Ngày khai mạc Năm Thánh Thương Xót, 8 tháng 12, ngoài việc trùng hợp với việc kỷ niệm năm thứ 50 ngày kết thúc Công Đồng Vatican II và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, còn có liên hệ với một chủ đề rất thân thiết đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tác giả của Thông Điệp Laudato Si’, đó là môi trường. Nó diễn ra trong khi Hội Nghị Thượng Đỉnh về Thay Đổi Khí Hậu tại Paris sắp bước vào những ngày cuối cùng, trước khi một hiệp ước sẽ được ký kết giữa các vị nguyên thủ quốc gia của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ hoàn cầu dưới mức 2 độ bách phân so với nhiệt độ trước cách mạng kỹ nghệ.

Chiếu hình môi trường tại Nhà Thờ Thánh Phêrô

Chính vì thế, biến cố lớn cuối cùng của ngày khai mạc Năm Thánh Thương Xót tại Vatican chính là màn biểu diễn ánh sáng lấy mặt tiền Nhà Thờ Thánh Phêrô làm phông chiếu hình. Buổi trình diễn này có tên là “Fiat Lux [hãy có ánh sáng]: Thắp Sáng Căn Nhà Chung Của Chúng Ta”, lấy hứng từ Thông Điệp Laudato Si’. Các hình ảnh thú vật (nhiều loài đang bị đe dọa diệt chủng), cảnh thiên nhiên và nhiều hình ảnh khác, của các nhiếp ảnh gia và các nhà làm phim chủ nhân ái và yêu thiên nhiên nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay, đã được chiếu lên cho thấy tính mỏng dòn của môi trường.

Buổi trình diễn kéo dài ba tiếng đồng hồ trên được sự bảo trợ của Nhóm Ngân Hàng Thế Giới. Chủ Tịch của nhóm này, Jim Yong Kim, nhận định: “chúng tôi hân hạnh được làm việc với Vatican để gây ý thức đối với một vấn đề hết sức quan yếu liên quan tới mục tiêu chung của chúng ta là chấm dứt cảnh nghèo cùng cực. Các dân tộc nghèo nhất trên thế giới đang chịu ảnh hưởng một cách quá chênh lệch các hiệu quả của việc hâm nóng khí hậu và là những người dễ trở thành nạn nhân nhất của các thiên tai và khí hậu khắc nghiệt. Sáng kiến gây ấn tượng này sẽ làm thế giới lưu ý tới việc khẩn cấp phải giải quyết việc thay đổi khí hậu vì lợi ích các dân tộc và hành tinh ta”.

Nhận định về biến cố trên, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, cơ quan có nhiệm vụ điều hợp Năm Thánh Thương Xót, nói rằng biến cố này “nhằm trình bầy vẻ đẹp của sáng thế’ trong khi Hội Nghị Thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về Thay Đổi Khí Hậu đang diễn ra tại Paris.

Cầu nguyện cho Hội Nghị Thượng Đỉnh Paris về thay đổi khí hậu

Cũng nên nhớ: trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm thứ Tư, 6 tháng 12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện cho Hội Nghị Thượng Đỉnh về Khí Hậu tại Paris và lặp lại câu hỏi từng được ngài nêu lên nhiều lần: Ta muốn để lại cho con cháu ta loại thế giới nào? Ngài cho hay: “vì căn nhà chung của chúng ta và vì các thế hệ tương lai, mọi cố gắng cần được thực hiện ở Paris để giảm thiểu tác động của việc thay đổi khí hậu, và đồng thời, để giải quyết nạn nghèo đói và để nhân phẩm được nở rộ”.

Ngài quả quyết: “Hai chọn lựa sau đây luôn đi đôi với nhau. Ngưng thay đổi khí hậu và kiềm chế cảnh nghèo để nhân phẩm nở rộ”. Ngài yêu cầu mọi người cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tất cả những ai đang được kêu gọi đưa ra các quyết định dứt khoát và ban cho họ “lòng can đảm biết luôn sử dụng thiện ích lớn hơn của gia đình nhân loại làm tiêu chuẩn quyết định”.

Đức Hồng Y Turkson lên tiếng tại Hội Nghị Thượng Đình Paris

Trong khi đó, tại Paris, ngày 9 tháng 12, hai ngày trước khi Hội Nghị Thượng Đỉnh bế mạc, đại diện của ngài là Đức Hồng Y Peter Turkson lên tiếng thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới “phải hành động” và làm việc trong tinh thần liên đới để đạt cho được thỏa ước chống lại việc hâm nóng hoàn cầu trước khi quá trễ.

Đức Hồng Y nói rằng “hiện có nhiều nguy cơ đối với mọi quốc gia. Sự tiến bộ lâu nay quá dựa vào năng lượng hóa thạch, có hại cho môi trường. Đã đến lúc phải hành động”.

Ngài nhấn mạnh thêm rằng “như nhiều khoa học gia và kinh tế gia vốn cảnh cáo, càng chần chờ lâu hơn chúng ta sẽ càng khó khăn hơn trong việc chỉnh sửa các điều kiện của môi trường, và việc chần chừ này càng gây ra nhiều tai hại và đau khổ hơn nữa”.

Theo Đức Hồng Y Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, dù không ai có quyền tước đoạt khỏi các thế hệ tương lai cơ hội sống trên trái đất, nhưng “bất hạnh thay, việc này là một khả thể khủng khiếp và càng ngày càng thấy nó có thể xẩy ra hơn”. Lý do: “thay vì cẩn trọng đối với căn nhà chung, chúng ta đã rất bất cẩn. Tai hại phát sinh từ các quyết định kinh tế và chính trị vị kỷ, thiển cận. Hậu quả, tiếng kêu than của người nghèo và người bất hạnh nay đang hòa cùng tiếng rên rỉ của địa cầu. Những người bị nước biển dâng cao cuốn đi nhà cửa và kế sinh nhai, hay bị hạn hán biến thành tro bụi, họ sẽ đi về đâu?”

Các cuộc thảo luận cấp cao đang diễn ra bên lề các cuộc thương thuyết chính của 195 quốc gia, nhằm đạt được một thỏa ước hoàn cầu nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch và việc thải khí cácbon nhiều nguy hiểm.

Hội Nghị Thượng Đỉnh về Thay Đổi Khí Hậu tại Paris bắt đầu ngày 30 tháng 11 và sẽ kết thúc ngày 11 tháng 12 này. Các nhà tranh đấu ủng hộ một thỏa ước có thể giới hạn các nguồn năng lược hóa thạch trong khi bảo vệ người nghèo, nhưng họ tường trình rằng hiện có nhiều trở ngại đối với mục tiêu này, trong đó có vấn đề bồi thường các quốc gia nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc thay đổi khí hậu, và vấn đề nhân quyền.

Nhân cơ hội này, Đức Hồng Y Turkson trích dẫn Thông Điệp Laudato Si’ của Đức Phanxicô, là thông điệp phê phán chủ nghĩa tiêu thụ và các thiệt hại mà nó cũng như việc phát triển vô trách nhiệm gây ra cho môi trường và người nghèo. Thông điệp này kêu gọi việc thay đổi tâm hồn để bảo vệ trái đất và các cư dân của nó.

“Mọi sự đều được liên kết qua lại với nhau, và … ta không thể tách việc chăm sóc đích thực đối với đời sống ta và các mối liên hệ của ta với thiên nhiên ra khỏi tình bằng hữu, công lý và lòng trung thành với người khác”. Đức Hồng Y trích dẫn như thế, rồi liệt kê các thách đố khác nhau mà một thỏa ước công chính về khí hậu phải bao hàm, trong đó, có việc tổng hợp các nhận định dị biệt của các quốc gia có liên hệ với các cuộc thương thuyết ở Paris liên quan tới tài chánh, kỹ thuật, khả năng xây dựng và khoa học môi trường.

Ngài nói thêm: “Do đó, nhiệm vụ khoa học và ngoại giao của chúng ta rất lớn lao. Xin chúng ta đừng sa vào chỗ chỉ biết bảo vệ các quyền lợi hẹp hòi hiện nay”.

Ngài cám ơn mọi người từ trước tới nay từng lên tiếng, cầu nguyện và thúc đẩy cho nền công lý về khí hậu, đặc biệt là hàng chục ngàn người khắp thế giới từng tham gia các cuộc diễn hành và tụ tập về thay đổi khí hậu. Ngài nói: “Vì tất cả chúng ta đều có thể và quả thực phải cố gắng hơn nữa để biến đổi chúng ta bằng cách hoán cải môi trường… Điều cần hợp nhất mọi người là một khuôn khổ chung về ích chung và tình liên đới. Các đức tính này là điều không thể thiếu đối với bất cứ sự biến đổi nào, bất cứ cam kết hữu hiệu nào để thay đổi. Rất có thể việc thiếu sự hướng dẫn và động lực đạo đức này đã khiến cho các cuộc thương thuyết hiện nay trở thành khó khăn”.

Ngài đề nghị: các quốc gia thải nhiều khí nhà kính nhất và hưởng lợi nhiều nhất nhờ việc này nay nên dẫn đầu và đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết hơn là các quốc gia mà mức sống mới bắt đầu được gia tăng.

Dựa vào các tính toán của các chuyên gia, từng cho rằng các đầu tư khắp thế giới vào năng lượng sạch nên vào khoảng 2 ngàn tỉ một năm kể từ nay cho tới năm 2030, ngang với mức chi tiêu quân sự hàng năm của thế giới, Đức Hồng Y phỏng đoán rằng “rõ ràng, vấn đề không còn là ‘nền kinh tế có thể đài thọ được không?’ cho bằng ‘Các ưu tiên của chúng ta là gì?’”.

Theo ngài, điều ngài gọi là một tinh thần đối thoại chân chính và xây dựng là điều chủ yếu tại Hội Nghị Paris mới mong đạt được một thỏa ước công chính về khí hậu. Ngài nói rằng đối thoại là con đường biến cải: tái khám phá nhân phẩm và khởi đầu lại như là anh chị em. Nhờ việc tăng cuờng đối thoại, ta sẽ khám phá được cách ngăn ngừa tranh chấp và xây dựng hòa bình.

Dự thảo mới của thỏa ước đã được công bố

Các nhà thương thuyết vừa cho công bố một dự thảo mới và ngắn hơn của thỏa ước chống việc hâm nóng địa cầu. Dự thảo này cắt bỏ nhiều câu hỏi được nêu ra trước đây nhưng vẫn để nhiều vấn đề then chốt không được giải quyết.

Ngoại trường Pháp Laurent Fabius cho hay các nhà thương thuyết đã tiến tới chỗ thoả thuận được nhiều điểm bế tắc, trong đó, có việc phải xác định ra sao nghĩa vụ của các quốc gia trong các giai đoạn phát triển khác nhau của việc chống thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều việc vẫn còn cần được thực hiện.

Dự thảo không giải quyết vấn đề mục tiêu dài hạn của thoả ước: liệu nó có loại bỏ việc thải khí cácbon hoàn toàn khỏi nền kinh tế không hay chỉ giảm thiểu việc này mà thôi.

Nó cũng không giải quyết việc liệu các chính phủ có nhắm việc giảm nhiệt độ hoàn cầu ở mức 1.5 độ bách phân so với thời tiền kỹ nghệ hoặc gần mức 2% hơn hay không.

Dự thảo cũng không giải quyết việc phải áp dụng trên thực tế như thế nào các “trách nhiệm chung nhưng dị biệt hóa” của các nước. Các nước giầu như Mỹ thì nhấn mạnh tới chữ “chung” vì dù các nước phát triển gây ra việc hâm nóng địa cầu, nhưng hiện nay, các nước đang phát triển chịu trách nhiệm tới 2 phần 3 các vụ thải khí cácbon. Các nước nghèo thì nhấn mạnh tới chữ “dị biệt hóa” vì về phương diện lịch sử, họ không chịu trách nhiệm đối với vấn đề này. Vì thế, họ muốn thoả ước nhấn mạnh rằng họ cần nhiều trợ giúp về tài chánh và kỹ thuật để đạt được các mục tiêu.

Liên quan tới các năng lượng hóa thạch, mục tiêu dài hạn có nên “hoàn toàn không thải khí nhà kính”, “trung tính khí hậu” hay “phi cácbon hóa”? cũng chưa được giải quyết. Những nước sản xuất dầu như Saudi Arabia và Venezuela lẩn tránh hạn từ “phi cácbon hóa” vì chữ này hàm nghĩa phải vĩnh viễn và nhanh chóng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch nữa, dù các nhà khoa học nói chung nhất trí rằng nền kinh tế thế giới buộc phải hoàn toàn chuyển qua các nguồn năng lượng có thể đổi mới được.

Cả các biện pháp “đo lường được, tường trình được và kiểm chứng được” được Hoa Kỳ thúc đẩy rất mạnh cũng chưa được thỏa thuận. Và đây là điểm bế tắc chính. Thiếu một chính phủ hoàn cầu, thoả ước Paris lần này cũng chỉ biết dựa vào hệ thống danh dự mà thôi. Nhưng Ngoại Trưởng Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu muốn có một hệ thống theo dõi chặt chẽ, dựa vào cơ sở dữ liệu (data-based) đàng hoàng để thế giới biết nước nào không đạt mục tiêu. Nhiều nước khác phản đối phương thức này.

Người ta sợ rằng rồi ra thỏa ước Paris lần này cũng không khác bao nhiêu so với các thỏa hiệp trước đây về thay đổi khí hậu.