Suy niệm Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông đồ

Ngày 29/06/2017

Hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Xin được nêu lên mấy điểm sau đây để chúng ta cùng nhau suy niệm:

1. Phê-rô được chọn làm Tông đồ trưởng

Phê-rô tên thật là Si-mon, là một ngư phủ miền Galilêa, là một trong những môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu mời gọi bước theo Ngài. Trong thời gian đi theo Đức Giêsu, Phê-rô luôn tỏ ra là người nhiệt thành, lanh lợi, phản ứng đầu tiên và trả lời nhanh nhất. Vì bản tính bộc trực, cộng với sự yếu đuối của con người nên Ông đã không tránh khỏi những lầm lỗi: như khi can ngăn Thầy mình bước vào cuộc khổ nạn, khi chối Thầy một cách hèn nhát. Nhưng đồng thời Phê-rô cũng luôn tỏ ra là người trung thành và yêu mến Thầy mình, sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận sửa lỗi. Chính Đức Giêsu đã thấy được sự chân thành của ông. Vì thế, khi quyết định thiết lập Giáo Hội, Ngài đã trao chức vụ làm tông đồ trưởng cho Phê-rô. Trước khi trao nhiệm vụ đó, Đức Giêsu đòi Phê-rô phải xác tín về tình yêu đối với Ngài. Ngài hỏi Phê-rô ba lần rằng: “Con có yêu mến Thầy không”. Phê-rô đã không ngần ngại trả lời ba lần rằng “có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Ba lần hỏi, ba lần thưa là thể hiện sự chắc chắn về một vấn đề. Ngay sau khi nghe lời xác tín về lòng mến của Phê-rô, Đức Giêsu trao cho Ông nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài (x. Ga 21,15-19). Cũng trong tinh thần đó, sau khi Phê-rô tuyên tín : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đức Giêsu đã trao cho ông chìa khóa nước trời với quyền cầm buộc và tháo cởi. Đồng thời, Ngài cũng khẳng định với Phê-rô rằng: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được” (x. Mt 16,13-19).

Từ khi nhận nhiệm vụ “chăn dắt đoàn chiên”, từ khi lãnh nhận “chìa khóa nước trời”, Phê-rô đã làm hết khả năng để chu toàn bổn phận mà Thầy trao phó. Cụ thể, sau ngày lễ Ngũ Tuần, Phê-rô đã công khai rao giảng Tin mừng, làm chứng về sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Bài giảng đầu tiên của Ngài đã thu hút trên 3000 người trở lại. Khi bị cấm không được rao giảng về Danh Đức Giêsu, Ngài đã thẳng thắn nói rằng: “Thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời”(Cv 5,29). Chính vì trung thành với việc rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu mà Phê-rô đã nhiều lần bị bắt, bị bỏ tù và cuối cùng bị giết chết. Bài đọc I hôm nay cho chúng ta biết: “Phêrô cũng bị bắt và bị tống ngục” (x. Cv 12,1-11). Nhưng Phê-rô đã được cứu thoát một cách lạ kỳ. Sau khi giam Phê-rô trong ngục, họ cho người canh gác Ngài một cách cẩn thận. Nhưng rồi, nhờ lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, Phê-rô đã được cứu thoát một cách ngoạn mục. Chính Thiên thần đã mở hết xiềng xích và dẫn Phê-rô ra ngoài. Phê-rô khẳng định việc đó là do Chúa làm. Ngài nói: “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái”. Được thả ra, Phê-rô lại tiếp tục sứ vụ của mình. Tiếp tục sứ vụ tức là tiếp tục chấp nhận bắt bớ, tù tội.Phê-rô cùng các Tông đồ khác đi khắp nơi loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa. Cuối cùng, đến thời hoàng đế Nê-rô, năm 64, Phê-rô bị giết chết bằng hình khổ thập giá. Ngài xin được đóng đinh ngược lại vì Ngài cho rằng mình không xứng đáng giống như Thầy Giêsu.

2. Phao-lô được chọn làm Tông đồ dân ngoại

Trước khi trở lại, Phao-lô là một người theo đạo Do Thái, mang tên là Sao-lô, rất trung thành với truyền thống của cha ông. Vì vậy, Phao-lô rất ghét những người kitô hữu. Ông đã tham gia các cuộc truy quét, bắt bớ, giết hại các kitô hữu. Ông đã tán thành việc ném đá ông Têphanô. Một hôm, trên đường đi bắt bớ các kitô hữu tại Đa-mát, Phaolô đã bị Đức Giêsu chinh phục. Chính Phaolô đã tường thuật lại biến cố đó trong sách Công Vụ Tông đồ: Ngài bị một luồng ánh sáng chan hòa từ trời bao phủ. Rồi Ngài bị ngã ngựa. Trong lúc đó, Đức Giêsu cho Phao-lô biết, bắt bớ các kitô hữu là bắt bớ Giêsu Nazaret. Rồi Phao-lô được chỉ dẫn đi vào Đa-mát gặp ông Anania để lãnh nhận Phép Rửa(x. Cv 22, 3-16). Từ đó, Phao-lô trở thành vị tông đồ cho dân ngoại. Nhưng khi mới trở thành kitô hữu, Ngài đã gặp rất nhiều khó khăn: người Do thái thì phận nộ, các kitô hữu và tông đồ cũng chưa thực sự tin nơi Phao-lô (x. Cv 9,26; Gal 1, 22-23). Dầu vậy, Phao-lô vẫn kiên trì vượt qua khó khăn, dùng đời sống của mình để thuyết phục các kitô hữu và các Tông đồ. Đồng thời, Ngài quyết tâm dùng hết tài năng và sức lực của mình để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Trong thời gian 30 năm, Ngài đã thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo lớn (Hành trình thứ nhất khoảng từ năm 45 – 49; hành trình thứ hai khoảng từ năm 50 – 52; hành trình thứ ba khoảng từ năm 53 – 58; năm 60, Ngài bị giải về Rôma và chịu tử đạo), đã thành lập nhiều cộng đoàn kitô hữu như: Antiokia, Cilicia, Athens, Corintô, Galata, Thessalonica, Roma… Ngài kể lại hành trình truyền giáo đầy gian nan trong thư 2Cr như sau: “Bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!”(x. 2Cr 11, 23-28).

Những khó khăn mà Ngài đã vượt qua, những thành quả mà Ngài đạt được chính là nhờ niềm tin và sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô. Ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(x. Gal 2,20). Tình yêu của Ngài đối với Đức Kitô bền chặt đến nỗi như Ngài thốt lên: “không có gì có thể tách ra được” (x. Rm 8, 35-39).

Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Phao-lô còn cho Ông Timôthê biết: Thiên Chúa đã giúp Ngài để Ngài giảng đạo cho dân ngoại. Nhờ Chúa mà Ngài thoát được miệng sư tử. Ngài đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa. Ngài đã chạy đến cùng và giữ vững đức tin. Giờ đây, Ngài đang chờ đợi triều thiên của Thiên Chúa ban cho Ngài (x. 2Tm 4, 6-8. 17-18). Vào năm 67, Thánh Phao-lô đã lãnh nhận triều thiên tử đạo, Ngài bị chặt đầu bởi hoàng đế Nerô ở Rôma.

3. Sứ điệp ngày lễ hôm nay

Qua cuộc đời và sự nghiệp của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô mời gọi chúng ta:

Thứ nhất, chúng ta cảm tạ Chúa đã lập nên Giáo Hội và không ngừng gìn giữ Giáo Hội vượt qua mọi sóng gió của dòng đời. Suốt hơn 2000 năm qua, Giáo Hội luôn bị bách hại bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển đúng như lời Đức Giêsu nói với Phê-rô: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.”

Thứ hai, chúng ta hãy biết ơn Giáo Hội. Vì Giáo Hội là mẹ sinh ra chúng ta qua Bí tích Rửa tội, thánh hóa chúng ta qua Bí tích Giao Hòa, nuôi dưỡng chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, liên kết chúng ta qua Bí tích Hôn phối và Truyền chức, dẫn dắt chúng ta về Thiên đàng qua Bí tích Xức Dầu…Vì thế, chúng ta phải luôn luôn biết ơn Giáo Hội.

Thứ ba, chúng ta tin tưởng và cộng tác với ơn Chúa để được biến đổi mỗi ngày. Vì nhờ ơn Chúa mà Phê-rô từ một người dân chài dốt nát, một người chối Thầy…Phê-rô đã được biến đối thành vị Tông đồ trưởng. Nhờ ơn Chúa mà Phao-lô từ một người bắt bớ Giáo Hội đã được biến đổi thành vị Tông đồ dân ngoại. Cho nên, mỗi khi chúng ta yếu đuối, sai lỗi, chúng ta hãy tin tưởng chạy đến với Chúa và để Chúa biến đổi chúng ta thành người tốt để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi chúng ta.

Thứ tư, chúng ta hãy noi gương hai Thánh Tông đồ biết dùng khả năng, trí tuệ, sức khỏe và thời giờ của mình để làm vinh danh Chúa và phục vụ Giáo Hội. Đặc biệt, mỗi người hãy trở nên sứ giả loan báo Tin mừng cho những người xung quanh.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn các tông đồ và các đấng kế vị theo ý Chúa để tiếp tục sứ mạng loan báo Tin mừng. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, xin cho mỗi chúng con luôn biết vâng phục giáo huấn của các ngài, đồng thời biết cộng tác với các ngài để làm cho Nước Chúa lan rộng khắp nơi. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành