Bài nói truyện của Đức Giám Mục William Skylstad với Linh mục Việt Nam

(Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Giám Mục Giáo Phậm Spokane, Washington)

(Orange County, California, ngày 10-5-2004)


Thân phụ tôi di cư từ Na-Uy tới Hoa Kỳ vào năm 1927. Ngài là con thứ 12 trong 14 anh chị em. Ngài đã rời nơi sinh trưởng ra đi tìm kiếm việc làm và cơ hội mới. Với thời gian ngài đã trở thành người trồng táo, và cùng với thân mẫu tôi sinh dưỡng 6 người con, tất cả đều được vào đại học. Thân mẫu tôi khi vừa lên 9 tuổi đã theo ông bà ngoại tôi từ Minnesota đến tiểu bang Washington. Ông bà ngoại tôi thất bại trong nghề canh tác lúa mì. Ông ngoại tôi mất ở Minnesota trong khi nỗ lực tìm cách nâng đỡ gia đình, để lại cho bà ngoại bốn người con phải nuôi dưỡng. Thân phụ tôi gặp thân mẫu tôi lúc thân mẫu tôi làm vú em và thân phụ tôi làm ở một xưởng cưa.

Tôi vẫn thường suy nghĩ đến cuộc hành trình kỳ diệu mà có lúc tưởng chừng như chỉ toàn là u sầu khó khăn và thử thách của các ngài. Giữa hoàn cảnh đó tôi ra đời và được gọi làm linh mục. Các bạn cũng thế, các bạn cũng trải qua những hành trình riêng của mình có thể cũng đầy những diệu kỳ và thử thách. Tôi chắc rằng cũng như tôi các bạn đã có lần tự hỏi cái gì đã đưa dẫn mình đến đây lúc này, nhưng thực tế là bây giờ chúng ta đang hiện diện ở đây. Chúng ta cùng cám ơn Chúa.

Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần và sự quan phòng của Thiên Chúa đã ảnh hưởng đến đời sống chúng ta thật sâu xa. Các bạn đã đến từ Đông Nam Á Châu, và Chúa Giêsu cũng đến từ Á Châu. Sự hiện diện của Giáo Hội tại Á Châu là một truyền thống lâu đời, không chỉ vì Chúa Giêsu đã sinh trưởng tại vùng viễn tây của lục dịa này, mà truyền thống còn nói về Thánh Tôma người có thể đã chịu tử đạo nơi miền Nam Ấn Độ. Ở một thế sau kỷ này, Thánh Phanxicô Xaviê đã rao giảng Tin Mừng trên phần đất này của thế giới nơi là quê hương của các bạn.

Di sản đặc thù của các bạn nói về một Giáo Hội thật sinh động và bén rễ rất sâu vào nước Việt Nam. Giờ đây vì nhiều lý do khác biệt các bạn đã đến Hoa Kỳ, và sinh hoạt mục vụ của các bạn trên đất nước này đan dệt vào một Giáo Hội lớn rộng hơn kết hợp bởi nhiều nền văn hoá và sắc dân rất khác biệt nhau nhưng cũng thật khởi sắc. Được cùng nhau suy tư và chia sẻ về thời điểm hiện tại trong đời linh mục của chúng ta, tôi xin được trình bày với các bạn 7 điểm sau đây trong bài thuyết trình này:

  • 1. Những mẫu gương hành trình trong Thánh Kinh
  • 2. Biểu tượng hành trình trong thế giới ngày nay nơi chúng ta đang thi hành mục vụ
  • 3. Tầm quan trọng của văn hóa khi thế giới của chúng ta ngày càng trở nên “ngôi làng hoàn vũ”.
  • 4. Tu đức như là đá tảng cho đời sống mục vụ
  • 5. Tương quan và mục vụ
  • 6. Những đòi hỏi của đời mục vụ
  • 7. Linh mục của niềm vui và hy vọng.
I. Hành trình đức tin

Hành trình đức tin là một thành phần quan yếu trong cuộc sống chúng ta, đặc biệt là khi tất cả chúng ta cùng đang tiến đến sự viên mãn trong Vương Quốc mà Đức Giêsu mời gọi. Suy niệm về ý nghĩa hành trình mang lại cho chúng ta một niềm mộ mến và tri ân phong phú. Trong Cưụ Ước, gương mẫu hành trình đức tin hoàn hảo nhất là của Abraham và Sara, phụ mẫu của chúng ta trong đức tin. Tiếng Chúa kêu gọi giã từ quê cha đất tổ chắc chắn đã là một cảm nghiệm bứng gốc lớn lao đối với họ. Nhưng luôn tín trung vào Chúa, các ngài đã trả lời “xin vâng”. Sự niềm nở và lòng hiếu khách của các ngài là những đức tính đầy tâm tình đã khiến họ đón mời ba vị khách đến thăm. Ba vị khách đó hóa ra chính là sứ gỉa Chúa gởi để loan tin vui lớn lao cho họ: trong vòng một năm nữa, Sara sẽ sinh con.

Giuse, con của Isaac, bị các anh bán cho đoàn thương gia đang đi về Ai-Cập. Giuse trở nên một nhân vật nổi tiếng trong triều đình Pharaon, và cuối cùng ông đã đưa cả gia đình sang Ai Cập, miền đất trù phú. Thế nhưng sau đó dân chúng bị làm nô lệ và Chúa đã cứu thoát dân Ngài qua những cơn dịch hoành hành khi họ bắt đầu cuộc xuất hành đằng đẳng 40 năm về miền đất hứa. Lời hứa của Chúa vẫn luôn được thực hiện giữa bao đau thương, tàn phá và đổ gẫy của dân chúng. Lễ Vượt Qua cử hành mừng kính việc Chúa cứu dân Ngài. Dịp Lễ này đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời khi Chúa Giêsu cử hành Lễ Vượt Qua trong nhà tiệc ly trước khi Ngài chịu đóng đinh và tử nạn.

Những cuộc hành trình đó không phải chỉ là những hành trình về khoảng cách trên đường lộ, nhưng còn là những cuộc hành trình trong tâm hồn. Đa-vít, vị vua lỗi lạc, cũng phải phấn đấu rất nhiều trong nội tâm khi ngài đối diện với tiếng gọi của Thiên Chúa. Lúc còn trẻ, Đa-vít chỉ là một cậu bé chăn cừu khiêm tốn, nhưng đã được Chúa gọi để đối đầu một cách anh dũng với vị tướng Philittinh, người mà chỉ bằng một viên đá và cái ná nhỏ cậu đã nhanh chóng dứt điểm. Ngài cũng gặp nhiều khó khăn trong tương quan với Vua Sao-lê đầy bệnh hoạn tâm thần. Rồi khi Đa-vít lên ngôi vua, mối liên hệ xác thịt với Betsheba đã đưa đến cuộc sát hại tướng Uriah, chồng bà ta. Tiên tri Namaan đã đối chất với Vua Đa-vít về những hành vi gian ác của ngài. Ngài đã thống hối ăn năn, và đã trở thành một vị Vua đạo đức lỗi lạc.

Cuộc lưu đày bên Babylon là thời kỳ tù tội đầy khổ nhục của dân riêng Chúa. Đền thờ của họ bị tàn phá và họ rơi vào tuyệt vọng. Chính trong những thời điểm đen tối này mà các ngôn sứ đã can trường lên tiếng rao giảng lòng trung tín của Thiên Chúa đối với họ; các Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu sám hối, và niềm hy vọng vào lời Chúa hứa sẽ cho họ trở về quê cha đất tổ.

Trong Tân Ước, thánh Giuse và Mẹ Maria cũng đã là những người dân tị nạn trong một thời gian. Trong đời mục vụ công khai, Chúa Giêsu không ngừng rảo bước rao giảng Phúc Âm trên khắp quê hương của Ngài. Những tháng gần đây, qua các bài Phúc Âm theo thánh Luca đọc ngày Chúa Nhật, chúng ta thấy Luca miêu tả Chúa Giêsu lên đường đi lên Jerusalem. Chẳng bao lâu nữa, cuộc hành trình trọng đại nhất đối với Chúa Giêsu là việc vác thập giá lên đồi Calvê nơi Ngài chịu đóng đinh và chịu chết.

Tông Đồ Công Vụ thuật lại ba chuyến hành trình truyền giáo của thánh Phaolô. Những bài viết gởi các cộng đoàn nơi ngài đã truyền giáo không chỉ nói về một con người di chuyển băng đôi chân mà còn nói về cuộc hành trình trong chính con tim của Ngài. Ngài thường nói đến cuộc hoán cải liên tục và niềm cảm mến ngày càng sâu xa trước tấm lòng ưu ái Chúa dành cho ngài. Đáng chú ý hơn cả là việc thánh Phaolo, một người cao niên, ngay cả lúc đang bị tù, vẫn nói một cách vui vẻ và phát biểu những lời ngôn sứ đến Giáo Hội sơ khai. Cuộc hành trình truyền giáo này đã khắc ghi một ấn tượng sâu xa trong ngài; chính cảm nghiệm ấy đã đặt nền móng vững chắc cho sinh hoạt mục vụ rao giảng Tin Mừng và ơn cứu độ của Chúa Giêsu đến cho toàn thể nhân loại. Bằng một cách thật đáng cảm phục, Phaolô đã chạm đến sự hiện diện của Chúa nơi mỗi người. Trong thần học về nhiệm thể Chúa Kitô, Ngài đã khôn khéo dùng hình ảnh về các phần chi thể khác biệt liên kết với nhau để hình thành một thân thể nơi con người. Đó chính là một hình ảnh hùng hồn nói lên mối liên đới hỗ tương của gia đình nhân loại xưa và nay.

II. Biểu Tượng Của Cuộc Hành Trình

Chắc hẳn, một trong những biến cố tôn giáo trọng đại nhất của thế kỷ 20 là Công Đồng Vatican II từ 1962-65. Đức Giáo Hoàng Gioan XXII bắt đầu Công Đồng với một công nhận rằng Hội Thánh phải mở các cánh cửa sổ để dua cc lu?ng khí tuoi mát vào. Hội Thánh chúng ta lúc bấy giờ đang bước vào một tình trạng thế giới mới, và tình trạng đó đòi hỏi liên hệ với mọi con người sống trên hành tinh này. Mặc dầu Hội Thánh trong vòng 400 năm trước đã tương đối không thay đổi, Đức Thánh Cha và các Giáo phụ trong Công Đồng ý thức rằng chúng ta là Hội Thánh đang trên đường lữ hành. Các ngài thành thật chấp nhận rằng chúng ta là một Hội Thánh đang hành hương, một Hội Thánh đang di chuyển, một Hội Thánh đang sống trong những thời đang thay đổi và tiến hóa một cách nhanh chóng.

Khái niệm về Hội Thánh như là một đoàn người hành hương - và sự thực là Hội Thánh đã phải nghiêm túc xem xét lại chính mình bằng cách cải hối và canh tân - đã không đến quá sớm. Một lần nữa, việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người thật trong suốt và rõ ràng khi Thánh Thần chạm đến Hội Thánh vào lúc Công Đồng Vatican II, để Hội Thánh tự nhìn lại chính mình rõ hơn trong tương quan không chỉ với nội bộ chính mình, mà cả với cộng đồng thế giới bên ngoài. Di động tính của con người và truyền thông tức khắc đang xảy ra một cách thật nhanh chóng thần kỳ. Trong thiên niên kỷ mới này, chúng ta thấy sự nổ bùng liên tục của những phát triển về kỹ thuật, sự thực của việc toàn cầu hóa, và sự tăng trưởng về liên hệ của gia đình nhân loại. Biến cố 9-11 được trình chiếu tức khắc trên màn ảnh TV khắp thế giới. Cái chết của cả 300 người ở Beslan bên Nga đã khiến cộng đồng thế giới thật đau buồn và chấn động.

Cách đây vài năm, Đức Hồng Y Hume ở Toronto, trong Hội Nghị của tổ chức Giáo Dục Công Giáo Quốc Gia, đã kêu gọi cuộc cách mạng về liên đới trong thế giới chúng ta. Lời kêu gọi của Ngài lúc đó trở thành quan trọng hơn nữa trong lúc này vì các linh mục Công Giáo chúng ta và Hội Thánh Công Giáo hiện đang có mặt khắp nơi trên thế giới. Trong tài liệu Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II, các Giáo phụ cho chúng ta biết rằng Hội Thánh càng ngày càng được mời gọi để trở thành “dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Chúa và với toàn thể nhân loại”. Thêm vào đó, Đức Thánh Cha đã xác nhận trong Ngày Di Dân Thế Giới 1995 rằng “trong Hội Thánh không ai là người xa lạ và Hội Thánh không xa lạ với bất cứ ai, bất cứ nơi nào”. Là bí tích của sự hiệp nhất và do đó là dấu chỉ và là lực buộc cho toàn nhân loại, Hội Thánh là nơi mà những người di dân bất hợp pháp cũng được nhìn nhận và đón tiếp như anh chị em. Đó là công tác của các giáo phận để bảo đảm rằng những người này, khi bị bắt buộc sống bên ngoài mạng lưới an toàn của xã hội dân sự, còn có thể gặp được tình huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu. Đoàn kết nghĩa là có trách nhiệm đối với những người đang gặp khó khăn.

Những phê phán hùng hồn trên thách đố chúng ta là những linh mục trong Hội Thánh phải quan tâm đến cơ may chúng ta có để trở nên dụng cụ của sự hiệp nhất và bình an. Là Hội Thánh Công Giáo, chúng ta đón nhận tất cả mọi linh mục, bất phân chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, và quốc gia. Một cách đặc biệt, chúng ta phải quan tâm đến những người sống bên lề xã hội, những người bị loại trừ, và những người bị nghèo túng vì bất cứ lý do gì.

Là những linh mục của Hội Thánh, chúng ta, qua văn hóa, qua sự hiện diện c?a mình, qua sự đoàn kết với Hội Thánh hoàn vũ, có một cơ hội đặc biệt để kêu gọi mọi người phải tôn kính và nể trọng con người thuộc mọi dân tộc và sắc dân, thuộc mọi niềm tin và màu da. Sự hiện diện của quý Cha, cc linh mục Việt Nam tại Hoa Ky, gĩp thêm một dấu chỉ n?a vo sự đa dạng trn mảnh đất này, một nét đa dạng cần phải được trân quý và chấp nhận. Thiên Chúa đôi khi dùng chúng ta để thách đố những người có con tim đóng kín, những người thỏa thuận với những thành kiến của chính họ, và những người một cách đáng tiếc từ khước những người thuộc một sắc dân hay là niềm tin khác với họ.

Với Công Đồng Vatican II, Hội Thánh đã vào trong cộng đồng thế giới như một thực thể quốc tế duy nhất với một quan hệ chung, một tâm linh chung, một di sản chung, được biểu lộ thật tuyệt vời trong nhiều cách và hình thức khác nhau. Cách đây gần một năm, tôi đã tham dự lễ phong chân phước cho Mẹ Teresa tại quảng trường thánh Phêrô. Trên 300,000 người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự biến cố đó trong một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời. Mãnh liệt thay dấu hiệu và sự biểu lộ của một liên hệ chung của anh chị em trong Chúa Giêsu trong Hội Thánh! Đối với chúng ta là những linh mục cử hành những nghi lễ phụng vụ với mọi người và là những người được đặc ân chia sẻ Lời Chúa, chúng ta có cơ hội vô song để cho mọi người biết rằng họ là thành phần thật quý giá của Hội Thánh chúng ta và của gia đình nhân loại.

Như tất cả những cuộc hành trình khc, hiện nay trong chức linh mục, cuộc hành trình đối với chúng ta có thể khó khăn và đầy thách đố. Nhìn vào những hình ảnh trong Thánh Kinh cũng như chú ý đến vài người lãnh đạo vĩ đại trong Hội Thánh ngày nay, để thấy rằng cuộc hành trình của họ cũng không gì dễ dàng. Đặc biệt, tôi nhớ đến cuốn sách Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá mà tôi mới đọc, do người anh em đồng hương của quý Cha viết, Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận. Cuộc hành trình của ngài trong thời gian tù đầy bao nhiêu năm ở đất nước của quý Cha, sự ý thức của người về mối liên hệ của những khó khăn lúc đó với cuộc hành trình thiêng liêng của ngài, và ý thức sâu xa của ngài về mối liên hệ không những chỉ với quê cha đất tổ của Ngài mà còn với tất cả Dân Chúa, tất cả nổi bật lên như một tượng đài vĩ đại của một thánh nhân, một người tôi tớ tuyệt vời của Hội Thánh. Tôi đã được hân hạnh gặp gỡ ngài trong thoáng chốc, gần lúc trước khi ngài qua đời tại Roma. Chính quý Cha biết ngài là một con người truyền cảm như thế nào. Ngài cổ võ ý thức hiệp nhất, mối liên hệ thiêng liêng, và sự hiểu rõ giá trị của một cuộc hành trình và những tranh đấu, cho dù nó có khó khăn và đầy thách đố đến đâu đi nữa. Thập giá của Giêsu đã là điển hình trong chính cuộc đời của ngài, và ngài đã đón nhận lấy với tâm tình tạ ơn và khiêm tốn. Quả thật, ngài là một người của Chúa, m?t người liên hệ thật sâu xa với Chúa Cứu Thế của mình.

Ngày nay, chúng ta cần đến nguồn cảm hứng như thế, khi sống trong những thời điểm bất thường đầy đau khổ trong Hội Thánh. Vụ tai tiếng về những lạm dụng tình dục đã tạo nên trong chúng ta những chấn động và mất tinh thần. Làm sao hình ảnh của Hội Thánh trong một thời gian ngắn ngủi đã bị hủy hại nhiều đến thế được? Nhung s? thật là thế. Niềm tin tưởng vào Hội Thánh đã bị giảm bớt đi. Chúng ta đã bị hạ nhục. Đây không phải là cuộc hành trình mà chúng ta dự tính. Tuy nhiên, tôi tin tưởng mãnh liệt rằng Thiên Chúa sẽ dùng giây phút đau thương này để canh tân, biến thành hồng ân, thành cơ hội mới, và có lẽ trở thành ngay cả một dấu chỉ có tính cách xây dựng cho xã hội là cơ cấu đang cũng phải đối phó với cũng vấn đề này. Nhưng quan tr?ng hơn thế nữa, chúng ta phải nhạy cảm với những người đã từng bị tổn thương, đau khổ. Ta chỉ có thể tưởng tượng được những khủng hoảng và phấn đấu của họ. Làm sao chúng ta có thể giúp họ được? Làm sao chúng ta có thể trở thành những dụng cụ để giúp chữa lành và hòa giải trong cuộc hành trình của họ? Nhất là bây giờ chúng ta có cơ hội để chân thành tỏ lòng nhân ái và kiên nhẫn đối với những anh chị em đã từng bị ảnh hưởng bởi khổ đau và tội lỗi.

Cuối cùng, trong khi chúng ta nghĩ về biểu tượng của cuộc hành trình, chúng ta được nhắc nhớ rằng một trong những cuộc hành trình dài nhất trong đời không nhất thiết dựa vào khoảng cách, mặc dù hầu hết quí Cha đều đã cảm nghiệm như thế. Đó là cuộc hành trình từ óc đến con tim. Có lẽ đó là cuộc hành trình khó khăn nhất và thách đố nhất. Mục vụ của chúng ta trong tư cách linh mục là nâng đỡ nhau trong cùng một cuộc hành trình nội bộ, nhưng đồng thời cũng giúp mỗi người hiểu rõ giá trị của cuộc hành trình nói trên và nhu cầu phải kết nối hai cuộc hành trình đó.

III. Tầm quan trọng của văn hóa khi thế giới của chúng ta ngày càng trở nên “ngôi làng hoàn vũ”

Cộng đoàn hoàn vũ cuả chúng ta phong phú trong tính đa dạng văn hóa. Hội Thánh đang khi ấp ủ mọi dân nước và văn hóa, cũng mang trong mình những hình thức biểu lộ đức tin từ các văn hóa khác nhau. Văn hóa đề cập đến dân tộc tính và phong tục tập quán của họ. Văn hóa cũng có thể là cách biểu lộ một miền đặc biệt nào đó của một quốc gia. Chẳng hạn, tôi cho văn hóa trên vùng Bắc Hoa kỳ khác với văn hóa ở đây tại California. Văn hóa của chúng ta ở vùng duyên hải miền Tây khác với văn hóa ở vùng duyên hải miền đông Hoa Kỳ. Các bạn là những linh mục Việt Nam đến từ một đất nước phong phú về văn hóa và truyền thống. Các bạn đã mang văn hóa đó đến Hoa Kỳ trong cộng đoàn đức tin của các bạn. Cá nhân tôi kinh nghiệm được sự phong phú của văn hóa đó hằng năm khi tôi đến cử hành lễ Thánh Gia với cộng đoàn Việt Nam ở Spokane. Tất cả từ thực phẩm, lòng sùng kính, âm nhạc, và vũ điệu đều là một phần di sản toát ra từ văn hóa của các bạn.

Chúng ta biết rõ văn hóa không bao giờ bị tù đọng, không bao giờ cứng ngắt, văn hóa luôn năng động, luôn biến đổi, đặc biệt văn hóa ngày nay đầy ắp với rất nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau. Với tư cách là linh mục trong Giáo Hội, các bạn có cơ may tuyệt vời để giúp kẻ khác nối kếp nhịp cầu văn hóa với nhau. Các bạn đến đây đương nhiên phải biết đến văn hóa Hoa Kỳ. Thêm vào đó, sự hiện diện của các bạn ở đây giúp cho dân chúng biết đến sự phong phú của truyền thống các bạn.

May mắn thay, chúng ta đã có được một chân nhận sâu xa về giá trị văn hóa tại Hoa Kỳ này. Những thập niên vừa qua, chúng tôi hãnh diện rằng chúng tôi là melting pot (tụ điểm hòa tan) của các sắc dân trên cộng đồng thế giới. Dần dần, Giáo Hội chúng tôi ý thức được rằng nếu các sắc dân đến với nhau như một tụ điểm hòa tan, thì những cá tính và thể cách đa dạng của họ sẽ bị biết mất đi trong việc hòa tan với nhau đó. Quả thực, chúng tôi đã có vài kinh nghiệm thật đau thương, chẳng hạn, chúng tôi đã áp đặt văn hóa Anglo (người Da Trắng) trên dân bản xứ. Chúng tôi đã chế diễu y phục, ngôn ngữ, và cách làm việc của họ.

Ngày nay chúng ta ý thức rõ hơn rằng việc trộn lẫn các sắc dân với nhau tựa như món lẫu, hoặc như món xà lách trên bàn. Mỗi loại rau có đặc tính riêng, nhưng nó làm tăng hương vị cho toàn thể. Chẳng phải là thật tuyệt sao nếu chúng ta có thể sống thực tại đó trong Hội Thánh một cách sinh động!

Đang khi chúng ta bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba này, một thời điểm học hỏi tạo cho chúng ta cơ hội thăng tiến thêm tinh thần niềm nở chào đón mà chúng ta như là Hội Thánh được gọi mời để đạt đến. Trong một thư mục vụ mới đây, “Sự chào đón khách lạ giữa chúng ta: Hiệp nhất và đa dạng”, các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ kêu mời chúng ta “cống hiến một sự chào đón chân tình và thích hợp, chia sẻ đồng bàn như là anh chị em với nhau, cùng sát cánh làm việc để cải tiến phẩm chất cuộc sống của những thành phầm bên lề xã hội”. Một trong những hình ảnh sắc sảo gần đây sử dụng trong Hội Thánh ngày càng nhiều đó là hình ảnh về một chỗ trong bàn ăn. Chúng ta là một Hội Thánh của lòng hiếu khách, một tâm hồn ấm áp, một biểu lộ sống thực của tình quí mến và trân trọng từng con người và từng văn hóa.

Thẳng thắn mà nói, dân chúng nói chung không luôn chấp nhận tính đa dạng của văn hóa, đặc biệt là về ngôn ngữ, ngay cả trong Hội Thánh riêng của chúng ta. Ngôn ngữ có âm sắc đặc thù của anh em có thể bị phê bình chỉ trích hoặc bị khước từ. Thái độ yêu sách rằng:

“ Các bạn chỉ trở nên một trong chúng tôi khi các bạn giống y như chúng tôi”, nói lên con tim mù quáng, thiếu tôn trọng sự đa dạng trong Hội Thánh chúng ta cũng như trong gia đình nhân loại. Những thái độ khước từ, phê bình chỉ trích, hạ giá nhân phẩm như thế không dễ chấp nghiệm được, cũng như không dễ gì khi vác thập giá của Đức Kitô. Chúng ta không bao giờ biết được là Chúa Giêsu dùng chúng ta cách nào để trở nên những dụng cụ giúp phát triển, làm tăng lòng quí chuộng, hoặc thách đố cho những tâm hồn đã khép kín.

Truyền thống của Hội Thánh chúng ta thật rõ ràng, và lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng không mập mờ. Sự biểu lộ văn hóa làm phong phú đời sống và giúp bày tỏ đức tin trong thế giới tân tiến của chúng ta. Tôi thường nghe người Anglo trên đất Hoa Kỳ tâm sự là họ xúc động và cảm hứng biết bao khi thấy cộng đoàn người Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha) cử hành lễ Đức Mẹ Guadalupe thật nồng nhiệt và hân hoan. Họ thán phục về sự sốt sắng và dấn thân xâu xa đó, để thật sự biến ngày này thành một ngày cử hành và tưởng niệm. Các bạn cũng thế, trong văn hóa Việt Nam các bạn cũng có những ngày đặc biệt để cử hành và tưởng niệm như thế.

Trong thư mục vụ “Sự hiện diện của người gốc Châu Á và Thái Bình Dương: Hòa hợp trong đức tin,” các Giám Mục Hoa Kỳ trích lời Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II: “Bài thử nghiệm của hội nhập văn hóa thực sự là dân chúng có trở nên dấn thân hơn cho đức tin Kitô giáo hay không, vì họ nhận biết đức tin rõ ràng hơn qua nhãn quan văn hóa riêng của họ. [Hơn nữa,] qua việc hội nhập văn hóa, phần Hội Thánh, Hội Thánh sẽ trở nên một dấu chỉ dễ hiểu hơn về Hội Thánh là gì, và trở nên một dụng cụ hữu hiệu hơn cho việc truyền giáo.”

IV. Tu Đức là Ðá Tảng cho Mục Vụ Của Chúng Ta

Chúng ta sống trong một thế giới đầy hình ảnh và áp lực văn hóa. Ngành truyền thông quảng cáo thường xuyên khêu dậy nơi trái tim con người những giá trị lệch lạc. Một khuôn mặt hoàn mỹ, một nước da, màu tóc tuyệt hảo, hay một phương thuốc giảm đau cấp kỳ là những thí dụ thường thấy được cổ động ào ạt như chúng ta biết quá rõ. Giữa lòng cái thế giới phức tạp này, công tác mục vụ của chúng ta hẳn cũng hết sức phức tạp trong đó chúng ta dấn thân phục vụ dân Chúa trong tư cách linh mục, chúng ta cần bám chặt vào tương quan với Chúa Giêsu. Chúng ta thường xuyên phải làm mục vụ trong một thời biểu rất bận rộn với nhu cầu rất lớn vì thời gian phải hiện diện bên người khác. Dù vậy, chúng ta vẫn nhất thiết phải dành thời gian để hiện diện với Chúa trong tinh thần cầu nguyện.

Cách đây ít năm, tôi nhớ có nghe một Cha giảng phòng nói rằng chúng ta sẽ không thành công khi cố gắng gói ghém việc cầu nguyện của mình vào trong thời biểu của một ngày. Mà ngược lại, chúng ta nên gói ghém thời biểu trong ngày vào trong quĩ đạo của cầu nguyện. Một nỗ lực như thế đòi hỏi sự quyết tâm và kỷ luật. Ðối với cá nhân tôi, điều này có nghĩa cụ thể là luôn dành riêng những giờ phút đầu ngày cho cầu nguyện. Mỗi ngày tôi cố dành ít là một giờ để chầu Thánh Thể. Phải thú nhận rằng đó là một lý tưởng không phải lúc nào cũng khả thi, nên đôi khi tôi phải làm cách khác như cầu nguyện trên xe hơi mà không mở radio, hoặc khi ngồi trên máy bay, tôi nhắm mắt lại và tập trung tinh thần nghĩ về Chúa. Ngay cả khi nhìn ra ngoài khung cửa sổ trên phi cơ, vẻ đẹp của mặt đất bên dưới cũng có thể khơi lên nhũng cảm nghĩ sâu xa về công trình sáng tạo của Chúa.

Một trong những khía cạnh đáng chú ý là người ta sẽ nhận ra ngay một con người năng cầu nguyện. Gần đây tôi có đọc thấy một giáo dân nhận xét như thế này, “Cho tôi nghe một linh mục giảng 10 phút thôi, tôi sẽ nói cho bạn biết vị ấy có cầu nguyện hay không!” Cầu nguyện kiên trì và một tâm hồn suy niệm không thể nào không lưu lại dấu ấn rõ nét nơi chúng ta.

Đường tu đức cũng đưa chúng ta đến một tâm thức khiêm nhu trong tương giao với tha nhân. Là linh mục, chúng ta có chỗ danh dự là Chủ Tế Bàn Tiệc Thánh Thể, là người lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ. Điều này có lẽ còn đúng hơn nữa với giám mục chúng tôi. Nhưng cái nguy là chúng ta xem sự tự quan trọng hóa này như một phần căn tính của mình và một phần trong cung cách ứng xử với người khác. Chúng ta là tôi tớ của Chúa. Chúng ta được kêu gọi trở nên những Gioan Tiền Hô mới cho thời đại hôm nay. Chúng ta biết Thánh Gioan nghĩ gì khi Ngài nói “Người phải lớn lên và tôi phải nhỏ đi”. Một sự ngạo mạn hay kiêu hãnh quá độ sẽ bị người khác thấy rất nhanh và gây ấn tượng rất xấu về tư cách của chúng ta. Là linh mục, chúng ta cần hiểu thấu sức mạnh của phục vụ và hơn nữa sức mạnh của đức khiêm nhường trong đời sống của mình.

Một lối sống giản dị đi kèm với đức khiêm nhu là chứng tá sinh động của “tinh thần nghèo khó”. Chúng ta đang sống trong một xứ sở quá đầy đủ. Bước chân vào bất cứ siêu thị hay tiệm Circuit City nào, anh em thấy biết bao nhiêu là sản phẩm. Thường căn tính của người ta được gói gọn trong những gì họ có. Tôi nhớ cách đây ít năm, Ðức Cha Thomas Murphy, cựu tổng giám mục Seattle, có nói thế này khi ngài còn đứng đầu ban Ủy Ban Quản Trị của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Tôi sở hữu cái gì, và cái gì sở hữu tôi?” Ðây là một câu hỏi rất hay. Tôi phải tự hỏi mình có luôn luôn chạy theo những hàng hóa mới nhất, những đồ dùng sang nhất, những tiệm ăn ngon nhất, những y phục đắt giá nhất hay không? Theo gương mẫu Thầy Giêsu, đáng lẽ chúng ta phải có tâm tình đơn sơ và quảng đại với những gì mình có hay nhận được. Kho tàng của ta trong đời không gì hơn là quan hệ ta có với Chúa và với người anh chị em chúng ta phục vụ. Hãy luôn nhớ lời Chúa: “Của cải ở đâu thì lòng trí ở đó”. Người ta sẽ thấy rõ và thấy ngay lòng trí chúng ta ở nơi đâu. Tính tự yêu mình quá đáng đi ngược hẳn Phúc Âm và không thể là chứng từ khả tín của đời linh mục.

Như tôi đã nói ở phần trên, chúng ta đang trải qua những “ngày không bình thường” trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi ta vác thập giá mỗi ngày. Thập giá thì không dễ vác đâu, nhưng nó đem lại sự sống, bắt chúng ta nhận ra mình hèn mọn, nhưng đồng thời lại tràn ngập niềm vui. Từ nhiều năm nay, tôi đã đọc đi đọc lại phần mở đầu thư Thánh Giacôbê “Anh em hãy hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều”. Thập giá của Chúa sẽ luôn có trước mặt khi chúng ta sống đời mục vụ tín trung với Người. Bằng nhiều cách huyền nhiệm và mãnh liệt, Thập giá khi được sống trong cuộc đời mình sẽ qui hướng chúng ta về Chúa Kitô. Ước gì anh em và tôi, chúng ta hãy ôm lấy thập giá của đời mình với tâm tình tri ân cảm tạ.

Internet (mạng lưới điện toán) đem lại nhiều cơ hội tuyệt vời cho chúng ta học hỏi và phát triển bản thân. Ngày càng có nhiều websites hỗ trợ chúng ta soạn bài giảng, giúp chúng ta tìm hiểu thêm về Giáo Hội, và là một phương thế giao tiếp tiện lợi với bạn hữu, gia quyến, và người thân. Tuy nhiên, nói như thế rồi, tôi tha thiết khuyên các bạn hãy hết sức cẩn thận kẻo bị nghiện những hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Trong các trung tâm cai nghiện cho linh mục tu sĩ hiện nay, chứng nghiện hình ảnh dâm ô qua mạng là một trong những chứng nghiện khó chữa trị nhất. Ðứng trước thảm trạng lạm dụng tình dục trên quốc gia của chúng ta và một vài câu chuyện đang tiếp tục phơi bày trong lãnh vực này, chúng ta biết rằng việc chìu theo sự cám dỗ của sự lôi cuốn đầy tính phá hoại này dễ dàng như thế nào.

Cuối cùng, bàn về tu đức, tôi muốn nói về trách nhiệm đối với thể xác của mình. Nghỉ ngơi và thể dục rất quan trọng cho đời sống mục vụ quân bình. Anh em hẳn còn nhớ câu cách ngôn “Ân sủng được xây trên tự nhiên”. Nghỉ ngơi và thể dục giúp chúng ta giữ sức và giữ cả sự hăng say trong mục vụ. Tôi khuyến khích anh em nên vun trồng nhiều sở thích rộng rãi. Có biết bao nhiêu lãnh vực mà ta có thể học hỏi và có khả năng đem lại sức sống trong tâm trí, giúp chúng ta tái khám phá lại chính mình và thế giới chung quanh. Lấy ví dụ, tôi thấy thiên văn học mở ra cả một thế giới diệu kỳ với bao phát hiện mới mẻ khơi lên niềm cảm kích sâu xa về huyền nhiệm của vũ trụ. Ngày nào tôi cũng lên website nơi mỗi ngày họ trưng lên những hình ảnh một dải thiên hà mới chụp được qua viễn vọng kính. Tôi thích vô tuyến truyền thông (Ham Radio) và thích nuôi ong. Tôi thấy ong là một loài vật diệu kỳ. Chơi radio giúp tôi tiếp xúc với nhiều người trên hoàn vũ, đa số tôi sẽ không bao giờ gặp mặt nhưng vẫn nối kết được một mối tương giao dù ngắn ngủi đến đâu đối với họ. Thú tiêu khiển có thể làm cho chúng ta trẻ lại và tươi mát.

V. Tương Quan Và Mục Vụ

Trong việc mục vụ của Chúa Giêsu, Ngài đã hướng dẫn làm thế nào để có quan hệ tốt với những người khác. Ngài đã đến với các thánh và những người tội lỗi, với những người hay giận dữ, và những người bị thương tổn, với những người chỉ trích Ngài và những người đã giết Ngài. Sứ vụ của Chúa Giêsu, được diễn tả trong và qua chúng ta, cho chúng ta một dịp để yêu mến mọi người. Đó là một trong những vai trò lớn lao của chúng ta trong đời sống linh mục: Yêu thương người láng giềng, yêu thương nhau, yêu thương những người không thích chúng ta, hay ngay cả những người thù ghét chúng ta. Các linh mục có một cơ hội lớn lao để diễn tả tình yêu này cho tất cả mọi người. Tôi thường hay ngạc nhiên vì sao những người nhìn thấy tôi mặc áo đen cổ trắng hầu như một cách tự động mong muốn đến với tôi. Họ có quyền mong muốn như vậy. Điều này bao gồm cả những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người sống trên vĩa hè, những người đang phấn đấu với chính những đau khổ và tội lỗi của họ. Chúng ta yêu thương hết mọi người.

Chúng ta cũng phải hỏi chính chúng ta, giữa anh em linh mục với nhau, chúng ta yêu thương nhau thế nào? Nếu tôi ghen tương với một người anh em linh mục vì họ có chức vụ tốt hơn tôi trong việc mục vụ, tôi có còn yêu thương người đó không? Sự ganh tị và ghen tương làm giảm nhân cách của chúng ta, vì chúng mâu thuẫn với vai trò chứng nhân của chúng ta về cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúng ta phải nâng đỡ nhau và giúp mỗi anh em linh mục để trở thành một linh mục tốt nhất có thể, bất chấp chức vụ, tài năng hoặc thiếu tài năng của người đó. Làm thế nào tôi có thể yêu thương người anh em đó để đời họ trở nên sung mãn hơn và trở nên quà tốt hơn mà Chúa ban cho họ? Phương thức này cần một khả năng đặc biệt và một đường tu đức thâm sâu.

Trong những năm vừa qua, các quan hệ giữa hàng giám mục và hàng linh mục gặp nhiều khó khăn. Các giám mục chúng tôi phải làm việc cực nhọc để xây dựng lại tình huynh đệ với các linh mục mà chúng tôi phục vụ. Chúng ta là anh em với nhau trong mục vụ linh mục của chúng ta. Tôi khuyến khích các linh mục đi bước trước trong quan hệ với vị giám mục của mình. Chúng ta là con người; và mỗi vị giám mục cũng phải phấn đấu với sự thách đố của ngài để nên thánh, giống như thách đố mỗi linh mục và mỗi người mà chúng ta phục vụ.

Chắc qúi cha biết câu chuyện xưa về một linh mục hay vui vẻ lập lại câu nói sau: “Đức cha đã chết rồi!” Mong rằng chúng ta cùng nhau quan tâm đến những sở thích của nhau và thật sự nhìn nhận và quí mến nhau như anh em.

Quan hệ của chúng ta với những người khác mời gọi chúng ta thận trọng về những ranh giới cần thiết đem lại cho họ sự bảo vệ và một cách thế giúp họ phát triển trong sự tốt lành và trong đường tu đức của họ. Chúng ta cần hết sức thận trọng về những ranh giới thể xác với người khác để khỏi việc vi phạm giới răn của Chúa về việc tôn trọng nhân phẩm con người và tính dục nơi mỗi chúng ta. Đau thương thay, từ kinh nghiệm đắng cay trong Giáo Hội trong vài năm qua, chúng ta học biết về những ranh giới đã bị vi phạm, những thiệt hại đau thương gây cho các nạn nhân của việc lạm dụng tình dục và hạ giá nhân phẩm của những người lạm dụng.

Không kém phần quan trọng, chúng ta cần phải thành thực và thẳng thắn về những ranh giới tình cảm mà chúng ta phải có với những người khác. Những người đến với chúng ta thường là những người dễ bị thương tổn và cần được giúp đỡ. Nếu chúng ta không được trưởng thành về nhân cách và tính dục, khi đó chúng ta phục vụ họ với cơ nguy. Chúng ta phải thành thực hết sức về động lực của chúng ta và hết sức thận trọng để chúng ta không cho phép chúng ta bị khuynh đảo hay bị kiềm chế bởi chính sự lừa dối của chính mình. Mỗi người chúng ta phục vụ đều mang hình ảnh của Chúa Giêsu. Chúng ta phải sống những ranh giới của chúng ta với trách nhiệm và lòng tôn trọng sâu xa đối với người khác.

Trong lãnh vực tôn trọng nhau, chúng ta cũng phải để ý đến sự tôn trọng nữ giới. Tôi không biết nhiều về văn hóa Việt Nam của qúi cha về cách đối xử với nữ giới và việc đón nhận ân điển của họ. Chúng ta phải cẩn thận về việc dùng họ như đồ vật để kiềm chế họ hay tìm kiếm khoái lạc. Chúng ta có thể lạm dụng người khác bằng cả thể xác và tâm hồn. Chúa Giêsu rất rõ ràng về việc này khi Ngài bảo chúng ta: “Bất cứ ai nhìn một người đàn bà và muốn phạm tội với họ thì đã phạm tội ngoại tình với người đó trong tư tưởng của mình.” (Mt 5:28).

Đặc biệt ngày nay với những phụ nữ bị lạm dụng bởi quyền lực của nam giới, linh mục chúng ta có một cơ hội đặc biệt liên hệ với họ bằng cách không làm giảm bớt nhân phẩm nhưng xây dựng lại ý thức về giá trị bản thân và nhân phẩm của họ. Chúng ta hoặc phải tôn trọng họ, hoặc chúng ta sẽ làm giảm hiệu quả của việc mục vụ của chúng ta một cách lớn lao ! Họ là những người cộng tác đáng giá trong việc làm chứng nhân cho Tin Mừng, những chứng nhân sống động của niềm tin. Không lẽ chúng ta không nhận ra nữ giới là những người chính yếu loan báo niềm tin trong xã hội chúng ta sao? Chính mẹ của tôi đã củng cố món quà niềm tin ấy trong tôi.

Cuối cùng, trong những quan hệ của chúng ta, một trong những thay đổi lớn lao đang xảy ra ở Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới, là việc giáo dục của giáo dân nói chung. Thời gian mà chỉ các linh mục là những người có trình độ trong cộng đoàn không còn nữa. Rất nhiều giáo dân ngày nay có trình độ giáo dục cao, nhiều khi bằng chúng ta nếu không cao hơn chúng ta. Chúng ta có những cơ hội hiếm có để dùng những món quà đó trong phục vụ để xây dựng Hội Thánh và Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Một cách thẳng thắn, trong việc mục vụ giám mục của tôi, tôi không có thể bắt đầu làm việc tốt nếu không có giáo dân. Sự khôn ngoan và lòng sốt sắng phục vụ Hội Thánh một cách quảng đại của họ, đã và đang là một nguồn khích lệ và biết ơn của tôi. Thỉnh thoảng, chúng ta gặp cám dỗ muốn kiềm chế kiểm soát người khác hay chỉ thích làm việc một mình. Kiềm chế người khác là sai trái và làm giảm nhân phẩm của họ. Mặc dù việc sử dụng những tài năng của giáo dân đòi hỏi nhiều khó khăn, các linh mục chúng ta có thể dùng những tài năng của giáo dân để làm cho giáo xứ hay cộng đoàn được sống động hơn, hăng say hơn và phát triển hơn. Tinh thần kiềm chế phục vụ cho chính nhu cầu của tôi hơn là của giáo xứ hay cộng đoàn. Tôi thách đố qúi cha cũng như tôi thách đố chính tôi để trở thành một linh mục biết hợp tác trong việc phục vụ Dân Chúa. Xin hãy để tài năng của giáo dân được bộc lộ trong giáo xứ hay cộng đoàn mà qúi cha đang phục vụ.

Một số giáo dân hôm nay kêu gọi “dân chủ hóa” trong tương quan giữa họ với linh mục. Tôi xin được đề nghị vài điểm về vấn đề này, các cha nên:

  • - lắng nghe với lòng kính trọng
  • - mở rộng nhãn quan của họ về sinh hoạt của Hội Thánh
  • - mời gọi họ tham gia vào việc tìm giải pháp và đường hướng cho tương lai
  • - xác nhận mối quan tâm và thiện ý của họ
  • - và nhất là phải kiên nhẫn, kiên nhẫn, và kiên nhẫn.
VI. Những đòi hỏi của đời sống mục vụ

Mục vụ linh mục hôm nay ngày càng trở nên phức tạp. Kỳ vọng của dân chúng trong các cộng đồng đức tin tăng cao. Giáo hữu có lý để đòi hỏi chúng ta phải trung thành với vai trò Chủ Sự một cộng đồng đức tin, họ mong ước chúng ta trở nên một người thánh thiện và là người yêu thương hết mọi người. Ða số việc mục vụ của chúng ta nằm trong mục vụ bằng hiện diện. Muc vụ hiện diện này đòi hỏi chúng ta rất nhiều thời gian và nghị lực. Nhưng nó cũng là một mục vụ có ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Thăm viếng nhà thương, thăm viếng những người đang đau khổ vì chứng bệnh nan y, hay có người chết trong gia đình, hoặc thăm viếng những người gặp những thảm họa khốc hại trong đời sống của họ, đều là những cơ hội để chúng ta hiện diện với tha nhân. Thêm vào đó, việc điều hành giáo xứ thường rất nhiều, cũng đòi hỏi sự hiện diện của chúng ta. Chúng ta cần phải là người đến trước nhất, và về sau hết.

Tôi nhớ hồi mấy năm trước có người gọi tôi về khuya, lúc tôi vừa sắp sửa đi ngủ. Hôm ấy, tôi đã trải qua một ngày dài mệt nhọc, nhưng người gọi tôi đang có một nhu cầu gần như tuyệt vọng. Sau một cuộc đàm thoại dài, tôi gác điện thoại và lên giường, thầm ước rằng giá ông ta gọi vào một lúc khác! Mấy ngày sau đó, tôi nhận được tấm thiệp của người ấy ngỏ lời cám ơn và nói rõ họ biết đêm ấy tôi rất mỏi mệt. Tôi cảm thấy áy náy vì cái khó tính đó của tôi. Đó chỉ là một biến cố trong đời sống của tôi, nhưng chúng ta ai cũng thường gặp chúng nhiều lần. Tôi hay nhớ lại quang cảnh của Chúa Giêsu sau một ngày dài mệt nhọc, có mấy phụ huynh đem các con em của họ đến gặp Ngài. Các tông đồ khó chịu với những phụ huynh ấy, nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Hãy để các con trẻ đến cùng ta.” Mong rằng thái độ đó cũng là dấu chỉ của tinh thần mục vụ của chúng ta.

Ngày nay, việc mục vụ của linh mục càng trở nên phức tạp vì số linh mục thì sút giảm, mà nhu cầu mục vụ lại càng gia tăng. Trước thực tế ấy, chúng ta càng bị thách đố nhiều hơn trong việc giữ thứ tự ưu tiên, không để cho công việc chồng chất đốt cháy chúng ta, hoặc làm giảm đi sự hăng say và lòng nhiệt thành trong sinh hoạt mục vụ của mình. Cha Ronald Rolheiser, OMI, một trong các tác giả tu đức nổi tiếng ngày nay, có nói đến sự cần thiết phải hòa hợp đức khôn ngoan với lửa nhiệt thành. Đôi khi có người đầy nhiệt huyết, nhưng thiếu khôn ngoan; hay ngược lại có người có nhiều khôn ngoan mà lại thiếu nhiệt thành. Ngài nói ít khi có người giữ được quân bình giữa hai thiện tính đó. Mặc dầu thời biểu bề bộn, chúng ta vẫn có thể là những linh mục rất năng động nếu chúng ta quân bình đời sống chúng ta với cầu nguyện, mục vụ, nghỉ ngơi và thư giãn.

Chúng ta là tôi tớ của Chúa. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thầy đến không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ.” Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh thực tế này với chúng ta, rằng quả thật tinh thần phục vụ trong yêu thương tự nó có một sức mạnh nhân chứng hào hùng. Chúng ta đến đây để phục vụ tha nhân, chứ không phải để chú tâm vào mình trước nhất. Trong xã hội tha hoá đa dạng hôm nay, là linh mục, chúng ta có cơ hội đặc biệt để làm thừa tác cho hiệp nhất và hòa giải. Tại Hoa Kỳ, chúng ta đang phải đương đầu nặng nề với những giận dữ và đổ vỡ liên hệ giữa rất nhiều người; là linh mục, chúng ta có nhiệm vụ không ngừng kêu gọi sự tha thứ, lòng yêu mến tha nhân, và tinh thần hoà giải. Chúng ta phải là những người mang lại bình an và xây dựng thuận hòa. Trong chuyến thăm viếng miền Coventry, Anh Quốc, ít năm trước đây, Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolo II đã gợi cảm rằng sự hoà thuận được xây dựng như một nhà thờ chánh toà đẹp đẽ khang trang. Tôi rất thích hình ảnh đó. Chúng ta phải sẵn sàng xây đắp sự thuận hoà một cách kiên nhẫn, cẩn trọng với đầy hy vọng.

Sau hết, nói đến mục vụ linh mục, chúng ta không thể quên hồng ân đặc biệt chúng ta có, là được cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, một cách cung kính và mến yêu. Phụng vụ Thánh Thể (Thánh Lễ) là cơ hội chúng ta giao tiếp với dân Chúa mỗi cuối tuần. Giảng dạy cẩn thận và cử hành cung kính rất là quan trọng. Hai việc đó cũng rất hiệu lực trong việc cũng cố lòng dân và giúp họ giao tiếp với Chúa và với Cộng Đoàn đức tin, hầu thăng tiến đời sống của chính họ.

Chúng ta phải không ngừng thăng tiến vai trò và phẩm chất của người cử hành (chủ sự) các Bí Tích và rao truyền lời Chúa. Truyền thống cử hành Bí Tích của chúng ta là một kho tàng rất qúy báu, chúng ta không thể để việc cử hành (Bí Tích) bị giảm giá trị do sự luộm thuộm, không chuẩn bị, hoặc cử hành cách nguội lạnh.

VII. Linh mục của Niềm vui và Hy Vọng

Chúng ta, những linh mục đang sống giữa một xã hội bất hoà, tha hoá và tan vỡ. Chúng ta đang sống giữa thời đại đen tối và bạo động. Thập giá Chúa Giêsu như đã nghiệm thức qua đời sống nhân loại thật quá hiển nhiên. Tuy nhiên, chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ trưóc khi Người chiụ chết: “Các điều ấy Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Gioan 15:11).Niềm vui gắn liền với đời sống linh mục chúng ta. Đức Hồng Y Martini, cựu Tổng Giám Mục Milan đã từng nói: “Niềm vui là mẹ của đối thoại truyền thông”. Một linh mục đầy vui tươi giúp cho tha nhân vui lây và là dấu chỉ duy trì sức sống quân bình ngay cả trong những nghiệt ngã và thử thách, trong khi tất cả chúng ta đang hành trình hướng về nguồn sung mãn của Nước Thiên Chúa. Một linh mục đầy vui tươi như thế thật sự là ánh sáng cho trần gian và muối cho thế giới.

Là linh mục, chắc chắn chúng ta biết Thiên Chúa hằng ân cần săn sóc chúng ta. Chúng ta được kêu mời trở nên những linh mục của niềm Hy Vọng khi chúng ta hướng về tương lai. Chúng ta đương đầu với nhiều thử thách văn hóa giữa thế tục nơi chúng ta đang sống. Chúng ta không có tất cả những câu trả lời và có lẽ cũng không đặt ngay cả những câu hỏi đúng. Nhưng chúng ta được kêu gọi để trở nên người của niềm Hy Vọng, những ngưòi biết đặt trọn niềm cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi chúng ta nhìn về tương lai, chúng ta không rõ đường nào chắc chắn bảo đảm ngoại trừ con đường của Chúa Giêsu. Chúng ta tin tưởng nơi Chúa Thánh Linh hướng dẫn, Đấng hằng dạy dỗ chúng ta và đánh động chúng ta. Như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Nếu thấy được đối tượng của niềm hy vọng, thì làm sao chúng ta có thể là những người tràn đầy hy vọng?

Chúng ta là các linh mục của Chúa. Chúng ta đã được chúc phúc, thế nhưng chúng ta vẫn sẵn có trước mặt nhiều thách đố lớn lao cũng như nhiều cơ hội thuận tiện. Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Thánh Linh đang hướng dẫn chúng ta. Chúng ta được tràn đầy hy vọng và tràn ngập hân hoan. Một cách chắn chắn, Thánh Linh Thiên Chúa sẽ tiếp tục hoạt động giữa những người mà chúng ta phục vụ. Lời hứa của Thiên Chúa sẽ được hoàn tất. Chúng ta vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa!