Vào ngày Thứ Tư 14/4, 9 người Việt tỵ nạn đã được chính phủ Úc chấp thuận cho định cư trong đó có 5 người Công Giáo

Christmas Island: Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey cai quản Tổng Giáo Phận Perth đã cử Linh Mục Gioan Baotixita Nguyễn Quyết Chiến, phụ tá quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Perth và Thầy Michael Phạm Quang Hồng, chủng sinh Đại Chủng Viện St Charles Perth đến đảo Christmas Island để cử hành nghi thức phụng vụ Tuần Thánh trong thời gian từ 5/4 đến 15/4/2004 cho người Công Giáo trên đảo, và viếng thăm 53 người Việt tỵ nạn duy nhất còn trong trại tỵ nạn trên đảo.

Cứ mỗi hàng năm Tổng Giáo Phận Perth cử một linh mục đến cử hành nghi thức Tuần Thánh cho cư dân trên đảo, nhưng năm nay vì số phận của 53 thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn nên Đức Tổng Giám Mục đã cử một Linh Mục Việt Nam và một Thầy Việt Nam. Hai vị giáo sĩ Việt Nam cũng đã là 2 người tỵ nạn chỉ khác là 2 vị tỵ nạn trong thời điểm khác nhau và trong hoàn cảnh khác nhau. Linh Mục Nguyễn Quyết Chiến là một thuyền nhân tỵ nạn cập đảo Pulau Bidong, còn Thầy Phạm Quang Hồng là một người tỵ nạn đi bằng máy bay. Thầy Phạm Quang Hồng nguyên là Sư Huynh Dòng Lasan Việt Nam với bản án 13 năm trong vụ xử gần 400 giáo sĩ Việt Nam bị bắt tại Thủ Đức. Sư Huynh Hồng sau thời gian mãn tù vào năm 1988 đã đi dạy võ thuật, được nhà nước tin cẩn cho dẫn đoàn Võ Công đi biểu diễn tại Úc. Đi biểu diễn lần thứ 3 vào năm 1998 thì Sư Huynh và cả đoàn Võ Thuật đã xin tị nạn tại Sydney. Vào tháng 8/2003 Sư Huynh Hồng đã xin chuyển hướng gia nhập Đại Chủng Viện, hy vọng năm tới sẽ được truyền chức Linh Mục.

Công việc mục vụ cho cư dân trên đảo là một việc hiển nhiên cần thiết, nhưng vì đối với chính sách di dân của Úc và để dễ dàng thăm viếng người đồng hương, nên chuyến đi của 2 giáo sĩ Việt Nam đã được giữ một cách kín đáo, hẳn nhiên là Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Perth cũng đã tự động quyên góp hiện kim và sách báo để nhờ 2 vị mang đi giúp người đồng hương.

Đảo Christmas Island được sát nhập vào lãnh thổ Úc vào ngày 1/10/1958, nằm trong biển Ấn Độ Dương cách thành phố Perth 2623 cây số đường chim bay, với diện tích khoảng 135 000 mẫu tây. Hiện nay trên đảo có khoảng 1500 người đa số là Phật Giáo 55%, Kitô Giáo bao gồm Tin Lành 15%, Công Giáo chỉ có khoảng 60 người. Dân cư phần lớn gốc Trung Hoa 61%, Mã Lai 25% Âu Châu 11% và số còn lại là 3%.

Khi đặt chân lên đảo, Cha Chiến và Thầy Hồng đã lo mọi thủ tục cần thiết, thu xếp lo việc chuẩn bị mục vụ cho Tuần Thánh và sau đó sắp xếp chương trình để dành thời gian viếng thăm 53 người tỵ nạn.

Thuyền nhân Việt Nam cả thảy 54 người sống dưới miệt Sóc Trăng, nhổ neo ra khơi tại Hòn Khoai và sau 28 ngày lênh đênh trên biển cả đã tới gần Port Hedland trên đất Úc chưa đầy 1 hải lý, thì bị tàu duyên hải Úc phát hiện vào hồi đầu tháng 7/2003. Tất cả đều bị bắt được giải về trại giam Port Hedland và sau đó 52 thuyền nhân được đưa ra đảo Christmas Island. Riêng người đứng ra tổ chức là người Việt quốc tịch Úc và một tài công Việt Nam được giải về trại tù tại Perth. Trong số 52 thuyền nhân, một bà mẹ đang mang thai đã sinh con nên hiện nay cả thảy có 53 người sống trên đảo. Trong số đó chỉ có 5 người Công Giáo. Một cậu thiếu niên Việt Nam cũng đã được rửa tội trong thánh lễ Phục Sinh vừa qua nâng tổng số Công Giáo lên đến 6 người.

Chương trình mục vụ trên đảo được Cha Chiến cử hành thánh lễ chiều tại nhà thờ trên đảo mỗi ngày. Nên các thuyền nhân Việt Nam muốn đi dự lễ đã được nhân viên trại giam lấy xe chở ra nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Tất cả nhân viên trại giam và di trú đa số là người Công Giáo nên đối với Cha Chiến và Thầy Hồng họ dành cho một cảm tình rất đặc biệt.

Cha Chiến đã dành 2 buổi sáng và chiều mỗi ngày để tiếp xúc thuyền nhân, vì Cha không được phép vào các phòng trong trại giam, không được chụp hình, không được ăn chung, chỉ được tiếp tại phòng khách. Để dễ dàng gặp hết mọi người Cha và Thầy Hồng tiếp xúc mỗi lần 6 người như thế trong ngày tiếp xúc được 12 người. Cha không muốn tiếp hết một lần như thế thì sẽ không có thời gian để gặp gỡ riêng từng người.

Cuộc sống sinh hoạt của thuyền nhân Việt Nam rất thoải mái, cơm có người nấu ăn, mỗi tuần được chở ra câu cá 2 lần, thành lập đội bóng đá để đá bóng giao hữu với dân trên đảo, giáo dân Tin Lành mỗi tuần vào dạy khiêu vũ. Người Việt tỵ nạn cũng được chở ra ngoài để đi Chùa, đi nhà thờ, đi tắm biển hay đi chơi thể thao trong tuần. Trong trại họ được dạy sinh ngữ và nếp sống văn hóa Úc. Trong số có 15 em dưới vị thành niên, khoảng 10 em đang đi học, được đưa ra ngoài để học chung với học sinh trên đảo. Thiếu nhi Việt Nam rất giỏi toán, thường làm xong sớm và ngồi chơi được các thày cô khen ngợi.

Mỗi tuần họ có một buổi họp để đưa ý kiến những món ăn không hợp khẩu, dĩ nhiên người Việt Nam mới qua không thích khẩu vị của Úc. Vì đầu bếp là người Hoa nên mọi sự cũng rất dễ dãi. Mỗi tháng hoặc lúc cần, nhân viên trong trại chở một xe phân bón đến vì thuyền nhân Việt Nam thích trồng kiểng, trồng hoa, trồng rau và đặc biệt là rau muống. Đến nỗi nhân viên trong trại cũng ghiền luôn món rau muống Việt Nam. Người Việt Nam rất sạch sẽ quét dọn tối ngày, khiến nhân viên Úc ca ngợi. Toán nhân viên làm việc từng định kỳ khoảng 6 tháng, họ đã khóc ròng vì nhớ thương người Việt trước khi rời đảo để toán nhân viên khác ra thay.

Trong những dịp thuyền nhân được đưa ra ngoài đi câu cá, chơi thể thao hay tắm biển Cha Chiến và Thầy Hồng cũng lợi dụng dịp này đến để tiếp xúc và vui chơi chia xẻ với họ. Chỉ trong hai ngày đầu nhân viên trại giam rất ngạc nhiên vì sự hồn nhiên vui tươi mỗi lần gặp gỡ. Chính họ đã thú nhận là có nhiều người thiện nguyện Úc cũng đến tiếp xúc, nhưng sau mỗi lần gặp gỡ người Việt Nam cứ khóc ròng, khiến nhân viên rất sợ ảnh hưởng đến tâm lý nên không cho gặp nữa.

Trong số các thuyền nhân có bà cụ 78 tuổi, theo lời các nhân viên cho biết suốt thời gian nằm tại trại giam bà không hề cười. Cha Chiến đã gặp bà cụ ba lần, Cha nói "con thấy lẽ ra người Úc phải tôn bà là phụ nữ anh hùng dân tộc mới phải, cả cuộc đời lo cho con cháu nhưng đến tuổi này chẳng còn bao nhiêu mà cụ cũng còn lận đận. Con hy vọng Úc sẽ không đuổi cụ về đâu để cụ hưởng những ngày còn lại …". Bà cụ đã rưng rưng nước mắt nhưng sau đó nhân viên nhận thấy bà đã vui hẳn lên không còn ủ dột như lúc trước.

Trong Thánh Lễ vào mỗi buổi chiều, ngoài phần Cha Chiến giảng tiếng Úc cho dân bản xứ khoảng 30 phút còn có phần chia sẻ bằng tiếng Việt do Thầy Phạm Quang Hồng khoảng 15 tới 20 phút. Mặc dầu chỉ có 6 người Công Giáo nhưng một số khác không Công Giáo họ cũng vẫn thường xuyên đi dự lễ.

Đời sống dân cư trên đảo rất hiền hòa thậm chí ngay cả đến thuyền nhân Việt Nam. Nhà cửa xe cộ khỏi cần phải khoá, không cần cảnh sát, không cần đèn xe lưu thông, gặp nhau đều vẫy tay chào mặc dầu không hề quen biết. Thuyền nhân Việt Nam không bạo động không đốt nhà, không biểu tình, không tuyệt thực. Lúc trước tại trại giam cũng có những thuyền nhân của các quốc gia khác, nhưng vừa khi nghe tin bị từ chối là họ đốt nhà, khiến cho Sở Di Trú trong một đêm đã chở tất cả đi chuyển vào trại trong sa mạc trên đất liền, nên hiện nay trại giam chỉ còn lại người Việt Nam.

Trong Thánh Lễ Phục Sinh, Cha Chiến đã rửa tội cho một thiếu niên trên đảo và một ngưòi tỵ nạn là anh Trần Văn Vinh. Các em đã được phát quà chocolate mừng Phục Sinh, sau Thánh Lễ giáo dân trên đảo đã tự động mỗi người nấu một món ăn đem đến ăn chung tại nhà xứ. Giáo dân than phiền là Cha giảng ngắn quá chỉ có 30 phút họ muốn Cha giảng dài hơn nữa. Có lẽ thứ nhất là họ chẳng bao giờ được nghe Cha giảng nên cảm thấy rất là quý, thứ hai là trong tuần Thánh họ muốn Cha giảng nhiều hơn như một cuộc tĩnh tâm. Mặc dầu họ cũng tham dự phần phụng vụ Lời Chúa và rước lễ mỗi ngày khi không có Linh Mục. Bánh Thánh được làm phép thật nhiều mỗi khi có Linh Mục tới đảo và bánh Thánh được giữ lại dùng trong một năm.

Vào ngày cuối cùng 14/4 trước khi Cha Chiến và Thầy Hồng rời đảo trở về Perth, Bộ Di Trú đã công bố danh sách 9 người được nhận định cư trong đó có 5 người Công Giáo, 5 người đang trong tình trạng xét lại và 39 người bị bác đơn. Tuy nhiên số 39 người bị bác đơn họ có quyền nhờ luật sư khiếu nại và theo sự nhận xét của Thầy Hồng chỉ cần một thời gian, mặc dầu bị bác đơn nhưng cứ khiếu nại rồi họ sẽ được nhận.

Chuyện lạ đã xảy đến, trước niềm vui của những người được nhận, theo lời yêu cầu Cha Chiến và thuyền nhân Việt Nam, Ban Giám Quản đã cho phép cử hành Thánh Lễ tạ ơn ngay trong trại mà theo qui tắc đó là điều không được phép. Trong Thánh Lễ này có phần tham dự của ca đoàn Úc, tất cả các nhân viên trong trại tham dự và tất cả 53 thuyền nhân tham dự. Cha Chiến đã nói: "Mặc dầu chỉ có 6 người Công Giáo, tuy nhiên quý ông bà anh chị em khác tôn giáo được mời tham gia và quý vị cầu nguyện theo đạo của mình".

Cha Nguyễn Quyết Chiến và Thầy Phạm Quang Hồng cảm nghiệm đây là chuyến đi mục vụ khó quên dành cho cư dân trên đảo Chritsmas Island và cho người Việt Tỵ Nạn và cũng nói lên lòng ưu ái quan tâm một cách rất đặc biệt của Đức Tổng Giám Mục Barry James Hickey đôi với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam nói chung và với thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn nói riêng.





Mười hai chặng đàng Thánh Giá đi lên núi



Rửa tội cho 2 người



Rửa tội cho anh Trần Văn Vinh, người cũng vừa được Úc chấp thuận cho định cư



Phát quà Lễ Phục Sinh





Liên hoan sau Thánh Lễ



Gia Đình bõ đỡ đầu của anh Trần Văn Vinh



Thầy Phạm Quang Hồng đang giúp vui làm ảo thuật trong bữa liên hoan. Ở đây dân trên đảo vẫn gọi là Thầy là "Father" vì tóc đã hai màu.



Thầy Hồng đang học cách cầm cua, đây là loại cua cướp dừa được gọi là Robber Crab, Cua này thường trèo lên cây dừa cắn trái dừa cho rớt xuống, rồi dùng càng xé ra mà ăn. Cua này rất nguy hiểm có thể cắn đứt tay như chơi. Trong khi đi tham quan trên đảo, thầy Hồng rất sợ con cua này cắn đứt tay, vì người ta sẽ đổi tên Thầy Hồng thành Thầy Chín tức chín ngón.



Cán Cân công lý bị lủng



Cua đỏ, một loại cua thấy khắp mọi nơi, thường kéo nhau đi hàng loạt có khi đỏ cả một con đường.



Cha Nguyễn Quyết Chiến đã biết cách cầm cua.