ĐỂ CHÚA SÁNG DANH TRONG ĐỜI THƯỜNG

Đạo lý của chúng ta là “mến Chúa - yêu người”, nhưng trong cuộc sống này mến Chúa dễ làm, vì Chúa vô hình, và ta lại được tiếng khen ngoan đạo; yêu người khó hơn vì khi làm bao giờ ta cũng phải chịu một phản ứng, có khi thuận lợi có khi không. Tuy nhiên, “đức tin không có hành động quả là đức tin chết”; bởi vậy dẫu khó chúng ta vẫn phải hành động vì “nhờ hành động mà con người được nên công chính”.

Ở đây, góp phần vào đại hội, tôi xin đào sâu về “yêu người” và gọi việc đó là hành động. Hành động ở đây có nghĩa là làm một việc gì đó cho một người khác. Qua việc làm của mình chúng ta để cho người khác tự họ nhận ra rằng ta là con của Chúa và do đó Chúa được sáng danh trong đời sống thường ngày. Hành động phải là chủ trương của ta, quyết chí của ta. Và muốn cho nó vững bền - như bà mẹ chăm lo gia đình, như người chị thương đàn em - chúng ta phải có một triết lý và một kỹ thuật hành động. Nói khác đi, khi người mẹ chăm lo cho chồng con; thì ít nhiều bà làm theo bản năng, theo tình yêu; nên ít đặt câu hỏi “tại sao làm” và “làm thế nào.” Chúng ta làm một cái gì đó cho người khác thường không phải là thân thích của mình nên phải trả lời những câu hỏi đó khi hành động để cho việc làm của chúng ta cân bằng, đều đều, không làm theo hứng.

PHẦN 1. NỀN TẢNG TRIẾT LÝ CHO HÀNH ĐỘNG: TẠI SAO LÀM?

Chúng ta hành động trên cơ sở biết rõ mình, đang ở trong một nơi chốn nhất định, được hướng dẫn khi hành động và có hiểu biết thực tế. Những điều kiện này giúp ta hành động đúng và phù hợp trong hoàn cảnh của mình.

I. Ta là ai?

Nói gọn, chúng ta là người công dân có tín ngưỡng, một Kitô hữu, sinh sống trong một nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

A. Xác định mình - Là một Kitô hữu chúng ta là người thế nào?

  • (1) Chúng ta là con một Chúa.
  • (2) Chúng ta có cẩm nang hướng dẫn hành động của mình. Ấy là Tin mừng. Nhờ đó ngay từ khi còn bé ta đã được dạy để sống với người khác trong xã hội như thế nào. Tin mừng, ngoài những thứ khác, chỉ cho ta cách đối xử với người khác.
  • (3) Qua giáo hội là mẹ, chúng ta được nâng đỡ, dạy bảo, chia sẻ về phần hồn và nhờ đó lòng nhiệt thành luôn luôn được hun đúc. Chúng ta tham dự vào các nghi thức phụng vụ, lãnh nhận những bí tích để cho tâm hồn luôn luôn được nâng lên cao.
Kết luận: trong đời thường, chúng ta có cẩm nang hướng dẫn cho hành động của mình; và được hỗ trợ về mặt tinh thần để hành động.

B. So sánh mình với người - Với những người khác, đặc biệt là người Cộng sản (ở đây gọi là vô thần) chúng ta khác họ thế nào?

Ở đây chỉ so sánh, Không nói đúng sai, không bàn về giá trị, chỉ nêu ra để nhận biết. Một sự khẳng định mình trước khi hành động.

Chúng ta khác anh em vô thần ở bốn điểm.

  • (1) Khác nhau về sự liên kết với người khác. Chúng ta là “cành nho của một cây nho”, mọi người như nhau, không ai hơn không ai kém. Anh em vô thần là thành phần tiến bộ nhất của một giai cấp; đứng trên và lãnh đạo giai cấp. Giai cấp được xác định theo tài sản vật chất và quyền lực xã hội.
  • (2) Khác nhau về mối quan tâm hàng ngày. Anh em vô thần quan tâm đến sự thực hiện công bằng cho con người trong cuộc sống này trước hết là về tài sản, những thứ bề ngoài con người. Chúng ta lo cho phần hồn của con người bây giờ và sau này. Đó là một cái gì vô hình và bên trong con người.
  • (3) Khác nhau về chỗ dựa tâm linh. Chúng ta có, nhưng anh em vô thần không có, chỗ dựa tâm linh. Chỗ dựa này chống đỡ cho ta trước những sự ngang trái mình gặp trong cuộc đời. Một cán bộ Cộng sản khi theo đạo đã thố lộ như sau: “ … Khi có đổ vỡ trong hôn nhân, cùng với những rắc rối nơi công ăn việc làm. Tôi bỗng thấy hụt hẫng. Tại sao tôi vẫn sống tốt, vẫn giữ đúng phẩm chất đạo đức, năng lực công tác ngày một nâng cao, mà tai họa lại cứ dồn dập xảy đến? Tôi bỗng cảm thấy mình thiếu thốn một cái gì đấy để lấp đầy tâm hồn trống rỗng. Bạn bè ư? Thói đời “dậu đổ bìm leo”. Ngày mình thành đạt, bè bạn đầy ắp. Nay có chút dị nghị, dư luận, họ dè dặt đến với mình. Tình đồng chí ư? Đã qua rồi cái thời gian nan cùng chia, sướng vui cùng hưởng. Đất nước thống nhất, họ trở nên lạc quan tếu, rồi dẫn đến công thần, hưởng thụ, so đo, kèn cựa lẫn nhau - và dẫn đến bè cánh. Chia rẽ. Loại trừ nhau! Tìm đâu thấy hơi ấm từ đó? Tôi bắt đầu đi tìm một chỗ dựa tâm linh.” Nếu chúng ta vào một lúc nào đó bị rơi vào hoàn cảnh này và nếu bị hỏi câu tương tự thì ta sẽ trả lời được là, thí dụ, do tội lỗi của mình, do thánh giá Chúa trao … Chúng ta chấp nhận sự đau khổ như một sự đền tội và sẽ vượt qua.
  • (4) Khác nhau về phương thức hành động. Khi hành động chúng ta có một người làm trung gian nối kết ta với nguời khác. Người ấy là Chúa. Chúa hoặc biến thành chính ta hoặc biến thành người khác. Chúa biến thành chính ta khi ta tự nhủ “làm vì Chúa“, “ta là con cái Chúa”. Chúa là người khác khi ta nhớ lời Chúa dậy “con làm gì cho anh em hèn mọn kia là làm cho chính ta.” Có Chúa làm trung gian, ta quên mất mình, ta không còn lợi ích cá nhân khi hành động. Vì thế, ta không đòi hỏi gì ở người ta làm cho. Ta không khẳng định mình là ai trước đối tượng.
Anh em vô thần không có một người trung gian trong tâm tư khi hành động. Họ hành động theo lợi ích của đảng phái, trong đó có của chính họ (sự duy trì quyền bính cho mình) và do đó vị lợi. Khi hành động như thế họ tìm cách khẳng định mình trước người khác, tìm một phần thưởng nhãn tiền.

Kết luận: Trong đời thường chúng ta nên hợp tác với anh em Cộng sản tức là với chính quyền địa phương; làm việc chung với họ để phục vụ xã hội. Chúng ta khác họ cho nên dễ hợp tác với họ; giống như trong nam châm hai đầu dương và âm hút nhau.

II. Ta được chỉ dẫn khi hành động - Ta được dạy những gì?

A. Hành động theo sự chỉ dẫn của Tin mừng - Nội dung Tin mừng nhìn theo khía cạnh hành động

Tin mừng, ngoài những điều khác, chỉ cho ta cách sống với mình và sống với người khác; khi chỉ như thế Tin mừng khai thác khía cạnh tình cảm của con người. Tin mừng khó hiểu nếu tìm cách giải thích nó theo cách lý luận (vô lý, hợp lý, trái phải). Nó sẽ dễ hiểu hơn khi đặt ý nghĩa của các lời dạy trong mối tương quan giữa mình với người khác và giải thích theo khía cạnh tình cảm.

Lấy Phúc thật tám mối làm thí dụ để phân biệt ta và người khác:

Thứ nhất: Tinh thần nghèo khó : đối với mình;

Thứ hai: Hiền lành: đối với người;

Thứ ba: Chịu sầu khổ : đối với người

Thứ bốn: Khát khao nên người công chính: đối với mình;

Thứ năm: Xót tương người: đối với người;

Thứ sau: Tâm hồn trong sạch: đối với mình;

Thứ bẩy: Xây dựng hoà bình: đối với người;

Thứ tám: Hạnh phúc mà ta sẽ hưởng


Hay đoạn sau trích từ sách của Luca 6, 36-38:

Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, sẽ lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Thay từ “Thiên Chúa” ở đây bằng “người khác” ta sẽ thấy vai trò của người khác đối với ta. Thiên Chúa tác động với ta qua người khác sống với ta. Chúa không tác động trực tiếp vào ta. “Hãy xin sẽ được, hãy gõ sẽ mở” Ai cho? Ai mở trong cuộc sống này? Thưa nguời khác (cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè…. ).

Tin mừng hướng dẫn chúng ta hành động với chính mình và với người khác. Chúng ta tìm ra ở đó những chỉ dẫn giúp ta chinh phục được người khác. Làm theo cách Tin mừng dậy chúng ta vượt qua mọi “vinh quang trần thế”, cuộc đời phù du. Vì cái mà chúng ta nhận được là do người khác đưa; họ không bao giờ đòi lại sau khi đã đưa. Chỉ khi nào ta đòi họ đưa thì họ mới đòi lại.

B. Hiểu biết thực tế - Thực tế cuộc đời

Khi hành động ta đứng trong đời, không thoát tục, không vì phúc thiên đàng cho mình sau này nên cần phải biết thực tế.

1. Tính lây lan và lung linh của tình cảm con người

  • a) Sống là có ta và có người.
  • b) Trong tình cảm của mình ta và người dễ lẫn lộn (Trong đám ma có người khóc nhiều phần vì thương tiếc người quá vãng, phần vì lo cho mình trong hoàn cảnh mới do người quá cố gây ra.)
  • c) Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Hai người yêu nhau tìm thấy mình trong người khác sau khi quên chính mình.
  • d) Sự rung động của con người trước cái thiện (đời cha ăn mặn đời con khát nước, phúc đức tại mẫu)
  • e) Làm điều gì xấu, ác thì đánh mất sự hồn nhiên trong tâm hồn mình. Bị ám ảnh bởi việc ác đã thực hiện.
2. Kinh nghiệm

  • a) Tiền đến, tiền đi. - Hàng ngày dùng đủ.
  • b) Sự phù du của danh vọng. (Học ư - trí thưc dởm; giàu có ư - bóc lột).
  • c) Thành công hôm nay có thể là thất bại ngày mai.
  • d) Nói dối hay quên.
  • e) Ta bị lương tâm dày vò không phải vì ta đã làm trọn vẹn hay không mà ta có ý định làm
  • hay không. Làm trọn vẹn còn tùy thuộc nhiều điều kiện bên ngoài khác.
  • f) Cái chết và sự bất tử.
PHẦN II. KỸ THUẬT HÀNH ĐỘNG: LÀM THẾ NÀO?

Hai việc: hành động và cầu nguyện.

I. Hành động

A. Quyết định ra tay

  • (1) Cách làm. Phù hợp với văn hóa. Văn hoá thì khác nhau tùy khu vực địa lý.
  • (2) Động lực. Khi bắt tay làm một việc gì cho ai, ta không biết nó thành hay bại; thành hôm nay có thể là bại ngày mai; tuy nhiên ta biết nó có lợi cho đối tựơng hay không; nếu tốt cứ làm; cần khôn ngoan để thành công; lợi cho người là chính thành công là phụ.
B. Làm

  • (1) Quên mình là ai, để cho quyền lợi của đối tượng lôi kéo việc làm của mình. Cái ranh mong manh giữa làm vì mình và làm cho người.
  • (2) Không phân biệt ai, tôn giáo gì, không nên nghĩ rằng “anh ta là người Công giáo, chắc là tốt” mà “ai cũng tốt cả”. Quên ta là người Công giáo. Ta có võ việc gì phải tỏ ra là mình có võ. Khi tìm cách chứng tỏ sẽ thành người kỳ thị ngay.
  • (3) Nghĩ đến người, quyền lợi của người để quên mình (khó nhất, phải cầu nguyện vì ta khó từ bỏ lợi ích của mình) Đến với tấm lòng và trong khả năng hữu hạn của mình.
  • (4) Làm đến nơi đến chốn (phân biệt giữa ý định và sự hòan thành). Thiên hạ có thể nói mình dại (Tám mối, điều thứ tám)
  • (5) Rút kinh nghiệm
C. Kinh nghiệm bản thân

II. Cầu nguyện - Coi việc tham dự phụng vụ và cần nguyện như là sự giải khát để tiếp tục đi nữa

Đi nhà thờ: cầu nguyện, nghe giảng dạy, chia sẻ và được bồi bổ.

PHẦN III ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhà thờ nên là nơi ta đến để gặp gỡ anh em trước mặt Chúa hay là đến để cùng anh em cầu nguyện với Chúa? Anh em quây quần nhau trước mặt cha mẹ hay anh em về chúc tết cha mẹ?

  • Nhà thờ ở ta do chú trọng đến cầu nguyện với Chúa nên thiên về sự trang nghiêm; ít chú trọng đến việc tạo môi trường cho giáo hữu tỏ tình thân thiện. Chúng ta vào nhà thờ ai lo phận nấy, đối xử với nhau như người xa lạ, Ở đó không có không khí thân thiện như thấy ở các nước khác. Nhà thờ chúng ta thiếu tình cảm con người. (Xem cách chúc bình an từ bên nam vói sang bên nữ).
  • · Ta khó có thể nâng vai trò của giáo dân và sự tích cực của họ nếu chỉ dậy họ đọc sách và cầu nguyện để củng cố đức tin. Đức tin không phải đi tìm nhưng cứ hành động rồi sẽ thấy. Thân thể của chúng ta sẽ cho ta thấy những cảm xúc và cảm giác. Vì thế Chúa mới bảo ” đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.
  • · Phải đến để chia sẻ tâm tình với nhau, cùng cầu nguyện theo sự hướng dẫn của Giáo hội và qua đó thấy Chúa hiện diện, chứ không chỉ biết có Chúa, rồi đối xử với anh em chiếu lệ.
Đề nghị:

1. Bên cạnh các nghi thức phụng vụ, nhà thờ khuyến khích sự chia xẻ giữa các người dự lễ, để cho họ bày tỏ tình cảm thật với nhau (hỏi thăm, khen ngợi, không dị ứng với trẻ con khóc…)

2. Trong sinh hoạt của các nhóm trong giáo xứ củng cố đức tin qua hành động, báo chí hàng ngày hàng tuần; kể cho nhau kinh nghiệm; giải thích Tin mừng theo cuộc sống hàng ngày.