắt nguồn từ đó, và Ngài luôn quay trở lại với Phép Thánh Thể, vì Thiên Chúa thật sự hiện diện trong đó, suốt cả ngày. Phép Thánh Thể chính là trọng tâm của ngày, chứ không phải là một phần của ngày, như một câu ngạn ngữ cổ đã từng nói như vậy. Đối với tôi, có mặt với các linh mục, với các tín hữu, giáo dân, và với Phép Thánh Thể, chính là có mặt trong sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Phép Thánh Thể.

Và sau cùng, tôi nghĩ là những văn bản đó, vốn đựng chứa những chia sẽ cá nhân và lời kêu gọi sau kỳ họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, chính là để giúp tôi có được một sự suy xét lại lương tâm của riêng tôi một cách nghiêm túc. Tôi phải thú nhận rằng khi tôi thấy Ngài đã hoàn thành tất cả những nghĩa vụ mà “Pastores Gregis” đã đặt trên vai của các vị Giám Mục, tôi phần nào cảm thấy thất vọng, lo lắng bối rối, và dĩ nhiên, là rất băn khoăn. Khi tôi đọc nó xong, tôi nghĩ trong đầu rằng: “Lạy Thiên Chúa của con, con là ai mà phải sống đúng với tất cả những điều này?”

Thế nhưng, chúng ta không bao giờ bỏ mặc, mà hãy luôn cố gắng. Chúng ta phải xem đây chính là một mục tiêu cao cả. Chúng ta phải luôn gìn giữ nó trước chúng ta, và chúng ta hãy tự kiểm điểm lại chính chúng ta để xem coi chúng ta có thật sự là một người mục tử tốt lành cho mọi dân của Thiên Chúa hay không. Chúng ta không bao giờ có thể chu toàn được tất cả những điều đó. Chúng ta không bao giờ có thể theo gương của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn.

Chúng ta không bao giờ có thể theo gương của Vị Đại Diện cho Chúa Kitô, chính là Đức Thánh Cha Gioan Phaolo Đệ Nhị. Thế nhưng, chúng ta đừng bao giờ từ bỏ việc cố gắng. Chúng ta phải luôn tinh luyện và thay đổi cách tiếp cận của chúng ta để xứng đáng trở thành một người kế vị của các tông đồ. Đức Thánh Cha đã cho chúng ta quá nhiều, thì đó là điều tốt, bởi vì Ngài luôn kỳ vọng ra những gì là tốt đẹp nhất trong chúng ta. Ở đây, không có sự dao động, và không có sự phai nhạt gì cả. Ngài đang gìn giữ lý tưởng đó và Ngài kêu gọi tất cả chúng ta hãy luôn sống đúng với lý tưởng đó.

Việc rà xoát lại lương tâm chính là điều gì đó mà tất cả chúng ta đều cần đến. Như Đức Thánh Cha vẫn thường hay nói: “Tình yêu dành cho Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người phải là một thứ tình yêu biết tha thiết với chính cuộc sống của riêng chúng ta.”