Sài Gòn bước vào mùa chay giữa bầu khí oi bức, khô khan, nắng nóng. Sau ngày lễ tro sốt sắng, nhiều cảm xúc linh thiêng trỗi dậy trong tâm hồn một số người vốn khô khan nguội lạnh, rồi nhịp sống lại trở về bình thường. Xin được tản mạn suy tư trước sự chay tịnh, cái nắng Sài Gòn và sự gặp gỡ đời thường.

1. Một vị linh mục nhờ tôi và một bạn trẻ sinh viên thông thạo tiếng Anh hướng dẫn một du khách Công giáo tham quan Sài Gòn. Chúng tôi nhận lời. Người phụ nữ quốc tịch Đức có khuôn mặt đẹp, ăn mặc giản dị và nhanh chóng thân thiện với chúng tôi vì cũng sống độc thân, công việc thường ngày cũng liên quan đến tôn giáo và xã hội. Bạn trẻ sinh viên vui vẻ giải thích thông thạo nơi được cô ấy được tham quan, còn tôi chỉ nói những câu thông thường và thiết kế cho một ngày của ba người.

Cô so sánh hai miền của Việt Nam, cụ thể là Sài Gòn và Hà Nội như sau: Sài Gòn có nhiều tòa nhà lớn, dân chúng đông đúc, phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn, buôn bán sầm uất hơn, phong cách sống đa dạng hơn, có nhiều người nước ngoài du lịch và nhịp sống đạo của người Công giáo đông vui, thật đáng chú ý…còn ở Hà Nội, tất cả những điều kể trên đều ở mức độ ít hơn, nhỏ hơn. Còn người nghèo khổ ở vùng xa của miền Bắc thì cũng giống như ở vùng sâu của miền Nam (cô ấy được nhìn thấy qua những hình ảnh trong laptop của tôi) mà thôi!

Xem ra, việc gặp gỡ này chẳng có gì liên quan đến “chay tịnh” cả, nhưng dưới cái nhìn của tôi, nhiều người trên đất nước này phải chay tịnh hợp lý để có một sự công bằng giàu nghèo trong xã hội. (Một thí dụ nhỏ xíu: một gia đình làm đám cưới khủng trong khi nợ nần của họ làm nhiều gia đình khốn đốn rơi xuống đáy của sự nghèo khổ…). Đôi khi những “cái ngông” làm một số người trở thành “tội đồ” của xã hội khó có thể tha thứ. Và có lẽ, xin thứ lỗi, cái đẹp của đất nước này có thể đang nằm trong tay của những người có chức quyền cả trong xã hội và Giáo hội nữa!

Người nghèo là niềm nhức nhối của cả thế giới chứ không của riêng những người làm xã hội từ thiện. Chia sẻ là việc cần thiết của mọi người cứ không phải chỉ là người Công giáo trong mùa chay.

2. Vào mùa nắng nóng, tôi ít đi dâng lễ tại thánh đường xứ mình mà hay đến một nhà thờ trong khu vực để dự lễ. Ở đây, cách diễn giải Tin Mừng của một cha dòng khá sinh động, nhanh gọn. Thỉnh thoảng, tôi hỏi cha một vài điều liên quan đến Lời Chúa.

Cách đây vài ngày, cha chia sẻ trên bục giảng rằng cha đang chịu trách nhiệm việc chăm lo cho một số chị em “mang thai lỡ lầm” ở hai cơ sở của nhà dòng; việc lo toan cho họ cần đến tiền nhưng cha chỉ tin tưởng, trông cậy Chúa chứ không làm những cách này cách nọ để mong có tiền. Tôi thấy nhột nhạt trong lòng. Sau thánh lễ, tôi gặp cha ngay. Đây là mẩu đối thoại:

- Con kính chào cha! Vui lòng nói chuyện với con một chút ạ!
- Có gì vậy chị?
- Hai cơ sở xã hội của cha ở đâu? Làm việc từ thiện - xã hội mà cha không “hô hoán” lên thì ai biết mà giúp. Mà thật ra, quí cha luôn có “danh Chúa” ở bên mình, trên khuôn mặt, trong lời nói, dĩ nhiên cả ở trong thánh lễ nữa nên làm từ thiện cách nào cũng thành công “rực rỡ” đó thôi!
- Ấy vậy mà không phải lúc nào tôi cũng có tiền để lo cho người cùng khổ. Tôi không đưa lên mạng, chỉ âm thầm phó thác cho Chúa.
- Cha nói đúng! Trong kế hoạch hoạt động, chúng con định mở cửa tiệm kinh doanh, cửa hàng dịch vụ để kiếm tiền, chạy ngược chạy xuôi theo kiểu “giáo dân làm việc bác ái”, tường thuật công việc trên mạng…nhưng cuối cùng, sự việc nào cũng có bàn tay vô hình xếp đặt một cách kỳ diệu, yêu thương, vượt qua suy nghĩ của chúng con rất nhiều.
- Mời chị thăm một cơ sở của chúng tôi để thấy niềm tin phó thác của tôi, ngay bây giờ!
- À…dạ vâng!

Chúng tôi đi theo cha đến một ngôi nhà. Mặt tiền là một tiệm uốn tóc, bên trong là nơi các em học và làm những con thú bằng hạt cườm (để làm móc chìa khóa). Bước lên lầu là một căn phòng rộng rãi, sạch đẹp trong cửa kính, nơi có 14 bà bầu rất trẻ đang ôm những đứa bé sơ sinh. Một ma-sơ nói: “Ở đây là những bà mẹ lỡ lầm và những đứa con không được thừa nhận, đợt này có bốn sinh viên. Nhà nước chỉ cho tối đa là 20 em tạm trú ở đây nên cháu bé nào được từ sáu tháng là có thể “về quê”. Nhà dòng của chúng em và cha kiếm nguồn trợ giúp, còn chúng em chăm sóc trực tiếp..”.

Tôi nói chuyện thân thiện với vài em. Được một lát thì có tiếng chuông. Các bà mẹ ôm cả con mình lên lầu hai cùng đọc kinh cầu nguyện. Đúng đấy, cầu nguyện làm cho các bà mẹ trẻ - được làm mẹ không phải trong niềm hân hoan mà sự tủi buồn – được an ủi, có đủ sức mạnh trước sự phỉnh lừa của người tình, đủ khôn ngoan khi làm mẹ mà không được làm vợ…

Lời cầu nguyện cần thiết bất cứ lúc nào trong cuộc đời, chứ không phải chỉ là mùa chay!

3. Ở Sài Gòn, xem ra người giàu có sống mùa chay rất dễ dàng: một bước có xe đưa đi đón về, phòng máy lạnh mát rượi khiến người ta quên đi cái nóng bao trùm trên những con đường, trên những con người đang lao nhọc hè phố, còn chuyện ăn uống lại càng dễ dàng hơn – không ăn thịt thì có những thứ khác dễ nuốt hơn gấp bội…- có lẽ sự chay tịnh của nhà giàu mang nặng yếu tố tinh thần nhiều hơn: làm ăn chân chính, trân trọng nhân phẩm người khác, sử dụng của cải đúng cách, tạ ơn Thiên Chúa mỗi ngày và THỰC HIỆN SỰ CHIA SẺ LÀ BỔN PHẬN CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ Ý THÍCH!

Những người chưa giầu và vẫn còn nghèo tuy không còn vật vã về cái ăn cái mặc như ngày trước nhưng có lẽ bao lâu còn chưa khá giả, họ vẫn phải “chay tịnh” trong cuộc sống: kiếm sống ngay thẳng, nhịn nhục nhau trong căn nhà nóng bức chật hẹp, sự chịu đựng khi phải tính toán chi li, phải vui tươi khi thiếu tiện nghi, bớt khao khát sự giàu sang bất chính, bỏ lòng ganh tỵ vô lý khi thấy người hơn mình, kềm hãm trước cơ hội chiếm đoạt bất công, nỗi tự ti vô duyên khi đứng trong cộng đoàn…..

Người giáo dân “chay tịnh” trong hoàn cảnh của mình là sống mùa chay không có thời điểm!

4. Một ngày đầu tháng 3, tôi nhận được email của một linh mục dòng. Đối với tôi, đây là một cuộc gặp gỡ gián tiếp. Cha vui vẻ báo tin rằng cha đã hoàn thành công tác đến với người nghèo. Cha tường thuật lại những lần dừng chân bằng một bài viết. Tôi xúc động, cảm xúc bỗng dâng trào.

“Một phần mục vụ trong chương trình năm ba của các tu sĩ Dòng Tên tại Phi Luật Tân là đi tìm bóng hình của Thiên Chúa trong cuộc sống. Có người chọn cách tìm Chúa trong môi trường giáo dục. Có người đi vào vùng sâu vùng xa nơi cỏ dại mọc quá đầu người và thú hoang lởn vởn quanh nhà. Lại cũng có anh đi tìm Chúa giữa những mảnh đời bất hạnh. Tôi thuộc vào nhóm thứ ba này”.

“Sau thánh lễ sai đi của cha linh hướng, tôi vác gói hành trang lên đường tìm đến Tondo, một trong những vùng nghèo nhất nước Phi. Chẳng những nghèo mà nó còn nổi tiếng với hàng triệu tấn rác từ khắp nơi đổ về. Vòng quanh những núi rác khổng lồ đó là gần một trăm ngàn con người ngày đêm cắm mặt tìm kế sinh nhai. Đường từ Quezon City về Tondo không xa, nhưng các khu nhà ổ chuột xấu xí ẩn nấp đằng sau những tòa nhà to lớn ngạo nghễ đã khiến tôi phải tự hỏi: “Vâng lạy Chúa, giờ này Người ở đâu giữa những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi và những khuôn mặt đen đủi nhếch nhác vì cuộc sống?”

“Công việc thường nhật của tôi là thay và trải lại những tấm drap giường vào mỗi sáng, giúp một số bệnh nhân tắm rửa, cho họ ăn trong ngày, cắt móng tay, chăm sóc các vết thương, cho uống thuốc, lắng nghe tâm sự và nỗi buồn của họ, dâng lễ, xức dầu, giải tội, làm phép xác, dạy học cho gần 50 em học sinh nghèo sống quanh trung tâm”

“Rồi ánh mắt vô hồn của một cậu bé tâm thần bên gốc cây trong trung tâm cũng làm tôi ái ngại. Gia đình em quá nghèo nên việc chữa trị cho em là chuyện không tưởng đối với họ. Một ngày, họ thuê xe chở em đến một khu chợ xa rồi bỏ em ở lại. Và đó là lý do em trở thành một thành viên mới của trung tâm. Có những chiều tôi đến bên cạnh em ngồi, chăm sóc những vết thương còn sót lại trên thân thể của nó. Vẫn ánh mắt vô hồn nhưng đôi môi của nó bắt đầu nở ra những nụ cười. Theo thời gian, nó bắt đầu gắn bó với tôi. Hôm từ biệt trung tâm, nó đã làm chính tôi và các sơ ngỡ ngàng. Trong hàng nước mắt, nó ôm chặt tay tôi rồi nói: “Cha đừng đi.” Và đấy là câu nói đầu tiên tôi nghe được sau mấy tuần sống với nó.

Vâng tôi đã đi vào dòng đời của những con người đó và bóng hình của Đức Kitô vẫn còn chưa rõ nét. Thế nên ngay chính cá nhân mình khi đêm về tôi cứ phải vắt tay lên trán và tự vấn: “Giêsu ơi, giờ này Người ở đâu?”

“Len lỏi giữa hàng ngàn ngôi mộ của nghĩa trang Bắc Manila….. Nhà của họ là chính những ngôi mộ hoang được trang hoàng thêm bằng những mảnh nilon và tôn sắt đủ kiểu. Hai bên thành của thánh giá phía đầu mộ được biến hóa thành những chiếc kệ để mọi thứ linh tinh mà họ nhặt được trên phố. Những chiếc cốc ngả mầu đựng chút nước vàng vàng lờ lợ được chuyền tay. Tôi thoáng rùng mình vì có cảm giác như đang thăm một cộng đoàn của cõi âm”.

“Tôi bước vào những chuồng heo nhỏ với diện tích khoảng 6-7 mét vuông mà họ gọi là nhà. Không chỗ nào có khu vệ sinh cả. Bởi vậy mỗi khi có nhu cầu, họ tìm một bao nilon rồi sau đó vứt đại đằng sau chỗ mình ở. Khổ một nỗi sau nhà mình lại là trước cửa nhà hàng xóm. Vì lẽ đó cả vùng hồn nhiên đóng vai trò của một chuồng xí công cộng. Mùi hôi nồng nặc có dịp bốc ra từ trong lẫn ngoài. Trong vòng 30 phút thôi, tôi đếm được trên 100 con gián lổm ngổm và khoảng 20 con chuột chạy khắp nơi. Từng đám trẻ trần truồng ngồi bệt dưới sàn. Chúng thản nhiên nhìn đàn gián và đàn chuột như thể bạn bè. Tôi đến bên một bé trai và hỏi: “Con bao nhiều tuổi rồi?” “Dạ 14.” Mười bốn tuổi mà vẫn trần truồng như người tiền sử. Lý do? Tiền không có mà ăn thì đào đâu ra mua quần áo? Nâng máy ảnh lên định chụp vài tấm để đời những mắt cứ hoa đi. Bất nhẫn quá, chúng đâu phải là những con thú được chưng bày trong vườn bách thảo. Chúng là những đứa con của tình yêu cơ mà. Máy ảnh hạ xuống đã lâu, không một tấm hình được ghi lại nhưng từng dòng nước từ đâu cứ dâng tràn mi. “Cha có sao không? Sao cha không chụp tấm nào vậy? Máy hết pin à?” Một bà sơ thì thào. . .”

Với sáu trích đoạn trên, ai cũng có thể hiểu cha đến với người nghèo như thế nào. Quí vị có biết Chúa đã chuẩn bị cho cha con đường tu hành, tận hiến như thế nào không? Thật đặc biệt! Xin mời đọc phần dưới đây, mà cha đã có dịp kể về cuộc đời của cha như sau:

“Sau năm 1975, bố tôi đi học tập, mẹ tôi và bảy anh chị em tôi bị đuổi ra khỏi căn nhà ở khu cư xá sĩ quan. Vì đông con nên mẹ tôi không dám làm phiền họ hàng thân thuộc, bà bày một tủ thuốc lá bán phía trước một rạp hát và ban đêm tám mẹ con cùng ngủ tại đó. Ban ngày các anh chị tôi đi học và làm thêm một việc gì đó để kiếm tiền, còn tôi đi học một buổi còn một buổi bán kẹo sinh-gôm dạo trong các quán ăn. Tôi nếm được mùi hận đời khi có những thanh niên vô giáo dục mua kẹo, đã không trả tiền còn đá vào mông tôi nữa. Điều đặc biệt là dù sống cảnh “bụi đời” như vậy nhưng mẹ tôi không cho bất cứ đứa con nào của bà nghỉ học, tất cả việc làm của chúng tôi được “quản lý” chặt chẽ và tối nào mẹ con cũng quây quần …đọc kinh!

Khi bố tôi đi học tập về, gia đình tôi được chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh sang Mỹ định cư. Cuộc sống gia đình tôi sang trang khác. Các anh chị tôi đều thành đạt. Tôi đi học, ra trường và làm được nhiều tiền. Một hình ảnh giàu sang với vợ đẹp con khôn bày ra trước mắt. Nhưng rồi tôi quyết định vào dòng tu – một cuộc đời sẽ phải nhiệm nhặt, khó khăn, vì ép mình sống khuôn khổ theo luật dòng là làm cho tự do nếp sống cá nhân nhỏ dần lại, phù hợp với cộng đoàn.

Giờ đây, tôi là linh mục của Chúa, tôi tung bước chân đi nhiều nơi để giúp người khốn cùng mà lòng tôi hạnh phúc vô bờ”

Qua câu chuyện này tôi thấy CHIA SẺ CUỘC ĐỜI CHO THA NHÂN là một sự chay tịnh không có gì sánh được.