GIÁO DỤC TÌNH VIỆT VÀ TIẾNG VIỆT

Lời mở đầu : Nhiều trẻ em việt nam sống tại hải ngoại hôm nay không còn nói và viết được tiếng việt nữa. Sự kiện này làm nhiều người lo lắng và tìm cách phát động việc học, nói, đọc và viết tiếng việt. Nếu quan sát tiến trình bỏ nói tiếng việt của trẻ em việt nam, thì, muốn cho chúng nói và viết tiếng việt, cách căn bản là phải làm sao cho chúng thích tiếng việt, mà một trong những bước đầu là thích người việt. Nói khác đi, phải làm sao phát triển tình việt nơi con em việt nam, để chúng thích và yêu người việt hầu học, nói, đọc, viết tiếng việt.

"Tiếng ta còn, nước ta còn". Đó là một trong những lời thấm thía mà Phạm Quỳnh đã khắc sâu vào tâm khảm chúng ta, những người đã được đào tạo trong nền giáo dục dân tộc, nhân bản, khoa học và khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1975. Lời của Phạm Quỳnh cũng tràn đầy một lòng yêu dân tộc, yêu tổ quốc, yêu giang sơn. Chúng ta muốn cho giang sơn gấm vóc "Nam hà" vẫn muôn đời "Nam đế cư". Và chúng ta nghĩ rằng một trong những phương pháp tốt để bảo tồn giang sơn và tổ quốc, ấy là phương pháp ngôn ngữ. Đó là phương pháp "bách niên chi kế", đặc biệt hữu hiệu khi chúng ta sống trên giang sơn gấm vóc. Nhưng hôm nay, sống tại hải ngoại, ngày về xa vời vợi ! Giang sơn là giang sơn người, tập quán là tập quán người, sinh hoạt là sinh hoạt người, dân cư là dân cư người. Ra khỏi ngưỡng cửa là không còn thấy việt chất nữa ! Thậm chí ngay ở trong nhà, tinh thần việt cũng bị nao núng : khách tiếp có nhiều người vào nhà là ngoại dân, tin đọc hàng ngày là ngoại ngữ... Chúng ta đâm hoãng, đâm lo. Chúng ta sợ mất gốc, chúng ta sợ không còn hoàn cảnh thuận tiện để hun đúc lòng yêu giang sơn, yêu tổ quốc nữa. Những mối hoãng sợ và lo lắng ấy thật là chính đáng ! Chúng ta đã vậy, nhưng còn con cái chúng ta, chúng ta sợ chúng bị ảnh hưởng ngoại quốc quá nhiều mà quên mất dòng giống, quên mất ngôn ngữ tổ tiên, quên mất thói lề quê cũ, thậm chí chúng ta sợ chúng quên cả chúng là gười việt. Và trước tình trạng khủng hoảng của gia đình âu châu, chúng ta sợ con cái chúng ta quên mất cả chính chúng ta nữa. Đó cũng là những mối sợ chính đáng khác nữa.

Có những mối sợ ấy và nhất là thấy được những mối sợ ấy đã là một người hiểu biết và thức thời rồi. Nhưng sự hiểu biết và thức thời của chúng ta sẽ không được bổ ích và hữu hiệu, nếu chúng ta chỉ ngồi đó mà sợ, chỉ đứng đó mà chiêm ngắm, mà suy nghĩ về mối sợ. Chúng ta phải tìm cách hành động. Nhưng hành động thế nào ?

Việc trước nhất và dễ nhất mà chúng ta có thể làm được là nói tiếng việt trong gia đình. Đành rằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Anh... là những tiếng chúng ta phải dùng đến hàng ngày trong cuộc sống cụ thể và nghề nghiệp ! Đành rằng con cái chúng ta, muốn học giỏi bây giờ và thăng tiến mai sau trong bậc thang xã hội âu châu, phải nói thạo và làm chủ được ngôn ngữ địa phương ! Nhưng sẽ xấu hổ biết bao khi chúng ta và con cái chúng ta là việt nam mà không biết nói tiếng việt nam ! Sẽ nghèo nàn biết bao khi chúng ta và con cái chúng ta không bảo tồn và trau dồi chính văn hóa của chúng ta ! Chẳng nhiều thì ít, một ngày hai lần gặp nhau, trong bửa điểm tâm sáng và trong bữa cơm chiều, cả gia đình nói chuyện với nhau bằng tiếng việt, kể chuyện cho nhau nghe bằng tiếng việt. Đó chẳng là một hình ảnh đẹp sao ! Đó chẳng là một dịp để con em ta học thêm được một cách suy tư và lý luận khác, hơi khác với cách suy tư và lý luận âu châu một chút sao ! Trong tinh thần giáo dục ở học đường âu châu chú trọng nhiều đến tinh thần cởi mở, sáng tạo, đó chẳng phải là điều hữu ích sao ! Vả nữa, đề thi tú tài, con em ta cần một ngoại ngữ, lấy tiếng việt làm ngoại ngữ này, nói chuyện một ngày hai lần chẳng phải là một thực tập hữu hiệu sao !

Đó là một vài ý kiến giúp chúng ta vượt qua những lo ngại thành công của con em chúng ta tại xã hội âu châu này. Không sợ bị thất bại tại xã hội âu châu, mà lại hun đúc được lòng yêu người việt, yêu tiếng việt, thì còn gì bằng ! Nhưng sẽ có người bảo rằng, để giáo dục lòng yêu người việt và yêu tổ quốc việt nam, cứ gì phải nói tiếng việt. Thiếu gì người việt hoặc ngay cả người ngoại quốc, chẳng hề nói được tiếng việt, mà lại yêu người việt một cách tha thiết và chân thành ! Thiếu gì người việt nói tiếng việt sõi và thạo, am tường văn minh và văn hóa việt, mà lại bôi nhọ người việt, làm nhơ danh dòng giống việt, làm thảm nhục cho tổ quốc việt ! Điều đó không sai. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hãn hữu và ngoại lệ. Trong việc giáo dục thông thường, ta cần căn cứ vào những trường hợp thường xuyên hơn là những trường hợp hãn hữu, những trường hợp thông lệ hơn là những trường hợp ngoại lệ? Biết được những trường hợp hãn hữu và ngoại lệ phản bội ấy, cũng đã phải ở trong môi trường việt nam và cũng đã phải nói và đọc được tiếng việt rồi.

Nhưng phải mua sách báo nào ? Điều quan trọng là hãy có quyết định mua sách báo, rồi việc "mua sách báo nào" sẽ khắc đến và sẽ tìm được giải quyết thỏa đáng. Trong tình trạng hiện thời, đa số sách đã in lại và đa số sách báo đã phát hành tương đối đứng đắn và nghiêm túc, ta không đến nỗi lo sợ về những ấn phẩm đồi trụy. Nhưng dầu sao, một vài loại sách báo căn bản cũng cần phải được ghi nhận là cần thiết, bổ ích hơn là một vài loại khác. Đại cương thì một vài cuốn về lịch sử việt nam, một vài cuốn về văn minh và văn chương việt nam, một vài cuốn tự điển... cũng là những điều không thể thiếu. Một tờ báo việt ngữ phổ thông, như Dân Chúa, Giáo Xứ, Nhân Bản, Chiến Hữu, Văn Nghệ Tiền Phong... cũng là những điều không thể thiếu. Trong một bài sẽ viết đặc biệt về một thư viện việt ngữ lý tưởng cho gia đình việt nam tại hải ngoại, tôi sẽ đề nghị một danh sách đầy đủ những sách báo việt ngữ bổ ích cần có. Trong bài này, để hun đúc lòng yêu người việt tôi chỉ có ý nhấn mạnh đến sự quan trọng cần tạo một thư viện tiếng việt cho gia đình.

Nhưng ngôn ngữ và sách báo, nói khác đi, việc nói và đọc tiếng việt cũng chỉ là những biểu hiệu, những dấu chỉ của một sự tương giao cụ thể. Và nếu chúng ta muốn cho con em chúng ta nên người việt thì chúng ta không thể không giúp chúng có dịp thực sự được tương giao với người việt. Tôi có ý nói đến việc thứ ba mà chúng ta có thể và cần làm để giáo dục lòng yêu tiếng việt, yêu người việt và yêu giang sơn việt. Đó là việc tiếp xúc thực sự với người việt. Trong đời sống hàng ngày, dầu muốn dầu không, chúng ta cần phải tiếp xúc, cần phải có bạn bè. Có bạn bè người ngoại quốc là điều nhiều người cho là dĩ nhiên. Nhung có bạn bè việt nam, nhiều người việt nam ngần ngại ! Nhiều năm sống trong chiến tranh, những xung đột quốc cộng... là những lý do chính đáng của sự ngần ngại. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có người việt tốt, không có người việt "đồng thanh", "đồng chí" như ta. Việc quan trọng là tìm được những người ấy để giao thiệp, mà qua những việc giao thiệp ấy, con em chúng ta thấy rằng chúng ta vẫn còn yêu mến người việt, và lấy được hứng thú, gương sáng để kết bạn với những người bạn việt nam của chúng. Sẽ là viễn vông, không tưởng, giả dối và xung khắc biết bao nếu chúng ta dạy con em chúng ta nên kết bạn với người việt mà chính chúng ta, chúng ta không thực hiện việc ấy. Vã nữa, nếu chính chúng ta, chúng ta không tiếp xúc với người việt , thì làm sao con em chúng ta có dịp tiếp xúc với người việt ? và nếu tiếp xúc, thì làm sao chúng thông cảm và hiểu biết hầu yêu quí, kính chuộng ?

Việc tiếp xúc người việt, dĩ nhiên không chỉ hạn hữu vào mức độ bạn bè hoặc cá nhân, mà cần phải mở rộng ra ở mức độ tập thể và có tổ chức. Tôi có ý nói đến việc thứ tư mà chúng ta có thể thực hiện để hun đúc lòng yêu người việt trong tâm hồn con em của chúng ta. Đó là việc tham gia vào các tổ chức, các hội đoàn việt nam. Không cứ gì ta phải tham gia vào các tổ chức chính trị. Tùy theo sở thích và nhu cầu, với sự phong phú của các hội đoàn việt nam tại âu châu, chúng ta có thể tham gia ở bất cứ lãnh vực nào. Văn hóa như một tờ báo, một hội văn hóa, một khóa việt ngữ, một lớp văn chương. Tôn giáo như một cộng đoàn người việt Công Giáo, một xứ đạo, một cộng đoàn phật giáo. Xã hội như một hội bạn, một lễ, tết nghệ thuật, như một cuộc triễn lãm, một cuộc bình thơ v. v...

"Trong đầm gì đẹp bằng sen". Cái đầm là nơi nước đọng ao tù, thế mà lại có sen đẹp với "lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng" "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Nhưng muốn thấy sen, thì phải đến đầm. Ấy là giả sử thấp. Còn như giả sử cao thì : "trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em đứng một mình cũng xinh". Nhưng muốn thấy "em xinh" thì cũng phải đi tìm đi kiếm, chứ "nằm chờ sung rụng" thì biết đến bao giờ ? Dầu sao, đó cũng chỉ là một vài ý kiến thô thiển mà tôi xin góp nhặt gởi tặng những ngưòi mà tôi có duyên lành được gặp nơi đây và không mong gì hơn là tình việt được hun đúc và phát triển, để tiếng Việt được bảo tồn, xử dụng, gìn giữ, trong sáng, để danh việt được tỏa thơm, để nước việt được nhân bản, dân tộc, khoa học, khai phóng, hầu tiến bộ, phát triển, phồn thịnh, vinh quang.

Trần Văn Cảnh