Ngày 12 tháng Chín vừa qua, Đức Cha Anthony Fisher, O.P., Tổng Giám Mục Sydney và là Chủ Tịch Ủy Ban Gia Đình, Tuổi Trẻ và Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Úc, đã ra bản tuyên bố sau đâu:

"Các nguyên nhân gây ra các vấn đề kém sức khỏe tâm thần như âu lo, trầm cảm và tự tử khá phức tạp và đòi phải nghiên cứu nghiêm chỉnh và được xử lý đầy cảm thương. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong cộng đồng chúng ta và chúng ta không nên chơi trò chính trị với vấn đề sức khỏe tâm thần.

"Coi những người tin theo cái hiểu truyền thống về hôn nhân như những người chủ đạo của cuồng tín và ngôn từ kỳ thị, hiện đang tiềm ẩn trong đất chúng ta. Nó biểu lộ sự bất kính đối với quan điểm của hàng triệu người Úc.

"Ngày nay, các cuộc thảo luận về hôn nhân đã đủ khó khăn rồi: không nên tầm thường hóa cả các vấn đề sức khỏe tâm thần và tạo nên các cuộc báo động giả nữa.

"Việc bất đồng hữu lý không đồng nghĩa với kỳ thị. Giúp người ta cơ hội phát biểu quan điểm của họ về định nghĩa của hôn nhân ở thùng phiếu không phải là kỳ thị. Trợ giúp tài chánh để người ta nói lên chính nghĩa có tình có lý của họ đối với cả hai phía trước khi bỏ phiếu không đồng nghĩa với kỳ thị.

"Chúng ta là một quốc gia biết tôn trọng và thông minh. Người dân Úc phải được phép có tiếng nói của họ về vấn đề này và chính phủ phải bảo đảm để một cuộc tranh luận có hiểu biết và cân bằng diễn ra".

Bối cảnh

Muốn hiểu tại sao trong một bản tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Fisher lại nối kết vấn đề định nghĩa hôn nhân với các bệnh tâm thần, độc giả cần theo dõi cuộc tranh luận tại Quốc Hội Liên Bang chung quanh vấn đề trưng cầu ý kiến toàn dân liên quan đến hôn nhân đồng tính.

Như độc giả đã thấy, trong cuộc bầu cử Liên Bang vừa qua ở Úc, chính phủ của ông Malcolm Turnbull đã hứa nếu được tái cử sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến tòan dân (plebiscite) về vấn đề hôn nhân đồng tính. Chính phủ của ông, dù tái cử vơí một tỷ lệ sít sao, nhưng đã giữ lời hứa và đã “sốt sắng” quyết định: cuộc trưng cầu này sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 2 năm 2017 và câu hỏi để dân trả lời là: “Luật có nên được thay đổi để cho phép các cặp đồng tính kết hôn hay không?”.

Để cuộc trưng cầu ý kiến toàn dân trên diễn ra, Thủ Tướng Turnbull đã đệ nạp dự thảo luật tổ chức nó, trong đó có điều khoản cung cấp một ngân khoản đồng đều cho hai phe “ủng hộ” (yes) và “chống” (no) hôn nhân đồng tính để họ công khai trình bầy quan điểm và dĩ nhiên vận động cho quan điểm của mình.

Điều trên hòan toàn hợp lý vì có tính rất dân chủ, mọi người dân đều có quyền phát biểu ý kiến về vấn đề này và ý kiến của họ, dù đồng ý hay chống đối, đều phải được tôn trọng. Nhưng đề xuất này đang bị chống đối dữ dội, nhiều khi bằng những ngôn từ khá hạ cấp.

Đảng Lao Động chẳng hạn, nghĩ rằng chiến dịch nói “không” có thể gây hại cho các cặp đồng tính và con cái các cặp này.

Thủ Tướng Turnbull thì cho rằng quan điểm trên nhục mạ nhân dân Úc vì hàm ý rằng họ không đáng tin để có thể có được một cuộc tranh luận lịch sự, là có ý cho "rằng công chúng Úc quá non dại, không biết tự kiềm chế, quá ẩu tả đến độ không đáng tin cậy để có được một cuộc tranh luận và đưa ra một quyết định trong vấn đề này”.

Cũng theo Ông Turnbull, điều rõ ràng là người ta không thể trông chờ Thượng Nghị Viện sẽ thông qua luật lệ này dựa trên căn bản chấp thuận nó hay bỏ rơi nó trừ khi người dân nhất trí đối với đề xuất này.

Ông Turnbull nhận định như thế sau khi Lãnh Tụ Lao Động Bill Shorten ra dấu hiệu cho thấy đảng của Ông sẽ ngăn chặn dự luật Trưng Cầu Dân Ý vì cho rằng Ông Turnbull trao “diễn đàn cho bọn cuồng tín… Turnbull chủ ý phá hoại diễn trình khiến cho ngay những người ủng hộ quyền bình đẳng hôn nhân hăng say nhất cũng khó mà ủng hộ nó… Điều rõ ràng là cánh cực hữu của Đảng Tự Do đang sắp đặt để quyền bình đẳng hôn nhân thất bại”.

Ông Turnbull thì nhấn mạnh “về phần chúng tôi, chúng tôi đặt tin tưởng nơi nhân dân Úc, và chúng tôi biết rằng câu trả lời của họ dù là ủng hộ hay chống đối, đều là câu trả lời đúng đắn”.

Ông nhấn mạnh thêm “qui cho ai tội ghét đồng tính, tội kỳ thị đồng tính… là điều cực kỳ bất kính”. Trong thời gian dành cho các câu hỏi ở Hạ Viện, ông kêu gọi phe đối lập tôn trọng ý kiến của cả hai phe tranh luận, không nên tố cáo những người bất đồng với họ là ghét người đồng tính. Ông bảo: “Đảng Lao Động phải ngưng ngay việc rao giảng thứ kỳ thị này”.

Trước khi bay qua Gia Nã Đại, Bill Shorten cho rằng sự kiện ngân quĩ công được cung cấp “để trao diễn đàn cho bọn cuồng tín” đủ cho thấy chính phủ không muốn làm việc với Lao Động trong vấn đề này.

“Bọn cuồng tín” đây Bill Shorten muốn nói đến các vị lãnh đạo tôn giáo như Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Anthony Fisher trên đây hay Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo Glenn Davies, người từng vận động để Thủ Tướng Turnbull cung cấp ngân khoản cho hai chiến dịch “ủng hộ” và “chống đối” việc thay đổi luật lệ nhằm cho phép các cặp đồg tính kết hôn. Tổ chức Kitô Giáo Úc Vận Động Bên Lề Quốc Hội (The Australian Christian Lobby) dĩ nhiên cũng bị Bill Shorten liệt vào loại này. Lyle Shelton, Tổng Giám Đốc của tổ chức này nói với Đài Phát Thanh ABC rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ đem vào nghị trường công cộng bất cứ điều gì kỳ thị hay bôi lọ các đồng bào Úc Châu cả, mà chúng tôi cũng không bao giờ muốn làm việc này… Gom thành một để cho rằng những điều này có thể xảy ra, theo tôi, là một sự xuống cấp mới của nền chính trị Úc Châu”.

Đảng Xanh lẽ dĩ nhiên cũng về hùa với Đảng Lao Động và có lẽ còn cay cú hơn trước động thái của Thủ Tướng Turnbull. Dân biểu độc nhất của Đảng này tại Hạ Viện là Adam Bandt cho rằng động thái tài trợ cho hai phe ủng hộ và chống đối trình bầy quan điểm của họ cho công chúng trước khi bỏ phiếu là “tương đương với việc cung cấp ngân khoản cho những tên bắt nạt ở sân trường để chúng đi hạ nhục các học sinh khác”.

Không lạ gì, Thượng Nghị Sĩ của Đảng Dân Chủ Tự Do, David Leyonhjelm, người trước đây đã đệ nạp dự luật riêng của ông để cho phép người đồng tính kết hôn, nay thúc giục các đồng nghiệp trung lập (crossbenchers) xem xét lại chủ trương của mình để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, lên tiếng cho rằng “Cứ để cho Đảng Xanh, chắc chắn Saudi Arabia sẽ có bình đằng hôn nhân trước chúng ta”.

Tuy nhiên, Đảng Xanh vẫn chưa bao giờ nghĩ ra một chiến lược chống đối thâm độc và hèn hạ bằng Lao Động khiến Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher phải chú ý tới nó ngay ở đầu Lời Tuyên Bố trên đây của ngài.

Thực vậy, khi đệ nạp dự luật riêng của mình nhằm để cho quốc hội bỏ phiếu việc cho phép hay không cho phép người đồng tính kết hôn, chứ không cần trưng cầu ý dân, Bill Shorten đưa ra bóng ma thiếu niên tự sát để hù họa thiên hạ. Ông ta bảo: “Hãy để tôi nói hụych toẹt thế này: chiến dịch ‘chống đối’ (no) là một cơn tra tấn xúc cảm đối với các thiếu niên đồng tính, và nếu một đứa trẻ phạm tự sát vì cuộc trưng cầu ý dân, thì cũng là quá nhiều rồi”.

Hôm sau, phó lãnh tụ của ông ta là nữ dân biểu Lao Động Tanya Plibersek đã nhắc lại bóng ma trên, khi cho rằng các người trẻ đồng tính và đổi phái tính có nguy cơ bị trầm cảm 5 lần nhiều hơn các người trẻ thông thường.

Bà này cho rằng một cuộc điều tra gần đây cho hay: họ có ý nghĩ tự sát 15 lần nhiều hơn người trẻ bình thường. Bà nói với Đài Phát Thanh ABC rằng: “tôi không nghĩ là quá đáng khi nói rằng chúng ta nên quan tâm đến điều này. Là một thiếu niên mà phải nghe nói, trong cuộc tranh luận toàn quốc, rằng có điều gì đó bạn không đúng, một điều gì đó không đúng vì sự kiện bạn yêu một ai đó cùng phái tính, quả là một điều khủng khiếp”.

Nhưng dân biểu Tự Do là Bác Sĩ Andrew Laming cho rằng Đảng Lao Động “hai mặt” khi chống đối việc bỏ phiếu công cộng. Ông nói với các ký giả ở Canberra rằng: “Đây là những con người không hề có một chút huấn luyện nào về sức khỏe tâm thần mà dám lôi lá bài sức khỏe tâm thần ra chơi vì lợi ích chính trị của riêng mình”.