LỄ KÍNH THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Theo dõi tin tức, chúng ta thường bắt gặp những cuộc bầu cử diễn ra đây đó trong nước hoặc trên thế giới: bầu cử tổng thống, bầu cử chủ tịch nước, bầu cử bề trên, bầu cử người đại diện.v.v…lí do là vì mỗi nhà nước, mỗi tổ chức, mỗi cộng đoàn đều cần có người lãnh đạo. Giáo Hội cũng là một tổ chức, và là một tổ chức đặc biệt hơn hẳn các tổ chức khác, nên Giáo Hội cũng cần có người lãnh đạo. Ngay từ đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã tuyển chọn những nhà lãnh đạo. Nhóm 12 được coi là nhóm đầu tiên, nhóm nòng cốt, mà Chúa Giêsu chọn gọi. Đứng đầu nhóm này là ông Simon còn gọi là Phêrô, vị thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Thánh Phêrô là một ngư phủ,“một người không có chữ nghĩa và thuộc giới bình dân”(Cv 4,13). Phêrô chẳng những có nghề nghiệp mà còn có vợ, có con. Nghĩa là ông đã yên bề gia thất, tưởng chừng như không có gì thay đổi nữa. Thế nhưng, khi Đức Giêsu đến kêu gọi, Phêrô đã bỏ mọi sự mà đi theo Người. Cuộc đời của Phêrô bước sang một giai đoạn mới, từ nghề “đánh bắt cá” trở thành nghề “đánh bắt người”.

Giáo xứ chúng ta nhận Thánh Phêrô làm bổn mạng, mặc dầu Giáo Hội mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô nhưng tôi chỉ xin được gợi ý chia sẻ mấy điểm sau đây liên quan đến vị Thánh bổn mạng của chúng ta:

Trước hết, về tính tình của Thánh Phêrô:

Tính tình của Ngài thuộc loại sôi nổi, bộc trực, phản ứng nhanh nhẹn.

Khi thấy Chúa Giêsu đi được trên biển hồ, Phêrô xin Chúa rằng : “Nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến với Thầy” (Mt 14,28).

Khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người lần đầu tiên, Phêrô đã kéo Người ra và can ngăn Người. Phêrô làm thế, là vì ông chưa hiểu ý nghĩa về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mặt khác, ông còn nuôi ý tưởng về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, đánh đông dẹp bắc, giải phóng Israel khỏi ách nô lệ. Nói chung, ông còn nhìn tất cả với con mắt phàm tục.

Tại biển hồ Tibêria, sau một đêm vất vả mà không đánh bắt được con cá nào. Chúa Giêsu bảo các ông thả lưới bên phải thuyền. Các ông vâng lời và đã bắt được rất nhiều cá. Thánh Gioan bảo với Phêrô: “Chúa đó”. Phêrô không chờ đồng môn, không chờ thuyền mà vội vàng mặc áo, nhảy xuống biển bơi vào bờ gặp Đức Giêsu (x, Ga 21,7).

Sau khi chứng kiến cuộc biến hình trên núi Tabor, Phêrô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." (Mt 17,4).

Trong bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Các môn đệ khác cứ để yên cho Thầy rửa mà không có phản ứng gì. Còn Phêrô phản ứng ngay : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13,8). Thế nhưng sau khi nghe Chúa Giêsu giải thích: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”(Ga 13,9) thì Phêrô lại tỏ ra hăng hái xin Chúa Giêsu rửa thêm cả tay và đầu nữa.

Tại vườn Cây dầu, khi thấy Giuđa, kẻ phản bội, dẫn một toán lính đến bắt Chúa Giêsu. Để bảo vệ Thầy, Phêrô lấy thanh gươm mang sẵn chém đứt tai một người đầy tớ (x. Mc 14,46).

Thứ hai, vai trò của Thánh Phêrô trong nhóm 12:

Ngài luôn đứng đầu, đại diện cho nhóm 12 trả lời những câu hỏi của Chúa Giêsu hay đặt ra những cây hỏi để Chúa Giêsu trả lời.

Tại địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, sau khi thăm dò dư luận nghĩ gì về mình, Chúa Giêsu hỏi nhóm 12: “còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Đây không chỉ Phêrô thay mặt nhóm 12 trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu mà còn là lời tuyên xưng đức tin. Vì vậy, Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô, đồng thời trao cho Phêrô nhiệm vụ quan trọng là người đứng đầu Hội Thánh: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".(Mt 16, 17-19)

Khi Chúa Giêsu giảng dạy về bí tích Thánh Thể, một số môn đệ đã phản ứng ra mặt "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”(Mt 6,6). Số khác bỏ Chúa Giêsu mà đi. Chúa Giêsu quay lại hỏi nhóm 12: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? "(Mt 6, 67). Phêrô đã trả lời một câu hết sức tuyệt vời : "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."(Mt 6, 68-69).

Sau khi chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và chàng thanh niên giàu có, nhất là lời khẳng định của Chúa Giêsu “người giàu có khó vào nước trời” (x. Mt 19,16-26), Phêrô đã hỏi lại Chúa Giêsu: "Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì ?" (Mt 19,27). Chúa Giêsu trả lời rằng: “phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29).

Thứ ba, lòng yêu mến của Thánh Phêrô:

Sôi nổi, bộc trực, phản ứng nhanh là tính cách của Phêrô. Nhưng đằng sau sự sôi nổi, bộc trực và nhanh nhẹn ấy, chúng ta còn thấy một lòng mến yêu tha thiết, nồng nàn, chân thật của Phêrô đối với Thầy mình. Vì lòng yêu mến và tin tưởng vào lòng yêu mến của mình nên Phêrô đã thề với Chúa là sẽ không sa ngã, không phản bội Thầy: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã."(Mt 26,33). Và dù có vào tù và chết vì Thầy thì Phêrô cũng sẵn sàng chấp nhận: "Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng." (Lc 22,33).

Lòng yêu mến của Phêrô còn được xác minh một cách chắc chắn qua ba lần Chúa Giêsu hỏi ông “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Phêrô trả lời : "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." (x.Ga 21,15-19). Xét theo luật Do thái, hỏi ba lần, đáp ba lần là bằng chứng chắc chắn và có giá trị hoàn toàn không chối cãi được về một sự việc đã được xác minh.

Vì yếu đuối, Phêrô đã chối Chúa ba lần. Nhưng sau cái nhìn đầy yêu thương của Thầy Giêsu, Phêrô đã ăn năn, hối hận. Và từ kinh nghiệm yếu đuối của mình, Phêrô đã dám khẳng định mình yêu Chúa hơn anh em. Đây là lý do mà Chúa Giêsu trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Vì có yêu Chúa mới có thể yêu mến đoàn chiên của Ngài. Có yêu Chúa mới có thể chăn dắt đoàn chiên của Người một cách chu đáo. Vì có lòng yêu mến Chúa tha thiết, nồng nàn và chân thật nên Thánh Phêrô đã hoàn thành cách xuất sắc nhiệm vụ mà Thầy giao phó. Bằng chứng hùng hồn nhất của lòng yêu mến Chúa nơi Phêrô là cái chết trên thập giá tại Rôma năm 64.

Áp dụng vào đời sống chúng ta:

1. Nhân gian vẫn có câu : “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Mỗi người được sinh ra đều có những tính tình khác nhau. Có người tính tình sôi nổi, bộc trực. Có người tính tình nóng nảy. Có người tính tình hiền hoà…Hãy vận dụng ưu điểm tính tình của mình để phục vụ. Đồng thời, hãy luôn rèn luyện, uốn nắn để tính tình của mình phù hợp với những hoàn cảnh sống khác nhau, trong các mối tương quan khác nhau, hầu đem lại lợi ích cho mình, cho gia đình và xã hội.

2. Thánh Phêrô được Chúa đặt làm đầu Giáo Hội. Ngài đã luôn luôn “nhanh nhẹn” chu toàn tốt bổn phận đó. Ngài sẵn sàng trả lời những câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra, hỏi những gì mà Ngài muốn biết. Mỗi chúng ta có những nhiệm vụ riêng: trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ, Giáo Hội, nơi các đoàn thể, ngoài xã hội. Đừng tránh né hay tỏ ra uể oải với những công việc được giao. Trái lại, luôn có những phản ứng “nhanh nhẹn” để hoàn thành những nhiệm vụ đó. Noi gương Thánh Phêrô chúng ta sẵn sàng học hỏi những gì chưa biết và sẵn sàng trả lời cho người, cho đời những gì chúng ta đã biết về Chúa và về đạo.

3. Ba nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Nhân đức nào cũng cao trọng. Nhưng Đức Mến là cao trọng hơn cả. Thánh Phaolô nhắc nhở: "Vì vậy giờ đây còn lại ba điều là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Nhưng lớn hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Đức Mến tồn tại mãi mãi. Có Đức Mến là có tất cả. Không có Đức Mến là mất tất cả. Thánh Phaolô khẳng định: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có Đức Mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).

Vì vậy, hãy luôn thực hành Đức Mến: Mến Chúa yêu người. Giữ đạo, sống đạo, truyền đạo với tất cả lòng yêu mến. Vì mỗi khi có lòng yêu mến, chúng ta sẽ dễ dàng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Khi có lòng yêu mến, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua được tất cả những trở ngại, khó khăn trong đời sống đức tin. Phêrô vì yêu mến Chúa tha thiết, nồng nàn, chân thật nên Ngài đã biết “chổi dậy” sau khi sa ngã. Vì lòng mến Chúa và vì phần rỗi các linh hồn nên Ngài đã chu toàn bổn phận Chúa giao, chấp nhận hy sinh, chấp nhận vào tù, chấp nhận cả cái chết để làm chứng cho Chúa. Nếu chúng ta không sẵn sàng đến nhà thờ mỗi khi có thể để tham dự thánh lễ và lành nhận các bí tích. Nếu chúng ta không tuân giữ các giới răn của Chúa và Giáo Hội. Nếu chúng ta không sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ được giáo phó…là chúng ta thực sự chưa có Đức Mến, chưa yêu mến Chúa và tha nhân thật lòng.

Tóm lại: Suy niệm về ơn gọi của thánh Phêrô, chúng ta thấy : việc Phêrô làm thủ lãnh Giáo Hội đó là ý định sâu xa của Chúa Giêsu. Ơn gọi là sáng kiến của Chúa, phẩm trật trong Hội Thánh do Chúa định đặt chứ không phải là sản phẩm của loài người. Tại Rôma trong dịp bầu Giáo Hoàng, người ta vẫn thường nói : "Ai vào mật viện đã được tiên báo là Giáo Hoàng, thì vẫn còn là Hồng Y lúc ra khỏi". Câu nói này dĩ nhiên không luôn luôn đúng trăm phần trăm. Đức Piô XII, Đức Phaolô VI... đã được nói đến nhiều trước lúc khai mạc mật viện và lời tiên báo đó không sai. Trái lại, Đức Gioan XXIII khi đắc cử Giáo Hoàng đã gần 78 tuổi, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 58 tuổi, Đức Phanxicô đương nhiệm, 77 tuổi, không ai ngờ là Giáo Hoàng, nhưng các ngài đã được chọn làm vị kế nghiệp thánh Phêrô và là những vị Giáo Hoàng nổi tiếng trên thế giới.

Vì vậy, chúng ta tin tưởng vào Giáo Hội, tuân giữ các giáo huấn của Giáo Hội, vâng phục Đức Giáo Hoàng. Đồng thời, mừng lễ Thánh Phêrô hôm nay, chúng ta xin Ngài bầu cử để mọi người noi gương bắt chước các nhân đức của Ngài, nhất là biêt sống Đức Mến một cách trọn vẹn. Amen.