Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng 9 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và cám ơn các ân nhân đã tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô.
Trong số 1,500 người hiện diện tại buổi tiếp kiến có phái đoàn tỉnh Trento bắc Italia và nước Malta cùng với một số em bé đã thực hiện các quả châu trang trí cây thông. Trong đoàn Trento cũng có những người thuộc Hiệp hội rừng Logorai đã dành cây thông đỏ cao 25 mét, 90 tuổi, cho Tòa Thánh và nhiều cây thông nhỏ khác để trang trí ở nội thành Vatican.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến hang đá máng có do nghệ sĩ Manwel Grech người Malta thực hiện, diễn tả phong cảnh Mata và được bổ túc bằng thánh giá truyền thống của Malta cũng như con thuyền luzzu tiêu biểu của nước này, nhắc nhớ thực tại di dân đau thương trên những con thuyền vượt biên sang Italia, gợi lại cuộc tị nạn của hài nhi Giêsu.
Đức Thánh Cha nói rằng: “Những người viếng hang đá này sẽ được mời gọi tái khám phá giá trị biểu tượng của tác phẩm, là một sứ điệp huynh đệ, chia sẻ, đón tiếp và liên đới. Cả các hang đá được trưng bày tại các nhà thờ, các tư gia và bao nhiêu nơi công cộng cũng là một lời mời gọi dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong xã hội, vị Thiên Chúa ẩn nấp trong khuôn mặt của bao nhiêu người ở trong tình cảnh cơ cực, nghèo đói và sầu muộn'.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến ý nghĩa cây thông giáng sinh, với quang cảnh tươi đẹp “là một lời mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa và tôn trọng thiên nhiên, là công trình của tay Chúa. Tất cả chúng ta được kêu gọi đến gần thiên nhiên trong tâm tình kinh ngạc chiêm ngưỡng”.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “hang đá và cây thông họp thành một sứ điệp hy vọng và yêu thương, giúp kiến tạo bầu không khí giáng sinh thuận lợi để sống trong niềm tin mầu nhiệm giáng trần của Đấng Cứu Thế, đến trần gian trong sự đơn sơ và dịu dàng.”
Tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều 9 tháng 12, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô và được trưng bày cho đến ngày 8 tháng Giêng, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, kết thúc mùa Giáng Sinh.
2. Nhà lãnh đạo Opus Dei qua đời
Đức Cha Javier Echevarria Rodriguez của Opus Dei đã qua đời vào hôm thứ Hai 12 tháng 12, 2016 đúng ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe. Ngài thọ 84 tuổi.
Đức Cha Echevarría là nhà lãnh đạo của tổ chức Opus Dei (tiếng La Tinh có nghĩa là Công Trình của Chúa). Ngài cũng là Hiệu Trưởng Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá tại Rôma.
Trong thông cáo báo chí, Opus Dei cho biết ngài đã qua đời tại khu học xá Y Sinh học ở Rôma, nơi ngài đã nhập viện hôm 05 tháng 12 để điều trị nhiễm trùng phổi.
Opus Dei được thành lập vào năm 1928 bởi Thánh Josemaria Escriva. Theo thống kê năm 2015, trên toàn thế giới Opus Dei có khoảng 94,000 thành viên, trong đó có hơn 2,000 linh mục.
Sau khi Thánh Josemaria Escriva, đấng sáng lập ra Opus Dei, qua đời vào năm 1975, Opus Dei được lãnh đạo bởi Chân Phước Álvaro del Portillo. Đức Cha Echevarría là vị kế nhiệm thứ hai. Ngài lãnh đạo Opus Dei từ năm 1994 sau khi Đức Cha Álvaro del Portillo qua đời và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Giám Mục vào năm 1995.
Phương châm của Opus Dei là mọi người đều được mời gọi để nên thánh và cuộc sống đời thường là một con đường để đạt tới sự thánh thiện. Sứ mệnh của tổ chức Opus Dei là truyền bá thông điệp theo đó công việc và mọi hoàn cảnh sống bình thường đều là những cơ hội để trở nên gắn bó hơn với Thiên Chúa, để phục vụ tha nhân, và để cải thiện xã hội. Do đó, đa số thành viên của Opus Dei là giáo dân.
Opus Dei được Đức Giáo Hoàng Piô XII công nhận vào năm 1950. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được xem là vị Giáo Hoàng nồng nhiệt ủng hộ Opus Dei. Năm 1982, ngài ban cấp cho Opus Dei tư cách giáo hạt tòng nhân, tức là, Opus Dei được cai quản bởi một Giám Mục, và thẩm quyền của vị giám mục Opus Dei sẽ bao quát mọi thành viên bất chấp địa điểm họ đang sinh sống, điều này khác với các giáo phận tòng thổ (được giới hạn theo phạm vi địa lý). Cha tổng quyền Álvaro del Portillo là vị Giám Quản đầu tiên của Opus Dei. Năm 1991, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Giám Mục cho ngài.
Opus Dei bổ sung cho hoạt động của Giáo Hội địa phương bằng cách tổ chức các lớp học, các buổi mạn đàm, những buổi sinh hoạt chuyên đề và sự chăm lo mục vụ nhằm giúp mọi người phát huy đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ của mình.
3. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ đau buồn trước hàng loạt các vụ khủng bố trên thế giới
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của nhiều vụ tấn công khủng bố xảy ra chỉ vài giờ trước khi buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 12.
Tại Ai Cập, một quả bom phát nổ bên ngoài Nhà thờ Chính tòa Thánh Máccô của Chính Thống Giáo Coptic ở ngay thủ đô Cairo đã làm thiệt mạng ít nhất 25 người vào sáng Chúa Nhật.
Trong khi đó, cũng vào sáng Chúa Nhật tại Somalia, một kẻ đánh bom tự sát đã giết chết hàng chục người ở Mogadishu.
Một ngày trước đó, vào tối thứ Bảy 10 tháng 12, ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong hai vụ nổ bom bên ngoài sân vận động túc cầu ở thủ đô Instanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu như sau: “Tất cả hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của một số vụ tấn công khủng bố hãi hùng xảy ra tại các quốc gia khác nhau trong vài giờ qua.”
“Mặc dù các vụ nổ xảy ra ở các nơi khác nhau, nhưng chung qui vào một mối là bạo lực, gieo chết chóc và tàn phá. Chúng ta cũng chỉ có một phản ứng duy nhất là: Tin vào Thiên Chúa và hiệp nhất trong các giá trị nhân bản và văn minh nhân loại”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói them: “Tôi xin bày tỏ sự gần gũi thân tình của tôi với Đức Thượng Phụ Tawadros II và Giáo Hội của Ngài, tôi cầu nguyện cho tất cả những ai bị chết và bị thương”.
4. Đức Hồng Y Turkson đề nghị một cuộc tranh luận cởi mở về Tông Huấn Amoris Laetitia
Đức Hồng Y Peter Turkson đã đề nghị một cuộc tranh luận cởi mở và công khai liên quan đến những giải thích về Tông Huấn Amoris Laetitia. Ngài đưa ra lập trường trên trong phát biểu với tờ National Catholic Register.
Đức Hồng Y Turkson, tân tổng trưởng Thánh Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện nói:
“Liên quan đến tất cả những người đã nói, hay đã viết, trong những ngữ cảnh khác nhau, một điều tuyệt vời có thể xảy ra là quy tụ tất cả họ lại trên một diễn đàn,”.
Nhận xét của Đức Hồng Y được bao gồm trong một tổng kết của tờ National Catholic Register về những nhận xét đa dạng đến mức trái ngược nhau của các giám mục Công Giáo về tài liệu của Đức Thánh Cha Phanxicô.
5. Đức Thánh Cha lên án tình trạng bóp méo thông tin và phỉ báng thả cửa trên các phương tiện truyền thông.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích sự hiểu biết của ngài về khái niệm “Giáo Hội Công Đồng” tiếng Anh gọi là “Synodal Church”, và đưa ra một lời lên án với những ngôn từ mạnh mẽ trước tình trạng bóp méo thông tin và phỉ báng thả cửa trên các phương tiện truyền thông. Ngài đưa ra lập trường trên đây trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Tertio của nước Bỉ.
Trong một cuộc trò chuyện sâu rộng, Đức Thánh Cha đã nói về chủ nghĩa thế tục, chiến tranh, chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo, năm Thánh Lòng Thương Xót, Tông Huấn Amoris Laetitia, và các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngài nói rằng có một vấn đề có thể coi là một đặc trưng cho thời đại chúng ta, đó là sự khô cằn con tim. Ngài gọi hiện tượng này là “cardiosclerosis”.
Trả lời một câu hỏi về tính công đồng - synodality, Đức Thánh Cha giải thích rằng vai trò của Đức Giáo Hoàng là “lắng nghe, hài hoà, và phân biện” ý kiến của các Giáo Hội địa phương. Ngài vạch ra sự tương phản giữa một bên là “Giáo Hội Công đồng” và một bên là “Giáo Hội hình tháp” – “a pyramidal Church”, trong đó những gì các đấng kế vị Thánh Phêrô nói được xem là chung cuộc.
Ngài nói:
“Trong Giáo Hội Công đồng, Đức Giáo Hoàng đồng hành cùng Giáo Hội. Ngài để cho Giáo Hội tăng triển, ngài lắng nghe Giáo Hội, ngài học hỏi từ thực tế này.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn kinh nghiệm của ngài từ Thượng Hội Đồng về gia đình, và lưu ý rằng trong Tông Huấn Amoris Laetitia, ngài đề nghị những gì đã được chấp thuận bởi hơn hai phần ba các nghị phụ tham dự các phiên họp. Theo Đức Thánh Cha, “đây là một sự bảo đảm cho tính toàn vẹn của giáo huấn”.
Phát biểu về các phương tiện truyền thông, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt đến sự nguy hiểm của việc quá tập trung vào những câu chuyện tiêu cực, và đặc biệt là cám dỗ để bôi nhọ các nhân vật có tiếng tăm trong công chúng. Đức Thánh Cha nói: “Các phương tiện truyền thông có thể bị cám dỗ để vu khống, và được sử dụng để vu khống đặc biệt là trong thế giới chính trị”. Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại “sự ham hố một cách bệnh hoạn trong việc truyền bá những chuyện tai tiếng.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh cáo rằng các mưu toan tách tôn giáo ra khỏi đời sống công cộng phản ánh “một suy nghĩ cổ hủ”. Đó là “một di sản của Thời Khai Sáng để lại cho chúng ta.” Theo Đức Thánh Cha “một nhà nước thế tục là một điều tốt; tốt hơn một nhà nước phụ thuộc vào một tôn giáo; vì một nhà nước quốc giáo cuối cùng dẫn đến những tồi tệ. Tuy nhiên, khi một chính phủ đóng mọi cánh cửa với tát cả những gì là siêu việt, nó hạ giá con người.”
6. Đức Thánh Cha kêu gọi các nghệ nhân Kitô hình thành các tác phẩm đẹp như một “tia lửa của niềm hy vọng”
Trong một thông điệp đề ngày 06 tháng 12 gởi đến 11 học viện giáo hoàng vào dịp họp chung cuối năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về vẻ đẹp ở giữa các thành phố.
Phản ánh về chủ đề của cuộc họp “những tia lửa của vẻ đẹp nhằm đem lại một gương mặt nhân bản hơn cho các thành phố của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ một bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 gởi đến các nghệ sĩ vào năm 2009 và nói: “Các giáo xứ trong các khu phố nghèo của chúng ta trong sự đơn sơ của chúng phải là những ốc đảo của vẻ đẹp, hòa bình, và đón tiếp.”
Theo Đức Thánh Cha, các nghệ nhân Kitô giáo được mời gọi “tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đem lại cho chúng ta, trong ngôn ngữ của thẩm mỹ, một dấu chỉ, một tia hy vọng và một sự tin cậy ở những nơi mà con người dường như đang chiều theo sự thờ ơ và xấu xa,”.
Ngài nói thêm:
“Việc chăm sóc cho con người, bắt đầu với những người nhỏ nhất và yếu thế nhất, và cho những quan hệ hàng ngày của họ nhất thiết phải tính đến việc chăm sóc môi trường sống. Những cử chỉ nhỏ, những hành động đơn giản, cũng như những tia lửa nhỏ của cái đẹp và tình yêu có thể chữa lành, và “vá” lại các quan hệ thường bị rách nát và chia cắt giữa con người với nhau, giữa một thành phố và môi trường. Chúng ta cần một sự thay thế cụ thể cho sự thờ ơ và hoài nghi.”
7. Đức Hồng Y Koch nói chúng ta “tưởng niệm” chứ không phải là “ăn mừng” cuộc Cải cách Tin lành
Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói với một tờ báo Công Giáo Pháp rằng chúng ta “tưởng niệm” 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành chứ không phải là “ăn mừng” biến cố này.
Đức Hồng Y Kurt Koch nói với tờ Le Croix rằng: khi “tưởng niệm” cuộc Cải Cách này, “Chúng ta trước hết nhấn mạnh đến lòng biết ơn đối với một lịch sử không chỉ được cấu thành bởi 500 năm xung đột, mà còn được đánh dấu bởi 50 năm cuối cùng của một cuộc đối thoại sâu rộng.”
“Sau đó chúng ta phải làm việc đền tội,” vì cuộc cải cách này “đã không mang lại sự đổi mới Giáo Hội như Luther mong muốn, nhưng chỉ đem lại chia rẽ và các cuộc chiến tranh tôn giáo khủng khiếp, đặc biệt là cuộc chiến tranh Ba mươi năm.” (tại Trung Âu kéo dài từ năm 1618 đến năm 1648).
Đức Hồng Y Koch cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với nhiều diễn biến đại kết trong năm 2016 nhưng ngài nói thêm, “Tôi nhận thấy trong các Giáo Hội Chính thống giáo, đang có sự gia tăng mạnh những phe chống đối hiệp nhất.”
Đức Hồng Y Koch khẳng định sự chống đối hiệp nhất này không đến từ Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của thành Constantinople hay Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, mặc dù Đức Thượng Phụ Kirill thường bày tỏ những lo ngại là Giáo Hội của ngài chia rẽ sâu hơn vì những nỗ lực đại kết.
8. Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới
Trong cuộc họp báo trưa thứ Hai 12-12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Hòa Bình thế giới 1 tháng Giêng năm 2017 với đề tài: “Bất bạo động: một kiểu chính sách hòa bình”.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Hòa Bình thế giới thông thường là nội dung chủ yếu trong cuộc gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh như quý vị và anh chị em đang thấy trong video này.
Đây là Sứ điệp hòa bình thế giới thứ 50 của các vị Giáo Hoàng. Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực “từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều mức độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tại nhiều quốc gia và đại lục, nạn khủng bố, tội phạm, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được..
Đức Thánh Cha xác quyết bạo lực không phải là giải pháp cho thế giới của chúng ta, là một thế giới đang bị tan vỡ thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.
Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và Mẹ nói rằng: “Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau. Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. “Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động kiếm lợi, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ với mục đích giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”.
Đức Thánh Cha cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. .. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ.
Đức Thánh Cha xác quyết: “việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình trong Bài Giảng Trên Núi. Tám mối phúc thật phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phục, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính”.
“Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình.
9. Một người Marốc cực đoan đe dọa tấn công Vatican dịp lễ Giáng Sinh
Một người Marốc cực đoan đe dọa tấn công khách hành hương đến Vatican vào dịp Giáng Sinh đã bị trục xuất khỏi nước Ý.
Nghi can này được giấu tên đã tiết lộ kế hoạch tấn công cho một tù nhân khác trong lúc bị chính quyền Ý giam giữ. Theo kế hoạch này, nghi can dự định dùng một chiếc xe chở đầy chất nổ để phá Vatican. Anh ta cũng nói thêm là một người bạn sẽ giúp anh đưa lậu một khẩu AK vào Rome.
Bộ trưởng Nội Vụ Ý là ông Angelino Alfano nói kẻ tấn công là người “không tự kiểm soát được mình, cuồng tín và muốn chết để Chúa của ông cho lên thiên đường”.
Ông Bộ Trưởng cũng cho cho biết là nghi can đã được khuyến khích tấn công trả thù nước Ý. Và trong lúc bị giam tại Ý, nghi can này cũng đã tuyên truyền tư tưởng quá khích cho bạn tù khác
Trong năm 2016 và 2015 Italia đã trục xuất mỗi năm khoảng 60 phần tử cực đoan ra khỏi nước Ý.
Giới an ninh Ý chưa biết rõ người Marốc nói trên có liên hệ gì với nhà nước Hồi Giáo ISIS không. Tuy nhiên trong các video tuyên truyền của nhà nước Hồi Giáo, Roma là mục tiêu tấn công với hình ảnh chiếc xe tăng tiến vào đấu trường Coloseum đổ nát. Phá huỷ thánh giá và bắt phụ nữ Kitô Giáo làm nộ lệ
Tuy bị đe dọa nhưng người đứng đầu về an ninh của Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha không có ý định thay đổi cung cách tiếp đón khách hành hương đến Vatican
10. Huấn thị mới của Bộ Giáo Sĩ khẳng định những người đồng tính nam không được thụ phong linh mục
Trong một huấn thị mới mang tựa đề “Hồng ân Ơn gọi Linh mục” nói về việc đào tạo chủng sinh, Bộ Giáo Sĩ tuyên bố rằng “Giáo Hội không thể chấp nhận các chủng sinh hay những người tiến đến chức thánh có hành vi tình dục đồng tính, thể hiện khuynh hướng đồng tính sâu xa, hoặc ủng hộ cho cái gọi là ‘văn hóa đồng tính’”.
Huấn thị mới của Tòa Thánh trích dẫn các quy định có trong một tuyên bố hồi năm 2005 của Bộ Giáo dục Công Giáo theo đó: “Nếu một ứng viên có hành vi tình dục đồng tính hoặc thể hiện khuynh hướng đồng tính sâu xa thì vị giám đốc tâm linh của đương sự cũng như cha giáo của đương sự có nhiệm vụ ngăn cản người này không được tiến đến chức thánh vì lương tâm”. Huấn thị năm 2005 này đã bị phớt lờ tại nhiều giáo phận. Trong thực tế, các vị giám đốc chủng viện chỉ áp dụng huấn thị khi một chủng sinh có hành vi đồng tính công khai.
Việc xác nhận rõ ràng rằng người đồng tính không được thụ phong linh mục là một phần trong một tài liệu chỉnh lý các tiêu chuẩn đào tạo linh mục trên toàn thế giới. Huấn thị mới này đã được công bố với sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thánh Bộ Giáo Sĩ giải thích thêm rằng huấn thị gần đây nhất quy định việc đào tạo linh mục đã được công bố hồi năm 1970 (và sau đó được sửa đổi vào năm 1985), nhưng nhiều lời giáo huấn mới đây của Đức Thánh Cha cho thấy cần có một bộ tiêu chuẩn mới.
Huấn thị mới có tên gọi là Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (Đại cương Cơ bản cho Việc Huấn luyện Linh mục) - và Bộ Giáo Sĩ chỉ thị cho các hội đồng giám mục ở mỗi quốc gia phải chuẩn bị thêm các tiêu chuẩn phù hợp với địa phương dựa trên Đại cương này.
Huấn thị của Vatican nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo kỹ lưỡng cả về mặt trí thức và mặt tâm linh cho các chủng sinh. Huấn thị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo các nam thanh niên tận hiến cho Chúa Kitô và Giáo Hội. Huấn thị viết: “Việc truyền chức linh mục đòi hỏi người nhận lãnh nó phải tận hiến hoàn toàn bản thân để phục vụ Dân Chúa, như là một hình ảnh của hiền thê Chúa Kitô”.
Huấn thị này cũng nói rằng các linh mục phải được đào tạo để bảo vệ “giáo quyền” và chống lại sự cám dỗ trong việc mưu tìm sự nổi tiếng; họ nên được cảnh báo “không được nghĩ rằng Giáo Hội là một tổ chức nhân loại trần tục”.
Trong một cuộc phỏng vấn do Bộ Giáo Sĩ thực hiện nhân việc công bố Huấn thị “Hồng ân Ơn gọi Linh mục”, Đức Hồng Y Benjamin Stella, Tổng trưởng của Bộ này kêu gọi hãy lưu tâm đặc biệt đến những điểm nhấn mạnh trong huấn thị nói về đặc tính của các ứng viên chức linh mục. Đức Hồng Y Stella nhận xét rằng “người ta không thể trở thành một linh mục mà không cân bằng được lý trí và con tim, và không trưởng thành được cảm xúc, mọi khiếm khuyết hoặc vấn nạn trong khía cạnh này nếu chưa được giải quyết đều có thể trở nên một điều nguy hại nghiêm trọng cho chính đương sự cũng như cho Dân Chúa”.
11. Đức Hồng Y Timothy Dolan hoan nghênh tuyên bố của Đức Thánh Cha ban năng quyền giải tội phá thai cho các linh mục
Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, và là chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã hoan nghênh tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông thư hậu Năm Thánh về năng quyền giải tội phá thai của các linh mục.
Trong đoạn 12 của Tông Thư Misericordia et Miser, nghĩa là “Lòng Thương Xót và Sự Lầm Than”, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Từ nay trở đi tôi ban cho tất cả các linh mục, do sứ vụ của mình, được năng quyền giải vạ cho những người đã phạm tội phá thai. Điều mà tôi đã ban trước đây trong Năm Thánh, nay được nới rộng trong thời gian, bất chấp điều gì trái ngược. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng phá thai là một tội trọng, vì nó chấm dứt một sinh mạng vô tội. Tôi cũng có thể và phải mạnh mẽ khẳng định rằng không có tội nào mà lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi tới và tiêu hủy khi Ngài tìm thấy một con tim thống hối xin được hòa giải với Chúa Cha. Vì thế, mỗi linh mục hãy làm người hướng dẫn, nâng đỡ và an ủi trong việc đồng hành với các hối nhân trong hành trình hòa giải đặc biệt này”.
Đức Hồng Y nói:
“Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa, là Cha của Lòng Thương Xót, chào đón tất cả những người đang ăn năn, đang tìm kiếm tình thương và an bình sau khi dự phần vào việc phá thai”.
Đức Hồng Y cũng lưu ý rằng “trong nhiều năm qua tại Hoa Kỳ, hầu hết các giám mục đã ban cấp cho các linh mục của mình năng quyền này.”
Tưởng cũng nên biết thêm “Misericordia et Misera” là hai từ được thánh Augustino dùng để kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình. Thánh nhân không thể tìm được thành ngữ nào đẹp và phù hợp hơn hai từ đó để giúp hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa khi gặp người tội lỗi. Thánh Augustino viết: “Chỉ còn lại hai: người phụ nữ lầm than và lòng thương xót”.
12. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô được tặng giải thưởng đại kết
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của thành Constantinople đã được trao tặng giải thưởng đại kết thánh Nicola hôm 5 tháng 12 tại thành phố Bari, nam Italia, nơi có di hài của thánh Nicola.
Trong điện văn chúc mừng Đức Thượng Phụ, cũng là giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi giải thưởng này là một “sự nhìn nhận đầy ý nghĩa” và là “một dấu chỉ biết ơn đối với Đức Thượng Phụ vì sự dấn thân thăng tiến sự hiệp thông ngày càng sâu đậm hơn giữa tất cả những người tin nơi Chúa Kitô”.
Giải thưởng do Phân khoa thần học miền Puglia, nam Italia, trao tặng. Trong điện văn gửi đến Đức Cha Francesco Caccucci, TGM giáo phận Bari-Bitondo sở tại, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết ngài hiệp ý với Đức Bácthôlômêô , “người anh em rất quí mến”, để tôn kính thánh Nicola, Giám Mục thành Myra, có hài cốt được giữ tại Bari từ gần 1 ngàn năm nay. Ngài phó thác cho sự chuyển cầu của Thánh Nicola rất được kính mến tại Đông và Tây Phương, lời cầu nguyện chung, xin cho các tín hữu Kitô đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn hằng mong ước”.
Trong diễn văn tại Vương cung thánh đường thánh Nicola khi nhận giải thưởng, Đức Thượng phụ khẳng định rằng các tôn giáo có một vai trò cơ bản “trong việc kiến tạo, khởi xướng và củng cố một nguyên tắc hiệp thông để cộng tác và cảm thông lẫn nhau, nhờ đó đẩy lui được những trào lưu cực đoan duy căn trong tất cả các xã hội và tôn giáo, và kiến tạo quan hệ mới giữa các dân tộc”.
Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô cũng cho biết ngài đón nhận giải thưởng này như một “dấu chỉ ngôn sứ về sự hiệp nhất của tất cả các Hội Thánh của Thiên Chúa” và nói rằng: “Hành trình thần học giữa các Giáo Hội chúng ta và tình yêu thương, tôn trong và cộng tác với nhau là một trong những đặc điểm cơ bản”.
Thành Bari cách Roma gần 460 cây số về hướng đông nam. Trong số các tín hữu đến hành hương tại đền thánh Nicola, có rất nhiều tín hữu Chính Thống Nga.
13. Một Giám mục trả tiền cho quân khủng bố Hồi Giáo IS để chuộc mạng 226 con tin
Ngày 23 Tháng Hai năm 2015, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tấn công đồng loạt vào 35 làng Kitô giáo ở lưu vực sông Khabur, miền bắc Syria, bắt giữ hơn 200 con tin. Những con tin này đã lần lượt được trả tự do.
Hôm 6 tháng 12 vừa qua, thông tấn xã AP đã công bố một báo cáo gây chấn động dư luận, trong đó, mô tả chi tiết cách thức các Kitô hữu Syria trên thế giới đã gây qũy lên đến 11 triệu Mỹ Kim làm tiền chuộc mạng cho 226 con tin, và vai trò quan trọng trong việc đóng tiền chuộc cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS của Đức Giám Mục Afram Athneil.
Đức Cha Afram Athneil là Giám Mục của Giáo Hội Assyrô Đông phương. Giáo Hội này đã cắt đứt sự hiệp thông với Tòa Thánh sau Công Đồng Chung Êphêsô vào năm 431.
Trả tiền chuộc mạng là bất hợp pháp tại Hoa Kỳ và hầu hết các nước phương Tây, và ý tưởng đưa tiền cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS là rất khó biện minh về phương diện đạo đức, ngay cả khi không còn một phương thế nào khác.
Báo cáo của AP có thể khiến nhiều người tại California, Hoa Kỳ, trong đó có đạo diễn Sargon Saadi, và nhiều người khác tại Đức vào tù về tội quyên góp cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Kitô giáo trong khu vực Khabur có từ thời các thánh Tông Đồ và người dân ở đây vẫn còn nói tiếng Aramaic, là ngôn ngữ Chúa Giêsu đã nói khi xuống thế làm người.
Tại làng Tal Goran, bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt được 17 người đàn ông và 4 phụ nữ. Một trong 17 người đàn ông bị bắt là Abdo Marza bị buộc phải đi đến Hassakeh cách nơi bị giam giữ 64 km để gặp Đức Cha Afram Athneil là giám mục của anh để chuyển lời của bọn khủng bố đòi 50,000 Mỹ Kim để chuộc mỗi một con tin.
Sau khi đã hỏi ý kiến các cộng đoàn Kitô Syria trên thế giới, Đức Cha Afram Athneil viết một lá thư giao cho anh Abdo Marza quay lại giao cho bọn khủng bố. Sau khi nhận được thư, bọn khủng bố Hồi Giáo IS trả tự do cho anh Abdo Marza, con gái 6 tuổi của anh, và 3 người phụ nữ khác.
Từ đó, Đức Cha Athneil âm thầm quyên góp để trả cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS một khoản tiền chuộc mạng lên đến hơn 11 triệu Mỹ Kim.
Aneki Nissan, người đã giúp gây quỹ tại Canada nói với thông tấn xã AP:
“Bạn nhìn vào chuyện này từ phương diện đạo đức. Tôi hiểu được điều đó. Nếu đưa tiền cho bọn chúng, chúng tôi đang nuôi dưỡng chúng, và chúng sẽ giết chúng tôi bằng chính số tiền đó. Nhưng mà, đối với chúng tôi, một nhóm thiểu số rất nhỏ, chúng tôi phải giúp đỡ lẫn nhau.”
14. Đức Thánh Cha kêu gọi chống tham nhũng và thăng tiến các quyền con người.
Ngài đưa ra lập trường trên vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng ngày thứ Tư 7 tháng 12.
Đức Thánh Cha nói:
“Trong những ngày tới đây có hai Ngày Thế giới quan trọng do Liên Hiệp Quốc cổ võ, đó là Ngày Thế giới chống nạn tham nhũng, 9 tháng 12, và Ngày Thế giới các quyền con người, 10 tháng 12. Đó là hai thực tại có liên hệ mật thiết với nhau: nạn tham nhũng là khía cạnh tiêu cực cần bài trừ, bắt đầu từ ý thức bản thân và canh chừng về những lãnh vực của đời sống dân sự, đặc biệt là những lãnh vực có nhiều rủi ro hơn.
Tiếp đến các quyền con người là khía cạnh tích cực, cần phải thăng tiến với quyết tâm luôn đổi mới, để không một ai bị loại trừ khỏi sự nhìn nhận thực sự các quyền căn bản của con người. Xin Chúa nâng đỡ chúng ta trong hai quyết tâm này.”
15. Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm tại Vatican
Chiều thứ Năm 8 tháng 12, Đức Thánh Cha đã đến cầu nguyện và đặt vòng hoa tại tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường Tây Ban Nha. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hiệp với ngài trong cử chỉ này để biểu lộ lòng sùng mộ con thảo đối với Mẹ Thiên Quốc.
Tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm trước trụ sở Bộ truyền giáo được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8-9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11.81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.
Trước đó vào ban sáng, nhiều hội đoàn và tổ chức cũng đã đến kính viếng và đặt vòng hoa tại chân cột tượng Đức Mẹ.
Trước đó vào buổi trưa cùng ngày, trong buổi đọc kinh Truyền Tin với gần 20 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa.
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã quảng diễn những ý tưởng chính trong hai bài đọc của ngày lễ: trước hết là đoạn sách Sáng Thế nói về thái độ bất tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, thích theo ý riêng hơn là tuân theo ý Chúa. Tiếp đến là đoạn Tin Mừng nói về lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria, qua đó Thiên Chúa đã nhập thể làm người, chia sẻ hoàn toàn thân phận của phàm nhân ngoại trừ tội lỗi.
Đức Thánh Cha nói: “Đức Maria đã đáp lại đề nghị của Thiên Chúa và thưa với sứ thần “Này tôi là tôi tớ Chúa” (v.38). Mẹ không nói: “Lần này tôi sẽ thi hành ý Chúa, tôi sẵn sàng, rồi sẽ tính sau..”. Lời thưa 'xin vâng' của Mẹ hoàn toàn, vô điều kiện... Đó là lời xin vâng quan trọng nhất trong lịch sử, lời xin vâng khiêm tốn lật đổ lời phủ nhận kiêu hãnh thời nguyên thủy, lời xin vang chữa lành sự bất tuân phục, lời xin vâng sẵn sàng đảo ngược sự ích kỷ của tội lỗi”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “mỗi người chúng ta cũng có một lịch sử cứu độ với những vâng phục và bất tuân đối với Thiên Chúa. Nhưng nhiều khi chúng ta là những chuyên gia về sự vâng phục nửa chừng: chúng ta giỏi làm bộ không hiểu rõ điều Chúa muốn và điều mà lương tâm nhắc nhở chúng ta. Chúng ta cũng tinh ranh, không thưa “không” thẳng thừng với Chúa, nhưng chúng ta nói: “Con không có thể”, “hôm nay không được, thôi để ngày mai!! ngày mai con sẽ làm điều thiện, sẽ cầu nguyện.. Nhưng làm như thế là chúng ta khép cửa đối với điều thiện và sự ác lợi dụng thái độ như thế của chúng ta”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mỗi lời thưa xin vâng đối với Thiên Chúa sinh ra những lịch sử cứu độ cho chúng ta và cho tha nhân. Trong hành trình mùa vọng này, Thiên Chúa muốn viếng thăm chúng ta và chờ đợi lời thưa xin vâng của chúng ta, qua đó chúng ta nói với Chúa: “Con tin nơi Chúa, con hy vọng nơi Chúa, con yêu mến Chúa; xin ý muốn thiện hảo của Chúa được thể hiện nơi con”.