DÂNG HIẾN LỄ

Có lần trong một nhóm, gồm toàn những người trẻ, tôi đã đặt câu hỏi cho các bạn: “Trong thánh lễ, lúc nào là lúc cộng đoàn được nghỉ ngơi thoải mái?”. Hầu hết các bạn đều tròn xoe mắt ngạc nhiên nhìn tôi: Dự thánh lễ mà có chuyện nghỉ ngơi thoải mái à?

Nhưng rồi các bạn như hiểu ra trong lời hỏi của tôi có chứa ẩn ý, vài người đứng lên trả lời: “Thưa cha, đó chính là lúc linh mục giảng lễ”. Thói thường, ai cũng nghĩ như thế: Nếu không thích nghe giảng, thì bài giảng là lúc được nghỉ ngơi. Tệ hơn, rất nhiều người còn dám bỏ ra khỏi nhà thờ khi linh mục giảng.

Nhưng có một bạn trả lời: “Đó chính là lúc dâng lễ vật. Lúc đó linh mục nâng dĩa, nâng chén, đọc lâm râm như đọc thần chú, ca đoàn thì hát, chỉ có cộng đoàn là rãnh rỗi nhất, có muốn tham gia cũng không biết tham gia cách nào”. Rồi bạn bông đùa: “Nhưng tiếc là thời gian dâng lễ vật ngắn quá!”.

Tôi hơi bất ngờ với câu trả lời của bạn. Nhưng nghiệm lại, hình như… không sai?

Quả thật, lúc dâng lễ vật là lúc giáo dân nghỉ ngơi thoải mái nhất? Là lúc mà chỉ có ca đoàn và linh mục chủ tế cử hành?

Tôi không nghĩ thế. Tất cả những ai hiểu biết, chắc cũng sẽ đồng ý với tôi.

Vậy, vì sao khi dâng lễ vật, ngồi làm thinh mà lại không phải nghỉ ngơi?

Nhớ lại hành động và lời đọc của linh mục chủ tế trong phần phụng vụ này, ta sẽ tìm thấy câu trả lời. Cùng với việc nâng dĩa trên đó có bánh, nâng chén trong đó có rượu trên tay mình, linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất (rượu này là sản phẩm từ cây nho) và công lao của con người. Xin dâng lên Chúa để bánh (rượu) này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con (của uống thiêng liêng cho chúng con)”.

Hành động nâng dĩa và chén cùng lúc với lời nguyện ấy có nghĩa là gì, nếu không là hành động dâng hiến bánh rượu! Nhưng nếu dừng lại ở chỗ chỉ dâng hiến bánh rượu thôi, chưa là điều đáng nói. Bởi xét cho cùng, đó chỉ là một hành vi dâng lễ vật không đáng dâng: một chút rượu trong chén, một tấm bánh mỏng manh trên dĩa: quá tầm thường, quá nhỏ nhoi.

Nhưng đâu phải bất cứ cái gì nhỏ nhoi đều tầm thường! Hành động dâng hiến bánh rượu là để xin ơn thánh hiến. Dâng lên Chúa bánh rượu nhưng không chỉ là bánh rượu, mà là tất cả sức lao động, là sự oằn nặng, là nỗi nhọc nhằn của một đời người vất vả. Đâu phải nhỏ nhoi, đâu phải tầm thường.

Lời chúc tụng Chúa “đã ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất, rượu này là sản phẩm từ cây nho” phải luôn luôn đi liền với cụm từ: “Và công lao của con người”. Sức mạnh của lời chúc tụng, của ơn thánh hiến là ở chỗ đó. Hoa màu ruộng đất không phải tự mình sản sinh kết quả. Nó chỉ có thể được sản sinh ra từ công lao của con người.

Cho nên trong sự dâng hiến lễ vật, tưởng chừng nhỏ nhoi, tầm thường, ta lại thấy những giọt mồ hôi của bác nông dân, óc sáng tạo của anh kỹ sư, sự miệt mài chế biến thành phẩm của cô công nhân…

Ta cũng thấy cả đôi tay chai sần của chính bản thân mình để có của ăn, của mặc. Ta cũng thấy nỗi vất vả của mẹ cha ngày nào tạo cho ta nên vóc, nên hình. Và ta thấy sự sống của cả nhân gian trong lễ vật hiến dâng…

Dâng lên Chúa lễ vật phàm trần, dẫu trước mắt mọi người, chỉ là một chút bánh, một chút rượu, nhẹ tênh trên đôi tay linh mục, lại chất chứa cả một khối đời của từng người trong nhân loại.

Bởi đó, dâng lên Chúa lễ vật để xin ơn thánh hiến, không chỉ là thánh hiến bánh rượu, nhưng trong sự thánh hiến bánh rượu, để trở nên Mình Máu Chúa Kitô, là tất cả cuộc đời của mỗi người, là sự sống của muôn người quanh ta cộng góp vào đó.

Vì thế, hành động và lời chúc tụng của linh mục, vô cùng ý nghĩa, rất gần gũi. Nó trở thành một lời cầu nguyện đáng yêu, đáng mến của từng người chúng ta: Chúc tụng Chúa đã ban kết quả của ruộng vườn và công lao của con người, để giờ đây hiến dâng lên Chúa, xin ơn thánh hiến trở thành Thánh Thể Chúa Kitô, lương thực trường sinh cho ta sự sống của chính Thiên Chúa.

Quí giá biết bao nhiêu khi bánh rượu, bé nhỏ vô cùng, lại trở nên Thịt Máu Chúa chúng ta.

Quí giá biết bao nhiêu khi hiến tế đời ta, lại được Chúa Kitô chấp nhận trong hiến tế cứu chuộc của Người.

Quí giá biết bao nhiêu vì lễ vật phàm trần lại có sức lôi kéo ơn thiêng từ trời và mang lại ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tin mà kết hợp với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Quí giá biết bao nhiêu vật chất trở nên linh thánh tuyệt vời.

Hiểu được như thế, mỗi lần dâng thánh lễ, bạn và tôi hãy dâng cả cuộc đời của mình, cả niềm đau và nỗi hạnh phúc, cả cái xấu và cái tốt, cả quá khứ đã qua, cả giây phút này, và tương lai phía trước… Dâng tất cả để hy tế cuộc đời ta nên trọn vẹn trong hiến tế cuộc đời Chúa Kitô.

Hiểu như thế, bạn và tôi sẽ không ai còn nói rằng: “lúc dâng lễ vật là lúc nghỉ ngơi thoải mái”.

Hiểu như thế, bạn và tôi sẽ nhận ra rằng, dẫu cho linh mục có đọc thầm lời cầu nguyện, dẫu cho ca đoàn cất cao tiếng hát, thì thái độ im lặng của chúng ta lại là một lời cầu nguyện chìm đắm trong sốt mến.

Sự thinh lặng của ta là sự thinh lặng thánh: Sự thinh lặng hòa cùng lời cầu nguyện của linh mục, sự thinh lặng hiệp cùng ca đoàn cất cao tiếng hát dâng hy tế của Chúa Kitô và và hy tế của chính cuộc đời mình.

Cha Francois Varillon từng kể rằng: Mỗi một lần chuẩn bị dâng thánh lễ, nếu có giờ, cha thường cầm trong tay một tấm bánh chưa truyền phép để chiêm ngắm tấm bánh ấy và suy gẫm cầu nguyện.

Mỗi lần như thế, cha đều thấy có hình ảnh của những con người trong đó. Trong thinh lặng của cõi lòng, cha cũng ước mơ đừng có ai vì miếng cơm manh áo, vì tấm bánh vật chất, mà trở thành kẻ bị tha hóa, bất chấp lương tri con người, để chỉ lo làm giàu bất chính mà quên vận mạng siêu nhiên của mình.

Không phải ai cũng có thể làm được như cha Francois Varillon. Không phải ai cũng có sẵn bánh trên tay để mà chiêm ngắm. Dẫu có, nhưng không phải ai cũng có thời gian đủ để mà thinh lặng. Nếu làm được điều đó là tốt. Chắc chắn thánh lễ ta dâng sẽ sốt sắng lắm.

Nhưng điều mà mọi người có thể thực hiện là: Hãy phó thác cuộc đời mình cho Chúa. Hãy dâng thánh lễ nghiêm túc. Hãy siêng năng rước lấy Mình Thánh Chúa để làm tăng trưởng sự sống thần linh của mình.

Một lần nữa, để kết thúc những gì đã suy nghĩ, chúng ta cùng lặp lại lời nguyện của chính mình: Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh và rượu là sảm phẩm từ ruộng đất và công lao của con người. Xin dâng lên Chúa để trở thành của ăn, của uống thiêng liêng cho chúng con.

Lm VŨ XUÂN HẠNH