Vài điều liên hệ đến Vạ Tuyệt thông.

Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến.

Kính thưa Cha. Xin Cha vui lòng giải đáp cho con những thắc mắc sau đây:

1 - Trong bài giải đáp thắc mắc về Giáo Luật và Hôn Phối, về vấn đề phá thai, Cha giải thích: Phá thai là một trong bảy tội duy nhất Giáo luật qui định người phạm bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết, có nghĩa là hễ phạm tội là bị mắc vạ ngay, không cần tuyên bố hay nhắc nhở.

Con xin Cha vui lòng giải thích chi tiết hơn: Con có xem kỹ trong sách Giáo Lý Công Giáo mục 2271 như Cha đã dẫn thì Giáo Hội dạy: "Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết - latae sententiae - (xem Giáo Luật 1398) do chính hành vi phạm tội" và theo những điều kiện đã được Giáo Luật dự liệu (xem Giáo Luật 1323-1324), con đã đọc đi đọc lại hai điều này nhưng vẫn không hiểu cho lắm, và tìm trong quyển Cẩm Nang Giáo Luật thực dụng của Cha viết thì không thấy có (con chép lại mục 2272 này theo sách Giáo Lý Công Giáo của Tổng Giáo Phận XX xuất bản năm 1997).

Như thế Hội Thánh không có ý giới hạn lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng muốn nhấn mạnh đến tính cách nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không sửa chữa được đã gây ra cho trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ của em và cho toàn xã hội.

Thưa Cha, như vậy thì người phá thai có hiệu quả bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết phải làm gì khi tỏ lòng ăn năn hối hận để được hưởng lòng thương xót của Chúa? (1)

Có người cho rằng hối nhân đi xưng tội rồi Cha giải tội sẽ kín đáo dạy hối nhân phải làm gì, mà con đọc trong Giáo Luật điều 1397 thì tội sát nhân.. . không liệt kê vào tội mắc vạ tuyệt thông tiền kết trừ khi phạm đến Giáo Luật số 1336 triệt 2 và số 1370, và điều 1336 cũng dự liệu những hình phạt cụ thể về tội sát nhân. Vậy nếu hối nhân đi xưng tội phá thai để được Cha giải tội dạy phải làm gì để đền bù kín đáo thì xem ra tội phá thai phần nào nhẹ hơn tội sát nhân, vì tội sát nhân có dự liệu những hình phạt cụ thể ở Giáo Luật điều 1336? (2)

2 - Cũng trong phần giải đáp thắc mắc về phá thai này Cha có cho biết thêm: "Phá thai là một trong những ngăn trở lãnh nhận Chức Thánh đã được Giáo Luật quy định ở các điều 1041 triệt 4, điều 1046, điều 1049.

Xin Cha giải đáp:

- Giả như ứng viên đã được ơn tha thứ về tội này trong Bí Tích Hòa Giải một lần hoặc lặp lại nhiều lần, thì có phải tỏ cho thẩm quyền của Giáo quyền biết trước khi lãnh nhận Chức Thánh không? (3) (bởi vì như con đề cập ở câu hỏi 1 là "có người" nói đi xưng tội là xong rồi).

- Giáo Luật điều 1044, qui định một số trường hợp bất hợp luật để hành sử các Chức Thánh đã lãnh nhận, nhưng ứng viên xin nhận Chức Thánh vì muốn lãnh Chức Thánh nên dấu không tỏ cho thẩm quyền Giáo Hội biết thì ứng viên đó lãnh nhận Chức Thánh bất hợp pháp có thành hiệu không? Ý con muốn biết là khi Giáo quyền chưa phát hiện người đã lãnh nhận Chức Thánh đó là bất hợp pháp, thì đương sự vẫn thi hành năng quyền Chức Thánh của mình, con cũng biết là các ơn qua tay Linh Mục là do thành tâm và lòng TIN của mình, nhưng ở đây con thấy khó hiểu là khác với trường hợp Linh mục lãnh nhận Chức Thánh thành sự hợp luật, sau này có thể vì yếu đuối! Vì trong Sách Giáo Lý Công Giáo mục 1411 có viết: "Chỉ những Linh mục đã lãnh nhận Thức Thánh thành sự mới có quyền chủ tọa Thánh lễ và truyền phép để bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa. Vậy, một linh mục lãnh Chức Thánh bất hợp pháp chủ sự Thánh lễ có hiệu quả như thế nào? (4) Nếu như Linh mục chịu Chức Thánh bất hợp pháp chủ sự Thánh lễ và truyền phép thành hiệu thì xin Cha giải thích cho con: có những Linh mục lãnh nhận Chức Thánh thành sự (validly ordained priest) thì cũng có những Linh mục lãnh nhận Chức Thánh không thành sự (invalidly ordained priest) khi chủ sự Thánh lễ thì bánh và rượu sẽ không trở thành Mình và Máu Thánh Chúa? (5) (Xin Cha thông cảm cho câu hỏi, bởi vì vài anh em bàn với nhau cho rằng Chức Thánh bất hợp pháp khác với Chức Thánh không thành sự. Danh từ luật pháp thật quả là phức tạp phải nhờ Cha giải thích luật).

Nhân dịp hỏi về vạ tuyệt thông tiền kết, con xin hỏi:

- Khi Linh mục giải tội vi phạm Giáo Luật điều 983 triệt 1 và bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1388 thì linh mục đó phải biết tự làm thế nào để giữ đúng luật đó? (6)

- Hậu quả sẽ như thế nào nếu có "một người công giáo" giải thích rằng: linh mục vi phạm Giáo Luật điều 983 thì chỉ cần xưng tội với một linh mục khác!?. Rồi để cho mạnh lý, họ còn nói tiếp Đức Giáo Hoàng cũng xưng tội với một linh mục kia mà!? Con không hiểu đem Đức Giáo Hoàng ra để làm ví dụ có xúc phạm không, vì Đức Giáo Hoàng được ơn vô ngộ về Đức Tin và Luân lý thì không bao giờ Ngài mắc vạ tuyệt thông tiền kết!

Thưa Cha, con có cơ hội được chia sẻ giáo lý với nhiều anh chị em dự tòng với nhiều trình độ khác nhau, con làm hết sức theo khả năng Chúa ban cho để nói lên những ưu việt của chân lý Đức Tin Công Giáo, mà điều con cảm nghiệm được là những anh chị Tân tòng khó tin tưởng vào các Cha giải tội hơn là tin vào các tín điều khác và giáo lý của Chúa Giêsu, thì cũng là chuyện thường tình tự nhiên của bản tính con người. Các anh chị này cần phải có thời gian lâu dài nhờ lời Chúa soi dẫn, nên con luôn dành nhiều thì giờ để chia sẻ về thiên chức linh mục với các anh chị em dự tòng vì các ngài là dụng cụ thánh Chúa dùng để ban phát nhiều ơn thánh của Chúa và để anh em tân tòng được nuôi dưỡng nhờ ba bí tích: Mình Thánh Chúa, Hòa Giải và Truyền Chức Thánh để họ thăng tiến trong lòng kính mến thờ phượng Chúa và Yêu Người.

Xin chào Cha với hết lòng kính mến và tri ân. Xin Cha cầu nguyện cho con.

Thành kính, Phêrô.. .... (một giáo lý viên).

*********

Thân kính anh Phêrô,

Đọc xong lá thư dài của anh, tôi hơi bị “bối rối” một chút, vì tôi không hiểu rõ ý của lá thư, hay các thắc mắc của anh. Cuối cùng, để xác định được những điều anh muốn được giải đáp tôi cố gắng nhận định bằng cách lấy bút đỏ khoanh tròn những câu văn nào của anh chấm dứt bằng dấu hỏi (?) (những câu anh chấm dứt bằng dấu !?, tôi không nghĩ là những câu anh muốn hỏi). Chính vì vậy mà khi anh đọc lại thư của anh ở phần trên, anh đã thấy có những nơi được đánh số từ (1) đến (6).

Anh ký tên là một Giáo lý viên (tôi đoán là Giáo lý viên để giúp những anh chị em dự tòng hay tân tòng). Theo tôi nghĩ, Giáo lý viên là những người đã được huấn luyện về Giáo lý một cách tương đối. Trước khi đề cập đến việc một người sẽ lãnh nhận các Bí tích Khai tâm, Giáo lý viên sẽ giới thiệu người dự tòng cho một linh mục, và trong trường hợp người dự tòng có những thắc mắc “nặng ký một chút”, thì linh mục chịu trách nhiệm sẽ là người “giải đáp” trước khi ban các Bí tích. Giáo lý viên tự mình đi tìm hiểu thêm, ngoài những gì đã được huấn luyện, là một điều đáng quí.

Như anh viết, anh đã và đang làm hết sức theo khả năng Chúa ban để nói lên những ưu việt của chân lý Đức tin Công Giáo với các anh chị em dự tòng. Tôi hân hạnh được chia sẻ với anh những thắc mắc anh nêu trong thư trên theo thứ tự các “câu hỏi” đã được đánh dấu.

(1) Thường khi một người phạm một tội nào đó, thì ngoài tội, người ấy còn có mắc vạ nữa. Thí dụ như việc ăn cắp chẳng hạn: hành động ăn cắp là tội, còn đồ vật bị ăn cắp là vạ. Khi hối nhân đi xưng tội, tội được tha, có nghĩa là hành động ăn cắp xấu xa được tha thứ vì lòng ăn năn, thống hối và dốc lòng chừa của hối nhân, còn đồ vật bị ăn cắp thì phải được hoàn lại cho chủ nhân. Nếu không hoàn trả được khi còn ở đời này, thì sẽ phải đền trả ở đời sau, cho đến khi trả xong đồng xu cuối cùng.

Trong trường hợp phá thai, Giáo luật qui định “Ai thi hành việc phá thai và việc phá thai có kết quả, thì mắc vạ tuyệt thông” (Can 1398). Việc tha vạ này được dành cho Bản Quyền, có nghĩa là Đức Giám Mục Địa phương (thường thường ở Úc, Bản quyền ủy nhiệm tha vạ này cho các linh mục). Như thế, người bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết, sau khi liên hệ đến việc phá thai, nếu muốn tha vạ, người ấy sẽ liên lạc với một linh mục nơi tòa Giải tội. Linh mục giải tội sẽ xử dụng năng quyền tha vạ cho hối nhân ấy.

(2) Điểm thứ hai này không có dáng dấp của một câu hỏi.

(3) Đề cập đến những chướng ngại trong việc chịu chức Thánh, Giáo luật phân chia làm hai loại: một là các ngăn trở để chịu chức Thánh, hai là những điều bất hợp luật để chịu chức Thánh (ngăn trở có thể được thu xếp để tháo gỡ, còn bất hợp luật thường là vĩnh viễn. Dù là ngăn trở hay bất hợp luật, ứng viên vẫn phải khiêm nhường thành thật báo cho thẩm quyền biết. Ít là với cha linh hướng của ứng viên. Xưng tội, như đã trình bày ở trên, chỉ được tha tội mà thôi.

(4) Theo nguyên tắc về Thần học Bí tích, thì tất cả các Bí tích trong Giáo Hội, khi đã được cử hành cách công khai theo nghi thức đã qui định trong luật Phụng vụ đều được coi là thành sự. Bí tích đã cử hành luôn luôn được coi là thành hiệu cho đến khi nào chứng minh được những hà tì khiến Bí tích không thành hiệu. Sự vô hiệu này phải được công bố do thẩm quyền của Giáo hội sau khi đã điều tra kỹ lưỡng. Như thế, các linh mục đã lãnh nhận chức Thánh cách công khai thì họ được coi là những linh mục lãnh nhận chức Thánh cách thành sự (validly ordained Priests).

Bất hợp pháp (illicit) và bất thành sự (invalid) là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thí dụ như Giám mục của Giáo phận A truyền chức cho một thày chủng sinh đã thụ huấn ở Giáo phận B mà không có phép của Giám Mục giáo phận B, thì việc truyền chức là bất hợp pháp (illicit), nhưng Bí tích vẫn thành sự. Nghĩa là linh mục ấy vẫn cử hành Bí tích Thánh Thể một cách có hiệu lực.

Bộ Giáo luật mọi người có thể có trong tay là một tập sách đã được thu gọn tới mức tối thiểu với lối hành văn hết sức xúc tích và cô đọng. Một người không thể chỉ đọc Bộ Giáo luật để rồi trở thành chuyên viên luật pháp, giải thích và áp dụng Giáo luật (như vậy thì làm gì còn môn học Giáo luật nữa). Nhưng người ấy phải học về luật, để biết nguồn gốc và cách áp dụng theo thời gian của từng điều luật. Hơn nữa, khi chuyển từ nguyên bản (latin) sang các ngôn ngữ khác, lối hành văn và từ ngữ nhiều khi bị lạc lõng và đôi khi thiếu nghĩa. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng qua thông điệp Sacrae Disciplinae Leges ban hành Bộ Giáo luật ngày 25/1/1983 có ghi rõ rằng: cho những ai muốn nghiên cứu về Giáo Luật, người ấy phải xử dụng nguyên bản Bộ Giáo luật bằng La ngữ.

Trong thư anh viết rằng, anh đã đọc đi đọc lại mà vẫn không hiểu... điều này chẳng có gì lạ cả, nhất là khi đọc, anh chỉ đọc một hay hai điều luật, trong khi những điều luật khác liên hệ thì anh lại bỏ sót.

(5) Phần này không có vẻ là một câu hỏi. Nếu có thì phần giải thích (4) trên tưởng đã đủ.

(6) Không hiểu có phải ý anh hỏi rằng một linh mục sau khi vi phạm điều luật 983,1 thì linh mục ấy có biết mình phải làm gì để giữ đúng luật không! Tôi nghĩ rằng linh mục ấy biết mình phải làm gì chứ. Một thí dụ không được chỉnh lắm: giống như người có bằng lái xe chẳng hạn, khi mất bằng lái, họ biết là họ phải làm gì để có lại bằng, trừ trường hợp họ quyết định sẽ không bao giờ lái xe nữa.

Cuối cùng trong phần giải đáp này, tôi muốn thưa thêm với anh là khi chia sẻ với anh chị em dự tòng hay tân tòng về Bí tích Giải tội, hãy nhấn mạnh tới việc ơn tha tội hơn là đề cập tới cha giải tội.

Nhân tiện cũng xin đề cập tới “Ơn Vô Ngộ” (infalibility) của Đức Giáo Hoàng. Chính vì việc giải thích không đúng đắn về điểm này mà nhiều tranh luận đã xảy ra. Đức Giáo Hoàng chỉ thể hiện “Ơn Vô Ngộ” khi Ngài ngự tại Ngai Tòa (ex-cathedra) theo một nghi thức đã được luật qui định để tuyên bố một điều có liên hệ đến Đức Tin và Luân lý.

Thân kính chúc anh thành công trong ơn nghĩa Chúa.