Một vài ghi nhận về

NHẠC DÂN TỘC

miền cao Đà lạt-Lâm Đồng.


Làm việc và sinh sống ở Pleiku một thời gian khá lâu, tôi quen với cung bậc và âm hưởng dân tộc thiểu số vùng này vì thế những bài thánh ca tôi viết sau này hầu hết là sử dụng những cung bậc ấy. Ngày nay ở Việt Nam, những nhà nghiên cứu nhạc học gọi là âm điệu Tây Nguyên. Gần đây qua việc cộng tác với anh em cựu tu sinh Simon Hòa Dalat trong web site giới thiệu giáo phận với mọi thành phần Dân Chúa, tôi được nghe qua âm hưởng mới của dân tộc Rơglai, Kơho và Mà. Sinh hoạt mục vụ của Giáo Phận có thể sẽ khởi sắc và gần gũi hơn đối với người dân tộc nếu chúng ta đến với họ bằng chính những cung điệu của họ trong sinh hoạt phụng vụ hàng ngày. Điều đó tôi cảm nghiệm rất rõ ràng trong suốt những năm sinh sống và cộng tác với các thừa sai vùng Kontum, Pleiku. Sự thao thức này thật sự được bộc lộ ngày càng rõ nét khi tôi có dịp gặp gỡ Đức Cha Phêrô trong chuyến công du mục vụ của ngài năm trước và nhất là sự khuyến khích của anh em cựu tu sinh Simon Hòa, những cộng tác viên rất gần gũi và thân tình của tôi. Do đó chuyến về thăm quê hương đã được sắp xếp.

Ổn định nơi ăn, chốn nghỉ, tôi liên lạc với Cha Tuấn (thư ký của Đức Cha) sắp xếp chương trình cho ngày hôm sau. Đây là mục đích chuyến đi Đà lạt của chúng tôi :

"Ghi lại những nét chính về nhạc dân tộc miền cao Đà lạt, Lâm Đồng. (trong phần viết kế tiếp, danh từ "dân tộc" xin được hiểu là người sắc tộc Kơho, Mà và Rơglai).

8 giờ sáng thứ 7, ngày 3/3/01, chúng tôi ghé tòa giám mục. Một tòa nhà khang trang, đồ sộ. Trước mặt là hồ Xuân Hương. Vài phút chờ đợi, tôi không ngắm cảnh tươi mát của vườn hoa tòa giám mục, ngược lại, nét "dí dỏm" trong những vần thơ của nữ sĩ họ Hồ ngày xưa, như hiện rõ trong trí nhớ. Tôi mỉm cười... không biết nơi đây có bị "ếm" không nhỉ..! Đức Cha Phêrô, vẫn dáng dấp như mấy năm trước, khi gặp Ngài ở bên Mỹ. Không mặc phẩm phục, dáng người vừa phải, Ngài tiếp chúng tôi thân mật tại phòng khách. Ngài nói sơ qua về một số vấn đề mà giáo phận của Ngài phải quan tâm: truyền giáo, kiến thiết xây dựng, đời sống giáo dân... đặc biệt là việc truyền giáo cho người dân tộc. Ngài đề nghị chúng tôi đi thăm hai giáo xứ Langbiang và Tam Bố. Giáo dân hai xứ này, hầu hết là người dân tộc và nơi đó cũng đã có saün những dữ kiện chúng tôi cần ghi nhận. Rất vắn gọn, trong vài phút, Đức Cha cho chúng tôi xem phòng lưu trữ "di tích" của đồng bào sắc tộc miền cao nguyên Đà lạt, Lâm Đồng. Căn phòng nhỏ, xinh xắn, nơi đây những vật dụng bằng đá, gỗ, đồng, chiêng, kèn (cơmboăt), vải vóc, áo quần, tranh ảnh, hạt giống của đồng bào dân tộc. được sắp xếp ngăn nắp, đẹp đẽ. Đức Cha giới thiệu với chúng tôi từng chi tiết, kể cả hiện tình các giáo xứ và nhân số giáo dân trong phạm vi trách nhiệm của ngài. Chúng tôi đã chụp hình, quay phim tất cả, nhưng có một điều chúng tôi không chụp hình, quay phim được, đó là phong cách bình dân, giản dị, rất tình người của một vị chủ chăn nhân hậu... Chúng tôi cảm mến và thực sự đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về "con người này". Trên đường đi Langbiang, câu chuyện chỉ xoay quanh cái nét thân mật, dễ thương của Đức cha. Tới Langbiang lúc nào, không ai để ý, ngoại trừ bác tài xế.

Tại giáo xứ Langbiang.

Tất cả như đã được báo trước, cha Thanh, cha xứ của Langbiang, đón chúng tôi (7 người) bên hông nhà thờ. Trời nắng ấm. Cha Thanh, dáng người nhỏ, gầy, đeo kính cận, vui vẻ. Ngài dẫn chúng tôi vào nhà thờ. Không rộng lắm, mặc dầu các cửa đều đóng, trong nhà thờ vẫn sáng, nhờ vào khe hở của các bức vách bằng gỗ đã quá thời gian sử dụng. Trên đầu chúng tôi ấm lên, bởi mái tôn hấp nhiệt. Đọc một kinh Lạy Cha, một lời nguyện vắn tắt, chúng tôi ngồi nghe cha trình bày về dòng lịch sử những người dân tộc: di dân, thành lập giáo xứ, nhân số, phong tục tập quán, lòng mộ đạo bên cạnh những lễ tục cổ truyền mang tính dị đoan mê tín, ví dụ cây "nêu" dựng bên cạnh bàn thờ, ngay trên gian cung thánh... Cha tâm sự: làm thế nào lèo lái những cổ tục này, để nó mang một chân tính, hình ảnh Thiên Chúa qua đó... thay vì những thần linh ngày xưa của họ, bây giờ phải là Thiên Chúa. Một điều thật là khó, nhưng phải làm.

Sau hơn 30 phút trong nhà thờ, chúng tôi xuống phòng khách nhà xứ. Nơi đây đã có mặt chừng 10 người. Ai nấy đều ăn mặc sạch sẽ, vẻ "mộc mạc" hiện rõ trên nụ cười, với làn da ngăm đen. Đàn ông, đàn bà, tất cả đều gầy như cha Thanh. Cha Thanh giới thiệu chúng tôi như một "phái đoàn"! Trong phần biểu diễn những dụng cụ âm nhạc dân tộc, chúng tôi ghi nhận: Độc diễn CƠMBOĂT(kèn), hòa tấu CING(chiêng), hòa tấu CING với CƠMBOĂT, đơn ca, đơn ca có đệm CƠM BOĂT... Mỗi một bản đều có mang một chủ đề như: mừng đón khách, lễ hội cổ truyền, ru con, tình yêu trai gái... (xem chi tiết trong phần trình diễn của giáo xứ Tam Bố, tương đối đầy đủ hơn). Cha Thanh cho biết, các bài thánh ca bằng tiếng dân tộc, theo cung điệu dân tộc chưa có, hiện chỉ sử dụng những ca khúc ngôn ngữ dân tộc phổ theo nhạc Pháp, hoặc nhạc La tinh ngày xưa. Họ ưa thích những bài ca loại này. Còn các bài thánh ca người Kinh dịch sang tiếng dân tộc, thì nghe chưa được, họ hát "không ra". Đó là "tâm sự" của người nói và là nỗi "trăn trở" của kẻ nghe. Và đó cũng là tâm tình kết thúc chuyến viếng thăm nơi này của chúng tôi.

Tại giáo xứ Tam Bố.

10 giờ sáng ngày 04/03/01, chúng tôi tới giáo xứ Tam Bố. Xe ngừng trước cổng nhà xứ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi một quang cảnh "ngày hội".Trong sân nhà xứ, dưới các tàn cây cà phê, có từng tốp người, quần áo tươm tất. Số người nam nữ, lớn bé, già trẻ, lối chừng bốn, năm chục. Một chị dòng truyền giáo cho biết, họ tới vì nghe có "phái đoàn". Chúng tôi không dám hỏi tiếp, bởi đang ngỡ ngàng, không biết sẽ phải ứng xử thế nào trước số đông, hơn nữa lại là người dân tộc?

Cha Sơn (cha xứ) tiếp chúng tôi nơi phòng khách, không lớn lắm, xây dựng toàn bằng gỗ, tôn (cũng như nhà xứ Langbiang). Nơi đây đã tập hợp đông đủ một "phường bát âm" có tới 15 người, nam nữ, già trẻ. Họ ngồi kín cả căn phòng, chỉ trừ một khoảng trống ở giữa, kê một chiếc bàn. Dân chúng đứng vây quanh các cửa sổ. Thủ tục thường lệ, giới thiệu qua lại hai bên. Đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng dân tộc. Một lời nguyện vắn tắt cầu phúc cho mục đích của chúng tôi. Thật cảm động. Cha Sơn nhường micro và giữ vai trò thông dịch. Tôi không còn nhớ đã nói gì trong 3 phút. Chỉ nhớ sau đó họ vỗ tay nhiều. Và thành thật mà nghĩ, họ vỗ tay có lẽ vì câu kết thế này :... xin Chúa Thánh Thần ở với chúng ta và chúc lành cho công việc chúng ta sẽ làm tiếp đây. Hy vọng chúng ta sẽ làm được"cái gì đó" cho giáo phận này...

Trong số những âm điệu và nhạc cụ của người dân tộc, chúng tôi được giới thiệu như sau :

A- NHẠC CỤ :

TỔNG : chỉ một phím (như phím accordion), có một lưỡi gà bằng đồng.

NGKE : một cái sừng dê (như chiếc tù và)

TƠLIA : ống sáo trúc, thổi dọc.

BARE : Quả bầu khô hình bầu dục, một đầu gắn ống thổi, đầu kia có lỗ thông gió, trên thân bầu gắn một ống sáo trúc, có lỗ phát âm, ống sáo này quay xuống.

KƠRÈL, CƠMBOĂT, BƠRNỜNG MƠ CƠMBOĂT: đây là 3 loại kèn. Quả bầu khô hình tròn, cuống quả bầu kéo dài như cổ chai, nơi đó là lỗ thổi. Trên thân bầu gắn những ống sáo trúc có lỗ phát âm. Số lượng ống, độ dài ngắn, to nhỏ, khác nhau, tùy theo loại kèn, từ 3,4,5 tới 6 ống. Số lượng lỗ phát âm cũng khác nhau.

SƠNGGƠR: trống lớn, hai mặt căng bằng da thú, (đánh bằng 4 dùi gỗ, hai người, mỗi người một bên). Cũng có một loại trống nhỏ, chỉ có một mặt căng bằng tre đan trét nhựa cây (đánh bằng hai bàn tay).

CING (chiêng): Có 3 loại: 2 cing gọi là Cing bàr, 3 cing gọi là Cing pe và 6 cing gọi là Cing prau. Tùy theo hoàn cảnh mà người ta sử dụng cing, như lễ hội, cúng tế, cầu phúc, chúc an, tình yêu nam nữ, cưới hỏi, tang chế, đón tiếâp quan khách... Đánh cing là một sinh hoạt chính của người dân tộc. Nó cũng là biểu hiện đặc biệt giữa tộc này với tộc kia và được phổ biến rộng rãi hơn hết, trong các dụng cụ âm nhạc.

BO MỔ: giã gạo, những chiếc cối bằng gỗ, những chiếc chày bằng gỗ hoặc bằng tre, đủ nặng và cứng. Có hai loại giã gạo, tùy theo số người: Poan nă (ít người) và Prau nă (nhiều người). Thông thường, một cối hai người và hầu hết sử dụng nữ nhân. Trước khi giã gạo, họ chọn những chiếc cối và chày, sao cho phát ra những âm thanh tương đối "hợp" với nhau, nhưng không trùng lắp (như chúng ta lựa chọn dấu nhạc trong một hợp âm). Nhịp điệu nhanh chậm, âm thanh cao thấp phát ra khi giã gạo, nghe hài hòa, vui tươi và rất "thuận" tai. Có lẽ "giã gạo" là một lối "trình diễn" âm nhạc dân gian, mang sắc thái "tình tự" hơn là lao động? Nhìn phong cách, vẻ mặt vui say, hớn hở, những đôi tay nhịp nhàng lên xuống, người viết như liên tưởng tới một đêm trăng thanh gió mát, những "nam thanh, nữ tú", theo tiếng chày giã gạo, rủ nhau tới một buôn làng nào đó, trong cảnh quê hương thanh bình, no ấm...!

ALĂJƠNAU ĐƠS: Hòi Yang (tạm gọi là Hò Dàng), có 3 loại : Hòi Yang Ada, Iar và Be.

Tùy theo từng dịp như kêu cầu, cúng tế, lớn nhỏ mà áp dụng. Đây là một lối đọc, như đọc kinh với cung điệu. Nội dung của Hòi Yang ứng với các "dịp", trong đó có những từ không ai hiểu nghĩa (nhưng phải có), những từ này hình như mang một bí mật hay bí truyền nào đó. Những người "hò"phải được truyền lại do một vị thầy, có khi phải đi học lại từ một tộc khác, hoặc từ những người Chàm. Nhắm mắt, lắng nghe hò, người ta có thể cảm nhận sự âm u, trầm mặc của núi rừng linh thiêng...!

B-ÂM ĐIỆU : (sơ lược về Âm. Và Điệu sẽ trình bày vào một dịp khác)

Các loại thổi hơi:

Biểu diễn thành "bài bản" chỉ có các loại ghi tại mục 3,4,5 ở trên. Nhưng đặc biệt nhất là Korèl, Cơmboăt và Bơrnồng Mơ Cơmboăt (có nhiều ống sáo hơn). Nếu so với âm thanh biểu (Diapason), ghi nhận "thang âm" như sau : B F# G# C# D# (viết trong khuông nhạc 5 hàng kẻ với khóa G). Người nghe nhận được, có lẽ đây là hệ thống 4 cung, được sắp xếp : F# G# B C#. Riêng dấu D# được coi như dấu phụ, bởi chỉ nghe "thoáng qua" trong bài nhạc.

b. CING :

Trong bộ 6 chiếc, mỗi chiếc phát ra một âm khác nhau về độ cao thấp. Lớn : thấp. Nhỏ : cao. Cao độ giữa cing này với cing kia (liền bậc) không phân biệt rõ: nằm trong một hợp âm nào (so với nhạc Tây phương). Khi biểu diễn phối hợp 6 cing, nghe nét nhạc trầm buồn. (Chúng tôi không mấy tin tưởng ở âm thanh của bộ cing này. Bởi vì khi biết được bộ cing này mua của người Chàm. Hơn nữa, cách thức lựa chọn cing, chỉ căn cứ trên mức độ thẩm âm của lỗ tai).

c). Bo Mồ : giã gạo. Nhịp điệu là chính. Âm thanh chỉ là phụ.

d). Hòi Yang. Đọc kinh : thông thường theo hệ thống 3 cung. Tạm ghi F# G# B. Riêng Hòi Yang có biến thể đôi chút ở những từ cần nhấn mạnh và ở phần cuối bài.

Buổi "biểu diễn" này chấm dứt sau 1 giờ 15 phút. Chúng tôi được mời dùng cơm trưa với cha xứ. Dân làng, một số chức sắc thì phải, cũng ngồi dùng bữa với nhau tại một căn phòng nơi dẫy nhà dưới. Trong bữa ăn thân mật này, chúng tôi có dịp tâm sự với cha Sơn. Ngài ưu tư nhiều về tương lai dẫn dắt giáo dân người dân tộc, cả về mặt văn hóa lẫn sống đạo. Cũng như cha Thanh (chúng tôi nghĩ hầu hết các linh mục trông coi xứ người dân tộc), tâm niệm : đức tin công giáo phải được thấm nhập trong các hình thức lễ hội, tập tục cổ truyền. Không thể một mai mà người dân tộc dễ dàng quên đi những điều "thâm căn" trong lòng họ. Một vấn đề nữa: tài liệu truyền bá đức tin bằng tiếng dân tộc hầu như chưa có. Hiện nay cha Sơn phụ trách phiên dịch các kinh sách, kinh thánh, viết tự điển... bằng ngôn ngữ người dân tộc. Cha Sơn cũng là người am tường về âm nhạc, ngài đã và đang chuyển ngữ một số bài thánh ca của người Kinh qua tiếng dân tộc. Ngoài ra, các vị cũng rất quan tâm tới vấn đề vật chất của giáo dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Đa số quá nghèo nàn, vất vả...!

Để từ giã Tam Bố, cha Sơn dẫn chúng tôi vào thánh đường (cũng gỗ, tôn, rất cũ). Viếng Chúa. Tạ ơn.

Những ưu tư sau chuyến viếng thăm

Ngồi trong xe với cửa đóng kín, chúng tôi nghe rõ tiếng nói của nhau. Vợ tôi kể rằng, trong lúc tôi nói chuyện riêng với cha Sơn, cha Thanh, bà ấy đã làm quen, thăm hỏi những dân làng có mặt. Với những kinh nghiệm đắng cay, ngọt bùi của một người đã làm vợ, làm mẹ, vợ tôi cho biết đa số dân làng còn sống trong tình trạng vất vả, con cái ít được đi học. Bệnh tật, thuốc men, là cả một vấn đề khó khăn. Người dân tộc sống với nghề trồng tỉa. Nay được mùa, mai thất thu. Cà phê tuột giá thảm hại. Khoai sắn chỉ là món ăn độn, nhưng lúa rẫy lại có mùa trúng, mùa không, ăn mặc thiếu thốn. Chỉ cần nhìn ra ngoài hàng rào nhà xứ đã thấy đám trẻ nhỏ, mặc có mỗi một cái quần ngắn, trong thời tiết không mấy ấm áp, trong khi chúng mình mặc áo len dầy cộm! Các cháu tôi chen vào câu chuyện, như để chứng minh lời nói của thím chúng là đúng. Chúng nó kể rằng mấy năm trước có đi theo phái đoàn cha Ý, thăm xứ đạo của cha Thanh, lên tới miền cao, trên một dốc núi, nơi đó có một họ đạo rất nghèo, chúng cháu đã không thể từ chối yểm trợ, mặc dù số yểm trợ chẳêng là bao nhiêu! Và năm sau chúng cháu cũng đi tới đó, mang theo nhiều quần áo cũ(xin được), tặng cho dân làng. Họ mừng lắm! Chợt nhớ tới tâm sự của cha Sơn. Tôi kể cho các cháu nghe :"... mình (cha Sơn) được dân làng coi như một người cha, một người thầy cả, thầy thuốc lẫn thầy chữ và cũng như một người đầy tớ trung kiên. Công việc gì họ cũng "kêu" mình. Từ bệnh tật, con gà mất hay trâu bò bị dịch, cho tới vợ đẻ. bất kể ngày đêm. Dựng vợ, gả chồng cũng một tay mình. Đám cưới nào mình cũng chụp hình cho họ. Họ rất thích thú với những hình ảnh "kỷ niệm" đó! Mình hi vọng là sự gần gũi, chân thành và phục vụ hết mình sẽ là niềm an ủi và sự hướng dẫn cũng như lôi kéo họ đến gần với Lời Chúa và tin tưởng vào Ngài".

Chúng ta hiện đang sinh sống nơi các quốc gia văn minh tiến bộ, cơm ăn áo mặc dư thừa liệu có khi nào chợt nghĩ đến những anh chị em đang thiếu thốn và đói rét nơi những vùng thâm sơn cùng cốc như đồng bào dân tộc các giáo phận cao nguyên không nhỉ? Ở Hoa Kỳ có gia đình nào không phải gọi các hội từ thiện đến "chở giùm" quần áo cũ? Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải chuyên chở những "của thặng dư" này về cho các nhà thừa sai Việt Nam của chúng ta trong chương trình trợ giúp mục vụ cho đồng bào dân tộc khó nghèo các vùng cao nguyên. Thật khó nếu đòi hỏi họ phải tin và sống niềm tin trong khi lòng họ đói, thân họ rét. Sự chia sẻ của chúng ta chính là những bàn tay cùng góp sức với các vị thừa sai trong công việc truyền giáo vậy.

Để kết thúc vài trang "hồi ký"này, người viết xin chân thành cảm ơn Đức cha khả kính, các cha cũng như dân làng đã dành cho chúng tôi mối thân tình nồng nhiệt. Món nợ "ân tình" này sẽ trả làm sao? Lại nhớ tới "mục đích" của chuyến viếng thăm. Ra đi "hồ hởi"! trở về "bâng khuâng"! Không biết sẽ phải làm gì? Với khả năng hạn hẹp nhưng người viết không cảm thấy "một mình đi trên đường vắng..."! Vì đang được đồng hành cùng Đức Cha và các cha đầy nhiệt huyết và hết lòng với giáo dân, nhất là những người dân tộc nghèo nàn đang đói khát cả về vật chất lẫn tinh thần. (Simonhoadalat.com)