Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Phải là điều này hoặc không gì cả. Thái độ ấy không phải là tâm tình của người Công Giáo mà là dị giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến cáo như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 09 tháng 06, tại nhà nguyện Thánh Marta. Bài giảng của ngài tập trung vào những việc thực hành tốt lành mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh đến hậu quả tai hại xảy ra với Dân Thiên Chúa khi những người trong Giáo Hội nói một đường nhưng lại làm một nẻo. Từ đó, Đức Thánh Cha cũng mời gọi hãy vượt thoát khỏi một thứ chủ nghĩa duy lý tưởng cứng nhắc, ngăn cản người ta hòa hợp với nhau.
‘Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.’ Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu bài giảng của mình với những suy tư khởi đi từ bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, thuật lại lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho các môn đệ, qua đó, Ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hành Kitô giáo. Dân chúng có chút thất vọng, vì những người dạy dỗ lề luật lại không nhất quán trong chứng tá cuộc sống của họ. Vì thế, Đức Giêsu mời gọi hãy vượt qua điều này, hãy bước đi xa hơn. Chẳng hạn, lấy điều răn thứ nhất làm ví dụ: Mến Chúa và yêu người thân cận. Luật xưa dạy: Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Đức Giêsu lại mong muốn một điều xa hơn: bất cứ ai giận anh em mình, thì đã đáng bị đưa ra tòa.
Xúc phạm người anh em cũng giống như giơ tay ra tát vào linh hồn người ta
“Dường như chúng ta rất quen với những từ đánh giá người khác. Chúng ta có những thuật ngữ rất sáng tạo để xúc phạm hay làm nhục tha nhân. Đây là một tội, cũng giống như giết người vậy. Bởi vì nó giống như một cái tát vào tâm hồn, vào phẩm giá của người anh em. Mỉa mai thay, nhiều khi chúng ta hay nói với người khác về lòng bác ái bằng những từ xấu xa.
Tác hại của việc nói một đường làm một nẻo
Đức Giêsu mời gọi đám đông dân chúng đang mất phương hướng hãy nhìn lên trên và tiến về phía trước. Bao nhiêu những tác hại xấu đã xảy ra với Dân Thiên Chúa bởi những phản chứng của Kitô hữu.
Rất nhiều lần, chúng ta nghe thấy trong Giáo Hội những điều này. Linh mục đó, ông bà thuộc tổ chức Công Giáo đó, vị Giám mục đó, Đức Giáo Hoàng đó nới với chúng ta: ‘Anh chị em phải làm như thế này.’ Nhưng chính các vị ấy lại làm điều trái ngược. Như thế, họ đã gây ra những tác hại làm thương tổn dân chúng và không để cho Dân Chúa lớn lên, triển nở. Dân không được tự do. Cũng vậy, trong bài Tin Mừng, dân chúng đã nhìn thấy sự chai cứng của các kinh sư và người Pha-ri-sêu. Mỗi khi có một ngôn sứ đến mang theo một làn gió mới và niềm vui cho dân chúng, họ liền bắt bớ và sát hại vị ngôn sứ ấy. Không có chỗ cho các ngôn sứ. Đức Giêsu nói với các kinh sư và người Pha-ri-sêu: ‘Các ông đã bách hại và giết chết các ngôn sứ, là những người mang đến một làn gió mới.’
Những thực hành tốt lành trong Giáo Hội, đừng theo chủ nghĩa duy lý tưởng và sự cứng nhắc
Lòng quảng đại, sự thánh thiện mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta là phải bước ra ngoài và không ngừng tiến lên phía trước. Bước ra trong sự tiến lên. Đây chính là sự giải thoát khỏi tình trạng cứng nhắc của lề luật cũng như của chủ nghĩa duy lý tưởng, là những thứ không mang lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc. Đức Giêsu biết chúng ta rất rõ. Ngài cũng biết rõ bản chất căn cốt của mỗi người chúng ta. Ngài cũng mời gọi chúng ta đạt tới một sự đồng thuận, một sự hòa hợp mỗi khi có những bất hòa xảy ra. Đức Giêsu dạy chúng ta những cách thức thực hành lành mạnh. Cho dù chúng ta không thể làm mọi thứ cách hoàn hảo, nhưng hãy cố gắng làm những gì có thể và hãy hòa hợp với nhau.
Đây là cách thức thực hành lành mạnh trong Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội không dạy nhất quyết phải là điều này hay phải là điều kia. Thái độ đó không phải là của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội nói cách uyển chuyển hơn: điều này và điều kia. Hãy nên hoàn hảo. Hãy làm hòa với người anh em. Đừng mắng mỏ người khác nhưng hãy yêu thương. Nếu có xung đột, ít nhất là hãy cố đạt tới một đồng thuận với nhau, chứ đừng gây chiến. Đây là những thực hành lành mạnh. Thái độ khẳng định phải là điều này hay không là gì hết thì không phải tinh thần của Kitô giáo, nhưng là một thứ dị giáo nào đó. Đức Giêsu luôn bước đi với chúng ta, đem đến cho ta lý tưởng và đồng hành với ta để đạt đến lý tưởng ấy. Ngài giải thoát chúng ta khỏi gông cùm cứng ngắc của những luật lệ và nói với ta: ‘Con cứ làm tốt bao nhiêu sức con có thể. Vậy là được rồi.’ Chúa rất hiểu chúng ta. Ngài là Cha của chúng ta và đã dạy dỗ chúng ta điều ấy.
Làm hòa với nhau, một chút thánh thiện trong thỏa hiệp
Chúa mời gọi chúng ta đừng giả hình, giả bộ; đừng đến ca ngợi Chúa với cùng một ngôn ngữ mà chúng ta dùng để xúc phạm người anh em. Hãy làm điều mà chúng ta có thể. Đó là điều mà Đức Giêsu mời gọi. Đừng gây chiến tranh nhưng hay cố hòa hợp với nhau.
Tôi xin nói với anh chị em một từ có vẻ hơi lạ tai: Một chút thánh thiện trong thỏa hiệp. Tôi không thể làm tất cả mọi sự, nhưng tôi mong muốn làm tất cả. Tôi muốn hòa thuận với bạn. Hay ít là chúng ta không xúc phạm hay lăng nhục nhau. Chúng ta không gây chiến. Chúng ta cùng sống trong hòa bình. Đức Giêsu thật vĩ đại! Ngài giải thoát chúng ta khỏi tất cả những khổ đau, giải thoát chúng ta khỏi chủ nghĩa duy lý tưởng, một thứ chủ nghĩa không có tính Công Giáo. Xin Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta, trước hết, biết bước ra khỏi những cứng cỏi mà tiến lên phía trước để có thể thờ phượng và ngợi khen Chúa. Xin Thiên Chúa dạy chúng ta biết cách hòa giải với nhau và tiến tới một sự hòa thuận trong mức độ mà chúng ta có thể.”
2. Bài học của ngôn sứ Êlia
Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ ban sáng ngày thứ Sáu 10-6, tại nguyện đường nhà trọ Thánh Marta. Trong bài giảng sau các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha tập trung vào ba thái độ đặc thù của Kitô hữu. Đó là ‘đứng’ trước Chúa trong ‘thinh lặng’ để nghe tiếng ngài và sẵn sàng ‘đi ra’ vào thế giới để công bố những gì mình nghe được. Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại mối nguy của nỗi sợ hãi gây tê liệt trong đời sống Kitô hữu.
Đứng thẳng và bước đi
Để tìm hiểu vấn đề này và khám phá cách để thoát khỏi đường hầm sợ hãi, Đức Phanxicô tập trung vào ngôn sứ Êlia, là người được đề cập đến trong bài đọc một.
Đức Thánh Cha nhắc lại tiên tri Êlia đã vinh quang tới cỡ nào, đã chiến đấu quyết liệt ra sao cho đức tin của mình trước hàng trăm các thầy tế ngẫu tượng ở núi Carmel, và đánh bại họ. Nhưng rồi đến một giới hạn nào đó, một trong muôn vàn những hành động bách hại nhắm vào ông đã đánh trúng tử huyệt của ông và khiến Êlia sụp đổ, nản lòng nằm dưới cây chờ chết. Nhưng Chúa không để cho ông chìm trong tình trạng tuyệt vọng đó, Ngài sai một thiên thần đến truyền lệnh cho ông: đứng dậy, ăn, và đi tiếp.
Để gặp gỡ Thiên Chúa, điều cần thiết là phải trở lại tình trạng khi con người được tạo dựng, đứng lên và bước đi. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta như thế, có khả năng đứng thẳng trước mặt Ngài, theo hình ảnh của Ngài, và bước đi với Ngài. ‘Hãy đi, tiến tới, canh tác đất đai và làm cho nó sinh sôi nẩy nở.’ Rồi Thiên Chúa lại nói với ông Êlia, ‘Đủ rồi! Hãy đi và lên núi, đứng ở đỉnh núi mà găp Ta.’ Ông Êlia đứng dậy, và lên đường.
Đi ra, và lắng nghe Thiên Chúa, chỉ có như thế mới gặp được Chúa trên đường. Ông Êlia được thiên thần mời đi ra khỏi hang động núi Horeb, nơi ông đang trú ẩn để đứng trước ‘sự hiện diện’ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải là “gió mạnh và dữ dội” cuốn tung đất đá, cũng chẳng phải là cơn động đất tiếp theo, hay ngay cả lửa cháy đã khiến Êlia bước ra.
Có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa. Nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang
Yêu cầu thứ ba của thiên thần với Êlia là: ‘Đi ra.’ Ngôn sứ được mời gọi đi lại những bước của mình vào trong sa mạc, bởi ông còn một sứ mạng phải hoàn tất. Chính đây là lời thúc giục ‘hãy lên đường, đừng khép kín, đừng ở trong sự ích kỷ tiện nghi của mình, nhưng hãy can trường đưa thông điệp của Chúa đến với tha nhân.
Chúng ta phải luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết những thời điểm tồi tệ, những lúc kéo chúng ta xuống, những lúc tưởng như không còn đức tin, những lúc chúng ta không thấy đâu là chân trời, không thể đứng dậy nổi. Tất cả chúng ta đều biết, nhưng chính đó là lúc Chúa đến, tăng sức cho chúng ta bằng bánh của Ngài và nói: ‘Đứng dậy và lên đường. Bước đi!’ Để gặp được Chúa, chúng ta cũng phải như thế, đứng thẳng và lên đường, rồi chờ đợi Ngài nói với chúng ta, với một trái tim mở rộng, và Ngài sẽ nói rằng: ‘Là Ta đây,’ và chính khi đó đức tin nên mạnh mẽ. Mà đức tin để giữ cho riêng mình chăng? Không. Đức tin là để trao cho người khác, thánh hiến người khác với đức tin, đó là sứ mạng.’
3. Câu chuyện Romeo Và Juliet
Một trong các vở tuồng bất hủ trên sân khấu kịch nghệ quốc tế phải kể là vở kịch mang tựa đề “Romeo và Juliet” của nhà văn hào trứ danh người Anh, ông William Shakespeare. Vở kịch này được sáng tác vào năm 1595, nhưng mãi cho đến nay, khi vở kịch được phổ nhạc, được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn, khán giả vẫn nối đuôi nhau chờ mua vé để vào theo dõi một câu chuyện tình cảm động giữa hai thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, nhưng đường tình duyên bị trắc trở không thể tiến đến hôn nhân, vì chàng và nàng thuộc về hai gia đình có mối thù truyền kiếp với nhau trong bối cảnh xã hội mang nặng đầu óc nuôi oán, báo thù tại Italia thời trung cổ.
Sau khi nàng Juliet đem câu chuyện tình ngang trái tỏ lộ cùng một vị linh mục và cho ngài biết ý định sẽ cùng với Romeo thoát ly gia đình để tìm đến một phương trời xa lạ xây tổ uyên ương, vị linh mục đề nghị nàng dùng phương thế uống một thứ thuốc mê để giả chết. Sau đó ngài sẽ cứu sống nàng và giao cho Romeo đem nàng đi. Kế hoạch này được giữ bí mật đến nỗi chính chàng Romeo cũng không hay biết. Khi thấy người yêu đã vì mình dùng độc dược quyên sinh, chàng Romeo cũng dùng gươm tự sát để đáp lại mối tình tuyệt vọng của người yêu. Khi thuốc mê đã hết hiệu nghiệm, nàng Juliet tỉnh dậy thấy người yêu đang thoi thóp bên vũng máu đào: tình yêu kêu gọi tình yêu, nàng cũng dùng gươm lết liễu phận bạc để cùng chết với chàng.
Hình như những câu chuyện tình thương tâm trong tuồng kịch hay tiểu thuyết nào cũng kết thúc bằng trắc trở, chia ly, chết chóc. Dù bi ai, nhưng các câu chuyện ấy cũng nói lên một phần nào sự thật. Ðó có lẽ là lý do tại sao trong các thiệp hồng báo tin hôn lễ, các đôi trai gái tính chuyện trăm năm thường chọn và cho in câu: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”.
Trong các cuộc giao tế thường ngày giữa người với người hoặc trong mối quan hệ láng giềng, bạn bè, kể cả cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình hay giữa tình thân, vợ chồng, chúng ta cần có những dấu chỉ biểu lộ ra bên ngoài để diễn tả tâm tình yêu mến chất chứa bên trong: Từ những dấu chỉ đơn sơ, thi vị đến chỗ hy sinh cả cuộc đời tận tụy, làm lụng vất vả, gánh chịu những nhọc nhằn, chịu đựng tha thứ cho nhau “Một câu nhịn, chín câu lành” đối với những người thân thương trong gia đình.
4. Cầu nguyện là năng lượng của Kitô hữu để chiếu sáng
Cầu nguyện chính là năng lượng để Kitô hữu chiếu sáng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, ngày 07.06, tại nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các tín hữu về nguy cơ có thể trở thành những hạt muối nhạt, không còn mặn mà nữa. Cần phải chiến thắng cám dỗ về một thứ “linh đạo gương soi”, tức là quá chăm chú đến việc đánh bóng chính mình mà lãng quên nhiệm vụ phải mang ánh sáng đức tin đến cho người khác.
Ánh sáng và muối.
Những chia sẻ của Đức Thánh Cha khởi đi từ bài đọc Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chương 5, 13-16. Đức Thánh Cha nói rằng: “Đức Giêsu đã giảng dạy bằng những lời lẽ rất đơn sơ và những hình ảnh rất dung dị, đến nỗi ai cũng có thể hiểu được. Qua đó, Ngài định nghĩa Kitô hữu: Kitô hữu phải là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian. Muối và ánh sáng không tồn tại cho riêng bản thân mình. Nhưng ánh sáng là để chiếu soi vạn vật; còn muối để ướp, để gìn giữ sự vật khỏi hư nát.
Cầu nguyện là năng lượng để Kitô hữu trở thành ánh sáng cho đời
Kitô hữu sẽ làm gì khi độ mặn của muối và sự sáng của ánh sáng yếu dần đi? Họ phải làm gì để dầu thắp đèn không cạn tắt? Hay nói cách khác, đâu là năng lượng để Kitô hữu trở thành ánh sáng cho trần gian? Đơn giản thôi, đó chính là cầu nguyện. Anh chị em có thể làm rất nhiều việc, rất nhiều hoạt động, và cả những hoạt động bác ái. Anh chị em có thể làm rất nhiều viêc trọng đại cho Giáo Hội, cho các đại học Công Giáo, các học viện, bệnh viện… Và thậm chí, người ta còn muốn lập một đài tưởng niệm để tôn phong anh chị em như là những ân nhân của Giáo Hội. Nhưng nếu anh chị em không cầu nguyện, tôi e rằng tất cả những gì anh chị em làm có chút tối tăm, mù mịt trong đó. Rất nhiều hoạt động trở nên đen tối, vi thiếu đi ánh sáng, thiếu cầu nguyện. Vậy điều gì có thể bảo đảm, có thể mang lại ánh sáng cho đời sống của Kitô hữu? Đó chính là cầu nguyện.
Cầu nguyện là tôn thờ Thiên Chúa Cha, là ngợi khen Chúa Ba Ngôi, là lời nguyện tạ ơn, và cũng là lời cầu nguyện xin Chúa ban ơn. Tất cả những lời cầu nguyện ấy phải đến từ trái tim.
Kitô hữu ướp mặn đời bằng Tin Mừng
Muối cũng không để ướp chính mình. Muối chỉ là muối khi muối biết cho đi. Đây cũng chính là tâm tình phải có của Kitô hữu: cho đi, biết ướp cuộc đời cho đằm thắm, biết làm cho mọi sự nên đậm đà bằng thông điệp của Tin Mừng. Cho đi chứ không giữ lại riêng mình. Muối không chỉ dành cho Kitô hữu nhưng cho hết mọi người. Kitô hữu phải cho mình đi, vì muối là cho đi chứ không ở lại với chính mình. Cả ánh sáng và muối cũng đều vì người khác chứ không vì mình. Ánh sáng không chiếu soi ánh sáng và muối cũng không ướp muối.
Có người sẽ thắc mắc rằng: Nếu chúng ta là muối và ánh sáng không ngừng cho đi như thế, liệu muối và ánh sáng đó sẽ duy trì được bao lâu. Xin thưa rằng điều đó đến từ quyền năng của Thiên Chúa, vì Kitô hữu là muối và ánh sáng được Thiên Chúa ban tặng trong Bí Tích Thánh Tẩy. Chất muối và chất sáng đó được ban tặng như một món quà và sẽ tiếp tục được ban tặng nếu chúng ta cũng biết cho đi, biết giãi sáng, biết ướp mặn cho đời. Như thế, chúng sẽ không bao giờ cạn.
Hãy cảnh giác trước cám dỗ về một thứ ‘linh đạo gương soi’
Thứ linh đạo này đã xuất hiện trong Bài Đọc Một, kể về bà góa ở Xa-rép-ta. Bà đã tin ngôn sứ Ê-li-a và thế là hũ bột và vò dầu của bà đã chẳng hề vơi cạn.
Ánh sáng của anh chị em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ. Nhưng anh chị em cũng phải tỉnh thức trước cám dỗ muốn chiếu sáng hay đánh bóng chính mình. Điều ấy thật tệ, đó là thứ linh đạo gương soi: tự đánh bóng mình. Phải tránh cám dỗ chỉ biết đến bản thân mình. Nhưng hãy là ánh sáng để chiếu giãi, hãy là muối để ướp mặn đời và gìn giữ mọi sự khỏi hư nát.
Muối và ánh sáng không vì mình nhưng vì tha nhân ngang qua những công việc tốt lành. Khi làm việc tốt, chúng ta đã ‘chiếu giãi ánh sáng của mình trước mặt thiên hạ’. Và khi xem thấy những công việc tốt đẹp chúng ta làm, người ta sẽ tôn vinh Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời. Điều ấy cũng có nghĩa là chúng ta phải trở về với Chúa, Đấng là nguồn cội và đã ban cho chúng ta sự sáng và chất muối.
Xin Chúa giúp chúng ta biết giãi sáng bằng những việc làm và những thực hành cụ thể, chứ đừng che dấu ánh sáng đi. Xin Chúa giúp chúng ta là hạt muối biết cho đi hương vị mặn mà. Chất mặn ấy rất cần thiết, nhưng ta phải cho đi, vì khi cho đi ta mới tiếp tục được nhận lãnh và triển nở. Cho đi chính là những công việc tốt đẹp của người Kitô hữu.”