III. Sứ Điệp Của Cựu Ước

1. Ngôn ngữ Thánh Kinh

Sứ điệp của Thánh Kinh về lòng thương xót có thể phát xuất từ một truyền thống sâu rộng của nhân loại. Nhưng người ta sẽ lầm khi cho rằng Thánh Kinh và cùng với nó, Kitô Giáo, chỉ đơn giản nhắc lại một cách phổ thông những điều các triết gia đã khám phá trong việc họ phân tích lòng cảm thương của con người và những điều các học giả tôn giáo đã gạn lọc từ nhiều tôn giáo khác nhau làm thành một truyền thống chung của con người. Kitô Giáo không phải là “thuyết Platông cho người bình dân” (1) như Nietzsche vốn nghĩ. Kitô Giáo tiếp nhận nhiều điều từ truyền thống nhân bản, nhưng nó cũng phê phán truyền thống này, làm cho nhiều điều trở nên chính xác và làm cho sâu sắc hơn. Điều ấy trở nên rõ ràng khi ta chịu để ý điều này: sứ điệp Thánh Kinh không những nói về lòng cảm thương [Mitleid], mà còn nói tới lòng thương xót [Barmherzigkeit] nữa. Bất chấp mọi điểm tiếp xúc chung về tôn giáo và triết học, ý niệm thương xót vẫn có một ý nghĩa chuyên biệt, mà nay ta cần lưu ý.

Hiện có một ý kiến khá phổ biến cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là một vị Thiên Chúa ưa trả thù và nổi giận, trong khi Thiên Chúa của Tân Ước là một vị Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót. Thực vậy, trong Cựu Ước, có rất nhiều bản văn hỗ trợ ý kiến này. Đó là các đoạn văn nói tới giết chóc và trục xuất toàn bộ dân số ngoại giáo của nhiều thành phố và dân tộc theo lệnh của chính Thiên Chúa (Đnl 7:21-24; 9:3; Gs 6:21; 8:1-29; 1Sm 15). Người ta cũng có thể nghĩ tới các thánh vịnh nguyền rủa (nhất là các Thánh Vịnh 58; 83;109) (2). Tuy nhiên, cách nhìn này không công bằng chút nào đối với diễn trình tiệm tiến qua đó ý niệm Thiên Chúa của Cựu Ước biến đổi một cách hết sức quan yếu. Cách nhìn này cũng không công bằng chút nào đối với việc phát triển nội bộ của Cựu Ước theo chiều hướng Tân Ươc. Cuối cùng, cả hai Giao Ước này cùng làm chứng cho một vị Thiên Chúa duy nhất.

Sự kiện trên đã bắt đầu xuất hiện trong một số nhận xét và suy nghĩ khởi đầu về việc dùng ngôn ngữ trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Cựu Ước có đặc điểm sử dụng thành ngữ rechamin để chỉ lòng cảm thương và cũng để chỉ cả lòng thương xót nữa. Chữ này phát nguyên từ chữ rechem, có nghĩa là “dạ” (womb) và cũng dùng để chỉ “lòng” (ruột). Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, lòng (ruột) được coi như trung tâm của xúc cảm. Trong Tân Ước, lòng (ruột) hay bụng (guts, σπλάγχνα) cũng dùng để diễn tả lòng thương xót phát xuất từ trái tim (3). Cũng vậy, ta thấy oiktirmos (οίκτιρμός) đã được dùng để chỉ lòng thiện cảm và việc sẵn sàng ra tay cứu giúp (4). Và sau cùng, chữ eleos (έλεος) rất quan trọng. Khởi đầu, nó diễn tả tác động của cảm xúc, nhưng về sau, người ta thường dùng nó để dịch các từ ngữ đặc trưng của Hipri là hesedhen, là những từ đặc biệt dùng để mô tả lòng thương xót.

Ta vẫn còn cần phải biết lòng thương xót liên hệ ra sao với công lý và phải chứng tỏ rằng đối với Cựu Ước, hai ý niệm này không đơn giản chỉ đứng cạnh nhau hay đối nghịch nhau, mà đúng hơn, lòng thương xót của Thiên Chúa phục vụ công lý của Người và đem nó tới chỗ được thể hiện. Thực vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa là chính công lý của Người. Tuy nhiên, trước tiên, ta phải nhấn mạnh một điều khác. Ta chỉ có thể hiểu lòng thương xót khi ta bao gồm ý niệm “trái tim” (leb, lebab, καρδία) vào các xem xét của ta.

Trong Thánh Kinh, “trái tim” không chỉ diễn tả một cơ quan của con người, rất cần cho sự sống; về phương diện nhân học, nó diễn tả cốt lõi của con người nhân bản, trung tâm các xúc cảm của họ cũng như trung tâm khả năng phán đoán của họ. Thánh Kinh dành nhiều chỗ và chú ý cho thế giới cảm xúc con người, cả liên quan tới con người lẫn Thiên Chúa theo nghĩa bóng bẩy. Hãy nghĩ tới các thánh vịnh ai ca của Cựu Ước, các ai ca của Giêrêmia, các than vãn buồn đau của Đavít trước cái chết của con trai Absalon (2Sm 19). Chúa Giêsu đầy giận dữ và buồn khổ trước sự ương ngạnh của những kẻ chống đối Người (Mc 3:5), và đầy cảm thương đối với người ta (Mc 6:34) và đối với bà góa Thành Naim vì mất đứa con trai duy nhất (Lc 7:13). Trước cái chết của bằng hữu Ladarô, Chúa Giêsu hết sức xúc động buồn bã (Ga 11:38). Như thế, trong Thánh Kinh, lòng cảm thương không bị coi là yếu đuối và mềm yếu phản nam tính, không xứng đáng với người anh hùng thực sự. Theo Thánh Kinh, con người được phép biểu lộ các tâm tình của họ, các sầu buồn của họ, các xúc cảm của họ, các niềm vui và đau thương của họ. Họ cũng có thể than thở với Thiên Chúa và không cần phải xấu hổ vì khóc lóc.

Thánh Kinh còn đi xa hơn nữa, khi nói tới trái tim Thiên Chúa về phương diện thần học. Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa chọn người ta theo trái tim của Người (1Sm 13:14; Gr 3:15; Cv 13:22). Thánh Kinh nói tới việc trái tim Người rất bối rối đối với con người và tội lỗi của họ (St 6:6); và Thánh Kinh nói rằng Người hướng dẫn Dân Người bằng một trái tim ngay thẳng (Tv 78:72) (5). Kiểu nói này đạt tới đỉnh cao của nó trong Tiên Tri Hôsê. Vị tiên tri này nói một cách chưa từng ai nói và thực sự cảm kích rằng trái tim Thiên Chúa tự co cụm ở trong Người (*) và lòng cảm thương của Người trở nên ấm áp và dịu dàng (Hs 11:8). Người trở nên sống động nhờ tâm tình yêu thương con người cách cuồng nhiệt (6).

Kiểu nói quan trọng nhất để hiểu lòng thương xót là hesed. Chữ này có nghĩa: lòng tốt, tình bạn, ân huệ đầy yêu thương không đòi công trạng, và cả ân sủng cùng lòng thương xót của Thiên Chúa (7). Bởi thế, hesed vượt quá cảm xúc và đau đớn đơn thuần trước cảnh khốn cùng của con người; nó chỉ hành động Thiên Chúa tự ý và nhân hậu ngoảnh nhìn con người một cách đầy quan tâm. Nó bao hàm ý tưởng liên hệ, chứ không hẳn một hành động riêng rẽ, mà đúng hơn là một thái độ và một cách tiếp cận liên tục. Áp dụng vào Thiên Chúa, ý tưởng này nói lên việc Người ban ơn thánh của Người cách bất ngờ và không đòi công trạng, nghĩa là một việc ân ban vượt lên trên mọi liên hệ trung thành hỗ tương, vượt quá mọi mong ước của con người và phá đổ mọi phạm trù nhân bản. Chỉ cần nghĩ rằng Thiên Chúa, Đấng toàn năng và thánh thiện, đã quan tâm lo lắng đối với tình thế cực kỳ khốn khổ của con người, do chính họ gây ra, rằng Thiên Chúa ấy thấy rõ cảnh khốn khổ của con người khốn cùng và đáng thương, rằng Người nghe thấy tiếng than của họ, nhân từ cúi xuống với họ, tự hạ mình đến với những con người trong cảnh khốn khổ của họ, và bất chấp mọi bất trung của họ, vẫn tỏ ra lo lắng đối với họ không thôi, và rằng Người sẵn sàng tha thứ cho họ và ban cho họ một cơ hội nữa, dù họ chỉ đáng bị trừng phạt, là đủ thấy tất cả những điều này quả vượt quá mọi kinh nghiệm và mong ước bình thường của con người; tất cả những điều này quả đã vượt quá mọi tưởng tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp hesed của Thiên Chúa, một điều gì đó thuộc mầu nhiệm của Người, mà tự trong chính nó vốn khép kín đối với tư duy con người, đã được mặc khải cho họ. Ta chỉ có thể biết được phần nào mầu nhiệm này nhờ mặc khải của Thiên Chúa mà thôi.

2. Đáp ứng của Thiên Chúa đối với sự hỗn mang và tai họa của tội

Ý nghĩa mà chứng từ của Thánh Kinh gán cho lòng thương xót của Thiên Chúa không phát xuất duy nhất từ cách dùng từ ngữ này. Ý nghĩa của lòng thương xót chỉ được xác quyết từ tính toàn vẹn của lịch sử cứu rỗi trong Thánh Kinh. Nó khởi đầu ngay sau trình thuật tạo thế của Thánh Kinh. Khi tạo dựng, Thiên Chúa làm nên mọi sự tốt lành, đúng hơn, rất tốt lành (St 1:4, 10, 12, 18, 20, 25, 31). Thiên Chúa làm nên con người giống hình ảnh của Người; Người làm nên họ có nam có nữ. Người chúc lành cho họ. Họ phải sinh sôi nẩy nở con cháu cho tràn đầy mặt đất. Người ủy thác cho con người trọn bộ tạo thế để họ duy trì và vun xới (St 1:27-30; 2:15). Mọi sự đều tốt; đúng hơn, rất tốt.

Nhưng, câu truyện tốt đẹp trên ngay sau đó tiếp diễn bằng thảm họa. Con người muốn được như Thiên Chúa, được quyền tự quyết định điều gì tốt điều gì xấu (St 3:5). Việc ra xa lạ với Thiên Chúa dẫn tới việc con người ra xa lạ với thiên nhiên và với những con người khác. Thế là từ nay, trái đất sinh gai góc và con người phải đổ mồ hôi và cực nhọc mới cày cấy được nó. Sự sống mới chỉ có thể được cưu mang trong đau đớn; chồng và vợ ra xa lạ đối với nhau (St 3:16-19); rồi Cain giết Abel (St 4). Sự ác tiếp nối sự ác liên tiếp như núi lở và mọi suy nghĩ và cố gắng trong trái tim con người mỗi ngày mỗi trở nên ác hơn (St 6:5).

Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại đơn thuần lao đầu vào tai ương và sa xuống thảm hại. Đúng hơn, ngay từ lúc ban đầu ấy, Người đã đưa ra các biện pháp cứu chữa và liên tiếp thực hiện các phản công mới chống lại cảnh hỗn mang và thảm họa sắp diễn ra. Mặc dù chữ “thương xót” không xuất hiện trong các chương đầu tiên của Sách Sáng Thế, lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự đã rờ mó được và hết sức hữu hiệu ngay từ thuở khởi nguyên này. Cùng với việc xua đuổi con người ra khỏi địa đường, Thiên Chúa đã ban cho họ áo quần để bảo vệ họ khỏi các ác nghiệt của thiên nhiên, giúp họ khỏi xấu hổ trước mặt nhau, và duy trì được phẩm giá của họ (St 3:20). Người đe dọa sẽ trả thù bất cứ ai đặt tay xâm hại Cain và ghi dấu lên trán Cain để bảo vệ ông khỏi bị sát hại (St 4:15). Cuối cùng, sau Hồng Thủy, Thiên Chúa cố gắng tạo một khởi đầu mới với Nôe. Người đoan hứa một hiện sinh và một trật tự liên tục cho vũ trụ, chúc phúc cho nhân loại mới, và đặt sự sống của con người, từng được làm nên giống hình ảnh Người, dưới sự che chở đặc biệt của Người (St 8:23; 9:1-5tt).

Nhưng chưa hết. Lòng tự cao tự đại của con người không có tận cùng; họ đi xây Tháp Babel mà đỉnh cao họ hy vọng vươn tới trời. Lòng tự cao tự đại này dẫn tới việc ngôn ngữ ra hỗn loạn; con người không còn hiểu được nhau và họ bị phân chia tứ tán ra khắp mặt đất (St 11). Nhưng, một lần nữa, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại cho chính số phận của họ, một nhân loại nay đã bị phân chia thành bộ lạc và dân tộc xa lạ và thù nghịch nhau. Thiên Chúa chống hỗn mang và thảm họa. Người làm nên một khởi đầu mới với việc kêu gọi Ápraham (St 12:1-3). Có thể nói: với Ápraham, một phản công lịch sử đã khởi đầu, tức lịch sử hiện thực của việc Thiên Chúa cứu rỗi con người. Nơi Ápraham, mọi thế hệ, mọi gia đình trên trái đất đều được chúc phúc (St 12:3) (9). Với chữ “chúc phúc” này, Thánh Kinh muốn cho hiểu một điều vừa nền tảng vừa hoàn toàn đầy đủ: hạnh phúc, hòa bình, sống viên mãn và nhiều ân sủng của Thiên Chúa (10). Như thế, với Ápraham, một lịch sử mới của nhân loại đã khởi sự, một lịch sử chúc phúc và, nói cách khác, một lịch sử cứu rỗi. Thực vậy, những lời nói về lòng nhân hậu và trung thành của Thiên Chúa đã rải rác khắp trong trình thuật về Ápraham (St 24:12, 14, 27; 32:11).

Như thế, ngay từ thuở đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã bắt đầu phản công chống lại tai ương (11). Ngay từ khởi nguyên, hành động thương xót (Erbarmen) của Thiên Chúa đã có hiệu lực mạnh mẽ rồi. Lòng thương xót của Thiên Chúa là việc Người cung cấp đề kháng để chống lại sự ác, là điều lúc ấy đang ở thế thượng phong. Người không làm thế một cách miễn cưỡng hay bạo động; Người không đơn thuần chiến đấu; đúng hơn, trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa không ngừng tạo ra không gian mới cho sự sống và sự chúc phúc.

3. Sự mặc khải tên Thiên Chúa cũng là sự mặc khải Lòng Thương Xót của Người

Trong Cựu Ước, việc minh nhiên mặc khải lòng thương xót đã được liên kết rất chặt chẽ với việc mặc khải nền tảng về Thiên Chúa trong cuộc xuất hành và giải phóng Dân Do Thái khỏi Ai Cập và với việc mặc khải chính Người lần lượt trên Núi Sinai và Hôrép. Biến cố mạc khải thường xẩy ra trong một tình thế khó khăn và, đúng hơn tuyệt vọng, của dân Do Thái. Dân tộc này bị áp bức tại Ai Cập, phải làm những việc nặng nhọc dành cho các nô lệ. Chính Môsê đã phải trốn chạy khỏi nhà cầm quyền Ai Cập là những người tìm cách kết liễu đời ông. Thiên Chúa mặc khải cho ông như là Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp trong bụi gai bừng lửa trên Núi Hôrép. Do đó, việc mặc khải trên Núi Hôrép có liên hệ với sự khởi đầu của lịch sử cứu rỗi với Ápraham. Trong cả hai trường hợp, Thiên Chúa tự mặc khải như Đấng Thiên Chúa mời gọi và lãnh đạo tiến lên. Thiên Chúa là Đấng Thiên Chúa của lịch sử. Nhưng dù trình thuật về Ápraham cung cấp cho ta một cửa ngỏ dẫn vào toàn thể nhân loại và mọi dân tộc, thì giờ đây, nó chỉ tập chú vào câu truyện của dân Người, Dân Israel.

Thiên Chúa là Đấng Thiên Chúa nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Người và nghe thấy tiếng họ kêu van: “Ta đã nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Ta ở Ai Cập và Ta đã nghe thấy tiếng kêu của chúng vì những kẻ đốc công tàn ác. Thực vậy, Ta biết rõ các đau khổ của chúng, và Ta đến để giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3:7-8; xem 9). Thiên Chúa không phải là Đấng Thiên Chúa câm điếc; Người là Đấng Thiên Chúa sống động, Đấng biết lưu tâm tới nỗi khốn khổ của con người, Đấng biết nói, biết hành động, biết can thiệp, giải thoát và cứu chuộc. Công thức “Giavê, Đấng đem chúng ta ra khỏi Ai Cập” đã trở thành lời tuyên xưng đức tin rất nền tảng trong Cựu Ước (Xh 20:2; Đnl 5:6; Tv 81:1; 114:1; v.v…).

Việc mặc khải Đấng Thiên Chúa hạ mình đến gần dân Người không hề nói lên một sự quen thuộc giả tạo. Việc mặc khải này có liên hệ một cách hết sức mật thiết với việc mặc khải sự thánh thiện của Người, tính ưu việt của Người đối với mọi sự vật trần gian, tính kỳ diệu của Người, và tính tối thượng của Người. Môsê được thấy bụi gai bừng lửa mà không bị thiêu rụi. Vì quá sợ hãi, ông phải che mặt; không dám lại gần hơn; ông phải cởi giầy vì đất ông đứng là đất thánh. Rồi khi Môsê hỏi Thiên Chúa để biết tên Người, ông nhận được câu trả lời mầu nhiệm: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3:14) (**).

Rất nhiều điều khác nhau và trái ngược nhau đã được viết về nguồn gốc, cách phát âm, và ý nghĩa của 4 chữ Hípri viết tắt YHWH (12). Martin Buber và Franz Rosenzweig dịch nó là “Ta sẽ hiện diện như là Đấng sẽ hiện diện ở đó” (13). Nhờ cách dịch này, chiều kích mầu nhiệm, không ai vươn tới và cuối cùng không ai hiểu nổi của tên Thiên Chúa đã được diễn tả. Đối với người Do Thái sùng đạo, bốn chữ Hípri viết tắt này thánh thiêng đến nỗi họ không dám thốt lên thành tiếng. Vì tôn trọng sự nhậy cảm của người Do Thái, năm 2008, Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa đã cấm không được dịch tên YHWH của Người trong phụng vụ Giáo Hội. Như thế, việc mặc khải tên Thiên Chúa đã nói lên tính siêu việt tuyệt đối của Người. Mặt khác, nó chứng tỏ Thiên Chúa đích thân chăm sóc dân Người và việc Người cam kết hiện diện một cách mạnh mẽ trong lịch sử dân Người. Thiên Chúa tự mặc khải Người như là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn và lãnh đạo trong một lịch sử không hề bị trói tay từ trước, một lịch sử trong đó Người sẽ luôn hiện diện một cách không thể suy diễn (nondeducible), tối thượng, nhưng rất bất ngờ, và như Đấng luôn luôn là tương lai mới mẻ của dân Người. Người không phải là Đấng Thiên Chúa của một nơi đặc thù, nhưng đúng hơn, Người biểu lộ quyền năng của Người ở khắp mọi nơi dân Người gặp gỡ trên đường lữ thứ của họ. Do đó, tính phổ quát của Giavê, được các tiên tri minh nhiên công bố, đã được thiết lập ngay từ thuở đầu.

Bản Bẩy Mươi, tức bản Cựu Ước của người Do Thái qua tiếng Hy Lạp, xuất hiện khoảng năm 200 trước CN, đã giải thích việc mặc khải tên Thiên Chúa theo tư tưởng triết học Hy Lạp và đã dịch tên này là “Ta là Đấng hằng hữu” (̓Еγώ εỉμι ὁ ὤυ). Lời dịch này đã làm nên lịch sử và đã lên khuôn cho tư tưởng thần học trong nhiều thế kỷ. Dựa vào lối dịch này, người ta xác tín rằng điều cao nhất trong tư tưởng tức Hữu Thể (Being) và điều cao nhất trong đức tin tức Thiên Chúa, có liên hệ qua lại với nhau. Trong xác tín này, ta thấy có sự xác nhận rằng tin và nghĩ không hề chống đối nhau, mà đúng hơn, tương ứng với nhau. Lối giải thích này đã được tìm thấy nơi triết gia Do Thái theo văn hóa Hy Lạp là Philo (chết năm 40 CN). Tuy nhiên, Tertullianô chẳng bao lâu đã đặt câu hỏi: “Giêrusalem nào có gì liên hệ với Nhã Điển?” (14). Đáng lưu ý nhất là Blaise Pascal; sau khi trải qua một kinh nghiệm thần bí, thần học gia này nhấn mạnh sự khác nhau giữa Thiên Chúa của các triết gia và Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp trong đoạn văn nổi tiếng “Memorial” năm 1654 (15).
Các học giả Thánh Kinh cận đại từng chỉ rõ các dị biệt giữa lối hiểu hữu thể của người Hípri và của người Hy Lạp. Vì, đối với suy tư Hípri, hữu thể không phải là một thực tại bất động (quiescent) mà đúng hơn là một thực tại năng động. Trong tư tưởng Hípri, hữu thể là một hiện hữu cụ thể, hoạt động, và có hiệu năng mạnh mẽ. Thành thử, việc mặc khải tên Thiên Chúa tạo nên lời hứa hẹn của Người: Ta là “Đấng đang hiện diện ở đó”. Ta ở với các ngươi trong cảnh khốn cùng của các ngươi và Ta sẽ đồng hành với các ngươi trên đường các ngươi đi. Ta nghe thấy tiếng kêu của các ngươi và ta đáp lại các van vỉ của các ngươi. Tương ứng với điều này, việc mặc khải tên Thiên Chúa lập tức được nối kết với việc phê chuẩn giao ước giữa Thiên Chúa và các tổ phụ và với việc lên công thức có tính cổ điển cho giao ước này: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 6:7). Như thế, trong việc mạc khải tên của Người, Thiên Chúa đã nói ra thực tại thâm sâu nhất của chính Người: hữu thể Thiên Chúa là hữu thể hiện diện cho dân Người và với dân Người. “Hữu thể Thiên Chúa là Hữu-Thể-cho-dân-Người; hữu thể của Thiên Chúa trong tư cách Phò Hiện Hữu là mầu nhiệm kỳ diệu của yếu tính Người. Với đức tin của mình, Israel có thể vô điều kiện nương tựa vào chân lý này” (16).

Chữ “thương xót” (Erbarmen) chưa xuất hiện trong cuộc mặc khải ở Hôrép. Tuy nhiên, điều mà lòng thương xót thực sự có ý nghĩa thì vốn đã được hàm chứa ngay trong việc mặc khải thánh danh Người; sau đó, nó đã được tỏ lộ trọn vẹn hơn trong mạc khải ở Sinai. Hoàn cảnh trong đó việc này xẩy ra có tính hết sức bi kịch. Thiên Chúa đã dẫn dân Người ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và đã ban cho họ Mười Giới Răn trên hai phiến đá làm hiến chương của giao ước (Xh 20:1-21; Đnl 5:6-22). Nhưng không bao lâu sau khi giao ước này được chấp thuận, nó đã lập tức bị vi phạm. Dân Thiên Chúa chọn đã nhanh chóng bất trung; họ bỏ đạo, theo các thần ngoại giáo và nhẩy múa quanh con bò vàng. Thiên Chúa lập tức nổi giận đùng đùng chống lại thứ dân cứng đầu này và Môsê đập bể hai phiến đá giao ước ngay ở dưới chân núi làm dấu chỉ quả thực giao ước đã bị đạp đổ (Xh 32). Ngay khi vừa bắt đầu, mọi sự xem như đã không còn, mất hết.

Tuy nhiên, Môsê đã cầu bầu và nhắc Thiên Chúa nhớ tới lời hứa của Người. Ông xin Thiên Chúa ban ơn thánh và lòng thương xót: “Xin cho con thấy dung nhan Ngài”. Và rồi cuộc mặc khải tên Người lần thứ hai đã diễn ra. Thiên Chúa hô lớn tên Người cho Môsê trong lúc đi qua: “Ta sẽ nhân từ (hen) với những ai Ta sẽ nhân từ, và Ta sẽ tỏ lòng thương xót (rachamin) cho những ai Ta sẽ tỏ lòng thương xót” (Xh 33:19). Ở đây, lòng thương xót của Thiên Chúa được hiểu không phải như sự gần gũi với một người bạn thân, nhưng đúng hơn như biểu thức của tính tối thượng tuyệt đối của Thiên Chúa và quyền tự do không thể bị giản lược của Người. Giavê không thích hợp với bất cứ phạm trù nào, ngay cả phạm trù công lý bù trừ (compensatory justice). Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa chỉ phù hợp với chính Người và với thánh danh Người đã tỏ cho Môsê (17). Do đó, Người đã ra lệnh cho Môsê phải chuẩn bị hai phiến đá mới để ghi lại lề luật. Bất chấp sự bất trung và cứng đầu của họ, Người vẫn không để dân Người rơi vào hoang phế và hư không. Thiên Chúa làm mới lại giao ước của Người; Người ban cho dân Người một cơ hội nữa và Người làm thế hoàn toàn vì tự do và ơn thánh nhưng không.

Cuối cùng, vào một sớm mai khác, ta lại thấy việc mặc khải thứ ba về tên Thiên Chúa. Người hiện xuống với Môsê trong đám mây, như dấu chỉ sự hiện diện mầu nhiệm của Người, và nói lớn với ông: “Chúa tể, Chúa tể, Đấng Thiên Chúa hay thương xót (rachum) và nhân từ (henum), chậm nổi giận, và giầu tình yêu bền vững (hesed) và trung thành (emet) (Xh 34:6).

Trong cuộc mặc khải tên Người lần thứ ba này, lòng thương xót không những nói lên tính tối thượng và tự do của Thiên Chúa; nó còn nói lên lòng trung thành của Người nữa. Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa trung thành với chính Người và với dân của Người, bất chấp sự bất trung của họ. Trong cuộc mặc khải tên Thiên Chúa lần thứ ba, ta có thể nhận ra lời khẳng định chính của Israel liên quan tới yếu tính của Thiên Chúa họ (18). Sau đó, lời tuyên bố về mặc khải này đã liên tiếp được nhắc đi nhắc lại trong Cựu Ước, nhất là các thánh vịnh, một cách như lên công thức (19). Có thể nói, nó đã trở thành Kinh Tin Kính của Cựu Ước.

Kinh Tin Kính trên không do suy tư của con người mà có; cũng không hẳn do thị kiến huyền nhiệm mà phát sinh. Ngược lại, Môsê được phán bảo một cách không hàm hồ rằng “Ngươi không thể thấy dung nhan Ta vì không ai thấy dung nhan Ta mà còn sống được”. Môsê không thể trực tiếp nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa; ông chỉ có thể thấy lưng của Người khi Người bước khỏi ông. Có thể nói, ông chỉ có thể nhận ra Thiên Chúa một cách hậu thiên (a posteriori), nghĩa là bằng cách nhìn trở lui, nhìn đàng sau việc Người bước qua lịch sử. Thiên Chúa cũng có thể được nhìn thấy dựa vào lời lẽ do Người mặc khải và giải thích, nghĩa là việc hô to thánh danh Người (Xh 33:20-23). Như thế, lời tuyên bố dứt khoát liên quan tới yếu tính nhân từ và thương xót của Thiên Chúa không phải là lời tuyên bố suy lý hay do kinh nghiệm huyền nhiệm mà có. Đúng hơn, nó là lời tuyên bố của đức tin dựa trên sự tự ý mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Trong và xuyên suốt lịch sử, Thiên Chúa mặc khải yếu tính của Người, một yếu tính vốn dấu khuất khỏi con người. Ta chỉ có thể nói về yếu tính này bằng con đường trình thuật, chứ không bằng con đường suy lý. Theo nghĩa này, công thức này chính là bản tóm lược câu Thiên Chúa tự định nghĩa về Người trong Cựu Ước.

Kỳ Sau: Lòng thương xót như phẩm tính khác, vừa khôn dò vừa có tính tối thượng...
________________________________________________________________________________________________________
(*) Tiếng Anh, "recoils within him"; Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là "Lòng Ta đảo lộn trong Ta".
(**) Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “Ta có sao Ta có vậy”.

(1) Friedrich Nietzsche, Beyond Good and Evil, bản tiếng Anh của Helen Zimmern (London: Allen & Unwit), 3.
(2) Muốn hiểu các thánh vịnh nguyền rủa, xem E. Zenger, “Fluchpsalmen” Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác hiệu đính (Freiburg: Herder 1993-2001), 3:1335f. Cũng nên xem chương II trên đây, ghi chú 62.
(3) Helmut Koster, “σπλάγχνον” Theologisches Worterbuch zum Neyene Testament, do Gerhard Kittel và nhiều người khác hiệu đính (Stuttgart: Kohlhammer, 1949-79) 7:553-57.
(4) Rudolf Bultmann, “οἰκτίρω”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 5:162f.
(5) F. Baugartel và J, Behm, “καρδία”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 3:609-16; Hans Walter Wolff, Anthropologie des Alten Testaments (Munich: Kaiser, 1973), 68-95.
(6) Abraham Joshua Heschel, The Prophets (New York: Harper & Row, 1975); Peter Kuhn, Gottes Selbsterniedrigung in der Theologie der Rabbinen (Munich: Kosel Verlag, 1968); Peter Kuhn, Gottes Trauer und Klage in de rabbinischen Uberlieferung (Leiden, E.J. Brill, 1978).
(7) Rudolf Bultmann, “ἔλεος”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament, 2: 474-82.
(8) Walther Zimmerli, “χάρις”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament 9:366-77.
(9) St 18:18; 22:18; 26:4; 18:14; Hc 44:21; Gl 3:6-18.
(10) Xem W. Beyer, “εύλογέω εύλογία”, Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament 2:751-63.
(11) Tôi lấy hứng kiểu nói và quan điểm này từ Gerhard Lohfink và Ludwig Weimer, Marianicht ohne Israel:Eine neue Sicht der Lehre von der Unbeflekten Empfangnis (Freiburg i.Br.: Herder, 2008).
(12) Muốn có lời giải thích về tên Giavê, xin xem Walther Zimmerli, “Ich bin Jahwe” trong Gottes Offenbarung:Gesammelte Aufsatze zum Alten Testament (Munich: Kaiser, 1963); Gerhard von Rad, Old Testament Theology, bản tiếng Anh của D.M.G. Stalker (New York: Harper, 1962). Muốn có cuộc nghiên cứu gần đây hơn, xin xem M. Rose, “Jahwe” Theologische Realenzyklopadie, do Gerhard Muller, Horst Balz và Gerhard Krause biên tập (Berlin: Walter de Gruyter, 1977-2007), 16:438-41; R, Brandscheit, “Jahwe”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 5:712-13.
(13) Die funf Bucher der Weisung: Verdeutscht von M. Buber gem.m. F. Rosenzweig (Heidelberg: Schneider, 1981). Xem thêm Martin Buber, Moses: The Revelation and the Covenant (New York: Harper & Row, 1958), 52-55.
(14) Tertullianô, The Prescription of Heretics, cuốn VII, 9.
(15) Blaise Pascal, Pensées, bản tiếng Anh của A.J. Krailsjeimer (Baltimore: Penguin Books, 1966), 309. Về vấn đề thần học hệ thống, xem Chương V, 1.
(16) Wilrich Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, 2/1 (Neukirchen-Vluyyn: Neukirchener Verlag, 2007), 93. Ý niệm Proexistens, như tôi được biết, xuất phát từ nhà giải thích Thệ Phản W. Schmauch và sau đó được các nhà giải thích Tân Ước của Công Giáo tiếp nhận, như H. Schurmann và W, Thusing. Điều rất thích hợp với ý tưởng này là một số tác giả coi không phải hajah (hiện hữu), mà đúng hơn hasah mới là gốc rễ của tên Giavê. Hasah có nghĩa: yêu thương một cách say mê. Theo lối giải thích này, Giavê là người yêu dân Người cách say mê. Xem Edith Olk., Die Barmherzigkeit Gottes-zentrale Quelle des christlichen Lebens (St Ottilien: EOS, 2011), 46.
(17) Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, 2/1: 96.
(18) Ibid.
(19) Xem Đnl 4:31; Tv 86:15; 103:8; 116:5; 145:8; Gn 4:2; Ge 2:13.