Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa trình thuật phép lạ cho người đàn bà bị bệnh băng huyết được lành bệnh, như thánh sử Mátthêu trình thuật trong chương 9,20-22. Khi trông thấy Chúa Giêsu đi qua giữa đám đông, bà tới gần đàng sau Ngài để rờ vào gấu áo của Ngài. “Thật ra bà tự nhủ: nếu tôi chỉ thành công rờ vào áo choàng của Ngài thôi, tôi sẽ được lành” (c. 21). Biết bao đức tin phải không? Người đàn bà này có lòng tin biết bao! Bà lý luận như thế, bởi vì bà được linh hoạt bởi biết bao lòng tin và niềm hy vọng, và với một cử chỉ ma lanh, bà thực hiện điều có trong tim. Ước muốn được Chúa Giêsu chữa lành khiến cho bà vượt quá các điều lệ do luật lệ Môshê thiết định. ĐTC giải thích điểm này như sau:
Thật ra, người đàn bà đáng thương này đã bị bệnh từ nhiều năm, nhưng bà bị coi là ô uế vì bị bệnh băng huyết ( x. Lc 15,19-30) và vì thế bị loại trừ khỏi các buổi cử hành phụng vụ, khỏi cuộc sống hôn nhân, khỏi các tiếp xúc với người thân cận. Thánh sử Marcô cho biết thêm rằng bà đã gặp nhiều y sĩ, tiêu hao hết tiền của để trả cho họ và chịu các chữa trị đau đớn, mà bệnh tình chỉ tệ hạị hơn. Bà đã là một phụ nữ bị xã hội gạt bỏ. Thật là quan trọng chú ý tới điều kiện này – bị gạt bỏ - để hiểu tâm trạng của bà: bà cảm thấy rằng Chúa Giêsu có thể giài thoát bà khỏi bệnh và tình trạng bị gạt bỏ ngoài lề và bất xứng, trong đó bà đã phải sống từ nhiều năm qua. Tắt một lời: bà biết, bà cảm thấy Chúa Giêsu có thể cứu bà.
Trường hợp này khiến cho chúng ta suy tư về sự kiện phụ nữ thường bị nhận thức và giới thiệu như thế nào. Tất cả chúng ta, cả các cộng đoàn kitô nữa, đều được cảnh báo bởi các cách nhìn phụ nữ bị tiêm nhiễm các thành kiến và ngờ vực xúc phạm tới phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Trong nghĩa đó chính các Phúc Âm tái lập sự thật và tái dẫn đưa tới một quan điểm giải phóng. Chúa Giêsu đã khâm phục đức tin của người đàn bà đó, mà tất cả mọi người đều xa lánh, và Ngài đã biến niềm hy vọng của bà thành sự cứu rỗi.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta không biết tên của bà, nhưng ít hàng mà các Phúc Âm miêu tả cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu vạch ra một lộ trình lòng tin có khả năng tái lập sự thật và phẩm giá cao cả của từng người. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô mở ra cho tất cả mọi người nam nữ thuộc mọi nơi và mọi thời con đường của sự giải thoát và cứu độ.
Phúc Âm thánh Matthêu nói rằng khi người đàn bà sờ vào áo choàng của Chúa Giêsu, Ngài “quay lại” và “trông thấy bà” (c 22) và nói với bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bị loại trừ của bà, bà ta đã hành động lén lút, sau lưng Chúa Giêsu, bà đã hơi sợ hãi, để không bị trông thấy, bởi vì bà đã là một người bị gạt bỏ. Trái lại, Chúa Giêsu trông thấy bà và cái nhìn của Ngài không phải là cái nhìn quở trách, Ngài không nói: “Cút đi, bà là một người bị gạt bỏ!”, làm như thể Ngài nói: “Bà là một người phong cùi, cút đi!”. Không, Chúa không quở trách bà. Nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của lòng thương xót và dịu hiền. Ngài biết điều đã xảy ra và tìm sự gặp gỡ cá biệt với bà, là điều mà chính người đàn bà ước muốn. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu không chỉ tiếp đón bà, mà còn cho rằng bà đáng có được cuộc gặp gỡ ấy đến độ làm quà cho bà lời Ngài và sự chú ý của Ngài nữa.
Trong phần hai của trình thuật từ “cứu” được lập lại 3 lần: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! " Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (cc.21-22).
Câu “can đảm lên con gái” - “can đảm lên, con gái” Chúa Giêsu nói - diễn tả tất cả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người ấy. Và đối với từng người bị gạt bỏ, biết bao lần chúng ta cảm thấy mình bị gạt bỏ trong thâm tâm vì các tội lỗi của chúng ta, chúng ta đã phạm biết bao tội, chúng ta đã có biết bao tội… Và Chúa nói với chúng ta: “Can đảm lên! Hãy đến!”. Đối với Ta con không phải là một người bị gạt bỏ. Can đảm lên, con gái. Con là một con trai, một con gái”. Và đây là thời điểm của ơn thánh, là thời điểm của ơn tha thứ, thời điểm của việc hội nhập vào trong sự sống của Chúa Giêsu, vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Đây là lúc của lòng thương xót. Ngày hôm nay với tất cả chúng ta, những người tội lỗi, chúng ta là những người tội lỗi lớn hay tội lỗi nhỏ, nhưng tất cả đều tội lỗi, với tất cả chúng ta Chúa nói: “Can đảm lên, hãy đến !” Con không bị gạt bỏ: Ta tha cho con, Ta ôm con trong vòng tay”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là thế đó. Chúng ta phải có can đảm đi đến với Ngài, xin lỗi Ngài vì các tội của chúng ta và tiến bước. Với lòng can đảm, như người đàn bà đã làm.
Thế rồi, sự cứu rỗi có nhiều ý nghĩa: trước hết nó tái lập sức khỏe cho người đàn bà; rồi giải thoát bà khỏi các kỳ thị xã hội và tôn giáo; ngoài ra nó hiện thực niềm hy vọng mà bà đã mang trong tim, bằng cách hủy bỏ các sợ hãi và nỗi tuyệt vọng của bà; sau cùng nó tái trao ban bà cho cộng đoàn bằng cách giải thoát bà khỏi sự cần thiết hành động lén lút. Điều cuối cùng này quan trọng: một người bị gạt bỏ luôn luôn làm một cái gì lén lút, vài lần hay trong suốt cuộc đời: chúng ta hãy nghĩ tới các người phong cùi thời đó, những người vô gia cư ngày nay… chúng ta hãy nghĩ tới các người tội lỗi, tới chúng ta tội lỗi, chúng ta luôn luôn làm cái gì đó lén lút… như thể chúng ta cần làm cái gì đó lén lút, và chúng ta xấu hổ vì điều chúng ta là. Và Chúa giải thoát chúng ta khỏi điều ấy. Chúa Giêsu giải thoát chúng ta và nâng chúng ta đứng lên: “Hãy đứng dậy và đến. Hãy đứng lên”. Như Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta đứng trên hai chân, chứ không bị hạ nhục. Hãy đứng lên. Sự cứu rỗi mà Chúa Giêsu trao ban là sự cứu rỗi toàn vẹn, tháp nhập cuộc sống của người đàn bà vào trong bầu khí tình yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời tái lập phẩm giá tràn đầy cho bà.
Kết luận, không phải cái áo choàng mà người đàn bà đã sờ vào cho bà sự cứu thoát, nhưng là lời của Chúa Giêsu, được tiếp nhận trong lòng tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành bà, tái lập bà trong tương quan với Thiên Chúa và với dân Ngài. Chúa Giêsu là suối nguồn duy nhất của phước lành, từ đó nảy sinh ra ơn cứu độ cho tất cả mọi người, và đức tin là sự sẵn sàng nền tảng để tiếp nhận nó. Một lần nữa Chúa Giêsu cho thấy với cung cách tràn đầy thương xót của Ngài, Ngài chỉ cho Giáo Hội thấy con đường phải theo để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành trên thân xác và trong tinh thần và tái chiếm được phẩm giá là con cái Thiên Chúa.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau. Với các nhóm nói tiếng Pháp, ngài nói: Kết thúc kỳ nghỉ hè tôi mời gọi anh chị em đặt để cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn thương xót của Chúa, để Ngài ban cho từng người ơn chu toàn bổn phận và đem tình yêu của Chúa Kitô tới mọi người chung quanh.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Ai len, Malta, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm Roma củng cố tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và giúp họ trở thành các thừa sai của lòng thương xót Chúa, đặc biệt đối với những ai sống xa Chúa.
Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào các tín hữu đến từ Hoechstadt, Ostfildern và các học sinh trường trung học ĐHY Von Gallen tỉnh Muenster. Ngài chúc họ có những ngày hành hương tươi vui tại Roma.
Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào các sinh viên trường Brasil, đoàn hải quân Brasil và tín hữu giáo phận Vitoria, và cầu chúc họ là các chứng nhân đem Tin Mừng và sự ủi an của Chúa tới cho mọi người.
Chào các tin hữu Ba Lan ĐTC khuyến khích mọi người đừng sợ hãi đến với Chúa với các khổ đau và yếu đuối của mình. Ngài cầu mong ơn thánh Chúa ban giúp họ tái khám phá ra phẩm giá là con cái Chúa.
ĐTC cũng chào các tín hữu tổng giáo phận Genova do ĐHY Angelo Bagnasco hướng dẫn, cũng như tín hữu giáo phận Melfi- Rapolla – Venosa do ĐC Gianfranco Todisco hướng dẫn, các đại chủng sinh giáo phận Milano và nhiều đoàn hành hương khác. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương Năm Thánh sốt mến và gặt hái nhiều ơn lành của Chúa.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Gioan Tẩy Giả Giáo Hội mừng lễ ngày thứ hai vừa qua. Ngài cầu mong cuộc tử đạo anh hùng của thánh nhân giúp các bạn trẻ dấn thân sống Tin Mừng, người đau yếu can đảm tìm được sức mạnh và sự thanh thản nơi Chúa Kitô, và các cặp vợ chồng mới cưới sống kinh nghiệm niềm vui ủi an phát xuất từ việc tận hiến cho nhau.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.