Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Cha John Paprocki nói người Công Giáo Hoa Kỳ đừng đi bỏ phiếu bầu tổng thống Hoa Kỳ lần này nếu thấy lương tâm cắn rứt.

Trước tình trạng hai ứng cử viên tranh chức tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây đều có quá nhiều vấn đề, Đức Cha John Paprocki của giáo phận Springfield, bang Illinois khẳng định rằng thật là chính đáng nếu một cử tri Công Giáo không tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống kỳ này vì lý do lương tâm.

Viết trên báo của giáo phận Springfield, Đức Cha Paprocki nhấn mạnh rằng cử tri có thể “viện dẫn lương tâm để nói rằng không thể bỏ phiếu cho một trong hai” ứng cử viên tổng thống chính trong năm nay. Trong trường hợp đó, theo Đức Cha, sự lựa chọn của họ có thể là hỗ trợ một ứng cử viên độc lập thứ 3, hoặc đơn giản là “đừng đi bỏ phiếu nếu thấy lương tâm cắn rứt.”

Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trong năm nay hoàn toàn không đá động đến các vấn đề đạo đức ảnh hưởng đến sự sống và gia đình. Tuy nhiên, cuộc tranh luận thứ hai hôm Chúa Nhật 9 tháng 10, vào phút chót của chiến dịch tranh cử tổng thống, đã nhấn mạnh đến chủ đề này khi một khán giả hỏi các ứng cử viên về quan điểm của họ đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Tòa án Tối cao.

Bà Hillary Clinton đã lập lại lời thề của mình sẽ chỉ định các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ủng hộ phá thai và ủng hộ “hôn nhân” đồng tính, và đồng thời nắm lấy cơ hội này để tấn công Donald Trump về lập trường phò sự sống và ủng hộ gia đình của ông ta.

“Tôi muốn có một Tòa án Tối cao gắn bó với Roe v. Wade và quyền của phụ nữ được lựa chọn và tôi muốn có một Tòa án Tối cao ủng hộ quyền bình đẳng hôn nhân”, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cho biết như trên vào cuối cuộc tranh luận tổng thống hôm Chúa Nhật.

Bà Hillary Clinton nói thêm “Donald đã đưa ra danh sách của một số người, là những người sẽ đảo ngược Roe v. Wade và chống lại hôn nhân bình đẳng. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp và sẽ đưa chúng ta quay lại.”

Trump trả lời bằng cách nói rằng ông đang “tìm kiếm việc bổ nhiệm các thẩm phán theo khuôn mẫu của thẩm phán Scalia ... Đó là người sẽ tôn trọng Hiến pháp của Hoa Kỳ.” Ông không đề cập đến việc phá thai hay “kết hôn” đồng tính.

Cuộc tranh luận thứ hai đã diễn ra trong bối cảnh một băng ghi âm từ năm 2005 được tung ra trong đó Trump đã nói những lời tục tĩu liên quan đến chuyện sờ mó phụ nữ. Trong phần mở đầu cuộc tranh luận, tập trung vào băng ghi âm này, Trump từ chối chưa bao giờ tấn công tình dục bất cứ ai. Ông trả đũa những lời chỉ trích của bà Clinton bằng cách chỉ rằng chồng bà đã bị buộc tội cưỡng hiếp phụ nữ và khi còn là một luật sư, bà Clinton đã biện hộ cho một người đàn ông bị cáo buộc cưỡng hiếp một bé gái mới 12 tuổi.

Tháng 2 năm nay, thẩm phán Antonin Scalia qua đời, do đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chỉ còn 8 vị thẩm phán, thiếu mất một người. Nếu Scalia được thay thế bởi một thẩm phán “liberal”, nghĩa là “phò sự chết hơn sự sống, phò ‘hôn nhân’ đồng tính” thì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có một đa số năm người tha hồ mặc sức thông qua nhiều nghị trình đối kháng triệt để với các giáo huấn Công Giáo.

Trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới còn có 3 thẩm phán nữa quá tuổi 78 cần phải thay thế là Ruth Bader Ginsburg (83 tuổi), Stephen Breyer (78 tuổi) và Anthony Kennedy (80 tuổi). Ruth Bader Ginsburg và Stephen Breyer từ lâu được coi là “liberal”, trong khi Anthony Kennedy, một người Công Giáo, lúc đầu chống đối nhưng sau lại sẵn sàng ủng hộ phá thai và “hôn nhân” đồng tính.

Việc bổ nhiệm và xác nhận Thẩm phán cho Tòa án Tối cao Hoa Kỳ liên quan đến một số bước được quy định bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, và được phát triển qua nhiều thập kỷ. Các ứng viên được Tổng thống Hoa Kỳ đề cử và phải đối diện với một loạt các phiên điều trần trong đó cả ứng cử viên lẫn các nhân chứng khác phải trả lời trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trước khi ủy ban đề cử ra trước toàn thể Thượng viện Hoa Kỳ. Nếu Thượng viện đồng ý thì quyết định bổ nhiệm của tổng thống sẽ có hiệu lực.

2. Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị Tu Đoàn Thánh Pallotti

Trong buổi tiếp kiến sáng 10-10, dành cho 100 thành viên Tổng tu nghị của Tu đoàn “Tông Đồ Công Giáo”, Đức Thánh Cha khích lệ các thành viên sống đoàn sủng của vị Sáng Lập và làm cho đoàn sủng này mang lại nhiều hoa trái.

Tu đoàn Tông Đồ Công Giáo quen gọi là Tu đoàn thánh Vinh Sơn Palloti được thành lập năm 1835 và hiện có gần 2340 thành viên, hoạt động tại 379 nhà trên thế giới. Dòng chuyên hoạt động truyền giáo và cổ võ sự cộng tác của giáo dân vào các công tác tông đồ.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha ca ngợi đoàn sủng của thánh Pallotti như hồng ân quí giá của Chúa Thánh Linh, vì đã khơi lên nhiều hình thức tông đồ và thúc đẩy các tín hữu tích cực dấn thân làm chứng cho Tin Mừng.

Thánh Pallotti cũng được “ơn nhận ra Chúa Giêsu là Tông Đồ của Chúa Cha, Đấng Cao Cả trong tình yêu thương và giàu lòng thương xót, là Đấng đã chu toàn sứ mạng bằng cách tỏ cho mọi người tình yêu thương dịu hiền và lòng thương xót vô biên của Chúa Cha”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Trước mắt chúng ta hằng ngày xảy ra bao nhiêu cảnh bạo lực, những khuôn mặt không có lòng thương xót, những con tim chai đá và sầu muộn. Chúng ta rất cần nhớ đến Chúa Cha, Con Tim Ngài nghĩ đến tất cả mọi người và muốn cứu độ mỗi người. Lòng thương xót là 'sức mạnh chiến thắng mọi sự, làm đầy tâm hồn bằng tình yêu và an ủi bằng ơn tha thứ' (Misericordia vultus, 9).

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc nhở các thành viên tu đoàn thánh Pallotti về sự “cần thiết phải hoán cải sâu xa và làm cho niềm tin của chúng ta nơi Chúa ngày càng thêm sinh động, đứng trước bao nhiêu thách đố ngày nay. Chỉ như thế chúng ta mới có thể phục vụ tha nhân trong tình bác ái”.

Và Đức Thánh Cha nói rằng: “Anh em thân mến, tôi khích lệ anh em vui mừng và hy vọng tiếp tục hành trình của anh em, hết sức dấn thân với trọn tâm hồn để đoàn sủng của Đấng Sáng Lập tu đoàn anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào cả trong thời đại chúng ta ngày nay. Thánh nhân ưa lập lại rằng ơn gọi làm tông đồ không phải chỉ dành cho vài người, nhưng cho tất cả mọi người, “bất luận họ ở bậc nào, thân phận nào, làm nghề nào, may mắn thế nào, tất cả đều có thể tham gia công tác tông đồ” (Opere complete IV,346).

3. Sinh viên Công Giáo Hàn quốc loan báo Tin Mừng trên đường phố

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, các sinh viên đại học Công Giáo Seoul đã dấn thân vào việc loan báo Tin mừng trên đường phố.

Liên đoàn sinh viên Công Giáo thành phố Seoul đã tổ chức “Pax Festival” – lễ hội hòa bình - ở Sinchon, nơi sinh động nhộn nhịp nhất của thành phố với các nhà hàng, câu lạc bộ và là nơi tụ tập của giới trẻ. Lễ hội nổi bật với các hoạt động lắng nghe, đối thoại, trình diễn âm nhạc, nhạc kịch, khiêu vũ được tổ chức trên đường phố và kết thúc với Thánh lễ ngoài trời.

Trong chuyến viếng thăm Hàn quốc nhân Đại hội Giới trẻ Á châu năm 2014, Đức Thánh Cha đã nói với giới trẻ “hãy thức dậy và tiến bước” trong việc trao tặng Tin mừng. Do đó, các bạn trẻ đã chọn hoạt động “loan báo Tin mừng trên đường phố” chứ không ở yên trong các ngôi thánh đường.

Clara Oh Yu-jung, chủ tịch của liên đoàn sinh viên nói: “Qua các chứng tá Kitô giáo giữa công chúng, chúng tôi hy vọng khuyến khích các sinh viên cảm thấy hãnh diện về niềm tin Công Giáo của họ và chia sẻ niềm tin cho người khác. Thỉnh thoảng chúng tôi xấu hổ bày tỏ công khai niềm tin Công Giáo. Hôm nay chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ ‘đi ra’ và gặp gỡ với những người bên ngoài Giáo Hội, với lòng can đảm trở thành chứng tá của Tin Mừng.”

Nhiều bạn trẻ cho biết mình bị ấn tượng và kính trọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cha Peter Choi Bong-yong, trợ lý liên đoàn chia sẻ: “Lễ hội này là cách thức mang sứ điệp của Chúa Giêsu đến với thế giới bên ngoài. Khi nói về Tin mừng với người không Công Giáo, các sinh viên ý thức điều quan trọng nhất mà họ sở hữu là đức tin.”

Phong trào sinh viên Công Giáo bắt đầu ở Hàn quốc từ năm 1954. Ngày nay liên đoàn sinh viên Công Giáo có khoảng 1200 thành viên đến từ 36 đại học của Seoul. Bên cạnh các hoạt động mục vụ, ngoài Thánh lễ Chúa Nhật, họ còn tổ chức các trại hè và các hoạt động xã hội và tình nguyện.

4. Cha Ernest Troshani Simoni, nạn nhân cộng sản Albani được thăng Hồng Y

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xướng tên 17 vị Hồng Y mới sẽ được sắc phong trong Công nghị Hồng Y vào dịp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương xót, ngày 19/11 tới đây. Trong số 4 vị trên 80 tuổi, có cha Ernest Troshani Simoni, 88 tuổi, người Albani, đã bị chính quyền cộng sản Albani giam tù, tra tấn và bắt lao động khổ sai.

Cha Simoni là một trong các nạn nhân sống sót sau cuộc bách hại khủng khiếp của cộng sản ở Albania. Vào năm 2014, khi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Tirana, Albani, chứng từ mà cha Simoni chia sẻ đã làm cho Đức Thánh Cha cảm động sâu sắc.

Vào tháng 12 năm 1944, khi chế độ cộng sản vô thần lên nắm quyền tại Albani, cha Simoni lúc ấy đang là một chủng sinh. Chế độ vô thần tìm cách loại trừ đức tin và các Linh mục bằng cách bắt bớ, tra tấn và giết các Linh mục và giáo dân trong 7 năm ròng, đổ máu các tín hữu; một số người khi bị bắn đã hô lớn “Vua Kitô muôn năm”.

Năm 1948, các cha bề trên dòng Phanxicô của cha Simoni bị cộng sản giết. Cha Simoni tiếp tục học “chui” và sau đó chịu chức Linh mục. 4 năm sau, các lãnh đạo Cộng sản tập hợp các Linh mục còn sống sót và ra điều kiện nếu họ rời bỏ Đức Giáo Hoàng và Vatican họ sẽ được tự do. Cha Simoni và các anh em Linh mục đã từ chối. Vào ngày 14/12/1943, khi cha Simoni kết thúc Thánh lễ vọng Giáng sinh, 4 sĩ quan đã đưa lệnh bắt và bắt giam cha. Cha đã bị còng tay và giam giữ. Trong cuộc hỏi cung, họ nói với cha là cha sẽ bị treo cổ như một kẻ thù bởi vì cha đã nói với dân chúng “chúng ta sẽ chết vì Chúa Kitô nếu cần thiết.” Cha bị tra tấn kinh khủng, nhưng cha nói “Chúa muốn tôi sống.”

Cha Simoni nhớ lại: “Chúa quan phòng đã muốn án chết của tôi không được thực hiện ngay tức khắc. Họ mang một tù nhân khác vào phòng giam, một người bạn thân của tôi, để theo dõi tôi. Anh ta bắt đầu lên tiếng chống lại đảng.” Nhưng cha Simoni trả lời: “Chúa Kitô đã dạy chúng ta yêu thương kẻ thù và tha thứ cho họ và chúng ta nên cố gắng tìm điều tốt của họ. Những lời này lọt đến tai nhà độc tài và một ít ngày sau ông ta đã tha án chết cho tôi.”

Thay vào đó, cha Simoni đã phải lao động khổ sai trong 28 năm và trong thời gian này, cha đã dâng Thánh lễ, giải tội và trao Mình Thánh cách bí mật. Chỉ khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1990 và tự do tôn giáo được nhìn nhận, cha Simoni mới được thả tự do.

Cha chia sẻ: “Thiên Chúa đã giúp tôi phục vụ rất nhiều người và hòa giải nhiều anh chị em, xóa bỏ hận thù và sự ác khỏi trái tim con người.”

5. Giám Mục Anh khích lệ các nhà giáo dục chống lại thuyết giới tính

Đức Giám Mục Mark Davies của giáo phận Shrewsbury, Anh, đã chỉ đạo các nhà giáo dục Công Giáo để chống lại ý thức hệ giới tính và duy trì sự thật.

“Chúng ta phải luôn luôn thể hiện tình yêu chân thật và sự hiểu biết đối với những ai đang bị ảnh hưởng hoặc là nạn nhân của những sai lầm của thời đại chúng ta”, vị giám mục đã viết như trên trong một bức thư gửi cho các nhà giáo dục.

“Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có thể thỏa hiệp về sự thật đức tin của chúng ta cũng không cho phép sự thật về con người được che khuất, đó chẳng qua chỉ là một thứ nhân đạo giả hình.”

Đức Giám Mục Davies cho biết đó khi tiếp xúc với các cá nhân gặp khó khăn với bản sắc tình dục của họ, phản ứng của người Kitô hữu “phải là luôn luôn tôn trọng, từ bi, và hiểu biết, cùng với một cam kết giúp đỡ người ấy quay về chính lộ một cách thích hợp.”

Giáo Hội phải bảo vệ thực tại kế hoạch của Thiên Chúa cho nhân loại, đối với nam giới và phụ nữ.

Trong thư, trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giám mục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bổ sung giữa các giới tính và chống lại những quan điểm cho rằng “giới tính” chỉ là một cấu trúc xã hội.

6. Đức Tổng Giám Mục Alexander K. Sample nói Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi thực hành Rước Lễ

Ngày 7 tháng Mười vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Alexander K. Sample, Tổng Giáo Phận Portland ở Oregon, đã ra một thư mục vụ lên án một số giải thích sai lầm về tông huấn 'Niềm Vui Yêu Thương' (Amoris Laetitia) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng có thể có ngoại lệ đối với các lệnh cấm tuyệt đối của Thiên Chúa.

Thư mục vụ trên có tựa đề là “A True and Living Icon: Reading of ‘Amoris Laetitia’ in Light of Church Teaching” (Hình Ảnh Đích Thực và Sống Động: Đọc ‘Niềm Vui Yêu Thương’ dưới Ánh Sáng Giáo Huấn Giáo Hội).

Đức Tổng Giám Mục Sample cho rằng các phương tiện truyền thông đã rút ra nhiều kết luận sai lầm từ tông huấn này. Ngài viết: “trong khi tông huấn không chứa đựng bất cứ thay đổi nào về giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân và cuộc sống gia đình, một số người vẫn dùng ‘Niềm Vui Yêu Thương’ một cách không tương hợp với truyền thống giảng dậy của Giáo Hội”.

Ngài nhấn mạnh đến 3 cách diễn dịch sai lầm thông thường nhất về tông huấn này.

Thứ nhất, nhiều người sử dụng ‘Niềm Vui Yêu Thương’ để lý luận rằng lương tâm hợp pháp hóa các hành động đi ngược lại các giới răn của Thiên Chúa. Ngài viết rằng “lương tâm không phải tự nó là một lề luật, mà lương tâm cũng không thể coi thường hay thay thế các mệnh lệnh của Thiên Chúa do Giáo Hội giảng dậy”.

Trong khi Giáo Hội không tìm cách thay thế lương tâm người ta, thì điều quan trọng cần phải biết là lương tâm có thể sai lầm và cần được huấn luyện.

Đức Tổng Giám Mục viết thêm: “khuyến khích hay im lặng chấp nhận một phán đoán sai lầm của lương tâm không hề là thương xót mà cũng không phải là bác ái”.

Thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Sample bác bỏ ý niệm cho rằng trong một số điều kiện, có thể có luật trừ đối với các lệnh cấm tuyệt đối của Thiên Chúa. Trong khi Giáo Hội tuân theo gương sáng của Chúa Giêsu và tỏ lòng thương xót cũng như sẵn sàng đồng hành với những người đang rơi vào các hoàn cảnh và các cuộc kết hợp “bất hợp lệ”, Giáo Hội vẫn không phải là trọng tài của các qui luật luân lý do Thiên Chúa thiết lập.

Thứ ba, Đức Tổng Giám Mục Sample nói rằng sự mỏng dòn yếu đuối của con người không miễn trừ ta khỏi thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa, một ý nghĩ mà ngài cho là một số người đã lầm lẫn rút ra từ ‘Niềm Vui Yêu Thương’.

Ngài viết: “trong khi việc chăm sóc mục vụ chân chính luôn đồng hành với người ta trong nỗi đau khổ và yếu đuối của họ, thì một số người lại lạm dụng việc tông huấn này nhấn mạnh tới luận lý học thương xót để chủ trương rằng các hành vi xấu một cách khách quan có thể được chấp nhận, thậm chí còn được thánh hóa, nếu người ta tin rằng mình không thể làm khác đi”.

Ngài kết thúc thư mục vụ bằng cách nhắc tới câu truyện trong Tin Mừng nói tới người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình. Dù Chúa Giêsu không kết án nàng, nhưng rõ ràng Người ra lệnh cho nàng đừng phạm tội nữa. Đức Tổng Giám Mục kết luận: “Lòng thương xót mở cửa dẫn vào sự thật và sự thật về sự sống mới trong Chúa Kitô sẽ giải phóng nàng”.

7. Một Giám Mục Nigerian: Đọc kinh Mân Côi đánh bại nhóm Boka Haram

Giữa lúc nhóm Hồi Giáo cực đoan Boka Haram đang hoành hành tại Nigeria, một Giám Mục tại đây, là người đã nhiều lần được thị kiến Đức Kitô nhắc nhở những tín hữu của ngài rằng chính sự cầu nguyện bằng kinh Mân Côi sẽ mang lại chiến thắng trên nhóm quá khích này.

Đức Cha Oliver Dashe Doeme của giáo phận Maiduguri, nơi bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc chiến với bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, nói rằng từ một thị kiến của ngài với Đức Kitô, ngài tin rằng “kinh Mân Côi cuối cùng sẽ mang lại cho chúng ta sự chiến thắng trên tội ác xấu xa này.”

Ngài nói với tờ báo Công Giáo của Anh Quốc rằng “Bọn Hồi Giáo quá khích (ISIS) là ma quỷ. Bao lâu chúng ta còn biết chạy đến Mẹ Thiên Chúa, đặc biệt qua việc đọc kinh Mân Côi, một hình thức tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, chúng ta sẽ chiến thắng.”

Cũng theo Đức Giám Mục, “Nhóm Boko Haram rồi sẽ sớm tan rã, chủ yếu là do những lời cầu nguyện của chúng ta. Trước đây nhóm này xuất hiện khắp nơi, nhưng nay thì không như thế nữa. Bọn chúng đã bị đẩy lùi vào rừng sâu.”

Đức Giám Mục Doeme cai quản giáo phận Maiduguri, tiểu bang Borno nằm phía đông bắc của Nigeria. Vào năm 2009, giáo dân của ngài vào khoảng 125,000 người. Từ khi nhóm Boko Haram hoành hành, hằng chục ngàn người đã phải bỏ xứ để lánh nạn.

8. Khảo sát cho hay: Đa số dân chúng Mỹ tin con người có thể được chữa lành do quyền năng của Thiên Chúa.

Cơ quan nghiên cứu và thống kê Barna Group vừa mới công bố kết quả cuộc khảo sát của họ với kết quả là đa số dân chúng Mỹ tin rằng con người có thể được chữa lành một cách siêu nhiên bởi Thiên Chúa.

Dù vẫn có những tranh luận về vấn đề này, cả về thần học và khoa học – 66% dân chúng Mỹ tin rằng con người có thể được chữa lành phần xác bởi quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa. Trong số này 33% tin tưởng chắc chắn, và 33% tin lưng chừng rằng phần xác có thể được chữa lành bởi Thiên Chúa. Phần còn lại 34% tỏ ra hoài nghi, gồm những người hoàn toàn hoài nghi 19% và những người lưng chừng 15%.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên mạng từ 28 tháng Giêng đến 4 tháng Hai năm 2016. Số người tham gia là 1,011 người. Sai số là cộng/trừ 2.9 phần trăm với mức tin tưởng là 95 phần trăm.

Cuộc khảo sát còn cho biết là trong khi đa số tin rằng con người có thể được chữa lành bởi quyền năng Thiên Chúa và 68 phần trăm đã từng cầu nguyện để xin chữa lành, 27 phần trăm đã cảm nhận được ơn chữa lành “như một phép mầu không thể giải thích được và họ được lành không phải là việc chữa trị bình thường, hay qua thuốc men hay qua việc tự phục hồi của cơ thể.

Bản tường trình của Barna kết luận “Đây là một thống kê đáng chú ý. Một phần tư dân số Mỹ nói rằng họ đã từng được chữa lành do quyền năng siêu nhiên.”