PHANXICÔ, CON NGƯỜI “NHẤT NGHỆ TINH, NHẤT THÂN VINH”

Người Việt ta nói : nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Chỉ một nghề, mà nghề cho ra nghề, nghề cho tinh, nhất nghệ tinh, là mang lại phú quí vinh sang cho bản thân mình : nhất thân vinh. Câu này có thể áp dụng cho thánh nghèo Phanxicô, vị thánh sáng lập dòng anh em hèn mọn được không ? Ai nói không cũng được, còn tôi xin nói có.

Tôi nói có. Và đó cũng là đề tài suy tư về Phanxicô trong thánh lễ hôm nay : Phanxicô, con người “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.”

1) Nhất nghệ tinh

Ta thử phân tích xem xưa Phanxicô làm nghề gì ? Nếu là nghề cha truyền con nối, con sư thì lại làm sư, con sãi nhà chùa thì quét lá đa, thì đích thị nghề của Phanxicô là nghề buôn, là thương gia, vì ông Bernadone, cha của Phanxicô nổi tiếng là một thương gia bán vải dạ lụa tơ. Và Phanxicô cũng đã từng đứng bán vải vóc cho cha. Ông cha Bernadonê cũng mong ước con trai của mình sau này sẽ thành thương gia nổi tiếng. Chắc Phanxicô cũng đã được ông đưa đi theo trong một số chuyến mua và tải hàng.

Khi Phanxicô nghe tiếng gọi trên cây thập giá trong nguyện đường San Damiano, rằng hãy đi sửa lại nhà của ta, nó đang hư hoại, thì Phanxicô về nhà lấy vải vóc đem đi bán (bán buôn là nghề của chàng) để mua gạch đá về sửa chữa lại nhà nguyện. Sử gia Toma Cêlanô ghi lại : Chàng chạy về gian hàng của thân phụ, chất nhiều súc vải lên lưng ngựa rồi đi Foligno. Tới chợ, chàng bán tất cả : cả vải lẫn ngựa. Trở về San Damiano, chàng dâng số tiền cho vị linh mục già để tu bổ lại ngôi thánh đường.

Khi ông bố không cho lấy vải vóc đi bán nữa, thì Phanxicô mới quay qua đi xin gạch đá từng nhà dân để sửa sang nhà Chúa. Vậy đích thị Phanxicô là một nhà bán buôn, là người buôn bán. Bán vải lấy tiền, dùng tiền mua đá dựng xây nhà thờ.

Sau này chàng cũng có mộng công danh, làm hiệp sĩ, làm quan chức…nhưng mộng đó chưa thành, nên nghề của chàng trước sau vẫn là nghề buôn bán. Tôi vẫn chưa đi đến vế thứ hai “nhất thân vinh”

Trong bước đường hoán cải, một hôm, chắc là ngày 24 tháng 2 năm 1209 -vì hôm ấy người ta mừng lễ các thánh Tông Đồ, có sách nói là lễ thánh Matthia- Chàng Phanxicô nghe đọc Lời Chúa phán cùng các môn đệ khi sai họ đi rao giảng :

“Hãy đi loan báo : Nước Trời đã gần bên. Anh em đã không công mà được, thì cũng hãy cho không. Đừng mang bạc hay tiền để trong túi thắt lưng, đừng mang bị, đừng có hai áo, giày dép, gậy cầm tay, vì người thợ đáng được của nuôi thân. Sau lễ, Phanxicô xin cha chủ lễ giảng giải thêm vài lời hầu giúp chàng hiểu rõ Lời Chúa, lúc đó mắt sáng rực, chàng thốt lên lời Eurêka (tôi đã tìm ra được rồi) như Archimede ngày xưa nhảy vào bồn tắm thấy nước trào ra, thì đã nhảy ra trần truồng reo lên Eureka tìm ra định luật sức đẩy của nước, được gọi là sức đẩy Archimede. Thì Phanxicô cũng reo lên : “Đó là điều tôi mong muốn, đó là điều tôi kiếm tìm, đó là điều tôi ao ước hết lòng hết sức”.

Không trì hoãn, Phanxicô áp dụng theo nghĩa đen những chỉ thị của Chúa, coi như đó là chỉ thị cho cá nhân mình. Chàng cởi bỏ bộ áo ẩn tu còn mang trên mình, quẳng luôn đôi giày và chiếc gậy, cả giây nịt da và túi tiền, rồi khoác vào một cái áo tồi tàn với một giây thừng thắt lưng, sau khi vẽ bên trên áo một hình Thánh giá.

Phanxicô lôi cuốn được một số người đi theo lối sống này, và trước khi nhận những đồ đệ tiên khởi này, chàng muốn thỉnh ý Chúa một lần nữa, chàng dẫn họ vào ngôi nhà nguyện thánh Nicôla gần công trường thành phố. Và mở 3 lần Phúc Âm đều gặp những câu tương tự.(Lc 9,23). Như thế, Phanxicô đã khám phá ra một lần nữa Phúc âm về sự nghèo khó tuyệt đối và được ơn trên soi sáng cho hiểu rõ sứ mạng của ngài trong Giáo Hội. Đó là ngày 15 tháng 4 năm 1209.

Phanxicô đã ghi lại trong Chúc thư của mình giai đoạn này như sau : “Khi Chúa ban cho tôi một số anh em, không ai chỉ bảo cho tôi phải làm gì, nhưng chính Đấng Tối Cao đã mặc khải cho tôi biết phải sống theo mẫu mực thánh Phúc Âm. Và tôi đã xin viết ra luật sống ấy một cách đơn sơ và ngắn gọn, và Đức Thánh Cha đã xác nhận cho tôi” (Dc 14-15)

Chắc một số vị theo dõi bài chia sẻ này thầm nghĩ : xem chừng lạc đề. Đâu thấy Phanxicô nhất nghệ tinh đâu, mà cũng chẳng thấy nhất thân vinh nơi con người Phanxicô. Bởi Phanxicô đâu hành nghề buôn nữa, mà cũng lại chẳng thấy nhất thân vinh ở đâu cả, chỉ một con người áo vá chằng vá chịt mà thôi.

2) Nhất thân vinh

Nhưng đích thị Phanxicô nhất nghệ tinh đó, và nay đang nhất thân vinh trên trời. Nhất nghệ tinh, không phải là nhận xét của bản thân tôi, nhưng của thánh Bonaventura :

“Cứ thế Phanxicô tiến dần trên con đường hoàn thiện Phúc âm : Ngài đã sẵn sàng để chỉ còn làm một nghề buôn nữa mà thôi, ấy là “nghề buôn của cải trên trời” (Bonaventura).

Tức là Phanxicô cũng hành nghề buôn, nhưng đổi vật buôn, đổi mặt hàng, thay vì buôn vải, ngài buôn của cải trên trời. Năm ngài đổi mặt hàng, là năm 1209, nay đã là 807 năm qua.

Khi chàng thanh niên giàu có đến hỏi Chúa phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp, Chúa đã chẳng trả lời : hãy làm nghề buôn bán đó sao : Hãy về bán hết của cải anh đang có, phân phát cho kẻ nghèo, như thế anh đã mua được một kho tàng ở trên trời, rồi anh đến theo tôi.

Phanxicô và nhóm tiên khởi lập Dòng đã bán hết những gì họ có để mua của cải trên trời, nơi mối mọt không thể đục khoét được.

Một thương gia kia, không biết làm sao lại muốn tĩnh toạ, nên tầm sư học Đạo. Ông tìm đến vị thầy an tĩnh dưới gốc cây, cạnh một con sông nhỏ. Thương gia mang theo 2 viên ngọc quí, làm sính lễ dâng thầy. Ông đặt hai viên ngọc đó bên cạnh thầy, với lời xin thầy dạy cách tĩnh tu, an toạ. Thầy cầm ngay 1 viên ngọc ném xuống dòng sông. Thương gia tiếc quá nhảy xuống sông mò tìm. Tìm mãi không thấy, trồi lên xin thày chỉ rõ đã ném xuống đâu (giữa dòng hay mép sông). Thầy cầm ngay viên ngọc còn lại, ném xuống sông, và nói : ta ném xuống chỗ đó đó ! Thế là mất toi 2 viên ngọc.

Câu chuyện đến đó là dứt. Nhưng câu chuyện trong Phúc Âm thì không dứt ở đó, mà cũng không khởi sự như trên : vì bán hết của cải phân phát cho kẻ nghèo, thì mới mua được kho tàng ở trên trời. Chứ không phải bán đôla mua vàng lá. Nếu mình không có của cải, mình bán công sức; không có công sức, bán lời cầu, cầu cho những người khốn khổ nghèo hèn, mình sẽ mua được của cải trên trời.

Nếu thánh Phanxicô nhất nghệ tinh, nghề buôn bán, đã mua được nước Trời, thì ta cũng có thể noi gương Phanxicô trong nghề bán buôn này, mà mặt hàng của chúng ta, người Công Giáo, trong năm thánh ngoại thường này, là lòng thương xót. Hãy mua lòng thương xót nơi Thiên Chúa và bán lòng thương xót cho mọi người. Giờ tưởng niệm Phanxicô từ trần tối qua tại Vĩnh Phước Nhatrang, có dàn bài suy niệm khá chặt chẽ : I. Phanxicô được Chúa Cha thương xót (mua hoặc lấy vốn nơi Chúa Cha). Phần II : Phanxicô tỏ lòng thương xót đối với muôn vật (giống như bán lòng thương xót không lấy lời) : thương xót người, thương xót vật, thương xót thiên nhiên, đặc biệt Mẹ Đất, và phần III : Về nhà Cha, Đấng giàu lòng thương xót (sau khi bôn ba buôn bán các linh hồn bằng vốn lòng thương xót thì Phanxicô về với nguồn vốn nguyên thuỷ là Thiên Chúa tên Ngài là Lòng Thương Xót như giáo hoàng Phanxicô đã viết). Năm thánh lòng thương xót chỉ còn hai tháng, nhưng mặt hàng lòng thương xót này vẫn luôn đắt hàng để chúng ta bán buôn mua các linh hồn, hầu chúng ta cũng trở thành đồng nghiệp của Phanxicô “nhất thân vinh” trên thương trường thiên quốc. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm