Qui tụ nhau lại và được sai đi:

Tài liệu Đại Công Hội Tổng Giáo Phận Los Angeles, 2003 - Bản tóm lược

Thời nay hiện đang là thời điểm thách đố cho Giáo Hội Công Giáo. Không chỉ vì chúng ta đang phải đối diện với những thực tại không chắc chắn mới và một thế giới triền miên xung đột, nhưng chúng ta còn phải tranh đấu tìm ra những con đường làm sao có thể mở vòng tay đón nhận ôm ấp được chính sự khác biệt văn hóa riêng của chúng ta nữa. Có những lúc chúng ta bị đối diện với những gương mù và những tin tức tiêu cực về các vị lãnh đạo của chúng ta. Và rồi con số thống kê hôm nay làm sửng sốt: người Công giáo không tham phần, hay là số người Công giáo thụ động hiện là “thành phần tôn giáo” lớn nhất trong tại Hiêp Chúng Quốc Hoa Kỳ ngày nay. Thực trạng này vừa là một thách đố nhưng cũng đồng thời là một cơ hội ý nghĩa cho Giáo Hội. Hơn thế, sự sa sút trầm trọng về con số ơn kêu gọi cho thấy chúng ta không thể chỉ tựa vào hàng giáo sĩ có chức thánh hoặc các tu sĩ khấn dòng mà giải đáp được những vấn đề đang đối đầu với chúng ta hôm nay và cho tương lai được.

Những thách đố đáng kể này đòi hỏi những cách thế mới. Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh trong Năm Thánh 2000, Đức Hồng Y Roger Mahony đã triệu tập Đại Công Hội của Tổng Giáo Phận Los Angeles để khai triển những nan đề nêu trên. Trong thư mục vụ tiếp theo sau, với tiêu đề ‘Như tôi đã làm cho anh chị em’, Đức Hồng Y và các linh mục đã kêu gọi một cuộc tái định hướng về lối suy tư mục vụ cũng như cách thực hành mục vụ của chúng ta, Trong phần kết lá thư, Đức Hồng Y kêu gọi toàn thể Dân Chúa - giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ - giúp ngài soạn thảo một kế hoạch tông đồ mục vụ cho thập niên tới.

Đại Công Hội Tổng Giáo Phận đã là một cơ hội rất hi hữu nhằm lãnh trách nhiệm cho tương lai của Giáo Hội. Trong suốt diễn tiến của Đại Công Hội, các mối quan tâm của dân chúng thuộc các giáo xứ của chúng ta đã được lắng nghe và trân trọng. Bước tiên quyết trong tiến trình này là sự lắng nghe thực sự: bất kỳ người nào muốn phát biểu ý kiến của mình trong các cuộc hội đàm, dù họ thuộc thành phần ngôn ngữ, địa vị, hay bối cảnh văn hóa nào chăng nữa thì cũng được phát biểu. Những ý kiến này tiếp theo sau được phân định và tổ chức có hệ thống thành một bản gồm các dự án đã được đề nghị. Thế rồi, các đại biểu từ mỗi xứ đạo, và cuối cùng là đại biểu của Đại Công Hội, đã triển khai và xếp ưu tiên các mục tiêu được đệ trình và các sách lược đáp ứng cho các vấn nạn đã được nêu lên. Những cuộc bàn luận trong một bầu khí suy tư và cầu nguyện đã liên tiếp xẩy ra trong thời gian kéo dài 20 tháng trời, được ơn Chúa Thánh Thần tác động trong tâm trí và trong trái tim rộng mở. Thành quả của Đại Công Hội mà Đức Hồng Y đã ký và đã tuyên cáo thành qui luật trong nghi lễ phụng vụ công khai vào ngày 6 tháng 9 năm 2003, đã phản ánh những quan tâm của toàn thể Dân Chúa: giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ. Sau đây là những thành quả được tóm lược với sáu sáng kiến mục vụ như sau:

I. Phúc Âm Hóa và “Phúc Âm Hóa Mới”. Mỗi một người Công Giáo đã lãnh nhận phép Rửa Tội đều được kêu gọi để tham phần vào sứ mạng của Đức Kitô qua việc Phúc Âm Hóa (Truyền Giáo), tuyên giảng bằng lời nói và hành động về Nước Thiên Chúa. Ý định của Thiên Chúa cho thế giới bây giờ và trong tương lai, cho những người đã nghe và những ai đã nghe trước đó. Đàng khác việc “Phúc Âm Hoá Mới” trọng tâm vào việc khơi dậy lại đức tin của tất cả các người Công Giáo, đặc biệt những ai không còn thực hành đạo trong Giáo Hội nữa. Đây là nhu cầu cần phải giang tay vươn rộng ra hơn tới mọi thành phần, và đồng thời cần việc nhìn vào nội tâm hoán cải, điều này được nói lên rất rõ nét trong các cuộc hội thảo xuyên suốt qua các xứ đạo. Do đó, một kế hoạch tông đồ cụ thể cho việc “Phúc Âm Hóa Mới” sẽ được khai triển trên bình diện Tổng Giáo Phận cũng như sẽ được áp dụng tại mỗi xứ đạo. Điều này đòi hỏi việc dành ra ngân khoản và phân định ưu tiên các nguồn lực tại mỗi cấp (giáo xứ, hạt, miền, và tổng giáo phận) và tất cả các cấp đều phải chung nhau làm việc hầu đưa ra được những mô thức hiệu năng cho “Phúc Âm Hóa Mới”. Trong viễn tượng này việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện toán và không điện toán (TiVi, truyền thanh, internet và in ấn) sẽ là phần quan trọng trong việc thực thi sáng kiến này.

II. Các cơ chế cho việc Tham Gia và Kiểm Soát. Các cơ chế của đời sống Giáo Hội và việc Quản trị cần phải được đổi mới hầu cho phép sự tham gia tối đa của mọi thành phần trong tiến trình quyết định và lãnh nhận trách nhiệm về sứ mạng của Giáo Hội. Tất cả đều được kêu gọi tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội: giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ, những người thuộc các bối cảnh văn hóa, trình độ xã hội khác nhau, những người khỏe mạnh và những người tàng tật cũng vậy. Để mục tiêu này được thực hiện, các Giám Mục Miền sẽ được ủy quyền, giám thị, được các nguồn tài nguyên hầu quản trị điều hành Miền Mục Vụ của mình cách hiệu lực. Thêm vào đó, Hội Đồng Mục Vụ Miền sẽ được thành lập trong mỗi Miền hầu đáp ứng với những mục tiêu chung, các quan tâm, thách đố, và chia sẻ các nguồn tài nguyên. Một cuộc nghiên cứu học hỏi thấu suốt về việc góp chung các giáo xứ lại, hay liên kết giáo xứ với nhau, và việc thành lập các xứ mới sẽ được điều nghiên hầu tìm ra những giải pháp tốt nhất cho việc sử dụng tốt về nhân lực các giáo sĩ cũng như các thừa tác viên giáo dân.

III. Tiếp tục Giáo Dục và Huấn Luyện: Người Lớn, Người Trẻ và Giới Trẻ. Một trong những đề tài được nhắc đi nhắc lại qua các cuộc tham luận tại các giáo xứ là nhu cầu cần bồi sức cho mỗi người Công Giáo với sự hiểu biết sâu xa và biết ơn về chính truyền thống đức tin của mình, và như vậy có khả năng truyền đạt tới cho những thế hệ mai sau. Truyền thống đức tin của chúng ta và việc hành đạo được thấm nhuần trong niềm hăng say và hành động cho công lý như một diễn tả về kinh nghiệm của chúng ta có về Đức Kitô. Như vậy, trải khắp trong tổng giáp phận, việc giáo dục tôn giáo hiệu năng và các chương trình đào tạo đức tin cần phải được cung ứng cho mọi lứa tuổi. Những chương trình đào tạo đức tin này gồm có học hỏi Thánh Kinh, tạo cơ hội cho việc hiểu biết thần học, tạo cho mỗi cá nhân biết ý thức tầm quan trọng của các bí tích, việc giáo dục về công lý xã hội, kính trọng sự khác biệt, tu đức và linh hướng. Cũng vậy, trong mỗi Miền Mục Vụ, cần có những chương trình đặc biệt cho các thanh thiếu niên, và có thể thì cũng cần thiết lập các chương trình này trên bình diện liên giáo xứ, hỗ tương chia sẻ với nhau các nguồn tài nguyên và nhân sự, hầu cung ứng việc đào tạo đức tin cho các thanh thiếu niên.

IV. Thừa Tác Vụ tông đồ và Lãnh Đạo: Giáo dân, Người sống đời Thánh hiến, Người có Chức Thánh. Ơn gọi làm tông đồ và lãnh đạo được ban cho nhờ qua ân sủng của bí tích Phép Rửa. Chính khơi nguồn từ đây mà tất cả các hình thức lãnh đạo trong Giáo Hội được hình thành. Vai trò của các người chịu chức thánh sẽ tiếp tục giữ vai trò sống còn, thế nhưng cũng có nhiều hình thái tác vụ khác cho giáo dân và các người sống cuộc sống thánh hiến có thể đảm trách, mà không chỉ giới hạn riêng cho hàng giáo sĩ mà thôi. Do vậy, tiến trình tham thảo từ mọi cấp trên bình diện của Tổng giáo phận cần phải thiết lập để có sự cộng tác tốt đẹp hơn giữa giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ. Một cách đặc biệt, một kế hoạch huấn luyện chung gồm giáo sĩ có chức thánh và lãnh đạo giáo dân biết chia sẻ tiến trình đi đến việc quyết định chung cần được thể hiện. Một “Trường học về Tác Vụ Tông Đồ cho Giáo Dân” hay hình thái tương tự cần được thiết lập tại mỗi Miền Mục Vụ để huấn luyện giáo dân trong giáo xứ tham gia vào các tác vụ khác nhau. Cuối cùng, vai trò của giới phụ nữ cũng cần tham phần một cách bình đẳng mọi khía cạnh trong hàng lãnh đạo Giáo Hội, nghĩa là trong điều hành, và trong các tác vụ mà tín điều Giáo Hội không hạn chế vai trò của họ. Mục tiêu là việc dấn thân sâu sắc hơn làm chứng nhân, vào phụng tự và phục vụ.

V. Thánh Thể và Sống Bí Tích. Là người Công Giáo, chúng ta lãnh nhận Mình Thánh Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể để trở thành Thân Thể Đức Kitô cho việc biến hóa thế giới. Các đại biểu trong Đại Công Hội đều nhận định cách rộng rãi rằng kinh nghiệm phụng tự của chúng ta là tâm điểm cho cội rễ tiếp tục của đức tin chúng ta. Như vậy, mỗi giáo xứ cần đặt ưu tiên cho việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật như là cơ hội tiên quyết và dịp may cho việc tái sinh đời sống thiêng liêng của cộng đồng, và theo đó, tạo cơ hội cho việc tham gia trọn vẹn và tích cực của người tín hữu. Cũng thế, khi mà tình trạng sút giảm số linh mục trong Tổng giáo phận gia tăng thì lại cần khai triển một kế hoạch hầu đáp ứng nhu cầu cho dân chúng về các nghi lễ và cử hành bí tích. Để hỗ trợ hai mục tiêu này, cần khai triển những qui định hướng dẫn của Tổng giáo phận và đưa ra thực thi hầu bảo đảm cơ hội cho người Công giáo được lãnh nhận Thánh Thể, họp nhau cầu nguyện, cử hành các bí tích và các nghi lễ phụng tự khi không có linh mục hiện diện. Tất cả các giáo sĩ chịu chức thánh cũng như thừa tác viên giáo dân cần tham gia đều đều và tiếp tục thường xuyên các khóa học về giảng dậy và phụng tự một cách chính qui.

VI. Công Lý Xã Hội: Sống phụng vụ cho Nước Chúa. Trong khi làm việc cho công lý, chúng ta xây dựng thế giới trong đó tất cả đều có thể thăng tiến trưởng thành lên - với quan tâm đặc biệt tới người nghèo, người yếu thế, người bị thương tích mọi cách, như Phúc Âm đã chỉ dạy chúng ta. Do đó, cần phải cổ võ sự cộng tác các thể chế cả đạo lẫn đời, ở mọi cấp, hầu thăng tiến giá trị đời sống trong cộng đồng địa phương của mình. Thêm vào đó, cần có sự phân phối các tài nguyên sẵn có một cách cân xứng công bằng hơn (về mặt tài chánh và nhân sự) hầu giúp những giáo xứ và các trường học nghèo hơn, để trong suốt cả tổng giáo phận, các nơi này cũng có cơ hội thực thi những mục tiêu nêu trên. Các giáo xứ cần cung ứng mục vụ công lý xã hội hầu nâng trình độ ý thức của giáo dân bằng giáo dục, truyền thông tin tức cho họ về các mối quan tâm công lý xã hội. Trên bình diện Tổng giáo phận, cần thiết lập cơ cấu lương bổng hầu có thể cung ứng tiền lương cho cuộc sống phải lý và các lợi ích kèm theo cho tất cả các nhân viên của Giáo Hội.

Cơ cấu thực hiện mới được thành hình này sẽ bảo đảm rằng hình thái tổ chức, các tiến trình và các nguồn tài nguyên phải được đâu vào đó, hầu thực thi những kết được đề ra của Đại Công Hội. Các Sáng Kiến Mục Vụ kêu gọi một cuộc đổi mới ý nghĩa trong tư duy cho chúng ta, mang ý nghĩa đích thực là một cộng đồng đức tin. Mỗi người trong chúng ta nhận trách nhiệm cho công ích chung của Giáo Hội Công Giáo. Chính qua việc qui tụ các tài năng rộng rãi và các nguồn tài nguyên giữa chúng ta với nhau mà chúng ta có thể đảm bảo rằng công việc của Đại Công Hội được hiện thực và mang tới thành quả trong mọi cộng đồng địa phương của chúng ta.

Muốn các chi tiết thêm về Đại Công Hội @2003, xin xem tài liệu Gathered and Sent: Documents of the Synod of the Archdiocese of Los Angeles 2003 (Chicago: Liturgical Training Publications, 2003)