Nhìn lại Điện Biên Phủ

Trong tháng qua, trong khi Hà Nội chuẩn bị rầm rộ mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các sử gia Tây Phương lại tổ chức các cuộc hội thảo để tìm hiểu thêm về những bí ẩn lịch sử chưa được làm sáng tỏ trong biến cố này như: Ai thật sự đã lập kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ? Tướng Võ Nguyên Giáp hay Tướng Vi Quốc Thanh của Trung Quốc? Trung Quốc và Liên Sô đã giúp Việt Minh như thế nào? Yếu tố nào là yếu tố chính đã giúp Việt Minh thắng trận? Giữa Pháp và Mỹ có những bất đồng nào khiến Mỹ không đáp ứng các lời yêu cầu của Pháp? vân vân và vân vân. Các sử gia yêu cầu Hà Nội công bố thêm những tài liệu liên hệ đến trận chiến Điện Biên Phủ như tài liệu về thiết lập kế hoạch của trận đánh, sự giúp đỡ của Trung Quốc, số thiệt hại thật sự về phía Việt Minh... Hiện nay Hà Nội chỉ mới đưa ra những tài liệu có thể dùng để tuyên truyền mà thôi.

HAI BÊN GIÓNG NHAU

Nói về biến cố Điện Biên Phủ chắc chắn “người Việt quốc gia” không thích lắm. Đa số người Việt quốc gia cũng như người Việt cộng sản chưa có thói quen truy tầm, đọc hay viết sự thật về lịch sử, họ chỉ muốn đọc và viết các tài liệu tuyên truyền. Tiêu chuẩn viết sử của hai bên hoàn toàn gióng nhau: Ta giỏi địch kém, ta anh dũng dịch hèn nhát, ta khôn địch ngu, ta chính nghĩa địch vong bản, ta thơm địch thúi, ta đẹp địch xấu, ta thắng địch thua... Vì thế các nhà nghiên cứu cũng như các sinh viên tập làm luận án ít khi dám xử dụng tài liệu của cả hai bên vì cho rằng thiếu khách quan.

Mới đây, Hà Nội đã nổi xùng về cuốn “Il y a 50 ans, Dien Bien Phu” (Cách đây 50 năm, Điện Biên Phủ) của Jean-Pierre Bernier mới xuất bản ở Pháp nhân kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc trận Điện Biên Phủ. Jean-Pierre Bernier là một nhà báo, một sử gia và được coi là một chuyên gia về chiến tranh Đông Dương.

Đọc qua cuốn sách nói trên, tôi thấy tác phẩm này viết rất cô động và có giá trị vì nó đã đưa ra ánh sáng những chuyện lủng củng trong nội bộ của nước Pháp lúc bấy giờ đã đưa đến sự thất trận ở Điện Biên Phủ. Nói cách khác, tác giả muốn đi tìm ai là thủ phạm dẫn tới sự thất bại ở Điện Biên Phủ. Đây là một nỗ lực đáng khen ngợi. Tác giả cũng đã đề cập đến vai trò của Trung Quốc và sự đối xử với tù binh của Việt Minh.

Tuy nhiên, Hà Nội cho rằng cuốn sách này bóp méo sự thật và không khách quan. Theo Hà Nội, Pháp thua không phải là vì chính phủ Pháp lủng củng, chủ quan, khinh địch hay do Mỹ không chịu xử dụng B-29... mà do hai nguyên nhân sau đây:

(1) Bản chất cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà Pháp tiến hành chống lại nhân dân Việt Nam.

(1) Đường lối tài tình của ban lãnh đạo cách mạng Việt Nam đứng đầu là Chủ Tịch Hồ Chính Minh, nhờ tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng và thông minh vô song của quân đội và nhân dân Việt Nam, dưới sự chỉ huy tài tình của vị Tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp!

Trong khi đó, Hà Nội đã cho dịch và phổ biến cuốn “Hell in a very small place, the siege of Dien Bien Phu” của Bernard B. Fall với cái tên Việt là “Điện Biên Phủ – Một góc địa ngục”.

Bernard B. Fall gốc Do Thái, sinh tại Pháp năm 1929. Ông cũng được coi là một chuyên gia nổi tiếng về lịch sử Đông Dương. Ông đã từng xuất bản các tác phẩm về Việt Nam như “The Viet Nam Reader”, “Viet Nam Witness”, “The Viet Minh Regime” và “Street Without Joy” (Dãy phố buồn thiu). Khi viết, ông thường điều tra rất kỹ để phát hiện những sự kiện mà người khác chưa biết đến và cố gắng viết thật khách quan. Ông đã từng phê phán Hoa Kỳ rất nặng trong cách điều hành chiến tranh Việt Nam nên bị coi là người chống chiến tranh. Ông chết năm 1967 vì đạp phải mìn của Việt Cộng trong một chuyến đi ở Huế.

Tác phẩm nói trên xuất bản năm 1966, dày 516 trang, gồm 12 chương. Sở dĩ Hà Nội chọn cuốn này để dịch ra và cho phổ biến vì tác giả đã đề cập đến khả năng dùng chiến tranh du kích để thắng một quân đội được trang bị bằng kỷ thuật cao như quân đội Pháp và quân đội Mỹ. Tác giả cũng đã cố gắng làm nổi bật yếu tố lòng yêu nước của người Việt chống thực dân, tinh thần chiến đấu của bộ đội Việt Minh và phương pháp chỉ huy của Việt Minh... Chính vì thêm vào những yếu tố này, nhiều nhà phân tích cho rằng tác giả đã công bằng và khách quan đối với Việt Minh hơn những tác giả khác, và Hà Nội đã thích thú khi đón nhận tác phẩm này.

Nhưng Bernard B. Fall chưa điều tra kỹ càng và nói đến những bí mật đàng sau phương pháp điều hành chiến tranh của CSVN như tuyên truyền xảo trá để kích động lòng yêu nước, tổ chức những buổi họp “tình nguyện” ôm bom tự sát để gài người được chỉ định vào cái thế không thể thoái thác được. Tác giả cũng chưa chứng kiến cảnh bộ đội Việt Cộng bắn trọng pháo bị xiềng chân vào súng mà Quân Lực VNCH thỉnh thoảng bắt gặp...

Tác giả cũng quên rằng du kích chiến, lòng yêu nước và phương pháp điều hành cuộc chiến của Đảng CSVN sẽ không đem lại thắng lợi nếu năm 1949 Hoa Lục không rơi vào tay Mao Trạch Đông và trở thành hậu cần to lớn ở sát sau lưng Việt Minh. Nếu cuối thập niên 1940s mà Tưởng Giới Thạch thắng, làm gì có chiến thắng Điện Biên Phủ và 30.4.1975? Trước 1949, Việt Minh chỉ có vắt giò lên cổ chạy. Chỉ cần đọc một đoạn trong hồi ký của Tướng Trần Độ cũng có thể thấy rõ:

“Năm 1950, tôi ra đơn vị, được ít lâu thì có nhiệm vụ đưa bộ đội sang biên giới huấn luyện và nhận viện trợ vũ khí. Toàn bộ trung đoàn trang bị lại mới mẻ và đồng bộ. Tôi được cử đi tiền trạm sang giao thiệp với các nhà chức trách Trung Quốc trước để bố trí chỗ ăn ở, luyện tập, nhận vũ khí viện trợ. Đơn vị đi sang sau...”

Khi bắt đầu đánh trận đầu tiên là trận Đông Khê, Trần Độ viết:

Khoảng một tuần sau mới nhận được lệnh về tham gia chiến dịch. Đơn vị tôi nhận nhiệm vụ cùng đơn vị ông Chu Huy Mân (trung đoàn 174) đánh Đông Khê. Trận đánh bắt đầu. Với tôi cũng là bắt đầu tham gia đánh trận. Trước đó nói là bộ đội đánh ở Hà Nội nhưng chưa thể gọi là trận mạc được. Còn lúc này ở Đông Khê là trận đánh có tổ chức, có chỉ huy, với đơn vị lớn đàng hoàng. Tôi với anh Tấn đến ngày xuất quân đi vào trận địa cứ thao thức, bàn lên bàn xuống...”

Chừng đó cũng đủ cho thấy vai trò của Trung Quốc lớn đến mức nào trong việc thắng trận của CSVN. Kháng chiến quân của nhóm Hồi Giáo ở Phi Luật Tân, nhóm Hổ Tamin ở Sri Langka, nhóm người Kurd ở Thổ Nhĩ Ky, nhóm người Chechnya... cũng áp dụng chiến thuật du kích, có tinh thần chủng tộc cao, được lãnh đạo vững vàng mà có làm nên cơm cháo gì đâu? Tại sao? Tại vì họ thiếu một hậu cần lớn ở sát ngay sau lưng.

Trái lại, du kích Hồi Giáo Iraq hiện nay sẽ gây khó khăn cho Mỹ như Cộng Sản Việt Nam ngày trước vì họ có lòng cuồng tín tôn giáo, có các giáo sĩ lãnh đạo và nhất là có một hậu cần to lớn là khối Hồi Giáo ở sát sau lưng. Người ta nói chiến tranh Iraq gióng chiến tranh Việt Nam là thế.

Tôi chưa đọc bản dịch cuốn “Hell in a very small place, the siege of Dien Bien Phu” của Hà Nội. Nhưng đọc các bản dịch các tác phẩm khác của Hà Hội như cuốn “The Decent Interval” của Frank Snepp, cuốn “The CIA and The Cult of Intelligence” của Vicror Marchetti, cuốn “Lyndon Johnson and Vietnam” của SChandler... Tôi thấy các bản dịch đó đều có hai khuyết điểm trầm trọng sau đây: Thứ nhất là tiếng Anh chưa đủ thông thạo để nắm bắt được ý của tác giả nên có nhiều đoạn dịch sai quá xa. Thứ hai, cố tình bỏ đi hay đổi lại những chữ, những câu hay những đoạn không có lợi cho việc tuyên truyền. Tôi tin cuốn này rồi cũng được dịch theo kiểu bá đạo như thế. Đó là một trò lưu manh văn hóa, không thể chấp nhận trong thế giới ngày nay.

NHỮNG DIỄN BIẾN ĐƯA TỚI TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Trận Điện Biên Phủ xẩy ra cách đây đến 50 năm, nên chắc chắn nhiều người đã quên. Lớp trẻ gần như không biết đến. Bossuet đã nói: “Ai muốn phán đoán đúng tương lai phải tham khảo những thế kỷ đã qua.” Vì thế, tôi xin lược quan trận Điện Biên Phủ để chúng ta có thể tìm thấy những bài học trong đó.

Khi Đại Tướng Jean Marie Gabriel de Lattre de Tassigny được gởi qua làm Cao Ủy kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp tại Đông Dương vào tháng 12 năm 1950, ông đã hình thành một chiến lược như sau: Thành lập một phòng tuyền để bảo vệ vùng châu thổ Bắc Việt. Phong tuyến này bao gồm một vòng đai rộng 3 cây số, chạy từ Ninh Bình lên Việt Trì rồi vòng xuống tới Mông Cáy. Phòng tuyến này được bắt đầu xây cất từ tháng 2 năm 1951 gồm tất cả 1700 pháo đài. Sau đó, đem quân giải tỏa Liên Khu IV và Liên Khu V ở miền Trung. Bình định xong hai liên khu này mới đem quân chiếm vùng chiến khu Bắc Việt gồm các tỉnh sát biên giới Trung Quốc. Ông là một tướng tài, nhưng không gặp may mắn. Khi ông đem quân đi đánh Thanh Hóa thì gặp bảo không đổ bộ được, phải đem về chiếm Hòa Bình. Cuối năm 1951 ông bị ung thư ở háng do vết thương cũ gây ra, ông phải quay về Pháp chửa bệnh và chết trên giường bệnh ngày 11.1.1952.

Tướng De Lattre chết đi, Tướng Raoul Salan qua thay. Ông vẫn duy trì chiến lược của Tướng De Lattre, nhưng quyết định rút khỏi vùng rừng núi Hòa Bình và bảo vệ miền Thái, mặc dầu miền Thái nằm ngoài phòng tuyến De Lattre, vì muốn ngăn chận Việt Minh tiến quân chiếm vùng Bắc Lào.

Miền Thái gồm hai tỉnh Sơn La và Lai Châu ở phía Tây Bắc Việt, sát với biên giới Lào. Tại đây có hai sắc tộc Thái sinh sống là Thái trắng và Thái đen, gồm khoảng 685.000 người. Vùng này Pháp đã chiếm từ 1946, trên đó có con lộ rất quan trọng nối liền Lai Châu với Luang Prabang ở Bắc Lào, đó là quốc lộ 41. Pháp đã lập căn cứ Nghĩa Lộ nằm đối diện với chiến khu Việt Bắc của Việt Minh. Tháng 10 năm 1952, Việt Minh đem 3 sư đoàn 308, 312 và 316 mở cuộc tấn công Nghĩa Lộ. Căn cứ này thất thủ. Để đối phó, Tướng Salan cho mở cuộc hành quân Lorraine đánh vào chiến khu Việt Bắc để buộc Việt Minh phải đem quân trở về, đồng thời cho củng cố căn cứ Nassan để chận Việt Minh tấn công vào Lai Châu và Thượng Lào.

Pháo lũy Nassan được thiết lập vào tháng 11 năm 1952, là một thung lũng dài khoảng 2 cây số và ngang gần 1 cây số, xung quanh có 24 ngọn đồi bao bọc và có nhiều đặc điểm giúp phòng thủ dễ dàng. Nassan còn nằm trên quốc lộ 41, có sân bay, nên tiếp tế dễ dàng, nhờ vậy, địch không tấn công được. Đây là một trong những lý do khiến tướng Navarre bắt chước, lập căn cứ Điện Biên Phủ sau này và đã thất trận.

Không phá nổi Nassan, Việt Minh đưa quân qua đánh Lào. Đây là chiến thuật dụ Pháp ra khỏi vùng đồng bằng Bắc Việt để tiêu điêt, vì Việt Minh biết quân Pháp chỉ quen chiến đấu ở vùng đồng bằng chứ không quen chiến đấu ở vùng rừng núi.

Tháng 4 năm 1953 Việt Minh đem 10 tiểu đoàn tấn công Sầm Nứa ở Lào. Ngày 12.4.1963 Pháp phải rút về cánh đồng Chum, nhưng trong số 1.700 chỉ còn lại có 120 người. Ngày 13.4.1953 Việt Minh bắt đầu tấn công đồn Mường Khoa ở Lào. Ngày 13.4.1963 đồn này thất thủ.

Trước chiến thuật mới của Việt Minh, chính phủ Pháp cử Tướng Henri Navarre qua thay Tướng Salan để đối phó với tình hình mới. Ông đến nhận chức vào ngày 8.5.1953.

Tướng Henri Navarre là một tướng tình báo và chiến lược ở Âu Châu, gần như không biết gì về Đông Dương, nên đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Tướng Navarre nghĩ rằng Việt Minh đang tạm thời từ bỏ vùng đồng bằng Bắc Việt, đem quân chiếm miền Thái và miền Thượng Lào để đưa quân vào đe dọa miền Trung và miền Nam, nên phải tìm cách ngăn chận.

Căn cứ vào sự thành công của chiến lũy Nassan, ông quyết định cho thành lập một chiến lũy lớn hơn trong miền Thái, đó là chiến lũy Điện Biên Phủ. Chiến lũy này được bắt đầu xây dựng kể từ ngày 20.11.1953.

LƯỢC QUA TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Điên Biên Phủ nằm trên quốc lộ 41 nối liền Lai Châu với Luang Prabang, trong một lòng chảo miền Thái thuộc tỉnh Lai Châu, dài 17 cây số, rộng 9 cây số, cách Hà Nội đến 300 cây số, cách Lai Châu 80 cây số và cách Luang Prabang của Lào 180 cây số. Trong khu lòng chảo này có sông Nam Youm chảy qua và bên tả ngạn có một làng rất đông người Thái sinh sống.

Thung lũng Điện Biên Phủ bị chế ngự bởi một vòng đai đồi núi cách trung tâm đến 12 cây số, nên Tướng Navarre tin rằng cứ điểm này sẽ an toàn vì nằm ngoài tầm pháo của đối phương nếu họ đặt pháo ở bên kia sườn núi. Nếu họ đặt pháo bên này sườn núi, sẽ bị khám phá ngay và làm mồi cho pháo binh và không quân Pháp tiêu diệt.

Tướng Navarre tin rằng chiến lũy này bắt buộc Việt Minh phải chấp nhận một trận tấn công mà Pháp nắm ưu thế. Từ cứ điểm này, Pháp có thể tấn công vào hậu tuyến của chiến khu Việt Bắc khi Việt Minh đem quân xuống quấy phá vùng đồng bằng.

1.- Lập chiến lũy Điện Biên Phủ

Muốn lập cứ điểm Điện Biên Phủ, trước tiên phải chiếm lại vùng này vì nó đang bị Việt Minh kiểm soát. Ngày 20.11.1953, Tướng Navarre cho mở cuộc hành quân Castor do Tướng Gilles chỉ huy gồm 2 Liên Đoàn với 4.500 quân, một phần ba là người Việt Nam. Khi cuộc hành quân kết thúc, Đại Tá De Castries được đưa đến chỉ huy. Tiếp theo, Tướng Navarre cho mở cuộc hành quân Pollux rút khỏi Lai Châu vì cho rằng cứ điểm này không thuận lợi cho việc phòng thủ. Cuộc rút lui xẩy ra ngày 7.12.1953 dưới sự chỉ huy của Trung Tá Trancart, đã thành công tốt đẹp. Đoàn quân đã về tới Điện Biên Phủ an toàn.

Cứ điểm Điện Biên Phủ được Tướng Navarre cho xây dựng và phối trí như sau:

- Khu trung ương: có 5 trung tâm kháng cự.

- Khu phía Bắc có hai cứ điểm trên hai ngọn đồi là cứ điểm Béatrice và Gabrielle.

- Khu phía Nam có cứ điểm Isabelle cách trung ương đến 6 cây số.

Các cây cối trong vùng đều được khai quang để tránh địch đem pháo tới gần. Nhưng việc khai quang này lại khiến cho đoàn quân khi tác chiến không ngụy trang được. Một số cứ điểm đã được lập ở những trủng thấp nên khi mùa mưa đến đã bị ngập nước như cứ điểm Claudine chẳng hạn, khiến binh sĩ bị mệt mõi khi phải chống lụt.

2.- Lực lượng của mỗi bên

Tính đến ngày 13.3.1953, Điện Biên Phủ có 10.881 quân, sau đó nhảy dù xuống 4.291 quân nữa, tổng cộng là 15.172 người. Ngoài ra, còn có 2.100 tù binh được đưa đến để làm lao công chiến trường.

Về võ khí hạng nặng, cứ điểm có 28 khẩu đại bác 105 ly, 24 khẩu súng cối 120 ly và 4 khẩu cao xạ 4 nòng.

Để đánh Điện Biên Phủ, Việt Minh đã huy động khoảng 63.000 quân chính quy, trong đó có khoảng 50.000 đối diện ngay với mặt trận, còn 13.000 phụ trách việc yểm trợ. Đoàn quân này gồm các sư đoàn chính quy là 304, 308, 312, 316 và sư đoàn pháo 351. Các Trung Đoàn địa phương tại những vùng chung quanh đều được đưa vào mặt trận.

Ngoài ra, Việt Minh còn huy động trên 30.000 dân công để khuân vác đạn, kéo pháo, chuyển vận lương thực, đào giao thông hào, làm đường, v.v. Việt Minh cũng xử dụng khoảng 600 xe Molotova của Nga để vận chuyển mọi thứ từ biên giới Trung Hoa đến Điện Biên Phủ đài khoảng 1.000 cây số. Họ còn dùng một số dân công để gồng gánh, thồ bằng xe đạp... để vận chuyển.

Về võ khí, đến nay Hà Nội vẫn chưa cho biết đích xác số võ khí hạng nặng họ đã xử dụng. Theo tài liệu của Pháp, Việt Minh đã xử dụng đến 144 khẩu đại bác dã chiến, 30 khẩu đại bác không giựt 75 ly, 30 súng cao xạ, 12 tới 16 giàn hỏa tiển kiểu Orgues de Staline để chống máy bay.

3.- Các trận đánh chính

Từ 20.11.1953 đến 12.3.1954, hai bên đều lo chuẩn bị nên không có trận đánh lớn nào xẩy ra. Tháng 1 năm 1954, sư đoàn 304 đang bao vây Điện Biên Phủ bổng rút qua đánh Thượng Lào để đánh lạc hướng. Thấy tình hình có vẽ lạc quan, ngày 20.1.1954 Tướng Navarre đã mở cuộc hành quân Atlante ở Trung Việt để bình định. Nhưng đến cuối tháng 1, các pháo 105 của địch bắt đầu rót từ trên các núi xung quanh xuống khiến Pháp rất ngạc nhiên. Pháp không ngờ Cộng quân có thể kéo pháo 105 ly lên núi được. Từng đoàn máy bay được đưa đến oanh tạc nhưng không hiệu quả.

Bổng nhiên trong hai ngày 13 và 15.3.1954, hai sư đoàn 308 và 312 do Tướng Vương Thừa Vũ và Lê Trọng Tấn bất thần đánh chiếm hai pháo đài Béatrice và Gabrielle ở phía Đông Bắc và Chính Bắc. Đồng thời với mặt trận này, Cộng quân cũng tấn công cả những pháo đài ở khu trung ương và cho đào giao thông hào chận ngang, cắt đứt sự tiếp ứng giữa pháo đài này với pháo đài kia. Pháp đã cố gắng mở các cuộc hành quân giải tỏa, nhưng không ra khỏi cứ điểm được 3 cây số.

Sau đó, Cộng quân đưa pháo vào sát khu trung ương, chỉ cách phi trường khoảng 1.500 thước và dùng pháo áp đảo thường xuyên khiến máy bay không còn hạ cánh được ban ngày.

Lúc 6 giờ 30 chiều 30.3.1954, Cộng quân bắt đầu pháo vào các cứ điểm trên các đồi Eliane 1 và Eliane 2, các đồn Dominique và Huguette. Đến 6 giờ 45, hai Sư đoàn 312 và 316 đánh chiếm Eliane 1, Dominique rồi Eliane 2 và uy hiếp cạnh sườn các pháo đài trung ương.

Trước tình trạng này, chính phủ Pháp đã phải yêu cầu Hoa Kỳ cho máy bay đến oanh tác các vùng chung quanh Điện Biên Phủ. Đô Đốc Radford của Hoa Kỳ và bộ tham mưu của Tướng Navarre đã họp bàn kế hoạch hành động, nhưng cuối cùng chính phủ Hoa Kỳ từ chối can thiệp. Hoa Kỳ chỉ giúp Pháp máy bay C.119 để thả đồ tiếp tế mà thôi. Nhưng Việt Minh chỉ đánh đến ngày 6.4.1954 rồi ngưng lại, có lẽ để đợi chuyển pháo và đạn dược tới, vìụ cách vận chuyển của họ không nhanh được.

Kiểm điểm lại Pháp thấy bị thiệt hại rất nặng, có 2093 người chết, bị thương và mất tích. Có tiểu đoàn chỉ còn 300 người. Trọng pháo chỉ còn 16 khẩu còn xử dụng được. Lãnh thỗ đã bị thu hẹp lại. Địch đã ép sát vào hông.

Ngày 10.4.1954 Pháp mở cuộc phản công chiếm lại đồi Eliane 1, nhưng thất bại, tổn thất thêm quân. Để củng cố tinh thần, Tướng Navarre phải tăng thêm cho tiểu đoàn dù thứ tư và thăng cấp cho các cấp. Đại Tá De Castries được lên Thiếu Tướng.

Mùa mưa lại bắt đầu xuống trên vùng Điên Biên Phủ khiến quân Pháp phải sống trong lầy lội. Tướng Navarre và Tướng Cogny (Tư Lệnh Bắc Việt) đã nghiên cứu kê` hoạch Albatros cho Tướng De Castries rút quân về vùng Thượng Lào, nhưng De Castries cho biết đã bị khóa chặt, không thề rút được, chỉ cố thủ chờ viện binh. Tướng Navarre lại đề nghị đưa quân từ vùng đồng bằng lên giải tỏa, nhưng Tướng Cogny thấy rằng không thể thực hiện được. Ngay từ đầu, Tướng Cogny đã không đồng ý lập cứ điểm Điện Biên Phủ vì quá xa, không tiếp viện được, nhưng Tướng Navarre cứ làm.

Từ ngày 3.5.1954, Việt Minh bắt đầu tấn công trở lại. Cộng quân pháo kích khắp nơi. Sau đó họ mở cuộc tấn công vào các pháo đài Eliane và cứ điểm Claudine. Quân Pháp không kháng cự nổi nên bị tràn ngập. Không thể rút lui và không thể tiếp viện được, Tướng De Castries xin cho đầu hàng để khỏi tổn thương thêm nhân mạng. Hà Nội để De Castries tùy nghi quyết định. Lúc 15 giờ ngày 7.5.1954 Tướng De Castries thông báo lệnh ngưng chiến cho các cấp chỉ huy, sau đó thông báo cho Việt Minh quyết định đầu hàng. Lúc 17 giờ, Việt Minh thông báo chấp nhận sự đầu hàng.

Kết quả, về phía Pháp có 8.221 người bị loại ra khỏi vòng chiến (trong đó có 1571 người chết) và 11.721 người bị bắt làm tù binh. Đoàn tù binh này được di chuyển bằng đường bô cả ngàn cây số về Thanh Hóa hay biên giới Trung Quốc, nên bị kiệt sức và chết hơn một nữa. Về phía Việt Minh, cho đến nay Hà Nội vẫn chưa công bố con số chính thức. Theo đài liệu của Bernard Fall, có khoảng 22.900 người bị thương vong, trong đó có 7.900 người chết và 15.000 người bị thương.

VẪN TIẾP TỤC TRANH CÃI

Trong cuốn “China and the Vietnam Wars, 1950-1975”, tác giả Qiang Zhai cho biết:

“La Quý Ba chịu trách nhiệm hoạch định chiến dịch. (Lúc này La tạm lãnh đạo nhóm cố vấn, trong lúc Vy Quốc Thanh về Trung Quốc chữa bệnh). Ngày 16-2-1952, ông La gửi báo cáo về Quân ủy Trung ương Trung Quốc phác họa kế hoạch mà ông định chuẩn bị cho Việt Minh. La đề nghị trong nửa đầu năm này, Việt Minh dưỡng quân đồng thời tiếp tục chiến tranh du kích; đến nửa cuối năm, sẽ tấn công Nghĩa Lộ và Sơn La ở Tây Bắc. La nói tiếp, khi đã chiếm được Tây Bắc, Việt Nam có thể gửi quân sang Lào vào năm sau. Chuẩn y kế hoạch của La, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chỉ đạo ông trung thành với nguyên tắc “tiến chắc chắn và bảo đảm thắng lợi trong từng trận đánh” trong chiến dịch này. Lưu Thiếu Kỳ bảo La “nhất định phải giúp Lào giải phóng.” La chuyển kế hoạch cho ông Giáp và được chấp nhận. Đến tháng tư, Bộ Chính Trị Việt Minh thông qua chiến dịch.”

Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Võ Nguyên Giáp có nói về quyết định quan trọng nhất cho trận đánh là quyết định bỏ phương án đánh nhanh thắng nhanh đầu năm 1954 để chuyển sang phương án đánh chậm nhưng chắc thắng theo lời dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, phía Việt Nam đã kéo pháo vào và chuẩn bị đánh dồn dập trước khi quân Pháp kịp củng cố cứ điểm Điện Biên. Tướng Giáp cũng cho biết ông đã thuyết phục Vi Quốc Thanh, trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, về quyết định này.

Đọc những đoạn trên, chúng ta thấy nội dung kế hoạch gióng nhau, chỉ khác là một bên bảo theo lời dăn của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, còn một bên bảo theo lời dặn của Hồ Chủ Tịch. Trong khi đó, đàn em của Tướng Giáp vẫn to mồm quả quyết Tướng Giáp chính là tác giả của kế hoạch đánh Điện Biên Phủ. Các sử gia còn phải làm việc nhiều hơn nữa mới tìm ra sự thật.

Riêng về chiến thuật đánh Điện Biên Phủ, Trung Tá Guibaud, Trưởng Phòng 2 Bộ Tư Lệnh Pháp đã nghiên cứu và phân tích khá đầy đủ. Chúng tôi sẽ công bố để giúp độc giả tìm hiểu thêm.