Có cần ghi danh vào Cộng đoàn Việt Nam mới được sinh hoạt không?

Câu hỏi:

Thưa Cha, trong cộng đoàn con mới xẩy ra một sự kiện làm cộng đoàn xôn xao: Chị Trưởng trường Việt ngữ của Cộng đoàn con từ 16 năm qua, nay bị ông tân chủ tịch ra thông báo cho nghỉ chức vụ vì gia đình chị không ghi danh lại vào Cộng đoàn Việt nam. Vấn đề thì dài dòng, nhưng đại khái là từ hơn 1 năm nay chúng con có một linh mục (trước thuộc Dòng Đa Minh, nay không còn trong Dòng đó nữa!) gốc người Việt Nam, được Cha chính xứ nhận về giúp giáo xứ và coi sóc mục vụ cho giáo dân Việt Nam. Từ khi cha về có nhiều đổi thay trong Cộng đoàn… cha dẹp bỏ một số các đoàn thể… Ban chấp hành đã từ chức, nhiều ban ngành cũng từ chức… (Xin nói thêm chi tiết: Vì những bất đồng mà cả năm không được giải quyết trong tinh thần bác ái, yêu thương và mục tử, nên hậu quả là đã có chừng 60 gia đình trong tổng số 170 gia đình Việt Nam trong xứ đạo đã không muốn sinh hoạt trong giáo xứ này nữa và đã sang một giáo xứ bên cạnh thuộc giáo phận khác và được cha chính xứ đó cho lập Cộng đoàn Việt Nam, tòa Giám mục cũng đã cử linh mục người Việt Nam tới dâng lễ tiếng Việt cho họ và sinh hoạt mục vụ).

Trở lại vấn đề của Cộng đoàn Việt Nam thuộc giáo xứ cũ: Khi Ban Chấp Hành từ chức, Cha tuyên úy cho lập Ban chấp hành mới. Cha và Ban chấp hành mới ra lệnh: gia đình nào muốn sinh hoạt trong Cộng đoàn Việt Nam thì phải ghi danh gia đình vào Cộng đoàn Việt Nam thì mới cho sinh hoạt. Một số gia đình nói họ đã ghi danh xứ đạo Mỹ từ trước tới nay - từ cả 10, 20 hay 30 năm hơn nữa – và là thành phần Cộng đoàn Việt Nam trước giờ nên họ không thấy cần thiết phải ghi danh lại!

Chị Trưởng Trường Việt Ngữ ở trong trường hợp này. Chị trình bầy rằng chị đã ghi danh với giáo xứ Mỹ, nếu Cha hay Ban chấp hành muốn biết chi tiết gì thì vào xứ Mỹ hỏi chứ không muốn ghi danh gì thêm cả, vì gia đình chị đã là thành phần giáo xứ Mỹ từ đầu đến giờ và đương nhiên là thành viên Cộng đoàn Việt Nam trong giáo xứ Mỹ, giả như cần cập nhật thông tin như địa chỉ hay số phone chẳng hạn thì chị sẽ cho biết, nhưng những chi tiết cá nhân khác của gia đình chị không thấy là cần thiết phải cho Ban chấp hành mới biết. Vì lý do này, ông tân Chủ tịch đã viết một văn thư truất phế Chị - cho biết Chị không còn là Trưởng Trường Việt Ngữ nữa - lý do vì gia đình Chị không làm lại sổ gia đình mới do Ban Chấp Hành yêu cầu.

Vậy xin Cha trả lời giúp chúng con một số câu hỏi sau đây:

1. Gia đình đã ghi danh giáo xứ Mỹ thì là thành viên đầy đủ của giáo xứ, trong đó người Việt nam cũng chỉ là một thành phần thì có cần phải ghi danh vào sổ Gia đình Việt Nam như cha Tuyên úy hay ông chủ tịch ra lệnh hay không? Giả như có những quy tắc như muốn sinh hoạt Hội đoàn hay học Việt ngữ thì đóng tiền theo tiêu chuẩn ấn định thì chúng con sẵn sàng thi hành chứ không nhất thiết phải ghi danh lại vào Cộng đoàn Việt Nam! Đúng không thưa cha?

2. Trường hợp Cha phó xứ, Cha Quản nhiệm hay Cha Tuyên úy Việt nam, hay ông Chủ tịch Cộng đoàn viết văn thư bãi chức ai đó thì vị này có “quyền” này không, và như vậy có đúng theo Giáo luật không?

3. Giả như trường hợp mà Cha Chánh xứ, Cha phó xứ, Cha Quản nhiệm hay ông Chủ tịch không thi hành đúng đắn trách nhiệm mục tử của mình hay là có những động thái gây chia rẽ trầm trọng trong Cộng đoàn mà giáo dân trình bầy lên các vị, nhưng vẫn không lắng nghe và làm sai trái thì tiếp theo giáo dân nên làm gì?

Xin Cha vui lòng giải thích rõ ràng cho chúng con vì tình trạng Cộng đoàn chúng con giờ đây rất là bi đát, ai cũng xót xa và hoang mang vì những tuyên bố của Cha Quản nhiệm và Ban tân chấp hành.

Hồng Phan


LM Ngô Tôn Huấn trả lời:

Thưa ông/bà Hồng Phan:

Về thắc mắc của ông/bà tôi xin được trả lời vắn gọn như sau:

1- Mỗi giáo xứ -dù ở Việt Nam hay ở Mỹ- thì cũng chỉ có một Hội Đồng Muc Vụ, một Hội Đồng Tài Chánh mà thôi. Các Hội Đồng này và các đoàn thể Công Giáo tiến hành, các phong trào giáo dân như Phong Trào Cursillo, Fatima, Đền tạ Thánh Tâm Chúa, Dòng Ba Đa Minh, các lớp giáo lý, Việt ngữ v.v… đều phải trực thuộc dưới quyền Cha Chánh xứ (Pastor) các cha phó chỉ làm tuyên úy (chaplain) cho các Hội Đoàn hay Phong Trào theo sự chỉ định của Cha Chánh xứ.

2- Riêng ở Mỹ, vì vấn đề ngôn ngữ nên giáo dân VN đi lễ riêng ở Giáo xứ Mỹ và thường chỉ biết đến Cha phó Việt Nam, đặc trách mục vụ cho giáo dân VN, mà thường gọi cha phó này là cha quản nhiệm. Gọi như vậy là sai giáo luật, vì trong một giáo xứ (Parish) chỉ có một cha xứ và một hai cha phó thôi chứ không có ai là Quản Nhiệm (Administrator) bao giờ. Vì chỉ có một giáo xứ thôi nên cũng chỉ có một Hội Đồng Mục Vụ chung cho cả xứ. Giáo dân VN đi lễ chung trong giáo Xứ Mỹ có thể có Ban Mục Vụ riêng để giúp các sinh hoạt riêng của giáo dân Việt trong giáo xứ Mỹ.

Ban mục vụ này không phải là Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ (Pastoral Council) vì không thể có hai Hội Đồng này trong một Giáo xứ, xét theo giáo luật.

3- Việc ghi tên vào Giáo Xứ áp dụng cho mọi sắc dân trong giáo xứ, nghĩa là chỉ phải ghi tên một lần vào giáo xứ, chứ không thể có chuyện giáo dân phải ghi tên riêng theo ngôn ngữ vào giáo xứ nào. Giáo dân VN đi lễ tiếng Việt hoặc lễ chung khác trong giáo xứ Mỹ, thì nếu cha phó đặc trách giáo dân VN muốn biết có bao nhiêu người VN đi lễ VN thì có thể lập danh sách các giáo dân này, nhưng đây không phải là việc ghi danh (registration) vào giáo xứ bao lâu chưa phải là Giáo Xứ Việt Nam riêng biệt như các giáo xứ Mỹ, Mễ.

Như vậy, cha phó mới nào đến giáo xứ Mỹ có giáo dân VN đi lễ và sinh hoạt mục vụ riêng, thì cha phó này không được phép bắt dân ghi tên lại vào Công Đoàn do mình đặc trách... Nếu họ đã ghi danh nhập giáo xứ Mỹ rồi thì như vậy là đủ, không cần phải ghi danh lại mỗi khi có cha phó mới đặc trách cho giáo dân VN. Nghĩa là chỉ phải ghi danh một lần nhập giáo xứ Mỹ mà người VN đi lễ chung chứ không phải ghi danh nhập Công Đoàn của riêng người VN như nhập Giáo xứ chính danh được. Ai làm việc này là sai và giáo dân có quyền trình bày cho cha xứ biết đề xin can thiệp. Nếu không thỏa mãn thì hãy lên văn phòng địa phận (Chancery) mà khiếu nại. Chắc chắn sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Ước mong những giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

LM Ngô Tôn Huấn