CN 6A TN : LUẬT và LỆ

Trước đây khá lâu có bảng tuyên truyền về giao thông với 8 chữ thật to : “Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.” Có nơi như Khánh Hoà, bắt phải sơn 8 chữ trên bên hông mọi loại xe. Mới đây, tức hơn chục năm đổ lại, thấy người ta dán che chữ “lệ,” còn lại “nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông” thôi. Tuy che lại, nhưng ai ai cũng phải tuân theo “lệ” giao thông. Lệnh vua thua lệ làng.

Trong Đạo Do Thái cũng vậy, “Luật” Chúa ban ra qua ông Môsê rất tổng quát, nhưng “lệ” mà các luật sĩ nghiên cứu thêm thì nhiều vô kể, và người ta cứ phải khuôn theo “lệ” này. Nhiều lần Chúa Giêsu đã bác bỏ điều người Do Thái cho là Luật pháp: Ngài đã không giữ lễ rửa tay, Ngài chữa lành người đau trong ngày Sabbat… . Cho nên cuối đời, Ngài đã bị đóng đinh trên thập giá như kẻ phạm luật. Tuy nhiên dường như bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói về Luật với tất cả sự tôn kính, mà không một rabbi hay luật sĩ nào nói hơn được : “dẫu một chấm một phẩy trong lề luật cũng ho được bỏ qua”. Chữ "nhỏ nhất" (một chấm, một nét) trong nguyên ngữ Hipri là iodh, theo hình thức nó giống như dấu phẩy (,), dù chữ đó không lớn hơn một dấu chấm, cũng không thể bỏ qua được. Chúa Giêsu dường như cho rằng Luật là thánh đến nỗi dầu một chi tiết nhỏ hơn hết cũng sẽ không bao giờ qua đi. Nhưng ta hãy tìm hiểu thêm.

Người Do Thái dùng chữ “Luật” theo bốn ý nghĩa khác nhau:

1. Chỉ Mười Điều Răn.

2. Chỉ năm sách đầu của bộ Kinh Thánh: Ngũ Kinh hay Ngũ Thư của ông Mô-sê : năm cuốn sách đầu của Kinh Thánh được người Do Thái gọi là Luật Pháp ưu tú, tuyệt hảo và là quan trọng nhất của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-Vi, Dân Số, Đệ Nhị Luật..

3. Họ cũng dùng "Luật và lời tiên tri" để chỉ cả Kinh Thánh, là phần Cựu Ước của bộ Kinh Thánh chúng ta đang có.

4. Họ dùng từ ngữ đó để chỉ luật pháp truyền khẩu hoặc luật pháp của các luật sĩ, mà ta tạm gọi là “lệ”

Trong thời Chúa Giêsu , nghĩa “thứ bốn” thông dụng nhất. Cả Chúa Giêsu và Phaolô đều lên án luật “lệ” của các thầy luật sĩ. Vậy luật “lệ” của các thầy luật sĩ là gì?

Trong chính Cựu Ước chúng ta thấy không có nhiều luật đâu, chỉ có các nguyên tắc bao quát. Ví dụ Mười Điều Răn, mỗi điều răn hàm chứa một nguyên tắc lớn, từ đó mỗi người phải tìm ra luật lệ riêng cho đời sống. Điều răn thứ bốn, chẳng hạn, thảo kính cha mẹ, thì mỗi ngày cho ăn mấy lần, mỗi lần bao nhiêu ; lại còn cái gọi là “corban” (của dâng cúng) nữa, làm gì có trong Luật, chỉ là “lệ” thôi…

Đối với những người Do Thái về sau, những nguyên tắc lớn này dường như không đủ. Họ xem Luật Pháp là thiêng liêng trong đó Đức Chúa phán những lời chung quyết, bởi vậy mọi sự phải gồm tóm trong đó. Nếu một sự việc không được nói tỏ tường trong Luật thì cũng phải hàm ngụ ở bên trong. Bởi vậy họ tranh luận rằng từ Luật Pháp có thể suy diễn ra luật lệ cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh của cuộc đời. Do đó nảy sinh ra hạng người gọi là rabbi: luật sĩ, suốt đời chuyên suy luận những nguyên tắc lớn lao của Luật Pháp để lập ra hàng ngàn, hàng vạn luật lệ khác.

Chúng ta hãy xem họ làm. Luật dạy rằng hãy giữ ngày Sabbat để làm nên ngày thánh và trong ngày đó không được làm công việc gì. Đó là nguyên tắc lớn. Những người duy luật Do Thái rất say mê định nghĩa, nên họ hỏi rằng: công việc là gì ? Tất cả mọi thứ sự việc đều có thể định nghĩa là “công việc.” Thí dụ: mang một gánh nặng trong ngày Sabbat là làm việc, nhưng kế đó phải định nghĩa gánh nặng. Vậy luật lệ của các thầy luật sĩ qui định rằng: gánh nặng là lượng thức ăn bằng sức nặng của một trái vả khô, rượu đủ để pha trong một ly, sữa đủ cho một ngụm, dầu đủ để xức trên một chi thể nhỏ, giấy đủ để viết một báo cáo của thương chánh, mực đủ để viết hai chữ trong bảng mẫu tự, sậy đủ để làm một cây viết... và cứ như thế không bao giờ hết. Họ để hàng giờ để biện luận: không biết người ta có thể dời cây đèn từ chỗ này qua chỗ khác trong ngày Sabbat không? Không biết người thợ may đi ra đường với một cây kim đính trên áo có phạm tội “làm việc” trong ngày sabbat không? Không biết người đàn bà có thể cài trâm hoặc đội tóc giả không?... Ngày Sabbat được đi khoảng một dặm, nếu nghe tin bạn mình bệnh trong ngày sabbat, mà từ nhà mình đến nhà bạn hơn nửa dặm, là không dám đi thăm, bởi đi, làm sao về, cả đi cả về vượt quá một dặm rồi !

Đối với họ những điều này là yếu tính của tôn giáo, tôn giáo của họ là chú tâm đến những luật lệ tỷ mỉ, chi li, vụn vặt như thế đó.

Rồi chữa bệnh cũng là “làm việc” trong ngày Sabbat, rõ ràng điều này cũng phải định nghĩa. Chữa bệnh chỉ được phép khi nguy hiểm đến tính mạng và nhất là khi đau tai, mũi, họng. Dẫu với những trường hợp này đi nữa thì cũng chỉ làm những việc cần thiết để cơn bệnh không trầm trọng hơn chứ không được chữa cho bớt bệnh trong ngày Sabbat. Như vậy được phép băng vết thương nhưng không được xức thuốc; nhét bông vào lỗ tai đau thì được nhưng bông không được tẩm thuốc giảm đau...

Những luật sĩ là người làm ra những thứ “lệ” này. Biệt phái nghĩa là những kẻ ly khai, là những kẻ tách biệt mình ra khỏi mọi hoạt động bình thường của đời sống để giữ tất cả những luật lệ này.

Đối với người Do Thái chính thống trong thời Chúa Giêsu thì phục vụ Thiên Chúa chính là giữ tất cả hàng ngàn hàng vạn các lệ này, họ coi đó là vấn đề sống chết với số phận đời đời. Rõ ràng là Chúa Giêsu không có ý nói không một điểm nào trong thứ luật lệ này phải qua đi, vì Ngài đã nhiều lần phá vỡ, và chắc chắn đó không phải là Luật Chúa muốn ám chỉ bằng từ ngữ "Luật Pháp" vì chính Ngài lẫn Phaolô nhiều lần lên án.

Vậy, Luật Pháp Chúa muốn nói đến là gì ? Đó là Luật yêu thương

Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới luật pháp càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật pháp đe dọa. Và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa ; một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ luật pháp nhưng là để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương.

Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nhẫn sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm ngón tay đau đớn kinh khủng.

Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là Luật của Chúa, mà là Luật yêu thương, chứ không phải những “lệ” bắt bẻ chi ly đâu. Chúng ta cứ thử xem hôm nào cư xử ác, bắt bẻ anh em, lòng ta có bị cắn rứt khó chịu không. Và khi ta làm được việc tốt nào cho anh em, lòng ta có hạnh phúc và mắt ta có chiếu sáng không. Hãy đeo nơi ngón tay chiếc nhẫn thần là Luật yêu thương và thực thi luật yêu thương để tâm hồn ta luôn vui tươi hạnh phúc. Amen

Lm.Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy giải thích của cha Hàm)