Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Bẩy 17 tháng Sáu, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô gởi điện văn chia buồn đến Đức Hồng Y Vincent Nichols về vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại chug cư Grenfell Tower, Luân Đôn. Toàn văn bức điện như sau:
Kính gởi: Đức Hồng Y Vincent Nichols
Tổng Giám Mục Westminster
Đức Thánh Cha Phanxicô hết sức đau buồn khi được biết về trận hỏa hoạn kinh hoàng ở Luân Đôn và những thương vong bi thảm. Ngài phó thác linh hồn những người đã chết cho lòng thương xót từ ái của Chúa và gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình của họ. Với lòng biết ơn đối với các nỗ lực dũng cảm của các nhân viên cứu cấp và tất cả những ai đang dấn thân trợ giúp những người đã mất nhà cửa, ngài cầu xin Chúa ban sức mạnh và bình an cho cộng đồng địa phương.
Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Grenfell Tower, ở khu vực Bắc Kensington, phía tây Luân Đôn, là một chúng cư dành cho người lao động nghèo, cao 67 m với 24 tầng, trong đó có 120 căn hộ. Chung cư này được khởi công xây dựng từ năm 1972 và hoàn thành vào năm 1974.
Lúc 0:50 sáng thứ Năm 15 tháng Sáu, một trận hoả hoạn đã xảy ra từ lầu 4 và cháy ngược lên đến lầu 24. Hàng trăm lính cứu hỏa và 45 xe chữa cháy đã tham gia vào nỗ lực khống chế ngọn lửa. Tuy nhiên, phải mất 24 tiếng đồng hồ mới dập tắt được ngọn lửa. Vì trận hỏa hoạn diễn ra trong đêm khi mọi người đang say ngủ nên thiệt hại về nhân mạng rất nặng nề. 30 người được khẳng định đã chết. 58 người khác được ghi nhận là mất tích nhưng có nhiều khả năng là đã chết trong trận hỏa hoạn. 74 người bị thương được đưa vào bệnh viện trong đó 17 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Thị trưởng Luân Đôn, là Sadiq Khan, đã chỉ trích các hướng dẫn của sở cứu hỏa là “điên rồ”, khi yêu cầu mọi người ở lại căn hộ của họ cho đến khi được giải cứu bởi lính cứu hỏa. Lời khuyên này tỏ ra nguy hiểm vì đã gây tử vong cho những ai nghe theo, vì nó dựa trên giả định rằng lính cứu hỏa có thể khống chế được ngọn lửa.
Cô Gloria Trevisan, người Ý, 27 tuổi, là một trong số những nạn nhân của lời khuyên này. Khi trận hỏa hoạn xảy ra, cô gọi điện về Ý báo cho gia đình biết và trấn an họ. Cô đã ở lại trong căn hộ của mình ở tầng thứ 23 để chờ lính cứu hỏa đến cứu. Lúc 3h sáng, biết tình hình đã trở nên tuyệt vọng. Cô gọi lại cho gia đình:
“Cảm ơn mẹ vì những gì mẹ đã làm cho con. Con đã muốn giúp mẹ, cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ đã làm cho con. Con sắp lên thiên đàng, từ đó con sẽ giúp mẹ”.
2. Đức Thánh Cha viếng mộ linh mục Primo Mazzolari tại Cremona
Lúc 07:30 sáng thứ Ba 20 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay trực thăng từ sân bay trực thăng của Vatican để lên đường viếng mộ hai linh mục Ý tại Cremona và Florence.
Sau 1 giờ 30 phút bay, lúc 9:00 sáng Đức Thánh Cha đã đến sân thể thao của thành phố Cocoon, Mantua. Từ đó, Đức Thánh Cha đã đến giáo xứ Bozzolo hay còn gọi là giáo xứ Thánh Phêrô và cầu nguyện tại ngôi mộ của cha Primo Mazzolari, sinh năm 1890 và qua đời năm 1959.
Cha Mazzolari cha sở giáo xứ Bozzolo từ năm 1932. Năm 1925, cha chống lại phát xít Ý và từ năm 1943, cha tích cực tham gia kháng chiến. Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ Hai, trong thập niên 1950, cha Mazzolari dấn thân bênh vực những người bị thiệt thòi về mặt xã hội và chống lại ý niệm gọi là “cuộc chiến tranh chính đáng” nhằm bênh vực cho những cuộc chiến tại Âu Châu và Phi Châu vào thời đó. Cha qua đời năm 1959 thọ 69 tuổi. Án phong chân phước cho cha sắp được khởi sự tại giáo phận Cremona vào tháng 9 tới đây.
Làng Bozzolo hiện có 4,200 dân cư gần như toàn tòng Công Giáo. Tại đây ngài được Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục giáo phận Cremona, và xã trưởng địa phương tiếp đón cùng với đông đảo các em học sinh.
Sau khi cầu nguyện trong thinh lặng tại mộ cha Mazzolari ở nhà thờ giáo xứ, Đức Thánh Cha đã đọc một bài huấn dụ dài nêu rõ tính chất thời sự trong sứ điệp và tấm gương của Cha Mazzolari cũng như của cha Milani, mặc dù không luôn được cảm thông và quí chuộng trong thời đại của các vị. Ngài nói: “Cha Mazzolari không phải là một người tiếc nuối Giáo Hội quá khứ, nhưng đã tìm cách thay đổi Giáo Hội và thế giới, qua tình yêu say mê và sự tận tụy hiến thân vô điều kiện.”
Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các linh mục hãy noi gương cha Mazzolari lắng nghe thế giới, lắng nghe những người đang sống và hoạt động trong đó, đón nhận và đáp ứng mọi yêu cầu về ý nghĩa và hy vọng, không sợ đi qua những sa mạc và những vùng tăm tối. Như thế chúng ta có thể trở thành Giáo Hội nghèo - cho người nghèo và với người nghèo - Giáo Hội của Chúa Giêsu”.
3. Đức Thánh Cha viếng mộ linh mục Lorenzo Milani Florence
Lúc 10:30, Đức Thánh Cha đã dùng trực thăng để đi từ sân thể thao của Cocoon đến nhà thờ Barbiana ở Florence để viếng mộ cha Lorenzo Milani.
Cha Lorenzo Milani sinh năm 1923 và qua đời năm 1967. Tại ngôi làng Barbiana nhỏ bé và nghèo nàn, cha tổ chức các trường học trọn ngày để các trẻ em nghèo ở những làng mạc rải rác trên miền núi có thể được giáo dục. Cha qua đời cách đây 50 năm (1967) vì bệnh ung thư, lúc mới được 44 tuổi.
Đến nơi lúc 11:15, Đức Thánh Cha được Đức Hồng Y Giuseppe Bertori Tổng Giám Mục Florence, và thị trưởng thành phố này tiếp đón. Sau khi viếng mộ cha Milani ở nghĩa trang, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ tại nhà thờ với các cựu học sinh của cha Milani. Tại khu vườn bên cạnh, Đức Thánh Cha chào thăm và ngỏ lời với các cựu học sinh cũng như các linh mục và một số người trẻ trong vùng, tất cả khoảng 200 người.
Trong diễn từ với những người hiện diện, Ngài đề cao sự hăng say của cha Milani trong việc giáo dục, với ý hướng khơi dậy nơi các học sinh đặc tính con người để họ cởi mở đối với Thiên Chúa.
Ngỏ lời với các giáo chức hiện diện, Đức Thánh Cha nói: “Sứ mạng của anh chị em đầy những chướng ngại nhưng cũng đầy vui mừng, và đặc biệt đó là một sứ vụ, sứ vụ yêu thương, vì ta không thể giảng dạy mà không yêu thương và không ý thức rằng điều mà ta trao tặng chỉ là một quyền được hiểu biết, quyền học hỏi. Và có bao nhiêu điều cần dạy, nhưng điều nòng cốt là sự tăng trưởng của một lương tâm tự do, có khả năng đối diện với thực tại và định hướng trong thực tại được hướng dẫn nhà tình yêu thương, nhờ ước muốn dấn thân với ngươi khác, đảm nhận những vất vả, những vết thương của họ, và tránh mọi thái độ ích kỷ để phục vụ công ích”.
Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời với các linh mục hiện diện và nhắc nhở rằng “Giáo Hội mà cha Milani đã tỏ cho thế giới thấy có một khuôn mặt hiền mẫu và ân cần. Giáo Hội ấy mang lại cho tất cả mọi người cơ hội được gặp Thiên Chúa”.
Vào cuối cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha ứng khẩu chào từ biệt và xin các tín hữu cầu nguyện để ngài trở nên giống như hai linh mục gương mẫu mà ngài đã viếng thăm.
Lúc 13 giờ 15, Đức Thánh Cha đã lên đường trở về Vatican.
4. Đức Thánh Cha khai mạc hội nghị mục vụ của giáo phận Rôma
Trong tư cách là Giám Mục Rôma, chiều tối ngày thứ Hai 19 tháng 6, Đức Thánh Cha đã khai mạc hội nghị mục vụ của giáo phận Rôma tại Đền thờ thánh Gioan Laterano cũng là nhà thờ chính tòa của giáo phận này.
Trong diễn từ, Đức Thánh Cha cảnh giác các gia đình Rôma trước hiện tượng dần dần mất gốc nơi giới trẻ và ngài kêu gọi các gia đình và các giáo xứ đặc biệt nâng đỡ các thiếu niên trong giai đoạn trưởng thành của họ.
Hiện diện trong buổi khai mạc, bên cạnh Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Vallini, Giám quản mãn nhiệm của giáo phận, và Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, người kế nhiệm. Trong hội nghị này cũng có 6 vị Giám Mục phụ tá, các linh mục, tu sĩ và hàng trăm đại diện giáo dân đến từ các môi trường khác nhau trong giáo phận Roma.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha có tính cách dẫn nhập và hướng dẫn về chủ đề: “Chúng ta đừng để họ đơn độc. Đồng hành với các cha mẹ trong việc giáo dục con cái ở tuổi thiếu niên”.
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến hiện tượng mất gốc đang gia tăng trong xã hội. Các thành phần trong gia đình dần dần mất liên hệ với nhau. Ngài nói rằng chúng ta cần để ý đến bầu không khí này, vì “một nền văn hóa mất gốc, một gia đình bị mất gốc là một gia đình không có lịch sử, không có ký ức, không có căn cội”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng nhiều khi các gia đình đòi hỏi con cái một sự huấn luyện thái quá trong một số lãnh vực mà chúng ta coi là quan trọng cho tương lai của chúng, nhưng chúng ta ít coi trọng sự kiện con cái cần biết gốc gác và căn cội của chúng. Trong chiều hướng này, ngài mời gọi các gia đình đừng gạt các ông bà nội ngoại ra ngoài lề gia đình và ra khỏi việc giáo dục con cái.
Đức Thánh Cha nhìn nhận tuổi niên thiếu là một giai đoạn khó khăn trong đời sống và sự tăng trưởng của con cái, nhưng cần nhớ rằng tuổi thiếu niên không phải là một thứ bệnh cần phải chữa trị hoặc bài trừ. Nó là thành phần của sự tăng trưởng bình thường trong đời sống con cái.
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy kích thích tất cả những gì có thể giúp con cái biến giấc mơ của chúng thành dự án... Chúng ta hãy đề nghị với chúng những mục tiêu rộng rãi, những thách đố lớn và giúp chúng thực hiện những thách đố và mục tiêu ấy”. Ngài không quên cảnh giác chống lại xu hướng duy tiêu thụ: “Cần giáo dục con cái về sự cần kiệm và khổ hạnh, đó là một sự phong phú khôn sánh. Hãy thức tỉnh năng khiếu và óc sáng tạo của con cái, đặc biệt cởi mở đối với hoạt động trong nhóm, trong tinh thần liên đới với tha nhân”.
Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn Đức Hồng Y Agostino Vallini, sẽ từ giã nhiệm vụ Giám quản Roma vào ngày 29-6 sắp tới và Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis sẽ kế nhiệm. Ngài nói: “Trong những năm qua, Đức Hồng Y Vallini đã giữ cho chân tôi được đứng trên mặt đất”.
5. Đức Hồng Y Sarah nói các linh mục khinh thường những người đồng tính khi không kêu gọi họ sống khiết tịnh
Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích nói rằng những người đồng tính được kêu gọi để sống khiết tịnh, và nói thêm rằng “chúng ta khinh thường họ nếu chúng ta nghĩ rằng họ không thể đạt được đức hạnh này.”
Mô tả đức khiết tịnh như “một nhân đức mà tất cả các môn đệ đều phải vươn tới”, Đức Hồng Y lập luận rằng các giáo sĩ đang làm mất đi sự viên mãn của Tin Mừng nơi những người đồng tính khi từ chối không kêu gọi họ sống khiết tịnh.
Trong lời tựa viết cho cuốn sách “Why I Don’t Call Myself Gay” nghĩa là “Tại sao tôi không nhận mình là đồng tính” của Daniel Mattson, Đức Hồng Y viết: “Lờ đi những lời nói cứng rắn của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài thì không phải là bác ái đâu. Thật vậy, đó là một hành động phương hại đối với Chúa và đối với những ai đã được tạo nên theo hình ảnh Ngài và được cứu chuộc bởi Máu Chúa.”
Đức Hồng Y cảnh báo rằng nhiều người đang vỗ ngực tự hào mình là người có lòng xót thương khi cổ vũ những tháo thứ về luân lý. Ngài viết:
“Chúng ta không thể từ bi hay thương xót hơn Chúa Giêsu, là Đấng đã nói với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình hai thông điệp quan trọng như nhau, đó là ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’”(Ga 8:11).”
Đức Hồng Y nói ngài rất xúc động trước những chứng tá của những người Công Giáo đồng tính tại một hội nghị tại Đại học Giáo Hoàng Thánh Tôma ở Rôma hai ngày trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.
“Tôi nhận ra rằng bốn linh hồn này đã chịu đựng như thế nào, đôi khi vì các tình huống ngoài tầm kiểm soát của họ, nhưng đôi khi vì chính những lựa chọn của họ.”
“Tôi đã cảm nhận được nỗi cô đơn, đau đớn, và bất hạnh mà họ phải chịu đựng do kết quả của việc theo đuổi một cuộc sống trái với căn tính đích thật của con cái Thiên Chúa”
“Chỉ khi họ sống theo lời dạy của Chúa Kitô, họ mới có thể tìm được sự bình an và niềm vui mà họ đã tìm kiếm”.
Đức Hồng Y kêu gọi các giám mục và linh mục đọc cuốn sách của Mattson để các ngài có thể “làm sâu sắc hơn xác tín của các ngài rằng sự khôn ngoan của Giáo Hội trong khía cạnh khó khăn và nhạy cảm này thực sự đã diễn đạt một tình yêu thương chân thành”.
Đức Hồng Y kết luận rằng:
“Chỉ có Giáo Hội mới có câu trả lời cho những câu hỏi sâu sắc nhất của loài người và nhu cầu sâu xa nhất về tình yêu và tình bạn”.
6. Thủ tướng Angela Merkel nói Đức Giáo Hoàng khích lệ bà bảo vệ Hiệp Ước về Thay Đổi Khí Hậu Paris
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích bà bảo vệ Hiệp Ước về Thay Đổi Khí Hậu Paris bất chấp sự rút lui của Mỹ và chia sẻ quan điểm của bà là nhân loại cần “lật nhào các bức tường ngăn cách”, chứ không phải là xây dựng chúng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho thủ tướng một buổi tiếp kiến riêng kéo dài 40 phút hôm thứ Bảy 17 tháng Sáu tại Điện Tông Tòa. Trong cuộc gặp gỡ hai vị đã tập trung vào cuộc họp thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức tại Hamburg vào trong hai ngày 7 và 8 tháng Bẩy tới.
Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết hai vị tập trung vào sự cần thiết là cộng đồng quốc tế đoàn kết với nhau chống lại nghèo đói, chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Merkel nói với các phóng viên rằng bà đã thông báo cho Đức Giáo Hoàng về chương trình nghị sự của Đức trong cuộc họp G-20, trong đó “giả định của nước Đức là chúng ta đang sống một thế giới muốn làm việc đa phương với nhau, một thế giới trong đó chúng ta không muốn xây những bức tường chia cách nhưng muốn lật nhào các bức tường đang gây chia rẽ chúng ta.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục kêu gọi các quốc gia xây dựng các nhịp cầu chứ không phải là các bức tường.
Bà Merkel nói Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt khích lệ bà đấu tranh cho các hiệp ước quốc tế, trong đó có hiệp ước khí hậu Paris 2015, nhằm kiềm chế lượng khí thải đang hâm nóng dần trái đất.
Buổi tiếp kiến đã được bắt đầu với lời chia buồn của Đức Thánh Cha về cái chết của cựu Thủ tướng Helmut Kohl. Đức Thánh Cha Phanxicô nói ông Kohl là một “chính khách lớn và đầy thuyết phục của châu Âu”, là người đã làm việc không mệt mỏi cho sự hiệp nhất của quê hương ông và lục địa châu Âu.
Đức Thánh Cha nói ngài cầu nguyện xin Chúa ban cho ông Kohl “ân sủng sự sống đời đời và niềm vui ở trên trời”.
7. Hội đồng Giám mục Ba Lan khẳng định: Tông huấn Amoris Laetitia không cho những người ly dị và tái hôn được rước lễ
Tông huấn Amoris Laetitia không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về bí tích Thánh Thể, và những người đã ly dị và tái hôn không thể rước lễ. Hội đồng Giám mục Ba Lan đã khẳng định như trên sau phiên họp toàn thể tại thị trấn Zankopane.
Cha Pawel Rytel-Andrianik, phát ngôn viên các giám mục nói những người Công Giáo nào sống trong tình trạng hôn nhân không hợp lệ nên được hướng dẫn để “ăn năn thật sự và hòa giải bí tích” cùng với người phối ngẫu và con cái của họ sinh ra trong kết hiệp này.
Các Giám Mục Ba Lan lưu ý rằng tông huấn Amoris Laetitia phải được đọc trong dòng liên tục các giáo huấn Giáo Hội, đặc biệt là lời mời gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Familiaris Consortio, trong đó nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn không được Rước Lễ.
Cha Pawel Rytel-Andrianik nhấn mạnh rằng là tông huấn Amoris Laetitia không thể được diễn dịch trái ngược với tông huấn Familiaris Consortio và các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về hôn nhân và bí tích Thánh Thể.
Ngài nói thêm rằng các giám mục Ba Lan kêu gọi “một cách tiếp cận mới để bao gồm những người ly dị và tái hôn vào đời sống của Giáo Hội, dưới ánh sáng của tông huấn Amoris Laetitia và tông huấn Familiaris Consortio”
Cha Rytel-Andrianik cũng thông báo rằng các Giám Mục nước này sắp cho xuất bản những hướng dẫn mục vụ chi tiết hơn về việc áp dụng tông huấn Amoris Laetitia.
8. Chủ tịch Đảng Dân Chủ Tự Do Anh từ chức vì chủ trương của đảng không phù hợp với đức tin Kitô
Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, chủ tịch Đảng Dân Chủ Tự Do Anh tuyên bố từ chức vì chủ trương của đảng này không còn phù hợp với đức tin Kitô của mình.
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư 14 tháng Sáu, ông Tim Farron nói:
“Là một nhà lãnh đạo chính trị, đặc biệt là của đảng tự do cấp tiến vào năm 2017, và đồng thời sống như một Kitô hữu dấn thân, tuân giữ một cách trung thực những lời dạy của Kinh Thánh là không thể được”
Ông Farron, một tín hữu Tin Lành, được bầu làm chủ tịch Đảng Dân Chủ Tự Do Anh vào năm 2015, nói thêm rằng “chúng ta đang lừa dối chính mình nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một xã hội khoan dung, tự do.”
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, đã nhiều lần ông Farron bị tấn công bởi các đối thủ chính trị của mình, nhưng đôi khi bởi chính các thành viên trong đảng của ông vì trong ông Farron luôn khẳng định một cách dứt khoát rằng ông tin rằng những hành vi đồng tính luyến ái và phá thai là những hành vi tội lỗi.
Khi được hỏi về quyết định từ chức của ông Farron, Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh nói: “Tôi thông cảm với ông Farron trước quyết định này. Tôi chắc chắn rằng ông ta đã phải qua nhiều đau khổ trong công việc của mình.” Tuy nhiên, Đức Hồng Y bày tỏ âu lo rằng nếu các tín hữu Kitô rút lui khỏi chính trường, nghị viện Anh không còn các tín hữu Kitô nữa, tình hình có thể còn bi đát hơn.
9. Hội Đồng Giám Mục Áo bàn thảo về an ninh tại các nhà thờ
Trong cuộc họp tại nhà thờ Mariaz Maria ở thủ đô Vienna kéo dài từ thứ Hai 12 tháng 6 và kết thúc vào ngày 16 tháng Sáu, các Giám Mục của 12 giáo phận và tổng giáo phận tại Áo đã lắng nghe các chuyên gia quân sự và các chuyên viên chống khủng bố đề xuất các biện pháp để đối phó với trào lưu khủng bố hiện nay.
Sau đó, các giám mục Áo đã thảo luận về việc áp dụng các biện pháp an ninh và sự phối hợp với chính quyền trong việc bảo đảm an toàn cho anh chị em giáo dân và các nơi thờ tự.
Đức Hồng Y Christoph Schönborn cám ơn sự quan tâm của chính quyền và nhận xét rằng rằng các thám tử mặc thường phục luôn có mặt khi ngài cử hành Thánh lễ. Đức Hồng Y nói: “tất cả chúng ta đều được kêu gọi để đối phó với mối đe dọa khủng bố hiện tại với sự khôn ngoan và đức tin nơi Thiên Chúa”.
10. Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski nhường căn hộ của mình cho một gia đình Syria tị nạn
Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, đã dọn ra khỏi căn hộ của mình ở Rôma để nhường cho một gia đình tị nạn từ Syria.
Vị Tổng Giám Mục Ba Lan, năm nay 53 tuổi, được thụ phong linh mục vào năm 1988, và năm 1999 được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Chưởng Nghi coi sóc các lễ nghi Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng. Năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng và được tấn phong Tổng Giám Mục ngày 17 tháng Chín, 2013. Chức trách của ngài là điều phối các hoạt động bác ái của Đức Giáo Hoàng.
Giải thích với tờ La Repubblica về quyết định nhường căn hộ của ngài cho một cặp vợ chồng người Syria và đứa con nhỏ của họ, ngài nói việc ngài làm “không có gì đặc biệt”
Ngài nói:
“Tôi không có gia đình; tôi chỉ là một linh mục đơn sơ. Nhường căn hộ của tôi cho họ không phải là một mất mát chi.”
Đức Tổng Giám mục Krajewski tạm thời ngủ ngay trong văn phòng nơi ngài làm việc trên tầng cao nhất của cùng tòa nhà.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể.
11. Lập trường của Tòa Thánh về cuộc khủng hoảng tại Venezuela
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói với các nhà lãnh đạo châu Mỹ Latinh rằng Tòa Thánh ủng hộ các tiến trình đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Mỹ Latinh.
“Toà Thánh vẫn tiếp tục cho rằng một cuộc đàm phán nghiêm túc và chân thành giữa các bên, dựa trên các điều kiện rất rõ ràng, bắt đầu với việc lên kế hoạch cho các cuộc bầu cử theo đúng hiến pháp, có thể giải quyết được tình hình nghiêm trọng ở Venezuela và sự đau khổ mà dân chúng phải chịu”.
Đức Hồng Y Parolin bày tỏ lập trường trên trong một bức thư gởi cho các nhà lãnh đạo Mỹ Châu Latinh đang nhóm họp về tình hình tại Venezuela. Ngài nói rằng Vatican sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay và đặt dấu chấm hết cho những cuộc đối đầu bạo lực ở Venzuela.
Thông điệp của Đức Hồng Y về cơ bản đã tái khẳng định lập trường của Đức Giáo Hoàng là kêu gọi đàm phán nhưng tránh những chỉ trích trực tiếp đối với chính phủ Nicolas Maduro. Các giám mục Venezuela đã thẳng thắn hơn trong những lời chỉ trích chế độ và công khai bày tỏ sự ủng hộ của các ngài với các cuộc biểu tình của công chúng. Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino thậm chí còn đi xa đến mức kêu gọi dân chúng bất tuân dân sự đối với một chế độ độc tài và thối nát.
Tuy nhiên, tuyên bố của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng đã đưa ra một điểm rất tế nhị là các cuộc đàm phán phải được “dựa trên các điều kiện rất rõ ràng”, bao gồm cả việc lên kế hoạch cho các cuộc bầu cử.
Sau khi đồng ý làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo phe đối lập, Vatican đã phải rút lui khi thấy rằng chính quyền Maduro chỉ muốn lợi dung Tòa Thánh để câu giờ hơn là thực tâm đối thoại ngõ hầu giải quyết vấn đề.
Tổng thống Maduro cũng đã lợi dụng lập trường thận trọng của Vatican trong tuần này bằng cách đưa ra một tuyên bố kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tố cáo các nhà lãnh đạo đối lập “huấn luyện trẻ em” tham gia vào các cuộc phản kháng của công chúng chống lại chính phủ.
Maduro cũng đã buộc tội các giám mục Venezuela về việc khuấy động các cuộc biểu tình. Vì thế, lời kêu gọi của ông ta đối với Đức Giáo Hoàng được nhiều người xem như là một nỗ lực nhấn mạnh sự khác biệt trong phương pháp giải quyết vấn đề giữa Đức Giáo Hoàng và hàng giáo phẩm Công Giáo Venezuela.
Đức Thánh Cha Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các Giám Mục Venezuela vào tuần trước để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại quốc gia này. Bức thư của Hồng Y Parolin cho các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ Latinh là tuyên bố đầu tiên về chính sách của Vatican kể từ cuộc họp đó.
12. Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói khủng bố Hồi Giáo đang bắt giữ 100,000 người làm bia đỡ đạn
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cuộc chiến tại Mosul khởi sự từ ngày 16 tháng 10 năm ngoái 2016, đến nay đã hơn 8 tháng. Theo con số của Bộ Quốc Phòng Iraq, tính đến ngày 5 tháng Năm, 8540 thường dân vô tội đã thiệt mạng.
Bên cạnh đó, 760,000 người đã phải lánh nạn trong đó 415,986 người vẫn còn trong các trại tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc.
Từ đầu tháng Sáu đến nay tình hình đã trở nên nghiêm trọng vì quân khủng bố Hồi Giáo IS thẳng tay giết hại bất cứ ai bỏ chạy về phía quân Iraq.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 16 tháng Sáu, ông Bruno Geddo, phát ngôn nhân của Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết như sau:
“Hơn 100,000 thường dân có lẽ vẫn còn bị giữ trong khu vực Thành Cổ của Mosul. Chúng tôi được biết rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS di chuyển họ cùng với chúng, khi chúng rút lui khỏi Zanzili và các địa điểm giao tranh đang tiếp diễn.
Vì thế, những thường dân này về cơ bản đang bị giữ làm bia đỡ đạn trong khu vực Thành Cổ”
13. Các vị đạo trưởng Hồi Giáo tại Áo ra tuyên bố chung chống chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan
Trong một diễn biến rất đáng khích lệ, hôm thứ Năm 15 tháng Sáu, các nhà lãnh đạo các cộng đồng Hồi Giáo tại Áo đã tề tựu về thủ đô Vienna để ra một tuyên bố chung chống chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan.
Khoảng 300 đạo trưởng Hồi Giáo đã ký vào một tuyên bố chung chống chủ nghĩa khủng bố đối với các cuộc tấn công vừa diễn ra tại Luân Đôn.
Ramazan Demir, đạo trưởng Hồi Giáo chủ tịch Hội Đồng Hồi Giáo Áo cho biết:
“Hôm nay chúng tôi lên án chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và khủng bố và chúng tôi tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên, dân chủ, nhân quyền và cơ hội bình đẳng cho nam nữ. Chúng tôi nhấn mạnh tất cả những điều này hôm nay. Chúng tôi kêu gọi tình liên đới, sự mạch lạc xã hội, để chúng ta có thể tiếp tục sống trong an bình”
“Chúng tôi không cùng một tuồng với những kẻ sát nhân. Vì nhiều người nghĩ rằng chúng tôi phải làm một điều gì đó, chúng tôi cần phải tỏ rõ một lập trường tách biệt với chúng. Chúng tôi hiểu được điều này. Cho nên, đơn giản là thế này: chúng giết người nhân danh tôn giáo, nhân danh đạo của tôi. Vì thế tôi nói không. Những tên khủng bố này, những kẻ rao giảng này nói toàn chuyện rác rưởi. Chúng chẳng có liên can gì với chúng tôi đâu”
14. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về việc cứu trợ nhân đạo tại Syria
Giữa lúc đang xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội tại Raqqa của Syria, Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng hàng trăm ngàn người đang trong tình trạng nguy ngập ở thành phố này và Liên Hiệp Quốc không còn đủ tài nguyên cứu trợ dân tị nạn.
Ông Andrej Mahecic, phát ngôn nhân Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói:
“Ước tính có hơn 430,000 người đang trong tình trạng nguy ngập tại tỉnh Raqqa. Chỉ trong tháng Năm vừa qua, trên 100,000 người đã phải di tản. Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đáp ứng tình hình trong vùng với sự phối hợp mật thiết của các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo bạn. Những người lánh nạn chiến tranh đang được cho tá túc tại vô số các địa điểm. Nhiều người đã phải hơn một lần lánh nạn và phải nằm chờ một thời gian dài. Hàng chục ngàn người đã đi qua các trại hay các trung tâm tiếp cư rồi lại nhanh chóng bị chuyển đến các khu vực hay phải trở lại nguyên quán. Mức độ trợ giúp nhân đạo thay đổi tùy theo tình trạng an ninh và các lý do tiếp liệu”.
15. Liên Hiệp Quốc than thở thương vong của thường dân vô tội tại Raqqa lên cao đến mức chóng mặt
Liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo bị cáo buộc đã sử dụng hỏa lực tối đa để giành phần thắng tại Raqqa bất kể sự an toàn của thường dân vô tội. Liên Hiệp Quốc cáo buộc là có tới 300 thường dân đã chết vì các cuộc không kích do Hoa Kỳ tung ra tại Raqqa từ đầu tháng Ba cho đến nay. Chỉ riêng tại al-Mansoura đã có đến 200 người chết.
Trong tuần đầu tiên của chiến dịch giải phóng Raqqa bắt đầu từ hôm 6 tháng Sáu đến hôm 13 tháng Sáu, Hoa Kỳ đã thực hiện 187 cuộc không kích vào thành phố này. Không quân Mỹ bị cáo buộc dùng cả phốt-pho trắng (White phosphorus) trong các cuộc không kích.
Chủ tâm của Hoa Kỳ là muốn thiết lập một chính quyền mới tại Raqqa do người Kurd lãnh đạo nhằm tiến đến việc chia cắt nước Syria. Do đó, chiến lược của Hoa Kỳ là tốc chiến tốc thắng tại Raqqa trước khi quân Syria có khả năng quay trở lại thành phố này. Liên quân đã cảnh cáo quân đội của tổng thống Bashar al-Assad là phải dừng quân cách Raqqa từ 55 đến 75km nếu không muốn bị tấn công.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 15 tháng Sáu tại Beirut, ông Paulo Sergio Pinheiro, cao ủy trưởng Cao ủy điều tra tội ác chiến tranh của Liên Hiệp Quốc nói:
“Cần phải quy trách nhiệm cho hàng loạt các sự kiện kinh hoàng mà các đồng nghiệp của tôi và chính tôi đã thu thập hồ sơ. Diệt chủng, các tội ác chống nhân loại, các tội ác chiến tranh, những vi phạm trắng trợn về luật nhân quyền và sự vi phạm vẫn đang tiếp diễn đối với luận nhân đạo quốc tế. Sự xem thường các chuẩn mực thế giới và các khái niệm nhân đạo căn bản không thể cứ tiếp tục diễn ra mà không bị lên án.”
“Chúng tôi lưu ý đặc biệt sự gia tăng mãnh liệt các vụ không kích nhằm dọn đường cho các lực lượng Dân Chủ Syria gọi tắt là SDF tiến vào Raqqa, không chỉ gây ra sự thiệt hại chóng mặt về nhân mạng của thường dân vô tội nhưng còn khiến cho 160,000 người phải vội vã bỏ nhà cửa di tản và trở thành những người di dời trong nội địa”