Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi những hình ảnh trong thánh lễ đại trào tại Vương Cung Thánh Đường Notre Dame de Paris do Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, cử hành vào lúc 18 giờ 30 chiều Chúa Nhật 05 tháng 02.
Thánh lễ này là Thánh lễ Tạ Ơn sau khi 17 vị Tử đạo Lào được Hội Thánh phong chân phước. 25 vị giám mục trên khắp nước Pháp, các linh mục Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris, các linh mục bề trên Hội Thừa sai Tận hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) và nhiều linh mục đã đồng tế.
Tưởng cũng nên nhắc lại là trước đó, cụ thể là vào hôm Chúa Nhật 11/12/2016, Đức Hồng Y Orlando Quevedo người Phi Luật Tân đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo nước Lào tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm, ở Vạn Tượng.
Trong lễ Tạ ơn ngày 05/02, Đức Hồng Y Vingt-Trois đã tán dương công đức của các vị tân chân phước. Các ngài là nhân chứng dũng cảm của Chúa Kitô trong thế kỷ XX, rao giảng hòa bình và công lý.
Mùa xuân 1953, du kích Lào cộng (Pathet Lao) chiếm tỉnh Sầm Nứa. Các vị thừa sai phải di tản đi nơi khác. Cha Giuse Thảo Tiên, thụ phong linh mục năm 1949, quyết định ở lại với các tín hữu. Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho đức tin. Cha Tiên bị cộng quân giam giữ tại trại Talang. Ngày 02/06/1954, ngài bị xứ bắn. Trước đó, ngài từ chối không hồi tục lấy vợ theo sự dụ dỗ của Pathet Lào.
Ngoài ra, cha Gioan Baotixita Malo từng truyền giáo ở bên Tầu bị bắt cùng 4 vị khác. Ngài bị đưa sang một thung lũng ở miền Trung nước Việt, chết vì bị tra tấn dã man. Năm 1960, một thầy giảng người Hmong và cha Mario Borzaga cũng tử đạo. Năm 1961, các linh mục Louis Leroy, Michel Coquelet et Vincent L’Hénoret bị cộng quân bạo hành đến chết. Tại miền Nam nước Lào, cha Noël Tenaud, cha Marcek Denis và thầy giảng Outhay cùng chung số phận. Sau đó đến lượt thầy Gioan Wauthier, tông đồ người nghèo bị xử bắn. Trong di bút, một vị tử đạo Lào đã viết như sau: ‘‘Chúng tôi là các nhà truyền giáo, cam chịu kham khổ, sẵn sàng hy sinh tính mạng. Trong thời kỳ cộng quan bách hại đạo Công Giáo, chúng tôi đều muốn được phúc tử đạo. Khi còn sống, chúng tôi hết lòng giúp đỡ người nghèo, lặn lội vào hang cùng ngõ hẻm, trong các thôn làng hẻo lánh, săn sóc các bệnh nhân và loan báo Tin Mừng’’.
Đức Hồng Y Tổng giám mục Paris kết luận: 17 anh hùng tử đạo, người Lào hay người Pháp, làm chứng cho Tin Mừng. Họ là các viên đá vững chắc xây dựng Giáo Hội non trẻ ở Lào. 17 tân chân phước còn là tấm gương sáng cho giới trẻ noi theo.
Việc các tu sĩ và tín đồ Công Giáo bị bức tử là bản cáo trạng, phản ảnh trung thực về thực trạng tôn giáo tại hai nước cộng sản Lào, và Việt Nam.
2. Chung quanh việc Huynh Đoàn Thánh Piô X tiến đến hòa giải với Vatican
“Chúng tôi hiện đang làm việc để cải tiến một số khía cạnh trong hình thức giáo luật Giáo Hạt tòng nhân.” Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký của Ủy ban Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa), phụ trách đối thoại với Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã khẳng định như trên với tờ Vatican Insider và cho rằng thời điểm Huynh Đoàn này hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội đã gần kề. Mục tiêu nhắm đến một thỏa thuận đã hiện ra trước mắt, mặc dù vẫn còn phải mất thêm một thời gian nữa.
Hôm 29 tháng Giêng năm 2017, nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn Thánh Piô X, là Đức Giám Mục Bernard Fellay, đã xuất hiện trên chương trình truyền hình Pháp “Terres de Mission”, được TV Liberté phát sóng.
Đức Cha Fellay xác nhận tiến trình đi đến một thỏa thuận đang được tiến hành và để đạt đến một giải pháp giáo luật, Huynh Đoàn sẽ không cần phải chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X. Trong vài năm qua, Huynh Đoàn Thánh Piô X đã không ngừng nhắc đến tên của Đức Giáo Hoàng và cầu nguyện cho ngài trong các thánh lễ. Đức Cha Fellay ghi nhận thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn trong bối cảnh tập trung vào các vùng “ngoại biên” của ngài; và giải thích tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Rôma.
Con đường hòa giải với nhóm ly giáo này, sau biến cố Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre tấn phong 4 Giám Mục trái phép vào năm 1988, đã được bắt đầu vào năm 2000 khi các thành viên trong Huynh Đoàn đến Rôma hành hương trong Năm Đại Thánh. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lúc đó đã đồng ý cho việc khởi sự đàm phán. Truyền thông giữa hai bên được tăng cường dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, với những vấn nạn về tín lý được mở ra để xem xét. Đức Ratzinger là vị Giáo Hoàng đầu tiên sau Công Đồng cho phép tự do sử dụng Phụng Vụ thánh lễ tiền Công Đồng và sau đó tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục của Huynh đoàn. Trong triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ cho phép truyền thông giữa hai bên được tiếp tục nhưng còn đi xa hơn khi ban năng quyền giải tội cho các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Sự nhượng bộ này sau đó lại được mở rộng vô hạn định trong Tông Thư “Misericordia et Miser”
Về phương diện tín lý, những vấn đề chính dường như đã được khắc phục để có thể tiến đến một thỏa thuận. Các thành viên của Huynh đoàn đã được yêu cầu phải trung thành với các khía cạnh thiết yếu của đức tin Công Giáo, nói cách khác là “professio fidei”, là niềm tin vào giá trị của các bí tích được cử hành với Novus Ordo (tức là hình thức phụng vụ mới - kết quả của những cải cách hậu công đồng) và phải vâng phục Đức Giáo Hoàng. Đã có một cuộc thảo luận và chia sẻ các ý tưởng liên quan đến mối quan hệ giữa huấn quyền và truyền thống, trong khi các chủ đề khác liên quan đến phong trào đại kết, tự do tôn giáo và mối quan hệ giữa Giáo Hội và thế giới được gác lại vì cần phải được xem xét sâu hơn và có thể là căn nguyên gây ra các mâu thuẫn.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Đức Cha Fellay, bên cạnh việc nhắc lại những nhượng bộ của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến các bí tích Hòa giải và Xức Dầu Bệnh Nhân, cũng đề cập đến việc thụ phong linh mục của các thành viên trong Huynh đoàn, và khẳng định Tòa Thánh uỷ quyền cho Huynh Đoàn tiến hành những buổi lễ này mà không cần có sự đồng ý của giám mục bản quyền địa phương. Về điều này, Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo cho biết tình hình phức tạp hơn và bắt nguồn từ một quyết định được đưa ra bởi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin một vài năm trước đây. Vị thư ký Ecclesia Dei giải thích “Tòa Thánh cho phép và khoan dung vấn đề phong chức linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X, xem việc phong chức này là thành sự nhưng không hợp luật (valid but not licit), miễn là các giám mục địa phương phải được thông báo về tên của các ứng cử viên linh mục. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ban năng quyền cho các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành hợp pháp các Bí tích Hòa Giải và Xức Dầu bệnh nhân. Chính vì để tất cả các hành vi bí tích khác là hợp pháp cũng như có giá trị mà một giải pháp về giáo luật cần phải được tìm ra cho Huynh Đoàn Thánh Piô X”.
Giải pháp giáo luật cho vấn đề là hình thức Giáo Hạt tòng nhân, một hình thức mới được giới thiệu trong bộ Giáo Luật năm 1983 và cho đến ngày nay chỉ áp dụng đối với Opus Dei. Trong suốt những năm gần đây, ngày càng có nhiều những tiếng nói tiếng chống lại các nhượng bộ với Huynh Đoàn Thánh Piô X. Giám mục Richard Williamson, một trong bốn giám mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tha vạ tuyệt thông, đã rời khỏi Huynh Đoàn và thành lập một nhóm còn cực đoan hơn nữa, đang tiến hành tấn phong các giám mục mới. Trái lại, quan điểm của Đức Cha Fellay có vẻ phù hợp hơn với quan điểm của người sáng lập ra Huynh Đoàn là Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, là người vào năm 1988 đã đến rất gần với một thỏa thuận với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin, và chỉ để tuột mất cơ may này vào đúng phút cuối cùng.
3. Tổng thống Nigeria hứa cho nhiều làm chẳng bao nhiêu
Hàng ngàn người Nigeria đã xuống đường phản đối Tổng thống Muhammadu Buhari vì tình trạng kinh tế tồi tệ, công ăn việc làm bấp bênh, lương bổng chết đói và nạn khủng bố hoành hành khắp nơi.
Tổng thống Muhammadu Buhari là một người Hồi Giáo đã thắng cử trong cuộc bầu cử năm ngoái 2105. Ông nhậm chức ngày 29 tháng năm 2015 thay cho tổng thống Goodluck Jonathan là một người Công Giáo.
Bất chấp những hứa hẹn đẹp như mơ của ông trong thời gian tranh cử, tình hình tại Nigeria đã tỏ ra ngày càng tồi tệ hơn.
Một trong những vị nói rất thẳng thắn về tình trạng sa sút của quốc gia là Đức Hồng Y Anthony Okogie. Ngài là Tổng giám mục nghỉ hưu của thủ đô Lagos, Nigeria.
Đức Hồng Y Okogie viết trong một bức thư ngỏ đến tổng thống Buhari.
“Hôm nay, những tiếng kêu gào vì đói khát vang vọng trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước rộng lớn chúng ta. Nigeria đói không chỉ thực phẩm, mà còn đói các nhà lãnh đạo tốt, cho hòa bình, an ninh, và công lý.”
Tổng thống Muhammadu Buhari từng là một tướng lãnh trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, ông vẫn thất bại trong việc ngăn chặn bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram.
Những cuộc tấn công liên tục của Boko Haram đã khiến hơn 2.5 triệu người phải di dời trên khắp miền Trung và Tây Phi, với khoảng 2.1 triệu người chạy loạn trong nội bộ Nigeria. Hơn 172,000 người tị nạn đã chạy trốn qua biên giới các nước xung quang để tìm kiếm sự an toàn. Trong những tháng gần đây, quân nổi dậy đã tăng các cuộc tấn công vào các nước láng giềng của Nigeria. Những quốc gia này giờ đây phải đối phó với cả những người tị nạn Nigeria và hơn 200,000 người dân của chính họ phải chạy giặc.
Đức Hồng Y đã kết luận với lời cầu chúc:
“Cầu xin cho không có trang nào trong lịch sử ghi lại rằng người Nigeria đã chết vì đói dưới thời cai trị của ngài”.
4. Tình trạng tại các trại tị nạn tại Hy Lạp đang xấu đi
Những di dân và người tị nạn với một tương lai bấp bênh đã biểu tình dữ dội chống lại điều kiện sống tồi tệ trong một trại tị nạn tại thủ đô Athens hay còn gọi là Nhã Điển của Hy Lạp. Cuộc phản kháng đã nổ ra nhân một chuyến viếng thăm của bộ trưởng di dân Yannis Mouzalas.
Chính quyền Hy Lạp đang muốn giải tỏa toàn bộ trại này vì chính quyền cho các nhà đầu tư thuê mướn trong một nỗ lực phục hồi kinh tế.
Trại tị nạn này hiện chứa 1,600 người, hầu hết là người A Phú Hãn.
Một người di dân là anh Massoud người A Phú Hãn nói:
“Tình trạng của chúng tôi trong trại này rất tồi tệ, như là cả năm trong tù”
Khoảng 60,000 người tị nạn và di dân đang lang thang tại Hy Lạp vì biên giới với các quốc gia trong vùng Balkan đã bị đóng lại, làm cản trở cuộc hành trình của họ đến Trung và Tây Âu.
5. Chính quyền Iraq khích lệ dân chúng đi xe đạp
Xe bom tự sát là nỗi kinh hoàng của chính quyền và người dân thủ đô Baghdad của Iraq. Các chốt chặn kiểm soát được mọc lên như nấm trong thành phố đã gây ách tắc giao thông.
Hàng trăm người đã xuống đường tại thủ đô Iraq. Họ đang khích lệ nhiều người có một lối sống khoẻ mạnh hơn cũng như chống lại tình trạng ô nhiễm trong thành phố.
Thikra Sirsam, phó giám đốc viện Babylon Tower, nói:
“Với sáng kiến này, chúng tôi nhắm tới việc khích lệ người dân dùng xe đạp như là một phương tiện giao thông, đặc biệt trong các khoảng cách ngắn, để giải quyết nạn kẹt xe. Nó cũng làm giảm ô nhiễm và khói xe”.
Tuy vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, do giá xăng dầu rẻ mạt, xe hơi là phương tiện giao thông chủ yếu. Thành ra, Baghdad phải hứng chịu tình trạng kẹt xe và ô nhiễm.
Các chốt chặn kiểm soát rải rác trong thành phố cũng góp phần làm kẹt xe. Những nhà tổ chức chiến dịch đi xe đạp cũng hy vọng có thể thực hiện các chiến dịch tương tự ở các thành phố khác của Iraq.
Tuy nhiên, an toàn vẫn còn là một quan ngại. Nhiều con đường phải được sửa sang và người đi xe đạp cần phải cẩn thận.
6. Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng cuộc chiến chống khủng bố
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 400 người bị tình nghi là thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong các cuộc bố ráp chống khủng bố tại sáu tỉnh. Các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết đây là cuộc bố ráp chống khủng bố lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay.
Hãng tin Anadolu cho biết những người bị bắt chủ yếu là là công dân nước ngoài. Ít nhất 60 nghi can đã bị bắt giữ tại thủ đô Ankara, trong khi 150 người khác bị bắt giữ tại tỉnh Sanliurfa gần biên giới Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ có 80.3 triệu dân, trong đó 99.8% là người Hồi Giáo Sunni. Trong một thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi đưòng lối quá khích là bằng mọi giá lật đổ cho được tổng thống Bashar al-Assad là người theo một hệ phái Hồi Giáo thuộc nhánh Shiite /ʃɪ-ɑɪ/. Cho nên, nước này đã là một cửa ngõ cho các thành phần thánh chiến Hồi Giáo cư ngụ trước khi xâm nhập vào Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải lãnh những hậu quả thê thảm từ hành động dung túng cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Ba mươi chín người, đã bị thiệt mạng trong đêm Giao Thừa đón năm mới khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổ súng bên câu lạc bộ Reina ở Istanbul.
Trong các cuộc hành quân cảnh sát mới nhất, 30 người bị tình nghi là các thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị giam giữ tại tỉnh Konya, và 10 người khác đã được bị bắt ở tỉnh Adiyaman.
Cảnh sát cũng bắt giữ 18 nghi phạm tại Kocaeli và Istanbul, 47 ở Gaziantep và 46 người khác ở tỉnh Bursa.
Ngoài các vụ bắt giữ mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 780 người, trong đó có 350 người nước ngoài, vẫn còn bị giam giữ vì bị nghi ngờ dính líu đến bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
7. Nhà thờ làm bằng các tảng băng ở Slovenia
Tại Slovenia có một nhà thờ Công Giáo rất đặc biệt nằm trên đỉnh núi Tatras của công viên quốc gia Slovenia. Ngôi nhà thờ này được thực hiện bằng 90 tấn băng do bàn tay của 15 nhà điêu khắc trong suốt ba tuần làm việc chăm chỉ. 720 khối đá đã được sửa đổi và trở thành một tác phẩm ngoạn mục. Tác giả chính của ngôi nhà thờ này là kiến trúc sư Adam Bakos người địa phương.
Ngôi nhà thờ này giúp Giáo Hội mang các du khách đến với các thánh lễ. Nhà thờ cũng còn được dùng trong các buổi hòa nhạc và các đám cưới.
Một người trượt tuyết nói: “Thật là tuyệt vời. Tôi đang leo núi hôm nay nhưng cảnh quan nơi đây hoàn toàn khác”.
Một nữ tu cho biết cảm tưởng như sau: “Ngôi nhà thờ này nhắc tôi đến bàn thờ tại Levoca. Vâng, thực sự có thể nói là các tượng ở đây rất giống các tượng ở Levoca mặc dù không hoàn toàn y hệt. Thật là đẹp, quá đẹp. Tôi rất vui được đến đây”.
“Tôi ngưỡng mộ công việc cuả các điêu khắc gia đã thực hiện ngôi nhà thờ này.”
Andrea Zigovan, là giám đốc văn phòng du lịch miền này, nói:
“Ngôi nhà thờ làm bằng băng của chúng tôi cũng dùng cho các đám cưới. Năm ngoái, đã có 5 đám cưới được thực hiện ở đây. Năm nay, chúng tôi đã có một vài cặp tổ chức lễ cưới ở đây. Mỗi Chúa Nhật cho đến tháng Tư sẽ có các buổi hòa nhạc tại đây. Nhà thờ được mở cửa mọi ngày cho các khách du lịch và hàng ngàn người đến thăm một ngày”.
8. Đức Thánh Cha hỗ trợ sáng kiến chung của Công Giáo và Tin Lành Đức: “Chữa lành ký ức - làm chứng về Chúa Giêsu Kitô”.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6 tháng 2, dành cho phái đoàn đại kết Công Giáo và Tin Lành Đức, gồm 23 vị, đứng đầu Đức Giám Mục Bedford-Strohm, Chủ tịch Hội đồng các Giáo Hội Tin Lành Đức, và Đức Hồng Y Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Công Giáo Đức. Cuộc viếng thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách do Martin Luther đề xướng.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận định rằng điều linh hoạt và làm cho những người Cải Cách quan tâm, xét cho cùng, là chỉ đường tiến về Chúa Kitô, và đó phải là điều cũng làm cho chúng ta quan tâm ngày nay... Sự kiện lời kêu gọi canh tân của những Người Cải Cách đã đưa tới những diễn biến làm chia rẽ các tín hữu Kitô, thật là điều bi thảm. Các tín hữu Kitô không còn là anh chị em với nhau trong đức tin nữa, nhưng thành những đối thủ và cạnh tranh nhau: trong thời gian quá lâu dài họ đã nuôi dưỡng đố kỵ và hăng say chống đối nhau, do những quyền lợi chính trị và quyền bính nuôi dưỡng, và nhiều khi họ không ngại dùng võ lực chống đối nhau, huynh đệ tương tàn.”
Đức Thánh Cha cám ơn Chúa vì ngày nay, các tín hữu Công Giáo và Tin Lành khiêm tốn và thẳng thắn muốn xích lại gần nhau, và sắp cùng nhau chia sẻ một cử chỉ quan trọng thống hối và hòa giải, một buổi lễ đại kết với chủ đề “Chữa lành ký ức - làm chứng về Chúa Giêsu Kitô”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “như thế, các tín hữu Công Giáo và Tin Lành ở Đức có thể đáp lại trong kinh nguyện lời kêu gọi mạnh mẽ thanh tẩy trong Thiên Chúa ký ức để được đổi mới trong nội tâm và được Thánh Linh sai đi mang Chúa Giêsu đến cho con người ngày nay”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những sáng kiến Tin Lành và Công Giáo tại Đức dự kiến thực hiện chung trong năm kỷ niệm 500 cuộc cải cách, đó là cùng hành hương tại Thánh Địa, một hội nghị chung về Kinh Thánh để trình bày những bản dịch mới Kinh Thánh dùng chung cho Công Giáo và Tin Lành, Ngày đại kết về trách nhiệm xã hội của các tín hữu Kitô.
Đức Thánh Cha cầu mong rằng “Sự tái khám phá những nguồn mạch đức tin chung, sự chữa lành ký ức trong kinh nguyện và trong bác ái, sự cộng tác cụ thể với nhau để phổ biến Tin Mừng và phục vụ anh chị em được đẩy mạnh hơn nữa.. Chính nhờ sự hiệp thông tinh thần được củng cố trong những thập niên qua trong hành trình đại kết, mà chúng ta có thể cùng nhau than khóc những thất bại của hai bên về tình hiệp nhất trong bối cảnh Cuộc Cải Cách và những diễn biến sau đó”.
Giáo Hội Công Giáo tại Đức hiện có khoảng 24 triệu tín hữu và Tin Lành còn khoảng 23 triệu tín hữu, đa số là Tin Lành Luther, trên tổng số hơn 82 triệu dân