THÁNH PADRE PIO (1887 - 1968)

Ngày 16-06-2002, đoàn người từ khắp nơi trong nước Ý vui mừng hớn hở tuốn về quảng trường Thánh Phêrô, tại Roma để mừng và tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Chân Phước Dòng Phanxicô Padre Pio, người đồng hương, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ phong. Ước lượng 600.000 người về tham dự đại lễ này. Hàng 100.000 người khác tập trung trước nhà thờ San Giovanni Rotondo, nơi Ngài sống trước kia để theo dõi trên màn ảnh truyền hình lễ Phong Thánh từ Roma. Ngài mới được phong Chân Phước 02-05-1999. Tiếng vỗ tay vang trời, pháo bông nổ tung trời giữa ban ngày và không biết bao nhiêu bong bóng bay rợp trời khi Đức Giáo Hoàng một người rất ngưỡng mộ Cha Pio, công bố tôn phong Hiển Thánh cho Chân Phước Padre Pio : Chúng ta kể Chân Phước Pio thành Pietrelcina vào niên lịch kính nhớ các thánh và qui định rằng toàn thể Giáo Hội sẽ kính nhớ Ngài trong số các Thánh’’.

Đây là linh mục nổi tiếng đạo đức thánh thiện nhất của nước Ý và thế kỷ XX, ngay từ khi chịu chức linh mục (1910). Từ 1915, trên mình Cha thấy xuất hiện những vết bầm kỳ lạ. Từ đây, theo thời gian, Cha đã được Chúa cho in Năm Dấu Thánh cho đến khi qua đời. Trong 52 năm (1916-1968), Cha sống như đồng thụ nạn với Chúa Kitô qua những vết Dấu Thánh luôn chảy máu. Có thể nói cả cuộc đời của thánh nhân là sống kết hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời Cha thực hiện đúng với khẩu hiệu khi làm linh mục : Cầu nguyện, hy vọng và đừng lo sợ.

Được biết lịch sử Giáo Hội đã ghi nhận các vị thánh sau đây được in Năm Dấu : Thánh Phanxicô Assie (Ý, 1181-1226), Thánh Catherine de Sienne (Ý, 1347-1380), Nữ Chân Phước Lucia Narmi (1476-1544), Thánh Teresa Avila (Tây Ban Nha, 1515-1582), Thánh nữ Caterina de Rieci (1522-1589), Chị Veronica Giuliani (1666-1727), Chị Thérèse Neumann (Đức, 1898-1962), chị Marthe Robin (Pháp, 1902-1981), Mẹ Marie de La Croix, sáng lập Dòng Chị Em Đức Mẹ (+ 9/4/1998). (Pèlerin Magazine 30/4/1999).

1. THỜI NIÊN THIẾU VÀ TẬP SINH

Cha Padre Pio trong giấy khai sinh tên là Francesco Forgione, anh em trong nhà gọi ngắn lại cho vui là Franci' sinh ngày 25-05-1887 tại Pietrelcina, tỉnh Benevento, miền nam nước Ý. Song thân là ông Grazio Mario Forgione (1860-1946), trong gia đình quen gọi thân mật là Zi' Grazio và bà Maria-Giuseppa di Nunzio (1859-1929), các con thường gọi cho vui là Mamma Peppa. Ông bà sống vỏn vẹn nhờ ít ruộng và mảnh vườn quanh nhà. Gia đình có 7 anh chị em. Anh cả là Michel, kế là hai người con mất sớm, đến Francesco, sau là 3 em gái : Pellegrina, Felicità (+1918) và Graziella. Graziella là nữ tu dòng Brigittine (1894-1969). Theo thân mẫu thuật lại, khi vừa sinh ra vào đêm, bé Francesco khóc lớn tiếng hầu như ngất đi, tự nhiên rồi hét lên và mất tiếng. Sáng hôm sau bà đem con ngay vào nhà thờ xứ xin rửa tội. Thấy con ốm yếu từ mới sinh như vậy, bà mẹ có phần lo ngại, nói với chồng : "Thiên Chúa ban cho chúng ta con mình yếu thể lý như vậy, chúng mình chấp nhận để đền tội chúng ta." Từ nhỏ Francesco nhỏ con, xanh xao gầy yếu.

Tuy ít học, ông bà thân sinh rất thuộc và nhớ Kinh Thánh nhiều. Ông bà thường kể cho con cái nghe trong giờ rảnh rỗi. Gia đình nghèo, nhưng có lòng đạo đức và giàu lòng bác ái giúp đỡ bà con lối xóm. Gia đình đọc kinh chung tối sáng, dự lễ thường ngày. Bà mẹ là người mẫu mực và nhiều gương sáng, kiêng thịt ngày thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy trong tuần để kính Đức Mẹ Carmêlô. Năm lên 5, Francesco thích hát thánh ca, đọc sách hay cầu nguyện một mình. Cậu ít chịu đi chơi với bạn bè. Nếu mẹ có giục ra chơi với bạn, Francesco trả lời : "Con không thích chơi với tụi nó, vì chúng nó hay ăn nói lăng mạ lắm". Khi cậu được 9 tuổi, bà mẹ thấy con dùng thanh sắt đánh lên mình, bà can và nói : "Con làm thế đau chết !" Cậu trả lời : "Con phải đánh mình con, như quân Do Thái đánh Chúa Giêsu, máu chảy đầy cả vai". Ông thân sinh chăm chỉ, cần cù làm ăn. Vì sinh kế gia đình, để có tiền cho con ăn học và nhất là thuốc men cho Francesco, ông thân sinh và người em Angelantonio đã hai lần qua Mỹ làm việc, ở Buenos-Aires (1898-1905) và New York (1910-1917).

Năm 1897, Francesco được rước lễ lần đầu tại giáo xứ Pietrelcina. Ngày 27-09-1899, Francesco chịu phép Thêm Sức. Ngày đáng nhớ này, cha đã ghi lại : "Tôi cảm thấy như bị hoàn toàn thiêu đốt bởi ngọn lửa cháy bừng bừng. Nhưng không làm tôi đau đớn tý nào".

Biết là tốn kém, ông bà thân sinh cố nuôi và gửi anh em Francesco theo học trường tư tại San Giovanni Rotondo. Anh em đi bộ và đi chân không đến trường. Tan lớp về, Francesco hay thành thật tâm sự với mẹ : "Mẹ à, đầu con làm sao ấy, học không vào. Hình như trong đầu con đầy tội là tội". Hai ông bà theo dõi con khôn lớn và thường nói về Francesco với nhau rằng "biết đâu con mình sau này sẽ trở thành ông dòng". Từ nhỏ, Francesco có ý muốn trở thành tu sỹ dòng anh em Hèn Mọn Capucins, thuộc chi nhánh Dòng Phanxicô (OFM). Cậu cảm kích trước hình dáng khắc khổ của thày Camillo, tu sỹ trẻ của tu viện Marcone, đôi khi đến thăm Pietrelcina. Thầy thường kể cho các trẻ em những mẩu truyện về Thánh Phanxicô. Thầy hay đi từng nhà chúc bình an và xin bánh ăn. Đôi mắt dịu hiền, lời nói cử chỉ đầy khiêm nhượng làm cho đám trẻ thích thú và say mê, trong đó có Francesco.

Lần kia, cậu ngỏ ý với Cha mẹ "Con muốn trở thành linh mục dòng có râu ". Cha mẹ mừng và liền đến dòng Marconne hỏi điều kiện cho con theo học. Các cha đồng ý ngay nhưng thấy lực học trường làng của Francesco còn kém, cần học thêm ba năm nữa. Về nhà ông bà nhờ cha xứ kèm thêm cho con. Cha xứ còn kèm thêm trong thời gian Francesco học ở đại chủng viện, những khi về nghỉ bệnh tại nhà. Mọi sự đã xảy ra đúng như lời mong ước khấn nguyện của cha mẹ và mong ước của con trai gia đình. Ngày 06-01-1903, Francesco xin nhập tu dòng các cha Capucins, tại Marcone, xa chỗ ở của gia đình 30 cây số, đi chừng một giờ xe lửa. Khi từ giã gia đình, bà mẹ vừa trao con cỗ tràng hạt vừa nói : "Con đừng lo nghĩ nhiều về sự buồn bã của mẹ. Thánh Phanxicô gọi con đó. Con đi bình an nhé". Những ngày theo ơn gọi ở nhà tập, tu sỹ Francesco sống rất nghiêm khắc, chịu đựng và nhiệm ngặt. Không chịu ăn uống gì và hay bị sốt độ cao. Có giờ rảnh Francesco vào nhà nguyện quì trước Mình Thánh Chúa. Chú tập sinh Francesco sống trung thành với câu ghi trên cửa phòng : "Bạn sẽ chết và đời sống bạn sẽ được chôn vùi với Chúa Kitô trong Thiên Chúa".

Ngày 22-01-1904, thày Francesco Forgione khấn và nhận áo dòng màu nâu của con cái Thánh Phanxicô và đổi tên dòng là Pio, có nghĩa là đạo đức, để kính nhớ thánh Pio V, quan thầy thị trấn Pietrelcina. Trong dòng cho dễ phân biệt, anh em đặt thêm tên sinh quán của Francesco vào sau tên dòng, và gọi là "Thày Pio da Pietrelcina ". Sau này khi làm linh mục, cha để râu nên người ta còn gọi là "Cha Pio râu". Dự lễ nhận áo dòng của con, thân mẫu đã nói với con : "Bây giờ con thực sự là con của Thánh Phanxicô. Xin Ngài chúc lành cho con". Từ 1904 đến 1906, thày Pio tiếp tục học triết tại nhà Saint-Elia. Ngày 27-01-1907, thày Pio khấn trọn đời. Sau đó thày học thần học với sự hướng dẫn tu đức của cha Agostino de San Marco (+1963). Có lúc thày Pio phải bỏ dở học trình vi lý do sức khỏe. Nhưng Chúa chọn, và với ý chí, thày lại tiến bước theo con đường Chúa gọi. Đầu năm 1908, thày nhận các chức Nhỏ và đến ngày 21-12, nhận chức Phụ Phó tế. Năm sau thày nhận chức Phó Tế tại nhà dòng Marcone. Và ngày hy vọng đã dến, 10-08-1910, Thày Pio được lãnh nhận chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Benevento, do Đức Tổng Giám mục Paolo Schinosi đặt tay, giữa bao nhiêu sự vui mừng và thán phục của mọi người và gia đình. Trong lễ truyền chức của con, chính thân mẫu cảm động, vui quá đến khóc, nói không lên lời. Năm đó cha mới 23 tuổi, phải xin chuẩn một năm theo tuổi ấn định là 24. Ngày lễ truyền chức Cha cho là : "Ngày tôi hạnh phúc vui sướng biết bao. Trái tim tôi bị thiêu đốt bởi tình yêu Chúa Kitô. Tôi bắt đầu nếm mùi Thiên Đàng". Lễ mở tay của cha kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ. Trong thánh lễ đầu đời linh mục, Cha cầu nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, Chúa là hơi thở và là sự sống của con. Hôm nay con run rảy, sung sướng và cảm kích. Con xin hiến dâng cho Chúa những đau khổ và cả đời con. Từ nay, con hoàn toàn sống trong huyền nhiệm của tình yêu. Với Chúa con sẽ chứng minh cho nhân loại biết Chúa là Đường là sự Thật và là sự Sống. Và cho Chúa, con sẽ là linh mục thánh và hoàn thiện".

Từ 1911dến 1915 vì sức khỏe quá yếu, các bác sỹ chẩn đoán và cho Cha là bị lao phổi, thiếu máu. Cha được phép về quê sinh sống với gia đình. Trong năm năm tại quê, Cha dạy học. Từ năm 1916, Cha trở về nhà dòng San Giovanni Rotondo và sống tại đây cho đến khi qua đời.

2. DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ

Một tháng sau khi chịu chức linh mục, ngày 7-9-1910, khi Cha cầu nguyện, Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện ra và ngỏ ý cho ngài nhận Năm Dấu Thánh. Nhưng Cha xin với Chúa cất đi. Và Ngài muốn chịu đau khổ với Chúa trên Thập giá một cách kín đáo. Nhưng Thánh ý Chúa khác. Từ đó trên người tân linh mục đã xuất hiện những vết đỏ là lạ khó hiểu. Mãi tới năm 1915, những vết đỏ lấm tấm này qui tụ gọn vào những nơi chính trong thân xác. Ngày 29-11-1910, Cha Pio đã tận hiến dâng cuộc đời cho Chúa với quyết tâm cầu nguyện cho kẻ có tội và các linh hồn nơi luyện ngục. Năm 1913, trong thị kiến, như chấp nhận lời hứa trên của Cha, Chúa Giêsu phàn nàn có nhiều linh mục sống không xứng đáng với chức vụ mình. Năm 1915, Chúa lại "hiện đến" với Ngài trong chiêm bao và báo trước chiến tranh sẽ tràn đến nước Ý, và đúng như vậy. Tháng 11, người Cha như bắt đầu đau bệnh, loại bệnh "không định nghĩa được" và kéo dài tới cả năm. Tháng 07-1916, Cha được gửi đến San Giovanni Rotondo. Tháng 08, bề trên tỉnh xác nhận là Cha trong tình trạng bệnh hoạn nhiều. Tháng 5-1917, mặc dầu đau yếu, Cha cũng cố gắng về Roma để tiễn gặp người em gái vào tu dòng Brigittine. Tên dòng của người em là Pia dell' Addolorata.

Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Nước Ý lâm vào vòng chiến. Một số tu sỹ trong dòng bị đi quân dịch. Cha ờ nhà lo dạy học và linh hướng cho các chủng sinh. Đến ngày 06-11-1917, có lệnh động viên bắt buộc toàn quốc. Cha đi trình diện nhập ngũ, kết quả khám sức khỏe lại ghi là Cha "có đủ sức khỏe". Cha đi theo sư đoàn 10 phục vụ tại miền Alpes. Sau cùng, phải chờ lần tái khám y khoa, vào ngày 18-12-1918, Cha mới được xác nhận là yếu hoàn toàn, trở về đời sống tu. Trong hồ sơ giải ngũ, sỹ quan quân y ghi cho giải ngũ vĩnh viễn với lời ghi : " Chúng tôi gửi linh mục về quê để qua đời."

Sau khi giải ngũ, Cha trở về tu viện nhỏ ở San Giovanni Rotondo, tỉnh Foggia. Cha tiếp tục làm linh hướng. Cha đặt ra 5 điều luật nhỏ cho tập sinh sống thánh hóa : xưng tội hàng tuần, rước lễ mỗi ngày, đọc sách thiêng liêng, cầu nguyện và xét mình. Tháng 7-1918, Đức Thánh Cha Benoit XV kêu gọi giáo hữu khắp nơi cầu nguyện cho chiến tranh kết thúc. Ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Cha tuyên hứa "cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng Benoit XV". Ngày 06-08, Cha như ngất đi khi xuất thần và nhận được "ơn lạ phi thường". Đến ngày 20-09-1918, sau khi dâng lễ và đang qùi tạ ơn trước tượng Thánh Giá lớn, trong cơn ngất lịm lâu giờ, Cha đột nhiên thấy chân tay và cạnh sườn của mình bị đâm thủng và đẫm máu. Từ những vết thương, Cha cảm thấy mình đau đớn đến cực độ. Giây phút ngất ngây này Cha viết lại : "Đột nhiên tất cả những cảm giác bên trong cũng như bên ngoài, ngay cả khả năng con người đều rơi vào sự yên tĩnh không tả nổi. Tôi thấy một Người thật huyền bí và từ bàn tay, bàn chân và cạnh sườn Người này có máu từ từ rỉ rồi chảy ra. Ánh mắt của Người oai nghiêm, hiền từ. Sau khoảnh khắc, dần dần hình ảnh Người ấy biến mất. Tôi nhận ra tay, chân và cạnh sườn tôi bị đâm thủng và máu từ từ chảy". Từ đó và kéo dài tới khi qua đời, Cha chính thức mang Năm Vết Thương Thánh trên hai lòng bàn tay, hai mu bàn chân và lồng ngực bên trái tim, như Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá. Thấy máu chảy trên các vết đinh, Cha sợ quá té xuống và lết từ nhà nguyện về phòng riêng. Cha tìm cách bịt chặt các vết thương cho máu khỏi chảy. Lúc ấy Cha bề trên Paolino thấy Cha Pio đi lảo đảo và thấy các băng trên tay mà Cha Pio cố dấu trong tay áo còn ló ra. Cha bề trên dẫn Cha Pio vào phòng mình và hỏi cho biết việc gì đã xẩy ra. Kinh ngạc vể biến cố lạ lùng này, cha liền viết thư cho bề trên tỉnh. Cha giám tỉnh ra lệnh trong dòng tuyệt đối giữ kín. Nhưng cha giám tỉnh lại muốn biết trực tiếp vụ việc từ Cha Pio. Nên ngài đích thân đến San Giovanni Rotondo. Sau khi chứng kiến rõ các vết thương nơi Cha Pio, cha giám tỉnh đã gửi thư trình cho bề trên tổng quyền rằng : Đây không phải những vết in dấu trên da thịt, mà là vết thương đâm thủng ở hai bàn tay và hai bàn chân. Còn vết ở cạnh sườn là vết bị chọc thủng thực sự, làm cho máu và huyết thanh liên tục rỉ. Toàn dòng vâng lệnh bề trên hoàn toàn giữ thái độ thận trọng và im lặng. Không thấy vết thương "Mão Gai" rõ rệt trên đầu Cha. Nhưng cứ sáng ra, lâu lâu thấy có chiếc khăn đẫm máu cha dùng thấm máu chảy ra từ đầu. Đêm nào có máu đầu chảy, thì sáng hôm sau cha thường dùng phần "mũ" của áo dòng phủ kín đầu. Tay cha luôn đeo găng, chỉ để lộ các ngón. Chân đi vớ. Mình mặc áo sơ mi dầy mà máu vẫn rỉ chảy ra ngoài từ các Vết Thánh. Mỗi ngày các vết thương chảy mất tới một tách máu. Điểm đặc biệt là các vết thương không bao giờ đóng lại và không làm mủ. Không ai biết Cha đau như thế. Thấy Cha đi chậm chạp, khập khễnh, bàn chân xưng, qùi gối khó khăn... Thì người ta cho là Cha bị đau khổ nhiều mà không nói ra. Điểm đặc biệt là các vết thương hay phần máu đọng khô trên thân người hay quần áo, không có mùi hôi của máu mủ. Trái lại, đến gần Ngài, lại từ người Cha thoát ra một mùi hương thơm khác lạ, không đâu có. Đây là linh mục đầu tiên được đâm Năm Dấu Thánh. Thánh Phanxicô cũng được in Dấu Thánh, nhưng Thánh chỉ là Phó Tế. Cha Pio ăn ít như chim. Cha ngủ độ 3, 4 giờ một đêm. Khoảng 3 giờ sáng cha đã thức dậy, chuẩn bị dâng lễ rồi giải tội hoặc tiếp khách.

Năm 1919 và 1920, các bác sỹ bắt đầu mở các cuộc thí nghiệm phân tích để xác định tính cách y khoa về các "vết thương kỳ lạ này". Cha không quan tâm đến việc làm của người ta. Cha chỉ muốn âm thầm vác Thánh Gá một mình. Qua năm 1920, sau thời gian dầy công thí nghiệm, giáo sư Romanelli đã đưa ra một báo cáo, cho rằng y khoa không giải thích được qua những "việc lạ lùng của Thiên Chúa làm." Năm 1920, Đức Cha Cerreti, thay mặt cho Đức Giáo Hoàng Benoit đi thăm cha Pio. Khi trở về, ngài tuyên bố : "Cha Pio là con người đặc biệt mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại để đem con người về với Thiên Chúa hằng sống".

Trong dòng càng im lặng, thì bên ngoài tin Cha Pio được in Năm Dấu càng được loan truyền rất mau chóng. Nhiều người đến xin Cha cầu nguyện hay xin Cha cầu khấn được khỏi bệnh hay ơn lạ. Một ký giả của báo Mattino viết phóng sự về sự lạ này cho rằng : "Nó khác nào như trái bom nổ loan tin truyền đi mau chóng khắp nơi. Một tu sỹ tầm thuờng ở một vùng quê hẻo lánh bỗng trở thánh sự kiện làm chấn động khắp nước Ý và thế giới ". Báo chí và phim ảnh tranh nhau săn tin thực hiện bài báo với tin sốt dẻo và mới lạ nhất. Các cuộc tranh luận, bàn tán xôn xao bắt đầu nơi quần chúng. Dân chúng từ xa hay tin, không ngại đi xa, hẻo lánh, tìm đến mong được nhìn mặt Cha Pio, xưng tội hay cầu nguyện chung với Ngài. Khách hành hương len lòi vào khuôn viên tu viện nhỏ và chật hẹp để thăm Cha Pio và chờ Cha dâng lễ vào lúc hừng đông. Nhà dòng trở nên sầm uất và lo giúp Cha tiếp khách. Một văn phòng có hai linh mục làm thư ký trả lời thư. Cha nhận được 500 thư mỗi ngày. Và Cha biết được nội dung thư khi chưa mở ra.

Từ 1923 đến 1933, Cha Pio trải qua những ngày hết sức căng thằng và buồn cay đắng. Người ta ghép cho cha là "điên" hay là người "lừa bịp". Nhiều người kể cả các vị tên tuổi trong Giáo quyền cho cha là người lường gạt, không tuân phục bề trên, hoặc là người gây ra tình trạng cuồng tín trong giáo dân và quần chúng. Trước những sự kiện này, theo sự dè dặt và khôn ngoan, Tòa Thánh đã 5 lần ra chỉ thị vào những năm 1923, 1924, 1926 (2 lần) và 1931 "bác bỏ" việc có những vết lạ rướm máu trên mình cha Pio. Mục đích hạn chế việc đi lại của dân chúng và những người tò mò. Phía quần chúng và khách viếng thăm, lại tổ chức những cuộc biểu tình, in sách và tài liệu bênh vực Cha. Giáo dân cứ tuốn đến tìm gặp xin Cha khuyên bảo và cầu nguyện cho. Từ 09-06-1931 đến 1933, Thánh Bộ Đức Tin ra lệnh Cha thôi mọi hoạt động. Cha bị cô lập trong nhà dòng không trả lời thư, không được tiếp súc với ai bên ngoài, ngoại trừ việc dâng Thánh lễ trong một căn phòng nhỏ. Cha vẫn âm thầm chịu đựng, cầu nguyện, không oán trách hay ngã lòng trong thử thách. Những hiểu lầm như bão táp dồn dập làm Cha đay khổ liên miên. Đối với cha, vâng lời là thanh luyện, hoán cải. Cha viết cho Bề trên những lời tâm sự : "Vâng lời cha là phấn đấu đối với con. Chúa cho con thấy đây là dịp con làm Ngài bằng lòng và con hy vọng sẽ được ơn cứu thoát".

Nhưng rồi sóng gió cũng qua đi. Tháng 07-1933, Đức Giáo Hoàng Pio XI đã giải thông những điều cấm này cho Cha. Các năng quyền linh mục được phục hồi. Thực tế, trong Dòng và nhiều vị khác vẫn nghi ngờ, tìm cách điều tra thăm dò công việc của Cha. Cha không nghi hoặc hay than trách. Mãi tới 1965, Cha mới thực sự được tín nhiệm hoàn toàn.

3. MỞ BỊNH VIỆN BÁC ÁI

Tuy nhiên, không ai có thể ngăn cản những việc Thiên Chúa làm qua con người Cha Pio. Từ năm 1938 đến 1958, các hoạt động của Cha hướng về xây cất nhà thương cho bệnh nhân, hoặc nhà thờ lấy nơi đọc kinh cầu nguyện, như nhà thương Thánh Phanxicô (xây năm 1938) nhà thương Casa Sollievo della Sofferenza (1940), nhà thờ Sainte Marie des Grâces (Đức Mẹ Ban Ơn) ở San Giovanni Rotondo (1957). Tiền xây cất và chi phí điều hành các nhà thương này là do những nhà hảo tâm khắp nơi và của nhóm Cầu Nguyện do Cha thành lập đứng ra đài thọ và điều hành.

Từ 1940, cha mở ‘‘Trung tâm thoa dịu đau khổ" (Maison pour le soulagement de la souffrance). Ngày nay là bệnh viện San Giovanni Rotondo. Trong hồ sơ xây cất, người ta có ghi tên một người mù tên Pietrucio, tặng 2 lires tiền Ý, để xây cất. Nhà này là bước đầu của việc xây cất các bệnh viện nói trên. Nhận được 2 đồng của anh mù gói trong chiếc khăn ướt đầy mồ hôi, Cha đặt trên bàn trước mặt ủy ban xây cất và mọi người và nói : "Đây là tiền có được bằng mồ hôi và đau khổ. Người ta có thể dùng tiền để mua bánh, thịt hay quần áo giày dép... Nhưng ít ai nghĩ đến và dùng vào việc chia bớt đau đớn với người khác, như anh Pietrucio. Anh không chọn khỏi mắt thể xác, nhưng anh muốn kiếm một chỗ trên Trời". Năm 1947, đang xây cất bệnh viện tại San Giovanni Rotondo, thì hết tiền. Tự nhiên, ông Barbara Ward, giám đốc tờ báo The Economist từ Luân Đôn qua, mục đích xin gặp cha bàn về truyện riêng thiêng liêng. Gặp cha xong, ông đem tặng cha món tiền 250 triệu lires, số tiền đang cần cho việc xây cất. Cha xác nhận tất cả ngân sách, kinh phí xây cất bệnh viện đều do Thiên Chúa quan phòng và định liệu hết. Bệnh viện được khánh thành năm 1956. Ngày nay, bệnh viện San Giovanni Rotondo tối tân nhất nước Ý, với 1.300 giường, 450 bác sỹ, và 2.400 nhân viên. Bên cạnh nhà thương còn một viện dưỡng lão có đủ tiện nghi cho 240 người. Cha đã hướng dẫn phương pháp điều trị bệnh nhân là kết hợp y khoa với tình thương và nhân đạo. Bệnh nhân sẽ tìm lại bản thân dòn mỏng ốm yếu trong cuộc gặp gỡ với tình yêu Thiêh Chúa và sự săn sóc tiếp đón ân cần của người chung quanh anh em. Nói về nỗi đau khổ của con người, Cha hay lặp lại lời của Thánh sử Gioan : "Nếu anh em nói là yêu mến Thiên Chúa, mà còn ghen ghét căm thù anh em. Tức là nói dốỉ". Cha thường khuyên bệnh nhân coi đau đớn như là thử thách : "Chúa Kitô ban cho cha một niềm vui thân tình mội khi cha có thể đau khổ và làm việc cho anh em. Cha đã cầu nguyện và cha muốn tiếp tục cầu nguyện. Cha đã khóc và tiếp tục khóc cho anh em. Anh em dù gặp trăm ngàn đau khổ, thử thách, chán nản hãy phó thác cho Chúa. Vì chính Chúa là nguồn sáng soi dẫn chúng ta". Theo Cha, bệnh viện không là nơi chăm sóc, chữa lành thể xác mà còn là nơi thực thi sứ điệp yêu thương của Chúa. Ngày 06-05-1956, ngỏ lời với bác sỹ trong bệnh viện : "Nếu qúi vị chữa lành bệnh nhân, mà không đem tình người đến với họ. Tôi nghĩ thuốc men không hiệu nghiệm gì". Cha bỏ ra nhiều tiền trang bị dụng tối tân cho bệnh viện, đặc biệt tiếp đón người nghèo. Ai cho là quá xá xí, Cha trả lời : "Không có xa xỉ đâu, nếu có tiền sẽ làm bệnh viện này bằng vàng. Vì bệnh nhân là Chúa Kitô".

4. THÀNH LẬP NHÓM CẦU NGUYỆN

Cha thường xưng mình là "tu sỹ cầu nguyện". Cha đưa ra luận cứ và quan điểm rằng : "Trong sách vở ta có thể tìm thấy Thiên Chúa, nhưng qua cầu nguyện ta gặp chính Thiên Chúa". Trong đời sống ngài, người ta không chỉ thấy Cha gặp Thiên Chúa mà còn thấy Thiên Chúa đã đón nhận Cha và Cha đã sống kết hợp với Thiên Chúa. Những kinh và thánh lễ, những đêm bên nhà tạm, những lúc quằn quại vì vết thương đẫm máu, những lúc lần chuỗi Mân Côi... là những giây phút linh thiêng nhất của riêng giữa cha với Thiên Chúa.

Cha chủ trương chăm sóc thể xác cho bệnh nhân chưa đủ, cần phải nâng đỡ họ về mặt tinh thần bằng lời cầu nguyện và thăm hỏi. Đó là chiều hướng cha lập ra "Nhóm Cầu Nguyện", được Tòa Thánh công nhận và cho phép hoạt đông như là hội đoàn Công giáo Tiến Hành vào 1952. Các hội viên của nhóm cha đặt tên là "Thợ vườn nho". Mục đích nhóm là cầu nguyện yểm trợ cho bệnh nhân và cho nhân viên y tế phục vụ trong các nhà thương. Đã có 2.187 nhóm đang phát triển mạnh tại nhiều nước. Ý có khoảng 2000 nhóm, Ái Nhĩ Lan có 74, Anh có 50, Thụy sỹ có 26, Pháp có 25, Scottland có 20, Bỉ có 19, ảnh hưởng và thành lập ở Balan, Hungarie, Ukranie, Cộng Hòa Nam phi, Bénin, Sri Lanka, Úc châu. Năm 1986, Tòa Thánh công nhận và cho phép hoạt đông. Nội qui nhóm Cầu Nguyện gồm những hội viên được hướng dẫn bởi một linh mục về mặt thiêng liêng, kiện toàn đời sống kitô hữu, vâng phục Giáo Hội qua Giám mục địa phương. Ngày 08-03-1952, Đức Giáo hoàng Pio XXII viết cho nhóm Cầu Nguyện : "Ngày nay Giáo Hội cần phải có lời cầu nguyện. Anh em trong nhóm Cầu Nguyện của Cha Pio vừa sống theo nhân bản vừa giữ đúng tinh thần giới răn Chúa. Đường lối của Cha Pio thật đúng và rõ ràng. Nhóm Cầu Nguyện của cha sẽ có một chỗ đứng trong sinh hoạt của Giáo Hội. Thật qúi hoá và đáng đề cao. Giáo Hội đang có chuyển mình và thay đổi nhờ tinh thần nhóm tổ chức sống đạo này.

Ngày 5-5-1966, Cha Pio đã nói rõ hơn về việc thành lập nhóm Cầu Nguyện : "Trọng tâm của các trung tâm Cầu Nguyện là sống đức tin và chiếu sáng tình yêu Chúa Kitô. Thành công của cầu nguyện phải đi đôi với việc chia sẻ tình thương với người nghèo và bệnh tật". Trong thủ bản thành lập nhóm Cầu Nguyện có ghi : " Chúng tôi muốn hoàn toàn sống trung thành với luật Thiên Chúa. Chúng tôi lắng nghe để biết được thánh ý Chúa trong công việc". Cha Pio nói rằng : " Thận trọng, kẻo bép xép sẽ phá vỡ nhóm cầu nguyện". Linh mục Gerardo Diflumeri cùng Dòng và là người khởi xường xin phong thánh cho Cha Pio phát biểu : "Thành quả thật to lớn của Cha Pio chúng tôi là những nhóm Cầu Nguyện và bệnh viện. Cầu nguyện dẫn chúng ta kết hợp với Chúa và tiếp đó là bác ái. Hai sứ điệp thiêng liêng và xã hội này được phát sinh từ hoạt động mục vụ của cha Pio. Vì suốt cuộc đời Cha là giải tội, cử hành Thánh Lễ và hướng dẫn các linh hồn". Bệnh viện không phải là nơi chữa bệnh mà còn là trung tâm cầu nguyện, thánh hóa sự đau khổ theo gương Chúa Kitô trên Thập Giá để đền tội và cầu hòa bình cho nhân loại. Cha Pio đã xác tín rằng : Đau khổ và cầu nguyện là hai phương tiện hiệu nghiệm để cứu con người. Cha trờ thành cao cả và nổi danh không phải vì làm nhiều phép lạ, nói tiên tri, nhưng là con người thánh thiện nhờ biết chịu đau khổ và cầu nguyện.

5. ĐƯỜNG NHÂN ĐỨC THÁNH THIỆN

Bên ngoài, những thành viên của Hội Cầu Nguyện thay mặt cha, có mặt trong các bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân hay âm thầm cầu nguyện trong bóng tối của các nhà nguyện, thì tại nhà dòng San Giovanni Rotondo, sức khỏe không cho phép ra ngoài, Cha Pio đã sống theo một đường lối tu đức hết sức thánh thiện qua thánh lễ, giải tội hay tiếp đón khách thăm viếng.

Thánh lễ Cha cử hành mỗi ngày.

Cha cử hành Thánh Lễ thật sống động, sốt sáng, và lôi kéo nhiều người đến với Thánh Thể Chúa. Thánh lễ của Cha kéo dài đến 1giờ 45 phút. Đó là những giờ phút qúi báu trên Núi Cao Thập giá. Giờ hoàn toàn sống với Chúa Kitô. Ai đã dự lễ của Cha không bao giờ quên được những dáng điệu, cử chỉ, lời kinh, nét nhìn của Cha đắm chìm trong ơn thánh. Áo lễ rất cũ và nặng. Tay áo dòng trắng dài để che lại Dấu Thánh ở tay.

Bầu khí nhà nguyện yên lặng, thống hối bắt đầu từ Kinh Cáo Mình. Từ chân bàn thờ, tiếng cha nhè nhẹ dễ đánh động. Và mặt cha bắt đầu đổi sắc hồng đỏ. Tay đấm ngực rồi giơ lên cao "xin ơn tha tội", như người mù trông chờ ánh sáng.

Từ lúc Dâng Của Lễ, mắt Cha chăm chăm nhìn vào Bánh và Máu Thánh, đôi khi thấy nước mắt chảy và máu ở lòng bàn tay rỉ chảy từ các ngón tay thấm loang qua cổ tay áo dòng trắng. Rồi như xuất thần khi cha đọc tới lời truyền phép. Các lời "Đây là Mình Ta... Đây là Máu Ta" được cha đọc hết sức trịnh trọng từng chữ, có sức lay động tín hữu trong nhà nguyện, chật ních người. Cha đọc như sợ sai hay thiếu chữ nào, thì không thành lễ.

Phần nhớ kẻ sống và người đã qua đời, Cha dành giờ để nhớ hết những người cần cầu nguyện và xin ơn. Cha kính cẩn đặt Mình Thánh Chúa vào lòng miệng từng người như trao tặng kỷ vật qúi giá với con mắt đăm chiêu như đi sâu vào cõi lòng người rước Chúa. Sau lễ, chờ cha cám ơn lâu, các bà xúm lại hôn tay và nhận phép lành riêng.

Khi được hỏi Thánh lễ là gì. Cha trả lời : "Thánh lễ là kết hợp mật thiết giữa Chúa Kitô với tôi". Tôi như bị treo trên Thánh Giá bằng những đinh đóng. Bạn sẽ tìm thấy sự thương khó của tôi trong sự thương khó của Chúa kitô. Khi dâng lễ, tôi bắt đầu đau khổ từ khi truyền phép đến khi rước lễ. Lúc ấy, giữa chúng ta, vây quanh bàn thờ có các thiên thần và Đức Mẹ cùng dự". Và cha cắt nghĩa thêm : "Thánh Thể là phương thế tuyệt hảo dẫn chúng ta đến con đường trọn lành thánh thiện. Nhưng phải lãnh nhận thánh Thể với ước nguyện và quyết tâm thanh tẩy hết những gì không làm đẹp lòng Chúa mà chúng ta đón tiếp và kết hợp vào lòng. Dự lễ làm sao giống như Đức Mẹ, Thánh Gioan và Madaléna trên đồi Golgotha dưới chân Thánh Giá, cùng tham dự hy lễ đổ máu. Trong thánh lễ tôi nhìn thấy các người dự lễ rõ như nhìn trong kiếng vậy".

Quả thật không sai, khi người ta ví đi dự lễ của cha sốt sắng như "được chứng kiến từng giọt máu rỉ chảy". Nếu người ta có hỏi trong Thánh lễ sao Cha hay khóc, Cha trả lời : "Cha không muốn rơi những giọt nước mắt nhỏ nhoi. Cha muốn đổ cả giòng suối lệ. Anh em không thấy Thánh Lễ là huyền nhiệm sao ?" Từ 11-1966, vì sức khỏe yếu, Cha dâng lễ ngắn hơn bằng tiếng Latinh và phải ngồi xe lăn.

Nơi tòa giải tội.

Tòa giải tội là nơi Cha gặp gỡ và chỉ giáo thân tình với các người đến lãnh nhận. Một ngày cha ngồi tòa mất khoảng 19 giờ. Cha Pio giống như cha Thánh Jean Marie Vianney (1786-1859) cha sở xứ Ars, có ơn gọi riêng cho việc giải tội. 3giờ 30 sáng cha đã dậy, rồi ở riết trong nhà nguyện cho tới khuya lắc. Sau khi gặp Cha trong tòa giải tội, ra về người gặp cảm thấy hân hoan, vui sướng, phấn khởi... để tiếp tục sống trung thành với Đức Tin. Từ 1950, các người xin gặp nơi tòa giải tội phải xin số trước, Năm 1952, đàn ông xưng một bên, đàn bà một bên. Ai chỉ đến xin gặp Cha mà không muốn xưng tội, Cha khuyến khích và nói : "Vào tòa đi. Chúa đợi, sẵn sàng tha thứ hết và chúc lành cho". Thế là người cứng lòng mấy cũng vào qùi gối xuống.

Một hôm có một người đến cầm là thư của người bạn nhờ trao cho cha Pio. Ông này đưa cho thầy gác cổng và nói xin trao cho Cha và đợi Cha trả lời. Người gác cổng nói xin đợi ở nhà nguyện khi nào Cha tới thì đưa tận tay cho Cha. Khi Cha tới, đám đông bu quanh cha, chật quá, người này không chen chân đến với Cha được. Sau hai giờ nghe giảng, đang lúc ông ta sốt ruột, thì Cha Pio đưa mắt nhìn ông và hỏi :

- Anh muốn tôi giúp gì phải không? Người khách ngạc nhiên giơ lá thư.

Cha nói : "Tôi không trả lời bây giờ được. Còn anh bao lâu chưa xưng tội ?

Anh ta ấp úng : "Thưa. .. từ bảy tuổi".

- Anh có còn tin Thiên Chúa không ?

Anh kia thẹn đỏ mặt nói : "Có... còn tin"

- "Anh còn nhớ cầu nguyện hay không ?"

- "Từ nhỏ mẹ tôi có dậy, nay tôi đã quên hết rồi".

Cha âu yếm đưa mắt nhìn anh : "Tội nghiệp. Sao để đời như vậy ? Lỡ chết thì sao ? Ra trước mặt Chúa, có công phúc gì không ? Nhìn anh tôi đau khổ nhiều thay cho Chúa !

Hai hôm sau, anh ngẹn ngào gặp Cha và nói : "Cha giúp con, và xin Cha giải tội cho con". Đây là lần thứ hai trong đời anh xưng tội.

Năm 1968, anh Jean Marie Benjamin người Pháp, từng là nhạc sỹ, đạo diễn và sản xuất phim ảnh, năm 19 tuổi bất cần đời, tò mò đến gặp cha. Nhưng Cha đã lôi kéo anh vào xưng tội. Cha hỏi đã xưng tội bao lâu. Anh không nhớ và đưa đại ra một ngày. Cha không chấp nhận, sau cùng Cha đã đưa ra một ngày chính xác. Anh công nhận là đúng.

Tôn kính Đức Mẹ.

Từ nhỏ Cha đã có lòng tôn kính Đức Mẹ. Lúc còn ở với gia đình, thánh nhân thường đến Đền Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii, gần Nêapoli để cầu nguyện một mình mà không xin phép bố mẹ vì biết nếu xin thì mẹ không cho. Thời gian đi lính, Ngài vẫn hay đến đây. Cha Pio được Đức Mẹ hiện ra thường xuyên. Sau này, khi được hỏi tại sao giữ kín việc này, Ngài trả lời : Tưởng ai cũng được Đức Mẹ hiện ra cả. Cha Agostino, linh hướng của ngài kể : Một ngày kia Cha Pio hỏi tôi : Cha không thấy Đức Mẹ hiện ra à ? Khi tôi trả lời không, Cha Pio hỏi tiếp : Cha nói vậy vì khiêm nhường đó thôi. Cha Pio cảm nghiệm được Đức Mẹ hiện diện trong đời mình. Ngài đã được Đức Mẹ hiện ra nhiều lần. Như Ngài đã viết : ‘‘Đức Mẹ theo tôi đến bàn thờ làm lễ sáng nay với lòng chăm sóc biết bao. Dường như Mẹ chỉ có một việc làm đầy tâm hồn tôi với tình cảm thánh thiện. Tôi cảm thấy có ngọn lửa huyền nhiệm trong người không hiểu nổi. Tôi muốn có giọng nói to hơn để nói với mọi người : hãy yêu mến Mẹ Maria’’. Chính Đức Mẹ đã dẫn Cha đi vào mầu nhiệm Thánh Thể. Cha xác nhận : ‘‘Mẹ yêu con quá. Con lại nhận ra điều này vào đầu tháng Năm này. Dường như Mẹ không có gì phải nghĩ, ngoại trừ con’’. Những rung cảm tận đáy lòng với Đức Mẹ qua kinh Ngài nguyện :

Ôi Mẹ nhân lành, hãy làm cho con say mến Mẹ.

Hãy đổ đầy tình yêu nồng cháy của Mẹ vào hồn con.

Hãy thanh luyện hồn con biết yêu mến Thiên Chúa.

Hãy thanh lọc trí lòng con chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

Hãy thanh tẩy thân xác con trở thành nhà tạm cho Chúa ngự.

Tu phục của dòng Phanxicô có sẵn chuỗi hạt bên cạnh. Lúc nào cũng thấy cha cầm chuỗi trong tay. Cha gọi chuỗi Môi khôi là vũ khí hữu hiệu đối phó và thế gìới tội lỗi của satan. Một trong những người xưng tội thắc mắc : "Ngày nay việc lần chuỗi là lỗi thời vi satan đang thống trị thế giới. Cha trà lời : "Satan cai trị được vì người ta nhượng bộ ý muốn của mình. Hãy lần chuỗi Môi Khôi. Satan luôn tìm cách phá vỡ chúng ta lần chuỗi. Nhưng không bao giờ nó thành công. Lời hứa của Đức Mẹ là sẽ toàn thắng. Được hỏi di sản Ngài muốn để lại cho đoàn thiêng liêng thì Cha Thánh giơ chuỗi Mân Côi và trả lời : Đây, hãy lần chuỗi Mân Côi. Có người hỏi cha lần mỗi ngày bao nhiêu chuỗi ? Cha trả lời 35 chuỗi đủ. Và Cha hỏi lại : ‘‘Bạn không cầu nguyện như thế được sao ?’’ Chứng tỏ Cha có thể làm nhiều việc một lúc. Cha nói tiếp : ‘‘Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu. Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần càng nhiều càng tốt’’. Có người hỏi Cha xin chỉ cho hay lời nguyện nào đẹp lòng Đức Mẹ nhất. Cha hỏi lại : Vậy có lời kinh nào đẹp hơn Kinh Mân Côi không chứ. Hãy lần chuỗi Mân Côi. Cha thường nói đừng rời vũ khí trong tay là chuỗi Mân Côi. Khi lớn tuổi, một buổi tối trườc khi ngủ, sực nhớ mình chưa lần chuỗi, Cha nói một thày dòng ‘‘đưa cho tôi vũ khí’’. Thày kia ngớ ra, không hiểu. Cha giải nghĩa : Chuỗi Mân Côi là vũ khí của chúng ta.

Trước khi qua đới hai ngày, Cha nói : "Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu. Hãy luôn lần chuỗi". Tràng chuỗi Mân Côi luôn trong bàn tay Ngài, như muốn nói với những ai mộ mến Ngài rằng : Đây là sự bình an cho tâm hồn, vũ khí chiến thắng sự dữ và sức mạnh vượt trở ngại vào Nước Trời.

Cuối bài giảng lễ phong Chân Phước Đức Giáo Hoàng đề cao lòng sùng kính Đức Mẹ của Cha Pio : "Cha Pio đã sùng kính Đức Mẹ một cách sâu xa và ăn rễ sâu vào truyền thống Giáo Hội. Việc sùng kính này được biểu lộ qua lời nói, bút tích, bài giáo huấn và lời khuyên răn cho cá nhân hay tập thể Ngài đã tiếp xúc".

Tiếp đón người thăm viếng.

Trung tâm đón tiếp là nơi cha đã cởi gỡ những lo âu, khó khăn về tinh thần cho nhiều người. Cha Pio còn biệt tài "nói tiên tri", thấu suốt tâm tư người đến gặp. Nên trong tuần có hàng ngàn người tìm Ngài để nhìn mặt, nghe Ngài giảng, xưng tội hay thổ lộ tâm tình với Ngài. Linh mục dòng Capucins này đã gây ngạc nhiên cho thế giới biết cả đời Ngài chỉ biết lắng nghe người khác.

Khi mới lên ngôi vào 1939, Đức Giáo hoàng Pio XII đã lên tiếng khuyến khích khách hành hương đến thăm và cầu nguyện chung với cha. Đức Gioan XXIII sau khi được chọn làm Giáo hoàng, Ngài đã đánh điện tín Cho cha Pio : "Cha có lý". Vì trước đó Hồng Y Roncalli, với tư cách là giáo chủ của Venise đến thăm Cha Pio. Khi bắt tay ra về, Cha Pio nói với Đức Hồng Y rằng : Ngài sẽ làm giáo hoàng. Thấy Đức Roncalli bỡ ngỡ, Cha nhấn mạnh thêm : "Đức Hồng Y sẽ làm giáo hoàng". Quả đúng như vậy.

Chính Đức Giáo Hoàng đương kim Gioan Pholô II đã nói ở đầu bài giảng khi cử hành lễ Phong Chân Phước cho Cha Pio : "Khi còn là sinh viên ở Roma (1947) tôi đã có dịp quen biết Ngài cách riêng và tôi cảm tạ Chúa ban cho tôi hôm nay có cơ hội ghi ngài vào sổ các Chân Phước". Năm 1974, khi làm Hồng Y Karol Wojtyla về Roma tham dự khóa Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc Rao giảng Tin Mừng, đến thăm Cha Pio, Cha đã báo trước cho Đức Hồng Y sẽ được chọn làm giáo hoàng. Nhưng Đức Giáo Hoàng giữ kín cho tới khi lên ngôi. Lời tiên báo này đã giúp Đức Giáo Hoàng quyết định nhận ghế ngôi Toà Thánh Phêrô. Năm 1987, Đức Giáo Hoàng đã đến viếng và cầu nguyện trước phần mộ Cha Pio. Ngày 10-10-1983, khi gặp nhóm Cầu Nguyện của Cha Pio, Đức Gioan Phaolô II nói : "Tôi hân hạnh biết tại Roma đã có tới 2000 nhóm cầu nguyện theo tinh thần của cha Pio. Việc làm và hiện diện của qúi anh chị là nối liền đời sống đạo đức của Ngài. Là linh mục đã 50 năm chịu đau đớn vì Chúa Kitô. Cha đã âm thầm cầu nguyện mà giúp hàng ngàn người trở lại với Chúa. Tôi khuyên anh chị em, là người tín hữu hãy bắt chước Cha quan thày của mình mà cầu nguyện, cầu nguyện liên tục".

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết về cha Pio như sau : " Hãy noi gương Cha Pio. Một linh mục nổi tiếng được đông người đến xin hướng dẫn mọi việc. Ngài đâu có phải là nhà triết học hay uyên bác. Chỉ vì ngài đã cử hành Thánh lễ một cách khiêm cung, ngồi giải tội từ sáng đến tối. Ngài là hiện thân của Thiên Chúa vì được in Dấu Thánh của Chúa Cứu Thế. Một người cầu nguyện liên tục và chịu nhiều đau đớn nhất. Chúng ta vô cùng biết ơn Ngài. (Thư gửi cho Dòng Capucins, ngày 20-02-1971)

Những ngày cuối đời Cha mới thật đáng nhớ. Từ ngày 24-11-1966, đi lại thật khó khăn, Cha phải ngồi để làm lễ. Ngày 20-09-68, thánh lễ kỷ niệm 50 năm được in Năm Dấu là lễ cuối cùng trong đời Cha. Ngày 21-09, Cha không đủ sức làm lễ nữa, và chỉ rước Mình Thánh Chúa. Biết vậy, dân chúng bu quanh dưới đất nhìn lên căn phòng của Cha, chờ tin tức cuối cùng. Ngày 22-09, Cha xin xưng tội và lập lại lời khấn dòng. Bệnh xuyễn lên cao độ, làm cha khó thở... cha đi vào hôn mê, mắt đỏ hẳn lên, miệng lảm nhảm : Hôm nay Chúa gọi cha. .. Xin bạn bè thứ tha những lỗi lầm của cha... Các con hãy cầu nguyện cho linh hồn cha... Lời cuối cùng Cha kêu lên : Giêsu, Maria. Lúc 2 giờ 30 ngày 23-09-1968, Cha trút hơi thở cuối cùng. Ngày 26-09, trên 100.000 người đến viếng xác, và dự lễ an táng, thi thể Cha được chôn cất dưới chân bàn thờ, trong nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn (Notre Dame des Grâces). Nhà thờ do Cha xây cất trước đây. Theo di chúc để lại, viết từ 1923, cha mong muốn : "Tôi muốn nằm yên trong khoảnh đất nhỏ". Trên phần mộ chỉ có tấm bàng nhỏ khắc cây Thánh Giá, ghi đơn sơ : "Fracesco Forgione, sinh tại Pietrelcina, ngày 25-05-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo, ngày 23-09-1968".

Thời gian thu thập tài liệu cho án phong thánh kéo dài 7 năm. Các phiên họp đệ trình hồ sơ phong thánh và cứu xét kéo dài từ 20-03 đến 31-12-1983. Hồ sơ làm án cấp giáo phận kết thúc ngày 28-1-90, gồm 104 tập gồm chứng tích và chứng từ, gồm 7.000 trang. Nguyên các thư Cha viết theo lệnh của cha linh hướng gồm 4 tập : Tập thứ nhất gửi cho hai cha linh hướng. Tập hai viết cho một cha chuyên lo về hướng dận ơn gọi. Tập thứ ba viết cho các người phụ nữ cha nhận làm con thiêng liêng và tập thứ tư viết cho nhiều gia đình hoặc những người khác. Ngày 18-09-1997, Tòa Thánh tuyên nhận cha là "Bậc Đáng Kính". Hàng năm, vào tháng 9, dịp kỷ niệm Cha qua đời, hàng 100.000 khách hành hương đến San Giovanni Rotondo để viếng mộ và cầu nguyện. Một thánh đường xây cất tại đây ước lượng chứa được 7.000 người.

6. NHIỀU PHÉP LẠ

Có nhiều phép lạ chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của Cha Pio mà nhiều người được khỏi. Hội đồng y khoa đều xác nhận nạn nhân được khỏi là do quyền năng Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của Cha Thánh Pio. Theo thống kê, có tới 47 phép lạ khỏi bệnh khi người ta kêu cầu tới danh Cha Thánh. Các phép lạ dưới đây được báo chí, radio và vô tuyến truyền hình Ý trình bày lại trong tuần lễ phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Cha Pio :

Cô Mary Pyle, năm 1922, rất giàu có từ Mỹ đến thăm và tặng cha tiền bạc tu sửa tu viện ở Pietrecina và sau này xây cất bệnh viện San Gioavanni Rotondo. Cảm kích bởi lòng đạo đức của Cha, cô tình nguyện ở lại Ý giúp Cha công việc khui các thùng quà và thư từ gửi đến cho công việc từ thiện. Cô kể lại một lần kia các bác sỹ đã bó tay không mổ cho một bệnh nhân, vì thấy bệnh nhân đã hết phương cứu chữa. Cha Pio đến thăm và nói cứ mổ đi không sao đâu, và cha còn chỉ cho bác sỹ phải mổ thế nào tránh nguy hiểm. Mổ xong thấy kết quả ngoài dự liệu của y khoa, bác sỹ này đã điện thoại cho Cha và nói rằng Cha mổ chứ không phài con mổ. Sau đó hồ sơ y khoa về trường hợp mổ này được nghiên cứu. Hội đồng y khoa đã đi đến quyết định là trường hợp bệnh nhân nói trên được khỏi là "phép lạ". Từ đấy cha Pio có tên là "bác sỹ chuyên khoa mổ".

Bà Raffaelina bị bệnh nan y, được Cha cầu nguyện mà khỏi bệnh. Bà và chồng đã trở lại đạo. Bà sống đạo đức và chết tốt lành năm 1916. Ngày 30-04-1998, hội đồng y khoa bộ Phong Thánh nhìn nhận đây là trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ, khoa học không giải thích được.

Trong lễ phong Chân Phước cho Cha, người ta thấy sự có mặt của bà Consiglia De Martino. Bà là người làm việc nội trợ, năm bà 43 tuổi bị cơn bệnh hiểm nghèo, bà và gia đình đã cầu xin với thánh nhân và được khỏi trong 48 tiếng. Bà là người rất mộ mến thánh nhân và là thành viên trong nhóm Cầu Nguyện của Cha Pio. Ngày 21-12-1998 Bộ Phong Thánh ra sắc lệnh công bố tính cách khỏi bệnh buyền bỉ của bà Consiglia De Martino.

Năm 1947, cha đã chữa khỏi em Gemma Di Giorgi 8 tuổi ở Sicily, mù từ nhỏ, mắt không có con ngươi. Bác sỹ nói không có cách nào chữa em khỏi cả. Ngày 18-06, bà em dẫn em đến xưng tội với Cha và được Cha cho rước lễ lần đầu. Cha giơ tay ban phép lành và đụng vào hai mắt em. Mắt em em được thấy rõ mặc dầu không có con ngươi. Sau này cô Gemma đã đi tu và trở thành nữ tu đạo đức, sống tốt lành.

Năm 1962, khi Đức Gioan Phaolo II còn là Giám Mục phụ tá ở Kralow, bên Balan về Roma dự Công đồng Vatican II đã viết thư xin Cha Pio cầu nguyện cho người thân là bà bác sỹ Wanda Poltawska bị ung thư cỏ họng. Mười ngày sau, Đức Cha Karol Wojtyla viết thư cám ơn Cha Pio vì bà đã được khỏi. Bà đã là người làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về vấn đề gia đình.

Anh Frédérick Abresch nhân viên bán sách tại San Giovanni Rotondo được ơn trở lại và vợ được khỏi bệnh và sinh được con trai. Một hôm anh đến xưng tội với Cha. Anh rất bỡ ngỡ tại sao Cha lại biết hết được những tội tầy đình trong thời gian đi trăng mật với vợ, mà anh sợ không dám bộc lộ. Anh ăn năn và hối hận rồi xin với Cha là cho vợ anh đến gặp cha. Sau khi xưng tội, vợ anh cho biết là có căn bệnh bác sỹ nói phải mổ. Cha nói khỏi phải mổ cứ an tâm về. Và vợ anh đã khỏi bệnh và hai người lại có con trai. Người con trai nay đã làm linh mục.

Ông Alberto del Fante là nhà báo viết nhiều bài báo nói về Cha Pio. Một hôm ông đến xưng tội và tâm sự với Cha là bà vợ đang có thai, rất yếu và sợ không có sữa cho con bú. Cha an ủi và nói : "Đừng có lo, rồi bà ấy sẽ có đầy đủ mọi sự để nuôi con". Vợ ông đã mẹ tròn con vuông và đứa con bụ bẫm, kháu khỉnh.

Một bà cụ 70 tuổi, bị mù đã 16 năm và đau nhức nhiều vẫn theo học lớp giáo lý của Cha. Bác sỹ đòi mổ mắt cho bà. Động lòng thương, Cha đến thăm và ban phép Sức Dầu cho bà. Bà được khỏi. Gia đình hết sức vui mừng đi học giáo lý cả nhà và tình nguyện giúp Cha trong công tác bác ái.

Một hôm, cô Grazia, một người miền quê đến gặp Cha. Cô bị mù từ khi mới sinh. Cha hỏi : "Cô có muốn nhìn thấy không ? Cô khiêm nhường khôn khéo trả lời : Con muốn. Nhưng liệu khỏi rồi mắt này có làm cớ cho con phạm tội không ? Cha liền giới thiệu đem cô đến một bác sỹ Durante, người mổ rất giỏi. Trong khi mổ bác sỹ nhận thấy mình làm việc vô ích. Ông đề nghị bệnh nhân cầu cứu với cha Pio. Vợ bác sỹ cũng có mặt nói với chồng, thì cứ tin vào Cha Pio và mổ đi. Bác sỹ tập trung và mổ rất thận trọng. Ông mổ được một con mắt, Grazia nhìn thấy một, mổ tới con thứ hai cô nhìn rõ cả hai. Cô Grazia vội về San Giovanny cảm ơn Cha Pio. Cha yên lặng tươi cười nhìn cô. Cô xin Cha ban phép lành cho mình. Cha giơ tay làm dấu Thánh Giá trên cô. Cô lại giục thêm : Làm phép nữa đi, làm nữa đi. Cuối cùng Cha nói : "Ước gì con được hưởng đầy đủ phép lành này". Và Cha đã lấy nước đổ trên đầu và rửa tội cho cô.

Sinh viên Georgio Rinzivillo, 22 tuổi, đang nằm điều trị tại Catania trước ngày Cha Pio được phong Chân Phước, ngày 10-04-99, bị tai nạn xe hơi do người bạn lái, được đem vào nhà thương Maggiore Di Modica. Anh bị hôn mê cả tuần lễ. Y khoa coi như đã chết và quyết định rút máy trợ sinh ra. Cha mẹ anh đồng ý về quyết định số phận con mình và có ý định hiến cơ thể cậu cho cơ quan y tế xử dụng. Ngày 17-04-99,Theo lời yêu cầu của em bệnh nhân, là linh mục Enzo La Porto, dòng Capucins, hay vào thăm bệnh nhân ở nhà thương, Cha tìm đến thăm Georgio. Cha đem ra mớ tóc của Cha Pio cho bệnh nhân thấy, mà cha vẫn để trong mình như kỷ niệm. Anh Georgio liền cầm mớ tóc rồi cung kính hôn. Lập tức bệnh nhân tỉnh lại, mở mắt và khóc lên. Trước sự kiện này, gia đình, các bác sỹ, y tá và nhân viên nhà thương hết sức bỡ ngỡ và cho đó lá "phép lạ" Cha Pio đã làm.

Linh mục Gianmaria Cocommazzi dòng Phanxicô phụ trách thánh đường có phần mộ Cha Pio cho biết một em bé tên Matteo Colella, 6 tuổi, học lớp ba tiểu học, được khỏi bệnh sưng màng óc trầm trọng, sau khi hàng ngàn người cầu xin với Cha Thánh cho em được lành bệnh. Em được khỏi vào ngày 2-5-2000, trong thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ ở San Giovanni Rotondo, nhân dịp kỷ niệm một năm Cha Pio được phong Chân Phước. Năm ấy, em mới đang học ở trường, bị đau dữ dội, được chở cấp cứu vào ‘‘Trung tâm thoa dịu đau khổ’’. Cha mẹ em đã đến cầu nguyện trước mộ Cha Thánh và xin những người có mặt cầu nguyện chung với. Sau 2 ngày, em được khỏi. Các bác sỹ theo dõi bệnh tình em xác nhận em được khỏi là một phép lạ. Vì những ai mắc bệnh này hầu như không ai qua khỏi. Đây là phép lạ khiến cho việc phong Hiển Thánh cho Cha tiến hành mau chóng. Em Matteo, đã 9 tuổi, có mặt trong ngày phong hiển thánh cho Cha Padre Pio. Hôm đó em được rước lễ lần đầu.

Ngoài ra, Cha Thánh còn được Chúa thưởng cho nói tiên tri, xuất hiện hai nơi một lúc, nói thấu suốt tâm can nhưng người đến gặp. Cha có thể nhìn về tương lai, nói không cần phải mổ, sinh trai hay gái, đi tu dòng hay làm linh mục được hay không. Thời kỳ Cha bị giới hạn đi lại trong dòng, người ta thấy Cha xuất hiện ở Roma, Hoa kỳ và nhiều nơi trên thế giới để kịp thởi cứu giúp những người đau khổ. Vào thời đệ nhị thế chiến, nước Ý bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Máy bay Hoa Kỳ được lệnh thả bom khu vực Dòng ở San Giovanni Rotondo. Nhưng khi phi cơ bay lượn trên thành phố và chuẩn bị thả bom, thì một tu sỹ áo nâu hiện ra trước phi cơ. Các phi công cố thả bom rớt xuống, nhưng không có cách nào làm được. Làm như thế là Cha đã hứa với dân thành phố sẽ không bị tiêu hủy. Sau này khi căn cứ quân sự Hoa kỳ ở Foggia, cách San Giovanni Rotondo hơn một cây số, có một phi công trứớc đây thất bại trong việc thả bom tu viện, rất ngạc nhiên khi anh khám phá ra người tu sỹ xuất hiện trên không đạo là Cha Pio. Sau khi Cha qua đời, rất nhiều người đến viếng mộ Ngài, xin Ngài cầu nguyện và trở lại để tạ ơn. Chứng tỏ họ xin và được ơn do ngài rộng tay phù hộ. Người ta đọc được những lới xin khấn : "Xin cha chữa lành bệnh con, xin giúp con tìm việc làm, xin giúp con yêu Chúa như cha đã yêu Chúa. Xin hoán cải chồng con, cho con được chết lành, xin cha đem an bình đến gia đình chúng con..."

Phép lạ cuối cùng là "Năm Dấu Thánh" trên mình Cha đã biến trước hai hay ba tháng khi cha qua đời, không để lại vết thẹo trên da hay trong xương. Máu từ từ không rỉ ra nữa, miệng các Vết Đinh cũng khép lại. Riêng vết đau trên ngực, cạnh vú trái, thì biến đi ba ngày trước khi Cha qua đời. Có ba giả thuyết về sự lạ này :

- Có thể Cha đã xin với Chúa cất những "Vết Thánh" ấy đi. Bởi vì đó là những dấu tích cần giữ kín. Khi cha còn sống các Dấu này đã giúp và nâng đỡ Cha lướt thắng những đau đớn thể xác. Bây giờ chết, cha đâu còn đau đớn gì nữa.

- Cha đã nhận các Dấu Thánh cho chính Cha chớ không nhận cho người khác. Cuộc đời Cha gắn liền với Sự Thương Khó của Chúa Kitô trên đồi Golgotha. Như Chúa Kitô, sứ vụ này hoàn tất khi Cha không còn nơi trần gian. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng không còn dấu vết của các lỗ đinh đóng. Nên Chúa đã cất những "Vết Thương" này đi cho Cha.

- Cha Pio đã sống kết hợp với Chúa Kitô trên Thánh Giá. Như chính Chúa Cứu Thế sau khi phục sinh đã kết với Chúa Cha. Cũng vậy, Cha chết đi là về với Thiên Chúa. Làm mất đi những Vết Tích của sự sống trần gian là "ơn đặc biệt" Thiên Chúa dành cho Thánh Pio.

Đây mới là giả thuyết, còn trong vòng tranh cãi mà vẫn chưa khám phá được những "bí nhiệm " nơi con người Thánh Padre Pio. Nhưng có điều chắc chắn là Thiên Chúa đã dùng Thánh Nhân để nhắc nhở con người : Lời cầu nguyện, những đau khổ và hy sinh sẽ xóa tội chúng ta để sống trong tình yêu Thiên Chúa. Và kêu gọi thế giới : Hãy đổi mới tâm hồn và trở về với tình thương khoan dung của Thiên Chúa.

CHA THÁNH PADRE PIO LÀ AI ?

Không riêng gì dân chúng Roma, mà hàng triệu người trên thế giới ngưỡng mộ vị thánh thời danh này. Chính ngày phong thánh, 16-06-2002, tại giáo phận Tura, bang Meghalaya, bên Ấn Độ, đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây một nhà thờ, một bệnh viện ngoại trú và một trường học để kính nhớ Thánh Padre Pio Năm Dấu. Trong khi đó, giáo phận Roma có cuộc triển lãm chủ đề ‘‘Padre Pio, Ánh Sáng Vĩ Đại’’, trưng bày thánh tích, hình ảnh, dụng cụ cá nhân, trưng bày cả các khía cạnh khoa học về một số huyền nhiệm chung quanh cuộc đời linh mục của Thánh nhân.

Chúng ta đọc lại những chứng tứ dưới đây sẽ rõ con người của Cha Pio là người dùng lời cầu nguyện để làm bác ái thương người đau khổ.

Linh mục Gerardo di Flumeri, phụ tá cáo thỉnh viên của án phong Thánh cho Cha Pio nhận định : Cha Pio là vị thánh hợp với mọi người. Sứ điệp của Cha nhắn nhủ mọi người : hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện liên tục. Thật vậy, Cha Pio thích nói mình là thầy dòng cầu nguyện".

Đức Giáo Hoàng Phailo VI, sau khi Cha Pio mới qua đời được ba năm, ngày 20-02-1971 đã tiếp kiến các bề trên Dòng Capucins và khuyến khích : " Anh em hãy noi gương Cha Pio. Ngài lừng danh và được nhiều người đến xin hướng dẫn mọi việc. Không phải vì Cha là nhà hiền triết hay uyên bác gì. Cha cũng không phải là người tài giỏi gì hay có nhiều phương tiện truyền thông quảng bá. Cha chỉ là người dâng Thánh lễ một cách khiêm cung sốt sắng, ngồi giải tội từ sáng đến tối. Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, được Chúa chọn để in Năm Dấu Thánh Chúa Kitô. Quả thật, Cha Pio là người cầu nguyện và người của đau khổ". Cha Pio cũng là người hiểu biết Đức Phaolô VI hơn ai hết, khi Đức Giáo Hoàng ban hành Thông điệp Humanae Vitae (1968), bị người ta công kích. Cha Pio đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng, có đoạn : " Con biết lúc này Đức Thánh Cha đau khổ nhiều vì lợi ích Giáo Hội, mưu tìm hoà bình thế giới và chia sẻ với người nghèo. Con xin dâng lên Chúa những đau khổ riêng của con như đóng góp nhỏ bé, xin Chúa ban ơn an ủi và nhiều ân sủng cho Đức Thánh Cha".

Trong bài giảng lễ phong Chân Phước cho Cha Pio, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã trình bày đầy đủ về con người và lòng đạo đức thâm sâu của Cha Pio và xác nhận Thánh Nhân là hình ảnh sống động của Chúa Kitô : "Trên khuôn mặt của Cha Pio có chiếu dọi ánh sáng Phục sinh. Thân thể Ngài được in Năm Dấu Thánh cho thấy sự liên kết giữa sự sống và sự chết, đặc điểm của mầu nhiệm Phục Sinh. Đối với Chân Phước Padre Pio việc chia sẻ cuộc Tử Nạn có mức độ mạnh mẽ khác thường. Các đặc ân Thiên Chúa ban cho Ngài và những đau khổ bên trong là huyền bí theo các ơn này, làm cho Ngài sống một kinh nghiệm liên lỉ về các đau khổ của Chúa Kitô, trong ý thức bất biến là "Núi sọ là núi của các Thánh". Đức Thánh Cha nhấn mạnh Cha Pio là người đem lại tình thương cho mọi người : "Với nhà thương nơi nâng đỡ những đau khổ, Cha đã muốn chứng tỏ rằng các phép lạ hằng ngày của Thiên Chúa phải được thực hiện qua đức bác ái của chúng ta. Cần phải sẵn sàng chia sẻ và phục vụ quảng đại cho anh em mình, bằng việc xử dụng khả năng y khoa và kỹ thuật ".

Tuyên phong Chân Phước Padre Pio lên hàng Hiển Thánh, Giáo Hội muốn nêu cao lần nữa sự thánh thiện luôn có và mới mẻ. Để trả lời dư luận cho rằng sống đạo đức thánh thiện trong thời đại này là lỗi thời, là phản khoa học và đi ngược lại với văn minh. Sự thánh thiện nơi con người trần gian là sự chiếu rọi nơi nguồn thánh của Thiên Chúa. Gương thánh nhân để lại cho chúng ta là cầu nguyện và bác ái. Theo ngài, cầu nguyện là cơ bản của người kitô hữu, sẽ dẫn chúng ta kết hợp với Thiên Chúa và tiếp theo là bác ái. Sứ điệp của Thiên Chúa muốn gửi cho nhân loại qua Ngài: "Cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa và từ đó dễ dàng đi đến thực hành bác ái ?" (giaoxuvn.org)

-----------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

- Nguyệt san Il est vivant l'essentiel de la vie. Avril 1999

- Nguyệt san FEU ET LUMIÈRE số 172. Avril. 1999

- Jean Derobert, PADRE PIO TRANSPARENT DE DIEU. Hovine s.p.r.l. Belgique, 1987

- Joachim Bouflet, PADRE PIO Des foudres du Saint-Office à la splendeur de la vérité. Presse de la Renaissance. Paris. 2002.

- Luigi Peroni, PADRE PIO, St. François du XXe siècle. St. Augustin 1999

- Maria Winowska, LE VRAI VISAGE DU PADRE PIO. Fayard 1999

- Eurico Malatesta, PADRE PIO, un prête sous le pieds de la croix. François Xavier de Guibert 1999

- Yves Chiron, Padre Pio le stigmatisé. Perrin 1994