Suy Niệm Chúa Nhật XII THƯỜNG NIÊN C
Chúng ta có thể chia đoạn Tin mừng hôm nay thành ba phần: phần thứ nhất, lời chất vấn của Chúa Giêsu và câu trả lời của các Tông đồ; phần thứ hai, Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài; phần thứ ba, lời mời gọi làm môn đệ và kèm theo lời hứa đau khổ.
1. Lời chất vấn của Chúa Giêsu và câu trả lời của các Tông đồ
Để thăm dò sự hiểu biết của dư luận cũng như của các Tông đồ về Ngài như thế nào, Chúa Giêsu đặt ra hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất:“Người ta bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi thứ hai: “Các con bảo Thầy là ai?”
Với câu hỏi thứ nhất, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại" (Lc 9,19). Êlia, Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri nào đó, đều là những nhân vật có vai trò quan trọng trong Cựu ước. Họ là những người nói thay cho Thiên Chúa: nhắc nhở cho dân các điều họ đã cam kết với Thiên Chúa trong giao ước và loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa sẽ thực hiện qua Đấng Cứu Thế. Qua đó cho chúng ta thấy, dân chúng coi Chúa Giêsu không phải là một con người bình thường, nhưng là một con người trổi vượt, xuất chúng giống như Êlia, Gioan Tẩy Giả. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự hiểu biết như vậy thì chứng tỏ dân chúng vẫn chưa có một sự hiểu biết chính xác về Chúa Giêsu.
Với câu hỏi thứ hai, Thánh Phêrô đại diện cho các Tông đồ trả lời rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”(x. Lc 9,20). Đây là câu trả lời mà Chúa Giêsu mong chờ. Bởi vì, chính Ngài thực sự là Đấng Kitô, là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng Chúa Giêsu cấm các ông không được nói điều đó với ai, vì dân chúng chưa sẵn sằng để đón nhận.
Như vậy, sự hiểu biết của các Tông đồ khác xa hẳn với sự hiểu biết của đám đông dân chúng. Vì vậy, Chúa Giêsu bắt đầu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài.
2. Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài
Ngài cho các ông biết: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy."(x. Lc 9,22). Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Lần thứ hai, sau khi ba môn đệ thấy Ngài biến hình trên núi Tabor và sau phép lạ chữa đứa trẻ bị kinh phong (x. Lc 9,44-45). Lần thứ ba, sau khi hứa ban phần thưởng cho những người biết từ bỏ (x. Lc 18,31-34).
Thực ra, đau khổ đã bắt đầu với Đức Kitô từ khi Ngài chấp nhận làm thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi: sinh ra nơi hang đá trong đêm đông lạnh lẽo; sống ẩn dật ở làng quê Nazaréth ba mươi năm; ba năm loan báo Tin mừng, bị chống đối, bị cho là quỷ ám, là điên, sống nghèo khó…Như lời Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 18,20). Cao điểm của đau khổ Ngài phải chịu là cuộc khổ nạn và cái chết tất tưởi trên thập giá. Điều đó cho chúng ta thấy, đau khổ luôn gắn liền với Đức Kitô.
Đối với Đức Kitô, Ngài biết trước những đau khổ sẽ đến với Ngài, nhưng Ngài chấp nhận tất cả vì yêu thương nhân loại. Còn đối với các môn đệ, họ đi theo Chúa nhưng vẫn còn có cái nhìn mang tính trần tục. Họ mong muốn Chúa Giêsu là một vị vua trần thế theo ý của họ, để họ được “ngồi bên tả hay bên hữu trong nước của Ngài.”(x. Mt 20,21). Cho nên, họ khó chấp nhận một Đức Kitô chịu đóng đinh. Bằng chứng là sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ hai, Thánh Phêrô đã can ngăn Ngài rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu.” (Mt 16,22). Lần đó, Chúa Giêsu đã mắng Phêrô là Satan, vì đã cản lối đi của Ngài. Không những Ngài báo cho các ông về những đau khổ Ngài phải chịu mà Ngài còn cho các ông biết những ai muốn làm môn đệ của Ngài cũng phải bước đi trên con đường đó, con đường đau khổ. Bản tính tự nhiên của con người qua mọi thời đại cũng luôn “thích sướng ngại khổ”. Nhưng khi đã chấp nhận bước theo Đức Kitô thì phải chấp nhận thập giá, chấp nhận đau khổ.
3. Lời mời gọi làm môn đệ và kèm theo lời hứa đau khổ
Vì vậy, sau khi loan báo về cuộc khổ nạn của mình, Chúa Giêsu mời gọi: "Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23).
“Ai muốn theo Tôi” là một lời mời gọi mang tính tự nguyện, chứ không ép buộc. Con người có quyền chọn lựa theo hay không theo, nhưng phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Và khi đã chọn lựa theo Chúa, thì phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.”
“Hãy từ bỏ mình.” Đây là một hành động mang tính tích cực, nghĩa là từ bỏ những cái xấu để được những cái tốt: từ bỏ mình là khước từ tội lỗi, là giũ bỏ những cái bụi bặm làm dơ bẩn tâm hồn; từ bỏ mình là từ bỏ tham, sân, si...Khước từ những gì không phù hợp với luân thường đạo lý; từ bỏ mình là giũ bỏ ý riêng để tuân phục ý Chúa. Tóm lại, từ bỏ mình là giũ bỏ cái cũ để mặc lấy tinh thần của Đức Kitô…Để được “nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.” Đó cũng là cách chúng ta lấy lại hình ảnh vốn có ban đầu của chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hình ảnh Thiên Chúa.
“Vác thập giá mình mỗi ngày.” Trong bài đọc thứ II, Thánh Phaolô nói: “Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em mặc lấy Đức Kitô.”(Gl 3,27). Mặc lấy chiếc áo trắng ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội là mặc lấy Đức Kitô. Mặc lấy Đức Kitô là mặc lấy sự đau khổ và vác thập giá mình mỗi ngày. “Vác Thập giá mình mỗi ngày” là chấp nhận những đau khổ: có thể do Chúa gửi đến; có thể do thiên nhiên gây ra; có thể do tha nhân, hoặc do chính mình tạo ra cho mình. Đó là những khi chúng ta gặp đau khổ về tinh thần lẫn thể xác. Đó là những khi chúng ta hy sinh chống lại các chước cám dỗ để trung thành với Chúa với Giáo Hội. Đó là những khi chúng ta phải cố gắng hy sinh để chu toàn bổn phận Chúa và Giáo Hội trao phó. Đó là những khi chúng ta phấn đấu mỗi ngày để nên giống hình ảnh của Thiên Chúa hơn...
Tóm lại, “Đức Kitô là ai?” là câu hỏi đặt ra cho mọi người qua mọi thời đại. Đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta, không chỉ trả lời bằng sự hiểu biết về tri thức mà còn cần phải trả lời bằng chính đời sống của mình. Đó là bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá. Mỗi kitô hữu phải là một Đức Kitô khác. Đức Kitô chấp nhận chịu đau khổ để cứu rỗi nhân loại, mỗi kitô hữu chúng ta cũng phải chấp nhận đau khổ để cộng tác với Đức Kitô cứu rỗi linh hồn mình và cứu rỗi thế giới.
Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Xin cho mỗi chúng con biết can đảm từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày để xứng đáng làm môn đệ của Chúa. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Chúng ta có thể chia đoạn Tin mừng hôm nay thành ba phần: phần thứ nhất, lời chất vấn của Chúa Giêsu và câu trả lời của các Tông đồ; phần thứ hai, Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài; phần thứ ba, lời mời gọi làm môn đệ và kèm theo lời hứa đau khổ.
1. Lời chất vấn của Chúa Giêsu và câu trả lời của các Tông đồ
Để thăm dò sự hiểu biết của dư luận cũng như của các Tông đồ về Ngài như thế nào, Chúa Giêsu đặt ra hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất:“Người ta bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi thứ hai: “Các con bảo Thầy là ai?”
Với câu hỏi thứ nhất, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại" (Lc 9,19). Êlia, Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri nào đó, đều là những nhân vật có vai trò quan trọng trong Cựu ước. Họ là những người nói thay cho Thiên Chúa: nhắc nhở cho dân các điều họ đã cam kết với Thiên Chúa trong giao ước và loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa sẽ thực hiện qua Đấng Cứu Thế. Qua đó cho chúng ta thấy, dân chúng coi Chúa Giêsu không phải là một con người bình thường, nhưng là một con người trổi vượt, xuất chúng giống như Êlia, Gioan Tẩy Giả. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự hiểu biết như vậy thì chứng tỏ dân chúng vẫn chưa có một sự hiểu biết chính xác về Chúa Giêsu.
Với câu hỏi thứ hai, Thánh Phêrô đại diện cho các Tông đồ trả lời rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”(x. Lc 9,20). Đây là câu trả lời mà Chúa Giêsu mong chờ. Bởi vì, chính Ngài thực sự là Đấng Kitô, là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng Chúa Giêsu cấm các ông không được nói điều đó với ai, vì dân chúng chưa sẵn sằng để đón nhận.
Như vậy, sự hiểu biết của các Tông đồ khác xa hẳn với sự hiểu biết của đám đông dân chúng. Vì vậy, Chúa Giêsu bắt đầu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài.
2. Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài
Ngài cho các ông biết: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy."(x. Lc 9,22). Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Lần thứ hai, sau khi ba môn đệ thấy Ngài biến hình trên núi Tabor và sau phép lạ chữa đứa trẻ bị kinh phong (x. Lc 9,44-45). Lần thứ ba, sau khi hứa ban phần thưởng cho những người biết từ bỏ (x. Lc 18,31-34).
Thực ra, đau khổ đã bắt đầu với Đức Kitô từ khi Ngài chấp nhận làm thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi: sinh ra nơi hang đá trong đêm đông lạnh lẽo; sống ẩn dật ở làng quê Nazaréth ba mươi năm; ba năm loan báo Tin mừng, bị chống đối, bị cho là quỷ ám, là điên, sống nghèo khó…Như lời Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 18,20). Cao điểm của đau khổ Ngài phải chịu là cuộc khổ nạn và cái chết tất tưởi trên thập giá. Điều đó cho chúng ta thấy, đau khổ luôn gắn liền với Đức Kitô.
Đối với Đức Kitô, Ngài biết trước những đau khổ sẽ đến với Ngài, nhưng Ngài chấp nhận tất cả vì yêu thương nhân loại. Còn đối với các môn đệ, họ đi theo Chúa nhưng vẫn còn có cái nhìn mang tính trần tục. Họ mong muốn Chúa Giêsu là một vị vua trần thế theo ý của họ, để họ được “ngồi bên tả hay bên hữu trong nước của Ngài.”(x. Mt 20,21). Cho nên, họ khó chấp nhận một Đức Kitô chịu đóng đinh. Bằng chứng là sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ hai, Thánh Phêrô đã can ngăn Ngài rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu.” (Mt 16,22). Lần đó, Chúa Giêsu đã mắng Phêrô là Satan, vì đã cản lối đi của Ngài. Không những Ngài báo cho các ông về những đau khổ Ngài phải chịu mà Ngài còn cho các ông biết những ai muốn làm môn đệ của Ngài cũng phải bước đi trên con đường đó, con đường đau khổ. Bản tính tự nhiên của con người qua mọi thời đại cũng luôn “thích sướng ngại khổ”. Nhưng khi đã chấp nhận bước theo Đức Kitô thì phải chấp nhận thập giá, chấp nhận đau khổ.
3. Lời mời gọi làm môn đệ và kèm theo lời hứa đau khổ
Vì vậy, sau khi loan báo về cuộc khổ nạn của mình, Chúa Giêsu mời gọi: "Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23).
“Ai muốn theo Tôi” là một lời mời gọi mang tính tự nguyện, chứ không ép buộc. Con người có quyền chọn lựa theo hay không theo, nhưng phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Và khi đã chọn lựa theo Chúa, thì phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.”
“Hãy từ bỏ mình.” Đây là một hành động mang tính tích cực, nghĩa là từ bỏ những cái xấu để được những cái tốt: từ bỏ mình là khước từ tội lỗi, là giũ bỏ những cái bụi bặm làm dơ bẩn tâm hồn; từ bỏ mình là từ bỏ tham, sân, si...Khước từ những gì không phù hợp với luân thường đạo lý; từ bỏ mình là giũ bỏ ý riêng để tuân phục ý Chúa. Tóm lại, từ bỏ mình là giũ bỏ cái cũ để mặc lấy tinh thần của Đức Kitô…Để được “nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.” Đó cũng là cách chúng ta lấy lại hình ảnh vốn có ban đầu của chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hình ảnh Thiên Chúa.
“Vác thập giá mình mỗi ngày.” Trong bài đọc thứ II, Thánh Phaolô nói: “Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em mặc lấy Đức Kitô.”(Gl 3,27). Mặc lấy chiếc áo trắng ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội là mặc lấy Đức Kitô. Mặc lấy Đức Kitô là mặc lấy sự đau khổ và vác thập giá mình mỗi ngày. “Vác Thập giá mình mỗi ngày” là chấp nhận những đau khổ: có thể do Chúa gửi đến; có thể do thiên nhiên gây ra; có thể do tha nhân, hoặc do chính mình tạo ra cho mình. Đó là những khi chúng ta gặp đau khổ về tinh thần lẫn thể xác. Đó là những khi chúng ta hy sinh chống lại các chước cám dỗ để trung thành với Chúa với Giáo Hội. Đó là những khi chúng ta phải cố gắng hy sinh để chu toàn bổn phận Chúa và Giáo Hội trao phó. Đó là những khi chúng ta phấn đấu mỗi ngày để nên giống hình ảnh của Thiên Chúa hơn...
Tóm lại, “Đức Kitô là ai?” là câu hỏi đặt ra cho mọi người qua mọi thời đại. Đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta, không chỉ trả lời bằng sự hiểu biết về tri thức mà còn cần phải trả lời bằng chính đời sống của mình. Đó là bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá. Mỗi kitô hữu phải là một Đức Kitô khác. Đức Kitô chấp nhận chịu đau khổ để cứu rỗi nhân loại, mỗi kitô hữu chúng ta cũng phải chấp nhận đau khổ để cộng tác với Đức Kitô cứu rỗi linh hồn mình và cứu rỗi thế giới.
Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Xin cho mỗi chúng con biết can đảm từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày để xứng đáng làm môn đệ của Chúa. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành