Lược trích bài phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Milwaukee về thế nào là một vị Giám Mục gương mẫu.

MILWAUKEE, Wisconsin, DEC. 6, 2004.- Mỗi một vị Giám Mục đều có ba lời mời gọi chính, đó là giảng dạy, cai quản coi sóc và thánh hóa, thế nhưng chỉ có ít vị hoàn thành trọn hảo nghĩa vụ đó như là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Đó là lời nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan, là người đã chia sẽ với hãng tin Zenit làm thế nào mà gương chứng nhân và những bài viết mới đây nhất của Đức Thánh Cha về vai trò của một vị Giám Mục đã có ảnh hưởng đến các Đức Giám Mục của Hoa Kỳ trong sứ vụ của các Ngài với Giáo Hội.

Hỏi (H): Thưa Đức Tổng Giám Mục, cuốn sách mới nhất của Đức Thánh Cha có tiêu đề là: “Hãy Trỗi Dậy, Nào Chúng Ta Hãy Ra Đi,” (Rise, Let Us Be On Our Way) và lời hô hào gần đây của Ngài qua “Pastores Gregis” đã có ảnh hưởng như thế nào về vai trò của Giám Mục?

Đức Tổng Giám Mục Dolan (T): Thưa, xét trên quan điểm của tôi, thì chúng có một sự ảnh hưởng sâu sắc về vai trò của Giám Mục qua rất nhiều cách khác nhau.

Trước hết, cả hai cuốn sách rất hay của Ngài, “Hãy Trỗi Dậy, Nào Chúng Ta Hãy Ra Đi,” được xuất bản bởi nhà sách Warner Books của Hoa Kỳ và lời hô hào hậu kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (postsynodal) “Pastores Gregis” nhấn mạnh đến một nhu cầu rất cần thiết cho một đời sống thánh hiến và cầu nguyện của một vị Giám Mục. Trong việc đọc lại những chia sẽ của Đức Thánh Cha qua sứ vụ Giám Mục của riêng Ngài, người đọc sẽ vô cùng ngạc nhiên về những gì mà Ngài đã làm.

Nhưng điều quá rõ ràng chính là, trước khi chúng ta, những vị Giám Mục có thể làm bất cứ điều gì đi chăng nữa, chúng ta phải trở nên thành một con người nào đó. Chúng ta phải luôn hiệp kết với Chúa Giêsu, là Chủ Chăn Hiền Lành của đàn chiên. Chúng ta phải trên con đường để trở nên Thánh. Chúng ta phải là những người biết sống bằng một đời sống cầu nguyện liên lũy. Chúng ta cần phải ý thức rõ về hình thể của chúng ta đối với Chúa Giêsu.

Cách duy nhất mà chúng ta có thể trở nên đúng như những gì mà tất cả chúng ta được mời gọi với tư cách là các vị Giám Mục chính là qua đời sống cầu nguyện và các bí tích.

Đức Thánh Cha là người liên lũy cầu nguyện. “Pastores Gregis” nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại về nhu cầu cần phải có một đời sống cầu nguyện mỗi ngày, cầu nguyện một cách liên lũy và sâu lắng trong đời sống của một vị Giám Mục. Mọi giáo dân tín hữu cần phải nhìn thấy và nhận biết vị Giám Mục của họ chính là vị Giám Mục biết sống bằng đời sống cầu nguyện. Chúa biết Đức Thánh Cha đã kêu mời chúng ta làm rất nhiều thứ, và nhiều điều, và đó được gọi là sứ vụ. Thế nhưng, tất cả những gì mà chúng ta làm, nó chỉ có sinh hoa kết trái, nó chỉ có hiệu quả, nó chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi nó nói lên được chúng ta là ai.

Chúng ta, với tư cách là những vị Giám Mục, được xem là trụ cột, là trung tâm điểm của nhân loại bên cạnh Chúa Giêsu, Người Chủ Chăn Nhân Hậu. Và cách duy nhất để hiện thực hóa được điều đó chính là qua sự cầu nguyện, qua Phép Thánh Thể, qua Bí Tích Hòa Giải, qua sự suy niệm về Lời Chúa, qua việc đọc các sách thiêng liêng, qua những buổi tĩnh tâm và qua những ngày tự kiểm điểm về chính bản thân của chúng ta.

Tôi vẫn luôn dâng Thánh Lễ 8 giờ sáng ngày Chủ Nhật tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Phúc Âm của Tổng Giáo Phận Milwaukee. Cách đây không lâu, sau Thánh Lễ, có một người đến nói với tôi: “Thưa Đức Tổng Giám Mục, con muốn Ngài biết được rằng Ngài đã có một ảnh hưởng rất lớn và tốt đẹp trên con.”

Ồ, tôi tưởng là Cô ta nói về việc tôi đi thăm viếng ai đó trong bệnh viện hay tình nguyện làm việc tại súp nhà bếp (Soup Kitchen), hay về một trong những bài giảng của tôi, hay về một dự án nào đó. Điều làm tôi hoàn toàn ngạc nhiên vô cùng, chính là việc Cô ta đã nói với tôi rằng, điều đã có một sự ảnh hưởng lớn trong Cô chính là việc Cô ta nhìn thấy tôi cầu nguyện trước Nhà Thờ Nguyện Thánh Thể của Vương Cung Thánh Đường trong 30 phút đồng hồ trước mỗi Thánh Lể sáng Chủ Nhật của tôi.

Lúc bấy giờ tôi nghĩ là điều đó sẽ chẳng có ảnh hưởng đến bất kỳ ai, thế nhưng, sự thật là nó đã có sự ảnh hưởng lớn.

Đối với Cô ta trông thấy tôi, với tư cách là một vị Giám Mục cầu nguyện một cách sốt sắng, nghiêm túc thì nhiêu đó đã quá đủ cho Cô ta rồi, vì đúng ra Cô ta cần phải biết rằng tôi chẳng là gì cả trừ phi tôi hoàn toàn phụ thuộc vào ân huệ và lòng từ nhân của Thiên Chúa. Thì đó chính là việc rao giảng phúc âm hóa. Và đó cũng là điều đầu tiên mà Đức Thánh Cha đã dạy cho tôi qua hai cuốn sách mới nhất của Ngài, chính là: tôi phải trở nên Thánh.

Điều thứ hai, mà tôi đã học hỏi được qua những bài viết của Đức Thánh Cha chính là sức mạnh của sự hiện diện. Đức Thánh Cha biết rằng điều quan trọng nhất đối với mọi giáo dân tín hữu chính là nhận thấy vị Giám Mục của họ cùng hiệp kết với chính Ngài. Các linh mục biết rất rõ về điều này qua sứ vụ mục tử của các ngài. Các vị lãnh đạo về mục vụ biết được điều này, và các Đức Giám Mục cũng biết được về điều này.

Chúng ta cũng giống hệt như là Cal Ripkens, cầu thủ nổi tiếng về bóng chày, chơi cho đội Baltimore Orioles, chỉ vì đơn giản là trận nào anh cũng đều có mặt, và cứ mỗi lần có mặt như thế, thì anh lại phá kỷ lục vì sự hiện diện liên lũy của anh tại bất kỳ trận đấu nào. Phần lớn cuộc sống của chúng ta chính là hiện diện ra. Và với tư cách là những vị Giám Mục, chúng ta cần phải hiện diện ra. Chúng ta cần phải có mặt với tất cả mọi người. Mọi giáo dân, tín hữu và tất cả mọi người cần nhìn thấy chúng ta, họ càng gần chúng ta bao nhiêu, thì càng tốt bấy nhiêu.

Họ cần nhìn thấy chúng ta tại những buổi lễ quàng tang, tại các bệnh viện, tại các trường học, tại Thánh Lễ, qua việc cử hành các Phép Bí Tích và qua việc giảng dạy của chúng ta.

Và đó, quả là những gì mà Đức Thánh Cha đã làm một cách anh dũng với tư cách là Tổng Giám Mục của Krakow. Ngài cũng đã anh dũng thực hiện điều đó với tư cách là Vị Giám Mục của Rôma, và Ngài đang dạy cho chúng ta biết về sức mạnh của sự hiện diện.

Tôi nghĩ thông điệp thứ ba mà tôi đã học hỏi được với tư cách là một Giám Mục qua cả hai cuốn sách vừa mới được đề cập ở trên, chính là nhu cầu cần phải trở nên một chứng tá thật sự cho việc rao giảng Phúc Âm đối với nền văn hóa của chúng ta.

Như bạn thấy đó, Đức Thánh Cha biết được là Ngài cần phải có mặt tại một trường Đại Học. Ngài cần phải gặp gỡ các nhà thông thái, và các học giả. Ngài cần phải có mặt với tất cả các nhà thơ, các khoa học gia, và các thầy cô giáo. Tất cả những ai có vai trò uốn nắn các tâm trí, con tim và linh hồn trong xã hội và trong nền văn hóa, họ cần phải được rao giảng hóa Phúc Âm. Điều đó đã dạy cho tôi biết được một điều gì đó với tư cách là một Giám Mục, vì lẽ, tôi không biết được là tôi đã bắt chước Ngài đến được mức độ nào. Đôi lúc, tôi nghĩ, là tôi cứ để mọi chuyện đó cho những người khác.

Thế nhưng, chúng ta, với tư cách là các Đức Giám Mục, cần phải dự phần vào nền văn hóa để mọi người đều biết và có được một vai trò có tính cách quy phạm (normative) trong nền văn hóa, cho dẫu đó có là qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các họa sĩ, các khoa học gia, các thầy cô giáo, các chính trị gia, các nhà lãnh đạo thương mãi, các vị lãnh đạo dân quyền, các nghiên cứu gia-thì tất cả họ cần phải là muối, là men của Phúc Âm. Và Đức Giám Mục phải có một nghĩa vụ sâu xa đối với họ, để mang truyền lại thông điệp của việc Phúc Âm hóa, thông điệp cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô và của Hội Thánh Người, đến cho nền văn hóa.

(H): Thưa Đức Tổng Giám Mục, làm thế nào mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị đã trở nên gương chứng nhân trong vai trò đa dạng, muôn hình, muôn vẻ với tư cách là Giám Mục của cả Krakow và Rôma?

(T): Thưa, Ngài chính là một nhà giáo gương mẫu. Ngài đã giảng dạy tại các trường Đại Học và Ngài biết được rằng một thầy giáo có ảnh hưởng gấp bội về những gì mà người thầy ấy đã làm, hơn là những gì mà người thầy ấy đã nói. Chính vì thế, mà Ngài đã làm gương sáng.

Khi tôi quay trở về Rôma với tư cách là Giám Đốc của Trường Cao Đẳng Bắc Mỹ vào năm 1994, trong lúc đang đi bộ vào một buổi sáng sớm Chủ Nhật, bất thình lình tôi thấy có cảnh sát tại mỗi góc ngã đường, để ngăn chặn dòng giao thông không mấy đông đúc. Khi đó tôi thấy một đoàn xe hộ tống đi ngang qua, và tôi liền hỏi viên cảnh sát người đó chính là ai vậy. Anh ta mới nói, “Ồ, đó là Đức Giáo Hoàng. Cứ mỗi sáng Chủ Nhật là Ngài đến với một giáo xứ ở Rôma-chí ít là vào những ngày Chủ Nhật khi Ngài không có cử hành Thánh Lễ cho đám đông tại quảng trường Thánh Phêrô, và Ngài đến đó để dâng Thánh Lễ cho các giáo dân.”

Ngài biết được về sức mạnh của sự hiện diện. Ngài đã làm điều đó khi còn ở Krakow qua những lần thăm viếng các giáo xứ, và qua việc Ngài có mặt cùng với tất cả mọi người. Ngài đã làm gương cho chúng tôi về những điều đó.

Với vai trò muôn hình, muôn vẻ của một vị Giám Mục, rõ ràng là qua “Pastores Gregis,” sẽ là một phần lớn về “munus” tức: bổn phận, trách nhiệm, văn phòng của Giám Mục là để giảng dạy, cai quản coi sóc và thánh hóa. Đức Thánh Cha đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta cần phải giảng dạy trong sự sáng suốt, trong nhận thức sâu sắc và với lòng nhiệt thành, say mê cao, về những sự thật vô giá, ngàn đời về Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người.

Kế đến, Ngài đã dạy cho chúng ta về tầm quan trọng của việc cai quản, coi sóc. Chúng ta cần phải bảo chắc rằng các giáo phận phải được cai quản và coi sóc một cách tốt đẹp, rằng được cai quản đến nơi, đến chốn; rằng chúng ta phải biết tin tưởng vào những người cộng tác viên, nhằm uy tín hổ trợ chúng ta qua việc quản trị hành chánh bởi vì mọi người nhìn vào chúng ta để biết được sự lãnh đạo khôn ngoan và bền chắc của chúng ta.

Nghĩa vụ thứ ba mà Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến, chính là sự thánh hóa. Mọi người cần nhìn thấy và biết được chúng ta đang cử hành tất cả các Phép Bí Tích.

Đức Thánh Cha đã đề cập trong “Hãy Trỗi Dậy, Nào Chúng Ta Hãy Ra Đi,” làm thế nào mà mỗi năm Ngài phải chắc rằng Ngài đã cử hành cả 7 Phép Bí Tích một cách công khai. Do thế, chúng ta, với tư cách là những vị Giám Mục phải biết thường xuyên cử hành Phép Thánh Thể, Phép Thêm Sức và tất cả các Phép Bí Tích khác. Chúng ta cần phải cử hành cả 7 Phép Bí Tích. Mọi tín hữu của chúng ta cần phải nhìn thấy chúng ta rửa tội, xức dầu bệnh nhân, làm chứng cho các cặp hôn nhân, ngồi nghe giải tội. Việc cử hành cả 7 Phép Bí Tích chính là một phần “munus” của chúng ta để thánh hóa. Chính vì thế, để đạt được gấp ba “munus”-nghĩa là với vai trò muôn hình, muôn vẻ của một vị Giám Mục, chính là giảng dạy, cai quản coi sóc và thánh hóa-tôi đã nhìn thấy được gương chứng nhân của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị trong vai trò Giám Mục của Ngài tại Krakow cũng như tại Rôma.