Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ chính quyền Cộng hòa Bosnia-Herzegovina sáng ngày 6-6-2015 là sinh hoạt đầu tiên trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại nước này.
Đức Thánh Cha từ Roma đến thủ đô Sarajevo lúc 9 giờ sáng sau chuyến bay hơn 1 tiếng từ Roma. Liền đó ngài đi chiếc xe bé nhỏ đến phủ Tổng thống và được Tổng thống đoàn đón tiếp, đứng đầu là Ông Mladan Ivanic, người Serbi. Sau cuộc hội kiến riêng với Tổng thống, Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền dân sự, ngoại giao đoàn, các Giám Mục, các vị lãnh đạo tôn giáo khác của Bosni.
Trong lời chào mừng, Tổng thống Ivanic nói với Đức Thánh Cha rằng:
“Cuộc viếng thăm của Ngài tại Bosnia-Herzegovina được mọi người coi là một thời điểm mạnh mẽ nói lên tình thương, sự bao dung, khiêm tốn và cảm thông lẫn nhau, trong toàn thế giới Ngài được coi như một vị lãnh đạo tôn giáo gần gũi người dân thường, một vị lãnh đạo tôn giáo thăng tiến lòng bao dung với tha nhân và với những người khác biệt... Những sứ điệp hòa bình của Ngài thực sự khích lệ chúng tôi”.
Tổng thống Ivanic cũng cho biết Bosnia-Herzegovina là một trong những nước đầu tiên ở vùng Balcan ban hành luật tự do của các Giáo Hội và cộng đoàn tôn giáo, và cho đến nay đã ký hiệp định với Tòa Thánh cũng như Giáo Hội Chính thống Serbi ở Belgrade.. Chúng tôi xác tín mạnh mẽ rằng cuộc viếng thăm của Ngài là một khích lệ trên con đường đối thoại để tìm ra một giải pháp không những cho các vấn đề liên tôn, nhưng cả những vấn đề sống chung dân sự nữa”.
Trong diễn văn đáp từ, Đức Thánh Cha nói:
Lên tiếng sau diễn văn chào mừng của Tổng thống Ivanic, Đức Thánh Cha ca ngợi sự sống chung hòa hợp trong quá khứ giữa các chủng tộc và cộng đoàn tôn giáo khác nhau tại Sarajevo. Cả về mặt kiến trúc, tại đây người ta thấy các Hội đường Do thái, thánh đường Kitô và Đền thờ Hồi giáo chỉ cách nhau không bao xa, đến độ thành phố này được gọi là “Jerusalem của Âu châu”. Và thực vậy thành này là một ngã tư các nền văn hóa, dân nước và tôn giáo; và vai trò đó đòi phải luôn luôn kiến tạo những cây cầu mới, và chăm sóc, tu bổ những cây cầu hiện hữu, để đó một sự giao thông dễ dàng, vững chắc và văn minh.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng:
“Chúng ta cần đả thông, khám phá những phong phú của nhau, đề cao giá trị của những gì liên kết chúng ta và coi những khác biệt như một cơ hội để tăng trưởng trong sự tôn trọng mọi người. Cần có một sự đối thoại kiên nhẫn và tín nhiệm nhau, làm sao để các gia đình và các cộng đoàn có thể thông truyền các giá trị văn hóa của mình và đón nhận điều tốt đến từ những kinh nghiệm của người khác.
“Như thế, cả những vết thương trầm trọng của quá khứ gần đây cũng có thể được hàn gắn và ta có thể nhìn về tương lai trong hy vọng, đương đầu với các vấn đề thường nhật với một tâm hồn không sợ hãi và oán hận.”
Đức Thánh Cha ghi nhận đã có những tiến bộ từ sau Hòa Ước ký kết tại Dayton năm 1995, nhưng ngài cũng nói rằng: “Điều quan trọng là không hài lòng với những gì đã thực hiện được, nhưng tìm cách thực hiện thêm những bước tiến để củng cố sự tín nhiệm và tạo ra những cơ hội làm gia tăng sự hiểu biết và quí chuộng nhau. Để tạo điều kiện dễ dàng cho hành trình ấy, điều quan trọng là sự gần gũi và cộng tác của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hiệp Âu Châu và các tổ chức đang hiện diện và hoạt động trên lãnh thổ Bosnia-Herzegovina.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến “một nghĩa vụ cao quí của các nhà chính trị là phục vụ các cộng đoàn của mình bằng cách bảo tồn trước tiên các quyền căn bản của con người, trong đó nổi bật là tự do tôn giáo. Như thế có thể kiến tạo một cách cụ thể một xã hội an bình và công chính hơn, khởi sự giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống thường nhật của dân chúng.”
“Nhưng để điều đó xảy ra, có một điều kiện không thể thiếu được, đó là phải có sự bình đẳng thực sự của mọi công dân trước mặt pháp luật và trong việc thi hành luật pháp, bất kỳ họ thuộc chủng tộc, tôn giáo và địa lý nào: như thế tất cả sẽ cảm thấy mình hoàn toàn tham gia vào đời sống công cộng, được hưởng các quyền lợi như nhau, và có thể tích cực đóng góp cho công ích”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội Công Giáo tham gia vào công cuộc tái thiết Bosnia-Herzegovina về vật chất cũng như tinh thần, chia sẻ vui mừng và lo âu, mong muốn làm chứng về sự gần gũi những ngừơi nghèo và túng thiếu, qua sự dấn thân thực sự.
Bài diễn văn của Đức Thánh Cha trong dịp này cũng như trong toàn cuộc viếng thăm đều bằng tiếng Ý và được phiên dịch trực tiếp cho những người hiện diện. Những bài trong dịp khác thì được dịch sau khi ngài đã nói từng đoạn.
Sau khi gặp gỡ chính quyền Bosnia-Herzegovina, và trước khi rời phủ Tổng Thống, Đức Thánh Cha còn thực hiện một cử chỉ đặc biệt là thả 7 con chim bồ câu hòa bình. Một gia đình chuyên nuôi chim câu du hành đã cung cấp các chim câu cho cử chỉ này.
2. 70,000 tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Sarajevo
70 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosnia-Herzegovina sáng ngày 6-6-2015.
Thánh lễ này là sinh hoạt thứ 2 của ngài trong cuộc viếng thăm từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối thứ bẩy, 6-6-2015 tại Cộng hòa Bosnia-Herzegovina.
Sân vận động Kosevo, nơi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ là nơi đã diễn ra thế vận hội Olimpic mùa đông năm 1984. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã từng dâng thánh lễ tại đây trong cuộc viếng thăm của ngài hồi tháng 4 năm 1997.
Khi từ Phủ Tổng thống Bosnia đến nơi, Đức Thánh Cha đã dành 20 phút tiến qua các lối đi ở thao trường để chào thăm 70 ngàn tín hữu chờ đợi tại đây. Họ đến từ các nơi ở Bosnia-Herzegovina nhưng còn từ các nước láng giềng, và cả những nước xa xăm như Trung Quốc và Ukrainẹ
Chủ đề được chọn cho thánh lễ là “Bình an cho các con!”. Đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 30 Giám Mục, đứng đầu là Đức Hồng Y Puljic Tổng Giám Mục sở tại, Đức Hồng Y Josip Bozanic, Tổng Giám Mục giáo phận Zagreb, các Giám Mục đến từ Cộng hòa Croát, Macedonia, Serbia, ngoài ra có hơn 1 ngàn linh mục đồng tế. Phần thánh ca do một ca đoàn 1.700 ca viên đảm trách.
Vì đa số tín hữu hiện diện là người Croát nên thánh lễ được cử hành bằng tiếng này, nhưng Đức Thánh Cha đọc các lời nguyện bằng tiếng la tinh.
Trong bài giảng bằng tiếng Ý xen lẫn các đoạn dịch bằng tiếng Croát. Đức Thánh Cha khẳng định rằng:
Hòa bình là một dự phóng của Thiên Chúa cho nhân loại, nhưng dự phóng này luôn gặp sự chống đối từ phía con người và ma quỉ. Cả ngày nay, khát vọng hòa bình và sự dấn thân xây dựng hòa bình đụng độ với sự kiện trên thế giới có nhiều cuộc xung đột võ trang đang diễn ra. Đó là một thứ thế chiến thứ 3 diễn ra từng mảnh, và trong bối cảnh thông tin hoàn vũ, người ta nhận thấy có bầu không khí chiến tranh. Đức Thánh Cha tố giác rằng:
“Có những người muốn tạo ra bầu không khí chiến tranh ấy và cố tình nuôi dưỡng nó, đặc biệt những kẻ tìm kiếm sự đụng độ giữa các nền văn hóa và văn minh, và có cả những kẻ đầu cơ chiến tranh để bán võ khí. Nhưng chiến tranh có nghĩa là trẻ em, phụ nữ và người già ở trong các trại tị nạn; có nghĩa là bó buộc phải di tản; có nghĩa là nhà cửa, đường xá, công xưởng bị tàn phá; nhất là chiến tranh có nghĩa là bao nhiêu sinh mạng bị tàn hại. Anh chị em biết rõ điều đó, vì anh chị em đã cảm nghiệm nó tại đây: bao nhiêu đau khổ, tàn phá, đau nhiêu đau thương! Anh chị em thân mến, ngày nay một lần nữa từ thành phố này, tiếng kêu của dân Chúa và mọi người nam nữ thiện chí được gióng lên: không bao giờ chiến tranh nữa!
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “giữa bầu không khí chiến tranh ấy, có một tia sáng mặt trời chiếu qua các đám mây, vang vọng lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Phúc cho những người xây dựng hòa bình” (Mt 5.9). Đó là lời kêu gọi rất thời sự, có giá trị đối với mọi thế hệ. Chúa không nói: “Phúc cho những người rao giảng hòa bình”: tất cả đều có khả năng công bố hòa bình, kể cả theo cách thức giả hình hoặc dối trá. Nhưng Chúa nói: “Phúc cho những người xây dựng hòa bình”, nghĩa là những người thực thi hòa bình. Kiến tạo hòa bình là một công việc thủ công, nó đòi phải có sự say mê, kiên nhẫn, kinh nghiệm, kiên trì. Phúc cho những người gieo vãi hòa bình bằng những hành động thường nhật, bằng những thái độ và cử chỉ phục vụ, huynh đệ, đối thoại, từ bi.. Những người ấy sẽ được gọi là con Thiên Chúa, vì Thiên Chúa gieo vãi hòa bình, luôn luôn và ở mọi nơi; khi thời gian viên mãn, Ngài đã gieo Con của Ngài trong trần thế, để chúng ta được an bình! Kiến tạo hòa bình là một công việc cần phải thực hiện mỗi ngày, từng bước một, không bao giờ mệt mỏi”.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Nhưng làm thế nào để kiến tạo hòa bình? Ngôn sứ Isaia đã nhắc nhở chúng ta một cách ngắn gọn: “Thực thi công lý sẽ mang lại hòa bình” (32,17). “Opus justitiae pax”, theo bản Kinh Thánh Phổ Thông (Vulgata), trở thành khẩu hiệu thời danh đã được Đức Giáo Hoàng Piô 12 đón nhận. Hòa bình là công trình của công lý. Ở đây cũng vậy, đó không phải là thứ công lý được công bố, lý thuyết hóa, kế hoạch hóa.. nhưng là thứ công lý thực hành, được sống thực. Và Tân Ước dạy chúng ta rằng sự thực thi trọn vẹn công lý chính là yêu tha nhân như chính mình. (Mt 22,39; Rm 13,9).
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Khi chúng ta theo giới răn này, với ơn Chúa, thì bao nhiêu điều sẽ thay đổi! Vì chúng ta thay đổi chính mình! Những người, những dân tộc mà trước đây tôi coi như kẻ thù, trong thực tế họ có cùng khuôn mặt của tôi, cùng trái tim, cùng linh hồn như tôi. Chúng ta có cùng Cha trên trời. Khi ấy công lý đích thực chính là làm cho người ấy, cho dân tộc ấy, điều mà tôi muốn được làm cho tôi, cho dân tộc tôi (Xc Mt 7,12).
“Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai chúng ta vừa nghe, đã chỉ cho chúng ta những thái độ cần thiết để thực thi hòa bình. Thánh nhân viết: “Anh chị em hãy mặc lấy những tâm tình dịu dàng, nhân lành, khiêm tốn, hiền từ, đại đảm, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nếu ai có điều than phiền về người khác. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy làm như vậy” (3,12-13).
Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa với 6 Giám Mục của 4 giáo phận tại Bosni và các vị thuộc đoàn tùy tùng.
3. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nam nữ tu sĩ tại nhà thờ chánh tòa Sarajevo
Trong cuộc gặp gỡ với các nam nữ tu sĩ ở thủ đô Bosnia-Herzegovina, Sarajevo, Đức Thánh Cha Phanxicô xúc động trước các chứng từ được trình bày nên đã bỏ bài diễn văn soạn sẵn của ngài sang một bên và ứng khẩu nói.
Cha Jozo Puškarić, dòng anh em hèn mọn, cho biết những thách đố mục vụ mà ngài phải chịu đã bắt đầu bi thảm vào năm 1992 khi cảnh sát Serbia vũ trang bắt ngài từ nhà xứ của mình và chở thẳng vào trại tập trung, nơi ngài bị giam giữ và đánh đập tơi bời và bị bỏ đói trong những điều kiện “vô nhân đạo”. Trong chứng tá của mình trước Đức Giáo Hoàng, ngài nói rằng có lần ngài đã muốn tự sát vì không chịu đựng nổi. Nếu như không có ơn phù trợ của Chúa và những người khác như một người phụ nữ Hồi giáo là người đã cho ngài ăn, ngài đã không sống sót đến nay. Tuy nhiên, cha Jozo nói rằng trong lòng cha đã không bao giờ nuôi dưỡng hận thù và đã tha thứ những kẻ bắt bớ ngài.
Cha Zvonimir Matijević nói với Đức Giáo Hoàng rằng ngài cũng bị bắt bởi những người lính vào năm 1992 trong khi chăm sóc mục vụ cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của ngài chỉ có năm mươi người trong một khu vực đa số là Chính Thống Giáo không xa nơi đang diễn ra chiến tranh ác liệt với nước láng giềng Croatia. Ngài đã bị tra tấn đến gần chết. Tám linh mục Công Giáo khác và nhiều chị em nữa, những người quyết định không từ bỏ đoàn chiên của mình đã không được may mắn sống sót. Những trận đòn chí tử năm xưa giờ đây đã tiến triển sang nhiều hình thức bại liệt, như một thánh giá ngài sẽ mang hết cuộc đời. Tuy nhiên, ngài nói ngài cảm thấy hạnh phúc được là một linh mục của Giáo Hội Công Giáo và hết lòng tha thứ cho những ai làm hại ngài - với hy vọng họ sẽ hoán cải sang một con đường của lòng nhân hậu.
Nữ tu Ljubica Šekerija của dòng Các Nữ Tử của Lòng Từ Bi Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô biết khi chị đang điều hành một nhà dành cho người cao tuổi và khuyết tật tại trung tâm Bosnia thì chiến tranh nổ ra. Năm 1993, những người nước ngoài có vũ trang từ các nước Ả Rập đã bắt cóc chị cùng với một linh mục địa phương đang bị ốm và ba nhân viên cứu trợ Caritas. Nhiều người không phải Kitô giáo sống trong thị trấn đã ùa ra hai bên đường để hoan nghênh các chiến binh Hồi Giáo Ả rập và chế giễu chị và những người bị bắt khi họ bị lùa lên một chiếc xe tải. Chị bị đánh đập dã man, bị đe dọa, bị kê súng vào đầu bắt chuyển sang đạo Hồi. Khi một chiến binh cầm một thanh kiếm dí vào chị, và bắt vị linh mục phải lấy chân dẫm lên chuỗi tràng hạt của chị, chị đã nài nỉ ngài đừng phỉ báng một vật thánh thiêng. Chị thà chết còn hơn. Chị cũng cho biết nhiều nam nữ tu sĩ Công Giáo đã bị giết hại trong chiến tranh.
Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói như sau:
Tôi đã chuẩn bị một bài giảng cho anh chị em, nhưng sau khi nghe chứng tá của các linh mục và nữ tu, tôi cảm thấy cần phải ứng khẩu nói chuyện với anh chị em. Các vị đã nói với chúng ta về kinh nghiệm của họ, những điều tốt và những điều xấu, vì vậy tôi sẽ trao lại bài giảng của tôi cho Đức Hồng Y Tổng Giám Mục. Đó là một bài giảng tốt! Các nhân chứng đã nói về mình. Đây là ký ức của anh chị em. Một dân tộc không có ký ức thì không có tương lai. Đây là ký ức của những người cha, người mẹ của anh chị em trong đức tin. Chỉ có ba người đã nói, nhưng đằng sau đó là cơ man những người khác đã phải đau khổ.
Anh chị em thân mến, đừng quên lịch sử của mình, không phải để giữ trong lòng mối thù hận, nhưng để kiến tạo hòa bình. Trong máu của anh chị em, trong ơn gọi của anh chị em có máu và ơn gọi của nhiều nam nữ tu sĩ, các linh mục và chủng sinh. Thánh Tông Đồ Phaolô, trong thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng chúng ta không được quên những người đã đi trước chúng ta, những người đã truyền lại đức tin cho chúng ta. Những người này đã truyền lại đức tin cho anh chị em, và dạy anh chị em làm thế nào để sống Đức Tin. Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta rằng đừng quên Chúa Giêsu Kitô, là vị tử đạo đầu tiên. Những vị này đã tiếp bước Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cần phải khôi phục lại ký ức để kiến tạo hòa bình.
Một vài lời vang lên trong trái tim tôi: Một trong những lời này là “tha thứ”. Một người nam nữ đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, nhưng không biết làm sao để tha thứ, thì có giá trị gì? Tha thứ cho một kẻ thù nói xấu mình, ganh ghét với mình, không phải là khó khăn. Nhưng tha thứ cho một người đã đá anh chị em và làm tổn thương anh chị em, đe dọa cuộc sống của anh chị em với một khẩu súng, là không dễ. Tuy nhiên, họ đã làm điều này, và họ xúi chúng ta nên đáp lại như thế. Có một cái gì khác vẫn ở lại trong tôi về 120 ngày trong trại tập trung. Đã bao nhiêu lần tinh thần của thế gian khiến chúng ta quên những người đã đi trước chúng ta với những đau khổ của họ? Những ngày trong trại tập trung được tính từng phút bởi vì mỗi phút, mỗi giờ, đều là một sự tra tấn: sống chung với nhau, bẩn thỉu, không có thức ăn hoặc nước uống, nóng và lạnh, và mọi thứ đều kéo dài rất lâu. Còn chúng ta lại là những người phàn nàn khi đau răng, hoặc vì chúng ta muốn có một TV trong phòng mình, hoặc vì muốn có nhiều tiện nghi, hoặc chúng ta bàn tán về bề trên vì thức ăn không ngon. Đừng quên các chứng tá của những người đi trước. Hãy nghĩ đến bao nhiêu đau khổ họ phải chịu. Các nữ tu, linh mục và giám mục với tinh thần thế gian là những bức tranh biếm hoạ chẳng có giá trị gì vì họ không nhớ đến các vị tử đạo. Họ không nhớ đến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Đấng là vinh quang duy nhất của chúng ta.
Tôi nghĩ về những câu chuyện chúng ta đã được nghe, về người dân quân đã cho chị nữ tu một quả lê, và về người phụ nữ Hồi giáo hiện đang sống ở Mỹ, là người đã cho một linh mục ăn. Chúng ta đều là anh chị em, thậm chí cả những người tàn nhẫn. Tôi không biết người dân quân đã suy nghĩ những gì, nhưng có lẽ người ấy cảm nhận được Chúa Thánh Thần. Có lẽ ông ta nhớ đến mẹ mình khi ông ta tặng trái lê cho người nữ tu. Và người phụ nữ Hồi giáo đã vượt ra ngoài sự khác biệt tôn giáo vì cô tin vào Thiên Chúa. Hãy tìm kiếm Thiên Chúa của tất cả. Chúng ta đều có khả năng tìm kiếm những hạt giống của sự thiện, vì chúng ta tất cả là con cái của Thiên Chúa. Phúc cho anh chị em là những người rất gần gũi với những chứng nhân này. Xin đừng bao giờ quên họ. Cầu xin cho cuộc sống của chúng ta có thể vươn lên bất chấp những ký ức này. Tôi nghĩ về vị linh mục mà cha mẹ và chị em đã chết, ngài trơ trọi một mình nhưng ngài là hoa trái của tình yêu, tình yêu hôn nhân. Tôi nghĩ về những gì Đức Hồng Y Tổng Giám Mục nói: những gì xảy ra với khu vườn sự sống? Tại sao nó không phát triển? Hãy cầu nguyện cho các gia đình có thể phát triển mạnh với nhiều trẻ em và từ đó có thể có nhiều ơn gọi. Cuối cùng, tôi muốn nói với anh chị em rằng những gì chúng ta đã được nghe là một câu chuyện về sự tàn bạo. Hôm nay đây, chiến tranh xảy ra trên khắp thế giới, chúng ta thấy quá nhiều sự tàn ác. Hãy là người đối lập với sự tàn nhẫn: hãy dịu dàng, huynh đệ, tha thứ. Và vác thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những gì Giáo Hội Mẹ Thánh mong muốn nơi chúng ta: những việc tử đạo nhỏ, những chứng tá nhỏ cho Thánh Giá Đức Kitô. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và hãy cầu nguyện cho tôi.
4. Cảm nhận của Đức Thánh Cha Phanxicô về chuyến tông du Sarajevo
Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 7 tháng 6, Đức Thánh Cha đã cám ơn tín hữu giăng băng rôn chào mừng ngài từ Sarajevo trở về. Ngài nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài tại Sarajevo bên Bosnia-Herzegovina, như là người hành hương của hòa bình và niềm hy vọng. Ngài nói: Trong nhiều thế kỷ vùng đất này đã là nơi sinh sống giữa các dân tộc và các tôn giáo, đến độ nó được gọi là “Giêrusalem của tây phương”. Trong quá khứ mới đây, nó đã trở thành biểu tượng các tàn phá của chiến tranh. Giờ đây đang có một tiến trình hòa giải và nhất là chính vì thế mà tôi đã đi để khích lệ con đường chung sống hòa bình này giữa các dân tộc khác nhau. Nó là một con đường mệt nhọc, khó khăn, nhưng có thể. Họ đang làm tốt điều này.
Tôi xin lập lại lòng biết ơn của tôi đối với các giới chức chính quyền và toàn dân thành phố vì sự tiếp đón nồng hậu. Tôi xin cám ơn cộng đoàn Công Giáo, mà tôi đã muốn đem lòng trìu mến của Giáo Hội hoàn vũ đến cho. Và tôi cũng xin đặc biệt cám ơn tất cả mội tín hữu: chính thống, hồi giáo, do thái và các người thuộc các tôn giáo khác.
Tôi đánh giá cao dấn thân cộng tác và liên dới giữa các người thuộc các tôn giáo khác nhau, và thúc đẩy họ tiếp tục công trình tái thiết tinh thần và luân lý của xã hội. Họ làm việc với nhau như anh em. Xin Chúa chúc lành cho Sarajevo và Bosnia-Herzegovina.
5. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa
Lúc 7 giờ chiều thứ Năm 4 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano.
Tham dự thánh lễ, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục, cùng với các vị Giám Chức, linh mục và hàng chục ngàn tín hữu.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến hai công hiệu của Thánh Thể là mối giây hiệp thông liên kết các tín hữu và đồng thời làm cho chúng ta duy trì được phẩm giá Kitô của mình. Ngài giải thích một đoạn trong bài đọc II của giờ kinh sách của ngày lễ kính Mình Thánh Chúa: “Để khỏi bị phân tán, anh chị em hãy ăn mối giây hiệp thông này; và khỏi bị hạ giá, anh chị em hãy uống giá cứu chuộc chúng ta đây”.
Chúng ta tự hỏi đâu là ý nghĩa ngày hôm nay của việc bị tách ra từ Ngài, của tuyệt vọng - như những kẻ hèn nhát – trước tình trạng tội lỗi của chúng ta?
Ngài nói:
Chúng ta bị tách ra khỏi Chúa Kitô khi chúng ta không vâng phục Lời Chúa, khi chúng ta không sống tình huynh đệ với nhau, khi chúng ta cạnh tranh để chiếm chỗ nhất, khi chúng ta không có can đảm để đưa ra các chứng tá bác ái, khi chúng ta không thể mang đến hy vọng. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta không thể bị tách khỏi Ngài, vì đó là mối dây hiệp thông, là sự viên mãn của Giao ước, là dấu chỉ sống động về tình yêu của Chúa Kitô Đấng đã tự hạ mình và tự hủy mình đi vì chúng ta, để chúng ta được lưu lại trong tình hiệp nhất. Khi tham dự Thánh Lễ, và được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào một hành trình không chấp nhận chia rẽ. Chúa Kitô hiện diện trong chúng ta qua hình bánh và hình rượu, đòi hỏi rằng sức mạnh của tình thương phải vượt thắng mọi xâu xé, và đồng thời trở thành sự hiệp thông với người nghèo, nâng đỡ người yếu, quan tâm huynh đệ đến những người vất vả trong khi chịu đựng gánh nặng của đời sống thường nhật.
Và ngày nay, “svilirci” - tự hạ giá - có nghĩa là gì? là hèn nhát, là tuyệt vọng trước tội lỗi chúng ta, nghĩa là làm tan loãng phẩm giá Kitô của chúng ta. Nó có nghĩa là chúng ta để cho mình bị các thần tượng thời nay tấn công: hư danh, tiêu thụ, đặt cái tôi ở trung tâm mọi sự; cạnh tranh, kiêu hãnh như thái độ của kẻ chiến thắng, không bao giờ nhận mình lầm lỗi hay bất cần một ai. Tất cả những điều đó hạ giá chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những Kitô hữu tầm thường, nguội lạnh, nhạt nhẽo.
Đức Thánh Cha đã nhắc đến các tín hữu đang bị bách hại trên thế giới. Ngài nói:
Chút nữa đây, chúng ta sẽ đi bộ dọc theo những con đường, chúng ta cảm nhận được chính mình trong sự hiệp thông với nhiều anh chị em không có quyền tự do bày tỏ đức tin của họ nơi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy kết hiệp với họ, chúng ta hãy hát với họ, khen ngợi với họ, yêu mến với họ. Và chúng ta tôn vinh trong tâm hồn chúng ta những anh chị em đã phải hy sinh mạng sống mình vì sự trung tín với Chúa Kitô. Xin cho máu các vị khi kết hợp với máu Chúa sẽ là một bảo chứng cho hòa bình và hòa giải cho toàn thế giới.
6. Đức Thánh Cha tiếp kiến các Hội Giáo Hoàng truyền giáo
Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác các Hội Giáo Hoàng truyền giáo đừng trở thành những tổ chức phi chính phủ phân phát tài trợ.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu mùng 5 tháng 6, dành cho 170 tham dự viên Đại hội thường niên của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Tổng trưởng Fernando Filoni. Hiện diện trong khóa họp 6 ngày đặc biệt có các vị Giám đốc toàn quốc các Hội giáo hoàng truyền giáo từ các nước trên thế giới tựu về. Đại diện cho Việt Nam có cha Ngô Quang Tuyên ở Sàigòn.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, sau khi nhắc lại sứ mạng cấp thiết của mọi thành phần Giáo Hội phải tích cực tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng, cũng như vai trò quan trọng và cao quí của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Xin anh em lưu ý để đừng rơi vào cám dỗ trở thành một tổ chức phi chính phủ, một văn phòng phân phát các khoản tài trợ thông thường và ngoại thường. Tiền bạc là trợ giúp hữu ích, nhưng chúng cũng có thể làm hư hỏng việc truyền giáo. Thái độ công chức, khi nó được đặt ở trung tâm, hoặc chiếm chỗ đứng quá lớn, như thể đó là điều quan trọng nhất, thì nó sẽ đưa anh em đến chỗ tàn lụi; vì cách thức đầu tiên để chết chính là coi những “nguồn mạch” là điều tự nhiên mà có, nghĩa là không còn để ý đến Đấng làm cho miền truyền giáo được sinh động. Với bao nhiêu kế hoạch và chương trình, xin anh em vui lòng đừng gạt bỏ Chúa Giêsu Kitô ra ngoài các công trình Truyền giáo, vì đây là công trình của Chúa.”
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng: “Một Giáo Hội thu hẹp vào hiệu năng của các guồng máy như một đảng phái, thì là một Giáo Hội chết, cho dù các cơ cấu và chương trình hỗ trợ các giáo sĩ và giáo dân “tự thu dụng” còn phải kéo dài nhiều thế kỷ”.
“Không thể có một sự loan báo Tin Mừng nếu không ở trong năng lực thánh hóa của Chúa Thánh Linh, là Đấng có khả năng đổi mới, đánh động, mang lại đà tiến cho Giáo Hội trong sự táo bạo đi ra khỏi mình để loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc” (Xc E.G. n.261).
Trong 3 ngày của khóa họp 6 ngày ở Roma, các vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng cứu xét và quyết định về việc tài trợ cho các chủng viện, học viện, tập viện, cũng như các dự án hoạt động tại các xứ truyền giáo
7. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Chí Lợi
Hôm thứ Sáu mùng 5 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp nữ Tổng thống Chí Lợi là bà Michelle Bachelet Jeria.
Một tuyên bố từ văn phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết các cuộc thảo luận của hai vị đã diễn ra thân mật trong đó nhấn mạnh đến quan hệ song phương tốt đẹp hiện nay giữa hai bên với hy vọng rằng Tòa Thánh và Chí Lợi có thể tiếp tục tăng cường các quan hệ này trong khuôn khổ các quy định của luật pháp quốc tế.
Các vấn đề quan tâm chung như bảo vệ sự sống con người, giáo dục và an toàn xã hội cũng đã được đề cập. Hai vị đã nhấn mạnh trên vai trò và sự đóng góp tích cực của các tổ chức Công Giáo trong xã hội Chí Lợi, đặc biệt là liên quan đến việc thăng tiến con người, giáo dục và giúp đỡ cho những người cần được trợ giúp.
Hai vị cũng đã trao đổi một cái nhìn tổng quan về tình hình ở châu Mỹ Latinh, với một tham chiếu đặc biệt tới những thách thức khác nhau đang ảnh hưởng đến châu lục này.
Sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, bà tổng thống đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao.
8. Sứ điệp của Đức Thánh Cha gởi đến hội nghị Liên Hiệp Quốc về những thay đổi khí hậu. Thông điệp môi sinh được công bố ngày 18 tháng 6
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một nghĩa vụ đạo đức, mà nhân loại có thể thực hiện đầy đủ “chỉ khi chúng ta hành động cùng nhau và đồng ý với nhau”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết như trên trong một thông điệp gởi tới một hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đang diễn ra tại Lima, Peru.
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng vén mở ra những chủ đề mà ngài sẽ đề cập trong thông điệp sắp tới về môi trường. Ngài đưa ra sự hỗ trợ và khuyến khích cho công việc của các hội nghị Liên Hợp Quốc về chủ đề này. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vấn đề biến đổi khí hậu có tầm quan trọng đặc biệt đối với người nghèo, là những người ít có khả năng nhất trong việc đối phó với những hậu quả.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các nhà lãnh đạo thế giới để bảo vệ thiên nhiên, nhằm gìn giữ tốt một môi trường lành mạnh cho các thế hệ tương lai.
Trong một diễn biến có liên quan, một ký giả thông thạo các tin tức của Vatican là Andrea Tornielli nói rằng thông điệp môi sinh của Đức Thánh Cha có tên “Laudato Si”, nghĩa là “Ngợi khen Ngài”, sẽ được công bố vào ngày 18 tháng 6. Đây sẽ là một tài liệu đại kết, ủng hộ lập trường mạnh mẽ về môi trường của Đức Thượng Phụ Barthôlômêô, là Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo thành Constantinople. Tornielli nhận xét rằng có những đề xuất theo đó Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Barthôlômêô có thể cùng nhau công bố thông điệp này. Tuy nhiên, Tornielli không xác định được nguồn gốc của những lời đề nghị này.
9. Nhận định của Đức Hồng Y Parolin về chuyến tông du Sarajevo của Đức Thánh Cha Phanxicô
Một ngày trước cuộc tông du Sarajevo của Đức Phanxicô, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết hậu quả của chiến tranh Bosnia khá nặng nề. Cụ thể: dân số Công Giáo, đầu thập niên 1990, là 800,000 nay chỉ còn một nửa.
Ở một số giáo xứ, chỉ còn lại một ít gia đình, và phần lớn các tín hữu đều trọng tuổi cả. Ngài cũng cho hay vì nạn thất nghiệp cao và thiếu cơ hội, nên nhiều người trẻ tiếp tục di cư; hiện tượng này gia trọng với việc giảm dân số nói chung, ảnh hưởng cả tới cộng đồng Công Giáo vốn đang nhỏ dần.
Đức Hồng Y Parolin cũng đề cập tới “tính phức tạp của hệ thống chính trị của xứ này” trong đó, quyền lực được chia sẻ giữa đại diện của nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau: Bosnia, Serb và Croat.
Trên bình diện hành chánh, các đại diện duy trì sinh hoạt cho Liên Bang Bosnia, Cộng Hòa Serb và Quận Brčko. Chức tổng thống của xứ sở thì luân phiên giữa ba cộng đồng, cứ mỗi 8 tháng. Hiện nay chức vụ này do người Serb đảm nhiệm. Cả ba nhà lãnh đạo sẽ cùng gặp gỡ Đức Phanxicô vào buổi sáng Thứ Bẩy này.
Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng sự phức tạp của hệ thống này có nghĩa; điều cần là phải đạt cho bằng được sự bình đẳng ở mọi bình diện: chính trị, văn hóa và xã hội,cho mọi công dân, trong khi phải thừa nhận các căn tính đặc thù của họ, bất kể con số. Điều này, theo ngài, là một điều kiện có lợi cho hòa bình, và đồng thời, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, nó sẽ nâng đỡ khát vọng tự nhiên của cả nước là được hội nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.
Ngài cho hay: với chiều hướng này, “nó có thể là điển hình cho nhiều tình huống vẫn tiếp tục hiện hữu trên thế giới, nơi tính đa dạng không được tiếp hợp và chấp nhận, trở thành lý do tranh chấp và đối nghịch, thay vì cùng thịnh trị”.
Đức Hồng Y hy vọng rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng “không những sẽ góp phần vào ích chung và cải thiện tình thế của xứ sở, mà còn là lời mời gọi gửi tới mọi người và mọi quốc gia để họ tìm lại được các lý lẽ cho hòa bình, hòa giải và tiến bộ, bất kể đó là lý lẽ nhân bản, thiêng liêng hay vật chất”.
10. Các tín hữu trên thế giới mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô với những cuộc rước kiệu truyền thống
Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới đã cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay cò gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 4 tháng Sáu, là ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Tại nhiều nước Âu Châu, các tín hữu tham gia trong đoàn rước trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi họ rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Tại thành phố Appenzell của Thụy Sĩ, các thiếu nữ và phụ nữ mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô là ngày lễ lớn tại Ba Lan và Áo, nơi nhiều thị trấn và thành phố tổ chức những đám rước cùng với Mình Thánh Chúa và tượng Đức Mẹ. Một trong những hình ảnh nổi tiếng là cảnh những người trẻ trong trang phục truyền thống tham gia rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô ở Witow, Ba Lan
Trong khi đó, quý ông mặc y phục truyền thống đi ngựa trong một đám rước Mình Thánh Chúa ở Brixen, Thale, Áo. Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, nơi nhiều thành phố và thị trấn vẫn giữ truyền thống rước kiệu. Các cô gái trẻ, đặc biệt trong cộng đồng Sorbian ăn mặc như phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.
11. Dân số Công Giáo thế giới đã tăng hơn 400 triệu kể từ năm 1980
Dân số Công Giáo thế giới đã tăng hơn 400 triệu kể từ năm 1980, với sự tăng trưởng mạnh nhất là ở châu Phi và châu Á. Một nghiên cứu mới của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, gọi tắt là CARA của Đại học Georgetown đã cho biết như trên. Mặc dù các nghiên cứu của CARA cho thấy có sự tăng trưởng chung trong số người Công Giáo, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số tin tức đáng buồn đối với Giáo Hội.
Người Công Giáo ít nhận lãnh các bí tích hơn, và việc kết hôn trong Giáo Hội đã sụt giảm.
Trong khi số lượng tuyệt đối người Công Giáo trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến năm 2050, tỷ lệ người Công Giáo trong dân số chung của thế giới có thể là không thay đổi bao nhiêu.
Số lượng các giáo xứ Công Giáo đã không tăng kịp với số lượng người Công Giáo, và số linh mục phục vụ các tín hữu Công Giáo đã giảm mạnh đến 35% trên toàn thế giới kể từ năm 1980.
Các nghiên cứu của CARA cho thấy có một sự tương phản rõ rệt giữa một bên là sự phát triển mạnh của Giáo Hội tại châu Phi và châu Á, và một bên là sự suy giảm tại châu Âu. Từ năm 1980, châu Phi đã chứng kiến một sự tăng trưởng đến 238% số người Công Giáo, trong khi số giáo xứ tăng 112%, và số lượng các linh mục tăng 131%. Trong cùng thời kỳ này, tại châu Âu, số lượng người Công Giáo chỉ tăng 6%, nhưng số lượng các giáo xứ đã giảm 12% và số lượng của các linh mục đã giảm mạnh đến 32%.
Sự suy giảm tại châu Âu còn thể hiện nơi sự sụt giảm về số lượng các lễ cưới trong nhà thờ từ 1,5 triệu vào năm 1980 chỉ còn 650,000 vào năm 2012 và sụt mất đến 1.5 triệu trẻ được rửa tội.
Giáo Hội cũng đang tăng trưởng ở châu Á, nơi mà số người Công Giáo đã tăng 115% và số lượng của các linh mục tăng 121%.
Châu Mỹ gồm cả Bắc và Nam Mỹ tăng trưởng chậm hơn với 56% trong số người Công Giáo, và 2% trong số các linh mục.
Châu Đại Dương cũng tương tự. Số người Công Giáo gia tăng 67% Công Giáo, và số các giáo xứ tăng 5%.
Các nghiên cứu của CARA cho thấy tỷ lệ người Công Giáo nhận các bí tích một cách thường xuyên giảm trên thế giới kể từ năm 1980. Mức giảm mạnh nhất là ở châu Âu, tiếp theo là châu Mỹ.
12. Đức Thánh Cha sẽ gặp tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần tới
Trong buổi họp báo hôm thứ Sáu 5 tháng Sáu, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin vào sáng thứ Tư 10 tháng Sáu.
Tổng thống Vladimir Putin trước đây đã được Đức Thánh Cha tiếp hôm 25 Tháng Mười Một 2013. Nội dung của cuộc họp chưa được cho biết nhưng người ta hy vọng vấn đề Nga xâm lược Ukraine sẽ được đưa ra thảo luận.
Sau cuộc họp với Đức Giáo Hoàng, tổng thống Putin sẽ thăm các hội chợ triển lãm tại Milan, nhân dịp 'Ngày nước Nga' tại cuộc triển lãm này.
Ông Putin dự kiến sẽ gặp với tổng thống Italia, Sergio Mattarella, và Thủ tướng Ý, Matteo Renzi.
13. Đức Hồng Y Walter Kasper thừa nhận Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ tán thành đề nghị của ngài
Đức Hồng Y Walter Kasper đã thừa nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ tán thành đề nghị của ngài theo đó người Công Giáo đã ly dị và tái hôn có thể được rước lễ trong một số trường hợp nhất định.
Trong công nghị Hồng Y hồi tháng 2 năm 2014, Đức Hồng Y đã đưa ra đề nghị này. Nhưng ngài cho biết rằng Đức Thánh Cha đã mời ngài nói, nhưng sẽ là một “sự hiểu lầm” nếu nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã tán đồng với ngài về đề nghị này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Raymond Arroyo của EWTN, Đức Hồng Y Kasper phủ nhận đã từng nói rằng Đức Giáo Hoàng ủng hộ đề nghị của ngài. Khi Arroyo trích dẫn một tuyên bố của Đức Hồng Y Kasper với ẩn ý là Đức Giáo Hoàng đã tán thành đề nghị này, Đức Hồng Y Kasper trả lời: “Không.. . ngài đã không chấp nhận đề nghị của tôi.”
Đức Hồng Y Kasper giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn ngài nêu ra vấn đề, và muốn thảo luận về đề nghị đó, nhưng “tôi không nói ngài chấp thuận đề nghị này; không không, không. “
Tháng Mười năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service, Đức Hồng Y Kasper đã ngụ ý rằng Đức Thánh Cha đồng ý với kế hoạch của Ngài, nhưng cho biết rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không có hành động nào nếu không có sự chấp thuận của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Trong cuộc phỏng vấn ấy ngài nói “Tôi có ấn tượng là Đức Giáo Hoàng sẵn sàng để tái khẳng định một điều như vậy, nhưng bây giờ nó phụ thuộc vào tiếng nói của các giám mục trong Thượng Hội Đồng”.
Trong cuộc phỏng vấn với Arroyo, Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh rằng ngài đã trình bày một vấn đề để thảo luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhưng không kêu gọi có sự thay đổi. “Đó không phải là một đề nghị,” ngài nói.