Gần đây, tin gây chú ý từ Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em của Tòa Thánh là việc Bà Marie Collins từ chức khỏi Ủy Ban vì bà thấy Ủy Ban gặp nhiều đối kháng từ các bộ sở khác nhau của Vatican nhất là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Cáo buộc thiếu hợp tác

Theo Catholic News Service ngày 1 tháng Ba, 2017, thì Bà Collins nói rằng “sự miễn cưỡng của một số người tại Vatican trong việc thi hành các khuyến cáo hay hợp tác vào việc làm của Ủy Ban nhằm cải thiện an toàn của trẻ em và các người lớn dễ bị thương tổn trên thế giới là điều không thể chấp nhận được”.

Rồi, trong một bài báo đăng trên tờ National Catholic Reporter, bà viết thêm: “Trong năm 2017, quả là nát lòng khi thấy các đấng nam nhi này vẫn còn đặt nhiều quan tâm khác trên sự an toàn của trẻ em và người lớn tuổi dễ bị tổn thương”.

Trên trang mạng riêng, mariecollins.net, bà viết rằng “dù Đức Thánh Cha đã phê chuẩn mọi khuyến cáo của Ủy Ban đệ lên ngài, vẫn luôn có những đình đốn liên tục. Điều này trực tiếp do sự đối kháng của một số thành viên trong Giáo Triều đối với việc làm của Ủy Ban. Việc thiếu cộng tác, nhất là của một thánh bộ có liên quan mật thiết nhất với việc xử lý các vụ lạm dụng, quả là điều đáng xấu hổ”.

Trong bài báo của National Catholic Register, bà nói rằng tập chỉ dẫn về an toàn của Ủy Ban không bao giờ được gửi tới các hội đồng giám mục, giúp các hội đồng này soạn thảo hay cải tiến các chính sách riêng của họ và “thánh bộ có trách nhiệm duyệt xét các văn kiện chính sách của các hội đồng giám mục…, đã từ khước hợp tác với ủy ban trong việc phối hợp việc làm”.

Ủy Ban từng khuyến cáo phải có ban tư pháp mới để phán xử các tội “lạm dụng chức vụ” của các giám mục bị tố cáo là không chịu chu toàn các trách nhiệm có liên quan tới việc xử lý các vụ lạm dụng tính dục còn đang nghi vấn hay đã được biết tới. Dù ban này đã được cả Đức Thánh Cha lẫn hội đồng 9 Hồng Y cố vấn chấp thuận từ giữa năm 2015, nhưng cho tới nay, chưa thấy được thi hành.

Cọng rơm cuối cùng khiến bà từ chức là “khuyến cáo đơn giản nhất mà Ủy Ban đã đưa ra cho tới nay” và đã được Đức Thánh Cha chỉ thị cho các bộ sở phải thi hành nhưng không được thi hành. Đó là: các bộ sở “phải chắc chắn trả lời mọi thư từ của các nạn nhân bị lạm dụng gửi tới” nhưng bà cho hay: “Tôi được biết qua một lá thư từ thánh bộ đặc thù này rằng họ từ khước làm như thế”.

Bà nhận định: “tôi thấy không thể nào lắng nghe các tuyên bố công khai về mối quan tâm sâu xa trong Giáo Hội đối với việc chăm sóc những người mà đời sống đã bị tàn rụi vì các vụ lạm dụng này, ấy thế nhưng một cách tư riêng lại phải chứng kiến một thánh bộ của Vatican từ khước cả việc chứng thực mình đã nhận được thư từ!”

“Điều này phản ảnh rõ việc toàn bộ cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo Hội đã được xử lý ra sao: bằng những lời lẽ tốt đẹp nơi công cộng, nhưng các hành động thì trái ngược lại sau những cánh cửa đóng kín”.

Trong các phát biểu trên, Bà Collins không nêu đích danh thánh bộ bà muốn chỉ trích, nhưng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là thánh bộ có nhiệm vụ điều tra các tội phạm được Giáo Hội coi là “các tội phạm nghiêm trọng hơn” trong đó có việc lạm dụng tình dục trẻ em. Thánh Bộ này, trong tư cách cổ vũ công lý, cũng có nhiệm vụ theo dõi các thủ tục hiện có của các hội đồng giám mục trong việc xử lý các lời tố cáo lạm dụng và việc hồi tục các giáo sĩ phạm tội lạm dụng tính dục. Nên chắc chắn Bà muốn ám chỉ Thánh Bộ này. Vả lại, sau đó, khi trả lời phỏng vấn của Tập San America, Bà đích danh nêu tên Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Trả lời của Đức Hồng Y Muller

Bởi thế, Đức Hồng Y Muller, bộ trưởng Thánh Bộ này, đã phải lên tiếng để minh xác vấn đề. Ngài cho rằng ẩn phía đàng sau các chỉ trích của Bà Collins là khuynh hướng “rập khuôn” (cliché) muốn tô vẽ Đức Phanxicô cải cách ở một bên và các bộ sở khác của Tòa Thánh ở bên chống lại. Theo ngài đã đến lúc chấm dứt khuynh hướng này. Vì “duy trì sứ mệnh phổ quát của Đức Giáo Hoàng, đã được Chúa Giêsu ủy thác cho ngài, là một phần trong đức tin Công Giáo của chúng ta và là triết lý hành động của giáo triều”.

Ngài cho hay tuy việc làm của Thánh Bộ và của Ủy Ban khác nhau, nhưng Thánh Bộ luôn hợp tác với Ủy Ban, thường xuyên giữ liên lạc
Còn về việc thư từ với các nạn nhân, Đức Hồng Y Muller cho hay: “Thánh Bộ có nhiệm vụ điều hành các vụ xử theo giáo luật. Các tiếp xúc đích thân với các nạn nhân được thực hiện tốt hơn bởi các mục tử địa phương. Nên khi một lá thư tới, chúng tôi luôn yêu cầu vị giám mục cung cấp việc chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân, giải thích rõ cho họ thấy Thánh Bộ sẽ làm mọi sự có thể để thực hiện công lý”.

Ngài nói rằng quả là một quan niệm sai lầm khi tin rằng các cơ quan tại Rôma có thể săn sóc mọi giáo phận và mọi dòng tu trên thế giới, vì việc này không tôn trọng “tính tự lập hợp pháp của các giáo phận và nguyên tắc phụ đới”.

Được hỏi về điều Bà Collins cho rằng thiếu hợp tác của các thành viên giáo triều, Đức Hồng Y Muller nói rằng ngoài các thư từ ra, ngài không biết trường hợp nào như thế. Còn về tòa án mới mà Bà Collins nhắc tới, một tòa án do Ủy Ban đề nghị và được Đức Phanxicô chấp thuận, để xử các vị giám mục bị tố cáo là làm ngơ các lời tố cáo lạm dụng, Đức Hồng Y Muller cho biết: đề nghị này đã được các thánh bộ của Vatican thảo luận ngay sau khi nó được đưa ra, nhưng các thánh bộ này đã kết luận rằng Thánh Bộ Giám Mục đã có phương thế cần thiết để khởi tố các giám mục vì các điều các vị làm hay không làm liên quan tới các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục.

Lên tiếng nhân dịp dự một hội nghị tại Florence về Thông Điệp Evangelii Gaudium, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, cho rằng: hành động từ chức của Bà Collins nhằm “rung cây” ở Vatican.

Ngài cho hay: có những tình tiết chuyên biệt dẫn tới việc từ chức trên. “Đối với những điều tôi biết, bà ấy đã giải thích các tình tiết này như là thiếu hợp tác, và cảm thấy cách duy nhất là từ chức”.

Thực ra “Chính Ủy Ban không xử lý việc lạm dụng tính dục, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin mới xử lý việc này. Ủy Ban nên lo lắng trước hết tới việc tạo ra trong Giáo Hội một môi trường để bảo vệ các em nhỏ trai cũng như gái, che chở các em, và không để tái diễn ra các tình tiết lạm dụng tình dục vị thành niên”.

Linh mục Zollner, một thành viên của Ủy Ban ngay từ những ngày đầu năm 2014 như Bà Collins, cho rằng có thể Bà Collins thiếu kiên nhẫn. Cha nói rằng với một Giáo Hội lớn nhất và cổ xưa nhất trên thế giới, với 1.3 tỷ thành viên, không thể có việc “chuyển dịch trong một ngày, khi nói tới các thay đổi não trạng”.

Tuy thế, theo kinh nghiệm của Cha, sau khi thăm viếng hơn 40 quốc gia thuộc 5 lục địa, sự việc quả có đang thay đổi. Như trong hai tuần lễ ngài thăm Nam Phi và Malawi, hai quốc gia mà trước đây không lâu vấn đề này thuộc loại cấm kỵ. Cha vốn cho rằng “ý thức hoàn cầu” về việc lạm dụng tình dục vị thành niên đang lớn mạnh, nhưng cảnh cáo rằng vẫn còn rất lâu mới có thể chấm dứt tội ác này, một tội ác sẽ còn tiếp diễn bao lâu con người nhân bản còn hiện hữu. Cha cũng có lúc rất thất vọng, vì ở một số quốc gia Đông Âu, Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ La Tinh, vẫn còn những linh mục coi vấn đề này là của Tây Phương.

Nhiều người phê phán cả thái độ mềm mỏng của Đức Phanxicô đối với một số linh mục phạm tội ấu dâm, thay vì hồi tục họ, lại lên án “chung thân” phải ẩn dật để cầu nguyện và thống hối. Nhưng làm như thế, Giáo Hội vừa loại họ khỏi thừa tác vụ công cộng, không còn trong tư thế có thể gây hại đến trẻ em, vừa có thể tiếp tục giám sát họ.

Chính Đức Hồng Y O’Malley, chủ tịch Ủy Ban, cũng cho rằng hồi tục đúng là hình phạt nặng nhất đối với một linh mục, nhưng nếu thi hành như thế, Giáo Hội “không còn khả thể nào theo dõi hoạt động của vị linh mục này hay có bất cứ loại kiểm soát nào đối với tác phong của ngài”.

Đây cũng là điều được Đức Hồng Y Muller nhấn mạnh. Ngài nói rằng hiện nay ta cần một thay đổi hoàn cầu về não trạng, không chỉ ở trong Giáo Hội, khi nói đến việc lạm dụng tình dục vị thành niên. “Tôi tin rằng việc lạm dụng này không thể được giải quyết chỉ bằng cách đe dọa trừng phạt, theo cả dân luật lẫn giáo luật. Ta cần sự thay đổi hoàn toàn về não trạng: từ lòng vị kỷ về tính dục tới việc kính trọng con người trọn vẹn”.