Ở New York, Nhà Thờ Chính Tòa St Patrick của Đức Hồng Y Tim Dolan không cách xa Trump Tower của Tổng Thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức bao xa trên cùng đại lộ nổi tiếng Fifth Avenue. Tuy bề thế và có chiều dài lịch sử dầy hơn, tòa nhà của Đức Hồng Y lẽ dĩ nhiên không thể đồ sộ bằng, nhưng được cái, mọi người được quyền lui tới tự do, trong khi Trump Tower thì lúc này thực tế bị phong toả tứ phía, chỉ có thể “kính nhi viễn chi”. Còn nhớ hồi tháng Mười Hai vừa qua, gia đình tôi đang tản bộ trên Fifth Avenue, bỗng nhiên bị khựng lại ở góc đường này với đường 57 và được hướng dẫn vòng quanh sau tòa nhà của Tiffany & Co, để đi ngược trở lại Fifth Avenue. Thì ra, Trump Tower tọa lạc ở khu vực này.

Thành thử Donald Trump không hẳn là người xa lạ với Đức Hồng Y Dolan. Họ có thể còn là hàng xóm. Dù sao, ngài cũng là người đã tổ chức bữa tiệc gây qũy, trong đó có sự hiện diện của cả hai ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Hilarry Clinton. Cứ xem hình, ai cũng thấy ngài tươi cười với cả hai, nhưng chắc chắn, ngài thầm mong Hilarry đừng thắng cử chỉ vì bà quá ư cấp tiến trong chủ trương giết các hài nhi chưa sinh ra.

Thầm mong ấy, nếu có, đã thành sự thực. Và nay, Đức Hồng Y Dolan được mời và đã nhận lời đọc lời cầu nguyện trong lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump vào ngày mai, 20 tháng Giêng, 2017.

Nhân dịp này, Tờ National Catholic Register đã đến phỏng vấn Đức Hồng Y Dolan và được ngài trả lời một số câu hỏi liên quan đến bầu cử, lễ nhậm chức và các vấn đề phò sự sống.

Được hỏi: năm nay là năm hoạt động chính trị cuồng nhiệt, gây ra nhiều chia rẽ trông thấy, một điều Đức Hồng Y thấy rõ ở Bữa Tiệc Al Smith hồi tháng Mười, vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề và đâu là giải pháp? Đức Hồng Y Dolan đã trả lời rằng: “hiềm thù, chia rẽ, thiếu đoàn kết dường như luôn là thành phần của diễn trình chính trị. Một số trong diễn trình này khá tự nhiên, một số được người ta chờ đợi, một số khá tốt, vì bất cứ khi nào người ta cuồng nhiệt về một điều gì đó, thì có sự chia rẽ. Và [chia rẽ], ta hãy đương đầu với nó, xem ra khá mạnh trong chiến dịch vừa qua.

Điều độc đáo trong mùa tranh cử vừa qua, như ông thấy, là: ngay trong Đảng Cộng Hòa, dường như cũng có khá nhiều hiềm thù và chia rẽ. Nó sẽ dẫn tới đâu?

Tôi đang đánh cuộc cho hy vọng, trong tư cách một tín hữu, một mục tử và, hiện lúc này… tôi muốn [hy vọng] ở truyền thống Hoa Kỳ luôn đến với nhau, khi chúng ta có tân tổng thống, như thể lấy một hơi dài và nói: “chúng ta muốn làm cho sự việc tiến triển”.

Lễ Nhậm Chức của Ông Trump

Tôi mong đến ngày có lễ nhậm chức. Tôi chờ mong một “mùa xuân” và tôi thực sự mong như thế; trong thiên tài Hoa Kỳ, thường là mỗi khi việc tranh cử qua đi, dường như người ta muốn chuyển hướng đôi chút về phía tạo cơ sở chung. Xem ra người ta có cảm thức “hãy làm cho sự việc tiến triển”.

Đó có thể là một niềm hy vọng có cơ sở, vì tôi nghĩ rằng một trong những điều người ta thấy hấp dẫn nơi Ông Trump là sự kiện ông ta không phải là loại chính trị gia theo nghĩa cổ điển. Ngay các người Cộng Hòa cũng nói rằng: “đúng, ông ta không phải là người Cộng Hòa theo nghĩa cổ điển; ông hơi không trọng khuôn phép” và theo tôi, một trong các điều người Hoa Kỳ thấy hấp dẫn đôi chút là câu ông nói “chúng ta hãy làm cho Hoa Thịnh Đốn tiến triển”. Tất cả chúng ta hẳn biết rằng có nhiều điều cần được cải thiện. Tất cả chúng ta biết rằng có nhiều điều gây sợ hãi bất an, và chúng ta hãy đến với nhau và làm cho tình thế tiến triển. Ai biết được? Nhưng chúng ta hãy hy vọng tình thế sẽ tiến triển. Và tôi hy vọng như thế. Tôi hy vọng tôi không bị coi là thứ người chỉ nhìn thấy mặt tốt (Pollyanna) trong tất cả những vấn đề này".

Được hỏi về lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump, Đức Hồng Y Dolan cho hay: “Tôi rất vui khi được yêu cầu xướng một lời nguyện. Theo tôi, chiến dịch Trump đã làm một điều khôn ngoan khi yêu cầu người ta cầu nguyện, tuy họ nói: 'không hẳn là một lời cầu nguyện, nhưng ngài có thể cho chúng tôi biết một một số câu Kinh Thánh thuộc truyền thống của ngài mà ngài sẽ dùng không?'. Tôi sẽ dùng chương thứ chín của Sách Khôn Ngoan, tức lời cầu nguyện của Vua Salômôn, lời cầu nguyện mà các linh mục chúng tôi quen đọc mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi cũng như các giáo dân đọc kinh Thần Vụ. Tôi thích lời cầu nguyện này, khi tôi đọc nó vào sáng Thứ Bẩy, để xin ơn khôn ngoan, và lời cầu nguyện này phát xuất từ trái tim".

Các hứa hẹn phò sự sống

Được hỏi về các lời hứa hẹn của Tổng Thống đắc cử với cộng đồng Công Giáo Hoa Kỳ và cộng đồng phò sự sống, Đức Hồng Y Dolan cho hay: “Về phương diện này, tôi, cũng như các người Hoa Kỳ khác, có một số dè dặt và dự cảm về một số điều tổng thống đắc cử nói tới và cho biết sẽ thực hiện. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, và thoả mãn, đối với các hứa hẹn của ông. Trước hết, ông sẽ là người phò sự sống, ông sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống. Thứ hai, ông sẽ mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo và bãi bỏ một số qui định mà chúng ta vốn coi là rất xâm phạm và rất đe dọa tới quyền tự do tôn giáo ở Hiệp Chúng Quốc. Đó là hai điều. Tôi xin thêm điều thứ ba: thái độ tốt bụng của ông đối với ngành giáo dục không phải công cộng, đối với các trường tư (charter school), các trường Công Giáo và quyền của cha mẹ. Đó là ba phạm vi, theo tôi, bất chấp ông nghĩ gì về những phần khác của cương lĩnh, đó là ba phạm vi ta có thể nói: ‘Alleluia’. Và ta hãy chờ xem điều gì sẽ xẩy ra”.

Được hỏi: trong quá khứ đã có nhiều thất vọng đối với các lời hứa hẹn phò sự sống, nay có gì khác? Đức Hồng Y Dolan trả lời: “Ông tuyệt đối đúng về nhận định này. Tôi càng có tuổi, năm nay tôi 66, thì câu thánh vịnh ‘đừng đặt tin tưởng nơi các ông hoàng’ càng đúng. Ngày nay, có lẽ ông sẽ dịch câu này như sau: ‘Đừng đặt tin tưởng nơi các chính khách’. Và chúng ta đã bị cụt vòi (singed) trong quá khứ, đúng không? Ngay cả những người lên cầm quyền với những lời hứa hẹn mạnh mẽ, xem ra, đôi khi điều tốt nhất có thể làm là họ đừng tiến một cách ngổ ngáo, mặc tình về phá thai.

Nhưng có một số điều đem lại cho tôi một chút tia hy vọng vào lúc này. Thứ nhất, xem ra ông có một người như thể đang giữ vững lập trường của mình khi nói rằng 'Không, đây là điều tôi đã nói, và tôi sẽ làm; điều bạn thấy bạn sẽ nhận được. Tôi nói tôi sẽ thực hiện; tôi sẽ thực hiện điều đó”. Thứ hai, hiện đang có sự đánh giá tốt, có suy nghĩ về cuộc bầu cử, mà ngay cả người Dân Chủ cũng phải nhìn nhận". Theo Đức Hồng Y, một trong các lý do khiến Đảng Dân Chủ thua tệ chính là: gần như có sự đầu hàng toàn diện đối với điều ta có thể gọi là nhóm vận động phò phá thai hết sức ngổ ngáo; nhóm này cho rằng họ sẽ không nuôi dưỡng bất cứ sự bất đồng nào về phá thai, và họ không những dung túng phá thai, dung túng sự gớm ghiếc của phá thai, mà còn giúp nó thành “an toàn, hợp pháp và họa hiếm”, tới chỗ có thể ca ngợi nó, không phải chỉ như một điều có thể bảo vệ bằng luật pháp, mà còn như một quyền lợi nên chi tiền cho và người ta nên ca ngợi nó nữa.

Ngài nói thêm: "Trong Đảng Dân Chủ, khi ông có … các diễn giả sẵng sàng ca ngợi sự kiện họ có những vụ phá thai, thì theo tôi, nếu nhìn trở lui, những người Dân Chủ có suy nghĩ hẳn sẽ trả lời, 'trời đất, đây quả là lầm lẫn lớn'. Vì nhân dân Hiệp Chúng Quốc không ủng hộ việc đó. Họ đã mệt mỏi với thứ vật vờ chạy theo điều ông có thể gọi là các nguyên cớ xã hội hợp thời trang hơn. Và đây có lẽ là một lý do nữa khiến Ông Trump có thể nói đây là một bầu không khí tốt để thực hiện một vài tiến bộ trong phạm vi này".

Phong trào phò sự sống

Được hỏi: nội trong năm 2016, khoảng 60 luật lệ ở 19 tiểu bang liên quan đến phá thai phát xuất từ các ngành lập pháp và tòa thống đốc nay càng ngày càng ngả sang phò sự sống, liệu việc này có sẽ mở rộng để cả nước trở thành phò sự sống hơn không? Đức Hồng Y cho rằng: “Một lần nữa, trong lịch sử Hoa Kỳ, phong trào phò sự sống là một minh họa gần đây nhất và thành công nhất của một phong trào thực sự quần chúng. Nó bị giai cấp lãnh đạo chỉ trích nặng nề; nó bị giai cấp ưu tú cười khẩy. Nhưng nó vẫn cứ phát triển ngày một mạnh hơn và lôi cuốn được nhiều người ủng hộ hơn. Nó quả tình có tính quần chúng.

Ông có thể đặt nó vào toàn bộ cái phả hệ tươi đẹp, bắt đầu với chính phong trào cách mạng, vốn là một phong trào quần chúng, tới phong trào bỏ thuế, phong trào điều độ, một phong trào ít được người Công Giáo ủng hộ, tới phong trào lao động, phong trào dân quyền, phong trào hòa bình, và nay phong trào phò sự sống. Tất cả đều là thành phần của phả hệ các phong trào quần chúng, một phả hệ quả cộng hưởng với điều vốn là thiên tài Hoa Kỳ: nghĩa là người dân có một lương tri rất tốt. Và ngay cả chúng ta, những người say sưa với chính nghĩa phò sự sống, cũng biết rằng chúng ta vẫn còn một thách đố khó khăn ở đàng trước, và chúng ta vẫn còn một cuộc chiến đấu dài ở phía trước, tôi nghĩ chúng ta đang có ngọn gió thứ hai để nói rằng nhân dân ta có một lương tri lớn lao, và trong lòng họ, họ không hề thích nạn phá thai; họ không cảm thấy có bổn phận phải chi tiền cho nó; họ cảm thấy nên có những giới hạn có suy nghĩ và khôn ngoan đối với nó. Và họ mệt mỏi cái làn sóng thần đẩy họ về phía quyền phá thai vô giới hạn.

Chúng ta cần lắng nghe người dân, và tôi nghĩ điều này sẽ đem lại cho phong trào phò sự sống khá nhiều tự tin và khích lệ".

Cơ sở chung giữa chính phủ Trump và các giám mục Hoa Kỳ

Được hỏi: liệu có một cơ sở chung nào giữa các giám mục và chính phủ Trump về một số vấn đề chăng? Đức Hồng Y cho biết về các vấn đề đó, quả có một cơ sở chung. Giáo dục; phò sự sống; việc buồn vì bị chính phủ can dự vào đời sống nội bộ của Giáo Hội: đó là những vấn đề có cơ sở chung.

Nhiều người cho rằng Đức Hồng Y Dolan có mối liên hệ độc đáo với tổng thống đắc cử. Nhưng ngài quả quyết: chuyện này không có. Tuy nhiên ngài từng gặp gỡ ông nhiều lần. Ngay tại tòa tổng giám mục, ngài từng có một cuộc gặp gỡ dài với Ông Trump. Ngài thấy ông ta, trước hết, là người rất chăm chú, biết lắng nghe, khá nhậy cảm, muốn học hỏi, và khá hiền lành (meek) trong lúc tư riêng, hơn là bộ mặt công cộng. Ông ta dường như muốn nhìn nhận rằng mình muốn học hỏi nhiều hơn nữa về các sự việc Công Giáo, và hỏi Đức Hồng Y khá nhiều câu hỏi lý thú.

Đức Hồng Y cho hay: “… Vì tôi có nghiên cứu đôi chút, tôi thấy ông ta rất mến [nhà giảng thuyết Thệ Phản] Norman Vincent Peale, người mà tôi cũng có nghiên cứu, [sau Thế Chiến II và cuộc phục hưng tôn giáo vĩ đại tại Hoa Kỳ, một cuộc phục hung được đặc biệt nhân cách hóa nơi ba nhà lãnh đạo vĩ đại là Billy Graham, Fulton Sheen và Norman Vincent Peale], nên khi tôi nhắc đến Norman Vincent Peale, ông ta ngẩng đầu lên, và nói với tôi Tiến Sĩ Peale đã gây ảnh hưởng ra sao đối với cuộc đời ông. Và ông ta bảo tôi, 'tôi cảm thấy rằng, ngay lúc này, một trong những khoảng chân không trong sinh hoạt công cộng của Hoa Kỳ là tiếng nói của tôn giáo đã bị phần nào bịt miệng'. Và ông cho hay 'tôi muốn tạo ra một bầu không khí trong đó các nhà lãnh đạo tôn giáo cảm thấy dễ chịu hơn ở những nơi công cộng'. Giờ đây, tôi cảm thấy an ủi vì điều đó, tức điều ông ta tỏ ra rất lưu ý tới các nhậy cảm tôn giáo”.

Theo Đức Hồng Y Dolan, Norman Vincent Peale là một nhân vật phức tạp; một số người nghĩ ông là điển hình tốt nhất của một nhà lãnh đạo đức tin, nhưng ông cực kỳ bình dân. Ông là người của Thánh Kinh; một nhà giảng thuyết vĩ đại. Và ông có một tác động lớn lao đối với sinh hoạt công cộng của Hoa Kỳ, nên Đức Hồng Y tỏ ra phấn khởi bởi việc ông Trump quan tâm tới tôn giáo và ngài có cảm thức ông ta sẽ trở lại Washington và, giống như hầu hết các tổng thống Hoa Kỳ, ông sẽ nhận thức được rằng Hoa Kỳ sẽ được phục vụ tốt nhất khi có tiếng nói tôn giáo mạnh mẽ ở những nơi công cộng.