HỌP MẶT THAM QUAN, SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ VÀ CHIA SẺ CỦA ĐẠI DIỆN NHÀ NỘI TRÚ CÁC DÒNG TU

"Một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ trở thành người tốt " (Victor Hugo)

Thật thế, để trang bị thêm cho kiến thức giáo dục, ngay từ 7 giờ sáng thứ bảy ngày 25 tháng 4 năm 2015 vừa qua, anh chị em tu sĩ coi sóc các nhà nội trú, các thầy cô giáo thuộc một số trường học chung quanh Sài gòn (có người ở tận Cà Mau) đã có mặt tại Văn phòng Hội Đồng Giám Mục, số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Tp. HCM, tham gia sinh hoạt chuyên đề giáo dục với chủ đề: Tâm lý và đặc tính của lứa tuổi học sinh sinh hoạt chuyên đề giáo dục với chủ đề: Tâm lý và đặc tính của lứa tuổi học sinh cấp I (từ 6 đến 10 tuổi) do Tiểu Ban Giáo Dục về Nội Trú thuộc Ban Sinh viên - Học sinh của Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo tổ chức. Buổi sinh hoạt giúp các tham dự viên thêm kiến thức cho sứ mạng đào tạo con người như nhà tâm lý Carl Jung đã nhận định: “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”.

Xem Hình

Chương trình làm việc gồm ba phần: Tham quan, Sinh hoạt chuyên đề và Hội thảo nhóm.

Đến 7g30, hơn 100 tham dự viên đã có mặt ở hội trường tầng 2 của Văn Phòng và bắt đầu sinh hoạt đầu tiên tham quan nhà nội trú Đức Minh do các sư huynh Lasan phụ trách. Mọi tham dự viên đi bộ sang đường Pasteur đến nhà Nội Trú.

Đây là nhà nội trú nam sinh cấp II nằm trong hẻm nhỏ giữa khu vực dân cư ngay sau nhà thờ Tân Định. Diện tích mặt cắt không nhiều, nhưng có nhiều tầng và được sắp xếp trật tự, đủ tiện nghi cho mọi nhu cầu sinh hoạt của một nhà nội trú: phòng học chung, phòng vi tính có nối mạng, thư viện, phòng ăn, nhà ngủ. Hai khu vực giải trí được đặt hai màn hình tivi lớn để học sinh có thể xem nhiều đài khác nhau cùng lúc.

Đặc biệt, học sinh được quản lý chặt chẽ bằng những phương tiện hiện đại: thẻ ra vào có mã số kiểm soát thông qua màn hình vi tính, nhiều camera an ninh phủ sóng các phòng. Các tham dự viên cũng được các sư huynh chia sẻ nhiều kinh nghiệm về cách tổ chức, quản lý và chăm sóc nam sinh ở lứa tuổi này… Giáo dục các em không chỉ dạy kiến thức nhưng toàn diện hơn như nhà giáo dục Uyliam Batơ Dit chia sẻ: “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”.

Rời nhà nội trú Đức Minh, anh chị em tham dự viên trở lại hội trường lúc 8 giờ 30 và bước vào phần II là sinh hoạt chuyên đề: Tâm lý và đặc tính của các lứa tuổi học sinh cấp I do cha Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ, thành viên Ủy Ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục, Đặc trách Ban Giáo dục Công Giáo của Tổng giáo phận Sài gòn thuyết trình. Cha Giuse là một nhà tâm lý học, trình bày bốn đặc điểm chính của tuổi học sinh tiểu học:

- Tuổi khủng hoảng đến trường.

- Tuổi mang hai nhu cầu căn bản: nhu cầu xã hội và nhu cầu hoạt động

- Một số nét tính cách tâm lý nổi trội: đa cảm, dễ xúc động, thích được khen ngợi, khích lệ của người lớn

- Các tật xấu thường gặp ở lứa tuổi tiểu học: Nói dối, ăn cắp vặt.

Cha Giuse bằng sự sâu sắc kiến thức của một nhà tâm lý và kinh nghiệm thực tế mục vụ đã phân tích và phát triển từng đặc điểm của tuổi mới cắp sách đến trường này:

1. Tuổi học sinh tiểu học - tuổi khủng hoảng đến trường: Là giai đoạn vượt ra khỏi môi trường ‘nhiều tình cảm” sang môi trường “vô tình”. Do chuyển tiếp từ môi trường học gắn liền với chơi (môi trường mẫu giáo: chơi là chính) sang môi trường (cắp sách đến trường) học là chính, với những đòi hỏi nghiêm ngặt. Cho nên, vị thuyết trình tâm lý nhấn mạnh các nhà giáo dục cần tập cho trẻ quen với những chế độ sinh hoạt, môi trường học tập ở nhà trường, đồng thời khơi dậy sự hãnh diện, niềm vui…

Vị thuyết trình viên lưu ý đến các nhà giáo dục thường hay “lạm quyền”:

• Sự thúc ép quá đáng của thầy cô giáo, cha mẹ đối với trẻ.

• Người lớn lẫn lộn trí nhớ và trí hiểu quá lạm dụng trí nhớ của trẻ.

• Định kiến của thầy cô giáo với cá nhân làm trẻ sợ hãi (phobie).

Cho nên, vì sự phát triển tự nhiên của trẻ, các nhà giáo dục cần sửa chữa trong việc dạy dỗ ở trường tiểu học và đồng hành nội trú với các em ở tuổi này…

2. Hai nhu cầu căn bản: Vị thuyết trình nhấn mạnh đến nhu cầu xã hội và nhu cầu hoạt động.

• Nhu cầu xã hội: Các em thích giao du với bạn bè cùng tuổi, không phân biệt giai cấp. Vì thế các em dễ bị lôi cuốn gia nhập băng nhóm xấu, bởi những bạn bè xấu, bạn bè cùng sở thích. Kế tiếp trẻ lứa tuổi này chỉ giao tiếp với những người lớn mà các em thấy vừa ý chúng, nhất là những người phiêu lưu, anh hùng, khoẻ mạnh. Cho nên, các em thích đọc truyện, xem phim anh hùng, phiêu lưu, trinh thám, bạo lực….

Vì thế, các vị trách nhiệm, phụ huynh thông qua việc giáo dục, làm việc, vui chơi...: Tạo ra những cơ hội để gần gũi với các em với tinh thần trẻ thơ. Biết cách gợi ý tổ chức cùng chơi, cùng làm với các em để kịp thời can thiệp giúp đỡ. Cũng như là cần kích thích mở rộng mối quan hệ của các em với bè bạn.

• Nhu cầu hoạt động: Vào tuổi này, độ tăng trưởng của các em đang rất dồi dào. Bên cạnh đó, các em cũng đang trải qua một cơn khủng hoảng về trí tuệ – khủng hoảng về ý thức cử động (idée motrice). Các em dễ hào hứng với những ý tưởng, kiến thức mới lạ. Câu hỏi “tại sao?” đã được chuyển sang câu hỏi “làm thế nào?”. Hơn nữa trẻ rất hiếu động, chúng chơi rất hăng say: Bên nam thích những trò chơi đối kháng, mang tính giao chiến và tranh đua giữa hai phe (kéo co, cướp cờ, đánh trận giả...). Đối với các em, thắng thua là việc rất quan trọng, nó nhằm mục đích tự khẳng định cá tính. Trẻ nữ cũng tương tự như thế, nhưng trò chơi nhẹ nhàng hơn (nhảy cò cò, đánh chuyền, nhảy dây, chơi ô quan...). Chơi chính là lao động của trẻ. Trong khi chơi, đứa trẻ học cách áp dụng và thực hành những khả năng của nó, dùng thời giờ phù hợp với năng lực và khả năng của nó, đắc thủ sự khéo léo và độc lập. Cấm trẻ em chơi là một tai hại cho đời sống tương lai của trẻ, vô tình đẩy trẻ vào tình trạng dồn nén, tạo nên những tình cảm rối loạn... Thích những trò chơi mạo hiểm, khám phá, mang tính tưởng tượng.

Chính vì những đặc tính của trẻ mà cha Giuse vừa trình bày, các vị trách nhiệm dùng trò chơi để giáo dục trẻ các đức tính: thành thật, tính kiên trì – rèn luyện tập quán kỹ thuật – tập thói quen làm việc – rèn luyện ý chí chinh phục, tự chủ…

3. Một số nét tâm lý khác của lứa tuổi tiểu học: mà các nhà giáo dục cần lưu ý là trẻ rất đa cảm, dễ xúc động. Cho nên bất cứ hành động thô bạo nào đối với các em, với các bạn, đối với thiên nhiên đều gây tổn thương nơi trẻ. Những câu chuyện quá thương tâm gợi lên cho các em lòng thương cảm nhưng cũng có thể âm thầm hình thành nên những tính hiếu chiến, hiếu sát, thích trả đũa, nhẫn tâm....trong vô thức.

Các nhà giáo dục cũng nên chú ý đến lứa tuổi các em rất hãnh diện khi được khen ngợi, khích lệ của người lớn những hình thức khen thưởng (hoa điểm 10, bảng danh dự, thăng cấp trong đoàn thiếu nhi thánh thể, kéo cờ,. ..) thúc đẩy sự thăng tiến rất nhiều nơi các em, đặc biệt sự trung tín.

4. Các tật xấu thường gặp: nói dối và ăn cắp vặt.

• Nói dối do: sợ – tưởng tượng (có ích vì báo trước một trí khôn) – khoe khoang.

• Ăn cắp vặt do: thiếu tình thương, thích bị lôi cuốn với những thứ đó, nhưng thường không có mưu mô, cho nên đừng đánh mắng trẻ nhưng phân tích cho chúng hiểu việc đó không tốt.

Biết đặc điểm tuổi của các em trong một hoàn cảnh xã hội luôn thay đổi, người mang sứ vụ đào tạo như Xukhomlinxki đã nói: “Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người”.

Gần 1h30 thuyết trình, vì đề tài thật hấp dẫn, lợi ích cho sứ vụ giáo dục và phụ trách nội trú cấp I, hơn nữa cha Giuse sâu sắc phân tích, dí dỏm, sinh động làm cho mọi tham dư viên cảm thấy quá ngắn, nhưng đã vượt quá giờ của chương trình, cha Giuse phải kết thúc thuyết trình chuyên đề khi lưu ý đến các nhà giáo dục hai điểm của tuổi tiểu học: ăn cắp không phải vì thiếu vật chất nhưng vì muốn được để ý và nói dối, nói dối vì tưởng tượng… Cho nên các nhà giáo dục không giải quyết bằng cái nhìn luân lý, nhưng với tinh thần nhìn nhận thực tế tâm lý của lứa tuổi, phải chăng như triết gia Socrates có gợi ý: "Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình"

Buổi thuyết trình khép lại lúc 10 giờ với giải lao, cũng là thời gian cho anh chị em tham dự viên có dịp gặp gỡ thăm hỏi nhau, biết nhau hơn… Sau đó Ban tổ chức chia làm 5 nhóm để thảo luận đề tài: “Những khó khăn thường gặp trong việc giáo dục hoặc quản lý lứa tuổi tiểu học”, các nhóm làm việc tại các phòng và hành lang của tầng III Văn phòng Hội đồng Giám mục…

Đúng 11g các nhóm báo cáo kết quả thảo luận, có rất nhiều khó khăn tùy theo hoàn cảnh của các nhà Nội tru, nhưng có ba điểm chung mà các nhóm thảo luận đều nói đến: Các em hay nói dối, hay ăn cắp, nhưng cái lo lắng nhất là vấn đề của giới tính: thích ghép đôi, bày tỏ tình cảm nam nữ…

Cha Giuse cùng trao đổi và hóa giải các khó khăn của tuổi tiểu học mà các vị đại diện vừa trình bày…

Theo chương trình dự định 11 giờ 00 là các tham dự viên cùng chia sẻ cơm trưa, nhưng các anh chị còn nhiều điều muốn trao đổi với nhau và xin cha Giuse trả lời những thắc mắc, hóa giải những vấn đề, phải đến gần 12 giờ mọi thành viên mới có thể rời hội trường đến phòng ăn ở lầu I. Trước khi dùng cơm, Ban tổ chức cám ơn cha Giuse Nguyễn Văn Sinh, quản lý Văn phòng Hội đồng Giám mục đã tạo mọi điều kiện cho Hội thảo chuyên đề hôm nay được thành công, ngài cũng bày tỏ là cửa Văn phòng luôn mở rộng để đón tiếp các anh chị em đến sinh hoạt. Cám ơn tấm lòng của cha quản lý. Với bữa cơm thân mật agapé, mọi người vừa chia sẻ cơm bánh vừa trao đổi kinh nghiệm sứ vụ giáo dục trong nhà nội trú.

Các tham dự viên rời tòa nhà văn phòng Hội đồng Giám mục vào lúc 13g, lòng anh chị em vẫn còn luống tiếc vì thời gian trôi qua đi nhanh mà mọi người còn muốn nghe, muốn trao đổi... Tuy nhiên ra các tham dự viên cũng rất vui vì ai cũng cảm thấy có thêm kinh nghiệm, thêm kiến thức cho sứ vụ đào tạo con người…

Quả thật như cha ông chúng ta dạy qua Tục ngữ Việt Nam: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" …

Ủy ban Giáo dục Công Giáo