CN 3C PS. Do đâu Gioan nhận ra ngay : chính Chúa đó
Một số người trong chúng ta, thời chưa có internet, đã hơn một lần giơ tay vặn nút dò đài trên chiếc Radio. Rà tới chỗ 19m, 25m, 31m, 41m… quay đi quay lại cũng ngần ấy làn sóng. Nhất là làn sóng 31m. Nhưng mà rà tới đó rồi còn phải xê đi xích lại đôi chút (fine tuning) mới bắt được đúng đài mà mình muốn. Bởi lẽ cũng 31m đó, nhưng có biết bao nhiêu là đài: VN, BBC, VOA, Úc,… Mỗi đài trên làn sóng 31m đó có một tần số riêng, ví dụ : Hà Nội 31m 10.060KHz, VOA 31m 9890KHz, BBC 31m 9605KHz… (Những máy thu thanh nào có bộ rà đài bằng tần số, thì chỉ cần bấm nút : td. 10060 là ra ngay đài HN). Vì thế chúng ta hay nghe thông báo : Chương trình chúng tôi được phát trên làn sóng 31m, tức là 9710 kilo chu kỳ. Phải đúng tần số thì mới bắt được đài mà ta cần.
Máy thu hình cũng vậy. Mỗi kênh có một tần số hình, tần số tiếng riêng. Rà đúng là hình rõ, tiếng trong. Rà lệch là hình mờ tiếng đục.
Chúa Giêsu chịu chết tại Giêrusalem, khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ cũng tại Giêrusalem, phía nam Palestine. Nhưng có một lần hiện ra với chị Maria Mađalêna tại Gierusalem, Chúa Giêsu nhờ chị đi báo với các môn đệ là hãy trở về Galilê, họ sẽ được gặp Chúa tại đó. Từ Giêrusalem về lại Galilê, chặng đường hơn trăm cây số, có lẽ phải ba ngày đường mới trở về đó được. Họ đã về để gặp Chúa.
Trong khi chờ gặp Thầy mình hiện ra, họ rủ nhau đi đánh cá : 7 người tất cả: Phêrô, Toma, Natanael, 2 người con của Zebeđê : Gioan và Giacôbê và hai môn đệ khác… Họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay : đêm ấy họ không bắt được gì cả. Sáng ra khi đã có thể nhận biết được người và thuyền, chứ không phải còn mờ mờ tối tối nữa, Chúa Giêsu hiện ra. Nhưng không ai nhận ra Chúa, mặc dầu họ từ Gierusalem trở về Galilê là để gặp Chúa. Nói theo ví dụ trong phần mở đề, thì họ đã cố ý tiến đến làn sóng 31m, nhưng vẫn chưa “tinh chỉnh” cho đúng tần số để có thể bắt gặp được Chúa. Họ chỉ mới “thấy” Giêsu đứng trên bờ, như một chàng thanh niên nào đó. Chúa Giêsu gợi ý để họ bắt đúng tần số. Ngài phát tín hiệu:
“Các chú có gì ăn không ?” Ngôn ngữ miền biển có nghĩa là có đánh được con cá nào không ? Họ trả lời “không”. Chán nản, mệt mỏi, vẫn chưa nhận đúng tần số. Chúa lại phát tín hiệu mới như là một lệnh: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, anh em sẽ bắt được cá !”
Bên phải và bên trái thì khác gì đâu. Nhưng giống như một mật hiệu, khi cá thu được nhiều, Gioan (chúng ta tạm xem Gioan là người môn đệ Chúa yêu, như truyền thuyết xưa nay), Gioan nhận đúng tần số và báo liền cho Phêrô : “Chúa đó.” Còn các môn đệ khác, kéo lưới lên bờ đếm được 153 con cá to, lưới không rách, lại thấy than hồng có cá đang nướng bên trên, cộng thêm ít bánh bên cạnh, kèm theo lời mời nghe rất quen của Chúa: “anh em hãy đến mà ăn,” họ mới thật sự là rà đúng tần số. Không ai dám hỏi Người là ai, vì các ông lúc đó biết rằng chính là Chúa.
Do đâu Gioan nhận ra được ngay chính Chúa đó (rà đúng tần số nhanh nhất) ? Thưa :
1) Do Gioan có lòng trong sạch. Phúc thứ 6 trong Bát Phúc : Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa. Những tâm hồn trong sạch, nhìn thấy Chúa nhanh hơn vì con mắt họ trong sáng. Có người còn nói mạnh, vì Gioan theo truyền thống là tông đồ duy nhất không lập gia đình, ở độc thân, giữ đức trong sạch, nên ông dễ nhận ra Chúa hơn các tông đồ khác. Nhưng lý do này không đủ mạnh cho bằng :
2) Do Gioan yêu Chúa và được Chúa yêu.
Gioan được kèm theo biệt hiệu “kẻ Chúa yêu”. Trước khi nhận ra “chính Chúa đó” và thông báo cho Phêrô, thì biệt hiệu “Kẻ Chúa yêu” được sách Tin Mừng nhấn mạnh: “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với Phêrô: Chúa đó.”
Từ trái tim đi tới trái tim là con đường nhanh nhất. Khi hai tim cùng rung một nhịp, một tần số, thì dù cách xa nghìn trùng cũng “thấy nhau”. Hoàng thi Thơ có làm bài hát “Khi tình yêu đến” với những lời lẽ thật ý nghĩa này: “Khi tình yêu tình yêu tới, tuy có đông người, đôi mắt đôi mắt ta buồn cười, một người ta thấy thôi.” Cả một rừng người, chỉ thấy có em !
Chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.
Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi ? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau ?
Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm mua một món quà đưa cho người khác, quả là dại ! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu ! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ !
Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác : Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng : “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.
Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thập giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, thì đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, và làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.
Trong bài Tin mừng, Chúa dọn sẵn cá, bánh, là một cách thức biểu lộ tình thương. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Ai sống cũng trong tình yêu thì nhận ra ngay được tình yêu.
Chính Phê-rô, cuối bài Tin Mừng (bài dài) cũng được thử thách bằng 3 câu hỏi: Có yêu mến Chúa không ?
Một nhà kinh doanh ở Chicago có một môn giải trí vui vui, là cứ cuối tuần, ông chọn 5, 7 em bé của các gia đình nghèo, cho các em bộ đồ mới, dẫn các em đi công viên giải trí rồi đi ăn. Cứ vậy, tuần này qua tuần kia. Một hôm, sau bữa ăn khá ngon, một em bé 8 tuổi chỉ vào nhà kinh doanh và nói : “Thưa ông, ông là Giêsu.” Em bé này nói câu như Gioan nói với Phêrô : “Chính Chúa đó.”
Những ai làm ơn lành cho ta, có lẽ ta dễ nhận ra ”chính Chúa đó”.
Nhưng Chúa Giêsu không chỉ ở nơi những ân nhân, Ngài còn ở nơi cộng đoàn, nơi người linh mục, nơi Thánh Thể, và nhất là nơi những người cùng khổ.
Đó là những cách hiện diện của Chúa, những hiện thân của Ngài. Nhiều người trong chúng ta dư “biết” điều đó, nhưng chúng ta không dễ gì nhận ra (thấy) Ngài : như chúng ta biết làn sóng 31m đó… nhưng không thấy Ngài, vì tần số yêu thương ta chưa rà tới. Nói khác đi, ta chưa thật sự sống yêu thương nên không dễ gì nhận ra Chúa.
Phải sống thế nào như một nữ tu tập sự của Mẹ Têrêxa Calcutta. Sau khi chăm sóc cho một người nghèo khổ hấp hối, trở về báo cáo với Mẹ: Thưa Mẹ, hôm nay con đã đụng tới thân thể Đức Kitô.
Chúng ta cũng phải yêu Chúa và nhất là yêu người để nhận ra ngay đó là Chúa mà chúng ta yêu mến. ĐGH Phanxicô khi đi thăm những người tàn tật, đã nói : anh chị em là xác thịt của Chúa Kitô ! “Chính Chúa đó !”
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Một số người trong chúng ta, thời chưa có internet, đã hơn một lần giơ tay vặn nút dò đài trên chiếc Radio. Rà tới chỗ 19m, 25m, 31m, 41m… quay đi quay lại cũng ngần ấy làn sóng. Nhất là làn sóng 31m. Nhưng mà rà tới đó rồi còn phải xê đi xích lại đôi chút (fine tuning) mới bắt được đúng đài mà mình muốn. Bởi lẽ cũng 31m đó, nhưng có biết bao nhiêu là đài: VN, BBC, VOA, Úc,… Mỗi đài trên làn sóng 31m đó có một tần số riêng, ví dụ : Hà Nội 31m 10.060KHz, VOA 31m 9890KHz, BBC 31m 9605KHz… (Những máy thu thanh nào có bộ rà đài bằng tần số, thì chỉ cần bấm nút : td. 10060 là ra ngay đài HN). Vì thế chúng ta hay nghe thông báo : Chương trình chúng tôi được phát trên làn sóng 31m, tức là 9710 kilo chu kỳ. Phải đúng tần số thì mới bắt được đài mà ta cần.
Máy thu hình cũng vậy. Mỗi kênh có một tần số hình, tần số tiếng riêng. Rà đúng là hình rõ, tiếng trong. Rà lệch là hình mờ tiếng đục.
Chúa Giêsu chịu chết tại Giêrusalem, khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ cũng tại Giêrusalem, phía nam Palestine. Nhưng có một lần hiện ra với chị Maria Mađalêna tại Gierusalem, Chúa Giêsu nhờ chị đi báo với các môn đệ là hãy trở về Galilê, họ sẽ được gặp Chúa tại đó. Từ Giêrusalem về lại Galilê, chặng đường hơn trăm cây số, có lẽ phải ba ngày đường mới trở về đó được. Họ đã về để gặp Chúa.
Trong khi chờ gặp Thầy mình hiện ra, họ rủ nhau đi đánh cá : 7 người tất cả: Phêrô, Toma, Natanael, 2 người con của Zebeđê : Gioan và Giacôbê và hai môn đệ khác… Họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay : đêm ấy họ không bắt được gì cả. Sáng ra khi đã có thể nhận biết được người và thuyền, chứ không phải còn mờ mờ tối tối nữa, Chúa Giêsu hiện ra. Nhưng không ai nhận ra Chúa, mặc dầu họ từ Gierusalem trở về Galilê là để gặp Chúa. Nói theo ví dụ trong phần mở đề, thì họ đã cố ý tiến đến làn sóng 31m, nhưng vẫn chưa “tinh chỉnh” cho đúng tần số để có thể bắt gặp được Chúa. Họ chỉ mới “thấy” Giêsu đứng trên bờ, như một chàng thanh niên nào đó. Chúa Giêsu gợi ý để họ bắt đúng tần số. Ngài phát tín hiệu:
“Các chú có gì ăn không ?” Ngôn ngữ miền biển có nghĩa là có đánh được con cá nào không ? Họ trả lời “không”. Chán nản, mệt mỏi, vẫn chưa nhận đúng tần số. Chúa lại phát tín hiệu mới như là một lệnh: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, anh em sẽ bắt được cá !”
Bên phải và bên trái thì khác gì đâu. Nhưng giống như một mật hiệu, khi cá thu được nhiều, Gioan (chúng ta tạm xem Gioan là người môn đệ Chúa yêu, như truyền thuyết xưa nay), Gioan nhận đúng tần số và báo liền cho Phêrô : “Chúa đó.” Còn các môn đệ khác, kéo lưới lên bờ đếm được 153 con cá to, lưới không rách, lại thấy than hồng có cá đang nướng bên trên, cộng thêm ít bánh bên cạnh, kèm theo lời mời nghe rất quen của Chúa: “anh em hãy đến mà ăn,” họ mới thật sự là rà đúng tần số. Không ai dám hỏi Người là ai, vì các ông lúc đó biết rằng chính là Chúa.
Do đâu Gioan nhận ra được ngay chính Chúa đó (rà đúng tần số nhanh nhất) ? Thưa :
1) Do Gioan có lòng trong sạch. Phúc thứ 6 trong Bát Phúc : Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa. Những tâm hồn trong sạch, nhìn thấy Chúa nhanh hơn vì con mắt họ trong sáng. Có người còn nói mạnh, vì Gioan theo truyền thống là tông đồ duy nhất không lập gia đình, ở độc thân, giữ đức trong sạch, nên ông dễ nhận ra Chúa hơn các tông đồ khác. Nhưng lý do này không đủ mạnh cho bằng :
2) Do Gioan yêu Chúa và được Chúa yêu.
Gioan được kèm theo biệt hiệu “kẻ Chúa yêu”. Trước khi nhận ra “chính Chúa đó” và thông báo cho Phêrô, thì biệt hiệu “Kẻ Chúa yêu” được sách Tin Mừng nhấn mạnh: “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với Phêrô: Chúa đó.”
Từ trái tim đi tới trái tim là con đường nhanh nhất. Khi hai tim cùng rung một nhịp, một tần số, thì dù cách xa nghìn trùng cũng “thấy nhau”. Hoàng thi Thơ có làm bài hát “Khi tình yêu đến” với những lời lẽ thật ý nghĩa này: “Khi tình yêu tình yêu tới, tuy có đông người, đôi mắt đôi mắt ta buồn cười, một người ta thấy thôi.” Cả một rừng người, chỉ thấy có em !
Chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.
Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi ? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau ?
Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm mua một món quà đưa cho người khác, quả là dại ! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu ! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ !
Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác : Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng : “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.
Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thập giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, thì đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, và làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.
Trong bài Tin mừng, Chúa dọn sẵn cá, bánh, là một cách thức biểu lộ tình thương. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Ai sống cũng trong tình yêu thì nhận ra ngay được tình yêu.
Chính Phê-rô, cuối bài Tin Mừng (bài dài) cũng được thử thách bằng 3 câu hỏi: Có yêu mến Chúa không ?
Một nhà kinh doanh ở Chicago có một môn giải trí vui vui, là cứ cuối tuần, ông chọn 5, 7 em bé của các gia đình nghèo, cho các em bộ đồ mới, dẫn các em đi công viên giải trí rồi đi ăn. Cứ vậy, tuần này qua tuần kia. Một hôm, sau bữa ăn khá ngon, một em bé 8 tuổi chỉ vào nhà kinh doanh và nói : “Thưa ông, ông là Giêsu.” Em bé này nói câu như Gioan nói với Phêrô : “Chính Chúa đó.”
Những ai làm ơn lành cho ta, có lẽ ta dễ nhận ra ”chính Chúa đó”.
Nhưng Chúa Giêsu không chỉ ở nơi những ân nhân, Ngài còn ở nơi cộng đoàn, nơi người linh mục, nơi Thánh Thể, và nhất là nơi những người cùng khổ.
Đó là những cách hiện diện của Chúa, những hiện thân của Ngài. Nhiều người trong chúng ta dư “biết” điều đó, nhưng chúng ta không dễ gì nhận ra (thấy) Ngài : như chúng ta biết làn sóng 31m đó… nhưng không thấy Ngài, vì tần số yêu thương ta chưa rà tới. Nói khác đi, ta chưa thật sự sống yêu thương nên không dễ gì nhận ra Chúa.
Phải sống thế nào như một nữ tu tập sự của Mẹ Têrêxa Calcutta. Sau khi chăm sóc cho một người nghèo khổ hấp hối, trở về báo cáo với Mẹ: Thưa Mẹ, hôm nay con đã đụng tới thân thể Đức Kitô.
Chúng ta cũng phải yêu Chúa và nhất là yêu người để nhận ra ngay đó là Chúa mà chúng ta yêu mến. ĐGH Phanxicô khi đi thăm những người tàn tật, đã nói : anh chị em là xác thịt của Chúa Kitô ! “Chính Chúa đó !”
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm