Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: Chứng Nhân Tình Yêu và Hy Vọng

Cùng với nhiều bạn hữu khắp thế giới, tín hữu Công Giáo Việt trong cũng như ngoài nước đang khóc thương một vị chủ chăn thánh thiện, tài ba lỗi lạc vừa ra đi: Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Cuộc sống của ngài là một cuốn phim tuyệt đẹp, gây cảm hứng cho hàng triệu tâm hồn trong cuộc lữ hành đức tin nơi dương thế.

Suốt 74 năm cuộc đời, khi vinh quang cũng như lúc khốn khổ, ngài đã nêu tấm gương sống đạo tuyệt vời, tin tưởng phó thác một cách tuyệt đối vào Đức Kitô, và tận dụng tất cả tài năng Người ban để nhiệt tình loan Tin Mừng Cứu Rỗi.

Theo vận mệnh nổi trôi của đất nước, ngài đã trải qua biết bao nghịch cảnh gian truân: nhiều thân quyến trong dòng tộc bị thảm sát, bản thân bị vu vạ cáo gian, tù đày, rồi bị trục xuất khỏi nước. Ngài nếm trọn các đau khổ đó như một nạn nhân xấu số của tình trạng bất công, đàn áp thô bạo trong thời bách hại hiện đại.

Khi được tấn phong giám mục vào tuổi 39, ngài chọn khẩu hiệu “Vui Mừng và Hy Vọng” làm kim chỉ nam cho sứ vụ mình. Ngài đã sống trọn vẹn ý nghĩa đó khi tin tuởng tuyệt đối vào Đức Kitô và thực thi sứ điệp Phúc Âm của Người. Ngay những khi bị ngược đãi, ngài đã không ngớt làm chứng cho “Tin Mừng Hy Vọng”.

Trong tám năm đảm đương giáo phận Nha Trang mới mẻ, ngài đã năng nổ hoạt động, dồn hết tâm sức cho công cuộc mở mang, huấn luyện tu sĩ, đào tạo giáo dân, và đem ứng dụng các phương pháp hoạt động tông đồ tân tiến trên thế giới nhằm canh tân giáo phận. Chính nhờ viễn kiến nầy, tín hữu Việt, mặc dầu bị cấm cách dưới sự cai trị hà khắc, đã không bị thụt lùi trong công cuộc Phúc Âm hóa trên quê hương cũng như có thể thích nghi dễ dàng vào cuộc sống đạo ở những phần đất mới.

Trước viễn ảnh Miền Nam rơi vào tay Cọng Sản, vào tháng 4 năm 1975, Toà Thánh Vatican đã đặt ngài làm Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn vơi quyền kế vị. Nhà cầm quyền mới không những đã ngăn chặn lệnh bổ nhiệm nầy mà còn vu vạ ngài “âm mưu với Vatican và đế quốc” để chống phá cách mạng. Vào tháng 8, ngài bị quản thúc và khởi sự cảnh ngược đãi tù đày trong 13 năm dài.

Đây là khúc quanh chông gai nhất mà ngài phải gánh chịu một cách bất công. Thế nhưng, ngài nói, “Ơn Chuá dồi dào” đã che chở và soi sáng để ngài sống trong bình an. Có lúc ngài đã trải qua những tâm tình hỗn độn: phẫn uất, buồn rầu, chán nản, tuyệt vọng vì bị ngược đãi, xa cách giáo dân, bỏ dở dang các công việc của Chúa. Ngài nói, “Nhưng một tiếng nói đã thoát ra từ đáy lòng tôi, ‘Tại sao con phải day dứt? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Nếu Chúa muốn con từ bỏ các công việc của Người thì con bỏ ngay. Con chọn Chúa chứ không phải các công việc cuả Chúa.’” Ánh sáng nầy đã mang lại cho ngài một nỗi bình an lớn lao, tràn ngập tâm hồn trong suốt 13 năm tù đày.

Với ngài, Chúa là cùng đích, vì thế trong mọi việc, ngài luôn ý thức để sống kết hiệp với Người. Khi không còn chén thánh, ngài đã dâng lễ với ba giọt rượu trong lòng bàn tay, trên giường ngủ nhà tù mặc cho muỗi rừng châm đốt. Ngài đã thuật lại một cách cảm động, “Cứ mỗi lần dâng lễ, tôi đã có thể giang tay để đóng đinh mình vào thánh giá Chúa Giêsu, cùng uống với Người chén đắng”.

Trong thời gian ngồi tù, ngài đã không phí một khoảnh khắc mà đã nắm bắt mọi cơ hội với ý thức rằng, “sống giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện.” Ngài nói, “Tôi quyết định không chờ đợi mà sống giây phút hiện tại cho đầy tràn tình yêu. Chấm nầy tiếp nối chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.” Ngài đã bắt chước thánh Phaolô khi ngài ngồi tù bằng cách viết thư cho các tín hữu. Từ đó, sách “Đường Hy Vọng”, những suy niệm và châm ngôn sống cho người tín hữu, đã được khai sinh từ những tờ lịch, lén lút chuyển ra ngoài, ngay trong những năm tháng đầu cuộc đời tù tội.

Theo Chúa nên ngài vui vẻ đón nhận mọi công việc của Chúa trao ban. Là mục tử, ngài chăn dắt không phải chỉ là những tín hữu mà còn cả người lương, những người chưa biết Chúa trong trại tù, và cả những lính canh. Nhà thờ chính toà của ngài là trại giam, trong phòng tối, nơi lòng tầu, chỗ tối mịt mù của cả hàng ngàn tù nhân. Tuy ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, ngài đã không ngớt rao truyền sứ điệp Hy Vọng cho những bạn tù nhiều lúc đã qúa chán chường tuyệt vọng.

Là người tù nghèo khổ “không có cả một miếng giẻ rách” (lời Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê khi nói về ngài) nhưng giàu có tình thương, ngài đã chinh phục cả những lính canh. Người canh tù trở thành bạn hữu, vì ngài đã tỏ lộ tình thương, không hề oán trách căm thù họ. Ngài chuyện trò, dạy họ ngoại ngữ, tập cho họ những khúc ca chúc tụng Chúa... Để rồi có lúc buồn phiền, bất chợt ngài nghe những lời thánh ca cất lên từ môi miệng những kẻ canh tù không tín ngưỡng, ngài đã được thêm can đảm.

Các chứng từ đức tin và kinh nghiệm sống trong tù đó đã là kinh nghiệm mục vụ qúi báu để khi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1991, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào một công việc hết sức ý nghĩa là đảm đương một bộ của Giáo Triều Vatican: Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình. Ở cương vị nầy, ngài đã nhiệt tình hoạt động, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người để cổ võ hoà bình và công lý cho toàn thế giới.

Vào năm đầu tiên của Ngàn Năm Thứ Ba, ngài đã được Đức Giáo Hoàng ưu ái mời giảng tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma, một vinh dự đầy ngạc nhiên và cảm động cho một cựu tù người Việt Nam. Ngài đã trình bày 22 bài giảng với nhiều chứng từ sâu sắc của một tông đồ bị cầm tù vì chứng tá đức tin của mình. Nhớ lại kỷ niệm nầy, trong bài giảng thánh lễ an táng trước linh cửu ngài tại Vatican, Đức Giáo Hoàng đã nói, “Những lời khuyên, suy tư sâu xa và kinh nghiệm cá nhân phong phú, phần lớn liên hệ đến 13 năm ngồi tù của Đức Hồng Y đã in sâu vào ký ức của tôi”. Qua biến cố giảng phòng lịch sử nầy, các mẩu chuyện cuộc sống tù đày của ngài đã được lan rộng khắp thế giới.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một con người trung tín cho đến chết. Trong những ngày cuối đời, khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư, ngài đã giữ được bình thản, chấp nhận đau đớn như là của lễ để góp phần vào cuộc tử nạn cuả Đức Kitô. Lúc nằm trên giường bệnh và đợi chờ cái chết, ngài đã không ngớt nhìn lên thánh gía để suy niệm. Ngài ra đi một cách bình thản với nụ cười trên môi. Trong di chúc, ngài đã khuyên các tín hữu yêu mến Mẹ Maria, tín thác vào thánh cả Giuse, trung thành với Hội Thánh và gìn giữ sự đoàn kết, yêu thương mọi người.

Khi ngài vừa tắt thở, cộng sự viên trực tiếp của Đức Hồng Y trong nhiều năm là Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý Hoà Bình, đã thốt lên, “Một vị thánh đã chết”.

Là người Việt Nam, trước sự ra đi vĩnh viễn của vị chân tu khả kính, thánh thiện, tài ba lỗi lạc, chúng ta không khỏi tiếc thương buồn phiền. Tuy nhiên, như lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, “Ngài lìa bỏ chúng ta, nhưng gương sáng của ngài vẫn ở lại.” Là con người đức tin, chúng ta tin rằng ngài không chết, nhưng đã được đưa vào cõi trường sinh, làm người bầu cử cho dân tộc Việt Nam mà ngài rất yêu mến.

Lúc sinh tiền, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói, “cuộc đời hiến thân trong sứ vụ mục tử là một hồng ân Chúa ban”, nhưng đối với hàng triệu tín hữu, ngài chính là hồng ân Chúa ban cho họ. Một bậc chân tu khả kính, đạo hạnh, thông thái, khôn ngoan, một chứng tá sống động của tình yêu thương và Tin Mừng Hy Vọng.