Suy Niệm Chúa Nhật XXIX THƯỜNG NIÊN C
Tại sao chúng ta phải cầu nguyện và khi cầu nguyện cần có thái độ nào? Đó là câu hỏi không ít người kitô hữu đặt ra trong cuộc sống.
1. Tại sao chúng ta phải cầu nguyện?
Có nhiều lý do, xin được nêu lên mấy lý do sau đây:
Thứ nhất, chúng ta phải cầu nguyện vì Đức Giêsu đã dạy chúng ta: Đức Giêsu đã dạy cho Tông đồ và chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha (x. Mt 6,9-13; Lc 11,2-4). Ngoài ra, Ngài còn bảo các ông phải cầu nguyện luôn kẻo phải sa chước cám dỗ. Trong vườn cây dầu, khi thấy các môn đệ đang ngủ, Ngài nói: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38). Ngài còn dạy phải cầu nguyện cho kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44); phải cầu nguyện một cách âm thầm, kín đáo: Hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha (x. Mt 6,6); khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại (x. Mt 6,7); cầu nguyện phải theo thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 7,21; 26,39)…
Thứ hai, chúng ta phải cầu nguyện vì Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Ngài cầu nguyện trong những biến cố quan trọng: trước khi chọn các Tông đồ; trước khi bước vào cuộc khổ nạn; trên thánh giá; trước khi làm phép lạ; nhất là trước khi lập Bí tích Thánh thể. Ngài cầu nguyện mọi nơi mọi lúc và hầu hết các thời gian trong ngày. Cuộc sống của Ngài luôn gắn liền với đời sống cầu nguyện.
Thứ ba, chính Đức Mẹ, các Tông đồ và các kitô hữu đầu tiên đã hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện: Sau khi Đức Giêsu đã về trời, Đức Mẹ và các Tông đồ thường quy tụ bên nhau để cầu nguyện. Sách Công Vụ Tông đồ tường thuật: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Từ đó tới nay trong Giáo Hội biết bao nhiêu gương mẫu về đời sống cầu nguyện. Gần đây, cả Giáo Hội lẫn xã hội đã ca ngợi những việc làm của Mẹ Têrêxa Calcutta, một vị thánh vì người nghèo. Người ta thắc mắc, vì sao một người phụ nữ yếu ướt lại làm được những điều vĩ đại như thế? Mẹ Têrêxa Calcutta cho biết: “Bí quyết của tôi là cầu nguyện…; Tôi cầu nguyện, vì tôi phải cậy dựa vào Chúa 24/24 giờ mỗi ngày.”
Thứ tư, cầu nguyện là bổn phận của mỗi người kitô hữu chúng ta: Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Hơn nữa, chúng ta luôn cần đến Ngài. Nên chúng ta cần phải cầu xin Ngài. Không chỉ cầu xin những ơn phần xác mà còn phải cầu xin những ơn phần hồn. Ngoài việc cầu xin, chúng ta còn phải chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Ngài vì những hồng ân mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Thứ năm, cầu nguyện là sự sống còn của đời sống thiêng liêng: Vì cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Nếu không cầu nguyện thì linh hồn sẽ chết. Thánh Têrêsa Avila nói: "Nếu không cầu nguyện, thì không cần ma quỷ nào lôi xuống Hỏa ngục, tự mình đưa mình xuống đó."
Thứ sáu, cầu nguyện để xua trừ ma quỷ: Trong Kinh lạy Cha, Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Cám dỗ có thể đến từ thế gian, xác thịt, nhưng trên hết cám dỗ là do ma quỷ. Để tránh khỏi chước cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỷ, chúng ta cần phải cầu nguyện. Vì có những thứ quỷ chỉ trừ được nhờ cầu nguyện. Khi các môn đệ hỏi Đức Giêsu: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: Giống quỷ đó, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 28-29).
2. Thái độ khi cầu nguyện
Thứ nhất, chúng ta phải có lòng khiêm tốn: Tư thế khi cầu nguyện có thể là chắp tay, giang tay, quỳ, đứng, ngồi, thậm chí là nằm nhưng thái độ luôn phải khiêm tốn. Bởi vì, chúng ta là thụ tạo thấp hèn, đứng trước một vị Thiên Chúa cao sang; chúng ta là kẻ tội lỗi trước một vị Thiên Chúa vô cùng thánh thiện; chúng ta là những kẻ thiếu thốn mọi điều trước một vị Thiên Chúa vô cùng giàu có; chúng ta là con cái trước một người cha đầy lòng xót thương. Vì vậy, khi cầu nguyện chúng ta phải có thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện: Ông đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (x. Lc 18,13). Khiêm tốn như ông đại đội trưởng, khi ông thưa với Đức Giêsu rằng: "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8). Khiêm tốn như bà góa trong Tin mừng hôm nay: Bà cảm thấy mình yếu đuối, nghèo hèn, thiếu thốn, bất lực cần sự giúp đỡ nơi vị quan tòa. Chúng ta cũng là những người yếu đuối, nghèo hèn, thiếu thốn, bất lực trước mặt Thiên Chúa, cần sự giúp đỡ ban ơn của Ngài. Vì thế, chúng ta luôn phải có lòng khiêm tốn.
Thứ hai, khi cầu nguyện chúng ta phải tin tưởng, phó thác và kiên trì: Vì Đức Giêsu đã hứa: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10). Tin mừng cho chúng ta thấy nhiều tấm gương cầu nguyện trong sự tin tưởng, phó thác và kiên trì: Câu chuyện người đàn bà xứ Canaan đến xin Đức Giêsu làm phép lạ cho đứa con gái bị quỷ ám (x. Mt 15,22-28); câu chuyện người bạn xin bánh ban đêm (x. Lc 11,5-13); đặc biệt, câu chuyện Tin mừng hôm nay: Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy (x. Lc 18,1-8).
Quan tòa bất chính và bà góa là hai nhân vật có vị thế đối nghịch nhau trong xã hội Do thái thời bấy giờ. Vị quan tòa là người có quyền, nhưng không có tình thương và không có lòng kính sợ Chúa. Ngược lại, người đàn bà góa nghèo, không có tiếng nói, không có chỗ đứng trong xã hội. Bà bị oan. Ước muốn của bà là được vị quan tòa giải oan cho mình. Sống trong một xã hội đầy bất công như xã hội Do thái thời bấy giờ, thì ước muốn của người đàn bà góa này xem ra khó có thể trở thành hiện thực. Thế nhưng, bà góa đã đạt được như ý nguyện. Đó chính là nhờ sự kiên trì của bà. Chính vị quan tòa khẳng định điều đó khi nói rằng: “Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc” (Lc 18,4-5).
Đức Giêsu không có ý so sánh thái độ của vị quan tòa với thái độ của Thiên Chúa. Nhưng Ngài muốn cho chúng ta biết rằng, một vị quan tòa có quyền thế, nhưng không kính nể Thiên Chúa và chẳng kính nể người ta mà còn chấp nhận xử cho người đàn bà góa nghèo vì sự quấy rầy của bà như thế. Phương chi, đối với Thiên Chúa, Ngài là Người Cha Quyền Phép và Vô Cùng Nhân Hậu, thì chắc chắn Ngài sẵn sàng ban ơn cho mỗi người chúng ta cầu xin.
Đối với chúng ta ngày hôm nay, thông thường khi cầu xin điều gì đó thì muốn đòi hỏi Chúa phải nhận lời ngay. Nếu chưa được Chúa nhận lời thì phàn nàn kêu trách, thậm chí bỏ Chúa, bỏ đạo. Phải nhớ rằng: Chúa là người Cha nhân hậu, khôn ngoan, có khi Ngài không ban ơn chúng ta vì điều chúng ta xin không đẹp ý Ngài hoặc không có lợi cho ta; có khi Ngài ban ơn khác ơn chúng ta xin; có khi Ngài chưa ban ơn cho chúng ta vì Ngài muốn thử thách chúng ta, Ngài muốn chúng ta có sự tin tưởng, phó thác và kiên trì.
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay không những mời gọi chúng ta cầu nguyện mà còn nhắc nhở chúng ta khi cầu nguyện cần phải có sự tin tưởng, phó thác và kiên trì.
Lạy Chúa, để đời sống chúng con luôn gắn bó với Chúa đời này và được hạnh phúc đời sau, xin cho mỗi chúng con luôn biết cầu nguyện và cầu nguyện trong sự tin tưởng, phó thác và kiên trì. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Tại sao chúng ta phải cầu nguyện và khi cầu nguyện cần có thái độ nào? Đó là câu hỏi không ít người kitô hữu đặt ra trong cuộc sống.
1. Tại sao chúng ta phải cầu nguyện?
Có nhiều lý do, xin được nêu lên mấy lý do sau đây:
Thứ nhất, chúng ta phải cầu nguyện vì Đức Giêsu đã dạy chúng ta: Đức Giêsu đã dạy cho Tông đồ và chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha (x. Mt 6,9-13; Lc 11,2-4). Ngoài ra, Ngài còn bảo các ông phải cầu nguyện luôn kẻo phải sa chước cám dỗ. Trong vườn cây dầu, khi thấy các môn đệ đang ngủ, Ngài nói: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38). Ngài còn dạy phải cầu nguyện cho kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44); phải cầu nguyện một cách âm thầm, kín đáo: Hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha (x. Mt 6,6); khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại (x. Mt 6,7); cầu nguyện phải theo thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 7,21; 26,39)…
Thứ hai, chúng ta phải cầu nguyện vì Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Ngài cầu nguyện trong những biến cố quan trọng: trước khi chọn các Tông đồ; trước khi bước vào cuộc khổ nạn; trên thánh giá; trước khi làm phép lạ; nhất là trước khi lập Bí tích Thánh thể. Ngài cầu nguyện mọi nơi mọi lúc và hầu hết các thời gian trong ngày. Cuộc sống của Ngài luôn gắn liền với đời sống cầu nguyện.
Thứ ba, chính Đức Mẹ, các Tông đồ và các kitô hữu đầu tiên đã hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện: Sau khi Đức Giêsu đã về trời, Đức Mẹ và các Tông đồ thường quy tụ bên nhau để cầu nguyện. Sách Công Vụ Tông đồ tường thuật: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Từ đó tới nay trong Giáo Hội biết bao nhiêu gương mẫu về đời sống cầu nguyện. Gần đây, cả Giáo Hội lẫn xã hội đã ca ngợi những việc làm của Mẹ Têrêxa Calcutta, một vị thánh vì người nghèo. Người ta thắc mắc, vì sao một người phụ nữ yếu ướt lại làm được những điều vĩ đại như thế? Mẹ Têrêxa Calcutta cho biết: “Bí quyết của tôi là cầu nguyện…; Tôi cầu nguyện, vì tôi phải cậy dựa vào Chúa 24/24 giờ mỗi ngày.”
Thứ tư, cầu nguyện là bổn phận của mỗi người kitô hữu chúng ta: Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Hơn nữa, chúng ta luôn cần đến Ngài. Nên chúng ta cần phải cầu xin Ngài. Không chỉ cầu xin những ơn phần xác mà còn phải cầu xin những ơn phần hồn. Ngoài việc cầu xin, chúng ta còn phải chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Ngài vì những hồng ân mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Thứ năm, cầu nguyện là sự sống còn của đời sống thiêng liêng: Vì cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Nếu không cầu nguyện thì linh hồn sẽ chết. Thánh Têrêsa Avila nói: "Nếu không cầu nguyện, thì không cần ma quỷ nào lôi xuống Hỏa ngục, tự mình đưa mình xuống đó."
Thứ sáu, cầu nguyện để xua trừ ma quỷ: Trong Kinh lạy Cha, Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Cám dỗ có thể đến từ thế gian, xác thịt, nhưng trên hết cám dỗ là do ma quỷ. Để tránh khỏi chước cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỷ, chúng ta cần phải cầu nguyện. Vì có những thứ quỷ chỉ trừ được nhờ cầu nguyện. Khi các môn đệ hỏi Đức Giêsu: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: Giống quỷ đó, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 28-29).
2. Thái độ khi cầu nguyện
Thứ nhất, chúng ta phải có lòng khiêm tốn: Tư thế khi cầu nguyện có thể là chắp tay, giang tay, quỳ, đứng, ngồi, thậm chí là nằm nhưng thái độ luôn phải khiêm tốn. Bởi vì, chúng ta là thụ tạo thấp hèn, đứng trước một vị Thiên Chúa cao sang; chúng ta là kẻ tội lỗi trước một vị Thiên Chúa vô cùng thánh thiện; chúng ta là những kẻ thiếu thốn mọi điều trước một vị Thiên Chúa vô cùng giàu có; chúng ta là con cái trước một người cha đầy lòng xót thương. Vì vậy, khi cầu nguyện chúng ta phải có thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện: Ông đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (x. Lc 18,13). Khiêm tốn như ông đại đội trưởng, khi ông thưa với Đức Giêsu rằng: "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8). Khiêm tốn như bà góa trong Tin mừng hôm nay: Bà cảm thấy mình yếu đuối, nghèo hèn, thiếu thốn, bất lực cần sự giúp đỡ nơi vị quan tòa. Chúng ta cũng là những người yếu đuối, nghèo hèn, thiếu thốn, bất lực trước mặt Thiên Chúa, cần sự giúp đỡ ban ơn của Ngài. Vì thế, chúng ta luôn phải có lòng khiêm tốn.
Thứ hai, khi cầu nguyện chúng ta phải tin tưởng, phó thác và kiên trì: Vì Đức Giêsu đã hứa: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10). Tin mừng cho chúng ta thấy nhiều tấm gương cầu nguyện trong sự tin tưởng, phó thác và kiên trì: Câu chuyện người đàn bà xứ Canaan đến xin Đức Giêsu làm phép lạ cho đứa con gái bị quỷ ám (x. Mt 15,22-28); câu chuyện người bạn xin bánh ban đêm (x. Lc 11,5-13); đặc biệt, câu chuyện Tin mừng hôm nay: Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy (x. Lc 18,1-8).
Quan tòa bất chính và bà góa là hai nhân vật có vị thế đối nghịch nhau trong xã hội Do thái thời bấy giờ. Vị quan tòa là người có quyền, nhưng không có tình thương và không có lòng kính sợ Chúa. Ngược lại, người đàn bà góa nghèo, không có tiếng nói, không có chỗ đứng trong xã hội. Bà bị oan. Ước muốn của bà là được vị quan tòa giải oan cho mình. Sống trong một xã hội đầy bất công như xã hội Do thái thời bấy giờ, thì ước muốn của người đàn bà góa này xem ra khó có thể trở thành hiện thực. Thế nhưng, bà góa đã đạt được như ý nguyện. Đó chính là nhờ sự kiên trì của bà. Chính vị quan tòa khẳng định điều đó khi nói rằng: “Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc” (Lc 18,4-5).
Đức Giêsu không có ý so sánh thái độ của vị quan tòa với thái độ của Thiên Chúa. Nhưng Ngài muốn cho chúng ta biết rằng, một vị quan tòa có quyền thế, nhưng không kính nể Thiên Chúa và chẳng kính nể người ta mà còn chấp nhận xử cho người đàn bà góa nghèo vì sự quấy rầy của bà như thế. Phương chi, đối với Thiên Chúa, Ngài là Người Cha Quyền Phép và Vô Cùng Nhân Hậu, thì chắc chắn Ngài sẵn sàng ban ơn cho mỗi người chúng ta cầu xin.
Đối với chúng ta ngày hôm nay, thông thường khi cầu xin điều gì đó thì muốn đòi hỏi Chúa phải nhận lời ngay. Nếu chưa được Chúa nhận lời thì phàn nàn kêu trách, thậm chí bỏ Chúa, bỏ đạo. Phải nhớ rằng: Chúa là người Cha nhân hậu, khôn ngoan, có khi Ngài không ban ơn chúng ta vì điều chúng ta xin không đẹp ý Ngài hoặc không có lợi cho ta; có khi Ngài ban ơn khác ơn chúng ta xin; có khi Ngài chưa ban ơn cho chúng ta vì Ngài muốn thử thách chúng ta, Ngài muốn chúng ta có sự tin tưởng, phó thác và kiên trì.
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay không những mời gọi chúng ta cầu nguyện mà còn nhắc nhở chúng ta khi cầu nguyện cần phải có sự tin tưởng, phó thác và kiên trì.
Lạy Chúa, để đời sống chúng con luôn gắn bó với Chúa đời này và được hạnh phúc đời sau, xin cho mỗi chúng con luôn biết cầu nguyện và cầu nguyện trong sự tin tưởng, phó thác và kiên trì. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành