Mong muốn chưa thành sự của Mẹ Têrêsa: Phục vụ người nghèo ở Trung Quốc
Có một thực tế mà ít người biết là: đến gần cuối đời, Mẹ Têrêsa đã đến Trung Quốc ba lần để thành lập nhà dòng của Mẹ ở đó, nhưng thật đáng buồn là những nỗ lực của Mẹ đều thất bại vì mối quan hệ ngoại giao không mấy tốt đẹp giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.
Cha John Worthley - người đã sống và giảng dạy ở Trung Quốc trong nhiều năm và tháp tùng Mẹ Têrêsa trong cả ba chuyến đi ấy nói rằng: "Mẹ Têrêsa luôn ấp ủ ước mơ muốn phục vụ người dân Trung Quốc, và sau khi đã đưa các chị em nữ tu đến khắp thế giới - bao gồm Nga, Hoa Kỳ và các nước Hồi giáo - thì Trung Quốc đã trở thành điểm đến mà Mẹ luôn ưu tư ".
"Thật vậy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị Mẹ dành những năm cuối đời để làm cầu nối của tình yêu thương và hòa giải giữa Trung Quốc với Giáo Hội Hoàn Vũ", Cha Worthley nói tại một hội thảo chuyên đề về Mẹ Têrêsa được tổ chức hôm 2 tháng 9 tại Rôma.
Theo Cha Worthley: "Việc hòa giải giữa Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ có thể sẽ không còn xa vời. Tôi rất hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra. Đã có rất nhiều cuộc đàm phán tốt đẹp và cả hai bên đang tiến gần đến việc sẵn sàng".
Vị linh mục này thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều trở ngại để cải thiện quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Ngài cho biết là có nhiều người nghĩ rằng "đừng ngây thơ mong đợi nó sẽ xảy ra ngay lập tức", tuy nhiên ngài cũng nhận định là nó sẽ sớm xảy ra "chỉ vì sự hy sinh của Mẹ Têrêsa".
Mẹ Têrêsa "muốn được ở với người nghèo trên toàn thế giới" nhưng đặc biệt là ở Trung Quốc, ngài nói.
Vào buổi khởi đầu thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái và nhận được sự cho phép lãnh đạo các chị em nữ tu, Mẹ đã nói rằng: "sự hy sinh sẽ là điều làm nên thành công của Dòng Thừa Sai Bác Ái".
Một tuần sau, vị linh mục đã hướng dẫn Mẹ phần thủ tục thành lập dòng chẳng may qua đời, và "Mẹ coi đó là một sự hy sinh", Cha Worthley giải thích.
"Ngài đã nói chuyện với Mẹ về Trung Quốc, và có lẽ đó là những gì khởi đầu cho sự quan tâm của Mẹ về quốc gia này".
Mẹ Têrêsa đến thăm Trung Quốc lần đầu vào năm 1986 và sau đó một lần nữa vào năm 1993. Lần cuối cùng Mẹ đến thăm là vào Tháng Giêng năm 1994. Một hiệp định đã đạt được là cho phép bốn chị em nữ tu của Mẹ Têrêsa có thể phục vụ tại một Trung tâm Chăm sóc mới dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người cao tuổi tại đảo Hải Nam, một tỉnh của Trung Quốc.
Nhưng khi Mẹ vừa đến Hồng Kông quá cảnh trước khi bay đến đảo Hải Nam thì Mẹ nhận được thông báo không được phép nhập cảnh nữa. "Mẹ rất đau lòng. Đó là điều khó khăn nhất đối với Mẹ", Cha Worthley kể lại.
"Mẹ đã rất tin chắc trong chuyện này. Chúng tôi tập trung tại Hồng Kông và cầu nguyện hàng giờ liền trong khi chờ đợi kết quả khiếu nại. Sự hy sinh lần thứ ba này và cũng là lần khó khăn nhất của Mẹ là hòa giải, chấp nhận tình thế như vậy và rời đi".
"Chúng tôi đã hứa với Mẹ rằng chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi việc đó thành sự", Cha Worthley nói.
Hồi Tháng 5 vừa qua, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin nói rằng mối quan hệ với Trung Quốc đại lục "đã và đang là một phần của con đường xa tắp với những giai đoạn khác nhau. Con đường này chưa biết được hồi kết và chúng tôi sẽ hoàn thành nó theo thánh ý Chúa".
Trong một bài phát biểu hôm 27 tháng 8 tại Chủng viện giáo phận Pordenone bên Ý, Đức Hồng Y Parolin đánh giá chuyện này là tích cực: "Ngày nay, hơn bao giờ hết, đang có nhiều hy vọng và mong đợi về những bước tiến triển mới và một thời kỳ mới cho mối quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc, vì lợi ích không chỉ đối với những người Công Giáo tại quê hương của Khổng Tử mà còn đối với toàn thể đất nước vốn tự hào là một trong số những nền văn minh vĩ đại nhất địa cầu".
Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng việc theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc - bao gồm cả quan hệ ngoại giao - không phải là một nỗ lực để thành công kiểu "trần thế".
"Chúng tôi suy tư và theo đuổi vì lợi ích của người Công Giáo Trung Quốc, vì lợi ích của người dân Trung Quốc, vì sự hoà hợp của toàn xã hội, và vì mưu cầu hoà bình cho thế giới".
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thể hiện mối quan tâm lớn lao trong việc khôi phục quan hệ với Trung Quốc đại lục, đây không còn là điều phải che đậy, một trong những ước ao của ngài là có một chuyến viếng thăm Bắc Kinh.
Dưới thời Tập Cận Bình, quan hệ giữa Tòa Thánh với Trung Quốc đại lục được cải thiện thêm ở mức độ ngoại giao. Đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở thành vị giáo hoàng đầu tiên được phép bay qua không phận của nước này trong chuyến tông du Nam Hàn và Philippines.
Cha Worthley cho biết Giáo Hội tại Trung Quốc đang phát triển mạnh. "Khi bạn có đất nước với một tỷ rưỡi người, sẽ không mất nhiều công sức để làm cho nó trở thành khu vực rộng lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo toàn thế giới". "Các nhà thờ với đầy người trẻ và các gia đình... nó phát triển đáng kinh ngạc". (CNA)
Chân Phương
Có một thực tế mà ít người biết là: đến gần cuối đời, Mẹ Têrêsa đã đến Trung Quốc ba lần để thành lập nhà dòng của Mẹ ở đó, nhưng thật đáng buồn là những nỗ lực của Mẹ đều thất bại vì mối quan hệ ngoại giao không mấy tốt đẹp giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.
Cha John Worthley - người đã sống và giảng dạy ở Trung Quốc trong nhiều năm và tháp tùng Mẹ Têrêsa trong cả ba chuyến đi ấy nói rằng: "Mẹ Têrêsa luôn ấp ủ ước mơ muốn phục vụ người dân Trung Quốc, và sau khi đã đưa các chị em nữ tu đến khắp thế giới - bao gồm Nga, Hoa Kỳ và các nước Hồi giáo - thì Trung Quốc đã trở thành điểm đến mà Mẹ luôn ưu tư ".
"Thật vậy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị Mẹ dành những năm cuối đời để làm cầu nối của tình yêu thương và hòa giải giữa Trung Quốc với Giáo Hội Hoàn Vũ", Cha Worthley nói tại một hội thảo chuyên đề về Mẹ Têrêsa được tổ chức hôm 2 tháng 9 tại Rôma.
Theo Cha Worthley: "Việc hòa giải giữa Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ có thể sẽ không còn xa vời. Tôi rất hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra. Đã có rất nhiều cuộc đàm phán tốt đẹp và cả hai bên đang tiến gần đến việc sẵn sàng".
Vị linh mục này thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều trở ngại để cải thiện quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Ngài cho biết là có nhiều người nghĩ rằng "đừng ngây thơ mong đợi nó sẽ xảy ra ngay lập tức", tuy nhiên ngài cũng nhận định là nó sẽ sớm xảy ra "chỉ vì sự hy sinh của Mẹ Têrêsa".
Mẹ Têrêsa "muốn được ở với người nghèo trên toàn thế giới" nhưng đặc biệt là ở Trung Quốc, ngài nói.
Vào buổi khởi đầu thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái và nhận được sự cho phép lãnh đạo các chị em nữ tu, Mẹ đã nói rằng: "sự hy sinh sẽ là điều làm nên thành công của Dòng Thừa Sai Bác Ái".
Một tuần sau, vị linh mục đã hướng dẫn Mẹ phần thủ tục thành lập dòng chẳng may qua đời, và "Mẹ coi đó là một sự hy sinh", Cha Worthley giải thích.
"Ngài đã nói chuyện với Mẹ về Trung Quốc, và có lẽ đó là những gì khởi đầu cho sự quan tâm của Mẹ về quốc gia này".
Mẹ Têrêsa đến thăm Trung Quốc lần đầu vào năm 1986 và sau đó một lần nữa vào năm 1993. Lần cuối cùng Mẹ đến thăm là vào Tháng Giêng năm 1994. Một hiệp định đã đạt được là cho phép bốn chị em nữ tu của Mẹ Têrêsa có thể phục vụ tại một Trung tâm Chăm sóc mới dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người cao tuổi tại đảo Hải Nam, một tỉnh của Trung Quốc.
Nhưng khi Mẹ vừa đến Hồng Kông quá cảnh trước khi bay đến đảo Hải Nam thì Mẹ nhận được thông báo không được phép nhập cảnh nữa. "Mẹ rất đau lòng. Đó là điều khó khăn nhất đối với Mẹ", Cha Worthley kể lại.
"Mẹ đã rất tin chắc trong chuyện này. Chúng tôi tập trung tại Hồng Kông và cầu nguyện hàng giờ liền trong khi chờ đợi kết quả khiếu nại. Sự hy sinh lần thứ ba này và cũng là lần khó khăn nhất của Mẹ là hòa giải, chấp nhận tình thế như vậy và rời đi".
"Chúng tôi đã hứa với Mẹ rằng chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi việc đó thành sự", Cha Worthley nói.
Hồi Tháng 5 vừa qua, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin nói rằng mối quan hệ với Trung Quốc đại lục "đã và đang là một phần của con đường xa tắp với những giai đoạn khác nhau. Con đường này chưa biết được hồi kết và chúng tôi sẽ hoàn thành nó theo thánh ý Chúa".
Trong một bài phát biểu hôm 27 tháng 8 tại Chủng viện giáo phận Pordenone bên Ý, Đức Hồng Y Parolin đánh giá chuyện này là tích cực: "Ngày nay, hơn bao giờ hết, đang có nhiều hy vọng và mong đợi về những bước tiến triển mới và một thời kỳ mới cho mối quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc, vì lợi ích không chỉ đối với những người Công Giáo tại quê hương của Khổng Tử mà còn đối với toàn thể đất nước vốn tự hào là một trong số những nền văn minh vĩ đại nhất địa cầu".
Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng việc theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc - bao gồm cả quan hệ ngoại giao - không phải là một nỗ lực để thành công kiểu "trần thế".
"Chúng tôi suy tư và theo đuổi vì lợi ích của người Công Giáo Trung Quốc, vì lợi ích của người dân Trung Quốc, vì sự hoà hợp của toàn xã hội, và vì mưu cầu hoà bình cho thế giới".
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thể hiện mối quan tâm lớn lao trong việc khôi phục quan hệ với Trung Quốc đại lục, đây không còn là điều phải che đậy, một trong những ước ao của ngài là có một chuyến viếng thăm Bắc Kinh.
Dưới thời Tập Cận Bình, quan hệ giữa Tòa Thánh với Trung Quốc đại lục được cải thiện thêm ở mức độ ngoại giao. Đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở thành vị giáo hoàng đầu tiên được phép bay qua không phận của nước này trong chuyến tông du Nam Hàn và Philippines.
Cha Worthley cho biết Giáo Hội tại Trung Quốc đang phát triển mạnh. "Khi bạn có đất nước với một tỷ rưỡi người, sẽ không mất nhiều công sức để làm cho nó trở thành khu vực rộng lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo toàn thế giới". "Các nhà thờ với đầy người trẻ và các gia đình... nó phát triển đáng kinh ngạc". (CNA)
Chân Phương